Text
đã quen với cuộc sống như vậy. uống rượu. nghe nhạc. đọc sách. sợ mình làm gánh nặng ai. sợ người ta vì mình mà buồn. một mình đón Grab đi đến nơi mình muốn, cũng không lệ thuộc một chuyến xe. mình không đủ tốt cho người ta, thì nên dọn đường tránh sang một bên để không cản đường. một mình mình đi tiếp con đường của mình. một mình chìm đắm trong cuộc đời mình chọn. #saigon
6 notes
·
View notes
Text
Khi tưởng nhớ mùa Xuân trong tâm tưởng
Năm Tân Sửu 2021.
Năm thứ hai khi đại dịch xảy đến với toàn thế giới, dạy cho con người chúng ta rất nhiều thứ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Khi năm trước, cả thế giới, tôi và bạn, chúng tôi và chúng ta, không lường được trước cơn dịch kéo đến sẽ mang theo những hệ luỵ gì, cho bản thân và cho gia đình, cho kinh tế và cho đời sống, cho tất thảy mọi thứ đã và đang và sẽ rầm rập diễn ra trên thế gian này. Lập lại một trật tự mà ai cũng đang gọi đó là bình thường mới và luôn ngóng chờ một bình thường mới tiếp theo.
Năm thứ hai trờ đến. Đại dịch vẫn ngang nhiên đi vào năm Tân Sửu, những ngày giáp Tết, những khoảng khắc giao mùa chộn rộn, chúng ta vẫn ngày ngày bắt đầu câu chuyện bằng một con số, thêm một con số vào dãy số tự nhiên đang chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ. Chúng ngang nhiên, hãnh tiến, sầm sập đi vào đời sống chúng ta, bóp ngặt chúng ta, đè nén không khí chúng ta thêm bức bí và lo sợ. Nhưng và rồi chúng ta vẫn ngồi đây, bằng cách này hay cách khác, bằng tâm thế ôm âu lo cho ngày mai hay kệ thí cuộc đời, vẫn xao xuyến và trân trọng mùa Xuân bước đến bên thềm, nhạc Xuân tràn muôn lối, đi đến tương lai - mùa Xuân Tân Sửu 2021.
Đại dịch là nhân tố đẩy nhanh sự thay đổi của trật tự thế giới, nhưng cũng kềm hãm sự sống còn của chúng ta. Chúng dạy cho ta, trước hết là bản thân mình, biết trân trọng những phút giây kề cạnh, hiện hữu, những ước hẹn, giáp mặt, hay thề ước. Nếu không phải hôm nay, lúc này hay những khi còn có thể, thì sẽ đến lúc nào, ngày mai hay không còn có tương lai. Năm 2020, bản thân đã lỡ những cái hẹn, mà sau đó chẳng biết ngàn thu nào gặp lại được. Khi mà đêm hôm nào còn ngồi nghe cô Lệ Thu hát show cuối cùng trên đường Phạm Ngọc Thạch, cô cháu chụp chung bức ảnh cuối và lời cuối mình như lời nguyền sau chót, “Biết bao giờ mới được gặp cô nghe cô hát nữa đây”. Và không có, sau đó, lúc này, mãi mãi, vĩnh viễn.
Hay trong buổi chiều muộn 30 Tết, em trai chở về đến chung cư. Lúc đến ngã tư ở Quốc lộ 50, cả hai đứa chợt nhớ một bà cụ già quắt queo, người gầy như que củi đã từng xuất hiện và ngồi ở đó bất kể ngày đêm. Ngày ngồi xin tiền, đêm trải bạt làm giường. Bên cạnh bà lúc nào cũng có một bọc ve chai to đùng, mà ôm như gia sản cả đời. Đợt dịch lần một bùng phát, cả xã hội rần rật mua khẩu trang và tích trữ thức ăn. Hai đứa chỉ thấy bà già ngồi cô độc với bọc gia sản của mình, còm cõi chìa đôi bàn tay già nua xin tiền. Hai đứa, một lần ghé vào đưa cho bà một khẩu trang và thức ăn đi quyên góp từ rất nhiều nơi. Đợt dịch hai kéo đến, bà già lúc ấy còm cõi hơn trước, không ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố này, nhưng bà già không còn sức đề kháng với sự yếu nhược của kinh tế và lòng hảo tâm nữa. Và khi đợt dịch thứ ba kéo đến, chiều muộn hôm nay, hai đứa mình mới chợt nhớ đến sự tồn tại của bà già còm cõi ôm bọc ve chai kia. Mà lần này, lẳng lặng, vô hình (chúng tôi và chúng ta vô tình), biệt tăm, mãi mãi. Chúng tôi (hay trong chúng ta) đối thoại những lời:
- Lâu lắm không còn gặp bà già.
- Chắc là bà già đã mất rồi.
- Tại sao mi không nghĩ một viễn cảnh tốt đẹp hơn là đã có ai nhận nuôi bà già?
- Tại vì, vốn dĩ, chưa từng có ai như vậy. Và với bà già đó, sự giải thoát, một cách bi quan và tiêu cực, đã là một sự thanh thản.
- ...
Những sự âm thầm đi vào ngõ cụt trong suốt quãng đường về nhà còn lại. Chúng tôi, thừa nhận cái kết cục buồn đát đó trong đời. Bài học kinh điển, cliché nhưng mãi mãi, biết trân trọng người và việc trước mắt, dù là may mắn hay thứ thách khó khăn, dù người ta thương hay kẻ ta ghét, dù là kỷ niệm đẹp hay ký ức đau buồn, dù ở lại hay đi ngang đời ta.
Chúng làm rào chắn ngăn cách con người. Nỗ lực kết nối giữa người và người gián đoạn hay cắt đứt. Khi chúng ta, tôi và các bạn, nhớ nhau vô bờ bến nhưng chỉ đành nhìn nhau qua màn hình và ứng dụng. Lúc này mới thấy trân trọng những hẹn hò lần lữa vì lý do này, lý trấu nọ và không thành. Khi tôi muốn gặp hai nhỏ bạn quen hơn chục năm, ba đứa ba nơi ba múi giờ chênh lệch đành phải hẹn một khung giờ ít trái khoáy nhất, gọi cho nhau, chỉ để nhìn nhau... cho đỡ nhớ. Và rồi những đứa bạn thân và đồng nghiệp, lần lượt xếp giờ gọi nhau... chỉ để nhìn nhau chúc nhau vạy thôi. Nếu không có đại dịch, chắc gì ngần ấy đứa, chịu gọi nhau nhìn nhau một cái. Chắc gì chúng tôi trân trọng và níu nắm những khoảnh khắc ở kề cạnh nhau, tiếp cận nhau (dù là qua màn hình) một lần, một chút, một tý nữa thôi mà lúc chia biệt bịn rịn không rời. Đứa vào sau, đứa rớt mạng không kịp tham gia tiếc nuối hùi hụi... Bài học này, lịch sử đại dịch đã dạy dỗ chúng ta, loài người thấu hiểu.
Mùa Xuân Tân Sửu 2021. Năm thứ hai của đại dịch xảy đến.
Thế giới chứng kiến những sự đổi thay và mất mát.
Thành phố hay địa phương mình sinh sống, luôn hồi hộp và chừng như bất định, phát hiện những ca nhiễm mới.
Chúng đã dạy cho chúng ta những từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Mà với chúng ta, tôi và các bạn, là biết trân trọng, dù là nhỏ nhất và buồn bã nhất. Khi đó, chúng ta, tôi và các bạn, mới hiểu và thấu suốt niềm vui của sự hiển hiện và hiện hữu.
Chúc một năm chân cứng đá mòn!
Mừng Xuân Tân Sửu 2021.
#saigon
1 note
·
View note
Text
Đứng ở triền dốc nhìn về phía bờ biển xanh sâu, mình nhớ về người từng thương. Phải, mình thương bạn. Đó là câu chuyện của vài năm về trước, lúc mình nói về xúc cảm rung động của mình trước một ai đó - một trong những lần hiếm hoi trong đời xung cảm vì một ai - hiện hữu và chân thật. Cuộc đời mình giống như đất, chậm rãi và chắc chắn, hễ làm điều gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng như đo đếm. Cũng như cái lần mình đối diện với sự chân thành để nói mình thích một người, đó là mình chiến thắng bản thân mình vì đã biết rõ trắng đen bản ngã mình, cho dù đó là lần mình sấp ngửa trong thất bại tình trường. Chiều nay trong lúc mình xem Tarot, bạn hỏi mình muốn hỏi về điều gì. Mình nói, mình muốn settle down với một mối quan hệ, cũng đã lâu về trước, có được không? Settle down là một trạng thái hơn là một hành động, trạng thái một người đang đi bỗng dừng lại để tạo dựng cho mình một cuộc đời khác, một lối sống khác, một thái độ khác, không chênh chao, không lẻ đơn, không kiệt cùng. Một trong bảy lá bài mình rút được mang tên The Moon - lá mặt trăng. Trái với lá The Sun - lá mặt trời, lá này mang một hình tượng ngạo nghễ, kiêu ngạo của gương mặt trăng, đắc thắng điều khiển giựt dây cho hai con rối một xanh một đỏ. Là sự mơ hồ không đoán định của một mối quan hệ, thả buông để mặc xúc cảm chi phối. Bản chất của những mối quan hệ không đầu cuối là sự mơ hồ, không có bất kỷ mối dây nào ràng buộc hay chi phối. Đấy là sự tự do giới hạn mà một mối quan hệ có thể chịu được. Nếu có cố gắng, bất kể một điều gì cũng có thể thành hiện thực, cho dù đó có là câu chuyện tình cảm. Đó là mình tâm niệm và bài cũng phơi bày trước mặt. Mình tin là như vậy. #saigon #bali
0 notes
Text
Cái thuở ngu si đứng dưới hàng mi mỏng nói chuyện làm thơ, yêu một người ngù ngờ, câu chuyện ngọt ngất như trái táo thơm ngon, mình cắn ngập răng phạm điều kỵ huý, thấy tuổi thiếu thời là vết đường nâu quết lên trên ký ức, thơm tho mùi caramel bột phát.
Cái hôm chân nam đá chân xiêu, đầu trần nghểnh ngảng đón phong trần, cổ rướn cao thêm một chút nữa cơn đau họng kéo dài, cồn chát vuốt khan mấy hồi nuốt thấy thực quản làm nặng lòng cơn đau mủ mỉ thêm chút nữa, nâng chén tiêu sầu có bao giờ thành?
Muốn mình mơ đi một giấc mộng dài, cái nút áo then cài bật tróc gốc, cây cổ thụ già nhất thị trấn cũng bị trảm cho bay đầu, mấy điều tâm huyết chưa thành nhựa xanh còn ứa trên thân, lật đật kéo tay sờ lên cổ thấy thanh xuân còn bỏ ngỏ chưa rời.
Cuốn tự điển Phương ngữ rớt trúng mấy câu sáo điều, từ ngữ rổn rảng rơi ra làm nên cơm cháo, nhặt chiếc vá dừa khuấy cho vần điệu khỏi khê cháy, nhai trúng một vần sao ê a ẩm ương, trệu trạo chẳng thốt nên lời.
Đêm tháng bảy, chưa nằm nghiêng nghe ngũ hành nằm dọc, quyển sách giở đến hồi vĩ thanh giã biệt, chưa kịp đóng sót dòng cuối đã kịp trả quên chương đầu, xoè lòng bàn tay ra thấy âm dương nằm dọc, ngũ hành đã nằm nghiêng.
Cơn mưa rải rác khéo trêu ô dù, tỉnh dậy lơ mơ thấy ra mình đang trúng nắng, sức bải hoải kiệt cùng đi trong giấc ngủ bình yên. Cố ép nốt dòng dư lệ cuối cùng của rèm mây, vuốt mí mắt thành cơn mưa đầu mùa hạ, lại còn tưởng như mình là Phi Giao nuốt lệ đoan trường.
Có một đêm tháng bảy dài và ngắn, lâm li và nhàn tản, có con gõ kiến cù vào lòng mấy chuyện xưa cũ i tờ.
1 note
·
View note
Text
Đêm hôm đó, lúc trời hửng lên cái khí quyển oi oi báo hiệu cơn mưa, tôi ra đứng trước hiên nhà, bên cạnh Thỏ lăn tăn không biết đi về đâu. Rồi cơn mưa đổ xuống, ướt lê thê thành phố này, ướt luôn cuộc hẹn hò của tôi và Thỏ. Thỏ về, tôi vẫn tiếp tục đi. Chọn đến Live in Frame 210, quán rượu nhỏ nằm trên tầng 2 ở cửa số 3 dãy A của một chung cư cũ. Nó buồn tẻ và hiu hắt, ý tôi là chiếc chung cư vắng vẻ đến rợn người này. Ở mỗi bước thang là một tiếng vọng hồi đáp của dấu chân mình, dọc ngang dội vang. Ô cửa xanh, tôi ngần ngừ không bước vào, có tiếng lạo xạo của thước phim, tiếng Đài Loan nghe quê mùa cũ ky��. Chủ quán đón tôi vào, đặt tôi xuống một chiếc ghế gỗ to bành, tiếp đón tôi bằng mấy loại rượu trên nền Soju. Bộ phim cũ rích năm 1987, Quyến luyến bụi trần (Dust in the wind) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền kể về mối tình của đôi trai gái mới lớn người Đài Loan, chênh chao và dễ vỡ. Thước phim lê thê ủ rũ, buồn như lời nhạc “ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng vẫn mau phai...”, kịch bản dễ hiểu và có phần tẻ nhạt, chàng trai và cô gái bỏ học đi tìm việc làm, nhưng thiếu kiến thức và kinh nghiệm sống/yêu nên thành ra sống cũng nhọc nhằn mà yêu đương cũng khổ sở. Chàng đi nghĩa vụ quân sự, nàng ngày đêm viết thư gửi cho chàng. Một ngày đẹp trời chàng xuất ngũ, nàng trót lấy anh chàng đưa thư, “ân tình trong lúc đôi mươi...”. Phim ráo hoảnh nhưng làm tôi buồn muốn khóc, rượu réo rắt trong đêm mưa. Mấy phông màn may lạo xạo dưới tiếng quạt trần. Chủ quán hỏi tôi mấy câu vụn vặt, về công việc hay về tương lai, về việc viết và vễ tranh, xuất bản một quyển sách. Ngõ hầu đêm mưa mùa hè chìm đắm trong thước phim của Live in Frame 2010 Studio của cậu. Ánh đèn neon mập mờ, tiếng nhạc bập bùng, tiếng nói cười lạo xạo, thảy mọi điều mơ hồ mà chân thật. Lúc tôi rời đi, đêm cũng dần tàn... hệt như cái kết của bộ phim năm 1987, con tàu lao đi vun vút trong ngõ tối, rồi tìm ra điểm sáng xanh xao cuối hầm.
1 note
·
View note
Text
“Vì em, anh viết những bài thơ
gương mặt ấy không gì thay được cả
mặc ai bảo tình yêu giờ đã cũ
như vầng trăng như ngọn thuỷ triều...”
(“... Mắt của trời xanh”)
Tưởng-Nhớ Lưu Quang Vũ.
0 notes
Text
Ngày 11 + 12 - Đọc lại quyển D U K Ý thích nhất
D Ặ M Đ Ư Ờ N G
L A N G T H A N G
Đọc lại quyển Dặm đường lang thang của tác giả Nguyễn Tập trong hai ngày, một trong những quyển Du ký mình thích nhất từ trước đến giờ, đơn giản vì mỗi trải nghiệm trong sách đều chân thật từ những hành trình của tác giả. Từ Tây Tạng, Lhasa, sa mạc Gobi, cho đến Vạn Lý Trường Thành rồi đến Kan Hồ...
Tác giả khi ấy còn trẻ, là anh phóng viên thích xông pha, trong bức ảnh trắng đen in trong trang sách đang cưỡi lạc đà băng băng trên sa mạc Gobi ngoái đầu nhìn lại. Cái nét lãng tử trẻ trung và có chút bất chấp là niềm mơ ước và cảm hứng của bao trái tim muốn đi đến nơi xa, yêu một người đậm sâu. Du ký, bên cạnh những kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lý, còn là những kỷ niệm, hành trình, cảm xúc, ký ức của một-người-đang-đi. Đi mãi, đi mãi, đi cho “đã nư” tuổi trẻ...
Gần đây mới biết tác giả về vui thú điền viên, vẽ tranh bán lấy tiền làm thiện nguyện. Mình mới thấy tinh thần những người-đang-đi luôn sống mãi, họ đi những con-đường-riêng do họ vạch ra, chọn lựa và vẽ thành.
1 note
·
View note
Text
Ngày 6 - Ở một tối A N N H I Ê N
Vào tối, mình nhìn thấy bức tranh mà nhỏ bạn mình - J. hay mình gọi nó là Tắc, vẽ Đức Phật.
“Tuyết đã xuống rồi
mau mang tượng Phật
chẻ làm củi thôi.”
Tắc kể, thơ này do thầy Pháp Hoan viết, gửi để Tắc vẽ. Tắc kể, thơ thầy đọc thấy cả tính Phật và đời Người trong đó. Lâu rồi Tắc mới đọc được những áng thơ giàu hình ảnh và đầy cảm hứng như vậy.
Mình nói, là Tắc phải cảm thụ được Phật pháp và bản thân đang an-nhiên thì mới vẽ được bức tranh này.
Tìm trên Facebook thầy mới thấy một đoạn thầy giải:
“Thiền sư Đan Hà đến Lạc Dương, vào chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời lạnh, bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi ấm. Viện chủ trông thấy quở trách: “Sao đốt tượng Phật của ta?”.
Ông lấy gậy bới tro nói: “Tôi đốt tìm xá lợi”.
Viên chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có xá lợi?”.
Ông nói: “Đã không có xá lợi thì lấy thêm mấy pho nữa đốt xem”.
Niên hiệu Trường Khánh năm thứ tư (824) ngày 23 tháng 6, sư gọi đệ tử bảo: “Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây”. Tắm xong, sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất liền viên tịch. Sư được vua sắc phong là Trí Thông Thiền sư.”
- - - - -
Chúng ta, mình và Tắc nhắc nhau về những ngày trước, của những năm xa xôi mà tưởng như một kiếp nào. Lần đầu gặp Tắc, ở trong một quán nước, là lần thấy Tắc buồn như thế nào. Lần đó, Tắc theo mình về nhà, vừa hút thuốc vừa khóc. Tuổi trẻ đó, có lúc thấy mình đáng thương, vừa thấy mình nông nổi. Mà thật may, những lúc đấy bên cạnh có những người bạn, như Tắc, như For, như người này và người kia.
Lúc mình thấy Tắc vẽ được nét an-nhiên và từ bi trên biểu cảm Đức Phật, là mình biết Tắc đã thấy lòng mình thảnh thơi và hạnh phúc. Mình nói, thấy Tắc hạnh phúc mình cũng thấy thật vui. Tắc nói, thấy mình chăm chỉ nấu ăn và tận hưởng cuộc sống, Tắc cũng ghen tỵ. Có cái hẹn hôm nào gặp lại, mình sẽ nấu cho Tắc ăn thật ngon.
Mình hỏi, cuộc sống ở Ý của Tắc có ổn không? Tắc nói ổn người ơi. Tắc kể đi siêu thị thì chờ lâu hơn một chút, cũng có chút lo sợ, nhưng rồi thành quen và sống cho qua nỗi sợ. Ở nhà và vẽ tranh, nấu ăn và chơi với con. Dịch bệnh, chỉ do cẩn trọng mà đỡ, còn nếu xui dính thì như... đạp cứt chó thôi. Ai biết được ngày nó đến. Mình nghe Tắc nói, đã hiểu rõ Tắc bình tĩnh và an-nhiên đón nhận tất thảy mọi điều trong cuộc sống. Tất cả đến và đi đều hết thảy tự nhiên...
Và tối này, xin chẳng làm gì hết, thả mình thong dong đi tìm viên xá lợi, trong thơ hài cú của thầy Pháp Hoan, trong tranh Đức Phật của Tắc, hay trong mấy câu chuyện tủn mủn của mình và ngày trước.
1 note
·
View note
Text
Ngày 5 - Xem một bộ phim TÌNH
P H I T H À N H V Ậ T N H I Ễ U
(If you are the one | 2009)
Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Nhân vật chính: Cát Ưu x Thư Kỳ
"Nếu không đủ chân thành, xin đừng đến làm phiền"
Cốt truyện không có gì mới mẻ – hành trình của một gã cô đơn cần tìm vợ lúc luống tuổi và một cô gái xinh đẹp mang trong lòng một mối tình câm đi bên đời nhau – mà ta dễ bắt gặp trong bất kỳ đời sống xã hội nào.
Hai nửa nhìn rõ không thuộc về nhau, khớp sao cũng không phải là dành cho nhau. Và suốt cả bộ phim là hành trình của hai-kẻ-đang-đi, đi tìm hạnh phúc của mình.
Gã cô đơn Tần Phấn (Cát Ưu đóng) luống tuổi, dành thời gian nghiên cứu một sản-phẩm-công-nghệ và bán được một món hời, chỉ để lấy đó làm của để đi tìm vợ. Gã rao trên mạng một đoạn vừa chân thành chất phác, vừa khờ khạo buồn cười:
“Nếu muốn tìm anh chàng đẹp trai thì miễn bàn. Muốn tìm kẻ có đầy tiền thì đừng gặp. Miễn bàn với người có bằng Thạc sĩ. Nữ doanh nhân cũng xin miễn cho. Tiểu thương thì ngoại lệ.
Tránh để chúng ta khỏi thất vọng về nhau, nên tôi biên kỹ. Như Lưu Đức Hoa tài mạo song toàn thì không thể nào kết bạn với các cô rồi. Đương nhiên là tôi cũng không có tham vọng gì nhiều. Không cần cầu mong các cô giống hình trên các tờ tạp chí, nhìn một phát là hồn xiêu phách tán.
Tôi thích người có bề ngoài thời trang mà nội tâm bảo thủ.
Tâm hồn đều tốt như mọi người là được rồi. Nếu như có chút năng khiếu thì càng tốt. Không tham vọng quá nhiều. Tuổi tác đừng quá nhỏ. Biết xếp quần áo, biết ủi là sau khi giặt, xếp lại như vừa mới mua ở cửa hàng về.
Tôi nói yêu cầu cũng đã quá rõ ràng rồi, giờ tôi xin tự giới thiệu về tôi.
Tuổi tác cũng đã đến trung niên, sức khỏe vẫn tốt, có hút thuốc lá nhưng không nghiện rượu. Từng là du học sinh, sống ở nước ngoài mười mấy năm. Bây giờ từ nước ngoài trở về, thật lòng mà nói, tôi nên ổn định lại.
Sự nghiệp không có, cổ phiếu không có, học vị cũng không. Ba không. Nhân phẩm bình thường, không mấy thật thà, nhưng trời sinh nhát gan. Giết người mà không bị kết tội thì tôi cũng không thể ra tay được.
Chung quy mà nói, tôi thuộc loại có ích và không ăn hại xã hội. Người có thành ý thì xin gọi điện cho tôi, không thành ý xin đừng làm phiền."
Cô tiếp viên hàng không xinh đẹp Lương Tiếu Tiếu (Thư Kỳ đóng) sa vào mối tình lặng lẽ, làm chiếc bóng đơn côi bên một gia-đình-hạnh-phúc. Một cô gái mà Tần Phấn không dưới ba lần nhìn thẳng vào mắt cô và nói “Cô không xinh, mà đẹp như tiên nữ” lại đắm mình trong cái hạnh phúc bé mọn kia trong tuyệt vọng và men say. Tình cờ Tiếu Tiếu đọc được đoạn rao tìm vợ của Tần Phấn, thế là cả hai quyết định đến gặp nhau.
Đó là hai-kẻ-đang-đi-trên-hai-đường-thẳng-song-song.
Một kẻ mưu cầu hạnh phúc, một kẻ chấp nhận cái hạnh phúc ngoài rìa.
Có những đoạn thoại thật hay, và cũng chính là linh hồn của bộ phim:
“- Em có một điều kiện!
- Là gì?
- Khi chúng ta hẹn hò hay kết hôn, em sẽ làm tròn bổn phận của mình, một người bạn gái hay một người vợ. Nhưng cho phép lòng em có người khác. Em sẽ không làm gì cả. Chỉ muốn dành một chỗ trong lòng cho anh ấy. Sẽ có đôi lúc em mơ màng nhớ anh ấy, nhưng chỉ là thế thôi, không gì hơn. Em sẽ không gặp anh ấy nữa. Anh chấp nhận chứ?
- Người thì ở chỗ anh, nhưng lòng lại ở chỗ khác.
- Anh có thể từ chối, em biết như thế là bất công.
- Nếu lòng anh ở chỗ em, nhưng thi thoảng người ở chỗ khác thì sao?”
Nhân vật Lương Tiếu Tiếu làm mình nhớ lại bài thơ mình vừa dịch tối qua:
“Những gì anh cho em
một lời hứa viển vông
đủ làm em sa lưới
nhưng chẳng muốn thoát ra
Tất cả đều rất tốt
chúng mình cùng lên đường
mơ hồ mà vui sướng
thời gian trôi như sông
Không màng đường phía trước
giã biệt lại mơ hồ
Không nhìn thấy đáy mắt
anh chìm trong bóng chiều
Em là một đoá hoa
âm thầm rồi rơi rụng
Dịu dàng vuốt lên má
em đột nhiên cảm thấy
ngập cả trong lòng mình
là khoảng không đơn côi
Anh tự do điều khiển
Em vẫn ở nơi này…”
Khi cô chấp nhận cái hạnh phúc thừa mứa của nhân vật do Phương Trung Tín thủ vai, yêu mình nhưng không đủ dũng cảm để đến với mình. Với cô, như vậy là đã đủ để cô đánh đổi tất cả, tuổi trẻ, tình cảm, sức khoẻ, niềm tin, hy vọng. Có một cảnh mình cảm động muốn khóc, chính là lúc Tiếu Tiếu nốc rượu hết ly này đến ly khác, rồi dùng hết sức mình đánh vào người gã tình nhân. Đó chỉ là một sự chống trả yếu ớt, một sự cự tuyệt không thành.
Trong phim có ba cảnh ba nhân vật khóc, một là cảnh khi cả hai lần đầu gặp nhau trong quán rượu, vừa uống rượu và phơi bày hết nỗi lòng sâu kín vì trước mặt là những người xa lạ, không gặp nhau lần nữa, một cảnh Tiếu Tiếu nằm trong lòng gã tình nhân khi cả hai ngồi trên chiếc thuyền trôi trên sông, vừa khóc vừa hỏi “Em chờ anh bao lâu nữa?”, một cảnh Ổ Tang – người bạn của Tần Phấn ở Hokkaido vừa lái xe vừa hát vừa rơi lệ. Nhưng cái cảnh buồn bã nhất, chính là cảnh ánh mắt tuyệt vọng của Tiếu Tiếu khi gieo mình xuống vực sâu, ánh mắt trơ cạn của Tần Phấn khi ngồi ở rìa vực nhìn xuống biển xanh sâu.
Nhân vật Tần Phấn làm mình nhớ lại bộ phim mang tên “Dịu dàng” cho chính đạo diễn Dustin Nguyễn thủ vai chính. Nhân vật người chồng luống tuổi làm đủ mọi cách từ dụ dỗ, gạ gẫm, ngọt ngào cho đến tăng tiến thành doạ dẫm, bạo hành, tổn thương, thù ghét với mục đích rốt cùng là để có được trái tim Linh - người vợ trẻ. Cô vợ trẻ là kiểu thích được chiều chuộng, ve vuốt, nhưng không thể khống chế, kiểm soát hay nắm giữ trong tay được. Họ là một dạng cá thể tự do, như cánh chim trên bầu trời, đuôi cá quẫy trong nước, sương mờ lảng bảng trên đỉnh núi. Nhìn thấy được, ngửi được, nhưng mãi mãi không thể nằm chạm đến được. Càng ra sức khống chế, kềm hãm thì sự chống trả, vẫy vùng, cự tuyệt càng mạnh mẽ. Thậm chí có thể dùng cách tuyệt vọng và cùng quẫn là tự hủy hoại bản thân mình để chống đối. Hình ảnh Linh dùng đầu kim nhọn mằn qua thịt da như khâu bức hình Đức Mẹ dang dở trên tay mà tỉnh rụi như không là một trong số đó. Tuyệt đối không rơi nước mắt, tuyệt đối không tỏ ra mình yếu hèn. Trong khi gã chồng già nua bất lực này không ngừng dùng hết thảy lý trí, tri thức, tư duy, tôn giáo, đạo đức, hiện kim… để kềm nén, thuần phục cô gái nhỏ bé mà bất trị này… Nhưng hết thảy đều thất bại.
Thậm chí cả trò chơi cuối cùng của cả hai, gã tưởng chừng mình đã là kẻ thắng cuộc về đến đích trước khi dịu dàng kềm hãm Linh, dịu dàng rót nước ngọt cho Linh, dịu dàng nói chuyện và dịu dàng ôm Linh. Tưởng chừng gã đã hân hoan đứng trên đỉnh cao chiến thắng, hạnh phúc chung đôi là chiến thắng đầy oai quyền của gã, thì Linh đã là người chấm dứt hết thảy. Phát súng bắn vào đầu gã và kết cục gieo mình tự vẫn của Linh đã hoàn toàn đảo ngược tình thế, gã chồng vĩnh viễn là kẻ bại trận, cho dù có thế nào đi chăng nữa, Linh vẫn bất bại.
Nếu như trong “Dịu dàng” là một kết thúc buồn, thì “Phi thành vật nhiễu” lại là một câu chuyện kể về hai-kẻ-đang-đi tìm hạnh phúc nhưng cái kết tươi sáng hơn. Khi cuối phim, Lương Tiếu Tiếu khi thoát thai trong đời sống mới, đã vỡ lẽ ra “Hạnh phúc là chiếc bóng, mình cứ mãi rượt đuổi kiếm tìm nhưng hoá ra nó lại nằm bên ta”. Trong đoạn giới thiệu phim “Dịu dàng” có một câu đề tựa: “Tình yêu thiếu sự bao dung, chân thành, hi sinh là một tình yêu chết”. Nên “Dịu dàng” đã để hai nhân vật mình chết đi trong sự thiếu thốn bao dung và chân thành, còn “Phi thành vật nhiễu” đã làm sống dậy một tình yêu trong chính sự bao dung và chân thành đó.
Nét phim nhiều cảnh đẹp, không ở Hàng Châu thì ở Hokkaido, không là núi rừng bao la bát ngát, thì bờ biển xanh sâu thăm thẳm. Nhạc phim hay, có đoạn có hai nghệ nhân hát Hồ Quảng ở trước cửa một tiệm trà thật thú vị.
Có cảnh đám tang nhưng tình cảnh trào phúng, có cảnh quỳ hàng giờ trước chân Cha xứ để xưng tội thật buồn cười, có cảnh trút sạch rượu để rơi một giọt lệ sót cùng trên gương mặt mỹ nhân, có cảnh bất lực đưa hai tay chà mải miết trên chiếc đầu trọc lóc, có những quãng phim quay góc rộng một chiếc xe hơi chạy băng băng giữa rừng cây, có những phân cảnh phim chỉ trọn đôi mắt một ánh nhìn một cái bàn tay nắm níu…
2 notes
·
View notes
Text
Ngày 4 - D Ị C H một bài thơ (2)
Có một tác giả nước ngoài mình yêu thích, từ những năm nhất đại học. Thời đó, mình hay đọc và tập tành dịch những tác phẩm của chị. Bản dịch của mình tản mát khắp mạng, như một kiểu mình đã tự làm được điều gì đó - cá nhân và vui sướng. Chị viết về tình cảm tuổi hai mươi, giống như nhạc Phạm Duy có câu "Ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng dễ mau phai...", nên đa phần tình cảm dưới ngòi bút của chị hay buồn, hay tàn lụi, hay bi luỵ, hay tuyệt vọng. Dòng văn học chị viết, họ gọi là Linglei - một kiểu khác, nằm ngoài lề dòng chính thống. Cũng đã lâu rồi không đọc, có lẽ góc nhìn của mình cũng đã khác. Nay dịch lại một vài đoạn ngắn ngắn, cũng u sầu và uỷ mị như xưa.
诗
句
N H Ữ N G
Đ O Ạ N
N G Ắ N
之五
一切还在继续
你站在夜色中
眼光如水
我轻轻地呼吸
风中弥漫着诺言
用手摸摸我的头发
我就长大了
Bài thơ số năm
Tất cả vẫn tiếp diễn
anh đứng trong màn tối
mắt lấp lánh dòng nước
Em hít thở nhẹ nhàng
lời hứa chìm trong gió
Dùng tay vuốt tóc em
Em đã lớn khôn rồi
之六
你能给我甚么
一句美丽的誓言
足以让我作茧自缚
我并不想挣脱
一切都这样好
我们走着
惘然而快乐的
时光穿流如河
不知道前行的方向
离别若隐若现
看不见你的眼睛
在阴影里
我是一朵无声凋落的花
你的手轻抚我的脸
我忽然感觉
我的内心一片寂静
你可以自由的摆布我
我在这里
Bài thơ số sáu
Những gì anh cho em
một lời hứa viển vông
đủ làm em sa lưới
nhưng chẳng muốn thoát ra
Tất cả đều rất tốt
chúng mình cùng lên đường
mơ hồ mà vui sướng
thời gian trôi như sông
Không màng đường phía trước
giã biệt lại mơ hồ
Không nhìn thấy đáy mắt
anh chìm trong bóng chiều
Em là một đoá hoa
âm thầm rồi rơi rụng
Dịu dàng vuốt lên má
em đột nhiên cảm thấy
ngập cả trong lòng mình
là khoảng không đơn côi
Anh tự do điều khiển
Em vẫn ở nơi này…
之七
我想去遥远的地方
我想深深地爱一个人
寂寞没有颜色
无声地融化在血液里
等待已经让我疲惫
每一次风吹到我的心上
我都想跟它走
如果诺言会告诉我永远
如果你在风中拥抱我
如果你的眼光
能够告诉我一��甚么
我愿意站在黑暗里
再一次倾听
张开你的手心
让我象一朵花
洁白地盛开
然后死去
Bài thơ số bảy
Muốn đi đến nơi xa
yêu một người đậm sâu
Cô đơn không màu sắc
lặng lẽ tan trong máu
Chờ đợi trong mỏi mòn
Khi gió thốc vào lòng
em chỉ muốn tan ra
Nếu như lời thề hứa
anh nói là mãi mãi
Nếu như trong làn gió
anh níu ghị chặt em
Nếu như ánh mắt anh
có thể nói điều gì
em sẽ ở lại đây
sẽ lắng nghe lần nữa
Giở lòng bàn tay anh
để em thành đoá hoa
nở rộ và thanh khiết
rồi dịu dàng chết đi
之八
很多时候
我不知道自己要甚么
泪水对于我来说
象树叶一样容易飘落
风中我感受到离别
却又无话可说
你的手伸过来的时候
我已经不再自由
我要你付出的
不仅仅是疼痛
谁的怀抱会更温暖一点
你对我说你爱我
你又走了
在陌生的人群里
你象空气一样消失
我是不是快死了
Bài thơ cuối cùng
Dẫu đã có nhiều lúc
em chẳng biết cần gì
Nước mắt đối với em
như lá sắp lìa cành
em cảm thấy trong gió
giã biệt đã cạn lời
Lúc anh chìa tay ra
em không còn tư lự
muốn điều anh thố lộ
không còn là khổ đau
Trong một vòng tay khác
liệu chút gì ấm áp
anh đã nói yêu em
rồi giờ lại ra đi
giữa đám đông xa lạ
anh tan như bọt nước
Em có sướng vui không?
2 notes
·
View notes
Text
Ngày 4 - D Ị C H một bài thơ (1)
Có một tác giả nước ngoài mình yêu thích, từ những năm nhất đại học. Thời đó, mình hay đọc và tập tành dịch những tác phẩm của chị. Bản dịch của mình tản mát khắp mạng, như một kiểu mình đã tự làm được điều gì đó - cá nhân và vui sướng. Chị viết về tình cảm tuổi hai mươi, giống như nhạc Phạm Duy có câu "Ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng dễ mau phai...", nên đa phần tình cảm dưới ngòi bút của chị hay buồn, hay tàn lụi, hay bi luỵ, hay tuyệt vọng. Dòng văn học chị viết, họ gọi là Linglei - một kiểu khác, nằm ngoài lề dòng chính thống. Cũng đã lâu rồi không đọc, có lẽ góc nhìn của mình cũng đã khác. Nay dịch lại một vài đoạn ngắn ngắn, cũng u sầu và uỷ mị như xưa.
诗
句
N H Ữ N G
Đ O Ạ N
N G Ắ N
之一
你会爱我多久
你的泪水
滴在我如丝的发梢上
轻轻的诺言
水一样的流动
我在黑暗中
寻找你的表情
我就象一朵花
打开在风中
你说你爱我
你的手是温暖的
一次又一次
枯萎是如此的
绝望和快乐
也许我就将这样
死去在你的手心里
没有了
Bài thơ số một
Anh yêu em bao lâu
nước mắt
rơi trên tóc tơ mềm
Lời anh hứa dịu dàng
tuôn chảy như dòng nước
Em đứng trong màn tối
kiếm tìm nét mặt anh
Em giống một đoá hoa
nở rộ ở trong gió
Anh từng nói yêu em
bàn tay này ấm mềm
Hết lần này lần khác
cứ như thế lụi tàn
tuyệt vọng và vui sướng
Có lẽ
em thành ra như vậy
chết đi trong tay anh
Tan biến.
之二
我已经在这里
等了你这么久
我的眼泪
好象都已经变成了风
走了这么远
又回到这里
渐渐的明白
不再有你
你是曾经来过
还是永不会出现
我已经心静如水
我会双手空空的死去
Bài thơ số hai
Em đã từng ở đây
đợi anh rất lâu rồi
Nước mắt
dường như đã thành gió
bay đi xa như thế
rồi trở lại chốn này
Em dần dà hiểu rõ
sẽ không còn anh nữa
Người đã từng lui tới
rồi vĩnh viễn biệt tăm
Em cũng tự dặn mình
nguôi lòng như dòng nước
Một mai em chết đi
trong đôi tay trống rỗng
mơ hồ…
之三
如果我爱你
我可以站在一边
无声地观望
我不想说甚么
也许一说就错
我不想做甚么
也许做了还是错
只有想念是对的
为你守口如瓶
你在我身边
象一只偶然停息下来的鸟
我想我爱你
我只想无声地观望你
仅仅一瞬间
我们在一起
Bài thơ số ba
Nếu như em yêu anh
em sẽ đứng cạnh bên
lặng yên mà ngắm nhìn
Em không nói gì cả
mở lời đã là sai
cũng không làm gì cả
làm gì cũng chẳng đúng
Chỉ nhớ thương là đúng
Im lặng ở bên anh
Anh có ở kề bên
giống một cánh chim trời
vô tình mà đậu lại
Em chỉ muốn yêu anh
chỉ lặng yên ngắm nhìn
Vỏn vẹn trong khoảnh khắc
Chúng ta ở cạnh nhau
之四
原来我们的相遇
只是为了一场别离
这样的绝
再没了语言
你的眼神
你的气息
你的棉布衬衣
你皮肤的温度
你的笑容
我真的不再爱你
心已经疲惫
要到遥远的地方去
你象风一样
淡出我的生命
这样就好
Bài thơ số bốn
Thì ra sự gặp gỡ này
Chỉ để một lần giã biệt
Kết thúc chỉ như vậy
Mà không sao nói được
Ánh nhìn
Hơi thở
Chiếc áo bông anh mặc
Hơi ấm trên da thịt
Nụ cười anh
Em đã không còn yêu
trái tim đã mòn mỏi
muốn rời đến nơi xa
Anh như một cơn gió
thoảng qua trong đời em
Như vậy đã đủ rồi
1 note
·
View note
Text
Forgotten/ Night of Memory | 2017
Ký Ức Bị Lãng Quên
0 notes