Tumgik
#vùng biển sâu
chieclamauxanh · 11 months
Text
Những đứa trẻ cố vùng vẫy tìm chỗ đứng,
giữa đại dương.
Hồi lớp 10 mình đi học bơi, lúc còn bơi chưa sỏi đã bị thầy giáo ném xuống hồ sâu 1m8. 1m8 thì cũng không phải là sâu, nhưng với đứa chỉ vỏn vẹn mét rưỡi như mình thì bi nhiêu đó đã đủ làm mình chìm. Mình còn nhớ lúc đó mình chới với, cố vùng vẫy để không bị chìm, vậy mà mình càng cố quẫy đạp thì lại càng chìm sâu. Dù trước đó mình đã học qua tư thế đứng nước, thở nước, và mấy động tác bơi nữa, vậy mà tới khi xuống nước thì mình quên hết, mặc cho nước nhấn chìm. Tới khi uống một bụng nước thì thầy ở trên bờ mới nhắc là "Nín thở, nín thở sẽ tự nổi lên". Từ đó về sau mình biết được khi đuối nước, càng vùng vẫy càng mất sức, chóng chìm.
Dạo gần đây mình luôn trong trạng thái "bị ngộp", hệt như cái cách mình bị đuối nước hồi học bơi năm lớp 10 ấy. Đôi lúc mình cảm giác mình đang bị nhấn chìm đến nghẹt thở, mình càng lý trí cố gắng tìm đường thoát, con sóng lớn lại kéo đến nhấn chìm mình. Và mình càng quẫy đạp lại càng mất sức, càng chìm sâu, chìm sâu.
Phải chăng mình vẫn luôn vùng vẫy để cố đi tìm một chỗ đứng cho mình mà không để ý đến nơi mình đang đứng chính là đại dương thăm thẳm?
Hôm qua đi dạy học trò, mình chỉ vô tình hỏi rằng em có đang bị quá tải không. Vậy là học trò mình oà khóc, kể mình nghe rằng em đang trải qua giai đoạn khó như thế nào, áp lực ra sao. Mình nhận ra tụi mình - những đứa trẻ nhạy cảm luôn cần được lắng nghe, đang cố gắng vẫy vùng nhưng càng cố càng đuối, càng bị cuộc đời nhấn chìm.
Và mình biết rằng không chỉ mình, học trò mình mà mỗi người tụi mình đều phải đang chiến đấu với những con sóng to lớn như thế. Bài viết này sẽ không có phần kết, vì chính mình cũng chưa vượt qua được con sóng, vẫn đang bị nhấn chìm từng ngày từng ngày.
Nhưng mình mong tụi mình đều sẽ thành công vượt biển, đón một bình minh bên bờ biển thật xinh, nhé.
18 notes · View notes
buddhistbooks · 1 month
Text
Tumblr media
Người “đại khí” sẽ có sức hút riêng của mình.
1. Thản nhiên đối mặt với khốn cảnh
Vào thời nhà Đường, sau thất bại của “Cải cách Vĩnh Trinh”, Lưu Vũ Tích bị giáng chức từ quan Đại thần xuống một chức quan nhỏ ở vùng biên cương. Quan Tri huyện địa phương đã dùng đủ mọi cách để gây khó khăn cho ông, buộc ông phải rời khỏi nha môn và sống ở một nơi hoang vắng ở phía Nam thành phố. Không ngờ Lưu Vũ Tích không những không tức giận, mà còn cảm thấy sống đối diện với dòng sông cảnh sắc hữu tình, lập tức viết một câu đối có tiêu đề “Bạch phàm” và dán lên cửa.
Khi Tri huyện biết được chuyện này, ông ta rất tức giận và buộc ông phải chuyển đến một vùng nhỏ hẹp ở phía Bắc thành. Tuy nhiên, Lưu Vũ Tích cảm thấy ngôi nhà ở phía Bắc thành tuy nhỏ nhưng lại nằm ở ven sông với những hàng liễu bên bờ, làm nơi đây trở thành một thế giới khác biệt. Sau đó ông viết bài thơ: “Dương liễu thanh thanh giang thuỷ bình, thân tại Lịch Dương, tâm tại Kinh”, có nghĩa là, cây dương liễu xanh xanh, nước sông phẳng lặng; Thân tại Lệ Dương, tâm tại Kinh.
Tri huyện liền nổi giận đùng đùng, cuối cùng sắp xếp cho ông đến một nơi hẻo lánh trong thành. Lần này không có thuyền buồm, không có sông, không có liễu, chỉ có một cái bàn, một cái ghế và một chiếc giường. Không ngờ đối mặt với tình cảnh khốn cùng như vậy, Lưu Vũ Tích lại lấy cảm hứng và viết một bài thơ lưu truyền cho đến ngày nay: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh. Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh”, có nghĩa là, núi không tại cao, có tiên thì nổi danh; Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh. Đây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho.
Trong “Kinh dịch” có viết rằng: “Khúc thành vạn vật nhi bất di”, có ý rằng, tựu thành trọn vẹn muôn vật mà không bỏ sót. Sự phát triển của vạn vật trên thế giới không phải là một đường thẳng. Cũng giống như con người trong hành trình nhân sinh của mình, có lúc bước lên đỉnh cao danh vọng tài phú, đạt được thành tựu to lớn, nhưng cũng có lúc rơi xuống đáy vực, gặp phải đủ mọi vây khốn.
Trong những năm bị giáng chức, Lưu Vũ Tích luôn tuân thủ nguyên tắc “làm lợi ở dân”, thực hiện giáo dục văn hóa dựa trên tình hình thực tế của địa phương xa xôi, lạc hậu nơi đây, phát triển văn hóa, giáo dục, nỗ lực khai sáng trí tuệ, bồi dưỡng nhân tài, phổ biến, phát huy kỹ thuật canh tác tiên tiến vùng Trung Nguyên, tăng cường phát triển sản xuất, sưu tầm rộng khắp các bài thuốc dân gian, biên soạn sách y học, phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Đại khí” của Lưu Vũ Tích chính là sự điềm tĩnh. Khi gặp sự việc có thể nghĩ được thông, cầm lên được nhưng cũng có thể buông xuống được, lúc nào nên tiến lúc nào nên lùi, thận trọng, trầm tĩnh và kiên định không dễ dàng lay chuyển.
Khi gặp phải nghịch cảnh, chúng ta nếu có thể giống như dòng suối, không bị vướng bận vào những khốn cảnh trước mắt, mà có thể chuyển sang hướng khác và tiến về phía trước. Đi đâu cũng có đường, đâu đâu cũng có cảnh sắc, lúc nào cũng cảm thấy an ổn. Nhìn bên ngoài có vẻ như bạn đang trôi theo dòng nước vô định, nhưng chỉ cần bạn ôm giữ hoài bão trong tâm, ngay cả khi bạn tiến về phía trước gặp phải một khúc bẻ ngoặt, cuối cùng bạn cũng sẽ hòa mình vào biển cả.
2. Khi bị chỉ trích có thể làm được điềm tĩnh mà không tranh cãi
Lâu Sư Đức là một vị quan thời nhà Đường, ông rất khoan hậu. Nhưng Địch Nhân Kiệt không đánh giá cao ông và cho rằng ông làm bộ làm tịch.
Sau đó, Địch Nhân Kiệt tới Bắc Kinh làm Tể tướng. Võ Tắc Thiên vô cùng kinh ngạc khi thấy Địch Nhân Kiệt coi thường Lâu Sư Đức, vì vậy đã nói với Địch Nhân Kiệt rằng, sở dĩ ông có thể làm quan trong Triều đình chính là nhờ sự tiến cử của Lâu Sư Đức.
Hóa ra trước sự chế nhạo của Địch Nhân Kiệt, Lâu Sư Đức không bao giờ tranh luận, ngược lại, ông lại lấy ơn báo oán và tiến cử Địch Nhân Kiệt đến Bắc Kinh làm quan. Sau khi Địch Nhân Kiệt biết được sự thật, ông cảm thấy vô cùng xấu hổ và không bao giờ nói xấu Lâu Sư Đức nữa.
Người quân tử cần phải nhẫn được những điều người khác không thể nhẫn, dung thứ được những điều người khác không thể dung thứ, đối xử khoan dung rộng lượng với người khác, đây là biểu hiện bên ngoài của sự tu dưỡng của một người. “Đại khí” của Lâu Sư Đức cũng khiến Địch Nhân Kiệt buông bỏ những định kiến trong lòng.
Thể diện không phải là tranh giành mà có được, công trạng cũng không phải cướp đoạt mà đắc được, mà là có thể biết cương biết nhu, tùy việc hành sự.
Cổ nhân nói: “Quân tử hòa hợp nhưng vẫn khác biệt, còn tiểu nhân đồng nh���t nhưng không hòa hợp”. Trong cuộc sống, mỗi người đều có quan điểm khác nhau, nếu một mực tranh luận một cách mù quáng thì ngược lại sẽ bị coi là ngụy biện. Việc người khác xúc phạm, vu khống là điều khó tránh khỏi, dung thứ cho người khác mà thoái lui không tranh đấu với họ, lấy đại cuộc làm trọng mới là điều quan trọng.
Trong lòng có núi sông, có thể tĩnh lặng không tranh chấp. Như vậy, bạn sẽ không bị mắc kẹt trong những gì người khác nói, không bị ám ảnh bởi những chiến thắng nhất thời và cũng không đánh mất chính mình.
3. Truy cầu mà không đạt được thì nên buông bỏ
Trên con đường nhân sinh, theo đuổi thỏa mãn dục vọng và ham muốn của bản thân không bằng học cách xem nhẹ và buông bỏ. Được mất thắng thua là trạng thái bình thường trong cuộc sống.
Có một câu chuyện như thế này: Có một người đánh cá rất may mắn, mỗi lần ra khơi đánh bắt đều thu về được đầy thuyền cá.
Vào một ngày nắng đẹp và ông đang ra khơi như thường lệ, ông mới đánh cá được một lúc thì bất chợt một cơn cuồng phong ập đến. Thấy trời sắp mưa to, người đánh cá biết rằng chiếc thuyền nhỏ của mình không thể ở trên biển quá lâu. Nhưng không khỏi cảm thấy tiếc nuối, vì nếu bắt thêm vài con cá nữa thì có thể lấp đầy thuyền như thường lệ.
Thế là, người đánh cá quyết định đánh cược một phen, bất chấp mưa gió, quăng lưới lần cuối. Tuy nhiên, khi lưới đánh cá của ông đầy ắp cá và ông đang cố hết sức để kéo lưới thì cơn bão dữ dội nối tiếp nhau ập đến. Khi sóng lớn ập đến, thuyền của ông đã bị lật, người đánh cá và cá trong nháy mắt bị sóng nuốt chửng.
Người ngư dân chỉ vì trong tâm không đủ thỏa mãn với những gì đang có, không những không thể thắng lợi trở về, mà còn phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Có những lúc trong cuộc sống chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi, chính là bởi vì chúng ta mong muốn quá nhiều, nhưng năng lực và sức nhẫn chịu của bản thân lại không đủ. Đôi khi, thay vì cố chấp ôm giữ, cứng đầu tiến về phía trước, nếu bạn có thể dũng cảm để buông bỏ thì cuộc sống sẽ tự nhiên nhẹ nhàng, thoải mái, ung dung tự tại.
Kỳ thực, buông bỏ đúng lúc không có nghĩa là bất tài hay không có năng lực, mà là có thể thấu hiểu được cục diện và nội lực của bản thân mình. Khi bản thân ôm giữ càng ít thì lại càng dễ tiến về phía trước. Suy cho cùng, việc truy cầu một điều gì đó mà không được là hết sức bình thường, cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo.
Nguồn: nguyenuoc
5 notes · View notes
[Lễ hội mùa hè Series] RukixYui
Tumblr media
|Ngày mưa, biển vắng và pháo hoa. Điều ước nguyện mong manh|
Ruki bước ra khỏi tòa nhà lớn có kiến trúc theo lối hiện đại trông như một khối kính với nhiều cạnh mài sắc, nơi mà chỉ vừa nãy thôi anh vừa có một cuộc giao dịch nhỏ đổi lấy giấy tờ hợp pháp để rời khỏi đất nước này. Bầu trời trước mặt xám xịt một màu với những cơn gió nặng mùi hơi nước hăng đắng báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Cả gầm trời sà xuống, như thể sắp sập ngay trước mũi chân anh. Ruki lắc đầu với một hơi thở dài khẽ để xua tan hình ảnh tưởng tượng vô lý vừa rồi. Bước chân anh rẽ phía trái, nơi những bậc thang lát đá thoai thoải dẫn xuống khu khuôn viên chính. Chẳng mất nhiều thời gian để ánh mắt anh bắt gặp cái dáng nhỏ xíu ngồi bó gối cạnh chiếc vali da thuộc có phần cổ điển và lạc lõng với tất cả khung cảnh xung quanh. Chiếc áo khoác ngoài hồng nhạt của thiếu nữ hầu như trở thành sắc màu sinh động duy nhất nổi bật lên khỏi cảm giác ảm đạm lan tràn. 
Giật mình trước sự xuất hiện đột ngột của mũi giày da, cô gái nhỏ ngước lên. Nụ cười dịu dàng đón lấy ánh mắt anh đầu tiên. Giọng em nhỏ nhẹ. 
“Ruki-kun, xong việc rồi sao?” 
Anh gật đầu khẽ, với tay lấy chiếc túi xách em đang ôm trong lòng, tay còn lại đưa ra cho Yui nắm lấy để đứng dậy. 
“Ta đi thôi, sắp mưa rồi.” 
Nắm lấy những ngón tay nhỏ bé lạnh đi vì chờ đợi bên ngoài, anh không khỏi nhăn mày nhưng không để cho em thấy biểu cảm đó. Ngón tay dài hơi xương của anh vô thức xoa khẽ lên mu bàn tay, chà xát lặp lại mấy lần để hơi nóng mà anh không quen thuộc làm ấm bàn tay mình nắm lấy. 
Cơn yên lặng phủ xuống bờ vai hai người. Gió vẫn thổi ngày một mạnh hơn trong khi cơn mưa tưởng chừng đã nếm thấy mùi vị tràn không khí. Suốt quá trình ra ga lấy vé tàu, Ruki thỉnh thoảng đáp lại một vài câu hỏi của em về thủ tục đang được tiến hành. Anh kéo hành lý một bên tay, dẫu không chạm vào thiếu nữ đi trước cách chỉ một hai bước nhưng sự chú ý đặt lên từng bước chân em. Một đôi khi anh sẽ đưa tay ra ngăn Yui va chạm với chướng ngại vật mà em mải nhìn mây trời không để ý. 
Tiếng còi xe lửa hú một hồi dài vang vọng khắp sân ga cô quạnh báo hiệu thời gian khởi hành sắp điểm. Không có những bước chân vội vàng của hành khách cho kịp chuyến. Con tàu im lìm chờ đợi trong không khí nặng hơi nước chợt rùng mình một cái như hơi thở dài rồi bắt đầu rùng rùng chuyển bánh. 
Những giọt nước mưa đầu tiên rơi xuống tạt chéo ngoài ô cửa kính khép kín làm nhòa đi cảnh vật bên ngoài. Khoang xe nhỏ lắc lư từng nhịp đều đặn ru giấc ngủ của thiếu nữ. Mới đầu em còn hào hứng muốn ngắm nhìn cảnh vật trên đường đi nhưng trời mưa nặng hạt, nước liên tục quất ngoài cửa kính mịt mờ làm giảm dần sự hứng thú của thiếu nữ. Dần dần không khí lành lạnh trườn tới, chinh phục mí mắt nặng trĩu, Yui dựa vào vai anh im lặng ngủ. 
Rời mắt khỏi trang sách, Ruki ngẩng nhìn những hạt nước vẫn vẽ những đường ngoằn ngoèo ngoài ô kính. Có lẽ phải đến hơn hai giờ đồng hồ nữa tàu mới tới ga hai người cần xuống, một vùng ven biển nơi anh đã hỏi thuê sẵn một căn trọ nhỏ trong những ngày chờ thủ tục hoàn tất sắp tới. Anh nghĩ với một cái cau mày, rằng thời gian lưu lại đây đã sắp đến hồi kết thúc. Dẫu Yui hay kể cả anh không phải người quá khó khăn để bắt nhịp với một hoàn cảnh mới, cả hai đều đã dần quen với những chuyến đi liên tục, những vùng đất chỉ dừng chân thoáng qua. Nhưng đó có lẽ chưa bao giờ là điều em muốn, hay thậm chí là điều anh muốn. 
Một đôi khi Ruki nghĩ, đó không phải hối hận, anh không hối hận khi đánh cắp Yui khỏi nơi lẽ ra em sẽ thuộc về, khỏi vai trò Eve của em khi anh chỉ là con rắn phản bội với lời ngon ngọt. Anh không hối hận với cả việc bản thân đã trở thành một ma cà rồng, điều trở thành hố sâu ngăn cách giống loài giữa hai người. Nhưng sẽ có lúc anh nghĩ đến một ánh đèn ấm áp mà ở nơi đó tiếng cười ngọt ngào của em chầm chậm vang. Thời gian hầu như đứng lại, và anh sẽ nhớ mãi về dáng vẻ mềm mại, về vị ngọt đôi môi em trên đầu lưỡi. Trên những vòng bánh xe trốn chạy, anh giữ những hình ảnh đó mãi nơi góc cùng trái tim không còn đập hàng thế kỷ trước. Như một giấc mơ trong ánh sáng mà cách ngăn với anh bằng lằn ranh muôn kiếp. 
Tiếng phanh xe lửa khi vào ga rít một hơi dài vọng rõ trong thính giác tinh nhạy của anh để lại một phản ứng gần như giật mình. Hơi thở vẫn đều đều của Yui ngay bên cạnh khiến lòng anh dịu lại đôi chút. Những dòng suy nghĩ cuốn theo mưa ngoài cửa bỗng chốc cũng bốc hơi. Anh để cuốn sách đọc dở sang một bên, thật khẽ khàng để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người con gái bên cạnh. Những ngón tay em vẫn còn lồng trong tay anh khe khẽ siết chặt. Hơi ấm của một con người lan chầm chậm qua từng mạch máu buốt lạnh suốt cả trăm năm dài của anh. 
Anh sẽ không bao giờ thừa nhận việc này trước mặt Yui, nhưng sự hiện diện của em ở bên cạnh luôn là một liều thuốc an thần tốt nhất không bác sĩ nào có thể đem lại được. Có những khi cõi lòng hoang hoải của anh vô thức dựa vào bờ vai mảnh của người con gái thấp hơn mình đến gần ba chục phân, tìm kiếm trong đó những khoảng an ủi bằng tiếng tim đập thật chậm rãi và sinh động của con người. Anh lắng nghe tiếng trái tim em, và đó dường như là bằng chứng nói với anh rằng anh đang sống. Qua sự tồn tại của Yui, thốt nhiên anh cảm thấy chúng cái nguồn cơn sự sống mà anh kiếm tìm sau cả trăm năm trái tim ngừng đập. 
Với một đợt chuyển mình nữa, con tàu lại tiếp tục lao đi trong màn mưa đưa hai người chạy trốn. 
.
.
.
“Yui, thay đồ và làm khô tóc em trước đi đã.” 
Ruki sải bước chân dài qua khoảng cách giữa hai người. Anh giơ tay trùm chiếc khăn bông lớn lên đầu người thiếu nữ còn lúi húi bên những túi đồ ăn lớn hai người mới mua trên đường từ ga về nhà trọ. Tiếng kháng nghị khe khẽ phát ra từ phía Yui, nhưng anh nhất quyết kéo tuột em về phía bộ sofa nhỏ. Qua lần vải bông mềm, anh chăm chú xoa nhẹ để loại bỏ nước khỏi những lọn tóc xoăn bướng bỉnh trên vai em. Giọng trầm trầm cắt qua thái độ tiếp tục muốn cự nự của cô gái nhỏ. 
“Phải biết lo cho mình trước. Tôi sẽ phạt nếu như em đổ bệnh đấy nhé.” 
Nhận ra vẻ cúi đầu nhận lỗi, Ruki mới từ từ buông cái khăn để Yui tự lau tiếp. Anh quay lưng lại, bước tới chỗ đống đồ mới mua, sắp xếp chúng vào chiếc tủ lạnh ở góc căn bếp. Ở dưới đáy túi đồ, Ruki đổ ra được hai cái gói bọc giấy màu là lạ mà anh không nhớ khi nãy mình đã bỏ vào giỏ hàng. Một trong số chúng nhiễm nước nát mất phần góc giấy lộ ra bọc nilon phía trong. Sau khi xé lớp bọc, anh chớp mắt nhìn vật thể trong tay: Một bọc pháo bông cầm tay. 
Lúc ngẩng lên, Ruki bắt gặp ánh mắt tội lỗi, trông như thể cún con mắc mưa của Yui khi thấy anh đã phát hiện ra bí mật nho nhỏ em cất công nhét xuống tận đáy túi đồ mua. Anh nhướng mày khe khẽ. Em hơi ấp úng, gò má chẳng hiểu sao đỏ ửng lên. 
“H-hôm nay là lễ hội sao. Em mua cùng với mấy mẩu giấy bên cạnh nữa.” 
Tiếng chuông gió đâu đó kêu lanh canh khe khẽ trong khoảng lặng mà Ruki ngẩn ra. Khái niệm thời gian, lễ hội này kia đối với anh trở nên xa xôi từ lâu khiến anh không nhớ ra nổi ngày tháng. Gói pháo bông trên tay anh bỗng trở nên nặng nề. 
Nhưng chưa kịp để Yui bắt đầu nhận lỗi về phía mình, Ruki ngẩng lên. Anh mỉm cười, hất hàm ra phía khung cửa sổ, nơi bóng mưa đã tạnh. Hoàng hôn ngấp nghé cháy rực trên biển chiều, hứa hẹn một buổi tối quang mây. 
“Ăn tối xong ta ra biển dạo nhé?” 
Yui cười rạng rỡ, em gật đầu lia lịa. Sau đó mau chóng hăng hái cùng anh nấu bữa tối. Không mất nhiều thời gian thức ăn đã được dọn ra bàn, Ruki trong lúc dựa lưng vào quầy bếp lặng lẽ ngắm nhìn người yêu vui vẻ sắp xếp từng món bát, dĩa, chén còn ngâm nga khe khẽ một giai điệu lạ tai trong cổ họng đã không nhận ra khoé môi mình nhấc lên càng cao. Cởi chiếc tạp dề để sang một bên, anh chợt ngừng tay lại trước khi quả quyết mang gói giấy màu mà có lẽ Yui dành để viết điều ước mà nãy anh tiện tay để tạm lên nóc tủ lạnh sang phía bàn ăn. 
“Ăn tối thôi!” Giọng em phấn khích, hai bàn tay đập vào nhau tạo ra tiếng vang nho nhỏ. 
“Lát nữa đừng quên thứ này nhé.” 
Ruki để mấy tập giấy màu cắt sẵn kèm những đoạn dây buộc trong cái gói giấy xuống cạnh chỗ tay Yui. 
“À…” Em cúi đầu, có vẻ hơi ngượng ngùng, có lẽ vì cảm thấy bản thân đã thể hiện hơi thái quá. Ánh mắt trên những mảnh giấy màu của em chợt đăm chiêu, sau một thoáng em nhìn quanh có vẻ bối rối khiến anh mở lời hỏi. 
“Sao thế?” 
“Ở đây chúng ta không có cành trúc rồi.” Vẻ phấn khích khi nãy có vẻ hơi ỉu đi. Em lặng yên, lại liếc mớ giấy, hơi thở dài thoát ra trên cánh môi hồng. Vào khoảnh khắc ấy, âm thanh lanh canh của chuông gió ngoài hiên vọng vào tai Ruki rõ hơn bao giờ hết. Anh ngẩng đầu, chỉ tay ra ngoài hiên nơi treo mấy chiếc chuông gió tòng teng, khẽ bảo. 
“Em treo bên cạnh chuông gió cũng được. Biển sẽ nghe lời cầu nguyện của em đấy.” 
“Thật ư?” 
Yui tròn mắt tò mò. Ruki lơ đãng nhìn ra khoảng không tối mờ phía ngoài khung cửa sổ, anh gật đầu lặng lẽ. 
“Vậy chúng ta mau ăn tối thôi!” Anh nghe cô thiếu nữ đã lấy lại giọng đầy năng lượng trước đó, cũng thở ra. Ngồi xuống phía đối diện cô, anh bắt đầu dùng bữa trong tiếng kể chuyện của người yêu. Em thỉnh thoảng vẫn kể những câu chuyện vu vơ, lần này là truyền thuyết về ngày lễ hội sao. Anh đã từng đọc về nó đâu đó trong hàng ngàn cuốn sách suốt nhiều năm ròng. Giờ đây chỗ chữ nghĩa đó trôi dạt, chìm nổi cùng những lời Yui kể suốt bữa ăn. 
Câu chuyện đêm tháng bảy là về những kẻ yêu nhau phải chia xa và họ được gặp lại bên bến bờ vũ trụ. 
Anh không bình phẩm, nhưng thốt nhiên nhớ đến những ngày tháng đã trôi qua và sẽ đến phía trước, về hành trình của mình và Eve. Sẽ đến bao giờ nữa? 
.
.
.
Sau khi người yêu nhỏ bé đã thỏa mãn với hàng giấy buộc phất phơ cạnh chuông gió vỏ sò trước hiên. Ruki cùng Yui tản bộ ngoài bãi biển. Biển đêm rì rào tiếng sóng, bản ca vĩnh viễn của thiên nhiên như ru giác quan của anh về một cõi không thật. Trên bầu trời đêm nay mảnh trăng lưỡi liềm cheo leo. Phần còn lại đã vỡ thành muôn vạn sao bung tỏa khắp vùng tối của vòm vũ trụ. Ánh sáng của chúng phản chiếu trên đầu sóng nước, lấp lánh. Cẩn thận đi xuống vùng ven mép nước, để những đợt sóng vội xoá nhoà dấu chân trên cát ướt. Anh theo dõi những dấu ấn để lại rồi bị lấp đi ấy sau bước chân em dịu dàng với một cảm thức gần với nỗi buồn miên miên. 
Như thuỷ triều lấp cát dưới chân, anh chợt thấy cố gắng in dấu vết chân của mình cũng chẳng khác nào cuộc hành trình phía trước. Đến nơi đâu không có Ngài? Liệu có khả năng nào? 
Trong dòng suy nghĩ, anh chợt giật mình bởi hơi ấm lan đến từ bàn tay. Yui nắm lấy tay anh, em đưa lên gói pháo bông ban chiều. Nụ cười ngọt bên môi. 
“Ta đốt pháo bông nhé? Không có pháo hoa có thể xem pháo bông!” 
Ruki gật đầu, anh bắt đầu dùng bật lửa châm mấy cây pháo. Chúng sáng lên mau chóng, tỏa rạng cả một vùng nước. Yui đem chúng cắm thành vòng tròn nhỏ, thích thú đứng vào giữa. Gió biển thổi lộng cũng không làm tắt được cây pháo cháy sáng như những ngôi sao nhỏ rớt xuống mép nước lung linh. Giữa ánh sáng pháo bông, em vừa cười vừa vẫy tay với anh vẻ thích thú vô cùng. 
Ruki đứng nghe tiếng cười em theo gió tạt về phía bờ trong trẻo. Tà váy bồng bềnh trong gió, ánh sáng của pháo bông bỗng chốc biến em thành hình ảnh một thiên thần thật sự tỏa sáng giữa vòng hào quang. 
Gió biển ù ù. 
Trong một khoảnh khắc thiếu nữ như trực bay lên, biến mất vào nền trời đêm vô tận. Tan ra, tan ra mãi mãi trong bóng tối ngàn năm. 
Ruki giật mình, anh bước vào giữa vòng ánh sáng đó ôm ghì lấy Yui trong vòng tay đổi lại cái giật mình của thân thể thiếu nữ mềm mại. Nhưng em lặng lẽ đáp lại cái ôm ấy, cánh tay yếu ớt bao nhiêu so với anh siết thật chặt, thật chậm rãi. 
Một khoảnh khắc như kéo dài mãi mãi. 
Pháo bông xung quanh hai người cháy tàn, khói tỏa vào không trung, tan đi vĩnh viễn trong gió nhiễm hơi mặn. Nhưng hơi ấm của trái tim máu thịt đập từng nhịp vẫn nằm trọn trong vòng tay chàng ma cà rồng. 
“Em biết không, Yui? Tôi đã ghi lên mảnh giấy ước, điều ước của một kẻ phản bội Chúa Trời, rằng chúng ta sẽ được ở bên nhau đến khi hóa thành tro bụi.”
~ Hoàn thành ~ 
Fanfiction:  Ngày mưa, biển vắng và pháo hoa. Điều ước nguyện mong manh | Lễ hội mùa hè Series
Author: Sora
Category: ngọt ngào, đời thường, lãng mạn, oneshot.
Disclaimer: Ruki và Yui thuộc về Rejet
Fandom: Diabolik Lovers
Note: artwork là một commission mình đặt bạn Thiếu I-ốt
25 notes · View notes
lcthbao · 4 months
Text
Colleen Hoover, “Heart Bones” (trích)
Shawn yêu dấu, Rốt cuộc rồi đứa trẻ nào cũng sẽ khát thèm một chân trời khác. Cha đã quyết ngôi nhà đầu tiên cho con là một chiếc thuyền, nhưng giờ đây cha tự hỏi, căn nhà-thuyền kia có phải là nơi con sẽ thoát ly khỏi đó? Nếu như là có, thì lỗi mọi đàng do cha. Bởi khi một người đàn ông nói ‘tôi sẽ về nhà’, lẽ ra anh ta nên đi về phía biển.
Tumblr media
Mùa hè năm 2015
Có một bức họa Mẹ Teresa treo trong phòng khách, trên bức tường đáng ra sẽ treo một chiếc tivi nếu chúng tôi có khả năng tậu được một chiếc tivi treo tường, hay thậm chí là một căn nhà với những bức tường có thể giữ được một chiếc tivi. Tường nhà di động không cùng chất liệu với tường nhà bình thường, sẽ vỡ vụn ra như phấn nếu bạn di đầu móng tay cào mạnh vào chúng. Đã có lần tôi hỏi má tôi, Janean, sao lại treo một bức họa Mẹ Teresa trong phòng khách nhà mình.
“Ả ta là mụ lừa đảo,” bà nói.
Đó là lời của má tôi, không phải của tôi. Khi bản thân là kẻ tệ hại nhất rồi thì việc tìm kiếm những điểm xấu xa nhất ở người khác sẽ tự khắc trở thành sinh kế. Tôi nghĩ vậy. Bạn xoáy sâu vào vùng tối của người khác với hy vọng không để lộ ra mặt tối của bản thân. Má tôi đã sống một cuộc đời như thế. Luôn luôn truy tận những điều tệ hại nhất ở người khác. Ngay cả với con gái ruột của má. Ngay cả với Mẹ Teresa.
Janean đang nằm dài trên đi văng, tư thế vẫn giữ nguyên như tám tiếng trước, lúc tôi ra khỏi nhà để vào ca làm ở McDonald's. Má đang ngó chăm chăm bức họa Mẹ Teresa, nhưng bà không thực sự nhìn nó. Như thể hai con ngươi của má đã ngưng hoạt động. Đã ngưng tiếp thu.
Janean là một con nghiện. Tôi đã phát giác ra điều này vào năm chín tuổi, nhưng hồi ấy những cơn nghiện của má chỉ giới hạn trong ba thứ là đàn ông, rượu chè và cờ bạc. Sau nhiều năm, những cơn nghiện của bà trở nên đáng chú ý và nguy hiểm hơn. Cách đây chừng năm năm, hồi tôi tầm mười bốn tuổi, lần đầu tiên tôi bắt quả tang má chơi ma túy đá. Một khi đã sử dụng ma túy đá thường xuyên thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn trầm trọng. Tôi từng có lần tra cứu trong thư viện trường. Một người nghiện ma túy đá có thể sống trong bao lâu? Sáu đến bảy năm là đáp án mà internet trả về cho tôi.
Những năm qua, đã không ít lần tôi thấy má thờ ơ lãnh đạm, nhưng lần này có cảm giác khác. Chừng như là lần cuối.
“Janean?” Giọng tôi vẫn bình tĩnh như không, và rõ là không hợp tình hợp cảnh chút nào. Đúng ra nó nên rung lên hoặc tắc nghẹn. Tôi thấy có chút hổ thẹn vì phản ứng không chút gì đổi khác của mình trong khoảnh khắc này.
Tôi thả rơi chiếc ví của mình xuống chân khi tập trung ánh nhìn vào mặt má từ bên này phòng khách. Bên ngoài trời đang mưa, tôi vẫn chưa đóng cửa nên người tôi càng lúc càng ướt. Thế nhưng, việc đóng cửa lại và tránh khỏi cơn mưa lúc này với tôi không phải là mối bận tâm lớn nhất, khi tôi đang nhìn chăm chăm vô má, còn má thì ngó trừng trừng Mẹ Teresa.
Một cánh tay má ôm trước bụng, tay còn lại lủng lẳng bên đi văng, mấy ngón tay đậu hờ trên chiếc thảm mòn vẹt. Người má hơi phù lên khiến bà trông có vẻ trẻ hơn. Không phải trẻ hơn tuổi thật của má - bà chỉ mới ba mươi chín tuổi - mà là trẻ hơn dáng vẻ nghiện ngập khoác lên bà. Hai má của bà bớt hóp, mấy nếp nhăn xuất hiện quanh miệng vài năm trở lại đây như vừa được làm căng trở lại nhờ Botox.
“Janean?”
Không một động tĩnh. Miệng má mở he hé để lộ những chiếc răng sâu vàng khè. Nhìn bà như đang nói dở một câu gì đó ngay khi sự sống tuồn ra khỏi mình. 
Tôi đã mường tượng đến khoảnh khắc này. Có khi bạn căm ghét một người nhiều đến mức không thể ngừng thao thức trong đêm, tự hỏi cuộc sống sẽ ra sao khi người đó chết quách đi cho rồi. Mường tượng của tôi khác lắm. Mường tượng của tôi gay cấn hơn nhiều.
Tôi nhìn Janean thêm chút nữa, chờ xem có khi nào má chỉ đang bị thôi miên hay không. Tôi tiến thêm mấy bước về phía má và dừng lại khi nhìn thấy cánh tay bà. Một mũi kim tiêm vẫn còn lủng lẳng cắm trên da, ngay bên dưới khuỷu tay má. Ngay khi nhìn thấy cảnh tượng đó, thực tại lập tức lướt qua tôi như một thước phim nhầy nhụa khiến tôi muốn lộn mửa. Tôi quay đi và chạy ra khỏi nhà. Tôi có cảm giác mình sắp phát ốm đến nơi nên phải đứng tựa vào thành lan can xiêu vẹo, cẩn thận không để nó bị nặng quá mà oằn xuống dưới tay mình. 
Tôi thấy nhẹ nhõm ngay khi phát ốm, bởi tôi đang lo lắng việc mình không có phản ứng gì trước khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời này. Tôi có thể không kích động như phản ứng nên có của một đứa con gái trong khoảnh khắc này, nhưng ít ra vẫn tôi cảm nhận được một điều gì đó. Tôi chùi miệng lên ống tay áo đồng phục McDonald’s mà mình đang mặc. Tôi ngồi xuống mấy bậc thềm, mặc cho cơn mưa vẫn không ngừng trút xuống người tôi từ bầu trời đêm thăm thẳm. Tóc và áo quần tôi ướt sũng. Mặt tôi cũng vậy, nhưng không có dòng chảy nào đang tuôn xuống má tôi là nước mắt. Tất cả đều là nước mưa. Mắt tôi ướt nhẹp nhưng lòng tôi ráo hoảnh. Tôi nhắm mắt lại và úp mặt vào lòng bàn tay, cố nghĩ xem sự thiếu phản ứng của tôi lúc này là do được dạy dỗ hay bẩm sinh đã không trọn vẹn.
Tôi không biết lối nuôi dạy nào thì tệ hơn: được bảo bọc và yêu thương đến mức không nhận thức được thế giới này có thể tàn nhẫn ra sao, cho đến khi đã không còn kịp để tiếp thu các kỹ năng đương đầu cần thiết nữa; hay là gia cảnh mà tôi đã lớn lên - phiên bản xấu xí nhất của một gia đình, nơi đối phó là thứ duy nhất mà bạn học được. Trước khi đủ lớn để biết tự nấu nướng cho bản thân, đã nhiều đêm tôi nằm trằn trọc không ngủ được vì chiếc bao tử cồn cào đói meo. Janean có lần bảo tiếng gầm gừ phát ra từ bụng tôi là của một con mèo háu ăn đang trú ngụ trong đó, nó gầm gừ khi không được cho ăn đầy đủ. Từ sau lần đó, mỗi khi đói tôi lại tưởng tượng con mèo trong bụng mình đang kiếm thức ăn mà không có. Tôi sợ nó sẽ xơi hết nội tạng của mình nếu tôi không cho nó ăn, nên có nhiều khi tôi ngốn những thứ không phải đồ ăn chỉ để thỏa mãn con mèo háu đói. 
Má từng có lần bỏ tôi ở một mình rất lâu, đến nỗi tôi phải ăn vỏ chuối và vỏ trứng trong thùng rác. Tôi thậm chí còn cố gặm mấy miếng nhồi trong đệm ghế nhưng không nuốt nổi vì cứng quá. Suốt tuổi thơ tôi đã mang nỗi khiếp sợ rằng con mèo chết đói kia sẽ từ từ gặm nhấm tôi từ bên trong. Tôi đâu biết mỗi lần má chỉ đi chừng hơn một ngày, nhưng hồi còn con nít, thời gian dài đằng đẵng những khi bạn phải ở một mình. Tôi nhớ má sẽ chân đăm đá chân chiêu bước qua cửa, đổ nhào lên chiếc đi văng và nằm đó hàng giờ liền. Tôi sẽ co ro ngủ thiếp đi ở đầu kia đi văng, sợ đến nỗi không dám để bà lại một mình. Nhưng rồi đến buổi sáng sau cơn say của má, tôi sẽ thức dậy trước khung cảnh bà đang làm bữa sáng trong bếp. Không phải lúc nào cũng là bữa sáng ngon nghẻ. Có khi là đậu, có khi là trứng, có khi lại là một lon mì súp gà.
Độ sáu tuổi, tôi bắt đầu quan sát cách má bật bếp vào buổi sáng, bởi tôi biết mình sẽ cần phải biết bật nó cho lần biến mất tiếp theo của bà. Tôi tự hỏi có bao nhiêu đứa nhỏ sáu tuổi phải tự học cách sử dụng bếp lò vì tin rằng nếu không biết cách dùng thì chúng sẽ bị ăn tươi nuốt sống bởi con mèo háu đói đang trú ngụ bên trong con người mình.
Âu cũng là cái liễn. Hầu hết lũ con đều có cha mẹ là những người sẽ được nhung nhớ sau khi họ qua đời. Số còn lại trong chúng ta thì có cha mẹ là những kẻ chết đi sẽ tốt hơn.
Điều tốt đẹp nhất má từng làm cho tôi là chết đi.
-
Buzz bảo tôi vào ngồi trong xe cảnh sát của chú ấy để tránh cơn mưa và ngôi nhà trong lúc người ta mang xác má đi. Tôi thẫn thờ nhìn họ khiêng bà trên cáng, dưới lớp phủ của tấm vải trắng. Họ để má vào một góc xe của nhân viên điều tra, thậm chí còn không thèm đưa bà đi bằng xe cấp cứu. Chẳng ích gì. Hầu hết những người chết trước tuổi năm mươi ở thị trấn này đều vì nghiện ngập. Nghiện gì không quan trọng vì đằng nào cũng chết.
Tôi tì má vào kính xe và cố ngước nhìn trời. Đêm nay không một vì sao nào tỏ. Mặt trăng cũng mất tăm. Sấm chớp lóe lên thi thoảng làm lộ ra những cụm mây đen ngòm. Vừa vặn làm sao.
Buzz mở cửa sau và cúi người xuống. Cơn mưa lúc này đã dịu lại như một màn sương, mặt chú ấy ướt nhoét nhưng nhìn chỉ như đang đổ mồ hôi.
“Cháu có muốn quá giang đến đâu không?” Chú ấy hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Có cần gọi điện cho ai không? Cháu có thể dùng điện thoại của chú.”
Tôi lại lắc đầu. “Cháu không sao. Giờ cháu có thể vô nhà được chưa?”
Tôi không hay là mình thực sự muốn quay trở vào căn nhà di động nơi má đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng ngay lúc này đây tôi đâu còn lựa chọn khả dĩ nào khác. Buzz né sang một bên và bung dù lên, dẫu cho cơn mưa đã nhẹ hạt và tôi cũng đã ướt sẵn. Chú ấy đi sau tôi một bước, giữ cây dù che đầu cho tôi khi tôi bước về nhà. 
Tôi không rõ về Buzz lắm. Tôi quen Dakota, con trai chú ấy. Tôi biết rất nhiều chuyện về Dakota, tất cả những chuyện mà tôi ước giá mình không hay. Tôi tự hỏi liệu Buzz có biết mình đã nuôi nấng nên một đứa con trai như thế nào hay không. Buzz có vẻ là một người tử tế. Chú ấy chưa bao giờ gây khó dễ với má con tôi. Thảng hoặc, trong lúc đi tuần, chú ấy sẽ tấp xe vào khu nhà di động. Những câu thăm hỏi như mọi lần của chú ấy dành cho tôi khiến tôi có cảm giác như chú ấy đang trông chờ tôi van nài hãy đưa tôi ra khỏi chỗ này. Nhưng tôi không làm thế. Những đứa như tôi rất điêu luyện trong việc giả vờ ổn. Lúc nào tôi cũng chỉ cười trừ và đáp là mình vẫn khỏe re, thấy chú ấy thở phào nhẹ nhõm vì không có cớ bốc máy gọi ngay đến Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em.
Khi đã trở vào trong phòng khách, tôi không thể cưỡng lại việc ngó chiếc đi văng. Lúc này trông nó rất khác. Như có người đã nằm chết trên đó.
“Mình cháu tối nay ổn chứ?” Buzz hỏi.
Tôi quay lại và thấy chú ấy đang đứng ngay ngoài cửa với chiếc dù che trên đầu. Chú ấy nhìn tôi ra vẻ cảm thông, dù trong đầu chắc đang nghĩ đến chuyện giải quyết mớ giấy tờ thủ tục mà sự vụ này vừa gây ra cho mình.
“Cháu ổn mà.”
“Ngày mai cháu có thể xuống nhà tang lễ để sắp xếp. Họ nói cứ đến sau mười giờ là được.”
Tôi gật đầu nhưng chú ấy vẫn chưa rời đi, hai chân lóng ngóng đứng nán lại thêm chút nữa. Chú ấy xếp dù ngoài cửa như một điều kiêng cữ, rồi bước một bước vào trong nhà. “Cháu biết đó,” chú ấy nói và vuốt mặt thật lực, mái đầu hói hằn những nếp nhăn khắp trán. “Nếu cháu không trình diện ở nhà tang lễ thì họ sẽ mặc định đây là một cuộc chôn cất nghèo nàn. Cháu sẽ không có bất kỳ dịch vụ mai táng nào cho bà ấy, nhưng ít ra họ sẽ không thể bắt cháu trả tiền.” Chú ấy có vẻ xấu hổ vì đã đề xuất như vậy, đưa mắt lên bức họa Mẹ Teresa rồi cụp mắt xuống chân mình như vừa bị bà quở trách.
“Cảm ơn chú.” Tôi nghĩ chẳng có ai đến đưa tang đâu. Nghe thật buồn nhưng đúng là như vậy. Má tôi suốt đời chỉ lủi thủi một mình. Dĩ nhiên, bà đã đàn đúm với đám thường gặp của mình trong quán bar mà bà đã lui tới gần hai mươi năm, nhưng đám người đó không phải là bạn của bà. Họ chỉ là những kẻ cô độc khác, tìm đến nhau chỉ để cùng nhau cô độc. Ngay đến đám người đó cũng rơi rụng dần nhờ ơn cơn nghiện đã hủy hoại thị trấn này. Hạng người mà má đã giao du cùng không phải là kiểu người sẽ đến dự lễ tang. Hầu hết đám người này chắc đều đang chịu lệnh truy nã và tránh tất tần tất các thể loại tụ họp, phòng trường hợp run rủi đó là âm mưu dàn cảnh của cảnh sát để tóm gọn họ.
“Cháu có cần gọi cho cha mình không?” Chú ấy hỏi.
Tôi nhìn chú ấy một thoáng, biết đó là điều rốt cuộc mình sẽ làm nhưng đang trù trừ muốn trì hoãn càng lâu càng tốt.
“Beyah,” chú ấy gọi tên tôi với một âm e kéo dài.
“Tên cháu gọi là Bay-uh.” Tôi không rõ tại sao mình lại chỉnh chú ấy. Chú ấy đã gọi sai tên tôi từ hồi tôi mới biết chú ấy, và trước nay tôi chưa bao giờ để tâm tới chuyện sửa lại cho đúng.
“Beyah,” chú ấy sửa lại. “Chú biết mình không có quyền nói điều này, nhưng mà… cháu cần phải đi khỏi thị trấn này. Cháu cũng biết điều gì sẽ xảy đến với những người như…” Chú ấy ngưng lại như thể điều sắp nói ra sẽ xúc phạm đến tôi.
Tôi kết câu thay cho chú ấy. “Với những người như cháu?”
Lúc này trông chú ấy còn xấu hổ hơn, dù tôi biết chú ấy chỉ có ý những người như tôi trong nghĩa rộng. Những người có mẹ giống như má tôi. Những người không cách nào thoát ra khỏi thị trấn này. Những người rốt cuộc phải đi làm trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh cho đến khi toàn thân tê dại, và người đứng bếp sẽ mời họ một “hơi” giúp khoảng thời gian còn lại của ca làm có cảm giác như đang ở vũ trường, và trước khi kịp nhận ra thì họ đã không thể nào gắng gượng nổi dù chỉ một giây trong ngày khốn khổ của mình mà không hít thêm hơi này đến hơi khác, theo đuổi thứ cảm giác đó còn ráo riết hơn sự an toàn của chính đứa con mình, cho đến khi họ bơm thẳng nó vào huyết quản và ngó trừng trừng Mẹ Teresa trong khoảnh khắc bất đắc kỳ tử, trong khi tất cả những gì họ từng khao khát chỉ là một lối thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Buzz dường như không thoải mái khi đứng trong căn nhà này. Tôi ước gì chú ấy chỉ vậy mà đi thôi. Tôi thấy buồn cho chú ấy hơn là cho chính mình, trong khi tôi mới là người vừa chứng kiến má mình nằm chết trên đi văng.
“Chú không biết gì về cha cháu, nhưng chú biết ông ấy đã trả tiền thuê căn nhà di động này từ khi cháu mới chào đời. Điều đó cho thấy ông ấy là phương án tốt hơn ở lại thị trấn này. Nếu đã có một lối ra thì cháu cần phải nắm bắt lấy. Cuộc sống ở đây… không đủ tốt cho cháu.”
Đó có lẽ là điều tốt đẹp nhất mà người khác từng nói với tôi. Vậy mà nó lại đến từ cha của Dakota chứ không phải ai khác. Chú ấy nhìn tôi một chặp như muốn nói thêm điều gì đó. Hoặc có lẽ chú ấy muốn tôi đáp lời. Dù thế nào thì căn phòng cũng im phăng phắc cho tới khi chú ấy gật đầu chào và rời đi. Cuối cùng chú ấy cũng đi.
Sau khi chú ấy đóng cửa, tôi quay lại nhìn chiếc đi văng. Tôi nhìn nó rất lâu, cảm giác như đang rơi vào một cơn choáng váng. Thật kỳ quặc làm sao, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, cuộc đời bạn đã có thể hoàn toàn thay đổi. Dù muốn dù không tôi cũng phải công nhận rằng Buzz nói đúng. Tôi không thể ở lại đây. Tôi đã không tính tới, nhưng ít ra tôi đã đinh ninh mình còn một mùa hè để chuẩn bị thoát thân. Tôi đã làm việc cật lực để đi khỏi thị trấn này. Ngay khi tháng Tám tới, tôi sẽ lên xe đến Pennsylvania. Tôi đã nhận được học bổng bóng chuyền đến Penn State. Vào tháng Tám, tôi sẽ thoát khỏi cuộc sống này, và nguyên do sẽ không phải vì bất kỳ điều gì mà má đã làm cho tôi, hay vì cha tôi đã bảo lãnh tôi ra khỏi đây. Nguyên do chỉ vì tôi. Tôi muốn sự vẻ vang đó. Tôi muốn bản thân mình chính là nguyên do cho công cuộc đổi thay này. Tôi không cho phép Janean được ghi nhận công lao cho những điều tốt đẹp xảy đến trong tương lai của tôi. Tôi chưa bao giờ nói với má về suất học bổng bóng chuyền mà tôi nhận được. Tôi không tiết lộ với bất kỳ ai. Tôi đã thề giữ bí mật với huấn luyện viên của mình và thậm chí không cho ông viết bài giới thiệu hay chụp hình kỷ yếu. Tôi cũng chưa bao giờ kể với cha về suất học bổng. Chắc ông còn không biết tôi chơi bóng chuyền.
Tôi là sản phẩm của một chuyện tình một đêm. Cha tôi sống ở Washington và gặp Janean khi đang đi công tác ở Kentucky. Cho đến khi tôi được ba tháng tuổi thì ông mới biết mình đã làm Janean cấn bầu. Ông biết mình đã làm cha khi bà đưa cho ông những giấy tờ cấp dưỡng nuôi con.
Cha đến thăm tôi mỗi năm một lần cho tới năm tôi lên bốn, sau đó ông bắt đầu cho tôi bay đến Washington để thăm ông thay vì ông phải tự mình đến chỗ má con tôi. Ông chẳng biết gì về cuộc sống của tôi ở Kentucky. Ông chẳng biết gì về những cơn nghiện của má. Ông không biết gì về tôi, trừ những điều ít ỏi tôi để cho ông biết. Tôi rất kín đáo về mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Bí mật là thứ tài sản duy nhất mà tôi có. Lý do tôi không kể với cha về suất học bổng cũng giống như với má. Tôi không muốn ông được tự hào vì có đứa con gái đạt thành tích. Ông không xứng đáng được có niềm tự hào về một đứa con mà mình đã đổ công sức vào. Ông tưởng tiền cấp dưỡng hàng tháng và những cuộc gọi cầm chừng tới chỗ làm việc của tôi là đủ để lấp liếm đi sự thật rằng ông chẳng biết gì về tôi. Ông chỉ là người cha hai tuần một năm. Khoảng cách địa lý giữa chúng tôi trở thành cái cớ hợp lý cho sự vắng mặt của ông trong cuộc đời tôi. Từ năm lên bốn, tôi ở với ông mười bốn ngày vào mỗi mùa hè, nhưng trong hai năm cuối thì tôi chẳng còn gặp ông nữa.
Lên mười sáu tuổi, tôi gia nhập đội tuyển và bóng chuyền trở thành một phần lớn hơn trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của tôi, nên tôi không bay đến gặp cha nữa. Tôi đã kiếm cớ trong suốt hai năm qua để không phải đến thăm ông. Cha vờ như bị bỏ bê. Tôi vờ như bận rộn và thấy có lỗi. Xin lỗi ông, Brian, nhưng tiền cấp dưỡng mỗi tháng chỉ giúp ông thành một người có trách nhiệm, chứ không biến ông thành một người cha đúng nghĩa.
Có tiếng gõ cửa bất thần vang lên khiến tôi giật mình hét toáng. Tôi xoay người lại và nhìn thấy ông chủ nhà qua ô cửa sổ phòng khách. Thường tôi sẽ không mở cửa cho Gary Shelby, nhưng tôi đang không ở thế có thể phớt lờ ông ta. Ông ta biết là tôi còn thức. Tôi đã dùng điện thoại của ông ta để gọi cảnh sát. Thêm nữa, tôi cũng cần tính xem phải làm gì với chiếc đi văng này. Tôi không muốn giữ nó trong căn nhà này nữa. 
Khi tôi mở cửa, Gary dúi vào tay tôi một phong bì trong lúc ông ta sấn vào nhà để tránh mưa.
“Cái gì đây?” Tôi hỏi ông ta.
“Thông báo trục xuất.”
Vì đây là Gary Shelby chứ không phải ai khác nên tôi cũng không bất ngờ mấy.
“Bà ấy vừa mới chết đây thôi. Ông không thể chờ một tuần được sao?”
“Cô ta đã trễ ba tháng tiền nhà rồi, và tao cũng không muốn cho trẻ vị thành niên thuê. Một là kiếm người khác trên hai mươi mốt tuổi đứng tên hợp đồng thuê nhà, hai là mày phải cuốn xéo khỏi đây.”
“Cha tôi đã gửi tiền cho bà ấy trả tiền thuê nhà. Sao chúng tôi có thể trễ ba tháng được?”
“Janean nói thằng chả đã ngưng gửi tiền cho cô ta từ mấy tháng trước rồi. Ông Renaldo đang muốn tìm một chỗ rộng hơn, nên tao nghĩ tao sẽ để họ chuyển qua…”
“Ông khốn nạn thật đấy Gary Shelby.”
Gary nhún vai. “Chuyện làm ăn nó vậy. Tao cũng đã gửi cho má mày hai lượt thông báo rồi. Tao đảm bảo là mày có chỗ khác để đi. Mày không thể tự mình ở đây được, mày mới có mười sáu tuổi thôi.”
“Tôi đã mười chín tuổi từ tuần trước rồi.”
“Sao cũng được, mày phải hai mươi mốt tuổi. Hợp đồng quy định vậy. Hai mươi mốt tuổi và trả đủ tiền thuê nhà.”
Tôi chắc chắn là quy trình trục xuất hẳn hoi phải được thông qua trước khi ông ta có thể thực sự đuổi tôi ra khỏi cửa, nhưng tôi vốn không muốn sống ở đây nữa nên có cãi cọ cũng chẳng nghĩa lý gì.
“Tôi còn có thể ở đây bao lâu nữa?”
“Tao sẽ cho mày hết tuần này.”
Hết tuần này? Tôi có hai mươi bảy đô trong túi và tuyệt nhiên chẳng có nơi nào để đi.
“Tôi có thể ở trong hai tháng không? Tôi sẽ vào đại học vào tháng Tám.”
“Chắc là được nếu tụi mày đã không trễ đến ba tháng tiền nhà. Ba tháng kia rồi thêm hai tháng nữa, tao không thể cho không bất cứ đứa nào gần nửa năm tiền thuê nhà như vậy được.”
“Ông đúng là đồ khốn mà.” Tôi rủa thầm.
“Mày cũng tự tính được rồi đó.”
Tôi thử liệt kê trong đầu những người bạn tiềm năng mà mình có thể ở nhờ trong hai tháng tới, nhưng Natalie đã đến trường đại học ngay sau khi chúng tôi tốt nghiệp để bắt đầu các lớp học hè. Đám bạn còn lại của tôi đứa thì bỏ học và đang trên đường trở thành các Janean-tương-lai, đứa thì có gia đình mà tôi biết tỏng là sẽ không cho phép chứa chấp tôi. Còn có Becca với người cha dượng nhớp nháp của bồ ấy. Tôi thà ở với Gary còn hơn lại gần thằng cha đó. 
Đã đến nước này rồi.
“Tôi cần dùng điện thoại của ông.”
“Đã trễ rồi,” ông ta nói. “Mày có thể dùng nó vào ngày mai.”
Tôi đẩy ông ta sang một bên và bước xuống bậc thềm. “Vậy sao ông không chờ đến ngày mai rồi hẵng báo tôi đã thành đứa vô gia cư hả Gary!”
Tôi bước đi trong mưa, thẳng đến nhà ông ta. Gary là người duy nhất trong khu nhà di động còn giữ được điện thoại bàn, và vì hầu hết chúng tôi đều nghèo kiết xác không sắm nổi điện thoại di động nên mọi người đều dùng điện thoại của Gary. Ít ra là vậy nếu vẫn trả tiền thuê nhà đúng hạn và không phải tránh mặt ông ta.
Đã gần một năm kể từ lần cuối tôi gọi cho cha, nhưng tôi thuộc lòng số điện thoại của ông. Vẫn là số mà cha đã dùng suốt tám năm nay. Ông gọi cho tôi chừng một lần mỗi tháng, nhưng đa phần tôi đều né không nghe. Không có nhiều điều để nói với một người mà tôi chẳng hiểu được bao nhiêu, nên tôi phun bừa vài câu nói dối kiểu, Má vẫn khỏe. Trường lớp ổn. Công việc suôn sẻ. Cuộc sống bình thường.
Tôi ngậm ngùi nuốt niềm kiêu hãnh ngất trời của mình xuống và bấm số gọi cha. Tôi mong nó sẽ vào hộp thư chờ, không ngờ mới hai hồi chuông thì cha đã nhấc máy.
“Brain Grim nghe.” Giọng cha nghe trệu trạo. Tôi đã đánh thức ông.
Tôi hắng giọng. “Chào, cha.”
“Beyah?” Nghe như ông đã tỉnh rụi và bắt đầu lo lắng khi biết người gọi là tôi. “Có chuyện gì vậy? Mọi chuyện ổn cả chứ?”
Câu Janean chết rồi đã đậu ngay đầu lưỡi, nhưng tôi thấy thật khó để thốt ra. Ông chẳng biết gì nhiều nhặn về má tôi. Đã từ lâu ông không ghé Kentucky nữa. Lần cuối ông để mắt tới má thì bà vẫn còn xinh đẹp, chưa mang bộ dạng hốc hác tiều tụy như một bộ xương di động.
“Dạ, vẫn ổn,” tôi nói. Báo tin má đã chết qua điện thoại cho ông hay thì kỳ cục quá. Tôi sẽ chờ nói trực tiếp với ông.
“Sao con gọi cho cha trễ vậy? Đã có chuyện gì sao?”
“Con làm ca trễ và không có thời gian rớ tới điện thoại.”
“Bởi vậy cha mới gửi cho con chiếc điện thoại di động đó.”
Cha đã gửi cho tôi một chiếc điện thoại di động? Tôi thậm chí còn không thèm gặng hỏi. Tôi chắc chắn má đã bán nó lấy tiền mua thứ mà giờ đây còn đang dính cứng trong tĩnh mạch bà.
“Nghe con nói nè,” tôi nói. “Con biết là cũng lâu rồi, nhưng không biết mình có thể đến chỗ cha chơi trước khi con vào Đại học được không?”
“Đương nhiên là được chứ,” cha nói mà không hề chần chừ. “Con nói ngày đi và cha sẽ mua vé máy bay liền.”
Tôi ngó về phía Gary. Ông ta chỉ đứng cách tôi dăm bước, mắt lăm lăm dòm vào ngực tôi, nên tôi quay đi. “Con đang mong là có thể đến vào ngày mai.”
Một khoảng lặng xen vào, tôi nghe đầu dây bên kia có tiếng chuyển động, như cha đang bò ra khỏi giường. “Ngày mai sao? Con có chắc là mình vẫn ổn không Beyah?”
Tôi gục đầu xuống và nhắm mắt lại khi dối ông thêm lần nữa. “Dạ. Chỉ là Janean… Con cần nghỉ ngơi một chút. Và con nhớ cha.”
Tôi không hề nhớ ông. Tôi biết gì về ông đâu. Nhưng sao cũng được, miễn là tôi có thể bay khỏi chốn này nhanh nhất. Tôi nghe ra tiếng đánh máy bên đầu dây của cha, hình như ông đang gõ phím. Ông bắt đầu lẩm nhẩm thời gian và tên của các hãng bay. “Cha có thể đặt cho con một chuyến United đến Houston vào sáng mai. Con sẽ phải có mặt ở sân bay trong năm tiếng nữa. Con muốn ở lại đây mấy ngày?”
“Houston? Sao lại Houston?”
“Giờ cha đang sống ở Texas. Cũng được một năm rưỡi rồi.”
Đó chắc là điều mà một đứa con gái nên biết về cha mình. Ít ra ông vẫn giữ số điện thoại cũ.
“À, con quên mất.” Tôi bấu vào gáy mình. “Cha có thể mua vé chiều đi thôi được không? Con không chắc là mình muốn ở lại bao lâu nữa. Có khi vài tuần.”
“Ừ, giờ cha sẽ đặt vé. Sáng mai con chỉ cần tìm hãng United ở sân bay, họ sẽ in thẻ lên máy bay cho con. Cha sẽ đón con ở khu nhận hành lý khi con hạ cánh.”
“Cảm ơn cha.” Tôi gác máy trước khi ông có thể nói thêm gì. Khi tôi quay lại, Gary chỉ tay ra ngoài cửa. 
“Tao có thể cho mày đi nhờ tới sân bay,” ông ta nói. “Dĩ nhiên không miễn phí.” Ông ta cười gằn, khóe môi cong cớn của ông ta khiến bụng tôi thắt lại. Gary Shelby chịu ra tay giúp một người phụ nữ thì không phải để đổi lấy tiền.
Nếu có đổi chác một đoạn quá giang ai đó đến sân bay thì tôi thà chọn Dakota còn hơn Gary Shelby. Tôi đã quen với Dakota. Anh ta đáng khinh bao nhiêu thì cũng đáng tin cậy bấy nhiêu.
Tôi lại nhấc máy lên và bấm số của Dakota. Cha nói tôi cần phải có mặt ở sân bay trong năm giờ tới, nhưng nếu tôi trù trừ tới khi Dakota ngủ mất thì anh ta sẽ không nghe máy. Tôi muốn tới đó ngay khi mình vẫn còn cơ hội.
Tôi nhẹ người khi Dakota nghe máy. “Thật sao, Beyah? Nửa đêm rồi đó.” Anh ta thậm chí còn không thèm nói chào, ê, hay có chuyện gì vậy?
Tôi hắng giọng. “Tôi cần quá giang đến sân bay.” Tôi nghe thấy tiếng thở dài của Dakota, như thể tôi là một nỗi phiền toái. Tôi biết mình không phải vậy. Tôi có thể không là gì hơn một mối giao dịch với anh ta, một sự kỳ kèo mà anh ta muốn nấn ná càng lâu càng tốt.
Tôi nghe tiếng giường kẽo kẹt như anh ta đang ngồi dậy. “Tôi không có đồng nào đâu.”
“Tôi không… Tôi không gọi anh để hỏi tiền. Tôi muốn đi nhờ đến sân bay. Làm ơn.”
Dakota rên rỉ rồi nói, “Chờ tôi nửa tiếng.” Anh ta gác máy. Tôi cũng gác theo.
Tôi đi lướt qua người Gary và đảm bảo đã đóng cửa nhà ông ta lại khi rời đi. Một điều tôi đã học được trong chừng ấy năm sống trên đời là đừng tin đàn ông. Phần lớn những kẻ tôi đã qua lại cùng đều giống như Gary Shelby. Buzz thì tốt, nhưng tôi không thể lờ đi sự thật rằng chú ấy đã tạo ra Dakota. Còn Dakota chỉ là một phiên bản Gary Shelby đẹp mã và trẻ trung hơn. Tôi nghe người ta kháo nhau về những người đàn ông tử tế nhưng lại cho đó là chuyện hoang đường. Tôi đã nghĩ Dakota là một trong những người tốt. Hầu hết bọn họ đều xuất hiện với vẻ ngoài như Dakota, nhưng bên dưới những lớp lang che đậy kia là sự bệnh hoạn chảy tràn trong huyết quản.
Trở về nhà, tôi nhìn quanh phòng ngủ, tự hỏi có thứ gì tôi muốn đem theo mình không. Đồ đạc đáng để mang theo không có gì nhiều nhặn, nên tôi tóm lấy vài bộ đồ để thay, lược chải tóc và bàn chải đánh răng. Tôi nhồi đồ đạc vào mấy chiếc túi Walmart trước khi nhét chúng vào cặp, phòng khi phải đội mưa cũng không bị ướt. Trước khi bước ra khỏi cửa để chờ Dakota, tôi tháo bức họa Mẹ Teresa trên tường xuống. Tôi cố nhét nó vào cặp nhưng không vừa nên tóm bừa một chiếc túi Walmart khác, bỏ bức tranh vào rồi ôm theo nó bước ra khỏi nhà.
[...]
4 notes · View notes
n-u-o-c · 11 months
Text
Dạo này mình hay nghĩ ngợi và nhớ lại những khoảnh khắc đã qua ở quá khứ gần.
Đó là lúc ngồi trên xe về nhà dịp nghỉ lễ Quốc khánh, mình xin về từ rất sớm vì muốn lên xe sớm trước khi đông đúc. Hôm đấy cũng là ngày thông báo điểm thi chuyên khoa I. Lúc ấy mình ngồi trên xe khi đã gần về đến nhà, mọi người đều rất sốt sắng và tìm mọi cách tra cứu điểm, web trường tắc nghẽn liên tục không tải bảng điểm được. Vào thời điểm mình biết đã đỗ, lại còn là đỗ vớt (trường tăng chỉ tiêu và số thứ tự của mình nằm ở trong số chỉ tiêu tăng đó), tự dưng mình chảy nước mắt. Mình nhắn tin cho bố bảo con đỗ rồi, rồi tự cảm thán trong lòng. Có lẽ là mình đã rất may mắn vì được gia đình ở bên cạnh ủng hộ và hỗ trợ hết sức có thể để ôn thi, và sâu trong lòng mình còn thấy có lẽ các cụ cũng đã giúp mình thi đỗ. Trên thực tế điểm của mình thấp hơn mình nghĩ khá nhiều, năng lực có hạn nhưng cũng may không bị thất vọng. Bởi vì thực ra thi xong mình đã nghĩ mình đỗ, nhưng sau đó mình lại cảm thấy đối thủ của mình họ cũng quá mạnh mà tự ti. Rồi thời điểm đó đến. Đã có rất nhiều lần, nhất là gần đây, mình ngồi trên xe về nhà, đi Cẩm Phả, hay về Cẩm Phả, đều khóc.
Mình lại nhớ những tháng đầu ra Cẩm Phả. Quyết định rời nhà đi xin việc ở xa xứ chóng vánh lắm, cho đến bây giờ mình vẫn thấy mình quyết định quá nhanh. Sau đó là những chuyến đi Hà Nội phỏng vấn, có lần về Thái Bình để bắt xe lên Thạch Thất, sau đó mình vẫn lựa chọn Cẩm Phả để bắt đầu. Trong những chuyến xe lần ấy, mình đã khóc rất nhiều. Nhưng cảm xúc của mình không rõ ràng. Chỉ là đường về Cẩm Phả, đường về nhà sao xa xôi quá, mình không cầm lòng được. Có đôi lúc đang ngủ vạ vật trên xe mở mắt ra nhìn trước mặt là đường cao tốc, trời tối, xe tắt điện, chỉ có đền phanh của những xe trước mắt mờ mờ và từ làn đối diện hắt qua.
Vậy là đã gần 3 năm xa nhà đi làm. Mình chưa từng nghĩ có cơ hội nào để trở về gần bố mẹ, nhưng những con đường hình như ngày càng xa và càng dễ làm mình khóc hơn. Bây giờ khi đi học, một vùng đất mới đúng như ý nguyện của mình, nhưng mình cũng không thể không thấy mệt mỏi. Ngày hôm qua trong lúc sang đường để về nhà trọ, bỗng mình nghĩ đến mẹ, mình chưa mua gì tặng mẹ 20/10 cả, thế là hai mắt lại đỏ hoe.
Có lẽ từ sau đợt ôn thi, sức khỏe thế chất và tinh thần của mình đều đã xuống dốc rất nhiều. Mình khóc nhiều hơn, tủi thân nhiều hơn, mệt mỏi nhiều hơn... Mình thường xuyên bị choáng và phải mất một lúc mới hồi lại được, ăn uống kém đi nhiều. Có lẽ stress vốn là thứ dễ dàng ảnh hưởng đến mình đến vậy...
Nhưng mình cũng chỉ biết tự nhắc bản thân phải cố gắng lên, mình làm gì có cách nào chứ? Dù chỉ là cố gắng ăn, cố gắng học, cố gắng giữ cho mình một trạng thái vừa đủ, không cần vui sướng nhưng không áp lực, không sợ hãi. Có lẽ bất cứ một cố gắng nào, đều phải tập trung, và có thể đều khiến mình mất đi năng lượng.
2 năm tới ở Hà Nội. Mình bỗng nghĩ về một ngày nào đó, một thời gian vừa phải nào đó mình sẽ lại đặt chân đến Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn để trải nghiệm cuộc sống.
Tumblr media
Chiếc ảnh mưa ở Cô Tô con. Một chuyến đi thay đổi chỗ ngủ nhưng cũng là chuyến đi được nắm tay anh đi dạo, nhìn thấy anh vui vẻ và hứng khởi khi được tắm ở bãi biển trong veo.
7 notes · View notes
banhtrangphucuong · 1 year
Text
Cua đồng món ngon dân dã của người Việt(Crab - a delicious dish of Vietnamese people)
Món ăn dân dã của nhiều người Việt Nam đó là món Lẩu riêu Cua đồng. Đây là 1 món ngon ngon rất đưa cơm.
Tumblr media
Đất nước Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nắng ẩm mưa nhiều. Có nhiều sông ngòi ao chuông, đầm lầy.
Nhờ vậy loài Cua phát triển rất đông đúc. Trên khắp mọi nơi ta đều có thể bắt gặp Cua. Loại Cua nàyngười dân hay gọi là Cua đồng vì nó nhỏ hơn rất nhiều cua biển.
Tumblr media
Loại Cua đồng này người nông dân Việt Nam chế biến được cực kỳ phổ biến món ăn dân dã nhưng vô cộng đưa cơm. Vào mùa hè nhất là vào mùa cấy tháng 5 tháng 6, nước nóng như ai nấu. Cua ngoi lên bờ vô cùng nhiều.
Mùa nóng nắng, Cua được chế biến thành những món như: bún riêu Cua, cháo riêu cua, canh riêu Cua rau đay, rau mồng tơi, rau ngót, bánh đa cua ... ăn vô cùng mát. Những con Cua nhỏ thì có thiết chế biến thành món Cua rang muối ớt hay ướp khiến cho mắm Cua...
Vào mùa đông, thời tiết lạnh hơn, Cua đồng chui sâu vào hang ẩn mình. Nhưng lúc này Cua còn khá béo. Người dân thường chế bến thành món Lẩu riêu Cua đồng.
Tumblr media
Trong con Cua sở hữu khá phổ biến chất dinh dưỡng, đặc thù là chất đạm (protein). Trong 100g Cua đồng bỏ mai và yếm sở hữu 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng cực kỳ cao: trong 100g cua mang tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, những loại vitamin B1, B2, PP.
Tumblr media
Tuy nhiên những người sau đây ko buộc phải ăn Cua như: Người bị bệnh gout, người bị hen, cảm cúm. Người có bệnh cao áp huyết và tim mạch. Người bị cảm lạnh, ỉa chảy và nữ giới có thai. 
3 notes · View notes
diracsea · 11 months
Text
Lời người dịch
(Trịnh Lữ trong bản dịch tiểu thuyết Biển của John Banville)
-----
Đã bao nhiêu lần bạn tự nhủ, hoặc khuyên người khác, rằng thôi, ta hãy quên quá khứ đi, hãy đào sâu chôn chặt những chuyện đã qua để sống với hiện tại và hướng tới tương lai? Nhưng rồi kết quả ra sao? Bạn cứ nghĩ thật lòng mà xem.
Lần đầu đọc The Sea, nguyên tác của bản dịch bạn đang cầm trên tay đây, tôi bỗng nhớ lại một con sâu nho. Nó to bằng một ngón tay dài mập mạp, xanh mọng, trong veo dưới nắng sớm, bệ vệ nằm giữa những tay nho xoăn tít cũng xanh mọng như thế và uốn lượn khắp xung quanh. Cái giàn nho ấy mẹ tôi trồng hồi Hà Nội còn đang bị Mỹ ném bom, ngay trên khu hầm trú ẩn công cộng mà chúng tôi đã nương náu mấy tháng trời sau khi thoát chết lúc một quả tên lửa chệch mục tiêu phá sập hết ngôi nhà của gia đình.
Tại sao lại con sâu nho? Nó có liên quan gì đến The Sea và John Banville?
Vì những con chữ của cuốn sách này đã ngấm vào tôi như một dị bản văn chương của giây phút phát ngộ đã đến với tôi nhiều năm trước đây trong dịp sinh nhật lần thứ 50 khi tôi còn ở nơi đất khách quê người. Cái phát ngộ ấy là thế này: cuộc đời cũng như con sâu nho, cái đầu là tương lai, khúc giữa là hiện tại, và phần đuôi là quá khứ, có đủ cả ba phần thì mới có con sâu nho ấy, cắt rời từng phần thì chẳng còn là nó nữa. Ngộ ra điều này, tôi mới đủ sức chấp nhận quá khứ, không còn hoảng sợ tương lai, và như nhân vật Max Morden, đã thấy “trong tôi, quá khứ đập như một quả tim thứ hai.”
Khi quyết định dịch cái đầu đề thành một chữ Biển duy nhất như trong nguyên tác, tôi cũng vẫn bị con sâu nho thuở thiếu thời ấy ám ảnh. Trên những tay nho xoắn xuýt kia, nó dịch chuy��n thật đường bệ. Toàn bộ tấm thân nó trở thành những đợt sóng có nhịp điệu hẳn hoi, và cái lung linh của nắng sáng trước giờ báo động đã cộng hưởng cái nhịp điệu ấy trong tâm trí tôi thành âm thanh rào rạt mênh mông của sóng biển, cái vùng biển Quảng Ninh mà hồi ấy năm nào tôi cũng xách đèn đất đi ủng vác gỗ vào chống hầm lò vài ba tháng. Thấy biển trong bước đi của con sâu nho, tôi mới hiểu tại sao ta có thể thấy toàn bộ thế giới trong một mảy bụi và ngược lại. Hệt như khi đọc cuốn sách này, vì mỗi một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt của nó cũng làm tôi rung động tận tâm can với những suy niệm về toàn bộ cuộc nhân sinh. Mà John Banville có cái phép riêng của ông để làm ta phải rung động một cách thật đường bệ, im ắng, giản dị, tất yếu, trong vắt, xanh mướt, căng mọng, xa lạ mà thật gần gụi, như con sâu nho đang đi trong nắng trước giờ báo động ấy của tôi vậy. Chỉ có cái Đẹp mới làm ta rung động kiểu như thế, lúc đầu nó lan tỏa như những vòng sóng khi ta ném một hòn sỏi xuống mặt hồ phẳng lặng, nhưng sau này, ta mới giật mình khi thấy đáy hồ đã hằn sâu những nếp rung động ấy, và cho dù ngàn vạn lớp bùn sẽ trùm lấp lên chúng theo năm tháng, chúng sẽ mãi mãi ở đó, thành một tầng hóa thạch ghi dấu cái rung động ban đầu ấy của ta. Cái giật gân tân kì không thể làm được chuyện này.
Nói đến cái Đẹp. Hơn một thế kỷ qua người ta đã không còn đi tìm cái Đẹp nữa. Văn nghệ sỹ thấy xấu hổ nếu tác phẩm của mình bị gọi là đẹp. Người ta chỉ tôn vinh những gì mạnh mẽ khủng khiếp làm cho người xem người đọc phải choáng váng, thậm chí nôn ọe. Tôi thích John Banville, vì một lần trả lời phỏng vấn ông có bảo ông không xấu hổ khi nói đến cái Đẹp. Nhưng cái phép văn chương của ông để mang cái Đẹp đến với người đọc là gì vậy? Tôi đã tự nhủ thế mỗi khi đọc xong một vài trang, và rất buồn thấy mình không đủ kiến văn để tìm ra một câu trả lời xác đáng. Nhưng cái cảm giác được tiếp xúc với cái Đẹp khi đọc văn ông thì là đích xác, không thể lầm lẫn được.
Cái Đẹp của cuốn tiểu thuyết này không giống cái Đẹp của văn chương theo nghĩa quan phương trong giới phê bình đương đại. Nó không hiện hình ở chủ đề, ở câu chuyện, ở vấn đề và cách giải quyết vấn đề. Nhiều nhà phê bình phương tây đã gọi The Sea là một tiểu thuyết không có chuyện. Hai trong số bốn thành viên của ban giám khảo giải ManBooker 2005 đã nhất định không bỏ phiếu cho nó. Nhưng Giáo sư Sutherland, chánh chủ khảo, đã bỏ lá phiếu quyết định khi ông nói rằng đây là một tác phẩm văn chương đích thực, một cuốn sách mà toàn bộ giá trị và vẻ đẹp của nó hầu như hoàn toàn nằm trong những con chữ của chính mình. Văn chương phải là chữ nghĩa. Thật là một nhận xét cổ điển và can đảm. Mà hoàn toàn không phải là hình thức chủ nghĩa, vì chữ lúc nào cũng đi liền với nghĩa, nếu không thì đâu còn là văn chương.
Tiếng Anh của John Banville trong The Sea đã làm cho tôi phải lao tâm khổ tứ rất nhiều trong khi dịch. Để diễn tả một cảm xúc chẳng hạn, ông không ngại dùng một từ đã thông dụng cách đây hàng bốn năm trăm năm, bây giờ không ai còn nhớ đến nữa, mà câu văn vẫn tươi mới như thường. Mà cái từ rất xưa ông chọn ra ấy đúng là khác hẳn những từ đồng nghĩa bây giờ, vì nó không nhiễm những hàm ý đương đại mà ông không muốn có khi mô tả cái cảm xúc ban sơ tự nhiên kia. Umberto Ecco có viết rằng chức năng đầu tiên của văn chương là nuôi dưỡng và phát triển ngôn ngữ, đúng lắm thay! Nhưng đây lại là một thách thức lớn lao nhất cho người dịch. Tôi đã thử làm như tác giả, chọn những từ Việt cổ tương đương với từ tiếng Anh ấy, và cố làm cho câu văn Việt cũng tươi mới như thế; nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Không phải lúc nào tôi cũng có thể tìm được một từ Việt cổ mang cái ý nghĩa ban sơ độc đáo cần phải được truyền đạt tương đương với cái từ tiếng Anh xưa cũ ấy. Và tôi vỡ ra rằng không thể câu nệ hình thức như vậy được. Cái quan trọng là phải truyền đạt được cái ý nghĩa ban sơ độc đáo kia, chứ không phải là tìm một từ cổ để giữ cái hình thức ngôn ngữ của nguyên tác. John Banville không có ý làm dáng với lối dùng chữ của ông, mà chỉ muốn mỗi con chữ phải nói được nhiều nhất cái mà ông muốn nói. Vậy thì tôi cũng nên như vậy, hiểu và cảm câu văn của ông thế nào, tôi hãy cứ cố diễn đạt cho hết bằng những từ Việt mà tôi tin rằng có hiệu quả nhất. Trong dịch thuật cũng như hội họa, hồn vía quyết định hình thức, ‘khí vận sinh động’ là phép tắc đầu tiên.
Nói đến hội họa, quả là khi đọc The Sea, tôi có cảm giác như đang xem một bức tranh cổ điển phương Tây, hoặc chính xác hơn, như đang lang thang trong những gian sảnh giành cho hội họa tây phương thế kỷ 19 của bảo tàng Louvre ở Paris hoặc MET ở New York vậy. Trong Biển, John Banville chỉ đưa ra những cảnh trí cụ thể, như những bức tranh, và hầu như không có những đoạn văn tóm tắt để kết nối những cảnh trí ấy. Người đọc cảm thấy như được hoàn toàn một mình lang thang từ bức tranh này sang bức tranh kia, không cần ai giảng dải, dẫn dắt, mà tự mình đắm chìm trong vẻ đẹp tự thân của những bức tranh ấy, chẳng thắc mắc đến chuyện chúng có ý nghĩa gì hay không nữa. Thử tưởng tượng mà xem, khi ta ngắm một bức tĩnh vật, hoặc phong cảnh, hoặc chân dung, cái hớp hồn ta đầu tiên và cuối cùng là sự sống rất thuyết phục của bức tranh ấy và tất cả những chi tiết của nó, ta đâu có đặt câu hỏi nó có ý nghĩa gì không khi ngây ngất trước vẻ đẹp của nó. Cũng như khi ta ngồi một mình trước cảnh hoàng hôn lộng lẫy trên hồ nước mênh mông, ta có bắt hoàng hôn phải có ý nghĩa gì đâu, ngay lúc ấy. Với một người đàn bà đẹp cũng vậy thôi. Ý nghĩa là do ta gán cho mọi vật, kể cả bản thân mình, nếu ta trống rỗng thì chẳng có gì có ý nghĩa hết. Bạn cứ đọc cuốn sách này đi đã, rồi bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì.
Đọc The Sea, cái giọng văn đầy tiết tấu, trau chuốt mà vẫn mộc mạc tự nhiên của tác giả còn khiến tôi có cảm giác như mình đang được nghe một bản hòa tấu viết cho vĩ cầm và dàn nhạc của một bậc thầy như Brahm hoặc Barber. Có những đoạn vĩ cầm một mình đi giai điệu chính tưởng chừng thật giản dị mà rung động tận đáy lòng, rất nhiều đoạn trầm lắng và dồn nén sâu thẳm khi dàn nhạc giao đãi thật kiệm lời với nhạc cụ độc đấu kia, mà hình như cả bản nhạc chỉ là một chương chậm mênh mang, nhưng chẳng có một nốt nào không có lí do, không một câu nào không đúng chỗ, và làn sóng âm thanh ấy cuốn hút tôi như một hải lưu ngầm, đưa tôi đi mà không biết sẽ tới đâu, mà không thể cưỡng lại được.
Chắc bạn đang tự hỏi vậy rốt cuộc thì cuốn tiểu thuyết này sẽ kể cho bạn chuyện gì? Không, nó không kể, mà phô bày cho bạn thấy và lôi cuốn bạn vào những mảnh đời rất xa lạ mà đầy rẫy những điều thật quen thuộc. Lối viết của John Banville đưa bạn thẳng vào tâm can của tất cả mọi thứ, từ lớp lông măng trên môi một bé gái đến một cái vỏ trứng chim vỡ vụn dưới gốc một bụi kim tước. Khi dịch xong đoạn cuối cùng, tôi có cảm giác hệt như Max ở đoạn kết, thấy mình như đang bước thẳng vào biển cả cuộc đời, và bỗng nhận ra rằng Biển là câu chuyện của mọi câu chuyện, vừa là chuyện thơ ấu lớn lên, chuyện vợ chồng con cái bạn bè, vừa là chuyện già đi, chuyện bệnh tật, và chuyện chết, trong những hoàn cảnh thật bình thường và xác thực mà mình vẫn thấy hàng ngày. Đúng thế, sinh lão bệnh tử là biển đời của chúng sinh, và cuốn tiểu thuyết này đã cho tôi chiêm nghiệm tất cả bốn thứ đó, cái tứ khổ mà Phật đã vạch ra, một cách đường bệ, im ắng, giản dị, tất yếu, trong vắt, xanh mướt, căng mọng, xa lạ mà thật gần gụi, như con sâu nho đang đi trong nắng trước giờ báo động ngày nào.
Vâng, Biển không phải chỉ là chuyện một người đàn ông cô đơn lẩn thẩn tìm về quá vãng của mình như nhiều bài điểm sách đã viết sau khi The Sea nhận được giải ManBooker 2005. Với tôi, Biển là một áng văn chương xác thực về thân phận làm người, và nếu bạn hư tâm chậm rãi đọc nó ở một nơi yên tĩnh, chắc bạn cũng sẽ như tôi, ngỡ ngàng thấy mình gặp nhiều tri kỉ ở những nơi tưởng như hoàn toàn xa lạ.
Dịch xong The Sea, tôi càng tin rằng loài người chúng ta chỉ có một ngôn ngữ, và Việt, Anh, Nga, Pháp... chỉ là những thổ ngơi tạm thời sau ngày tháp Babel sụp đổ mà thôi. Nhưng dù sao, Biển cũng vẫn chỉ là phiên bản của The Sea qua cảm nhận và cách diễn đạt của tôi, xin bạn đọc rộng lượng thể tất.
Trịnh Lữ
Hà Nội, đầu Thu 2006
2 notes · View notes
jib-d · 1 year
Text
Con thuyền của những kẻ vỡ nát tâm can, ngày đó không ồn ào, không hoạt náo, êm êm ả ả trôi qua từng vùng biển ký ức. Một ngày, con thuyền ấy thủng một lỗ lớn, nhưng chẳng ai buồn vá nó lại, họ quyết định rời đi, ôm chiếc phao của mình mà quyết tâm quay người tìm một mảnh đất liền đầy hứa hẹn. Nhưng rồi ai cũng lén lút quay lại, gom góp một phần kỷ vật, ôm ghì lấy, rồi chìm xuống biển sâu.
3 notes · View notes
mer-li · 2 years
Text
D714#IOD
Tumblr media
Cuối cùng, tôi cũng đã quay trở lại cái ngày mình sắp chết đuối của mùa hè năm 2014. Đây là lời truyền từ những ý nghĩ cuối cùng của người đang chới với ở vùng biển năm đó. Đột nhiên tôi muốn về nhà. Dù họ đang ở ngay trước mặt nhưng tôi thấy họ dần xa xôi, nhoè nhoẹt trong những đợt sóng cuồn cuộn, ngụp rồi lặn. Trước lúc dòng ý thức mất đi, tôi hứa tự với mình để lại nỗi buồn ở đây. Không biết khi đó ai đã truyền tin trở lại, tai tôi dường như bị ngạt, không nghe rõ được gì. Chỉ có một số tiếng gọi văng vẳng, như là, tiếng nức nở của một ai.
Tumblr media
Tôi trôi nổi
Nhưng có một cục đá chôn vùi trong cuống họng,
Vì vậy, tôi chìm sâu vào một màu đen tối
Đè nén lên bàn chân, trên đỉnh đầu, trước lồng ngực, khắp ruột gan…
Sẽ có những khoảnh khắc mà lời nói không với tới được.
Có những nỗi đau quá khủng khiếp để đặt tên.
Nơi đây dường như tối quá không tìm nổi một lối ra, hay sự tăm tối lấn át không ngừng bởi tội lỗi khi chỉ muốn thoát ra ngoài…
Vùng biển tăm tối, 7 thg 12 2022
10 notes · View notes
sinfntns · 1 year
Text
Angel
Buồn nhưng quên nó thật nhanh, vui cũng trôi qua khoảnh khắc ngắn ngủi, không có gì là mãi mãi ở trên cuộc đời này, cả em cũng thế sao?
Vượt sóng vượt biển tôi vẫn chẳng thể tìm thấy em, em trốn tránh tôi vì điều gì?
Và tại sao tôi cứ mong ngóng chờ đợi một người như em?
Em là ai, là ai vậy?
Em không là niềm vui cho tôi nụ cười, mà lại là nỗi đau luôn giày vò tôi từng đêm đớn lòng.
Nước mắt tôi đọng lại thành đại dương sâu thẳm, tiếng lòng rên rỉ bứt rứt từng giờ, sự tuyệt vọng chất chồng không lối thoát.
Quá thảm hại.
Tôi đâu thể hiểu được thật sự em là người như thế nào.
Em tồi tệ với tôi quá.
Nhưng khuôn mặt, làn da, đôi mắt, mái tóc, mọi thứ về em…
Tôi đã từng nhớ và yêu chúng rất nhiều…
Xin lỗi và tạm biệt
Vốn dĩ thế giới này đâu thuộc về em,
Lời xin lỗi như thay cho lời từ biệt cuối cùng,
Tạm biệt nhưng lại không hẹn ngày gặp gỡ
Rồi em cứ thế rời xa, rời xa tôi, rời xa thế giới này.
Bơ vơ mình tôi chết lặng nơi trần gian.
Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cuộc tình đôi mình
Mà giữ lấy cho tôi một vùng trời đầy đau thương…
2 notes · View notes
daires · 1 year
Text
CÁI GÌ ĐÓ NHÁ HÀNG “THỦY, TINH”
Random bullshit stuff về fic “Thủy, tinh”. Trời ơi nó bị đá phăng ra khỏi thư mục t và bị xóa bằng một cách nào đó t cũng không biết nữa. T thì cũng muốn viết lại lắm nhma t lười nên đây là main idea của fic đó. Bao giờ chăm hơn t sẽ viết (khổ cái là không biết bao giờ mới chăm)
Tumblr media
Lingyu run rẩy, đi khám, biết mình bị bệnh nan y. Xương lồng ngực cô sẽ dần vỡ vụn, cắm sâu vào trái tim và cô sẽ chết sau 3 tháng.
Báo leopold. Hai đứa nghĩ kĩ và quyết định sẽ đi du lịch. Hai đứa thuê một căn nhà ở một vùng biển nhỏ. Bệnh dần trở nặng, lingyu ho nhiều và ho ra máu. Scene lingyu phát sốt. Leopold dậy vào nhà tắm lấy khăn chườm cho lingyu nhưng quay ra thì không thấy lingyu đâu. Hóa ra cổ đã lết ra bờ biển vốc lấy một ít nước biển lên. Mặt nước phản chiếu vạn ánh sao lung linh. Lingyu thả hờ hai tay, những vì sao trong tay cô vỡ tan thành triệu mảnh nhỏ, rơi xuống và hòa tan với mặt biển.
Lingyu mê man sốt, ý thức rã rời.
Một ngày nọ Lingyu bỗng có thể đứng dậy được, người không còn sốt nữa, ý thức được lấy lại. Cả hai người đều biết đây là “hồi quang phản chiếu”.
Lingyu bảo muốn chạy cùng Leopold trên bờ biển đến khi bình minh lên. Lingyu chạy, dùng hết sức lực để chạy. Mái tóc rối tung lên vì gió biển thổi, chuông nước trên tai leng keng liên tục, hơi thở dần trở nên khó khăn, mùi sắt tanh nồng tràn ngập khoang miệng, cô vẫn cứ chạy, chạy miết.
Leopold chạy cùng Lingyu, bỗng thấy lingyu khuỵu xuống, nôn ra một vũng máu. Lingyu quệt miệng, cười tiếc nuối “Được rồi, vậy ra cũng chỉ đến đây. Bình minh còn chưa lên nữa…”
“Hâm à” Leopold đỡ lingyu và xốc cô lên lưng “Đã làm thì phải làm cho trót chứ”
Trên lưng leopold, lingyu mãi lải nhải về cuộc đời và những mảnh kí ức. Lingyu nói cô đã nghĩ mình cũng sẽ giống như những ánh sao phản chiếu dưới mặt nước hồi nào, yếu đuối và lúc nào cũng có thể vỡ tan. Leopold vừa chạy vừa an ủi lingyu, rằng những ngôi sao sau khi vỡ ran ra thì lại tụ lại thành một hình ảnh phản chiếu mới. Lingyu cũng vậy, chỉ cần cô vững tâm thì mọi việc đều sẽ ổn hơn. Lingyu cười, và lại tiếng tục lải nhải. Nhưng tiếng lải nhải ngày càng nhỏ dần, đến khi ngưng bặt.
Bình minh lên, Leopold ngừng chạy và thấy Lingyu đã chết trên vai mình.
Art:  Dd绿化带 on Neka
3 notes · View notes
ponybeauty04 · 1 year
Text
7 điều cần biết về mặt nạ dưỡng ẩm trắng da
Trong thế giới làm đẹp ngày nay, mặt nạ dưỡng ẩm trắng da đã trở thành một trong những sản phẩm không thể thiếu để chăm sóc làn da. Với những lợi ích tuyệt vời của nó, mặt nạ dưỡng ẩm trắng da không chỉ cung cấp độ ẩm cho da mà còn giúp làm trắng và làm mờ các vết thâm, nám, tàn nhang. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về lợi ích và cách sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm trắng da để có một làn da tươi sáng và mịn màng.
Lợi ích của mặt nạ dưỡng ẩm trắng da
Tumblr media
Cung cấp độ ẩm cho da: Mặt nạ dưỡng ẩm trắng da chứa các thành phần giữ ẩm như acid hyaluronic, glycerin và các dưỡng chất khác. Những thành phần này giúp giữ nước trong da và ngăn chặn tình trạng da khô, giúp da luôn mềm mịn và căng tràn sức sống.
Làm trắng da: Các thành phần dưỡng trắng như vitamin C, chiết xuất từ các loại thảo dược và các chất chống oxy hóa trong mặt nạ dưỡng ẩm trắng da có khả năng làm sáng và làm trắng da, làm mờ các vết thâm, nám, tàn nhang. Sử dụng thường xuyên, bạn sẽ thấy làn da của mình trở nên rạng rỡ hơn.
Làm mờ các dấu hiệu lão hóa: Mặt nạ dưỡng ẩm trắng da cũng chứa các thành phần chống lão hóa như peptide và collagen, giúp làm mờ các nếp nhăn, đồng thời tăng độ đàn hồi và độ săn chắc cho da. Điều này giúp da trông trẻ trung và tươi sáng hơn.
Giảm viêm và làm dịu da: Một số loại mặt nạ dưỡng ẩm trắng da cũng có tính năng chống viêm và làm dịu da nhờ vào các thành phần như aloe vera và chiết xuất từ cây lô hội. Điều này giúp giảm tình trạng da sưng đỏ, mẩn đỏ và kích ứng da.
Công dụng của mặt nạ dưỡng ẩm trắng da
Cấp ẩm, dưỡng chất cho da
Loại bỏ các tế bào chết trên da và làm sạch lỗ chân lông
Trị nám, tàn nhang, làm da trắng sáng tự nhiên
Làm giảm khô da, mờ thâm nám
Tăng cường độ đàn hồi, giảm nếp nhăn
Những thành phần chính của mặt nạ dưỡng ẩm trắng da
Niacinamide: giúp làm giảm sự xuất hiện của nám, tàn nhang và làm sáng da.
Hyaluronic acid: giúp da dưỡng ẩm và cải thiện độ đàn hồi của da.
Vitamin C: làm sáng da, giảm vết thâm và tăng cường chống oxy hóa cho da.
Collagen: giúp tái tạo và duy trì độ đàn hồi của da.
Cách sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm trắng da hiệu quả
Tumblr media
Làm sạch da: Trước khi sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm trắng da, hãy làm sạch da mặt kỹ càng bằng sữa rửa mặt hoặc dung dịch tẩy trang nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa trên da.
Thoa mặt nạ: Lấy một lượng vừa đủ mặt nạ dưỡng ẩm trắng da và thoa đều lên toàn bộ khuôn mặt, tránh vùng mắt và môi. Massage nhẹ nhàng để mặt nạ thẩm thấu sâu vào da.
Thư giãn: Hãy tận hưởng thời gian thư giãn trong khoảng 15-20 phút khi mặt nạ đang hoạt động. Bạn có thể nằm nghỉ ngơi hoặc thực hiện các bài tập thư giãn để tăng cường hiệu quả của mặt nạ.
Rửa sạch: Sau khi thời gian đã trôi qua, rửa sạch mặt bằng nước ấm để loại bỏ mặt nạ. Hãy nhẹ nhàng vỗ nhẹ da mặt để kích thích tuần hoàn máu và tăng cường sự tươi mới cho làn da.
Sử dụng kem dưỡng: Cuối cùng, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của môi trường.
Những loại mặt nạ dưỡng ẩm trắng da phù hợp với từng loại da
Da dầu: nên chọn loại mặt nạ với thành phần lá trà xanh để hỗ trợ kiểm soát dầu trên da.
Da khô: nên chọn loại mặt nạ có thành phần ceramide để trung hòa và giữ ẩm cho da.
Da hỗn hợp: nên chọn loại mặt nạ với thành phần tảo biển để cân bằng độ ẩm và dầu trên da.
Da nhạy cảm: nên chọn loại mặt nạ không có hương liệu và chất tạo màu, dịu nhẹ cho da.
Những lưu ý khi sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm trắng da
Nên sử dụng sản phẩm từ thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng.
Không nên sử dụng quá nhiều lần/tuần để tránh làm da bị kích ứng.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi sử dụng mặt nạ để đảm bảo hiệu quả của sản phẩm4. Nếu có dấu hiệu kích ứng trên da sau khi sử dụng mặt nạ, cần ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi sử dụng.
Cách lựa chọn mặt nạ dưỡng ẩm trắng da phù hợp
Tumblr media
Tìm hiểu về thành phần của sản phẩm để đảm bảo phù hợp với từng loại da.
Đánh giá xem sản phẩm có đáp ứng được các nhu cầu dưỡng da của bạn không.
Chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín và được đánh giá tốt trên thị trường.
Kết luận
Như vậy chúng ta vừa nghiên cứu qua những điều cần biết và cách sử dụng hiệu quả của mặt nạ dưỡng ẩm trắng da qua bài viết từ Ponybeauty .
Mặt nạ dưỡng ẩm trắng da là một sản phẩm không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày. Với những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại, mặt nạ dưỡng ẩm trắng da giúp cung cấp độ ẩm, làm trắng da, làm mờ các vết thâm, nám, tàn nhang và giảm các dấu hiệu lão hóa. Hãy thường xuyên sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm trắng da và tuân thủ quy trình sử dụng để có làn da tươi sáng, mịn màng và khỏe mạnh hơn.
2 notes · View notes
da-vu-thanh · 2 years
Text
Thế giới đi quá nhanh, người ta liên tục bày lên trước mắt cậu những điều cậu có thể làm mang danh trải nghiệm. Hãy mua chiếc áo này để trở nên xinh đẹp, hãy đến vùng đất kia để hít thở bình yên. Hãy bắt lấy cơ hội này để trở nên thành công. Đầu óc cậu giăng đầy những trải nghiệm sắp tới, lại mịt mù không biết mình phải làm gì, đi đâu để được như người. Có những điều cậu chỉ nhìn ra khi chậm rãi bước đi. Hãy rời xa khỏi nhịp sống hối hả mỗi ngày, và bước chân vào sự uy nghi của tĩnh lặng. the majesty of stillness. Chậm lại một bước trước những nôn nóng phải làm một điều gì, quay lại với chính mình. Bản năng nói có nhưng trực giác nói khác. Sức mạnh của cậu đến từ những lúc cậu thả lỏng bản thân vào phút giây hiện tại. Khi tâm trí mờ mịt,  và mắt nhìn không rõ, cậu hãy ngồi thiền và tĩnh tâm. Hãy đi, chậm rãi, nhẹ nhàng. Cậu sẽ được an toàn. Cậu sẽ thấy được những điều cần thấy. Cậu cần cân bằng lại thế giới của mình. Có nhiều thứ được đổ vào thế giới của cậu, những điều hay ho, những chuyện tồi tệ. Khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, cậu cần giải phóng chúng. Chúng mình đang đi trên một con đường dài, có những thứ càng cố mang theo càng trở thành gánh nặng. Khi lòng mình nặng và tâm mình rối loạn, cậu được chỉ dẫn nhìn sâu vào chính mình, hiểu mình cần gì và buông bỏ những điều dắt díu khác. Giống như cốc nước, cậu quyết định đổ bớt thứ không cần để dành chỗ cho những điều  mới đến. Chúng cũng đang háo hức chờ được chảy về phía cậu như cậu đang mong chờ chúng vậy. Cậu cần cân bằng như một cái cây, với tán lá xòe lên cao, rộng và những chiếc rễ cũng lan sâu, rộng trong lòng đất. Cậu cần kết nối với đất mẹ như cái cây bám vào đất. Cậu cần kết nối với chính cơ thể mình. Cậu cần thực hành các kĩ thuật nối đất. Không phải ngẫu nhiên mà cậu khao khát biển, chạm tay vào nước, tắm mình trong ánh sáng, hít thở không khí của núi rừng và chạm chân trần trên mặt đất được nắng sưởi đến ấm. Hãy chú ý đến nhu cầu vật lý của cậu. Cậu cần thực hành tập trung vào các giác quan của mình, đi chậm thôi và đi sâu với mọi trải nghiệm đang đến với từng giác quan của cậu. https://healthee.com.vn/grounding-cham-dat-chua-lanh/ mình để đường link ở đây. Cậu cần cân bằng nhìn mọi việc như nó đang là. Sẽ luôn có những mặt cậu thấy mình hiểu được vì đã trải qua, lại có những mặt cậu không hiểu được. Nhưng thế giới này là thế, mỗi người khác nhau tồn tại để nhắc nhở cho cậu thấy trải nghiệm của cậu không phải là duy nhất, luôn có rất nhiều con đường đi đến hạnh phúc, và mỗi người sẽ phù hợp với một con đường riêng, trong một giai đoạn cụ thể. Sự khác nhau tồn tại để mình hiểu nhau hơn. Và cân bằng chỉ đến với đôi mắt sáng của khách quan và trái tim ấm của thấu hiểu. Nói ngắn gọn lại, 2023 là một năm của tái cân bằng. Từ khóa của bạn là thiền định, ngẫm nghĩ, chậm rãi, cân nhắc lại giá trị để buông bỏ, nối đất, kết nối lại với chính mình, và kết nối với những linh hồn gia đình của bạn. Những điều mới đang đến, thứ bạn coi là giá trị với bạn sẽ đến, là công việc, là tình yêu, là sự hài lòng đến từ bên trong tỏa ra; dù là gì thì, hãy là một cái cây khỏe mạnh, và sống cuộc sống của chính mình nhé... - Trải bài đầu năm cho chính mình -
Tumblr media
6 notes · View notes
decemberwind · 2 years
Text
Tumblr media
NĂM 2023 - BỨC TRANH THẾ GIỚI TỪ ĐIỂM NHÌN SỐ 7
Bên cạnh khám phá các sự kiện #Chiêm_tinh tiêu biểu của năm 2023 và sự tác động của chúng đến các #cung_Hoàng_đạo đã được mình chia sẻ ở bài viết: https://tinyurl.com/mwyyy5e3. Chúng mình hãy cùng thử một vài cách tiếp cận khác để nhìn ra được bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2023 nhé.
🎯 Năm 2023 được gọi năm số 7 vì chúng ta có tổng các con số cộng lại là 7 (2+0+2+3=7).
🎯 Theo #Tarot, số 7 được gắn với hai lá bài #Ẩn_chính là The Chariot (lá bài số 7) và lá bài The Tower (lá bài số 16).
🔸 Ở #The_Chariot (VII), chúng ta được nhắc nhở về bài học nỗ lực trung hòa các mâu thuẫn nội tại, qua đó vượt qua thử thách ngoại cảnh. 2023 được dự báo là một năm đầy rẫy mâu thuẫn giữa các thế lực đối lập trên thế giới: Xung đột Nga - Ukraine dự báo chưa thể kết thúc khi hai bên đều từ chối đàm phán và chưa có dấu hiệu áp đảo hoàn toàn đối phương, đây là cuộc chiến thi gan xem ai bền sức hơn bên đó thắng. Tương tự căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây (Mỹ, EU) vẫn tiếp tục leo thang. Xung đột giữa sự phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường...
Tất cả đều là những thử thách đòi hỏi sự dung hòa từ các bên liên quan để đi đến một thống nhất chung nhằm vượt qua khủng hoảng của suy thoái kinh tế, lạm phát, chiến tranh và biến đổi khí hậu.
🔸 Trong #The_Tower (XVI), chúng ta nhận được bài học đắt giá khi bị sụp đổ lòng tin vào bản thân hoặc những điều từng tin tưởng theo đuổi, khi bị ngoại cảnh tác động và tấn công. Trong thực tế, năm 2022 là năm đáng buồn với thị trường tiền điện tử. Sự sụp đổ của TerraUSD (stablecoin thuật toán phi tập trung của blockchain Terra) đã tạo ra hiệu ứng domino khiến nhiều đơn vị khác sụp đổ theo như Three Arrows Capital, Voyager Digital, Celsius Network, FTX, BlockFi... Chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy mùa đông tiền ảo sẽ kết thúc trong năm 2023. Tình hình chiến sự của Nga và Ukraine càng kéo dài, thương vong và tổn thất về kinh tế/lương thực/năng lượng do hệ quả của nó sẽ càng lớn (các nước bên Châu Phi là thiệt hại nặng nề nhất)... Đồng thời, liên tiếp các biến động xấu khiến người dân khắp thế giới bắt đầu có những quan ngại về chính sách của các nhà cầm quyền, kéo theo nhiều cuộc biểu tình diễn ra... Những điều đó biến năm 2023 thành một năm nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Chỉ khi nhìn thẳng vào các cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến trên thế giới trong năm 2023, nhận ra bản chất và sự thật ẩn sâu trong đó, mỗi người mới biết cách tự bảo vệ mình, tự đứng lên từ những thất bại và đổ vỡ để xây dựng lại niềm tin vào bản thân, vào các giá trị cốt lõi mà mình đang/sẽ theo đuổi.
🎯 Con số 7 cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa và các học thuyết thần bí khác. Nên đó là con số gắn với ý nghĩa tâm linh và thế giới tinh thần.
▪ Trong sách Sáng thế kí của Đạo Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống là do Đức Chúa trời sắp đặt và chịu trách nhiệm thông qua 7 ngày. Ngày thứ 7 là ngày của sự hoàn thành và nghỉ ngơi. Từ đó con số 7 gắn với quá trình năng lượng ở vùng thấp, rút lui và thu hồi.
▪ Có 7 tổng lãnh thiên thần trên Thiên đàng theo thần thoại Ki-tô giáo.
▪ Chúng ta có 7 luân xa trên cơ thể (tham khảo thêm bài viết về Luân xa và ý nghĩa của chúng: https://tinyurl.com/2zeyj4w5)
▪ Cầu vồng có 7 sắc: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
▪ Có 7 Đại dương trong văn hóa Ả Rập thời trung cổ: Vịnh Ba Tư, Vịnh Khambhat, Vịnh Bengal, eo biển Malacca, eo biển Singapore, Vịnh Thái Lan, Biển Đông.
▪ Thế giới có 7 châu lục: Á, Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Âu, Úc và Nam Cực.
▪ Chu kì 7 năm trong sự phát triển của con người, gắn với các độ tuổi: 7, 14, 21, 28, 35, 42, 49 tuổi.
🎯 Theo #Thần_số_học, nhìn lại hành trình năm 2021 (năm số 5), chúng ta đã chứng kiến sự phá vỡ các nền tảng và cấu trúc xã hội đã hình thành lâu dài do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2022 (năm số 6) là hành trình tập trung vào các kết nối cộng đồng và mối quan hệ dựa trên trái tim, để vượt qua nỗi sợ hãi và khủng hoảng hậu Covid.
Thì năm 2023 (năm số 7) sẽ là năm của sự tiến hóa về mặt tâm linh, tri thức. Mọi người được khuyến khích tập trung vào xem xét nội tâm và phát triển từ bên trong một cách độc lập, thay vì bị chi phối bởi thế giới bên ngoài, nhất là khi thế giới bên ngoài đã đủ khó khăn và nhiễu nhương rồi.
Thông qua việc liên tục gặp phải các khó khăn, thử thách, thậm chí là thất bại như thể từ đỉnh cao rớt xuống vực sâu, hành trình cô đơn và gian khó ấy sẽ mang đến sự dũng cảm, hiểu biết, trí tuệ để bạn học hỏi từ thất bại và trưởng thành hơn.
~#MãNhânNgư~
-----
🔯 Công việc của mình:
https://www.facebook.com/Mana.AstroTarot/services
🔯 Feedback từ khách hàng:
https://tinyurl.com/mwnu2bu4
5 notes · View notes
vietnamjournal · 2 years
Text
Quy hoạch để phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và luồng cảng nước sâu
Quy hoạch để phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và luồng cảng nước sâu
BNEWS Mục đích của việc quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng và kinh tế – xã hội Quảng Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao. Ngày 26/11, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu, đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng…
Tumblr media
View On WordPress
2 notes · View notes
thiendoanng · 2 years
Text
0359 / KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY VƯỢT BIỂN ( Mồng bốn tháng 2 âm lịch năm 1980 )
Con thuyền bạt gió giữa biển khơi, Quay lại đằng sau đã xa vời . Trùng dương nhấp nhô cuồn cuộn sóng , Quê nghèo khuất bóng dạt dào trôi …!
Mồng bốn tháng hai treo mờ ảo , Thượng tuần leo lẽo dưới trời xanh . Vời vợi thiếu anh buồn áo nảo , Lệ sầu tuôn chảy thấm qua mành …!
Chàng đã bỏ đi mất tăm dạng. Mẹ con cô quạnh vắng đợi chờ …! Ai ngăn chia tình thơ xao lãng , Ân sâu nghĩa nặng có thờ ơ …?
Thế đành cũng thôi cho phận số , Cản trở hai đường lỡ ngăn đôi . Xa xôi vạn dặm ngồi than thở …? Đàn con nhung nhớ phía chân trời …
MaCao tới bến đợi qua ngày , Dật dờ sống gởi chịu đắng cay . Trông về quê hương buồn da diết , Muôn trùng thăm thẳm chốn ngàn mây .?
Ngày ngày ngó ra trời gió lộng , Hình ảnh cha già hóng trong mơ …! Khắc khoải bơ vơ cầu ước vọng , Em không trách cứ ngóng mong hờ …!
Thời gian cách , trông chờ đăng đẵng. Chúng ta gặp mặt để tương phùng . Ba mươi bốn người khắp vùng sương nắng , Lang bạt chặng đường mộng ước chung .
Buồn vui biết bao cùng gợi nhớ , Già nua lụm khụm ngó hao gầy …! Được nhìn nhau tỏ bày bỡ ngỡ , Nỗi lòng hớn hở tay cầm tay …!
Gian truân cằn cổi sống bôn ba , Sinh con đủ cháu cũng gọi là … “ Một trăm tám lăm “ người tổng số , Nối tông đường kiến thiết Quốc Gia…
Thế là quy tụ lần nữa đây , Thương thương nhớ nhớ lệ sum vầy …! Đội ơn linh thiêng đà cứu vớt , Cả thuyền tồn tại ngày hôm nay .
Trăm phương tách biệt người mỗi hướng ,? Ơn trên ngưỡng vọng nén hương này , Nguyện lòng thành giãi bày tâm tưởng . Bốn lạy xá ơn nghĩa đong đầy …!
Việt Nam phía bên kia vùng biển nhớ , Ngàn đời in dấu có mấy tăm hơi …! Khát vọng thương đau ngút ngời muôn thuở, Mảnh thân yêu trăn trở giấc mộng đời …!
Đất người xứ lạ miền nắng ấm , Đông về buốt lạnh thấu tâm can . Sổng lăn lóc thân tàn lận đận , Còn lại gì kiếp vận đi hoang …
Những lời nhắn nhủ cho ngày mai , Dốc lòng mẫu mực nối ảnh tài . Quê mình luôn luôn gìn giử lấy , Bốn ngàn năm lịch sử kéo dài …
Tổ Tiên nòi giống phải đậm đà , Dù rằng phong tục có phôi pha… Việt Nam ta hình cong chử ét ( S ) Muôn đời bất tận nước non nhà …
Nguyễn Doãn Thiện Mồng 4 tháng 2 năm 2016 Âm lịch . Antioch , California USA
Ảnh minh hoạ : Chân dung Tác Giả Nguyễn Doãn Thiện
năm 70 tuổi ( Hình chớp ngày 25 tháng 6 năm 2016 )
Tumblr media
2 notes · View notes