#14dayswrite1000words
Explore tagged Tumblr posts
Text
#14dayschallenge #14dayswrite1000words
Lâu quá không viết gì, quên luôn cách suy nghĩ và cách viết, vậy nên mình sẽ viết lại. Đặt ra thử thách 14 ngày, kệ thôi, cứ lấy những gì nghĩ được trong đầu, sắp xếp lại và viết.
Kỹ năng gì lâu quá không sử dụng cũng sẽ thui chột, không đọc sách lâu ngày sẽ mất vốn từ, không hát lâu ngày mất giọng, không viết lâu ngày mất chữ. Thôi thì bắt đầu lại nhé! 14 ngày bắt đầu…
chủ đề:
Sẽ không có chủ đề cố định, thích gì viết đó, lan man cũng được, miễn là viết ra. Dở cũng được, hay cũng được, thấy chán ói cũng được, miễn viết là được. Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng 1 bước chân.
0 notes
Text
#14dayschallenge #14dayswrite1000words
by Phan Hải
lâu quá không viết gì dài và tử tế, nên bày trò con bò chơi những ngày này. bày ra chơi để rèn mình và để nhắc mình vẫn là một người viết chữ, chứ không phải rảnh nha các mẹ, Hải bận muốn xỉn luôn huhu.
luật chơi cũng đơn giản, các bạn có thể tham gia và rủ bạn bè mình tham gia, nhớ để hashtag. ai chơi cũng được, không ai chơi cũng được, để hay không để hashtag cũng được. dù sao, viết vẫn là một hành trình cô độc, tự bản thân chúng ta phải hoàn thành nó.
chủ đề:
- ngày 1: tôi
- ngày 2: bạn
- ngày 3: quê nhà
- ngày 4: sách
- ngày 5: phim
- ngày 6: yêu
- ngày 7: công việc
- ngày 8: gia đình
- ngày 9: cũ
- ngày 10: bếp
- ngày 11: tử tế
- ngày 12: tích cực
- ngày 13: người lạ
- ngày 14: chúng ta
nguyên tắc hoặc gợi ý, nếu bạn chơi: - không có debrief, cứ viết thôi. hiểu chủ đề thế nào thì viết thế đó. - hãy dành 2 tiếng để viết. - ngồi để viết cũng tốt, nằm cũng tốt, nghe nhạc cũng tốt, vừa viết vừa làm chuyện gì khác thì không tốt nhưng-cứ-thử. - nghĩ lâu, viết nhanh. - dở cũng được, hay cũng được, thấy chán ói cũng được, miễn viết là được. - dù thế nào, kết thúc 14 ngày tức là bạn đã hoàn thành 14 bài viết, bạn viết được 14.000 chữ và kỷ luật là thứ làm bạn xứng đáng được khen hoặc tự khen.
bạn có thể share post này để nhắc nhớ, mai 1/4/2020 chúng ta bắt đầu. chúc vui.
mà hem vui cũng hem sao. bai.
---------------------
Để mai, bắt đầu.
Đã lâu không viết...
1 note
·
View note
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #03: QUÊ NHÀ
(Ảnh: Sưu tầm)
Thường trước khi viết, mình không hay gạch đầu dòng các ý chính. Bởi ham muốn được viết của mình luôn bắt đầu từ một ý tưởng bất chợt nảy lên không đầu không cuối, và cứ thế ý văn của mình tuôn trào. Nhưng quê nhà là một chủ đề rất đặc biệt, rất thân thương với mình, nên mình đã suy nghĩ mãi từ chiều hôm qua không biết nên viết gì cho chủ đề này. Mình có gạch ra một vài điều làm mình nhớ về quê nhà, và thật sự khi gõ ra những dòng ấy, cảm xúc trong mình trỗi dậy mạnh mẽ: vui có, buồn cũng có, thậm chí có đôi chỗ mình còn rưng rưng (mình điêu đấy, khóc sướt mướt chứ chẳng phải rưng rưng). Đến ngày hôm nay ngồi đọc lại những gạch đầu dòng ấy, mình nhận ra chỉ những dòng ấy thôi là quá đủ. Yêu quê là nhớ quê, mà nhớ quê là bởi yêu quê quá đỗi. Có lẽ những nhớ nhung nhỏ nhặt ấy thôi là đủ để bày tỏ tình yêu của mình với quê nhà rồi.
Có một điều, nói đến quê với mình là nói đến Hà Nội. Mình yêu khắp mọi miền của dải đất hình chữ S này, mình rất mến Hòn Gai, mến Huế, mến Nha Trang Đà Lạt và khắp những nơi mình chưa có cơ hội được đặt chân. Thế nhưng Hà Nội là quê. Hà Nội là quá khứ, là hiện tại, và bởi mình cũng không phải một đứa cuồng chân, nên dễ bề Hà Nội cũng chính là tương lai.
Hà Nội của mình có gì?
Hà Nội có những gánh phở, gánh bún riêu trong ngõ nhỏ, cách cửa nhà chừng chưa đầy 10m, cùng một dọc những bộ bàn ghế nhựa Song Long cho thực khách ngồi ăn sáng.
Hà Nội có những con đường tắt qua ngõ hẻm mà mình chả bao giờ nhớ nổi.
Hà Nội có cafe Đinh. Bước lên tầng 2 số nhà 13 Đinh Tiên Hoàng, bạn hãy gọi cho mình một cốc cafe Trứng và hít trọn hương vị của Hà Nội. Nếu may mắn, bạn còn có thể có được chỗ ngồi ngoài ban công, để có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bờ Hồ.
Hà Nội có văn hóa cà phê. Vào mỗi sáng Chủ Nhật, hãy dành thời gian thảnh thơi bên gia đình, bạn bè, nhâm nhi chậm rãi ly nâu đá và lắng nghe tiếng những giọt cafe tí tách rơi.
Hà Nội có ẩm thực nức lòng người. Đến với Hà Nội, bạn nhất định phải ăn cháo sườn Ngõ Huyện, ăn caramel số 6 Hàng Than, ăn chè Mười Sáu Ngô Thì Nhậm, ăn bánh mì nem khoai chú Tuấn cạnh trường cấp 2 Trưng Nhị, và ghé bất kỳ quán thịt xiên nướng vỉa hè nào để đánh chén vài ba xiên.
Hà Nội có những chiếc xe đỗ trước cổng trường học, chở đầy những nem chua, cá viên, xúc xích rán, cùng món kem chanh tráng miệng. Nhưng thi thoảng hẵn tự thưởng cho mình một bữa như vậy thôi, và đừng quên để những que ăn rồi sang một bên, để đến cuối các cô chú bán hàng đếm đầu que mà tính tiền nha.
Và đặc biệt, Hà Nội có Tết. Ừ thì nơi nào Việt Nam mà chẳng có Tết, có người Việt là có Tết rồi. Nhưng mình yêu lắm cái Tết Hà Nội. Chiều 30 Tết, hãy tắm rửa sạch sẽ với nước lá mùi già ngâm nóng, để rũ bỏ hết những muộn phiền của năm cũ, sẵn sàng đón năm mới với sự khoan thai và tĩnh tại nhất. Nếu để chọn ra một mùi hương của quê nhà, đối với mình đó nhất định là hương lá mùi. Đó là mùi hương của tuổi thơ, là sự vỗ về cho tâm h���n mỏi mệt, là sự an yên mà mình luôn mải miết kiếm tìm trong cuộc đời.
Tối 30 Tết, hãy quây quần cùng cả nhà bên mâm cơm tất niên, và cùng nhau xem Táo quân. Từ năm nay chẳng còn Táo quân nữa, nhưng rồi biết đâu đến một ngày, Gặp nhau cuối năm cũng sẽ là một nét văn hóa không thể thiếu trong lòng người dân đón Tết, bởi có những gương mặt thân quen ấy là có Tết rồi.
Ngày Tết phải có món bún thang của bà nội. Bún thang của bà nước trong vắt, thơm mùi ruốc tôm, thịt gà xé nhỏ, trứng tráng vàng ruộm, cùng với giò lụa thái sợi mỏng tang. Bún thang ăn với rau răm, không ăn với hành lá (chắc vì thế nên mình lại càng yêu món này hơn), và nhất định phải ăn kèm với củ cải dầm và một tẹo mắm tôm. Mắm tôm cho bún thang phải là mắm tôm Boong Hằng 18 Gia Ngư, bà bảo mắm tôm ở đây là thơm và chuẩn vị nhất. Bát ăn thang phải là bát nhỏ, nông, có độ mở ở phần miệng, bởi bún thang là món ăn dịu dàng và yêu kiều, nên bát ăn cũng phải nhỏ nhắn và yêu kiều theo.
Tết Hà Nội đẹp lắm, bình yên lắm. Nên dù cả năm có đi đâu làm gì, thì Tết mình cũng chỉ muốn được quây quần ở Hà Nội mà thôi.
Hà Nội là quê, vậy quê nhà với mình là gì?
Quê nhà là những ngày cùng Kiu chạy xe bốn vòng quanh Bờ Hồ nói những chuyện trên trời dưới đất, ch�� để sau đó lại trở về đối diện nhà gọi một cốc Ding Tea.
Quê nhà là những ngày hè (lại cùng Kiu) đi bộ một tiếng đồng hồ lên Kim Đồng, chỉ để đọc vài trang truyện tranh, rồi lại cuốc bộ cả tiếng về nhà.
Quê nhà là những chiều Chủ nhật trốn thế giới, cùng mẹ làm một ly bạc sỉu, và nghe kể về những ngày xưa cũ.
Quê nhà là mỗi tối Chủ nhật mọi người cùng nhau tụ tập ở nhà Kiu, ăn một bữa cơm giản dị. Những đứa trẻ con sau đó cuốn gói lên tầng 3 nằm, người lớn ngồi phòng khách chuyện trò rôm rả đến đêm. Địa chỉ nhà Kiu thì cứ thay đổi xoành xoạch, nhưng truyền thống thì cứ vẫn thế cả chục năm không đổi.
Quê nhà là nơi mình lớn lên cùng bố, cùng ông nội, cùng chú, cùng người bạn thân tuổi thơ. Rồi thì tất cả họ cũng không còn.
Quê nhà là nơi mình vẫn còn mẹ, còn anh chị, còn bà nội, ông bà ngoại, các cô chú, và các bạn. Đương nhiên không phải tất cả đều mong mình trở về, có những người muốn mình tìm được cuộc sống tốt hơn ở nơi xa. Dù thế nào cũng đều là muốn cho mình một đời bình yên.
Quê nhà là nơi có tuổi trẻ của bố mẹ, ông bà, có tuổi thơ của mình giản dị như bao đứa trẻ khác, có chứa chan niềm vui, và cũng có những mất mát chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai.
Hai tiếng quê nhà thốt lên thôi cũng thấy đau đáu một nỗi niềm, vì ngày hôm nay mình ở xa quê, nhưng chỉ muốn ngày mai được trở về.
Quê nhà với mình là hơi ấm. Dù có trải qua đớn đau vẫn được hơi ấm vỗ về.
Đó, với mình, chính là quê nhà !
-----------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
7 notes
·
View notes
Text
Sinh năm 1996, Nhân Mã điển hình, một con người rời rạc, không có nguyên tắc.
Bản thân mình từ bé đã lớn lên cùng với tự do, tuổi thơ không người quản thúc, trưởng thành cũng không bị gò bó bởi ai. Mình chính xác, là một con ngựa hoang nguyên thuỷ nhất.
Mình trong mắt của mọi người chưa bao giờ là một đứa trẻ tốt. Thành tích học tập bình thường, bạn bè thì ngỗ nghịch, ngang bướng ngông cuồng, từ bé đã luôn thích làm theo ý mình nhất. Không biết cách chào hỏi, xin phép người lớn, tính cách lầm lì, ít nói chuyện và quan tâm người khác. Một đứa trẻ con bị đánh giá là lạnh lùng vô cảm, chỉ vì hôm bố mất, mình bình thản học tốt tiết Văn, đứng trước lớp nhẹ nhàng xin nghỉ buổi chiều, chậm rãi đi bộ về nhà và xem nốt tập phim Bộ Bộ Kinh Tâm cuối cùng.
Mình trong mắt mình, đến thời điểm hiện tại vẫn luôn bị kẹt lại ở năm 2011. Mình vẫn là một cô gái 15 tuổi thiếu thốn tình thương, thiếu đi sự tự tin và cả sự an toàn nữa. Đôi lúc mình như bị nhốt trong thế giới riêng ấy. Cô đơn, lạc lõng, trống rỗng và sợ hãi. Stress, trầm cảm, hoặc điều gì đó tương tự vậy, mình nghĩ thế, đang cuốn lấy mình hằng ngày, hằng giờ. Nhưng cũng có lúc mình nghĩ, ai trưởng thành mà không tự trải qua những ngày tháng gặm nhấm vết thương đó một mình. Vì vậy mình luôn tiến về phía trước, luôn tìm kiếm những điều tích cực, hoặc ít nhất mình nghĩ mình đã cố gắng làm như thế.
Dĩ nhiên, mình không là ai để khiến thế giới này có thể đối xử với mình nhẹ nhàng hơn một chút. Dĩ nhiên, trong suốt quãng đường mình trưởng thành cũng phải gặp vô số những điều tồi tệ. Và dĩ nhiên, cả những điều tốt đẹp nữa.
Có một người đã từng nói với mình thế này, “em là cô gái lạ lùng nhất anh biết, em xinh, thông minh, thú vị, khiến đối phương phải tò mò”. Mình biết chứ. Mình còn biết rõ những gì mà anh ấy thấy là những cái mà mình tô vẽ nên. Mình make up cả tiếng đồng hồ cho cuộc hẹn, chuẩn bị trước những gì sắp nói, tỏ vẻ già dặn trải đời để trông mình trưởng thành, gai góc. Như một bông hồng đỏ, chỉ để nhìn mà không thể nào cầm chắc. Nguỵ trang, chỉ để che giấu rằng mình vốn là một đứa mang tâm hồn yếu ớt, một đứa khao khát được yêu thương đến nhường nào thôi. Nói cho cùng, cũng chỉ là một con hổ giấy, gầm gừ nhưng không phát ra tiếng.
Chẳng biết từ lúc nào, mình vô tình làm tổn thương chính mình,
là mình chặn đứng cơ hội khiến một người nào đó chân thành đến với mình,
là mình, một người phụ nữ luôn cố giấu đi “cô gái” ẩn sâu bên trong,
là mình, một người không đủ tốt, liệu có ai có cần?
0 notes
Text
Day 1: Tôi
Tôi đang học cách tôn trọng chính mình.
Chưa một lần nào tôi nghĩ về việc miêu tả bản thân. Một câu hỏi luôn khó khăn khi tìm ra câu trả lời: Rằng tôi là người thế nào. Tôi vẫn luôn quan tâm đến việc mình như ra sao trong mắt người khác, đã luôn muốn hình ảnh của mình phải thế này, trở thành một người theo tưởng tượng của bản thân. Không phải thể hiện con người vốn có. Nhưng, vốn có ở đây là gì? Tôi hẳn còn phải đi một đoạn đường dài nữa để biết.
Có lẽ bước đầu tiên, quan trọng nhất, trong quá trình học cách tôn trọng bản thân là thành thật với con người mình. Thành thật với cõi lòng, tâm tri và ý thức được điều mình đang đối mặt. Lần đầu tiên bạn ghi thu-chi trong tháng của bản thân bạn có thật sự kỹ càng và rạch ròi từng khoản theo đúng quy ước học được trên mạng? Tôi đã lấp liếm, biện minh cho chính điều mình làm. Tôi làm theo ý thích nhiều hơn là lý trí vạch ra. Và đương nhiên sau đó, mọi thứ thật tệ. Những kế hoạch chi tiêu chưa một lần thành công.
Tôi nhận ra, thành thật trước hết phải là chấp nhận sự thật, chấp nhận cảm xúc, phản ứng của bản thân trước mỗi sự việc. Hôm qua đọc được bạn X bảo món Y ngon, hôm sau trông thấy Y tôi sẽ nghênh ngang nói rằng à món này ngon lắm. Mà cảm giác đầu tiên nảy ra lại là món này thật ra với tôi cũng bình thường thôi. Một điều nhỏ như thế tôi cũng mặc kệ, phớt lờ bản thân, nên nhiều thứ to lớn hơn tôi chẳng thiết tha giữ lại suy nghĩ hay chính kiến của mình.
Đứng trước những người tự tin, mạch lạc tôi đã ngưỡng mộ vô cùng. Chắc là đến một lúc, tôi cũng có thể như thế. Sẽ không còn chối bỏ bản thân mình, sẽ không còn lo lắng về những điều ngoài kia nghĩ về mình. Để xây dựng được nhiều khía cạnh của bản thân hơn, chỉ còn cách làm tốt điều trước mắt trước đã. Bớt khắt khe về mong muốn, thả lòng một chút thôi, được không?
0 notes
Text
2
#14dayschallenge #14dayswrite1000words
Chào! :D
Tôi đang ngồi ở 1 quán cf, ngồi đối diện tôi là 2 đứa nhỏ đang hú hí với nhau hic. Tôi phải cố để không ngửa mặt lên nhìn cno mệt ghê.
Đây là một bức thư mà bạn sẽ nhận được sau nhiều năm tới, bây giờ có lẽ bạn đã là một người khác rất nhiều nhỉ, tôi vẫn luôn mong thế, một bạn nhưng tốt đẹp hơn.
Sao rồi? Độ này vân ổn chứ? Chắc thời điểm này bạn đang tăng ca nhỉ? Bạn vẫn luôn muốn trở thành một người giỏi giang và có nhiều trách nhiệm cần thực hiện mà. Nếu không phải thì tôi mong bạn đang ở nhà, ấm áp, được nghỉ ngơi và tận hưởng chút vui vẻ cuối ngày.
Muốn biêt tôi bây giờ đang ra sao không? 😊
Để kể cho bạn nhớ ra nè. Tôi đợt này vẫn lười nên có chút béo hic, nhưng tôi quyết tâm hơn rồi, hứa mai sẽ đi tập thể dục. Bây giờ tôi vẫn còn đáng buồn lắm, tôi thấy bản thân vẫn chưa có cố gắng, chưa làm tốt và điều đó làm tôi tự tổn thương luôn á. Tôi vẫn đang trốn tránh, mọi trách nhiệm, mọi nhiệm vụ, mọi người, hic tại vì tôi vẫn chưa chịu leo lại lên cái dốc mình trượt xuống đó. Buồn nhỉ. Tôi cũng đã đặt mục tiêu cho mình trong năm nay rồi, từng mục tiêu để trở thành người tốt hơn bây giờ rất nhiều á. Mong rằng tôi sẽ không làm người trì trệ nữa, mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn. 😊
Thế còn bạn thì như nào nhỉ? Bây giờ có thể cười vui vẻ mỗi ngày không? Tôi thấy bạn chỉ cần có một mội trường phù hợp với mình thôi là bạn có thể chiến đấu mỗi ngày rồi, thích điều đó ở bạn ghê. Tôi mong mỗi ngày bạn đều có thể thức dậy và háo hức cho những nhiệm vụ sắp tới, những món quà và những bất ngờ nhé. À mong bạn còn có thật nhiều những người yêu thương và trân trọng bạn nữa, hay trân trọng mọi người nữa nha.
Năm nay của tôi bắt đầu hơn cô đơn haiz. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn để có thể yêu thương bản thân mình hơn. Yêu bạn nhiều. Cám ơn vì đã có thể ở thời điểm đó đọc bức thư này.
Gửi bạn tại thời điểm tôi muốn bạn nhận được.
3 notes
·
View notes
Text
Ngày 1: tôi
(được inspired bởi các hình vẽ minh hoạ bài viết quá xinh của bạn C���m nên mình cũng tranh thủ viết một chút mùa dịch vắng lặng này)
Trong quyển “6 phát minh thay đổi thế giới", phát minh đầu tiên được nói đến là “thuỷ tinh”. Bên cạnh những ứng dụng quang học, nhờ có kĩ thuật tráng gương mà lần đầu tiên con người có thể nhìn rõ hình hài của mình (trước đó chỉ có thể thấy mờ ảo qua mặt nước hay mặt kim loại). Nhờ có gương soi mà con người bắt đầu nhận thức về bản thân, là tiền đề tạo nên vô số sự phát triển về văn hoá, văn chương... đến ngày hôm nay.
Ta là ai, nếu ta không thể nhìn thấy ta?
Khác với những hình ảnh rõ ràng sắc nét từ gương, nhận thức của mỗi người về bản thân (và với mọi vật) đều giống như mắt người có tật, không cận thì loạn mà không loạn thì viễn. Chúng ta luôn đánh giá dựa trên tư tưởng và trải nghiệm, tạo nên những độ cong trong việc “nhìn nhận". Vì vậy, có những người bị xem là “tự cao" và có người “tự ti" khi nói về bản thân.
Nói về “tôi" của mình, có lẽ mình luôn có xu hướng đánh giá thấp bản thân (và thiệt ra có cảm thấy chút vui khi có ai đó bảo noooo you are better than that, tự kỉ vãi!). Từ bé mình luôn bị bảo là nhút nhát quá không tốt, và ba mẹ mình luôn tìm cách cải thiện điều đó. Trong một xã hội mà những em bé lanh lợi hoạt bát được yêu thích, những người mau mồm mau miệng được xem là có lợi thế hơn thì kiểu người hướng nội khá chật vật trong việc định hướng bản thân. Cảm giác như bị giằng xé giữa tính cách và sự kì vọng của xung quanh, rõ ràng biết mình chỉ là món canh sườn thanh mát nhưng lại cứ bị bắt lẩu thập cẩm. Mất rất nhiều thời gian và hiểu biết để có thể khẳng định mình là người hướng nội, và thế mạnh của mình là viết lách, suy nghĩ, và không nhất thiết phải hoạt bát nói cười vui vẻ để tồn tại trong cuộc sống này. Khi hiểu, chấp nhận và đủ căn cứ để bảo vệ quan điểm sống này, mình cảm thấy như đỡ được một phần gánh nặng.
Mong sao sẽ có càng nhiều phụ huynh hiểu được chuyện mỗi đứa trẻ là một bông hoa, đều đẹp theo cách riêng của nó. Sẽ có người thích sự lộng lẫy của hoa hồng, nhưng vẫn có người yêu sự dịu dàng trầm mặc của hoa sứ. Hãy để mỗi người toả sáng theo cách riêng của họ, và bạn sẽ có một bông hoa xinh đẹp rạng rỡ nhất! Xin kết lại bằng bài hát 世界に一つだけのはな - “Đoá hoa duy nhất trong cuộc đời" rất nổi tiếng của SMAP, được xem là bài hát quốc dân Nhật Bản.
youtube
0 notes
Text
- ngày 1: tôi - ngày 2: bạn - ngày 3: quê nhà - ngày 4: sách - ngày 5: phim - ngày 6: yêu - ngày 7: công việc - ngày 8: gia đình - ngày 9: cũ - ngày 10: bếp - ngày 11: tử tế - ngày 12: tích cực - ngày 13: người lạ - ngày 14: chúng ta Để trừng phạt vì hồi tối nghĩ ra thứ gì đó rất hay ho nhưng lười lưu nó lại nên giờ mình sẽ tham gia thử thách #14dayschallenge #14dayswrite1000words cũ mèm như 1 hình thức chịu phạt
0 notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #08: GIA ĐÌNH
Đề tài gia đình với mình có lẽ cũng giống như quê nhà thôi, vì điều khiến mình nhớ về quê nhà là những kỷ niệm đã có với gia đình, với họ hàng và các anh chị em. Và cũng giống như quê nhà, phải đi xa rồi mình mới nhớ về gia đình. Nhưng bản thân mình ít khi quỵ lụy về cảm xúc với gia đình. Mình có thể khóc ngon lành khi xem một bộ phim hay, hoặc rưng rưng ngay khi vừa thấy một cụ già bước đi chậm rãi trong siêu thị, nhưng chẳng mấy khi mình khóc trước mặt gia đình. Mình vẫn nhớ lần cuối mình khóc trước mặt cả nhà. Đó là mùa hè của 6-7 năm về trước, cả gia đình bên ngoại có chuyến du lịch Nha Trang - Quảng Ngãi. Đêm trước ngày về, không mua được vé máy bay, mọi người bàn nhau đi xe khách về cho rẻ. Anh mình thì muốn đi tàu, vì tính anh rất sợ xe khách. Mẹ muốn cả ba mẹ con đã về thì phải về cùng nhau, mình thì lại muốn đi cùng mấy đứa em họ. Vậy là mình cứ khóc lóc đòi được tách đi riêng với họ hàng, để mẹ và anh về một mình. Sau cùng vé tàu cũng hết, tất cả lại cùng chen chúc trên một chuyến xe khách địa ngục. Về sau mình cũng thấy rõ sự ích kỷ của bản thân, nên mình quyết định không khóc nữa. Ba cái trò con nít vậy là đủ rồi, có buồn cũng không được khóc. Khi chú mình mất, mình cũng tìm một góc trong nhà khóc lóc một mình, đến hôm tang lễ tuyệt nhiên không nhỏ một giọt nước mắt.
Việc kiềm chế biểu lộ cảm xúc hoàn toàn là vì chính bản thân mình, bởi cảm xúc là cái mình biết dù có cố gắng đến mấy, cha mẹ cũng không thể nào hiểu được, và dù hiểu cũng không thể đưa ra được lời khuyên mà mình mong muốn. Mỗi lần mình kể với mẹ rằng hôm qua mình khóc khi xem phim, mẹ lại nói những điều tương tự: “Đừng có khóc mệt người. Xem cái gì vui thôi. Xem những cái buồn rồi lại ôm cái buồn vào người”. Mình hiểu ý tốt của mẹ, nhưng mình cũng hiểu rằng không thể nào nói được với mẹ những suy nghĩ, đắn đo trong lòng, bởi mẹ chỉ có thể khuyên mình đừng nghĩ tới chúng nữa. Mình không buồn, mình biết mình cũng là đứa phức tạp, và cũng khó để có một cuộc đối thoại thuần cảm xúc với con cái chứ. Mẹ vẫn ở đây, đôi khi mình muốn nhiều hơn, nhưng phần lớn thời gian như vậy là đủ rồi.
Mẹ không giỏi nói về cảm xúc tâm lý, nhưng mẹ lại là người đầy cảm xúc. Mẹ luôn muốn được nói chuyện, chia sẻ, muốn có tiếng cười nói xôn xao trong nhà. Dĩ nhiên là nói về những điều vui thôi, hoặc những điều buồn hiện rõ mồn một, kiểu như “Anh con hôm nay hỗn với mẹ”. Mẹ hay kể chuyện Kiu, Nghê ngày nào cũng gọi về cho bố mẹ cả mấy tiếng, chuyện gì cũng kể, làm gì cũng xin ý kiến, lời khuyên. Mình thì ngược lại. Mình đầy những cảm xúc tăm tối, nhưng lại chẳng giỏi thể hiện tình cảm. Nhiều lần mình nói thẳng với mẹ: “Ngày nào cũng gọi về như thế này, con chẳng biết nói gì đâu”, “Con hôm nay vẫn hệt như hôm qua thôi”, “Con phải học, mẹ thích thì cứ để máy đó nhìn con là được”. Mẹ ok, nhưng rõ là mẹ chẳng vui. Nhưng biết làm gì đây? Thành thật mà nói, mình không thấy cần phải thay đổi. Ai cũng phải tự lo cho cuộc đời của mình. Kể lể và hỏi han ý kiến của người khác là phạm trù mà bản thân mình thấy tốn thời gian, bởi mình luôn cho rằng sâu thẳm trong lòng mỗi người luôn biết rõ bản thân muốn gì, họ chỉ muốn than thở, kể lể với gia đình, bạn bè mà thôi, mình thì lại không muốn vậy. Mỗi người một cách làm cha mẹ, thì mỗi người cũng một cách làm con. Hãy cứ chấp nhận rằng mình và mẹ là hai thái cực, hai cách thể hiện tình cảm khác nhau, luôn thấy chưa đủ ở người kia, nhưng dẫu sao vẫn cứ là mẹ con. Nói thật, mình nghĩ hai mẹ con mình rồi sẽ ổn thôi. Mình từng nói rồi, mình chẳng cuồng chân. Mình chẳng nói nhiều, nhưng mình vẫn ở đó. Mẹ cũng chẳng nói được điều mình cần, nhưng mẹ luôn ở đó. Vậy nên đến cuối cùng đều tốt cả.
Mẹ nhiều cảm xúc, nhưng cũng như mình, mẹ không khóc. Có lẽ vì bố ra đi từ sớm, khi mình mới lớp 8 và anh mình vẫn còn học Đại học, nên mẹ cũng tự nhủ với bản thân ba cái trò yếu đuối vậy là đủ rồi, có buồn cũng không được khóc, phải mạnh mẽ vì các con. Nhưng người lớn cũng khóc chứ. Tất cả bố mẹ của chúng ta, dù bề ngoài trông họ có mạnh mẽ nhường nào, mình dám chắc họ cũng có những phút yếu đuối, chỉ muốn trở về làm con của bố mẹ mà thôi. Ngày mình tầm lớp 6, lớp 7, cả họ nhà mình cũng có chuyến đi về Nha Trang. Một đêm anh mình nói hỗn với cả nhà, bố đã rất buồn. Tối ấy, bố gọi mình ra, dắt tay mình đi dọc khách sạn trong yên lặng. Rồi bố nói về những điều anh làm bố buồn, bố nói: “Bố chỉ biết kể với con mà thôi”. Lúc ấy mình chẳng biết nói gì, mình chỉ im lặng nhìn bố. Sau mình hiểu rằng, người lớn cũng buồn. Người lớn cũng đau. Trong Reply 1988 có câu nói: “Người lớn không khóc không phải là họ không đau, mà vì họ bận phải mạnh mẽ để bảo vệ những người cần họ.” Quả đúng là như vậy.
Gia đình đối với mình luôn là những cảm giác tiếc nuối, những điều chưa đủ và những câu “Giá như”. Mình đã định dành chủ đề này để nói về bố, nhưng mình quyết định nói về gia đình không hoàn hảo của bản thân, vì chính mình cũng mong đến cuối cùng, mọi chuyện sẽ ổn cả. Mình luôn tin vào câu nói của Duksun ở cuối tập 1 của Reply 1988: “Đôi khi, gia đình là người không hiểu bạn nhất. Nhưng đến cuối cùng, điều giúp bạn vượt qua trở ngại, người nắm chặt tay bạn nhất định không buông, xét cho cùng, vẫn là người nhà.” Người nhà chính là bố của Duksun, nhường con ăn hết cả chiếc bánh gato, chỉ vì bố “không thích đồ ngọt”. Câu nói thật quen thuộc mà phải không?
--------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
5 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #07: CÔNG VIỆC
Vậy là đã đi qua được một nửa chặng đường của thử thách viết 14 ngày rồi. Tuy không phải ngày nào cũng viết, nhưng mình đã rất nỗ lực để sau mỗi lần nghỉ ngơi sẽ lại ngồi xuống tiếp tục thử thách, để đến cuối cùng, dù là 14 ngày hay 40 ngày đi chăng nữa, mình cũng hoàn thành đủ 14 bài viết về 14 chủ đề mà bản thân có thể tự hào về chất lượng, và tự tin rằng chúng nói lên chính con người mình. Đương nhiên cũng có không ít lần mình bị lay động chứ. Mình đã định bỏ qua chủ đề Sách vì bản thân không phải là người đọc nhiều, cũng đã chần chừ mất 3 ngày mới ngồi xuống viết về chủ đề Yêu, vì không biết nên tiếp cận sao. Vậy nhưng đến cuối cùng, mình vẫn viết về Sách, và mình vẫn viết về Yêu. Ở ngày đầu tiên của thử thách, mình có nói rằng mình thích viết, và mình nhìn nhận thử thách này một cách nghiêm túc như một cơ hội để tập viết. Vì vậy, mình tự nhủ bản thân phải có trách nhiệm theo đến cùng.
Nhìn rộng ra một chút, trong công việc cũng tương tự vậy. Để nói về châm ngôn trong công việc, với mình sẽ là hai chữ trách nhiệm. Thường khi nói về công việc hay sự nghiệp, người ta hay nói tới hai chữ đam mê. “Hãy làm công việc mà bạn đam mê, như vậy bạn sẽ bớt khổ”, kiểu vậy. Cá nhân mình thì thấy đam mê được đánh giá quá cao. Đương nhiên không phải theo cái cách mà đam mê không giúp gì được cho sự nghiệp. Được làm điều mình thích, mình trăn trở, đau đáu trong lòng, lại còn kiếm ra tiền nhờ nó, là điều mà ai ai chẳng muốn. Nhưng có một sự thật, rằng không phải ai cũng có đam mê. Theo cách mà mình quan sát được ở những người xung quanh, đặc biệt ở những thế hệ đi trước, những người sống mà không có đam mê còn chiếm phần đông hơn nhiều. Thế nhưng, cái cách mà thế giới đang nói về đam mê, từ báo đài, phim ảnh, tin tức, đến những người “có sức ảnh hưởng” trên mạng xã hội, họ đang biến đam mê trở thành cái đích cuối cùng trong cuộc sống, rằng mấu chốt trong sự nghiệp là nhằm tìm ra và theo đuổi đam mê. Mình cho rằng điều này vô tình sẽ có tác động tiêu cực tới những người không có đam mê, khiến họ tự hỏi sao bản thân không được như những người khác.
Bản thân mình là một người không có đam mê như thế. Không một công việc, một hướng đi trong sự nghiệp nào mà mình muốn theo đuổi. Lên Đại học, mình theo học chuyên ngành Nghiên cứu xã hội, tới khi học lên Thạc sĩ cũng lựa chọn tiếp tục con đường đó. Mình thấy làm nghiên cứu hợp với mình, theo cách mà mình biết mình có thể làm tốt. Bản thân cũng chưa từng nghĩ có thể theo học bất kỳ chuyên ngành nào khác, vậy nên vẫn cứ theo nghiên cứu cho đến ngày hôm nay. Nhưng có một thời gian, những câu hỏi về việc “Đam mê của mình là gì?”, “Sao mình không có đam mê như các bạn xung quanh?” đã thực sự ám ảnh bản thân mình. Mình nhìn bạn thân sẵn sàng bỏ phí hai năm, quyết tâm thi lại Đại học để được theo đuổi con đường hội họa, nhìn những người bạn khác lựa chọn sự nghiệp trái ngược hoàn toàn với tấm bằng Đại học của họ, nhìn những mẩu chuyện về đam mê trên tivi, sách báo, Facebook, Instagram, v.v. Tất cả khiến mình tự hỏi, liệu bản thân có đang quá lười thử thách? Giờ mình nên thử làm gì mới để tìm ra đam mê đây? Có cái gì mà mình có đôi chút hứng thú không? Nghĩ tới nghĩ lui, bất an và lo lắng, cuối cùng ô trả lời của mình vẫn để trống. Mình vẫn chẳng biết đam mê của bản thân là gì.
Nỗi trăn trở ấy cứ theo chân mình trong một khoảng thời gian dài, lúc ẩn lúc hiện, cho tới khi dần dần mình nhận ra, có lẽ mình không có đam mê, và điều đó không sao cả. Đó là lúc mình nhận ra việc nghiên cứu có vất vả, và mỗi lần bắt đầu nghiên cứu mới là một lần lười, nhưng mình luôn nhận lại kết quả tốt, vậy là mình biết nghiên cứu, và mình có thể sống nhờ nó. Đó cũng là lúc mình nhận ra niềm vui và sự hào hứng vẫn tồn tại, chỉ là đến từ nơi khác và theo cách khác mà thôi. Với mình, những hoạt động mình tham gia suốt bốn năm học Đại học cho mình làm quen được với nhiều người bạn mới, và những lúc được tụ tập để cùng làm việc hay vui chơi với họ là lúc mình vô cùng hạnh phúc, vậy có kém cạnh gì so với đam mê đâu.
Trở lại với trách nhiệm, sau khi bản thân nhận ra sự thiếu vắng của đam mê, có một điều mình đồng thời phát hiện, đó là tinh thần trách nhiệm có thể đưa ta đến chính những nơi đam mê có thể. Trong 14 ngày thử thách, có những chủ đề mình không muốn viết, nhưng mình vẫn viết, đó là trách nhiệm giúp mình đạt được kết quả cao nhất. Để nói về một điều tích cực, chính ý thức trách nhiệm luôn là điều duy nhất có thể vực dậy một đứa lười biếng như mình đây, và kéo mình tới được vị trí của ngày hôm nay. Ý thức trách nhiệm luôn yêu cầu mình phải đúng giờ, hoàn thành công việc đúng hạn, và không để làm ảnh hưởng đến người khác. Ý thức trách nhiệm cũng không cho phép mình làm việc một cách hời hợt. Như vậy trách nhiệm là một người ‘bạn’ quá lý tưởng rồi phải không? Đam mê đôi khi còn đòi hỏi có cảm hứng đi kèm, nhưng trách nhiệm thì mãi luôn là người bạn kiên định và nhất quán như thế.
Thay cho lời kết, mình muốn nói rằng, không phải ai cũng có đam mê, và điều đó không sao cả. Tinh thần trách nhiệm sẽ giúp bạn hoàn thành mọi công việc một cách tốt nhất, và rồi bạn sẽ tìm được niềm vui từ những thành quả ấy, và từ vô vàn những yếu tố xung quanh nữa. Bởi hạnh phúc được tạo nên từ vô vàn những niềm vui nhỏ bé li ti, chứ đâu nhất thiết phải từ cái gì lớn lao như đam mê mà phải không?
-----------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
4 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #06: YÊU
Mấy hôm bận làm bài phải bỏ dở thử thách, đến hôm nay ngồi xuống viết về chủ đề yêu, lại thấy bản thân cạn câu chữ chẳng biết phải nói gì. Không phải mình sợ nói về yêu, mà bản thân cũng không rõ quan điểm của mình về tình yêu và việc yêu đương như thế nào. Đôi khi mình chẳng nghĩ về nó; đôi khi mình còn thấy những người than vãn về tình yêu thật phiền phức, rằng họ sợ cô đơn, nhưng họ cũng sợ bị tổn thương, nên họ muốn có ai đó, nhưng họ cũng chẳng dám mở lòng với ai, thành ra những lời than thở của họ cứ chẳng có hồi kết; nhiều lúc khác, mình thấy chính bản thân lại có y hệt những suy nghĩ đó. Chính sự lằng nhằng trong suy nghĩ khiến mình chẳng biết viết gì về yêu. Mình nghĩ về việc chuyển sang nói về tình yêu gia đình, yêu bạn bè, hay yêu quê, nhưng những cái đó đều có chủ đề riêng rồi. Mình cũng nghĩ về việc viết về tình yêu trong phim, hay một mối tình đẹp trong lịch sử, nhưng như vậy chẳng khác nào viết một đoạn văn cảm thán với những câu chữ bay bổng, nhưng chẳng có chút sự gắn kết cá nhân nào. Vậy là lại phải viết về tình yêu của bản thân.
Thứ nhất, mình không mặn mà chuyện yêu đương, nhưng cũng không đến mức chưa bao giờ thích ai. Suốt 12 năm đi học, có rất nhiều người khiến mình cảm nắng, thậm chí còn có những đợt cảm nắng lâu ngày. Mình cũng từng thích nhắn tin với những cậu bạn đó suốt cả buổi tối, thích cảm giác nhìn trộm lẫn nhau trong lớp, hay những cái chạm tay vô tình, tựu trung là tất cả những biểu hiện ngốc nghếch của tình yêu gà bông. Nhưng thường những đợt cảm nắng ấy chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Chúng sẽ kết thúc khi mình sang trường mới, hay kết thúc khóa học, nói cách khác là khi mình không còn gặp người đó nữa. Trong suốt thời gian cảm nắng, mình cũng chẳng bao giờ có suy nghĩ tỏ tình, hay mong muốn người kia tỏ tình, chỉ đơn giản là đẩy đưa qua lại vậy thôi, cho tới khi xa mặt thì cách lòng.
Thứ hai, mình rất dễ bị tác động bởi thế giới bên ngoài, bất kể là phim ảnh, sách báo, gia đình, bạn bè, hay kể cả là chuyện tình của chị hàng xóm (ví dụ mang tính minh họa thôi, chứ mình không có chơi với hàng xóm). Nếu mình xem một bộ phim Hàn Quốc, nơi nam nữ chính là đôi bạn thanh mai trúc mã từ thuở mặc tã, lớn lên không ưa nhau, dần dần lại cảm nắng, thì bản thân lúc ấy cũng sẽ mơ mộng có được một mối tình tương tự. Sau đó, nếu như mình đọc được một cuốn sách có nữ chính là một người phụ nữ độc lập, thành công, không cần đến tình yêu, mình sẽ lại thấy yêu đương chả để làm gì. Đến tối ngồi xem Friends, mình lại nghĩ giá như mình cũng yêu được anh bạn thân. Đôi khi mình cũng nghĩ có người yêu như các bạn mình cũng vui, ngay phút chốc sau lại thấy phiền. Chính vì nhiều cảm xúc như vậy, nên mình chẳng biết được mình thích người yêu của mình ra sao, thích tình yêu của mình diễn ra như thế nào
Thứ ba, cách mình “yêu” bộc lộ rõ một nét tính cách đặc trưng của mình: cả thèm chóng chán và không mặn mà với một điều gì. Mình không thích việc phải ràng buộc bản thân với một ai đó; cái cảm giác phải có trách nhiệm với một người, quan tâm hỏi han người đó, ra đường đi chơi, nghĩ quà tặng nhân ngày kỷ niệm hay sinh nhật này nọ, tất cả đối với mình là một trách nhiệm nặng nề. Ngay từ những ngày đi học cũng vậy, mình thích vui, thích nhắn tin nói chuyện, nhưng không thích yêu đương, không thích ràng buộc. Ràng buộc trên phim ảnh, sách báo, hay qua những câu chữ khoe người yêu trên mạng xã hội thì đơn giản rồi, nhưng ngoài đời thực thì những cảnh phim hay đoạn hội thoại trong sách ấy phải được thực hiện hàng ngày, nghĩ cũng hơi phiền. Với một người không mặn mà với những “giao tiếp xã hội” trong tình yêu như mình, thì có lẽ mình luôn quan niệm rằng, tìm một người hiểu được điều đó đã rồi hẵng yêu. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm được ai, nên mình vẫn như vậy.
Cuối cùng, điều này nói ra có lẽ có chút kỳ lạ, nhưng mình ổn với việc không có tình yêu. Đương nhiên cũng có những lúc mình thấy cô đơn, nhưng trong khoảng 80% những lần cô đơn ấy, mình mong có một người bạn đồng hành hơn là người yêu, một người miễn cùng mình trò chuyện cho bớt nỗi cô đơn là đủ. Vậy nên lúc đầu khi mới đọc được chủ đề này, mình đã muốn viết về tình yêu gia đình, vì đơn giản mình có nhiều suy nghĩ về nó hơn. Để viết được những dòng này, mình thực sự đã phải vắt óc rất nhiều để tổng hợp và câu từ hóa được những cảm xúc của mình về tình yêu đôi lứa, vì bản thân mình cũng chẳng suy nghĩ về nó nhiều đến thế. Lẽ dĩ nhiên mình cũng muốn tìm được một người để yêu, nhưng nếu điều đó đến, mình muốn nó đến một cách tự nhiên. Giống như tình bạn, ta chẳng bao giờ hứng lên đi tìm bạn mới, nhưng nếu gặp được người hợp với mình, ta sẽ tự tìm cách kết thân mà thôi. Con đường tìm được người hợp chắc hẳn là cũng sẽ tương đối gian nan, nhưng mình cũng không vội mà phải không? Cốt lõi là sống sót qua được những lo lắng, trăn trở của gia đình và họ hàng, những người nếu nghe được mình nói câu “Con không cần yêu” chắc sẽ nghĩ mình khùng…
--------------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
2 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #05: PHIM
Mình thích xem phim, điều này chắc ai quen biết mình một chút thôi là rõ. Mình có hai album trên Facebook dành để giới thiệu những bộ phim mà bản thân đã xem, một album dành cho Top 10 phim yêu thích nhất, còn một album tổng hợp tất cả những bộ phim mình thấy hay. Đến nay thì cả hai album đều dang dở, album Top 10 mới chỉ dừng lại ở vị trí thứ 9, album còn lại thì đã từ lâu không được cập nhật.
Dĩ nhiên mình vẫn yêu phim, chỉ là lâu dần bản tính cũng lười. Vả lại, những ngày tháng năm nhất, năm hai Đại học, gần như đêm nào mình cũng xem một bộ mới, miên man từ 1h đến 3-4h sáng. Đến cái tuổi này rồi lại khác, mình cảm thấy không thoải mái với việc dành thời gian quá nhiều cho các hoạt động giải trí. Vậy nên giờ mình thường chỉ xem lại các bộ cũ mà thôi. Mình sẽ xem lại 2-3 tập Friends trong lúc ăn để giải trí nhẹ nhàng, và sẽ xem lại những bộ phim mà mình từng tâm đắc ngày trước, như một cách để hiểu hơn những chi tiết đắt giá làm nên một bộ phim. Ví như hôm rồi mình đọc được một bài phân tích của anh Quân Sato (Phê Phim) về nhân vật Nữ sĩ quan tập sự Clarice Sterling trong Sự im lặng của bầy cừu, thế rồi mình xem lại và nhận ra: “Chà, có những dụng ý nghệ thuật được đạo diễn phô bày rất rõ ràng, vậy mà lần đầu xem mình chẳng nhận ra.” Ví dụ, Sự im lặng của bầy cừu phản ánh cuộc chiến của người phụ nữ với ánh nhìn ngờ vực, coi thường của người đàn ông; và quả thực lúc xem phim, có rất nhiều góc máy quay lại hình ảnh Clarice nhỏ bé đứng giữa một đám đàn ông không ngừng nhìn cô chằm chằm. Lần đầu xem phim, mình không hề chú ý tới những chi tiết này luôn. Hôm rồi xem The Post, mình nhận ra cách quay tương tự được Steven Spielberg sử dụng: Kay Graham đứng giữa Ban Quản trị và các nhà đầu tư, tất cả đều là đàn ông, tất cả đều yêu cầu bà phải làm điều này điều kia, trong khi chính Kay mới là chủ sở hữu của tờ báo.
Có một thời gian, mình cảm thấy như đang đánh mất bản thân khi chẳng có nổi cảm hứng xem phim. Nhiều người nói rằng mình xem phim “có gu”. Có những người inbox mình để xin gợi ý phim hay. Đối với mình, tuy vậy, những lời ấy đem lại cảm giác “bối rối” hơn là tự hào. Chỉ từ một album tổng hợp poster phim với những caption không gì hơn ngoài tên phim, “có gu xem phim” bỗng chốc trở thành đặc điểm nhận dạng của mình, chỉ đơn giản vậy thôi. Bản thân mình không tránh khỏi tự hỏi, liệu việc trở thành một người “có gu” có phải quá đơn giản rồi không? Bản thân mình cũng trở nên áp lực với việc phải liên tục xem và giới thiệu được những bộ phim hay, có chiều sâu, tránh những bộ phim thị trường, những bộ phim hài nhảm (mà nói thật là mình xem cũng thấy rất giải trí). Chính từ áp lực sống đúng với kỳ vọng của mọi người (mà gần đầy mình phát hiện đó là áp lực vô hình do chính bản thân tự tạo ra), mà mình mất đi cảm hứng xem phim, cũng sợ đăng những bộ phim mình xem được lên các trang mạng xã hội.
Cho đến thời điểm hiện tại, mình vẫn rất ngại xem phim mới. Nhưng sau khi đọc được bài viết của anh Quân Sato (tiện thể, anh cũng là fan số 1 của IU), mình thấy có lẽ bản thân nên tạm ngừng việc đâm đầu vào xem những bộ phim mới, mà thay vào đó học cách xem phim có chiều sâu hơn. Xem lại những bộ cũ và tìm ra những dụng ý của đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất trong đó, học thêm về nghệ thuật làm phim và cách quay phim. Có lẽ những bộ phim có chiều sâu không phải vì nó được tung hô nhiều, mà bộ phim nào cũng có chiều sâu riêng của nó nếu như ta biết nhìn đúng hướng. Có gu xem phim thì mình chưa dám nhận, nhưng quả thực mình là người rất yêu phim, mà có lẽ yêu phim thì nên tìm hiểu cốt lõi làm phim, thay vì cứ xem như đổ buôn. Làm cách đó, một ngày mình cũng có thể thật sự trở thành một người có gu xem phim thì sao?
Trải nghiệm xem phim của mình có thể nói là đã bước sang giai đoạn hai: Xem để hiểu. Để kết thúc cho chủ đề Phim ngày hôm nay, mình sẽ cập nhật Top 10 phim yêu thích của bản thân, cũng là những bộ phim mình nhất định sẽ xem lại để hiểu phim hơn.
Top 10 phim yêu thích nhất (cập nhật ngày 7/4/2020, không theo thứ tự):
1. The Shawshank Redemption
2. Meet The Robinsons
3. Spotlight
4. The Green Mile
5. Interstellar
6. The Pianist
7. The Lovely Bones
8. Stand By Me
9. 1917
10. V for Vendetta
Some honourable mentions because I have to: Hidden Figures, Ratatouille, Jackie, Godfather, About Time, Fight Club.
----------------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
2 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #04: SÁCH
(Ảnh: Sưu tầm)
Đáng nhẽ ra hôm qua đã là ngày thứ 4 của thử thách rồi, nhưng thật tình động đến sách mình chẳng có tự tin chút nào, chẳng biết tiếp cận chủ đề theo hướng nào, cũng chẳng có cuốn sách nào thật sự nhớ rõ để tự tin chia sẻ. Vậy nên ban đầu mình đã quyết định bỏ qua ngày thứ 4 để sang luôn chủ đề ngày tiếp theo là phim. Nhưng đến hôm nay ngồi xuống viết những dòng này, mình lại nghĩ: “Chà, dẫu sao cũng nên viết chút gì đó về sách chứ nhỉ!”. Vậy nên hôm nay, mình sẽ viết ra tất cả những suy nghĩ ngắn ngủi của mình về sách và việc đọc sách.
Đọc sách là một thói quen hữu ích cho việc hình thành tư duy, trau dồi kiến thức và tăng cường sự sáng tạo, cái này ai cũng biết rồi. Hãy tạm bỏ qua những quyển giáo trình khô khan, hay 12 bộ sách giáo khoa mà tất cả đều đã đọc qua trong đời, thì việc đọc sách, và mình nghĩ điều này thật sự đúng với những người yêu sách, cũng giống như việc xem phim, ở chỗ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, ta được rời khỏi hiện thực, rời khỏi cuộc sống của bản thân để trở thành bất kỳ ai mà ta muốn. Ta có thể là một nữ phóng viên đấu tranh cho công lý và sự thật, một phi hành gia lần đầu bay vào vũ trụ, hay một tù nhân Do Thái trốn thoát khỏi vòng vây của Phát xít Đức. Lúc này, sách thật sự giúp phát triển trí tưởng tượng, bởi để có thể quên đi thực tại và đắm mình vào câu chuyện, những câu chữ trong sách phải vẽ nên được một thế giới sinh động trong trí óc chúng ta.
Mình không đọc nhiều sách. Thay vì đọc, mình thích ngắm nghía những trang bìa đầy màu sắc hơn, thích hít hà mùi thơm của những trang giấy và cảm nhận sự thô ráp nhẹ trên từng đầu ngón tay. Và thay vì bị thu hút bởi nội dung, mình sẽ bị thu hút bởi vẻ ngoài của cuốn sách. Mình thích cái cảm giác bị lạc trong một tiệm sách, và thường sau khi bước chân khỏi đó, mình sẽ cầm trên tay ít nhất một đầu sách mới. Tủ sách ở Việt Nam của mình chất đầy những cuốn sách ngang dọc, được xếp theo tên tác giả, theo màu sắc và theo kích thước của từng cuốn. Mình từng đọc ở đâu đó rằng thích đọc sách và thích sưu tầm sách là hai sở thích hoàn toàn riêng biệt, giống như việc bạn thích sưu tầm tem không có nghĩa bạn thích sử dụng chúng. Mình tin điều này là hoàn toàn đúng, và mình thuộc vào nhóm người thích sưu tầm.
Đương nhiên mình cũng muốn đọc được nhiều cuốn sách hay. Cũng có những đầu sách mình mua về bởi cá nhân thật sự bị những câu chữ phía sau sách cuốn hút. Nhưng, như đã có lần từng chia sẻ trên Facebook, việc đọc với mình khá khó khăn. Mình đọc rất chậm, và mỗi khi đọc, mình như cố nuốt từng từ từng chữ một vào não, và bắt bộ não phải giải nghĩa được tất cả mới thôi. Không biết các bạn có tưởng tượng ra được không, nhưng nó giống như việc gằn từng con chữ một trong đầu vậy. Đó là một quá trình mệt mỏi và nhiều áp lực, và sau một thời gian, các câu chữ không còn ý nghĩa gì nữa, chúng cứ trôi tuột đi mặc cho bạn có đọc đi đọc lại bao nhiêu lần. Cũng vì điều đó, mỗi lần bắt tay vào đọc một cuốn sách mới, mình lại hơi sợ. Mình cần một khoảng thời gian để quen với nhịp độ của các câu chữ và để chúng đi vào đầu mình một cách tự nhiên, có lẽ đó là lý do khiến mình luôn tránh né cầm một cuốn sách lên chăng?
Sợ nhưng vẫn phải đọc chứ. Không thể sống mà không đọc sách được. Một năm mọi người có thể đề ra mục tiêu đọc 20-30 cuốn sách mới, thì mình cũng sẽ cố gắng đọc được 5-6 cuốn, nhưng mình sẽ không bao giờ giục giã bản thân. Cầm sách lên và đọc bất cứ khi nào mình thấy sẵn sàng. Ngay lúc này, mình đang đọc cuốn 1984 của George Orwell, theo lời gợi ý của một người bạn cùng lớp. Đây là một tác phẩm kinh điển theo thể loại phản địa đàng (dystopian, nghĩa tiếng Việt được cung cấp bởi lele), viết năm 1949, lấy bối cảnh thế giới năm 1984. Trong 1984, thế giới được chia làm ba siêu cường: Oceania, Eastasia và Eurasia, trong đó Oceania là trung tâm của câu chuyện. Ở Oceania không có nền dân chủ, người dân sống dưới chế độ cai trị của một Đảng duy nhất - Đảng IngSoc (English Socialism - Chủ nghĩa Xã hội Anh), và một người Lãnh đạo duy nhất, được gọi là Big Brother (Anh lớn). Người dân ở Oceania được phát tem phiếu quy đổi sang những món đồ dùng thiết yếu như quần áo, thức ăn; họ phải tập thể dục tập thể mỗi sáng và không được sở hữu tài sản riêng. Trong nhà mỗi người dân đều có một màn hình lớn (telescreen) chiếu các chương trình tuyên truyền 24/7, nhưng thực chất đó là những chiếc camera ghi lại từng hành động và lời nói của họ, để đảm bảo họ không nung nấu những tư tưởng “bất hảo”. Bất kỳ suy nghĩ hay cảm xúc cá nhân nào cũng đều sẽ bị cấm, và có vô vàn những Thought Police (Cảnh sát tư tưởng) đảm bảo việc thực hiện quy củ những quy tắc này.
Nhân vật chính của 1984 là Winston, một tên viên chức nhỏ trong bộ máy chính quyền của Đảng. Winston luôn thầm căm ghét chính quyền, và trong một lần mua được một cuốn nhật ký, Winston đã tìm cho mình một góc phòng không bị màn hình lớn chiếu tới, để ghi lại những suy nghĩ của bản thân. Ban đầu, Winston không biết nên viết gì, viết cho quá khứ, cho hiện tại hay tương lai. Thế rồi cậu nhận ra rằng mình chỉ muốn viết mà thôi, chẳng cần phải cho một ai, mà viết như một cách để không đánh mất chính mình. Có một câu nói trong sách nói về điều này, cũng là câu nói mà mình vô cùng tâm đắc:
"He was a lonely ghost uttering a truth that nobody would ever hear. But so long as he uttered it, in some obscure way the continuity was not broken. It was not by making yourself heard but by staying sane that you carried on the human heritage.”
Mình hiện mới đọc tới Chương 4, và vẫn đang đi theo những dòng suy nghĩ thường nhật của Winston, nhưng nội dung hứa hẹn với mình đây sẽ là một cuốn sách hay, và bởi bạn mình nói rằng những gì được nói trong sách đúng vô cùng trong thời đại ngày nay, nên mình lại càng tò mò hơn.
Chà, tưởng viết không nhiều mà lại viết nhiều không tưởng ha. Vậy đó, mình thích sưu tầm sách hơn là đọc sách, nhưng khỏi cần nói mình cũng biết việc đọc sách có ích như thế nào. Dù không đọc nhiều nhưng mình vẫn luôn cố để lâu lâu lại nhặt một cuốn sách mới lên đọc, và hiện tại đó là 1984. Phải nói rằng, mình đang được đọc 1984 ở một thời điểm không thể phù hợp hơn, khi thông qua đại dịch toàn cầu mình thấy được con người thật sự khác biệt, khi đề tài mà mình lựa chọn cho bài cuối kỳ lại chính là democracy (nền dân chủ), và khi dạo gần đây mình được xem hàng loạt những bộ phim về phân tầng xã hội, về sự bất công và khát khao tự do của con người (The Platform và The Post là hai ví dụ điển hình). Tất cả khiến mình nhận ra mọi điều đều có sự gắn kết và tác động lẫn nhau, ngay cả trong lĩnh vực học thuật, trong phim ảnh hay qua những trang sách. Trong tương lai, mình sẽ nỗ lực đọc nhiều hơn, để lại có thể tìm ra những sợi dây kết nối vô hình như vậy.
----------------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
2 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #02: BẠN
Mình nghĩ tình bạn là một điều gì đó rất khó kiếm, và lại càng khó để giữ. Chúng ta có thể quen biết cả trăm người, nhưng chỉ có một số ít người (hoặc chỉ duy nhất một người) có thể có cùng “tần số sóng” với ta, cùng ta chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và những thăng trầm trong cuộc sống. Và như mình đã nói, rất khó để giữ được tình bạn. Thật ra dù là thân thiết hay chỉ là một mối quan hệ xã giao cũng vậy, sẽ có không dưới một lần ta làm tổn thương tình bạn, dù là vô tình hay cố ý. Với chủ đề “Bạn” ngày hôm nay, mình muốn kể về hai người bạn đã đi qua trong cuộc đời của mình. Trong hai câu chuyện ấy, chính mình đã để lại cho các bạn nhiều tổn thương. Qua việc kể lại những điều này, mình cũng muốn gửi lời xin lỗi đến hai người bạn ấy, và mong rằng dù cho quá khứ đã như thế nào, thì mong hiện tại và tương lai của hai bạn sẽ luôn hạnh phúc.
Người đầu tiên là một người bạn cùng lớp cấp một. Mình không muốn nói nhiều về hoàn cảnh gia đình bạn ấy, nhưng có một điều, bạn ấy không có mẹ và chỉ được bố nuôi dạy từ bé. Ngoại hình của bạn cũng rất khác biệt. Dĩ nhiên những điều này chẳng thể là cái cớ cho bất cứ cách hành xử nào; nhưng thôi, chắc các bạn cũng đoán ra được rồi đấy. Bắt nạt thời đi học là điều đáng sợ nhất mà mỗi người có thể tưởng tượng ra, nhưng là người duy nhất bị tất cả các bạn nữ còn lại trong lớp bắt nạt, thì điều đó...Thường sẽ không có những lời lẽ bêu xấu trực tiếp, cũng chẳng bao giờ có hành động tay chân, chỉ đơn giản là bạn bị tất cả xa lánh và rèm pha. Những lời rèm pha vô căn cứ về xuất thân và ngoại hình ấy sẽ luôn là đề tài nóng hổi trong mỗi cuộc trò chuyện của nhóm con gái. Và mình cũng không nằm ngoài những cuộc tụ tập bàn tròn đó. Vào thời điểm đó mình có cảm thấy bứt rứt không? Có! Vào thời điểm ấy mình có nhận thức được những câu chuyện vô căn c��� mà mình vẽ ra không? Hoàn toàn có! Mình có dừng lại không? Không...Thật khó để lên tiếng khi đó là cả thế giới chống lại một người, giống như lật đổ chế độ độc tài vậy. Khi bạn là một đứa bé gái 7-8 tuổi, bạn không muốn mình khác biệt, bạn chẳng nghĩ đến cái “tôi” và đấu tranh cho điều đúng đắn. Bạn chỉ muốn được thuộc về số đông. Và vì điều đó mà mình có lẽ đã góp phần hủy hoại tuổi thơ của một người. Thật khó để nói ra, nhưng mình đã từng là một kẻ bắt nạt! Mình không biết giờ bạn ấy đang ở đâu, hay đã ra sao, cũng không còn giữ liên lạc với bạn kể từ sau khi lên cấp hai; nhưng mình chắc chắn rằng bạn đã không có những năm tháng Tiểu học tươi đẹp.
Câu chuyện tiếp theo là về một người bạn cấp hai. Mình, bạn ấy và một người bạn nữa thường đi cùng với nhau. Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như mình không thấy tính bạn ấy quá dị và quá phiền. Câu chuyện cũng sẽ chẳng có gì nếu như mình nói với bạn ấy về những suy nghĩ đó. Thế nhưng mình đã chọn cách mà bất cứ người nào sợ phải đối mặt với những cuộc đối thoại khó xử đều sẽ lựa chọn: Mình quyết định giữ im lặng, tiếp tục làm bạn và đối xử với bạn ấy một cách lạnh nhạt. Vào một buổi chiều bọn mình có lớp, mình đã rủ người bạn còn lại về nhà ăn trưa, và lờ bạn ấy đi. Thật ra chính câu chuyện ấy là ký ức khiến mình nhớ nhất và cảm thấy có lỗi nhất cho đến tận ngày hôm nay. Mình vẫn nhớ cách bạn ấy đừng đó nhìn mình, hình ảnh bạn ấy vụt bỏ chạy về trước, và gương mặt bạn vào buổi chiều khi nghe người bạn kia kể về bữa trưa ở nhà mình (thật ra người bạn thứ ba cũng không có ý gì đâu, chỉ đơn giản là bạn ấy khá ngố mà thôi). Tình bạn ấy của bọn mình cứ mãi nóng lạnh thất thường suốt bốn năm cấp hai, chủ yếu dựa vào tâm trạng của mình. Sau khi lên cấp ba, mình có gặp lại bạn ấy một vài lần, mình và bạn vẫn nói chuyện vui vẻ, đương nhiên giờ đây chỉ còn dưới tư cách một mối quan hệ xã giao mà thôi. Nhưng chắc chắn đã có không dưới một lần, mình khiến người bạn ấy tổn thương.
Trong tình bạn, như mình đã nói ở trên, chúng ta sẽ luôn làm tổn thương đối phương. Trong hai câu chuyện mình vừa kể, hành động gây tổn thương của mình là một sự cố ý, dù cho có dùng bao nhiêu lời lẽ để giải thích đi nữa. Nhưng cũng có không ít những lần mình làm tổn thương những người bạn của mình mà không hề hay biết, cho đến khi họ trực tiếp nói ra. Và bản thân mình cũng từng bị tổn thương nhiều lần. Vậy điều mình muốn nói, là tình bạn luôn đi kèm với sự tổn thương, và cãi vã, và hiểu nhầm. Chúng ta luôn vô tình hay cố ý làm tổn thương bạn bè, bởi ta cố chấp, bởi ta sợ sệt, bởi ta chẳng nhận ra những điều nhỏ nhặt mà tưởng như sẽ phải là nghiễm nhiên. Thế nhưng chính lúc viết những dòng này, mình lại nhớ đến câu nói mà bố của DukSun đã nói với DukSun ở Tập 1 của Reply 1988: “Bố vẫn còn nhiều thiếu sót, vì bố cũng là lần đầu tiên làm bố.” Là một so sánh có phần khập khiễng, nhưng có lẽ việc làm bạn cũng giống như việc làm cha mẹ. Chẳng ai được dạy cách làm bạn ở trên trường lớp, nên chẳng thể tránh khỏi sai sót. Những tình bạn kéo dài mãi mãi vượt qua được những sai sót đó, thấu hiểu, và bước tiếp. Vậy nên mình mong bản thân mình, cũng như bất kỳ ai đọc được những dòng này, từ nay có đủ mạnh mẽ để nói ra những điều làm mình tổn thương, thừa nhận những điều mình gây tổn thương cho người khác, thấu hiểu lẫn nhau, và giữ mãi một tình bạn đẹp của những người cùng “tần số sóng” nha.
------------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
2 notes
·
View notes
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #13: NGƯỜI LẠ
Mình không thích người lạ. Từ trước đến nay, mọi mối quan hệ mình có được đều thông qua những cách thức truyền thống, như bạn bè cùng lớp, cùng câu lạc bộ, tham gia cùng một sự kiện, dự án, v.v. Mình không có bạn qua thư từ (pen pal), bạn quen trên mạng, hay bất kỳ mối quan hệ nào mà không có một điểm gắn kết cố định ngoài đời thực, và chắc chắn mình sẽ không kết bạn với bất kỳ một ai trước khi gặp mặt trực tiếp. Mình đã suy nghĩ về điều này và cho rằng có hai lý do. Thứ nhất, mình không giỏi nói chuyện trên mạng. Nói chuyện ngoài đời cũng khó, nhưng nói chuyện trên mạng, qua điện thoại hay qua thư từ thì đặc biệt khó hơn cả. Mình thấy bản thân dễ dàng trở nên kiểu cách và cả nể quá mức. Thứ hai, rất khó để tạo được lòng tin đối với mình. Mình luôn tư duy rằng những người muốn làm quen trên mạng đều không đáng tin chút nào. Mình thường ngầm phán xét họ, bởi cá nhân mình thấy bản thân có đủ bạn bè ở ngoài đời thực rồi, họ thiếu bạn hay sao mà phải tìm đến mình? Đương nhiên mình biết điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Có những người thực sự thích kết bạn mới, cũng có những mối quan hệ là để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, ví dụ như cùng nhau học tiếng. Có lẽ suy cho cùng, chỉ là mình không thể nói chuyện trên mạng. Dù cho là gì, vẫn cần có một sự kết nối ngoài đời thực trước cả.
Mình bắt đầu chủ đề này với lời khẳng định không thích người lạ. Nhưng sau khi đọc lại những gì đã viết ở trên, điều đó có lẽ không hoàn toàn đúng. Mình có lẽ chỉ là không thích những người lạ trên mạng mà thôi, bởi nếu không thích tất cả người lạ, thì có lẽ đã chẳng có bạn rồi. Mọi mối quan hệ đều bắt đầu từ người lạ trở thành người quen, và đối với mình, đó là một quá trình vô cùng thú vị và kỳ diệu. Vì sao lại như vậy? Khi một người là người lạ, sự tồn tại của họ vô nghĩa với chúng ta. Họ chỉ như một hình bóng lướt qua trong khoảnh khắc. Đến khi ta biết về họ rồi, sự hiện diện của họ bỗng trở nên vô cùng sống động. Họ bỗng trở thành những người có bản ngã riêng, có quá khứ và câu chuyện riêng, cá tính riêng, và một cái tôi không thể nào trộn lẫn. Nói một cách ẩn dụ, gương mặt họ bỗng thành hình giữa một đám đông vô hình. Mình đặc biệt cảm nhận được điều này mỗi khi tìm hiểu về một nhóm nhạc Hàn Quốc mới. Bạn biết những gì người ta hay nói về K-pop rồi đấy. “Mấy đứa này, nhìn giống nhau cả lũ, không phân biệt được ai với ai.” Và quả thật cảm nhận ban đầu của mình với một nhóm nhạc cũng luôn là như vậy. Tất cả các thành viên đều giống y hệt nhau, diện cùng một loại trang phục, hát và biểu diễn cùng một vũ đạo. Tất cả họ đều như những bản sao được lập trình sẵn. Chả thế mà ngày xưa, mình hay chọn thành viên yêu thích dựa vào màu tóc. Thế nhưng đến khi thật sự đi vào tìm hiểu từng thành viên, mình mới thấy những điểm khác biệt trong họ dần thành hình, và bỗng chốc chẳng còn ai giống ai nữa. Tất cả đều khác nhau về khuôn mặt, phong cách, cá tính, và cả xuất thân. Trong BTS, mình từng không phân biệt được Jin và Jungkook, đôi khi là Jungkook và Jimin. Giờ đây, mình nhìn ra từng gương mặt, và ngay cả tính cách của họ cũng trở nên phù hợp với gương mặt ấy. Cứ như vậy, BTS bỗng chốc không còn là những người lạ với mình nữa.
Nếu nhìn nhận quá trình từ lạ thành quen theo cách đó, có lẽ không phải tất cả những người chúng ta chưa từng tiếp xúc, nói chuyện đều là người lạ. Từ điển Cambridge định nghĩa người lạ là những người mà ta không quen biết. Nhưng quen biết, không nhất thiết phải có được qua tiếp xúc. Quen biết một người, theo mình, là khi ta nhìn ra được người đó trong đám đông. Quen biết, khi mà đối phương không còn chỉ là một gương mặt vô nghĩa. Khi ta nhớ mặt một người, biết được đôi điều về người ta, dành cho người ta một cảm xúc nhất định, chẳng cần biết là yêu hay ghét, thì lúc đó, người ấy với ta, không còn là người lạ nữa rồi. Một người bạn chia cách lâu ngày vẫn có thể là một người quen. Một người nổi tiếng cách ta nửa vòng Trái đất cũng có thể là người quen. Thậm chí, một người chưa từng sống cùng thời với ta, cũng có thể trở thành người quen của ta.
Như vậy, khái niệm người lạ đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Và chính bởi vì hiểu theo cách như vậy, quá trình từ lạ thành quen đối với mình thiên về cảm xúc hơn là nhu cầu. Mình luôn tìm kiếm cảm xúc với một người mới. Với những người bạn cùng lớp, cùng dự án, đó sẽ là cảm xúc thân quen, dễ gần, đáng tin cậy. Với những người nổi tiếng, đó sẽ là cảm xúc ngưỡng mộ, quý mến. Từ đó, khi có nhu cầu nói chuyện hay học hỏi, mình sẽ tìm đến những mối quan hệ đã quen biết, thay vì tìm tới người lạ.
Thay cho cái kết, mình muốn nói rằng, với mình, người lạ không đem lại nhiều ý nghĩa, dù rằng quá trình từ lạ thành quen thật sự kỳ diệu. Có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ có những trải nghiệm bất chợt trò chuyện với một người lạ, như cái cách mà Before Sunrise được viết nên, một bộ phim mà mình luôn lảng tránh không xem, bởi với mình, đó dường như là cả một thế giới không tưởng. Dù rằng mình biết mỗi người đều có một gương mặt và một câu chuyện phía sau, thì mình vẫn muốn tìm hiểu về họ và về những câu chuyện ấy theo một cách truyền thống hơn.
(Tranh: Andrea Castro)
---------------------
Còn một chủ đề nữa là kết thúc 14 ngày rồi. Mình sẽ dành sự nỗ lực lớn nhất để kết thúc thử thách này một cách thật chất lượng. Mọi người hãy chờ đón bài viết cuối cùng với chủ đề “Chúng ta” nha.
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
1 note
·
View note
Photo
THỬ THÁCH VIẾT 14 NGÀY
Ngày #11: TỬ TẾ
Trước khi bắt tay vào viết chủ đề ngày hôm nay, mình có lên mạng tra thử nghĩa của từ “Tử tế”, và nhận được hai cách giải nghĩa khác nhau. Tử tế có thể hiểu là một cách đối nhân xử thế: tốt bụng, lương thiện, không gian dối. Tử tế cũng có thể được hiểu là sự gọn càng, cẩn thận, chỉn chu trong lối sống, hay trong cách ăn mặc. Một bài viết khác giải thích tử tế xuất phát từ nghĩa tiếng Hán, trong đó “tử” là những chuyện nhỏ bé, “tế” là những chuyện bình thường, từ đó tử tế được hiểu là những điều nhỏ nhặt thường ngày. Qua thời gian, và qua từng bối cảnh lịch sử, dần có những biến thể xuất hiện, và tử tế cũng được hiểu và được dùng khác đi. Thế nhưng với mình, do xuất phát điểm là những điều nhỏ bé, nên dù được hiểu theo cách nào, tử tế đều xuất phát từ hai chữ “chú tâm”.
Chú tâm được định nghĩa là sự tỉnh táo, là khả năng tập trung tâm trí vào môi trường xung quanh. Khi một người chú tâm, họ nhận biết mọi việc diễn ra xung quanh, hiểu rõ được mọi việc mình đang làm, hiểu được nguyên nhân cho những hành vi và cảm xúc của bản thân, và tác động đến từ những cảm xúc, hành vi đó. Họ, do vậy, làm việc với một sự tập trung và cẩn thận cao độ.
Chú tâm được đặt ở vị trí nào trong từng cách cắt nghĩa của tử tế? Thứ nhất, nếu nhắc đến tử tế như một lối sống gọn gàng, chỉn chu (Ví dụ: Bữa tiệc hôm nay anh ta ăn mặc vô cùng tử tế), thì tử tế thể hiện một người biết chăm chút cho bản thân, luôn giữ cho mình sạch sẽ, ăn vận tươm tất, gọn gàng. Theo mình, đây là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Bỏ qua học thức, bỏ qua các kỹ năng giao tiếp xã hội, mình cho rằng mỗi người đầu tiên phải rèn được cách tự chăm sóc cho bản thân cái đã. Đó là chìa khóa cho một cuộc sống có giá trị, bởi công việc thì có việc này việc kia tùy cuộc đời mỗi người, ẩm thực cũng là một cách tận hưởng cuộc sống, nhưng không biết nấu ngon thì có thể ra hàng ăn ngon. Sạch sẽ và gọn gàng lại khác. Đó là việc ta phải tự làm, không có ai hay hình thức nào thay thế (trừ lúc ta còn bé, khi đã già yếu hoặc những người mất khả năng vận động). Một người lúc nào cũng tươm tất, thơm tho và chỉn chu thì luôn được đánh giá là người mẫu mực, có quy tắc, từ đó cũng được coi trọng hơn. Có một câu nói mà mình rất tâm đắc trong “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” của Takuji Ichikawa, mà mình vẫn nhớ mãi dù đã đọc từ cách đây 6-7 năm. Đó là những lời răn dạy của bố nhân vật Satoshi dành cho cậu: “Không cần thiết phải ăn vận đắt tiền. Nhưng luôn phải sạch sẽ.” Mình tâm đắc bởi đó là một câu răn dạy vô cùng đơn giản, không ẩn chứa nhiều kỳ vọng ở con cái, nhưng lại có giá trị vô cùng. Mẹ mình cũng thường nói với mình những điều tương tự: Lúc nào cũng phải chỉn chu, dù có là ra đầu ngõ đổ rác đi chăng nữa. Mình vẫn còn nhớ, và mình sau này nhất định sẽ dạy con những điều tương tự.
Với cách hiểu thứ hai - tử tế là một cách đối nhân xử thế - thì chú tâm lại đóng vai trò giúp ta quan sát và thấu hiểu hành vi, cảm xúc của đối phương. Ở đây, thấu hiểu là điểm giao mấu chốt. Từ chú tâm, ta thấu hiểu, và từ thấu hiểu, ta có được sự tử tế. Lấy ví dụ một biểu hiện đơn giản của sự tử tế, như việc ta giúp một bà cụ già sang đường. Từ việc chú tâm quan sát, ta mới thấy được bà cụ đang cần được giúp đỡ. Và từ việc thấu hiểu, ta biết rằng giúp đỡ người khác là một việc nên làm, rằng việc giúp đỡ sẽ giúp đối phương vơi bớt khó khăn và có thêm niềm vui. Hiểu được như vậy, ta sẵn sàng thực hiện một việc làm tử tế, là dắt tay bà cụ sang đường. Đó cũng chính là ý thứ hai trong những lời răn dạy bố dành cho Satoshi: “Hãy làm những việc làm người khác hạnh phúc. Luôn phải nhã nhặn”.
Thấu hiểu, tùy theo từng bối cảnh, lại cần có những cách thức khác nhau để đạt được. Đôi khi, như với ví dụ về bà cụ ở trên, ta chỉ cần những buổi học Giáo dục Công dân trên lớp và một chút nhìn nhận cuộc đời, để hiểu giúp đỡ người khác là điều nên làm. Nhưng đôi khi, thấu hiểu khó khăn và cần sự mở lòng, cảm thông hơn thế nhiều: Đó là khi ta cần thấu hiểu một nền văn hóa khác, một nét tôn giáo khác, hay một màu da khác. Đúng như những gì Kathryn Stockett nói trong The Help: “Màu da chẳng có ý nghĩa gì”. Rằng tất cả chúng ta, bất kể màu da, đều có chung một tổ tiên, đều thuộc cùng một giống loài - Homo Sapiens. Lý tưởng là thế, bản chất của sự thật là thế; nhưng trong thực tế, con người quá khác biệt. Đợt dịch bệnh này khiến mình thấy rõ được sự khác biệt ấy. Cùng một con virus, mỗi quốc gia một cách đối phó khác nhau. Có những người thờ ơ, có những kẻ khinh thường, nhưng đến cuối cùng, âu cũng là do cách họ nhìn nhận về con virus này, về việc đeo khẩu trang, về cách chữa trị, v.v. là khác nhau. Sự khác nhau đến từ trong tư tưởng. Cũng chẳng thể phân chia rạch ròi ai đúng ai sai, bởi bản thân con virus vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải. Dẫu chăng chỉ là ai đúng nhiều hơn, và ai sai nhiều hơn. Nếu vậy thì đâu sẽ là điểm thấu hiểu? Đâu sẽ là giao lộ để các bên cùng hiểu nhau?
Trong suy nghĩ ban đầu, mình thật sự không biết. Mình cho rằng giao điểm ấy không tồn tại, hoặc không bao giờ có thể tìm ra. Chẳng phải những tranh cãi về tôn giáo vẫn tồn tại sau hàng thiên niên kỷ đó sao? Nhưng rồi mình nghĩ, thấu hiểu cũng có nhiều cách thức, trong đó có cả sự tôn trọng. Có lẽ chẳng cần tìm điểm chung cho những tư tưởng khác biệt, có lẽ chỉ cần tôn trọng sự khác biệt ấy, là đủ để tử tế rồi. Âu cũng chỉ là “có lẽ”. Cũng có lẽ là mình đã đi quá sâu vào thấu hiểu, và quá xa khỏi tử tế mất rồi. Thấu hiểu là bài toán lớn của nhân loại. Việc ta có thể làm bây giờ, là tập trung vào những điều nhỏ bé thường nhật, vào những việc tử tế xung quanh chúng ta, như những bài học trong sách Giáo dục Công dân, vậy là đủ.
-------------------------
Chủ đề:
- Ngày 1: Tôi
- Ngày 2: Bạn
- Ngày 3: Quê nhà
- Ngày 4: Sách
- Ngày 5: Phim
- Ngày 6: Yêu
- Ngày 7: Công việc
- Ngày 8: Gia đình
- Ngày 9: Cũ
- Ngày 10: Bếp
- Ngày 11: Tử tế
- Ngày 12: Tích cực
- Ngày 13: Người lạ
- Ngày 14: Chúng ta
Link thử thách: https://www.facebook.com/haithanhhcmpt/posts/10158113603099347
1 note
·
View note