#ngày chân chưa mỏi
Explore tagged Tumblr posts
lacyen · 1 year ago
Text
Có thể để lại một câu nói chữa lành gửi tặng tớ không?
1. Vào một ngày nào đó trong tương lai, cậu nhất định sẽ gặp một người ấm áp giống như cậu, hai người có thể là bạn bè, cũng có thể là người yêu, vì thế đừng lo lắng, những điều cậu mong đợi đều đang trên đường tới, những thứ cậu muốn đều sẽ thành sự thật, cậu dịu dàng như vậy, bước hai bước, gió cũng ấm áp nữa, sao thế giới này lại lỡ đối xử không tốt với cậu được chứ.
2. Mỗi khi không dám đối diện với khó khăn trong cuộc sống, tớ liền nhắm hai mắt lại, tưởng tượng bản thân là một bà lão 80 tuổi, sau đó liền cảm thấy hối hận vì bản thân đã không dũng cảm đối diện với những khó khăn đó mà chạy trốn. Sau đó liền nói với chính mình, nếu như có thể trẻ lại, tớ nhất định sẽ làm tốt hơn. Và rồi, tớ mở mắt ra và phát hiện: A, chính l�� trẻ ra một lần nữa rồi nè.
3. Tớ trở nên tự tin thú vị, cũng mở lòng để người khác bước vào cuộc sống của mình, tớ ngủ sớm hơn, cũng bắt đầu quan tâm đến tiền đồ và tương lai, tớ biết con người trước kia của tớ quay lại rồi, tớ yêu thích dáng vẻ nỗ lực mỗi ngày đối diện với khó khăn của tớ.
4. Cậu ý, chỉ luôn nhìn thấy những khiếm khuyết nhỏ nhặt của bản thân
để rồi thất vọng, sau đó liền tự ti
thế nhưng chớ quên rằng cậu cũng toả sáng, ấm áp và đáng yêu
cậu cũng đang cố gắng để bản thân ngày một tốt hơn
hãy mở lòng, hãy tin rằng cậu đang từng bước một lại gần đến dáng vẻ mà bản thân yêu thích.
5. Chúng ta thường hay động viên bản thân cố gắng, không phải vì cảm thấy bản thân chưa đủ cố gắng, cũng không phải để so bì thành công với ai cả. Mà từ tận đáy lòng tớ cảm thấy rằng, cậu không chỉ có thể như vậy, cậu xứng đáng với những điều tốt hơn, hi vọng cậu được đối xử chân thành, được yêu thương, vì thế đừng dễ dàng từ bỏ, hãy tiếp tục chăm chỉ nhé.
6. "Tớ nằm mơ, mơ thấy mọi người ép tớ nhảy, còn nói tớ hãy lên trên tầng cao nữa."
"Tớ cũng nằm mơ, mơ thấy tớ bắt được tay cậu".
7. Có người mình thích là một chuyện rất quan trọng, khi cậu có suy nghĩ mơ hồ trôi qua những tháng ngày bình thường tẻ nhạt, sẽ bởi vì người ấy mà cố gắng thêm một chút. Trong những ngày mệt mỏi, thậm chí không thể ngẩng đầu lên được, cũng sẽ vì đối phương mà cảm thấy cuộc sống này vẫn còn hi vọng. Trong một thế giới đầy cám dỗ, nếu như có người khiến bạn an tâm, người ấy chắc chắn quyến rũ hơn cả thế giới.
8. Gió đêm ấm áp, hoàng hôn chạng vạng
Dưa hấu ướp lạnh, coca sủi bọt
Nhân gian này có nhiều thứ đẹp đẽ như vậy
Cậu phải tin rằng cậu xứng đáng với tất cả sự dịu dàng.
9. Nếu như cậu không vui
Cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa, cố gắng cũng không được kết quả
Ngàn vạn lần cũng đừng từ bỏ
Ăn một cây kem, cảm nhận một chút lạnh giá ngọt ngào
Sau đó hít một hơi thật sâu, nói với chính mình cố gắng thêm một chút nữa
Kết quả tốt đẹp đang ở phía trước.
10. Cậu vẫn nên đi tìm hiểu núi sông
Ngắm nhìn vạn vật
Cùng với hoa tươi và chính mình
Chứ đừng ở đây cố chấp với những chuyện tình nhỏ nhặt mà không buông tha cho chính mình.
Zhihu | Lạc Yến dịch
363 notes · View notes
baosam1399 · 1 year ago
Text
〔Bài dịch số 1120〕 ngày 30.12.2023 :
看一场只属于2023年的日出日落 Ngắm bình minh và hoàng hôn chỉ thuộc về năm 2023
Tumblr media
Nếu như nói thế gian này có món quà gì là to lớn nhất, vậy thì chính là vũ trụ đã tặng cho ta những tia nắng ấm áp. Bất luận là mặt trời lặn hay mọc, với sự rực rỡ vĩnh hằng của nó, nó vẫn luôn tồn tại theo một cách rất ngoạn mục và khiến ta cảm động, nếu không những người thi nhân tại sao thường hay cảm thán rằng : "Ta tới với nhân gian, chỉ vì muốn gặp gỡ mặt trời?"
Trong một năm mà ta đã đi tới cuối đoạn đường này, không phải là đang nói chỉ xem một cảnh mặt trời mọc là rất giỏi giang, mà là dù có bận tới nỗi đầu bù tóc rối bạn vẫn có thể trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống thường ngày. Tôi hy vọng bức màn vén hạ năm 2023 của bạn cũng tươi sáng và tỏa sáng như tương tai của bạn.
整理相册,选出“年度照片” Sắp xếp album ảnh và chọn ra "Bức ảnh của năm"
Tumblr media
Những tấm ảnh - là minh chững cho việc chúng ta từng yêu - từng điên cuồng - từng đau khổ - từng khóc lóc - từng cười vang, chúng là thứ mà ta có thể theo dõi qua thời gian và cuộc sống. Nếu như ta chụp một bức ảnh - vậy đó chính là bức chân dung của năm 2023.
Vậy thì sắp xếp album cũng là một cách sắp xếp năm 2023 của bạn, hãy vượt theo dòng hồi ức chọn ra bức ảnh đẹp nhất, trong số đó chắc chắn sẽ có quãng thời gian mà bạn vui vẻ nhất, đó là tác phẩm giữa bạn và năm 2023, đồng thời cũng là đoạn thời gian khiến bạn xúc động khi nhìn lại nó vào những năm tiếp sau đó.
画一张自画像‍‍‍ Vẽ một bức chân dung tự họa
Tumblr media
Bất luận bạn có phải là chuyện gia hội họa hay không, hãy cứ đặt bút vẽ thử đi. Giống như Picasso, Matisse, hay Van Gohn - hãy cứ giải mã chính mình và sau đó tái tạo lại bản thân, hãy vì bản thân mà đặt bút, vì đó cũng là cách mà ta đang nhìn lại chính mình, là quá trình ta đang độc thoại với chính mình. Trong một năm nay, bản thân bạn có những thay đổi gì? Hình xăm mới đó là dành cho ai? Đôi lông mày đang nhíu chặt ấy có thể thả lỏng ra không? Ánh mắt bạn đã kiên cường hơn chưa? Tính cách bạn đã ôn hòa hơn chưa? Quá khứ của bạn, ẩn dấu trong tim bạn nhưng cũng đang khắc họa trên gương mặt bạn. Vẽ đi, vẽ lại bản thân đi, hãy cứ trực quan mà đối mặt với chính mình, Sau đó men theo dấu vết ở bức tranh ấy rồi lần ra điều bạn muốn trở thành nhất.
给惦念的人写一封长长的信
Hãy gửi một bức thư thật dài cho người mà bạn nhung nhớ nhất
Tumblr media
Trong thời đại hiện đại hóa, viết những lá thư tay dài cũng giống như đang bấm nút phát chậm thời gian, ta nắn nót từng nét chữ, gói thời gian lại bằng những vần thơ đầy thơ mộng, giống như "Ye Du" từng nói, những khúc quanh ngang dọc là thế mạnh của một tác phẩm, ngay thẳng nắn nót, là nghi thức mang tính thẩm mĩ, lời nói và câu chữ được cân nhắc kĩ lưỡng, tấm lòng là nhiệt độ. Viết một bức thư, nói với họ rằng suy nghĩ và nỗi thương nhớ của bạn giống như một chú ngựa đang chạy nước rút chưa từng dừng lại kể từ khi ta chia xa, nói với họ rằng tuyết rơi nhớ chú ý an toàn, nói với họ rằng nút thắt trong lòng họ thật ra sớm đã có thể gỡ bỏ... vào mùa đông lạnh lẽo, những ngày cuối năm, trên đời này có người để ta thương nhớ là một chuyện hạnh phúc biết bao.
送出感恩的礼物‍ Tặng một món quà để cảm ơn ai đó
Tumblr media
Cảm ơn ơn dưỡng dục bao nhiêu năm qua, cảm ơn sự dạy dỗ không mệt mỏi của người, cảm ơn những người không bao giờ bỏ cuộc và động viên ta, cảm ơn khi tôi nhờ tới sự giúp đỡ người đã luôn giang tay, cảm ơn những sự gặp gỡ đã thay đổi quỹ đạo cuộc đòi tôi, cảm ơn vì đã yêu thương nửa cuộc đời vẫn cảm thấy tình yêu ấy là chưa đủ, cảm ơn sự thành toàn ấy, và càng biết ơn những tấm lòng nhân hậu ấm áp đã ủng hộ tôi. Trong năm này, khi bạn đạt được điều gì đó trong công việc, có người để nương tựa và có được sự bình yên trong tâm hồn, vậy hãy cứ yêu anh ấy/cô ấy thêm nhiều hơn nữa. Hãy nhớ chuẩn bị những món quà nho nhỏ ấm áp, không tính tới đắt đỏ mà quan trọng là hãy trân trọng đem theo thành ý to lớn nhất của bạn cho họ
2024来临前,与自己重归于好 Trước khi năm 2024 tới, hãy sống thật bình yên
Tumblr media
Điều tôi muốn nói nhất là : Chúng ta không đủ may mắn để kì thi nào cũng hoàn thành một cách suôn sẻ, nhưng chúng ta cũng không hề sẵn sàng thua kém bất cứ ai, cảm ơn vì chúng ta đã làm việc chăm chỉ trong một năm qua, sau khi hét lên không biết bao nhiêu lần "chết tiệt" và "buông xuôi", chúng ta vẫn lấy lại sức lực để đứng dậy bước tiếp. Cảm ơn vì ta đã làm việc chăm chỉ, khoảnh khắc khi chúng ta được về nhà có lẽ là ta đã nuốt xuống được những cay đắng ngọt bùi xuồng lòng, bạn vất vả rồi. Mỗi khi bị tỉnh giấc giữa đêm khuya, phải cố gắng dỗ dành con cái ngủ rồi mới có thể an giấc, bạn vất vả rồi. Những người vẫn đang phải mưu sinh trên những con ngõ nhỏ, trên những cung dường đầy mưa nắng gió, bạn vất vả rồi.
- (Hoài Vũ Vũ/baosam1399 dịch)
73 notes · View notes
qanhcherry · 4 months ago
Text
Những điều tích cực của “tuổi trưởng thành” 🌸
23 tuổi, ngày nào mình cũng tra tấn bạn bè mình bằng bài ca quen thuộc: “ước gì em được bé lại”, “em muốn mãi mãi 17 tuổi”, “em không lớn đâu, em sẽ sống như loài 4 chân cả đời này”… Dù biết là vô dụng đấy, nhưng tật xấu của nhân loại là hối tiếc những điều đã qua mà, cho nên vừa ca cẩm vừa phải học cách chấp nhận, vừa khóc lóc ăn vạ trong âm thầm vừa tìm kiếm những niềm vui mới khi buộc phải lớn lên, buộc phải “đi bằng 2 chân như một con người” để trưởng thành là một cuộc hành trình chứ ứ phải một cuộc hành xác.
Điều đầu tiên, trưởng thành là chia ly. Bởi vì đã trải qua chia ly, nên càng biết trân trọng, trân quý từng phút giây, từng khoảnh khắc, từng cái chớp mắt của những người bên cạnh. Không biết từ bao giờ, điện thoại mình luôn đầy ắp những thước phim, ảnh chụp của gia đình, bạn bè. Mỗi lần về quê là tay cứ phải cầm cái di động, sẵn sàng tác nghiệp mọi lúc mọi nơi, nếu không kịp ghi lại điều gì đó thì mình sẽ check cam, tua lại để lưu bằng được cái khoảnh khắc ấy. Đó có lẽ là việc duy nhất trong cuộc đời này có thể khiến mình cố chấp tới vậy 😂 Giờ mở máy mình lên là tìm mỏi mắt cũng không thấy gì ngoài một đống tư liệu thực tế đời thường.
Mà điều kỳ diệu nhất là càng lớn mình càng kìm được cái tính trẻ trâu, nóng nảy, bốc đồng. Mình bớt gắt gỏng khó chịu với mọi người xung quanh, mình cố gắng cười nhiều nhất có thể, nói nhiều lời yêu thương nhất có thể, ôm và hôn nhiều nhất có thể những người quan trọng trong cuộc đời mình. 23 tuổi nhưng vẫn thơm má ông bà bố mẹ như hồi trẻ con, mình nghĩ đó là thói quen tốt duy nhất mà mình vẫn giữ được, bên cạnh 7749 thói quen xấu xí trong cuộc sống thường nhật.
Điều thứ hai, càng lớn mình càng yêu cái tên của mình hơn. Hồi nhỏ thấy tên người ta văn hoa mỹ miều là bắt đầu hậm hực sao mẹ không đặt tên con là Abc, sao bố không làm khai sinh con là Xyz. Đi đâu phải giới thiệu tên là cứ cố nói cho nhanh cho qua, vì cảm thấy tên mình… kì kì. Nhưng giờ thì còn lâu mới có chuyện đó, tự tin khoe cá tính, gặp ai cũng xưng tên, thiếu điều muốn in tờ bìa ghi rõ họ tên mình dán luôn lên trán, ai quên hay nhầm tên mình là giận là dỗi liền đó. Cái nết cỡ vậy nhưng mà hèn, giận trong lòng dỗi trong tim thôi, miệng vẫn phải cười tươi như hoa mười giờ đính chính lại “Tên tui là thế này cơ mà!”
Vì yêu cái tên của mình nên càng yêu cái tên quê hương mình sinh ra. Hà Nam đất mẹ anh hùng, diện tích nhỏ áp chót 63 tỉnh thành, nhưng có tới gần 18.000 liệt sĩ, 109 nghĩa trang anh hùng liệt sĩ, máu xương trải dài gấm vóc non sông. Nhớ cái hồi có thông tin Nhà nước sẽ sát nhập Hà Nam vào Hà Nội, mình với mấy đứa bạn cứ lo ngay ngáy. Chẳng biết là phải lo cái gì, nhưng nghĩ tới cảnh “mất quê” là lòng buồn rười rượi (trộm vía tới giờ trên hộ khẩu vẫn là Hà Nam 😂).
Yêu quê hương càng yêu Tổ quốc, yêu hai chữ Việt Nam, yêu màu cờ đỏ thắm và ngôi sao vàng rực rỡ, yêu văn hoá cội nguồn đã nuôi mình lớn khôn. Mình rất thích một câu của bác Trọng: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn!” Hay như NSND Tự Long đã nói “Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc.” Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy, phải đến khi trưởng thành mình mới càng ngày càng thấm, càng hiểu, càng yêu. Làm sao mà không yêu cho được, đất nước bé nhỏ bị đô hộ nghìn năm, bị đế quốc lăm le xâm lược cả trăm năm có lẻ mà vẫn kiên cường giữ vững được hồn cốt bao đời. Người ta có thể giết chết hàng triệu anh hùng quên mình vì Tổ quốc, nhưng không bao giờ giết được tinh thần bất khuất của con Rồng cháu Tiên, không bao giờ làm nguội đi được dòng máu Lạc Hồng ấm nóng chảy trong trái tim những người con đất Việt. Hôm nào lỡ ngủ muộn, lướt Tiktok xem video kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, hay gần đây nhất cập nhật tin tức lũ lụt sau siêu bão Yagi, là y như rằng sáng dậy mắt mũi sưng húp, mất nửa hộp khăn giấy vì cái tính mình dễ xúc động, lâu lâu hát Quốc ca còn nghẹn nghẹn run run (ngại quá 😞).
Điều thứ ba… chưa nghĩ ra 🥴 Về cơ bản thì trưởng thành không đáng sợ như serie phim kinh dị The Conjuring. Nhưng tất nhiên đối với mình thì nó vẫn khá là… vcl. Phía trên là một vài lý do tích cực để mình đỡ ghét cái chuyện mình đã trở thành người lớn thôi, chứ ngày mai mình sẽ lại ca cẩm bài ca bất hủ “Cho tôi một vé về tuổi thơ” tiếp cho mà xem. Trẻ con còn được ăn vạ, chứ lớn tồng ngồng mà còn ăn vạ thì chỉ có ăn vả!
Không sao cả, cứ chill thôi 🤗
Tumblr media
14 notes · View notes
antruongnguyenthuy · 1 year ago
Text
Tumblr media
Thờ ơ chưa bao giờ là một tính tốt.
Tuần rồi, giữa quay cuồng cuối tuần, tự nhiên con bạn thời đại học gửi cái thiệp từ năm 2019 mà mình đã viết nhân dịp sinh nhật nó. Đứng thiệt lâu mà mình thật sự đã không nhớ mình từng có tặng món này hay sao ta?! Mình hay vậy lắm, mình chỉ chân thành đúng giây phút hiện tại, sau đó nhớ hay quên là chuyện của người khác, mình không mang theo bên người nhiều tâm tư đến vậy.
Có đôi khi mình không hiểu hết được sự mong đợi của những người mình thương dù họ là một tệp rất thưa thớt người, cũng không phải là quá đông đến nỗi không quan tâm xuể. Nhưng điều ngọt dịu nhất mà mình nhận được từ họ đó là dẫu mình có thờ ơ ra sao, mình cũng không bao giờ phải trả lời tại-sao-thế-này, tại-sao-thế-nọ.
Bất chấp mình luôn nhìn ra thế giới muôn màu và chực chờ sải cánh bay, vẫn có vài người cứ ôn hoà đứng đợi.
2019 là cách đây 4 năm, 2016 là cách đây 7 năm. Nhớ cái buổi đầu tiên sinh hoạt công dân ở hội trường, mình chọn ngồi ở hàng ghế đầu tiên, một mình. Tự nhiên có con kia đi muộn, hụp hụp bước vào rồi lao thẳng tới chỗ cạnh mình và ngồi xuống. Từ đấy là hai đứa dính với nhau suốt 4 năm đại học, cùng ghét một người, cùng vượt qua muôn vàn ngốc dại đầu đời. Nhớ cả những ngày hẹn nhau cà phê học bài từ 7h sáng mà đến tận 4h chiều mình mới ra tới.
Thật, tệ đến thế chắc chỉ có mỗi mình.
Nhiều điều không vui trong đời đến nhanh quá mức và mình không có sự chuẩn bị nên thoắt cái, mình đã trở thành một người khác — một kẻ quên đi gần hết cách quan tâm đến người khác. Nhưng may mắn là dẫu khác đến thế nào, vẫn có nhiều người nhận ra mình và nhẹ nhàng vuốt ve mình từ trong những điều sâu thẳm nhất, như vậy đó.
Chiều nay, có con bé cũng viết cho mình cánh thư dài cả trang A4 dù chỉ mới biết mình mấy tháng trở lại đây. Có lẽ là vì nó biết mình mới mấy tháng đấy, chứ rõ hơn về mình có khi nó sẽ viết ngắn lại. Chỉ là trong từng lời mà cô bé đã viết, nó phảng phất sự chân phương của bóng dáng mình dăm ba năm về trước.
Những năm ấy, mình cũng từng là kẻ dành nhiều chữ nghĩa cho những người gần cạnh. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, đứng trước nhiều điều mòn mỏi, mình dần quên đi mong muốn tỏ bày. Rồi mình cũng nhận ra ở tầm tuổi này đổ đi, hành động mới là câu trả lời, ngôn từ không cần thiết phải nhiều đến vậy. Người ta giấu đằng sau những lời sáo rỗng nhiều ý nghĩ hợm hĩnh quá, thà không nói có khi sẽ đỡ ngượng cho nhau hơn. Mình hầu như chẳng còn bày tỏ gì, tệ hơn là mình chỉ “nhận và trả”, mình quên đi cách “cho”. Nhưng mà mình không có ý định thay đổi điều gì đâu, cuộc sống là vậy, ở mỗi thời điểm mỗi người sẽ chọn cách sống mà mình thấy đỡ mệt nhất. Cùng lúc ta chấp nhận được nhau thì ở lại, không thì đường vẫn rộng, cứ đi.
Chỉ là biết ơn đời khi mang đến gần cạnh mình những người như vậy, bất kể mình làm gì vẫn để lại cho mình đường lui, bất kể mình muốn gì vẫn giấu cả thế gian để lén lút thành toàn cho mình, bất kể mình đỏng đảnh ra sao vẫn đứng đằng xa nhìn theo không rời mắt. Họ không bao giờ bày tỏ lấy một điều gì vậy mà chưa bao giờ quên mình không ăn cay, nhớ rõ mình thích áo trắng kẻ sọc xanh, sợ mình ngủ bị giật mình, biết góc mặt phải của mình xinh hơn góc mặt trái,… và ti tỉ những điều chân thành ý nhị khác.
Ta rồi sẽ lớn, ta rồi sẽ già. Ta không có nhiều chọn lựa về những người bên cạnh, mà có chọn thì cũng chẳng mấy khi toại nguyện. Nhưng trong muôn vàn chuyển biến khôn lường và ngần ấy thảo mai gượng gạo, xin nói một lời biết ơn vì ở quanh đây, có vài người đã chân thành quý mình mà không đòi hỏi mình phải động tay động chân làm một thứ gì.
Thật may mắn vì quanh mình, không ai dúi kẹo vào tay mình và nói chuyện ơn nghĩa (dù mình sẽ trả lại bằng đúng viên kẹo đó ngay thôi). Trong thế giới của một người vốn có nhiều điều lớn lao và cũng nhiều điều thật ra nhỏ nhặt đến không đáng kể, thật tốt khi ta đã luôn ân cần trước khi ta đòi hỏi.
— AN TRƯƠNG
71 notes · View notes
phan-viet-ha · 2 months ago
Text
Cuộc sống là một hành trình dài đầy thử thách, mỗi bước chân qua đều chứa đựng những bài học quý giá. Có đôi lúc, chỉ cần một lời nhắc nhở giản dị “Cố lên!” cũng đủ để tiếp thêm động lực cho chúng ta, giúp ta vượt qua những hố sâu của sự mệt mỏi, những nỗi cô đơn không ai thấy được. Nhưng đôi khi, cố gắng cũng không chỉ là vươn lên, mà còn là biết dừng lại, thả lỏng, để tâm hồn có một chốn nghỉ ngơi giữa những áp lực chồng chất.
Có lẽ, không ai muốn cuộc đời mình trắc trở, nhưng nếu ta chỉ mong an yên mà không dám đối mặt với sóng gió, cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu và nhạt nhòa. Những khó khăn đến có thể làm ta mệt mỏi, nhưng chính chúng là yếu tố làm nên màu sắc của cuộc đời. Mỗi thử thách là một vai diễn, một thước phim, để ta không ngừng chuyển mình, khám phá những giới hạn chưa từng biết đến. Dù có phải đóng những vai không như mong đợi, đó vẫn là một phần của ta, một bài học để rèn luyện trái tim thêm rộng lượng, để học cách mỉm cười trước cả những điều không hoàn hảo.
Trong hành trình đó, có thể đôi lúc ta lạc lối, chưa biết rõ mình nên đi về đâu. Nhưng hãy nhớ, mỗi vai trò ta đảm nhiệm, mỗi chặng đường ta đi qua, đều là một bước gần hơn đến sự bình an trong tâm hồn. Hãy luôn tin vào giá trị bên trong mình, vì chỉ khi biết trân trọng và tin tưởng bản thân, ta mới thực sự tìm thấy con đường của riêng mình.
Vậy nên, hãy kiên nhẫn và tiếp tục bước đi. “Cố lên!” không chỉ là lời động viên, mà còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua, và mọi nỗ lực sẽ được đáp đền. Rồi sẽ đến ngày, khi nhìn lại hành trình, ta sẽ thấy rằng mỗi đau khổ, mỗi niềm vui đều góp phần làm nên một con người mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
17 notes · View notes
n-u-o-c · 4 months ago
Text
Vừa xem xong một video phim ngắn của các bạn đồng trang lứa cách đây 10 năm. Mình chợt nhận ra ngay từ năm nhất các bạn đã có đam mê, có hoài bão, dám làm, dám thể hiện, có lẽ đó là điều mà mình đã vứt bỏ ngày từ khi bước vào trường đại học.
Và mình nghĩ rằng không hề muộn khi mình vẫn tiếp tục học tập và làm việc duy trì cái tâm trong sáng của mình. Hôm qua chị bác sĩ cũng nói, sau bằng ấy năm làm nghề, cho dù có rất nhiều khoảnh khắc chị gặp những tình huống khiến cho mình mất đi tâm huyết và động lực, nhưng bây giờ nhìn lại chị vẫn còn nguyên lý tưởng của mình từ lúc học y và lúc tốt nghiệp đại học y. Đó là điều mình trân quý và mình cũng thực sự muốn theo đuổi dù con đường đó có thể khiến cho mình không thể giàu có và lo về tài chính cho bố mẹ như mình mong muốn. Giữa cuộc đời mỗi người một sứ mệnh riêng thì mình hoàn toàn tin rằng việc giữ được tâm sáng để tiếp tục hành nghề y quan trọng hơn việc theo đuổi những thứ hư danh khác.
Nhìn vào video của các bạn quả thật mình rất ngưỡng mộ. Dù đó chỉ là video của một nhóm sinh viên năm nhất, 18 - 19 tuổi, vừa bước chân vào một cánh cửa mới, nhưng cách thể hiện của các bạn đã tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy đam mê và sự chăm chút cho sản phẩm của mình. Dù là nghiệp dư, dù còn ngây ngô, nhưng việc các bạn thể hiện cho mình thấy quả thật khiến cho một người ở 10 năm sau như mình cũng phải hổ thẹn. Có lẽ 10 năm qua không dài nhưng là quá đủ để khiến cuộc đời mình hay con người mình càng yếu đuối và hèn nhát hơn. Thậm chí mình đã tìm kiếm và tự hỏi bản thân mình rất nhiều lần rằng mình thích làm gì, hợp với chuyên ngành gì, cho đến giờ vẫn chưa có một câu trả lời hoàn chỉnh... Có khi nào không yêu thích công việc mình làm nhưng vẫn cống hiến và làm hết mình được? Câu trả lời của mình là có, chỉ là, đôi khi mình mệt mỏi vì không thể mãi duy trì năng lượng vừa đủ. Đã có những lúc như thế kéo mình lùi lại và vùng vẫy về một hướng đi mới.
Cảm ơn bình luận của một người lạ trên tumblr, cũng như một ngọn đèn khiến mình có thể tiếp tục những kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo.
12 notes · View notes
lcthbao · 1 month ago
Text
André Aciman, "My Roman Year" (trích)
Đặt giữa bối cảnh Roma thập niên 1960, My Roman Year ghi lại thời niên thiếu của André Aciman, bắt đầu khi ông cùng gia đình lần đầu đặt chân đến đây sau khi bị trục xuất khỏi Ai Cập. Mọi dấu vết về địa vị và sự khá giả từng có ở Alexandria giờ đây đều bay biến theo cuộc trốn chạy. André cùng em trai và người mẹ khiếm thính của mình chuyển đến một căn hộ cho thuê ở Via Clelia, loay hoay tìm cách chấp nhận thực tại, học cách hòa nhập với cuộc sống mới và thông qua đó, khám phá trái tim đang đập của Thành phố Vĩnh hằng.
Trong cuốn hồi ký này, André Aciman gợi lên đích xác quang cảnh, con người, mùi hương, phong vị của Roma theo cách mà chỉ ông mới có thể làm được. Bằng thứ văn xuôi trau chuốt từ lâu đã trở thành thương hiệu, vừa xúc động vừa đẹp đẽ, My Roman Year mở ra cuộc sống của một gia đình mãi mãi lưu vong, dẫu đang sống ở Roma đấy nhưng chẳng dám gọi là nhà.
Tumblr media
[...]
“Xin đừng ghét ông. Ông không phải yêu tinh.” Đó là lời ông Claude nói khi sắp sửa bước ra khỏi căn hộ mới của chúng tôi ở Roma và đi về phía cầu thang. 
Claude, hay Claudio như bấy giờ ông vẫn thường được gọi ở Ý Đại Lợi, đứng nơi ngưỡng cửa và lặp lại chính xác lời chị gái ông mấy tháng trước ở Ai Cập đã nói khi cố xua đi những lời không hay về ông. “Ông ấy là người tốt nên đừng nghĩ ông ấy là yêu tinh nữa,” bà nhìn thẳng vào hai anh em tôi mà nói, dùng một từ như lấy ra từ cổ tích. “Đúng là tính khí ông ấy nóng nảy thật, nhưng cứ nghĩ ông ấy bốc đồng đi. Nhà ta ai mà chẳng có chút bốc đồng, đúng không?”, bà nói thêm về người đàn ông mà chúng tôi sẽ gặp ngay khi tàu cập bến Napoli. “Bốc đồng” là vẫn còn nhẹ để miêu tả về người mà những cơn thịnh nộ của ông mãi mãi in hằn trong ký ức của bất kỳ ai quen biết. Bà Elsa hẳn đã biên thư cho ông từ Ai Cập mà kể rằng chúng tôi rất sợ gặp ông. 
Bằng chính từ mà bà tôi đã dùng, yêu tinh, nơi ngưỡng cửa ngày hôm đó, ông đã tìm ra một cách gian xảo và xấu xa để cho chúng tôi biết rằng, nhờ ơn những cánh thư không mỏi của bà Elsa, ông biết rõ người nhà chúng tôi ở Ai Cập xì xào gì về ông. Bà Elsa mồm mép tép nhảy. Bà không kìm được mà thú nhận trước tiên rằng bà đã nói lắm. “Je suis gaffeuse,” tôi là một kẻ dại khờ. Hẳn bà đã kể với ông rất nhiều về chúng tôi, chuyện cha mẹ chúng tôi cãi nhau như cơm bữa, chuyện anh em tôi vật nhau ỏm tỏi trong phòng, đương nhiên cả chuyện chúng tôi xấu tính với bà thế nào, không tôn trọng bà già tám mấy tuổi sắp hết nhìn thấy đường này ra sao. Lý nào ông lại không muốn tỏ ra mình biết rõ những chuyện đương diễn ra trong nhà?
Trong những lá thư kể về Roma gửi cho chúng tôi, ông Claude đã thật thà miêu tả kỹ lưỡng căn hộ ba phòng ngủ mà ông đề nghị cho chúng tôi thuê lại. Gần đó có một công viên nhỏ, siêu thị, cửa hàng bách hóa, tất cả tạp phẩm cùng bốn rạp chiếu bóng mà rủi thay, như ông viết trong thư, chỉ chiếu phim phụ đề nhưng rồi người ta cũng quen. Chúng tôi sẽ thích Roma cho xem, ông chắc chắn như thế. Bà nội tôi, chị gái của ông và lớn hơn bà Elsa, một người chị em khác của họ, đã biên thư kể với ông rằng tôi mê lịch sử. Ông hồi âm lại, hứa sẽ dắt tôi đi tham quan những khu nổi tiếng và không nổi lắm của Roma, những nơi chỉ dân địa phương mới biết còn du khách thì không. Ông nói thêm rằng mất cả đời này hoặc cả đời sau nữa cũng chưa đi hết, không như cái ổ Alexandria của chúng tôi.
Chút hiểu biết của tôi về Roma có được từ tấm bản đồ nhỏ xíu từ tòa lãnh sự Ý Đại Lợi ở Alexandria. Các phố lân cận sắp tới của chúng tôi ở Roma mang những cái tên nghiêm trang lấy từ sử thi Aeneid của Virgil: Via Enea (Aeneas), Via Turno (Turnus), Via Camilla (tương tự). Via Niso (Nisus) dẫn thẳng vào Via Eurialo (Euryalus) như thể các nhà hoạch định thành phố biết rằng, cũng giống như trong câu chuyện sử thi của Virgil, tình yêu của Nisus dành cho Euryalus là không thể nào chia cắt. Tôi không mong bắt gặp Camilla hay Turnus đang thắt giáp chuẩn bị xông trận, song tôi biết sức nặng của truyền thuyết và lịch sử đã thấm vào từng ngõ ngách Roma. Ngược lại, trong mắt ông Claude, thành phố của chúng tôi lại là một cái ổ. Tôi đã phải tra nghĩa từ này.
Tôi thích tính hài hước của ông Claude. Bạn có thể nhìn ra ngay trên các phong thư của ông, những phong thư luôn đến Alexandria với hai từ viết hoa gạch chân “Tiếng Pháp” đặt dưới địa chỉ của chúng tôi. Việc này giúp các giám sát viên Ai Cập, những người đọc hết thư gửi về từ nước ngoài, dễ dàng chuyển lá thư của ông đến người phụ trách đọc thư tiếng Pháp. Đây cũng là cách ông thông báo với viên giám sát rằng trong thư không có cáo buộc hay thỏa hiệp gì, bởi như đã cho biết ngôn ngữ của nó, ông biết thừa lá thư sẽ bị đọc trước. Trên thực tế, giám sát viên luôn mở thư ông Claude ra đọc rồi đóng lại bằng một nhãn dán cho người nhận biết thư đã được kiểm duyệt. Tôi thích lối tiếp cận “lá thư bị đánh cắp” này của ông, giấu bằng chứng ở nơi thật dễ thấy. Ông đã tài tình qua mặt chính quyền Ai Cập về tài khoản ngân hàng của cha tôi ở Thụy Sĩ bằng cách viết rằng ông thấy tinh thần bà dì Berta phấn chấn hẳn lên khi nhìn cô cháu nội an toàn theo mình trong chuyến nghỉ ngắn ở Hy Lạp. Bà dì Berta không ai khác hơn giám đốc ngân hàng của cha tôi ở Nhật Nội Ngỏa, còn cô cháu nội kia thực chất là giao dịch viên đáng tin cậy người Hy Lạp phụ trách chuyển tiền ra nước ngoài. Hóa ra người Hy Lạp này cũng không đáng tin lắm. Hắn đã cuỗm tiền trong ngân hàng Thụy Sĩ rồi cùng gia đình bỏ trốn tới Brooklyn. Ông Claude, người từng là luật sư kinh nghiệm giao thiệp rộng ở Thụy Sĩ, nghe phong thanh về tên trộm kia liền đánh điện báo cho cha tôi ở Ai Cập hay: căn bệnh trầm trọng của bà dì Berta yêu dấu đã khiến đứa cháu gái tội nghiệp phải mở miệng.
Nhờ sự khôn ngoan, lanh lợi và nhạy bén với gian lận, lọc lừa, ông Claude đã kiếm lại được một ít tiền thông qua Interpol, song phần lớn đều đã tiêu tán theo như ông khẳng định. Cha chỉ cho chúng tôi cách thể hiện lòng biết ơn chân thành với ông Claude nhưng tuyệt đối không bao giờ tin tưởng. Cùng với đó, cha yêu cầu cậu mình đưa cho chúng tôi một khoản tiền cố định mỗi tháng.
Trên boong tàu đến Ý Đại Lợi vào buổi sáng định mệnh hôm đó, mẹ và tôi trông ra với hy vọng ông Claude sẽ tới Napoli đón chúng tôi. Tôi không chắc người đàn ông đứng trên cầu tàu mà tôi nhìn thấy từ xa có đúng thật là ông Claude không. Tàu vẫn chưa cập bến, nắng làm lóa mắt tôi. Tôi chỉ nhìn thấy những nhóm người chen chúc trên bến tàu, phu khuân hành lý, nhân viên vận chuyển và hải quan, cả bạn bè và họ hàng từ khắp Ý Đại Lợi đổ về chào đón những người mà họ đã nhiều năm không gặp. Điều tôi còn nhớ về ông Claude từ hồi bé tẹo là khi ông đặt tôi ngồi lên đùi, đối diện vô lăng và cho tôi vờ lái chiếc xe cổ lỗ sỉ của ông, chiếc xe mà mọi người trong nhà đặt cho cái biệt danh nhà táng di động mà mãi sau khi ông đột ngột bay khỏi Ai Cập vẫn còn gọi. Tôi nhớ mái tóc xoăn đen, cái mũ, cặp kính râm đặc biệt với vải tối che hai bên tròng kính của ông, tiếng tặc lưỡi bắt chước cái tay quay nhỏ mà ông liên tục xoay phải rồi lại xoay trái để đóng mở kính chắn gió trong lúc làm bộ mặt bối rối chọc cười đám trẻ con. Hồi đó chắc tôi mới ba tuổi. Tôi không còn gặp lại ông từ sau cái hôm ông chở bà nội và tôi từ biển về nhà dùng bữa trưa thường nhật trong căn hộ rộng lớn bấy giờ vẫn còn được cai quản bởi mẹ ông, bà cố của tôi. Chiếc xe có ghế da cũ kỹ, bong tróc và gồ ghề của ông khiến tôi tò mò, bởi chưng tôi chưa từng thấy chứ đừng nói ngồi trên một chiếc xe lỗi thời như thế. Tôi biết biệt danh của nó nhưng được dặn không bao giờ gọi ra trước mặt ông.
Nhà táng di động được dùng như một biệt danh giễu tính bủn xỉn cố hữu của ông Claude, phẩm chất mà ông chia chung với tám anh chị em của mình, trong đó có cả bà nội tôi và bà Elsa. Ai cũng xem tính bủn xỉn của mình như một hình thức tiết kiệm có được sau nhiều năm khốn khó, qua nhiều thế hệ, song tất cả những người quen biết gia đình, từ mẹ tôi cho tới các gia nhân nhỏ tuổi nhất, đều gọi nó bằng tên thật sau khi vung thẳng tay ra với nắm đấm siết chặt biểu thị không gì khác ngoài tính hám lợi - lòng tham xấu xí, ngoan cố, vô phương cứu chữa, cố hữu và chặt như nắm đấm. Chi ấy của gia đình không bao giờ cho đi thứ gì và tích trữ mọi thứ như thể kỷ vật rất lâu sau khi chúng đã được dùng hết công dụng, biện minh cho sự miễn cưỡng khi chia tay chúng bằng câu châm ngôn tiếng Pháp thường được nhắc đi nhắc lại là on ne sait jamais, không ai biết được, nghĩa là không ai biết được khi nào thì một thứ bị vứt đi có thể hữu dụng hay khi nào thì một người bạn bị bỏ rơi sau cùng lại trở nên hữu ích. 
Chiếc xế hộp không tuổi đã được đưa xuống bãi phế liệu cùng với cái mũ, cặp kính râm có chớp và cái tay quay nhỏ xíu dùng cho kính chắn gió di động có bánh răng kêu cót két, lách cách của ông. Ông tính đợi bán lẻ từng món cho người ngả giá cao nhất, nào ngờ cảnh sát Ai Cập lại phát hiện ông chuyển tiền sang Thụy Sĩ. Một người quen xa đã báo cho ông kịp lúc. Ông Claude thoát chết trong gang tấc qua đường cửa bếp và không bao giờ thấy ở Ai Cập nữa.  
Mẹ tôi lại nhìn ra bến tàu và tin rằng người mà chúng tôi thấy lúc nãy không thể nào là ông Claude được. “Bảnh tỏn quá,” mẹ nói như thế. Ông ấy không đời nào tiêu tiền vào quần áo đẹp đâu. Thay vào đó, mẹ chỉ một người đàn ông mà bà nghĩ trông rất juif, song lại đổi ý. Đoạn, có người đàn ông đứng xa xa trên bến hình như nhận ra mẹ và vẫy tay rối rít. Mẹ nói như thế không đúng. “Ông ấy chẳng bao giờ ưa mẹ, mẹ cũng không chịu nổi ông ấy.” Rốt cuộc, người đàn ông đang vẫy tay ấy tựa vào lan can và hét gọi tên mẹ, “Rina, Rinaaaa.” “Không phải ông ấy,” mẹ tôi vẫn khẳng định. “Vả lại,” mẹ nói thêm, “ông già cũng không phải kiểu người sẽ đến đây gặp chúng ta. Nội tiền xăng từ Roma tới đây thôi đã là chuyện không tưởng rồi.” Thêm nữa, chúng tôi không quan trọng đến mức ông phải tự mình đánh xe tới. Mẹ, em trai và tôi, không tính cha tôi và bà Elsa, là những thành viên cuối cùng rời Ai Cập. Ông Claude đã nhắc đi nhắc lại trong thư vô số lần ông tới Napoli đón họ hàng - bố mẹ vợ, cháu trai, cháu gái cũng như anh chị em ruột bao gồm bà nội tôi. Đâu thể mong ông lần nào cũng có mặt trên bến tàu được. Khi đã kết luận ông Claude sẽ không đến Napoli đón chúng tôi, mẹ nhắc cho anh em tôi nhớ rằng dù gì người của sở tị nạn cũng sẽ đưa chúng tôi tới trạm trung chuyển. Tôi sẽ thông dịch cho mẹ, mẹ nói như thế và quay sang tôi với nụ cười nửa miệng mà tôi rất hiểu. Thảy những buổi học kèm với các gia sư Ý trong mấy năm qua ở Ai Cập đã tới lúc phát huy tác dụng. “Tập trung vào điều họ nói ấy, không phải điều con nghĩ là họ đang nói. Cố đừng để họ biết mẹ bị điếc. Họ sẽ cướp đồ của chúng ta đó.” Đoạn, mẹ nói thêm khi nhận ra tôi đang hồi hộp. “Chúng ta đã vượt qua những chuyện còn tệ hơn nhiều, chuyện này có thấm tháp gì đâu.” Bấy giờ chúng tôi sắp sửa đặt chân vào Âu châu, Ai Cập có thể chìm trong rác rưởi, tiếp tục sa lầy trong ziballah của nó - từ Ả Rập mà chúng tôi vẫn dùng, nghĩa là “rác rưởi” - mẹ chẳng bận tâm lắm. Mối lo duy nhất của mẹ là cha, người đã ở lại Ai Cập và vẫn còn bị đe dọa bởi sự tùy hứng của cảnh sát Ai Cập vốn tàn nhẫn, nhất là với người Do Thái.
Rốt cuộc, điều khẳng định với tôi người đàn ông đứng trên bến tàu chỉ có thể là ông Claude không phải mái tóc xoăn đen hay nụ cười láu cá đầy ẩn ý trên mặt ông trong những cuốn album ảnh cũ của gia đình. Những đặc điểm ấy đã không còn nữa. Thay vào đó là nét giống nhau bất ngờ của ông với người anh trai Nessim lớn tuổi hơn nhiều đã chết ở Ai Cập mấy năm trước ở tuổi chín mươi hai. Mái tóc đen xoăn trong ảnh cũ đã mất vào năm 1966. Quan sát ông Claude liên tục bỏ mũ chào chúng tôi từ xa, tôi lập tức nhớ ra rằng cũng hệt như anh trai mình, ông hói nhẵn và lúc không cười thì môi bĩu ra trông rất xấu, cùng với đó là cái mũi khoằm như kết hợp giữa chim ưng đầu hói và vẹt chưa đủ lông, giống Sigmund Freud mà bỏ đi bộ râu vậy.
Còn một điều nữa cho tôi biết người đàn ông mặc áo khoác vải tuýt gọn gàng, đội mũ phớt, đeo cà vạt màu hạt dẻ đứng trên bến tàu chắc chắn là người nhà mình. Khi tàu chúng tôi cuối cùng cũng cập bến và có thể nhìn rõ ông, chúng tôi thấy ông rút ra chiếc khăn tay màu trắng rộng bằng lá cờ đuôi nheo quá cỡ, vẫy chúng tôi bằng một cử chỉ lỗi thời đến mức chỉ có thể lấy ra từ phim Hollywood cũ. Cũng như bà nội tôi và em gái của bà, ông Claude vĩnh viễn sống trong thời tiền Thế Chiến I, cái thời người ta còn vẫy khăn tay, một cử chỉ nhẹ nhàng và tinh tế có thể truyền tải hy vọng, sự niềm nở và hân hoan, cũng có thể dùng khi buồn khổ, kìm nén tuyệt vọng hoặc trong đám tang. Gia tộc Cohène (với dấu nhấn è bắt buộc nhằm khẳng định cái gốc gác Pháp giả tạo của mình) luôn có lối hành xử riêng. Không lý gì họ lại tuân theo những trào lưu tạm thời. Thiên hạ phải tuân theo cung cách của họ, luôn là như thế.
Thế nhưng, cung cách của họ giờ đây không những lỗi thời mà còn tuyệt tích. Họ không chịu chấp nhận điều này mà vẫn ưu ái lối đãi bôi kia, thức thời nhưng không tử tế, luôn đánh giá mọi người qua cách cầm dao nĩa thay vì hành động và lời nói. Thời này còn ai như thế nữa đâu.
Sáng hôm đó, tôi kể với ông Claude mình vừa ghi danh vào một trường Mỹ ở Ai Cập. Ông cho rằng việc này thật ngược đời, lẽ ra tôi nên vào trường Ý mới phải. Khi tôi giải thích rằng có khả năng chúng tôi sẽ chuyển tới Mỹ thì ông cười phá lên như thể tôi vừa thốt ra một điều ngớ ngẩn vô lý bậc nhất.
“Gì chứ? Trở thành người Mỹ sao? Cháu đang ở Ý Đại Lợi đấy, ông nhỏ của ta ơi, cháu sẽ cư xử và trở thành một người Ý như mọi người khác. Đừng có tâng bốc Huê Kỳ man rợ của cháu ở đây. Mỹ là một nước còn chưa ra đời nữa là, hay là cháu không biết?”
Tôi biết mình chỉ nên phán xét thay vì cãi lại. Em trai tôi cũng nín thinh dù trong hai anh em thì nó là đứa mê văn hóa, phim ảnh, âm nhạc và mọi thứ của Mỹ hơn. Hồi ở Ai Cập, nó đã mua bằng được đôi giày Levi’s cũ của đứa bạn người Mỹ cùng lớp, thích ăn kẹo dẻo nướng khám phá được từ hồi còn là Ấu sinh Hướng đạo, thậm chí còn thường xuyên xoay được một lượng kẹo cao su Juicy Fruit. “Đúng là hề hước mà!” Ông Claude nói tiếp. “Mấy thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch đã muốn làm lính Mỹ,” ông lầm bầm khi chúng tôi đi tới tòa báo danh dù tôi chắc chắn mình phải nghe từng từ. Tôi im lặng mà đâu biết trong thế giới của ông Claude, im lặng không ngăn được sự ngược đãi mà trái lại còn mời gọi thêm.
-
Ông Claude quả bốc đồng đúng như chị gái ông đã cảnh báo, song vẫn thật khó chấp nhận một người có thể tàn nhẫn đến thế với họ hàng máu mủ vừa bị trục xuất và đang túng thiếu, lạc lõng, nguy khốn của mình, nhất là một bà mẹ điếc với hai đứa con trai chưa bao giờ đi xa. Cái nhìn của cha tôi về ông cậu mình có phần dè dặt hơn, chủ yếu vì cha không muốn ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng tôi về ông Claude, ngụ ý nên chuẩn bị tinh thần cho những điều tệ nhất. Rốt cuộc cha tôi cũng đành huỵch toẹt: “Bất kể dì Elsa nghĩ gì thì cậu ấy vẫn có thể rất cục súc đấy.” Vậy mà mẹ tôi vẫn bình thản. “Không cần phải dọa mẹ con tôi thế đâu,” mẹ nói. “Không phải dọa mà là nhắc ba mẹ con để ý thôi,” cha tôi vặc lại và mẹ đáp ngay. “Nếu cậu anh kinh khủng như thế thì lý ra anh nên cùng rời Ai Cập để bảo vệ mẹ con tôi chứ không phải ở lại đây.” “Anh ở lại là vì còn nhiều thứ phải cứu vãn ở đây,” cha tôi đáp và sắp sửa nổi nóng. Của cải tài sản của ông đều đã bị quốc hữu hóa nên là, đúng vậy, chắc ông nghĩ ông có nhiều thứ phải cứu vãn trong hai tháng còn lại ở Ai Cập. Mẹ tôi thì đã quá rành và không đừng được than vãn với bà tôi. “Cứu vãn, cứu vãn con mắt tôi ấy! Tôi biết rõ vì sao và vì ai mà anh ở lại mà,” mẹ nói, “ai cũng biết cô ta là ai và sống ở đâu đấy.” Đây không phải lần đầu mẹ tôi nặng nhẹ về sự không chung thủy của cha tôi, việc mà đến bà tôi cũng chỉ biết thở dài ngao ngán. “Nhà này như bị nguyền vậy,” bà tôi đã nói như thế và bồi thêm rằng chồng bà, năm người anh em trai của bà và thảy những người đàn ông bà biết, kể cả cha mình, đều mang cái thói ấy. Mẹ tôi chẳng lấy gì làm an ủi trong những lời đó. Bà không cần đọc lá trà cũng biết điều gì ở Âu châu đang chờ đón mẹ con tôi: “Mẹ con mình sẽ như những kẻ ăn mày trong một thành phố xa lạ, trong khi anh ta thì sống sung sướng ở Ai Cập.”
Chúng tôi đã được cảnh báo trước về cuộc sống kinh hoàng trong trại tị nạn một khi đặt chân tới Napoli. Chúng tôi cũng được những người từng sống trong trại dặn đi dặn lại là sẽ phải tự rửa chén bát của mình trước khi trả lại căn tin, cho gì ăn nấy không được càm ràm và dùng nhà xí theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Elsa, người luôn tính đến viễn cảnh tệ nhất để được cảm giác bất ngờ dễ chịu khi dự liệu không xảy ra, bảo ở đó có chấy và trứng chấy nữa. Ai mà chẳng bị chấy một hai lần trong đời? Cả bà và chị bà đã sống qua hai lần thế chiến, chứng kiến những cuộc thảm sát người Armenia, chịu đựng các cuộc di dời cưỡng bức, nguy hiểm nhất là cuộc đào thoát khỏi Lourdes trên đường tới Marseille thời chiến trong hoàn cảnh ô uế đến nỗi nước còn quý hơn cả bánh mì và xà phòng. Nói đến chấy thì… Ta đã thấy rồi đấy thôi, một cách nói yêu thích nữa mang nghĩa Đừng bắt ta sống lại những chuyện mà ta đã vui vẻ quên đi.
Mẹ tôi chẳng nói gì khi nghe chuyện chấy và trứng chấy dù bà thú thực mình cũng sợ giường và khăn bẩn. Mẹ chẳng biết gì về Ý Đại Lợi lại còn bị điếc, phải có tôi thông dịch lại tất cả những gì người khác nói với mình. Mẹ đã chuẩn bị hai vali da cá mập thật nhét hết những thứ có thể giúp chúng tôi cầm cự trong vòng hai tuần. Người ta nói sẽ có xe buýt đưa chúng tôi tới trại tị nạn nên ba mẹ con phải ôm hành lý trên đùi trong lúc đi xe. Chúng tôi được kể cho nghe nhiều chuyện về Napoli. Chúng tôi không được rời mắt khỏi túi xách của mình.
Ông Claude quả thực đang chờ mẹ con tôi khi chúng tôi bước xuống ván cầu. Ông đã đánh xe từ Roma lên đường cao tốc từ hồi sớm bửng để bắt kịp giờ mẹ con tôi tới. “Cũng không tệ đối với một ông già bảy mươi tuổi nhỉ, mấy đứa không thấy vậy sao?” Ông kêu lên. Chất giọng Pháp của ông giống hệt người anh trai đã mất, song cái giọng the thé của ông lại khá lạ tai. Mẹ tôi không hiểu một từ nào từ miệng ông thốt ra nhưng vẫn cười duyên dáng. Ông Claude hớn hở cho đó là vẻ e thẹn cúi mình của một người phụ nữ trước sự nam tính nơi ông.      
Ông Claude cười thầm, giải thích cho chúng tôi biết mình sẽ đi qua các thủ tục thông hành nhưng không đến nỗi man rợ như ở Ai Cập. Mẹ bảo tôi chuyển lời là bà thích thời tiết ở Ý Đại Lợi - lời khen như một nỗ lực nói ra được điều gì đó ấm áp và tỏ lòng biết ơn. Mẹ đã lớn lên cạnh biển nên không khí biển của Napoli như đưa bà trở lại tuổi thơ ở Ai Cập và bà thích điều đó. 
Ông Claude nghe tôi chuyển lời liền đáp rằng Ai Cập có còn tồn tại trong cuộc đời chúng tôi nữa đâu. “Không khí biển ở đây là của Ý Đại Lợi. Làm ơn đừng hoài niệm nữa. Nếu có điều chi hối tiếc thì là đáng ra mấy đứa nên rời khỏi Ai Cập từ mấy năm trước kìa.”
Có người từ cổng hải quan cầm bảng kê khai đi tới chỗ chúng tôi và hỏi chúng tôi có phải hành khách trên khoang hạng ba số 6 không. Chúng tôi đáp phải. Người này thông báo nhân viên hải quan đã đếm số vali: tổng cộng ba mươi mốt cái. Tôi giải thích lại cho mẹ điều anh vừa nói và, “Cộng thêm hai cái này nữa.” Tôi cầm một cái còn em trai tôi cầm một cái.
Ông Claude vỗ đùi khi nghe thấy số vali, thoắt cái mặt ông đã đỏ rần và tuôn ra một tràng giận dữ. “Mấy đứa tính để số vali này ở đâu chứ? Trong xe của ta hả?” Anh nh��n viên vừa đưa cho ông cây bút chì cùn gầy nhẳng để ký vào bảng kê khai vội vã trấn an ông, bảo rằng các vali sẽ được đóng gói và vận chuyển đến địa chỉ mà ông cung cấp trong vòng ba đến bốn tuần. “Cậu vừa nói ba mươi mốt sao?” Ông Claude cao giọng hỏi. “Xin đừng nóng, Dottore,” anh nhân viên nói, “ý tôi chỉ có ba tới bốn tuần thôi.” “Ba mươi mốt!” Tôi nghĩ ông Claude sắp đánh anh ta tới nơi. Anh nhân viên lặp lại với tông giọng mắc lỗi, “Ba tới bốn tuần, thưa Dottore.” Ông Claude lại hét lên, lần này thậm chí còn to hơn. Không thể nhầm được: không phải ông đang hét vào anh nhân viên hải quan mà là đang hét vào mẹ tôi, người chẳng hiểu ông đang la ó điều gì trong khi tôi thì sửng sốt đứng như trời trồng. Ông Claude như dồn hết sức bình sinh hỏi chúng tôi nghĩ gì mà lại đem ba mươi mốt vali tới Ý. Trong đó chứa gì chứ? Một cây dương cầm khổng lồ à? Hay một chiếc ô tô? Hay một cỗ xe tăng? Hay là gì? Mẹ tôi chừng như hiểu ra được nguyên do cơn thịnh nộ của ông. “Quần áo. Cùng một ít đồ bạc chăng?” “Đồ bạc?! Cháu có điên không đấy? Cháu có thể bị bỏ tù ở Ai Cập vì tội buôn lậu đấy.” Mẹ giải thích rằng hải quan Ai Cập đã nhận hối lộ để cho chúng tôi qua. “Hối lộ? Cháu nghĩ hối lộ rồi sẽ không bị chúng bỏ tù sao? Mới mươi ngày trước chúng còn là phường côn đồ buôn gánh bán bưng, vậy mà cháu… chồng cháu hoặc người chị ngu ngốc của ta… lại định hối lộ cho chúng?” Và rồi đến đòn kết liễu. “Sao tôi lại dây vào đám ngốc này vậy trời ơi là trời,” ông thốt lên bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ý, “Oray Kapa. Basta!” Nói rồi ông quẳng xuống đất cây bút chì mà anh nhân viên hải quan vừa đưa cho mình. Chừng như chưa thỏa, ông nghiến gót giày lên cây bút đến mấy bận.
Tôi ước gì mẹ tôi hét lại cho ông biết một người đàn bà điếc có thể bùng nổ ra sao một khi bị đẩy đến giới hạn. Tôi chưa gặp ai có thể địch lại tiếng thét của mẹ tôi cả.
Nhưng nếu mẹ tôi hét lại thì ông sẽ bỏ mẹ con tôi ở đó và không bao giờ nói chuyện với chúng tôi nữa. Mẹ biết điều đó, chúng tôi cũng biết, thế nên cả tôi và em trai đều không cố phiên dịch lại lời ông nữa.
-
Anh nhân viên gọi ông Claude tới văn phòng ký đơn ủy quyền. Vậy mà thay vào đó, ông dúi cây viết Bic cho mẹ tôi tự ký. Hai người đi tới văn phòng, để lại tôi và em trai đứng canh hàng hành lý xếp dài hết nửa nhà chứa máy bay bẩn thỉu chất đầy những đồ lặt vặt, cũ kỹ. Mỗi vali giờ đây trông còn nhỏ hơn lúc ở trong căn phòng khách lớn trang trọng từng có thời là salon tiếp khách của bà cố tôi.
Trong cái nhà chứa máy bay chật cứng ở Napoli đó, tôi cứ nhìn chăm chăm đống vali và chợt nghĩ có cái mừng khi gặp lại mình, có cái lại quay đi và phớt lờ tôi, có lẽ vì sau khoảng thời gian dài ngụ trong phòng khách cũ, giờ đây chúng thấy buồn lòng vì sắp bị bỏ mặc cho mấy tay khuân vác nói thứ tiếng mà chúng không hề thân thuộc: tiếng Napoli - ngôn ngữ mà đến chính tôi cũng phải mất nhiều năm mới hiểu và yêu được. Tôi nhìn mớ vali như thể nài nỉ chúng hãy nhận ra tôi, song những khối hộp da phồng ấy lại quyết không thèm ư hử.
Tôi nhớ lần đầu chúng được đem vào nhà như một đàn con há hốc nằm la liệt trong căn phòng khách rộng lớn. Chúng được làm từ da công nghiệp dày cui, thắt bằng hai đai dày cặp qua hai miếng da rộng khâu thẳng vào vali cho cố định. Quy định của hải quan Ai Cập cấm khóa bất kỳ thứ gì vì các nhân viên hải quan muốn xét đồ trong từng vali. Vậy mà ở cửa hải qua không ai yêu cầu chúng tôi mở vali cả bởi đã hài lòng với viễn cảnh nhận khoản hối lộ khi cha tôi và tiếp đến là bà Elsa rời đi.
Ai nấy đều thương cảm cho bà Elsa. Mắt bà càng lúc càng yếu nhưng bà không gọi gia nhân xếp đồ hộ, cũng chẳng sẵn lòng nhờ vả mấy người bạn Hy Lạp và Ý còn ở lại Alexandria. Bà không muốn ai chõ mũi vào chuyện của mình. Je suis indépendante, bà từng nói thế mỗi khi được hỏi về tính tiết kiệm bẩm sinh và cuộc đời góa bụa của mình. Bà không muốn cưới ai khác ngoài Victor biếng nhác, người đã va vào cuộc đời bà, cưới bà rồi chết đi vì, như bà nội tôi từng nói với vẻ chế giễu, ông ta th��ch chết hơn. Chồng của bà nội tôi cũng thích chết sớm. Thật vậy, thảy những người cưới nhà Cohène đều tìm thấy trong cái chết lối thoát hoàn hảo khỏi cuộc hôn nhân mà trong đó, khái niệm tình yêu chỉ gói gọn trong vài buổi tối tượng trưng thuở ban đầu, không hơn.
Khi mẹ hỏi bà Elsa cần bao nhiêu vali thì bà trả lời là năm. Mẹ tôi không tin nhưng vẫn làm theo. Mẹ mua vali từ một thương nhân ở Place Mohamed Ali, đặt tổng cộng ba mươi cái. Mười cái cho anh em tôi, mười cái cho cha, năm cái cho bà nội và năm cái còn lại cho bà Elsa. Chúng tôi đâu hay chỉ trong vài tuần số vali đã gấp đôi lên, đến nỗi người chủ tiệm phải thú thực là ông không còn cái nào để bán, nhưng hiện đang có vài mẫu vali da cá mập mềm mại hơn và dễ dàng cất dưới gầm giường. Mẹ tôi đã năn nỉ ông mua thêm những cái lớn hơn vì ngày chúng tôi bị trục xuất khỏi Ai Cập đang đến gần. Thế là ông ta hứa. Rốt cuộc, cũng chính người này đã mua lại tất cả đồ đạc của chúng tôi với mức giá bèo bọt, cả trong căn nhà phố lẫn căn nhà biển. Không thảo luận, không mặc cả, mẹ tôi vừa đồng ý mức giá ông ta đưa ra là ông ta đút tay vào túi áo móc ra ngay chiếc ví da lớn, vội vã đếm đủ tiền đặt vào tay mẹ. Chỉ trong vài ngày, đồ đạc của chúng tôi và gần như mọi thứ chính quyền chưa kịp tịch thu đã bị lấy đi. Tôi không chứng kiến cảnh đồ đạc bị dọn đi nhưng khi bước vào căn hộ cũ của gia đình, tôi giật mình nhìn những căn phòng trống trơn, chẳng còn tấm thảm nào trên sàn, chỉ còn những mảng trắng trên tường vàng sau khi tranh treo bị tháo xuống. Đồ đạc trong phòng ăn cũng biến mất, nhà bếp trống trơn như mới xây. Tôi những mong nhìn thấy người đầu bếp Abdou của chúng tôi nhưng cửa phục vụ đã khóa kín, lớp bụi đóng dày sau chỗ từng kê tủ lạnh và lò nướng trước đây nhìn như anh em họ hàng thân thiết bị buộc phải chia lìa. Mẹ bảo bà muốn tôi nhìn thấy cảnh này. Tại sao vậy? Tôi hỏi lại. “Comme ça,” thì vậy đó. Lối giải thích này đeo bám tôi suốt cuộc đời. Chỉ có hai từ mà nói lên hết mọi nỗi lòng của mẹ tôi.
Mẹ chỉ tiếc một điều là lẽ ra bà không nên đồng ý cái giá ông ta đưa ra. Lý ra mẹ nên đòi thêm. Mẹ đã thấy ông ta có nhiều tiền. Hẳn ông ta sẽ trả thêm. Vậy mà lại để ông ta dắt mũi. Mẹ tôi, một người mặc cả có tiếng lại chấp nhận ngay giá ông ta đưa ra, thậm chí còn cảm ơn ông ta nữa chứ. Khi đã mất hết mọi thứ và chẳng còn thời gian, bạn trở nên dễ chịu thế đấy. 
Cũng phải khi người mua đồ của chúng tôi cũng là người bán vali cho chúng tôi. Nghề của ông ta là cướp của người nước ngoài rồi tiễn họ đi với những chiếc vali bán trong cửa hiệu của ông ta mà. Số tiền bỏ ra mua đồ được lấy lại bằng việc bán vali. Tình thế bị trục xuất cấp bách của người nước ngoài và người Do Thái là cú dứt điểm chốt lại thương vụ, khiến mọi người không thể từ bỏ việc mua bán hoặc quay ngược thời gian.
Hèn gì mớ vali lại tránh ánh mắt của tôi mỗi lần tôi cố tìm kiếm sự chú ý nơi chúng. Chúng ủ rũ đứng đó như thể tôi đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng tạo gánh nặng cho chúng. “Sao các người lại đem chúng tôi tới đây?”, chúng chừng như hỏi, “rồi chuyện gì sẽ xảy đến với chúng tôi đây?” Chúng hỏi tôi những câu mà chính tôi đã đặt cho bản thân mình. Mình đang làm gì ở đây vậy? Chuyện gì sẽ xảy đến với mình đây? Chúng tôi cũng giống như đống hành lý ấy, bơ vơ không nhà. Lần đầu tiên tôi nhận ra điều này lại là khi nhìn chăm chăm vào thân hình buộc da của chúng lóng ngóng xếp hàng trong nhà chứa máy bay, phốp pháp, cục mịch và sợ hãi như những con bò sầu thảm đang chờ tới lượt, nghi hoặc mọi điều; rồi tôi đưa mắt xuống con mèo hoang đã nhìn thấy quá nhiều vali nên chẳng buồn bố thí cho một ánh nhìn thương cảm.
-
Sau khi ký giấy tờ xong, mẹ cùng ông Claude rời văn phòng, bảo rằng chúng tôi phải tới trại tị nạn để ký thêm giấy tờ khẳng định mình đã có nơi cư trú ở Roma và không cần ở lại Napoli.
Ba mẹ con tôi bước lên xe ông Claude. Không phải nhà táng di động mà là một chiếc Alfa Romeo đời cũ, không hẳn phô trương nhưng rõ là cao cấp. Từ ông Claude toát lên vẻ thư thái, thậm chí là dư giả, mùi nước hoa của ông khá dễ chịu. Có thể nói ông đã từng tằn tiện, nhưng lúc này đây không còn là kẻ keo kiệt như mọi người khẳng định nữa. Ông đã trở thành quý tộc, lối cư xử của ông chừng như khẳng định điều đó. 
Chúng tôi theo chiếc xe buýt tị nạn qua vô số phố và đường hẹp, đi thẳng lên đồi, đi mãi chừng hai chục phút nữa thì tới trại. Cảnh tượng trước mắt hẳn đã làm mẹ tôi kinh hãi, vừa ra khỏi xe bà đã khóc. Mẹ cố giấu đi dòng lệ nhưng một trại dân đã bước tới chỗ bà và nói bằng tiếng ý, “Đừng buồn, signora ơi, ở đây chúng ta không phải người Do Thái.” Hẳn ông muốn nói tới bọn cướp, tội phạm và sát thủ.
Tôi không biết phiên dịch thế nào cho mẹ tôi hiểu, song vẻ hảo ý trên mặt người đàn ông tự toát lên sự đồng cảm, lòng thương và có lẽ là cả sự thương hại. Mẹ tôi nghiêng người gật đầu nhiều lần để cảm ơn ông. Ông Claude, người đã sống qua Thế Chiến II và mang cái họ chỉ có thể là người Do Thái, không phản ứng gì. Hoặc là ông không nghe thấy người gác cổng nói gì, hoặc là ông vờ như không nghe thấy. Chúng tôi là những người đầu tiên xếp hàng trước bàn khai thông tin. Ông Claude nói trổng, “Sau chúng tôi còn nhiều người lắm nên làm ơn nhanh giùm. Tôi bảo lãnh cho ba người này và đã cho họ chỗ ngụ ở Roma.” Lời ông nói lịch sự và cung kính nhưng tông giọng lại rất uy quyền, nếu không muốn nói là hống hách, đến nỗi cô gái ngồi ở bàn nhận ra có lẽ mình cũng nên gọi ông là Dottore. Hệt như cha tôi đã kể hồi ở Ai Cập, ông Claude rất giỏi sắm vai dẫu chẳng vai nào sắm trọn. Cô gái trẻ liên tục nói chuyện với ông ở ngôi thứ ba. Dottore có thế này không, dottore có thế kia không?
Trong trại, tôi để ý thấy một người đàn bà nghèo khổ đang tắm rửa cho đứa con trần truồng của bà dưới vòi nước cổ dài trong vườn. Bà đội mũ trùm đầu, mặc váy rách bươm. Bà nhìn tôi, nở một nụ cười ngượng ngùng, tự ti vì xấu hổ khi đó là cách duy nhất tắm cho con bà. 
Tôi nhận ra vài hành khách đi cùng chuyến tàu với chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với họ và cũng không hề hay biết họ sẽ thành dân tị nạn trong trại. Đứng lẫn trong số đó là một người đàn bà mà tôi đã né không nói chuyện cùng. Lúc này bà đang tiến về phía tôi và tôi không có chỗ nào để trốn. Madame Marie làm vú em cho chúng tôi được chừng hai năm trước khi bị thay thế bởi một Madame Marie khác. Bà là người Ý-Malta đang chờ tàu tới Malta với hy vọng sẽ được thuê làm thông dịch viên ở đó. Cũng như nhiều người sinh ra và lớn lên ở Alexandria, bà biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hy Lạp và tiếng Ý. Bà cũng từng là thợ làm đẹp ở Alexandria. Trong số khách của bà có cả bà nội tôi, cho nên bà mới được thuê đến nhà tôi làm việc. Bà mong sao sẽ được làm thợ làm đẹp riêng cho một nhà nào đó ở Malta để kiếm sống, cộng thêm vào thu nhập của nghề thông dịch. Tôi chẳng ưa gì bà và luôn cho bà là nguồn cơn nói xấu gây xào xáo trong gia đình tôi, khiến đầu bếp xích mích với gia nhân và đỉnh điểm sự gây gổ giữa cha mẹ tôi. Tôi mừng khi cuối cùng mẹ tôi cũng cho bà hai tháng lương và bảo bà đừng bao giờ đặt chân vào nhà chúng tôi nữa. Không như cha tôi sẽ đuổi khéo bà đi trong âm thầm, mẹ tôi tiễn bà ra cửa ngay trước mặt anh em tôi.
Chúng tôi lễ phép chào bà và bà thân mật chào lại. Trong lúc chúng tôi đợi mẹ và ông Claude đi ký giấy ủy quyền, bà bước tới chỗ tôi và vẫn hệt như ngày xưa mỗi lần chúng tôi đi học về, bà móc trong túi váy ra cho chúng tôi mỗi đứa một viên kẹo bọc trong giấy kính có ghi tên người làm kẹo bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả Rập: Nadler.
Em trai tôi không biết cảm ơn Madame Marie thế nào nên ôm lấy bà, tay vẫn cầm nguyên viên kẹo chưa bóc vỏ trong khi tôi nói cảm ơn bà, bỗng ngượng ngùng kh��ng biết phải làm gì tiếp theo đành giả vờ dõi mắt tìm mẹ. Madame Marie rút lui mà không nói lời nào, trở lại với nhóm người bà đã gặp trên tàu. Từ đó về sau tôi không còn gặp lại bà nữa.
Điều khiến tôi bất ngờ khi nhìn viên kẹo tròn tròn màu vàng vị đu đủ mà tôi rất thích ấy là tôi vẫn đọc được chữ Ả Rập. Tôi cứ tưởng ngay khi đặt chân xuống Ý Đại Lợi thì mọi điều về tôi sẽ bị bôi xóa. Tôi sẽ quên đi mình là ai, mình đã biết những gì ở Ai Cập. Thay vào đó, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình chẳng hề thay đổi khi chuyển từ bờ này sang bờ bên kia của Địa Trung Hải. Tôi vẫn là tôi, tôi của mấy ngày trước đây không hề biến mất. Tôi muốn quên đi con người mình, sang trang và trở thành một con người mới. Vậy mà tôi vẫn vậy và tôi chẳng hề thấy vui.
-
Mẹ tôi và ông Claude cuối cùng cũng trở ra. Ông đội lại mũ lên và mỉm cười. “Giờ thì tới Roma thôi.”
Tôi đâu hay một tiếng đồng hồ kinh khủng nhất đời mình sắp sửa bắt đầu.
Chuyện lặng lẽ xảy đến khi ông Claude cố rời Napoli và rẽ lên hướng bắc vào Autostrada del Sole, xa lộ khá mới nối giữa Napoli và Roma. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tìm được lối vào xa lộ.
Đầu tiên ông Claude dừng xe lại, nhìn người điều khiển giao thông, thò đầu ra cửa xe, la lên với giọng the thé, “Scusi, vigile,” và bắt đầu hỏi đường ra xa lộ. Người vigile cao lớn, lịch thiệp mặc đồ trắng, đội mũ chóp nhọn cũng trắng duyên dáng xoay người lại như một vũ công ba lê, lịch sử cúi đầu xuống cửa tài và giải thích ngắn gọn đường đi. Ông Claude cảm ơn anh rồi lái tiếp. Đến ngã tư trên đồi ông lại thấy không đúng và quyết hỏi một anh cảnh sát giao thông khác, “Scusi, vigile…,” rồi lại lạc tiếp, chẳng thấy lối nào quen thuộc. Ông đập cả hai gan bàn tay lên vô lăng và bắt đầu chửi, đầu tiên là chiếc xe rồi tới Napoli mà ông gọi là cái hố bẩn thỉu chứa đầy trẻ ranh và tội phạm, đoạn trút giận lên ba mẹ con tôi. Ông bảo tôi là thằng đần chỉ biết tiếng Ý ngang trình độ một đứa lớp bốn, em trai tôi là con cóc ngu ngốc điếc hệt mẹ nó, cuối cùng là mẹ tôi, người đáng ra phải cố phụ ông tìm đường thì lại không hiểu mô tê gì vì hai đấng sinh thành mù chữ của bà đã gửi bà cho đám lang băm quái quỷ khiến bà bị kết án câm điếc trong suốt cuộc đời đáng thương và vô nghĩa của mình. Mẹ tôi không biết ông đang nói gì nhưng có thể đoán được ông đang tức giận thông qua màu da đỏ bừng và cằm dưới bạnh ra của ông. Ngã tư kế tiếp, “Scusi, vigile…”, giọng nói the thé, sự tôn kính giả tạo và sôi máu vì lạc đường. Anh em tôi sắp cười phá lên, ông nghe em tôi thì thầm gì đó với tôi thì quay lại lớn tiếng với ánh nhìn độc địa, “Hai đứa mày ăn kẹo và ngậm miệng lại đi.” Từ hàng ghế sau bỗng chốc chẳng thấy có gì mắc cười nữa. Vậy mà tới tận hôm nay, hai từ “Scusi, vigile” vẫn khiến chúng tôi vừa mắc cười vừa kinh hãi. 
Đến đoạn nào đó, một trong các vigili chỉ chúng tôi sinistra, nghĩa là rẽ trái, vậy mà ông Claude lại rẽ phải. Tôi tài lanh nhắc ông rằng anh cảnh sát chỉ mình rẽ trái không phải rẽ phải, thế là mở ra một tràng chửi rủa. “Câm cái miệng ngu của mày lại đi, khôn hồn thì nín trong xe tao. Mày thì hiểu được gì chứ, chỉ đường của một thằng vigile lại càng không.” Vừa thở hổn hển ông vừa lầm bầm, “Cái đám thất bại, đần độn, cả ba đứa, cả mẹ lẫn con, rồi thằng ngu đó nữa chứ…” - là tôi.
Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi, cả trước và sau đó, từng bị ngược đãi đến thế. Vấn đề là khi không được giải quyết triệt để thì sự bạo hành ấy sẽ để lại vết hằn khôn nguôi, khiến bạn tin rằng mình đáng bị như thế. Suốt một thời gian dài tôi đã tin những điều ông Claude nói với tôi ngày hôm đó là đúng. Nếu kháng cự lại, tôi sẽ luôn có cảm giác bị ông nhìn thấu và tìm ra mọi khiếm khuyết, mọi thất bại bất kể thực hư hay chưa xảy đến, không cách nào che đậy. Tôi là một đứa lắm lời, không biết phân biệt phải trái, một thằng đần và trên cả là một tên thất bại - điều mà tôi đã rất sợ từ khi đặt bút viết bài thơ đầu đời ở tuổi lên mười. Tôi viết về một nô lệ bỏ trốn biết rõ mình đã cùng đường, sớm muộn cũng sẽ bị bắt bởi gia đình chủ người Hy Lạp chắc chắn sẽ truy lùng. Đối diện Địa Trung Hải, y không biết nên rẽ phải hay rẽ trái. Y nhìn ra biển, nghĩ tới vợ con mình và muốn đầu thú, nhưng có gì đó cản y lại. Y đói, y cần cái ăn, dẫu biết sẽ chịu kết cục bi thảm nhưng chẳng thể quay đầu. Họ sẽ tìm ra y và giết y cho hả dạ. Bởi vậy cho nên y cứ trốn chạy mãi, không biết có gì phía trước đang đợi mình.
Tôi đã được chào mừng đến Ý Đại Lợi như thế đó.
[...]
7 notes · View notes
tlncthvn · 8 months ago
Text
Một cụ già đã nghỉ hưu ở thành phố Thái Nguyên đã gọt giũa câu chữ thành những câu thành ngữ thời hiện đại có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, khiến người đọc cảm thấy đau lòng, xót dạ!
1. Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu.
2. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả.
3. Dâu, rể tốt cha mẹ được đề cao. Con cái hỗn hào đứt mười khúc ruột.
4. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn.
5. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường, bước chân ra đường không trộm thì cướp.
6. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han, bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng.
7. Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi.
8. Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ.
9. Gọi cha: ông khốt, gọi mẹ: bà bô. Ăn nói xô bồ thành người vô đạo.
10. Mỗi cây mỗi hoa, đừng trách mẹ cha nghèo tiền nghèo của.
11. Cái gi cũng cho con tất cả, coi chừng ra mả mà cười.
12. Đồng tiền trên nghĩa ,trên tình, mái ấm gia đình trở thành mái lạnh.
13. Gian nhà, hòn đất, mất cả anh em. Mái ấm bỗng nhiên trở thành mái nóng.
14. Bố mẹ không có của ăn của để, con rể khinh luôn.
15. Coi khinh bên ngoại, chớ mong có rể hiền.
16. Ăn ở mất cả họ hàng, chớ mơ có nàng dâu thảo.
17. Rể quý bố vợ vì có nhà mặt phố. Con trai thương bố vì chức vì quyền.
18. Đi với Bụt mặc áo cà sa, quen sống bê tha, thân tàn ma dại.
19. Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ.
20. Củi mục khó đun, chồng cùn sống bậy, con cái mất dạy, phí cả một đời.
21. Hay thì ở, dở ra tòa, chia của chia nhà, con vào xóm “bụi”.
22. Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay. Mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi.
23. Đi có bạn đường chân không biết mỏi, còn có mẹ cha sao không hỏi khi cần.
24. Nói gần nói xa, đừng biến mẹ già thành bà đi ở.
25. Bài hát Tây Tàu hát hay mọi nhẽ. Lời ru của mẹ chẳng thuộc câu nào.
26. Con trai, con rể bí tỷ say mềm. Nàng dâu ngồi chơi, mẹ già rửa bát.
27. Khỏe mạnh mẹ ở với con, đau ốm gầy còm tùy nghi di tản.
28. Thắt lưng buộc bụng, nhịn đói nuôi con, dâu rể vuông tròn, cuối đời chết rét.
29. Mẹ chết mồ mả chưa yên, anh em xô nhau chia tiền phúng viếng.
30. Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi, nhưng quên ngày giổ Tổ.
31. Vào quán thịt cầy ,trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng.
32. Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không. Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.
33. Một miếng ngọt bùi khi còn cha mẹ, một miếng bánh đa hơn mười ba mâm báo hiếu.
34. Cha mẹ còn thơm thảo bát canh rau. Đừng để mai sau xây mồ to, mả đẹp.
35. Ở đời bất thiện, là tại nhàn cư. Con cháu mới hư đừng cho là hỏng.
36. Bạn bè tri kỷ, nói thẳng nói ngay. Con cháu chưa hay đừng chê đồ bỏ.
37. Bảy mươi còn phải học bảy mốt. Mới nhảy vài bước chớ vội khoe tài.
38. Phong bì trao trước, bia bọt uống sau, dâu rể ngồi đâu đố ai mà biết.
39. Tiếp thị vào nhà bẻm mép, cẩn thận cảnh giác, đôi dép không còn.
40. Cầu thủ thế giới tên gọi chi chi, thoáng nhìn tivi đọc như cháo chảy, ông nội ngồi đấy thử hỏi tên gì?
Nguồn: Người Sài Gòn
16 notes · View notes
y-e-n-n-h-i-e-n · 1 year ago
Text
Sống lay lắt từ ngày này qua ngày khác cho nên ước nguyện bây giờ cũng chỉ là kiểu mỏi mệt không còn dám mong chờ vào điều gì nữa.
Thay vì nhiệt huyết và khao khát, thứ tôi mong đợi lúc này chỉ là: chết trong tĩnh lặng và không đau đớn gì, vì hiện tại đâu có gì ràng buộc hay vướng bận bản thân.
Nếu đời sống đã có thể ưu ái hơn, thì bản thân đã có thể mơ về hạnh phúc viên mãn hay giàu sang phú quý rồi. Ngờ đâu cuộc sống vùi dập đến mức: ngoảnh mặt nhìn lại, chưa từng có thứ gì chân chính thuộc về mình, cũng chưa từng được sống oanh liệt vui vẻ tận đáy lòng mà không lấn cấn nỗi buồn nào cả.
Dạo này sức khoẻ bệ rạc, tinh thần tụt dốc nên đến việc đi lại loanh quanh cũng khiến bản thân phải thở dốc, không còn tí năng lượng nào. Lâu rồi thực sự không có 1 bữa ăn đúng nghĩa, không thể nấu món này món kia và vui vẻ dọn dẹp nhà cửa, mà thỉnh thoảng thay vào đó là những lần chỉ ngồi thừ người rồi nước mắt rơi. Đáy lòng quạnh quẽ đến mức có những hôm vừa đặt lưng xuống giường là khóc, bất kể là ngày hay là đêm. Oán hận chồng chất trong lòng chẳng biết bấu víu vào đâu, chỉ có thể trách bản thân số phận khổ hạnh mà thôi
Đời sống này đã quá mỏi mệt rồi.
17 notes · View notes
baosam1399 · 9 months ago
Text
Tumblr media Tumblr media
Lảm nhảm 1
Mình thừa nhận là đợt mới muốn đi du học mình có hơi bồng bột, mình chỉ nhớ là hôm đó về quê, mình gọi điện nói chuyện với thầy, sau khi nghe thầy nói : Hãy ra ngoài và nhìn ngắm thế giới bên ngoài, mở rộng tầm nhìn của mình đi con. Mình thật sự đã hạ quyết tâm báo danh để đi học.
Với mình, TQ giống như một nơi gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời vậy, mình hay suy nghĩ nếu không thể qua đó học, thì vẫn có thể qua đó chơi, nhưng chẳng hiểu sao ước muốn muốn đi học bám víu mình kinh khủng, tuổi 15-16 của mình trôi đi trong nhiều tiếc nuối, mình thật sự muốn dùng 10 năm này để đổi lấy 1 năm có thể tìm lại chính mình.
Những người biết tin nói mình dở hơi, nói thực lòng lúc ban đầu mình có hơi buồn, nhưng suy nghĩ lại thì mình không còn để tâm nữa, sống một cuộc sống không bị định nghĩa mới chính là cuộc sống mà mình hướng tới
Mình đã thực sự nghiêm túc với việc học và thi cử, vậy nên mình nghĩ dẫu kết quả có ra sao mình cũng sẽ không oán thán rằng bản thân đã không cố gắng, nhưng trong một cuốn tiểu thuyết nào đó mình từng đọc được, nữ chính từng nói : Cố lên, kết quả của chúng ta không nên là như vậy. Bởi vì khi mọi chuyện chưa có kết quả thì có nghĩa đó chưa phải kết quả cuối cùng.
Lảm nhảm 2
Lướt facebook gặp phải những câu chuyện như ngoại tình, tẩy chay, tự tử, bêu rếu, khiến mình thực sự mệt mỏi và chán ghét kinh khủng. Mình thực sự muốn block hết tất cả những tin tức tiêu cực xung quanh mình, mình không sợ sự tiêu cực ấy, nhưng mình rất sợ mình không còn niềm tin vào cuộc sống nữa, hình như mình từng nói thứ biến chất không phải cuộc sống này đâu, mà chính là bản thân chúng ta kìa.
Lảm nhảm 3
Mình nói với Happiness rằng mình rất thích viết, mình muốn anh hãy đọc kĩ từng con chữ mà mình đã viết ra, hy vọng anh hiểu rằng mình đã nghiêm túc với những lựa chọn của mình như thế nào.
Mình nói rằng, nếu như một ngày nào đó dẫu cho mình nhìn thấy một câu chuyện cười, một thứ lạ lùng nào đó mà không còn muốn chia sẻ cho anh hoặc cho bất kì ai nữa, thì đó mới là ngày mình thật sự muốn rời đi.
Mình không muốn mọi người lãng quên mình, nên luôn hy vọng ai đó hãy nhớ kĩ dáng hình của mình một chút.
Lảm nhảm 4
Mình nói với Happiness rằng tức giận sẽ khiến chúng ta hay nói ra những lời nói làm tổn thương người nghe, vậy nên nếu có tức giận cũng hãy cố gắng kiềm chế chính mình, mình không muốn ai bị tổn thương.
Lảm nhảm 5
Hôm qua em Tuấn hỏi mình rằng : Chị ơi, liệu em có bị giống anh Tiến không chị nhỉ? Mình bảo mình không biết nữa, chị nghĩ chị không giúp được em mất rồi. Mình nghĩ chuyện tình yêu nó lạ lắm, bất kì ai trong chúng ta đều không thể đứng ngoài để đưa ra lời khuyên chính xác cho họ được, bởi dẫu sao người trải qua câu chuyện ấy cũng không phải chúng ta mà. Mọi lời khuyên thực chất đều là 狗屎 hết.
Lảm nhảm 6
Ngày Tiến đi khỏi nhà TA từng nhắn tin với mình, nói rằng em không còn yêu nó nữa đâu chị, nó làm vậy em càng sợ hơn nhiều. Hôm qua mình nhắn tin hỏi Tiến, mọi thứ vẫn tốt đẹp đúng không? Tiến có xem nhưng không trả lời, mình cũng không nhắn lại, mình nghĩ mình không có quyền can dự vào câu chuy��n của cuộc đời nó nữa rồi.
Thi thoảng khi đã rảnh rang mình lại muốn viết viết cái gì đó để giải tỏa tâm trạng, những câu chữ này được mình chăm chuốt kinh khủng, mình muốn con chữ của mình hãy chữa lành tâm hồn ai đó, giống như Lá nhỏ từng nói em rất thích những con chữ của mình, giống việc mình cũng thích em vậy.
27 notes · View notes
trancamannhien · 1 year ago
Text
Thế hệ 2000, thế hệ của chúng mình
Chúng mình được ra đời và được thừa hưởng năm sinh ra giao thoa giữa 2 thế kỉ 20 và 21, nghe thì thật đặc biệt nhưng đôi khi chúng là sự nhập nhằng của đi và ở lại, quyết tâm nhưng nhúng nhường, mạnh mẽ nhưng lại rất yếu đuối.
Mình hay thấy 3 con số 0 đằng sau của mình luôn là một sự trống rỗng, nếu các bạn sinh ra vào những năm 1999, 1998 hay 2001 thì ít nhất đều có các chữ số phía sau. Trong thần số học, những con số đằng sau cũng biểu thị tính cách, định hướng, ý chí của những đứa trẻ sinh vào năm đó, thời đó.
Nhưng năm 2000, là có 3 con số 0, vì thế chúng đặc biệt ở chỗ, sẽ có 2 trường hợp xảy ra: trường hợp thứ nhất khi bạn lớn lên loay hoay tìm ra định hướng của mình, niềm đam mê yêu thích của mình một khoảng thời gian nhất định, có thể là dài có thể là ngắn. Trưừng hợp thứ hai, biết rất rõ mình muốn gì, thích gì và cứ thế đi thẳng đến con đường mà bản thân mong muốn.
Đã từng đi qua nhiều tháng ngày nhàu nhĩ, mông lung với những hoạch định của chính mình đưa ra, sợi dây đỏ nào đó vựt dậy nhiều lần nhưng nhận ra chỉ có bản thân mới là liều thuốc cứu chữa chính mình.
Đã từng vấp rồi đau và đứng dậy đi tiếp, sự vùng vằng chiến đấu bồi đắp thêm cái cằn cõi, mạnh mẽ của bản thân qua từng ngày. Cái giá phải trả của nhiều giấc mơ đẹp là lý tưởng phải đủ mạnh, lý trí và cảm xúc đủ cân bằng để vững vàng đi tiếp.
Đôi vai nghiêng nghiêng qua từng thời gian đã biết mỏi với những bộn bề, những công việc chất đống. Đôi mắt đã có nhiều vết thâm và khoé mắt đượm buồn chứng kiến sự chia ly. Đôi tai biết chọn lọc những lời hay ý đẹp, biết lắng nghe và chỉnh sửa những điều chưa hoàn thiện. Đôi bàn tay cháy nắng vì nhiều chuyến đi không có kế hoạch, rám nắng dần dà vì cầm máy ảnh ghi dấu lại những thước hình của riêng mình. Đôi chân thy thoảng cũng đã biết mỏi khi những chiều chạng vạng ngồi trên xe ngắm hoàng hôn đỏ lửa.
Nhưng dù vai có mỏi, lưng đau, mắt nhoè, bàn tay rám nắng thì nụ cười vẫn luôn đọng trên môi sau ngần ấy năm, không mong mỏi gì nhiều ngoài nụ cười này luôn là chính mình, chính bản thân mình.
#muahamauxanhla #summerisgreen
Tumblr media
18 notes · View notes
nguyencuuthaonguyen · 5 months ago
Text
Tumblr media
Mình trở về gòi
Sau chuyến đi dài 2 ngày 1 đêm, mình thấy mình lớn hơn một chút. Để chuẩn bị cho chuyến đi 3 ngày 2 đêm tiếp theo, cùng một sự khác biệt lớn
Muốn khóc quá, tại không nghĩ mình vượt qua được. Chớp mắt một cái, từ chân núi lên đỉnh núi, gòi từ đỉnh núi xuống chân núi. TN bỡ ngỡ quá. Hành trình thật tuyệt vời, cảm ơn mình đã cố gắng vượt qua, cảm ơn các bạn đã đồng hành và hỗ trợ May nhiều. Từ lúc leo Hòn Vượn, mình đã nung nấu ý chí cho việc một ngày nào đó, nhất định mình sẽ chinh phục Bạch Mã. Suy nghĩ xuất hiện trước khi mổ, mình muốn có chuyến đi đặc biệt gòi sau đó mới mổ. Nhưng không kịp, vậy là vết thương vừa lành, toii lại mún đi ngay. Thời gian vừa rồi thật sự rất mệt, rất kiệt sức, nhưng mà mình vẫn liều. Đêm trước ngủ 4 tiếng, lúc leo ngoài thấy nhọc còn thấy buồn ngủ nữa. Cái lưng biểu tình, chỉ muốn nằm và nằm thoii. 5 phút cũng thấy rất đáng quý, tranh thủ chợp mắt xíu. Hoặc là bám bạn, vừa nhắm mắt vừa leo vậy á, lúc xún cũng zayy, an toàn là được. Vì mình tin đồng đội mình sẽ dẫn mình đi cẩn thận, bám lực cho mình leo lên leo xuống
Những km đầu tiên là sự thử thách mà mình chưa bao giờ nghĩ đến, thật sự luôn. Tại vì mình mệt kinh khủng khiếp, cảm giác như không thể tự đứng dậy được, tim đập mà muốn rớt ra khỏi lồng ngực luôn, mình không chỉ thở bằng mũi mà bằng miệng, bằng tất cả mồ hôi thoát ra khỏi người. Mất nước cực kì, quý nước lămmm luôn, không nghĩ đến lúc mình uống nhiều như vậy. Bình thường ở nhà còn lâu mới thèm đụng vào C xủi, tại nói lười quá, hơi khó uống. Vậy mà cứ mỗi lần dừng chân lại thấy ngon xỉu, uống thêm bù khoáng nữa là u mee lun, chắc là TN nghiện gòii. Uống thêm đi, cho người có sức, lâu lâu lại làm thêm một chuyến nữa nhỉ
Oa cảm thấy biết ơn vì được take care siu kĩ, các đồng chí của tôi vô cùng galang và tinh tế. Cái balo mấy bạn vác giúp mình, có khi còn lớn hơn cả cân nặng của mình nữa. Đôi khi có chút trục trặc, nhưng mình rộng lòng hơn, tâm mình mở hơn. Vì mình biết là những nhỏ nhoi ngoài kia không là gì cả, mình có mục tiêu to hơn một xíu trong thời điểm hiện tại, đó là chinh phục đỉnh núi này. Hai ngày không có sóng, hoặc những lúc chập chờn, mình cũng chẳng thiết tha điện thoại. Đem hai cái, nhưng lúc về thì vẫn nguyên pin một cái lun, tại toii cũng không đủ sức để dùng nữa gòii. Mình gặp những người, có lẽ cả đời này mình chẳng được gặp lần nữa. Cái duyên to lớn, trộm vía đều gặp người tốt, có người sẵn lòng giúp đỡ. Mình quý cuộc sống nhiều hơn nữa, vì mình thấy đời lúc này đẹp quá, con người ta tốt với nhau nhiều lắm. Mình không đủ sức nên chỉ ún một xíuu cho vui để cảm ơn, sau là lăn về ngủ liền mai dậy sớm đi lên Hải Vọng Đàii
Lần đầu tiên trong đời, mình xuyên rừng giữa đêm, chạy đua với mặt trời rạng sáng và đi giữa mưa núi buổi chiều tà. Cảm giác xen kẽ nhau, có sợ hãi, có thích thú, có vui mừng và cũng có mệt mỏi nữa.... Mình nghe say nắng sayy mưa dữ lắm, nghe tốn nhiều năng lượng nên hay ăn dặm lấy sức. Mình ngân nga với nhau những bài hát thiệt hay, thiệt tình để có động lực bước tiếp. Nước suối mát quá, nó cho mình toả ít nhiệt để cơ thể dễ chịu hơn. Đi đến lúc cái chân không thuộc quyền sở hữu nữa, tụi mình dừng lại nghĩ ngơi. Thương cho mấy bạn toii, cái vai cũng khum còn cảm giác nữa gòi. Dùng nhiều Salonpas, nhiều thuốc giảm đau và thuốc diệt côn trùng, tôi xài nhiều nhất mà toii hay bị cắn nhấtt. Lạ lùng quá chời lunn gòi
Mình thấy mệt chứ, nhưng xứng đàng vô cùng. Khoảnh khắc nhìn thấy ánh mặt trời ló dạng trong màn sương, nhìn xuống đầm Cầu Hai lúc lên đèn, lúc hừng đông, mình biết là mình đã đúng khi tham gia chuyến hành trình này. Quá đẹp, quá kì vĩ, con người mình đúng là qúa nhỏ bé giữa thiên nhiên. Mình lại muốn đi tiếp, giữ sức để phá sứcc bằng một cách rất riêng. Tâm hồn mình thoáng đãng, mình được ôm bời không khí trong lành, âm thanh núi rừng vọng lại, như tràn vào trong tâm hồn mình, lắng nghe tiếng lòng mình. Giai đoạn trước, hay gần đây, mình đôi khi cảm thấy không ổn. Chuyện này chuyện kia, chuyện công việc, tình cảm blabla khiến mình thấy bí bách, khó chịu trong người. Mình đi để thấy, cuộc đời này còn dài rộng lắm, nhất định có chỗ cho mình, có người vì mình. Mình có cảm xúc, và tất cả đều đáng được yêu thương. Cơ thể mình có giới hạn, lúc nào mệt thì mình nghỉ ngơi thoii, tâm trí cũng như vậy, có đôi khi nó còn nhọc hơn cả người toii lun cơ
Chúng mình gọi nhau bằng những biệt danh mới, và lâu lâu quên thì vẫn gọi bằng tên thật. Cảm ơn May, vì đã là chính mình, một tháng sinh tuyệt vời của em. Cảm ơn Tháng 5 đã cho em cơ hội được là Thảo Nguyên. Cảm ơn Tháng 6 đã cho em những cuộc gặp gỡ tuyệt vời, dù ngắn ngủi nhưng chắc là đáng quý. Cảm ơn tháng 7 đã cho em biết nói lời chào tạm biệt, với những cảm xúc khó diễn tả trong lòng. Cảm ơn tháng 8 đã cho em cơ hội được sống trong dáng vẻ mình mong muốn. Hi vọng trong tương lai, cuộc đời em sẽ ngập hoa ngập nắng. Cảm ơn em vì dũng cảm thử sức với những điều ngoài sức tưởng tượng của em, em sẽ lại sống những ngày xanh thật xanh, yêu và được yêu thật nhiều, nhỉ?
Sẵn sàng cho hành trình típ theo, gần nhất là ngày mai. TN chăm chỉ học hành nhé, xong gòi đi dạy, gòi về soạn sửa vali nghenn. Yêu thương thật nhiềuu
3 notes · View notes
nykhunglong · 1 year ago
Text
“Thời gian trôi rất nhanh. Thoắt cái, đã chẳng thể nhớ nổi số phòng mình từng ở trong lần đầu tiên đi du lịch cùng nhau, những ngày đặc biệt mình tự nhủ lòng sẽ phải nhớ mãi, cả những bài hát cũng đã phai mất lời ca. Mình nhẫn nại bên nhau, có buồn vui, có cay nghiệt. Đủ mọi loại trạng thái trên đời. Nhờ vậy, vào những ngày chị làm em đau đớn, em lại nghĩ về sức mạnh của thời gian. Đã cùng đi qua nhiều ngày dài đằng đẵng, nhiều đêm ngắn ngủi lạ thường, thì cớ sao lại vì những phút giây nóng nảy mà quên sạch. Dù vậy, dự cảm bất hạnh – ngay từ ngày đầu tiên mình nắm tay nhau – vẫn không thôi buông tha em. Em thường xuyên thấy đau lòng. Kiểu có những người ở cạnh nhau, chỉ bởi họ không bao giờ hạnh phúc được nữa. Đôi khi em buồn, em bảo em bị trầm cảm rồi. Chị nổi điên trước cái thói hay bi kịch hoá cuộc đời ở em. Xoáy vào đáy mắt em, chị muốn em phải thật tích cực và lạc quan. Em nghe lời chị, cười như một con khùng. Các đợt sóng vẫn ào ào ập tới, khiến em chao đảo. Nhưng vì chị, lại mạnh mẽ vững vàng. Khi không chịu nổi nữa, em úp mặt vào thau nước, khóc váng lên. Chẳng ai nghe. Sung sướng.
Rồi em tập trồng cây ở bên trong. Gieo mầm lặng lẽ từ những đêm chị nằm ngước lên trần nhà, nhớ người yêu cũ. Từ những kỷ niệm xưa mà bất thần một ai đó mang đến không báo trước. Từ những bản nhạc chị yêu thích không bản nào gắn liền với em. Cái cây không có tên. Nhưng nó tồn tại. Em tập nuôi dưỡng nó qua những cơn bão, cơn giông. Hôm nào mình cãi nhau, cái cây thôi lớn và héo úa. Rồi chỉ cần chị hôn em, thì em lại tưới nước cho nó liền. Em kể chị nghe, chị cứ nghĩ là một chậu cây em đang trồng ở ban công nhà. Ở bữa cơm, em khoe cây lâu lớn quá. Chị bảo đem ra tiệm hỏi cách chăm sóc như thế nào. Em húp ngập bụng tô canh khổ qua, lòng khổ sở với các bí mật. Húp vội quá, bị sặc, trào cả lên mũi. Chị cuống lên, hỏi có sao không. Rồi la em không ngớt vì ham ăn và hậu đậu. Em cười, thủ thỉ rằng chị ơi, cái cây mới lớn thêm được 1cm. Chị lắc đầu, không thể hiểu nổi những câu nói ngây ngô của em…
…Từ khi em biết quá khứ chưa bao giờ ngủ yên trong chị, em thường nghĩ đến những cuộc ra đi. Em dần cô độc trong tình yêu chính mình. Đêm hay nằm nói chuyện một mình. Lờ đi câu hỏi thăm của chị, tàn nhẫn đẩy chị vào vùng tối những nghĩ suy của riêng chị. Thậm chí, em còn nằm mơ chị đi với người khác, rồi tươi cười với em, bảo chị xin lỗi, thời gian qua chị lầm, chị không yêu em như chị nghĩ. Trong giấc mơ mà nỗi đau cũng có thiệt. Sáng ngủ dậy vẫn thấy đau. Nhíu mày một cái đã thấy nước mắt ở đâu rớt xuống. Tào lao bí đao, chị sẽ nói vậy, nếu nghe em kể những giấc mơ của em. Một lần nọ, khi đang ngồi trong căn phòng nhỏ của tụi mình, sự mệt mỏi ở đâu ập đến, khiến em trống rỗng và lụi tàn. Chị đang làm việc. Em đứng dậy, bảo em đi mua gì đó ăn thôi, rồi bước chân ra cổng, đi như kẻ mất hồn. Bỗng dưng em muốn đi bộ khủng khiếp. Em định đi hết con hẻm nhỏ rồi về. Tới đầu hẻm, em lại định hết cái hẻm kia rồi về cũng được. Cứ vậy, em đi đúng bốn vòng. Không thấy mệt, mồ hôi cũng chẳng thèm chảy. Nhưng đau đớn trong em tan biến đi. Nhẹ nhàng. Đúng lúc ấy chị xuất hiện, nắm tay em xách đi. Hóa ra nãy giờ chị đi sau. Mặt đỏ gay, người bê bết. Em rúc đầu vào chị, không nói gì. Chị hỏi có muốn nghe tiếng còi tàu? Em lắc đầu. Tối nay nó không về đâu.”
15 notes · View notes
ian98m55 · 1 year ago
Text
Đôi câu mộc mạc còn hơn cả những lời lẽ mỹ miều. Tình yêu tốt nhất cũng chỉ như vậy, dù chỉ là vài lời, nhưng cả hai vẫn hiểu được nỗi lòng của đối phương, cùng thấu hiểu và yêu thương…
1.Chỉ đơn giản là yêu thương nhau thì muốn đối phương được hạnh phúc, tại sao cứ phải hoa mỹ mọi chuyện, phức tạp hóa đủ điều lên thì mới là yêu? Tại sao người ta vẫn quên mất rằng, điều quan trọng nhất không phải là thể hiện ra thế nào, mà là đối phương cảm thấy ra sao? Đừng cứ thế mà thề non hẹn biển quá nhiều để rồi quên đi rằng tình yêu luôn xuất phát từ những gì giản đơn, chân thành nhất.
2. Thứ tình cảm đó có thật sự là còn tồn tại hay không? Bởi lẽ, hầu hết các cặp đôi của hiện tại, họ yêu và thấu hiểu nhau thông qua một bức màn vô hình. Đứng trước mắt đó, nói lời yêu thương đó nhưng đôi mắt có thật sự đang có nhau? Hôm nay hứa hẹn bên nhau một đời. Nhưng ngay ngày mai, hay chỉ qua cái chớp mắt mà thôi, mỗi người lại tách ra một đường. Cũng vì thế, lời mỹ miều chưa chắc tình yêu đã sâu đậm, lời mộc mạc chưa chắc gì tình yêu đã mờ nhạt. Do đó, hãy cứ yêu thôi, đừng hứa hẹn gì cả, đơn giản mà yêu, ngày tháng dài đằng đẵng, tự khắc sẽ là một đời.
3. Ta chỉ cần lặng lẽ bên nhau và lặng lẽ vì nhau. Ta đơn giản trao đi một bờ vai để ai kia tựa đầu dựa dẫm, ta đơn giản cho nhau chút niềm vui để mỉm cười sau khi lau khô giọt nước mắt mặn mỏi. Biết bao nhiêu lý do để xa cách giữa đời, ta vẫn có thể yêu nhau với đủ vừa gắn bó. Ta yêu nhau, chỉ nhiêu thôi là đủ. Chỉ đơn giản là ở bên cạnh người đó, ta có cảm giác bình yên. Chỉ cần khi bên cạnh người đó, ta được làm chính mình. Chỉ biết là người ấy ở bên, nơi nào trên thế giới này cũng là nơi ta muốn sống.
4. Tình yêu đôi khi không chỉ đơn giản là yêu, mà còn là sự đồng điệu về thể chất, tình cảm và tâm hồn. Nó tạo ra sức hấp dẫn không thể chối từ của tình yêu. Dù chỉ là vài lời, nhưng cả hai vẫn hiểu được nỗi lòng của đối phương, cùng thấu hiểu và yêu thương.
5. Tình yêu thật ra không cần cầu kì. Cơ bản đó là khối tình cảm vô cùng trong veo, đơn giản, người gặp được nó là người xứng đáng đón nhận hạnh phúc rồi. Và nó sẽ luôn mang cho mình vẻ đẹp hoàn hảo với nét thô sơ vốn có, chẳng cần mài giũa bằng những điều phù phiếm, xa xỉ. Càng đơn giản, càng hạnh phúc.
6. Là chúng ta bắt đầu mối quan hệ này với những điểm chung bình thường giữa hai con người, đừng vật chất hóa nó lên rồi khiến nó trở nên phức tạp. Mỗi ngày đi làm mệt mỏi, chỉ cần được ngồi bên cạnh người mình thương, cùng nhau trò chuyện về những vấn đề thường ngày và động viên nhau những lúc khó khăn. Sau đó có thể cùng nhau vào bếp, chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho cả hai, chia ngọt sẻ bùi với nhau là mãn nguyện lắm rồi. Có thể rời những nơi xô bồ, đông đúc, cùng nắm tay nhau đi dạo công viên, ăn loại kem cả hai yêu thích, tận hưởng những phút giây bình yên nhất của tình yêu.
7. Có những tình yêu chẳng hề dịu dàng, không có những lời ngọt ngào đường mật, không có lời thề non hẹn biển, nhưng vẫn tràn đầy tình yêu thương ấm áp. Yêu nhau và thấu hiểu lẫn nhau đến mức chẳng cần phải nói ra mà đối phương vẫn biết rõ được.
8. Không cần phải phóng đại quá tình yêu để rồi tự chèn ép đi cả phần cuộc sống còn lại. Có lẽ anh và em không là một mảnh ghép hoàn hảo, nhưng ít nhất chúng ta cũng vì nhau mà thay đổi, trở nên tốt hơn để đối phương được hạnh phúc. Yêu nhau giản đơn là được rồi...
🌵
9 notes · View notes
wisnaa-ct · 8 months ago
Text
"Chim khôn lựa nhánh lựa cành
Gái khôn lựa chốn trai lành gửi thân"
Trăm tơ ngàn mối thế nhân
Chọn anh là chỗ tay nâng, gối kề
Từ nay một lối đi về,
Từ nay vĩnh kết tiếng thề thương nhau
Bên ngày ốm, cạnh lúc đau
Lắng nghe nhau lấy mỗi câu vui buồn
Gánh đời che chở đắp vun
Bao nhiêu sóng, bấy nhiêu buồm mình giong
Nhủ lòng ngọn lúa trĩu cong,
Khiêm cung đứng giữa đục trong vô thường
Cơm sôi, lửa cũng nhịn nhường
Bao dung những bước chung đường về sau.
Chỉ là một lễ trầu cau
Một đôi nhẫn, hứa với nhau cuộc đời
Em chưa mộng ước xa vời
Chỉ mong tâm vững giữa khơi vạn dòng
Đầy vơi trong tiếng vợ - chồng
Là tay anh ấm, là lòng em yên
Là không chất giữ muộn phiền
Là chân khi mỏi, có thềm hiên đón về
Dù khi thong thả, bộn bề
Học nhau cách lớn, cách vỗ về yêu thương
Học đời trí sáng soi gương
Học nhau cách lấy nhu - cương, thắng - hòa
Thương anh thương cả mẹ cha
Bên anh chưa quản xương da bạc tiền
Tâm anh sáng, tính anh hiền
Em vui một cuộn tơ duyên khéo tròn."
Thơ của Enos viết nhân ngày cưới, hay quá hay
4 notes · View notes
n-u-o-c · 1 year ago
Text
Ngày kỉ niệm của bọn mình là ngày anh chọn, là lúc mình chưa yêu nhau, là thời điểm mở ra cơ hội cho mình được mở lòng với nhau - đó là ngày em bị covid lần đầu tiên, xách hành lý vào khu cách ly, cùng tham gia điều trị.
Em vẫn nhớ cái ngày phát hiện 2 vạch test covid đấy. Em ngẫm nghĩ về việc em sẽ làm gì trong suốt những ngày ấy đây. Có lẽ đợt cách ly F1 đầu năm giam mình trong phòng khi chưa thoát khỏi tình trạng thất tình làm em sợ một mình hơn cả việc bị mắc covid. Mà thực tế thì em cũng chưa từng sợ nhiễm con virus đó. Có lẽ đó là lí do khiến em quyết định nhập viện vào khu cách ly.
Ngày bước chân vào khu cách ly đấy em vẫn nhớ tự dưng trong lòng nhẹ nhõm. Dường như em đã bỏ lại được hết mọi thứ ở bên ngoài khu vực đó, dường như em được bao bọc bởi những bức tường cực kì an toàn. Vì vậy mà em cảm thấy em không phải người bệnh, cũng không mấy mệt mỏi và đau đớn. Thậm chí em bị sốt và bị lạnh nhưng em cũng không cảm nhận ra, mà là anh bác sĩ đang điều trị lúc ấy nhận thấy được.
Rồi em nhớ em có nhờ anh mang đồ cho. Em thấy anh đi từ phía thang máy ra bước về phía em và mình cách nhau 1 lớp cửa kính. Lúc đó em thấy anh đẹp trai lắm, em còn quay video lại. Chỉ đơn giản là vì đẹp trai nên quay lại thôi. Vậy mà sau đó đã có bao nhiêu dòng tin nhắn ngắn dài, bao nhiêu câu chuyện nhỏ to bắt đầu.
Khi em bắt đầu điều trị cho khu bệnh nhân nặng là em vẫn còn dương tính và vẫn còn phải cách ly. Em làm việc một mình trong căn phòng ở ngoài của khoa bệnh nhiệt đới. Em không có sợ hãi gì, chỉ hơi thấy mệt khi ngủ dậy. Rồi vào thời điểm đó đã bắt đầu kể cho anh về chuyện thất tình em đã úp mở trước đó. Em hứa với anh rằng anh sẽ được biết chuyện.
Hôm vừa rồi em chở anh về nhà. Vì anh uống rượu buổi trưa nên em lái xe. Em ngồi trước và thấy anh hát bài Trái tim bên lề. Em hỏi anh thời trước lúc chưa yêu, anh có bao giờ thấy "trái tim bên lề" không. Anh bảo nhiều chứ, nhiều lắm. Anh thích em từ trước khi mình nói chuyện nhỏ to lâu rồi. Còn nghe đồn em với nyc xong thấy buồn vui lẫn lộn, còn cảm thấy bực khi lại là tin đồn đấy nhưng xảy ra trục trặc. Rồi anh còn thi thoảng nhìn trộm em trong những lần đi chơi hay ăn uống có mặt nhau.
Anh biết không, mỗi lần anh kể lại những điều ấy em đều xúc động vô cùng. Hoá ra có một người ở trong bóng tối luôn đợi mình cho đến khi tự tay mình dắt người ấy ra ánh sáng.
Vừa mới tối nay em xem lại ảnh của chúng mình từ hồi tháng 3 năm ngoái, nào là lần đầu tiên em dắt anh ra đền Cửa Ông mà chỉ đi 2 đứa, nào là đi Cẩm Hải, nào là chuyến đi Yên Tử lúc em còn đang thất tình. Em tự hỏi từ lúc yêu em anh có được hạnh phúc không, có được vui vẻ không. Em tự trả lời mình rằng có, thậm chí nhiều hơn trước rất nhiều. Cứ nghĩ đến điều ấy là em vui lắm, nhớ anh nhiều lắm...
Từ hôm thứ 2 rời Cẩm Phả quay trở lại Hà Nội đến giờ em khóc nhiều lắm. Nhớ anh, nhớ nhà, giống như là phải một mình chiến đấu ở nơi xa lạ cảm thấy không đủ sức lực nên cứ khóc mãi. Vậy mà qua mấy hôm em cũng đã ổn ổn trở lại. Học tập và cuộc sống ở đây cũng dần cuốn em theo...
Cuối tuần rồi mình đi Yên Tử với nhau. Một chuyến trải nghiệm đủ các kiểu hình thời tiết từ nắng đến mưa, từ quang đến mây mù, và đặc biệt nhất là đã có cầu vồng trên lối xuống. Mong muốn được cùng anh leo Yên Tử 3 năm liền đã được thực hiện xong, nhưng anh vẫn bảo lần tới sẽ đi kiểu thanh cảnh hơn. Thật vui vì anh vẫn muốn cùng em đi tiếp tới nơi non thiêng nơi đã nhiều lần bao dung em và cả những giọt nước mắt của em.
Anh đã đi trực 2 ngày liền rồi, còn 1 ngày nữa để nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục đi trực. Em cũng thương anh trực nhiều để kiếm thêm thu nhập, nhưng rồi lại không có thời gian chăm sóc bản thân và phòng ở. Có lẽ chúng mình đến với nhau đã là lựa chọn bắt đầu khó khăn và xác định khó khăn cùng nhau. Cả hai dường như đều ở thấp hơn vạch xuất phát và phải phấn đấu thực sự để có thể đuổi theo người khác... Nhưng cuộc đời có lẽ cũng ngắn ngủi, chỉ miễn ta luôn cố gắng tiến về phía trước, anh nhỉ?
Tumblr media
Cầu vồng ở sườn núi xa xa, đó là nơi mà ta không chạm đến. Nhưng một lần hội ngộ, một lần đi qua cũng đã là một hạnh phúc.
15 notes · View notes