booksreading
Trang đọc sách nhóm Cheetah.Global
498 posts
Don't wanna be here? Send us removal request.
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 9: HÃY LÀ NGÂN HÀNG, CHỨ ĐỪNG LÀM KẺ LÀM CÔNG CHO NGÂN HÀNG (P3/3)
Tumblr media
ĐẤT CHO KHÔNG
Cách đây vài năm hai vợ chồng tôi muốn có một căn hộ cách xa chốn thị thành ồn ào, tấp nập. Chúng tôi ước mơ làm chủ một trang trại trong đó có suối, có những cây sồi to lớn. Chúng tôi muốn có sự riêng biệt cho chính mình.
Chúng tôi tìm thấy một mảnh đất rộng khoảng 8 héc-ta, bán với giá 75.000 đô. Người bán chịu cho chúng tôi trả trước 10% trong khi số còn lại cho chúng tôi được trả góp dần với mức lãi suất 10%. Giao dịch đó hoàn toàn công bằng, hợp lý. Vấn đề ở chỗ nếu làm như thế, tôi sẽ vi phạm quy tắc về nợ mà người bố giàu đã dạy tôi, tức là: “Hãy cẩn thận khi con vay nợ. Nếu con vay nợ cá nhân, hãy giảm thiểu nó. Nếu con vay nợ lớn, hãy bảo đảm làm sao có người khác trả nợ đó cho con”.
Hai vợ chồng tôi từ bỏ miếng đất trị giá 75.000 đô đó, và tiếp tục tìm kiếm miếng đất khác có ý nghĩa kinh tế hơn. Đối với tôi, số tiền 75.000 đô là một khoản nợ lớn bởi vì lưu lượng tiền mặt của chúng tôi sẽ như thế này.
Tumblr media
Và hãy nhớ quy tắc của người bố giàu: “Nếu con vay nợ và chấp nhận rủi ro, con phải bảo đảm được trả xứng đáng”.
Trong giao dịch đó, tôi sẽ vay nợ và chịu rủi ro, mà vẫn phải trả tiền cho giao dịch đó.
Khoảng một tháng sau, chúng tôi tìm được một miếng đất khác xinh đẹp hơn. Đó là một miếng đất rộng khoảng 34 héc-ta, có nhiều cây sồi, một con suối chảy qua, và một căn nhà trên đó. Tổng giá trị là 115.000 đô. Tôi đồng ý với giá của người bán, với điều kiện anh ta phải chấp thuận một số yêu cầu của tôi, và anh ta đã đồng ý. Nói tóm lại, chúng tôi đã bỏ ra một số ít tiền để sửa chữa lại ngôi nhà, sau đó bán ngôi nhà và một khoảnh đất rộng khoảng 12 héc-ta với mức giá 215.000, sử dụng lại mẫu quảng cáo “trả góp hàng tháng thấp và dễ dàng”, trong khi còn chừa lại cho chúng tôi một miếng đất rộng khoảng 22 héc-ta.
Giao dịch đó có thể được minh họa trong bảng cân đối tài sản và nợ của tôi dưới đây:
Tumblr media
Với số lợi nhuận 100.000 đô kiếm được, tôi có thể trả thuế đánh trên lợi nhuận từ mua bán miếng đất và căn nhà.
Kết quả cuối cùng là không nợ, thêm được chút ít lợi nhuận (khoảng 15.000 đô còn lại sau khi trả thuế). Điều đó thật chẳng khác nào bạn được trả tiền để đạt được điều bạn muốn có.
Hiện nay, bảng cân đối tài sản và nợ của tôi từ kết quả giao dịch đó như sau:
Tumblr media
CHÀO BÁN CỔ PHIẾU MỚI NIÊM YẾT CHO CÔNG CHÚNG
Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của một công ty tư nhân vừa mới niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng dựa trên cùng một nguyên tắc. Mặc dù ngôn ngữ, thị trường hay người chơi có khác nhau, những nguyên tắc hay luật chơi căn bản vẫn như nhau. Khi tổ chức của tôi đăng ký thành lập công ty để cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng tôi thường tạo ra giá trị gần như từ số không, cho dù chúng tôi đã kiểm định giá trị của nó dựa trên thị trường tự do. Chúng tôi chào bán cổ phiếu của công ty ra công chúng và thay vì chỉ bán chứng khoán cho một người, chúng tôi đã bán cho hàng ngàn người trở thành cổ đông của công ty.
GIÁ TRỊ CỦA KINH NGHIỆM
Còn đây là một nguyên nhân khác mà tôi thường khuyến khích mọi người nên bắt tay từ nhóm C trước khi thâm nhập vào nhóm Đ. Cho dù mọi hình thức đầu tư như thế nào đi nữa, là địa ốc, việc kinh doanh, cổ phiếu hay trái phiếu, một người đầu tư cần phải luôn có một “ý nghĩ kinh doanh toàn diện”. Một số người nắm được nguyên tắc đó, nhưng có rất nhiều người khác lại đầu tư mà không theo nguyên tắc đó. Đó là vì hệ thống trường lớp chỉ đào tạo chúng ta trở nên chuyên môn hóa nhưng lại không đào tạo chúng ta toàn diện về mọi mặt.
Một điểm khác, đối với những người đang suy xét việc di chuyển sang nhóm C hoặc Đ, là tôi thường đề nghị nên bắt đầu từ những khoản nhỏ và từ từ. Chỉ bắt tay vào những khoản làm ăn lớn hơn khi nào sự tự tin và kinh nghiệm của bạn đã dồi dào và phong phú. Nên nhớ, không hề có sự khác nhau giữa một mối giao dịch giá trị 80.000 đô với mối giao dịch trị giá 800.000 đô. Quy trình thực hiện của một mối giao dịch kinh doanh nhỏ đều giống nhau như một kế hoạch chào bán cổ phiếu cho công chúng trị giá hàng triệu đô. Nếu có, đó chỉ là sự khác nhau về số lượng người tham gia, về những con số 0 và mức độ hứng thú sôi nổi của cuộc chơi mà thôi.
Khi một người có được kinh nghiệm và nổi danh, người ấy càng ít cần bỏ nhiều tiền hơn để tạo ra những khoản đầu tư trị giá nhiều hơn. Thậm chí đôi khi người ấy không cần phải có tiền mới tạo ra nhiều tiền. Tại sao vậy? Vì kinh nghiệm có giá trị của nó. Như đề cập trước đây, nếu bạn biết cách dùng tiền tạo ra tiền, mọi người và tiền bạc sẽ chạy ào ào tới bạn. Hãy bắt đầu nhỏ và từ từ. Kinh nghiệm quan trọng hơn cả tiền bạc.
THẬT ĐƠN GIẢN VÀ DỄ DÀNG
Trên lý thuyết, những con số và những giao dịch ở phía bên phải tứ đồ đều rất đơn giản, bất chấp mọi hình thức đầu tư trong cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay việc kinh doanh. Giàu có hơn cũng đồng nghĩa với khả năng suy nghĩ khác nhau; tức là suy nghĩ từ mọi nhóm trên tứ đồ và có gan làm những việc khác người. Đối với tôi, một trong những chướng ngại lớn nhất đối với một người còn xa lạ với cách suy nghĩ này, chính là sự đối mặt với vô số người khác luôn nói rằng: “Anh không thể nào làm được chuyện đó”.
Nếu bạn có thể vượt qua cách suy nghĩ hạn hẹp đó, và biết tìm ra những người đồng hành nói với bạn, “À, tôi biết làm thế nào. Tôi sẽ không ngại chỉ cho anh”, cuộc đời của bạn sẽ trở nên dễ dàng.
LUẬT PHÁP
Tôi bắt đầu chương này với đạo luật cải tổ thuế năm 1986. Trong khi đó là một sự thay đổi lớn về mặt luật pháp, nó sẽ không phải là sự thay đổi duy nhất và sau cùng. Tôi chỉ dùng đạo luật năm 1986 đó như một thí dụ về sức mạnh quyền lực và ảnh hưởng to lớn của các đạo luật. Nếu một người thành công ở nhóm C hay Đ, người ấy cần phải nhạy bén với các lực lượng thị trường và bất kỳ những thay đổi nào trong luật lác động đến những lực lượng đó.
Ngày nay ở nước Mỹ, bộ luật thuế là một quyển sách dày tới 100.000 trang. Đó mới chỉ là luật về thuế mà thôi. Các đạo luật liên bang, nếu đem gộp lại tất cả, sẽ lên đến 1,2 triệu trang. Một người đọc trung bình sẽ mất 23 năm mới có thể đọc hết toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật của nước Mỹ. Cứ mỗi năm lại có nhiều luật lệ mới ra đời, hoặc bị bỏ đi hay thay đổi. Nếu muốn cập nhật hóa những thay đổi đó, đòi hỏi phải có một công việc toàn thời.
Mỗi lần có ai đó nói với tôi, “Điều đó vi phạm luật pháp”, tôi hỏi họ có đọc kỹ từng câu luật của nước Mỹ hay không. Nếu họ nói có, tôi sẽ xách cặp bước ra khỏi cửa. Nhưng đừng bao giờ thối lui chỉ vì có một người nào đó cho rằng mình biết hết mọi luật.
Sự thành công ở phía bên phải tứ đồ đòi hỏi bạn phải biết nhìn nhận vấn đề bằng 95% đầu óc của mình và 5% bằng mắt thường. Sự hiểu biết về luật pháp và các lực lượng thị trường hết sức quan trọng sống còn để có thể đạt được sự thành công về tài chánh. Cho nên hãy luôn cảnh giác và nhạy bén nếu bạn muốn những thay đổi này có lợi cho bạn và không gây tác hại với bạn.
LỊCH SỬ LÀ HƯỚNG DẪN
Người bố giàu đã khuyến khích tôi học cách chơi cho giỏi. Sau khi tôi đã học được, tôi có thể làm những gì tôi muốn từ những điều hiểu biết của tôi. Mục đích viết sách và dạy học của tôi xuất phát từ mối quan tâm sao cho ngày càng có nhiều người hơn có thể biết cách tự chăm sóc lấy mình về mặt tài chính… và không lệ thuộc, bám dựa vào chính phủ hay lớn.
Tôi hy vọng những diễn biến kinh tế mà tôi thấy trước đó sẽ không xảy ra. Có lẽ các chính phủ có thể giữ lời hứa chăm sóc cho dân bằng cách tăng thuế nhiều hơn, và mắc nợ nhiều hơn. Có lẽ thị trường chứng khoán sẽ tăng giá và không bao giờ suy sụp lại, và có lẽ giá bất động sản sẽ luôn tăng lên và ngôi nhà của bạn sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của bạn. Có lẽ hàng triệu người sẽ thấy hài lòng với mức lương tối thiểu của mình và có thể chu cấp vẹn toàn cho gia đình mình. Có lẽ tất cả những điều đó sẽ xảy ra. Và có lẽ tôi sẽ nghĩ như vậy nếu như không có lịch sử.
Theo lịch sử, nếu một người trung bình sống tới 75 tuổi, người đó sẽ trải qua hai cuộc suy thoái và một cuộc khủng hoảng kinh tế. Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sau thế chiến thứ hai đã sống qua hai cuộc suy thoái nhưng chưa nhìn thấy cuộc khủng hoảng kinh tế nào. Có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra một cuộc đại khủng hoảng khác. Thế nhưng lịch sử không đề cập đến điều đó. Lý do người bố giàu đã buộc tôi đọc những quyển sách về các nhà đầu tư vĩ đại và những kinh tế gia lớn là vì Người muốn tôi có thể có một cách nhìn chiến lược lâu dài hơn, bao quát hơn về nơi chúng ta xuất thân và đi tới.
Cũng như có những đợt sóng trên đại dương, trên thị trường cũng có những đợt sóng tương tự. Sóng trên đại dương được tạo ra từ gió và mặt trời, trong khi sóng trên thị trường được tạo ra bằng cảm xúc tham lam và sợ hãi của con người. Tôi không cho rằng cuộc khủng hoảng là sự kiện thuộc quá khứ bởi vì tất cả chúng ta đều là con người, đều có sự tham lam và nỗi sợ hãi. Khi sự tham lam và nỗi sợ hãi xung đột nhau, khi con người bị thiệt hại nặng nề, sự khủng hoảng sẽ xuất hiện trong tâm lý con người. Cảm giác khủng hoảng sẽ xuất hiện trong tâm lý con người. Cảm giác khủng hoảng được tạo ra từ sự kết hợp hai cảm xúc giận dữ và buồn phiền. Giận dữ với chính mình và buồn phiền vì bị thua, bị mất trắng. Khủng hoảng kinh tế chẳng qua chỉ là sự khủng hoảng tâm lý. Một người mất tiền, và họ rơi ngay vào tình trạng khủng hoảng.
Cho dù ngay cả một nền kinh tế trông có vẻ hùng mạnh đi chăng nữa, v���n có hàng triệu người lâm vào những trạng thái khủng hoảng khác nhau. Có thể họ có một công ăn việc làm, nhưng tận sâu trong lòng họ, họ biết rõ mình sẽ chẳng đi tới đâu về mặt tài chánh. Họ giận dữ với bản thân họ và buồn phiền vì đã đánh mất thời gian của mình. Rất ít người biết rằng họ đã bị rơi vào bẫy của quan điểm lạc hậu có từ thời đại Công nghiệp: “Tìm một công việc an toàn, ổn định và đừng lo lắng về tương lai”.
MỘT SỰ THAY ĐỔI TO LỚN… VÀ CƠ HỘI
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên đầy dẫy những cơ hội và những biến động khổng lồ. Đối với một số người, đó chính là thời điểm tốt nhất, nhưng cũng lại là thời điểm tệ hại nhất đối với nhiều người khác.
Tổng thống Kennedy đã từng nói: “Một sự thay đổi vĩ đại trong tầm tay”.
Kennedy xuất thân từ nhóm C-Đ ở phía bên phải tứ đồ, và ông đã cố gắng tuyệt vọng tìm cách nâng cao đời sống của những người vẫn còn bị kẹt vào những ý tưởng trong đầu mà họ đã được trao truyền từ những thế hệ đi trước. Đó là những quan điểm như “đi đến trường để có thể tìm được một công việc an toàn”. Giáo dục càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhưng chúng ta cần phải dạy cho một người biết cách suy nghĩ vượt ngoài quan điểm tìm kiếm một công việc ổn định, và trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ hay công ty sẽ chăm sóc mình lúc về già. Đó là quan điểm của thời đại Công nghiệp, một thời đại đã không còn ở lại với chúng ta.
Không ai cho đó là công bằng, bởi vì đây không phải là một quốc gia công bằng. Chúng ta là một quốc gia tự do. Có nhiều người làm việc cực nhọc hơn, thông minh hơn, khao khát thành công hơn, nhiều tài năng hơn, và ước muốn có một cuộc đời tốt đẹp hơn những người khác. Chúng ta tự do theo đuổi những tham vọng đó nếu chúng ta có ý chí. Thế nhưng, cứ mỗi lần có một người nào đó thành công, một số người lại cho đó là không công bằng. Những người đó nghĩ rằng nếu người giàu chia sẻ với người nghèo, đó mới là công bằng. Dĩ nhiên, cũng chẳng có ai cho đó là công bằng. Một khi chúng ta cố làm cho mọi thứ công bằng hơn, chúng ta càng mất tự do nhiều hơn.
Khi có một người nói với tôi về vấn đề phân biệt đối xử, tôi hoàn toàn đồng ý với người đó. Tôi biết rõ những tình trạng ấy vẫn luôn tồn tại. Bản thân tôi phải đối bất cứ hành động đối xử phân biệt nào, và nhất là với dòng màu người Nhật trong mình, tôi càng thấm thía sự đối xử phân biệt đó. Trong thế giới bên trái tứ đồ, sự phân biệ đối xử luôn tồn tại, nhất là trong các công ty. Bề ngoài của bạn, trường lớp bạn tốt nghiệp, bạn là dân da trắng , da đen, da vàng hay da màu, bạn là nam hay nữ… tất cả những khía cạnh đó đều có ảnh hưởng của chúng ở thế giới bên trái tứ đồ. Thế nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì trong thế giới bên phải tứ đồ. Thế giới bên phải không quan tâm đến sự công bằng hay sự ổn định an toàn, mà chính là sự tự do và niềm đam mê cuộc chơi. Nếu bạn muốn tham gia chơi ở phía bên phải, những tay chơi ở đó sẽ chào đón bạn. Nếu bạn chơi và thắng, tốt thôi. Họ sẽ chào đón bạn nồng nhiệt hơn nữa, và thậm chí tìm đến hỏi han bí quyết của bạn. Nếu bạn chơi và thua cuộc, họ sẽ vui vẻ lấy hết tiền của bạn, nhưng không bao giờ đổ thừa hay phàn nàn ai đó đã khiến bạn thất bại. Sự kêu ca hay đổ thừ không phải là cách chơi ở phía bên phải tứ đồ. Cuộc chơi đó không quan tâm đến sự công bằng. Công bằng không phải là tên gọi của cuộc chơi.
CÓ HAI KIỂU LUẬT
Nhìn từ ngoài trông có vẻ người giàu có luật riêng, và những người khác có luật riên. Thế nhưng trên thực tế, hai kiểu luật pháp đó đều như nhau. Sự khác nhau duy nhất chính là người giàu đã biết sử dụng luật có lợi cho họ, trong khi người nghèo và người trung lưu không thể làm được chuyện đó. Đó chính là sự khác nhau căn bản. Các luật lệ đều như nhau bởi vì chúng được soạn ra áp dụng với tất cả mọi người. Do đó tôi đặc biệt đề nghị bạn nên thuê mướn những chuyên viên tư vấn khôn ngoan nhưng biết tôn trọng và tuân thủ theo pháp luật. Thật quá dễ dàng để làm giàu một cách hợp pháp hơn là phạm pháp và kết thúc trong nhà tù. Hơn nữa, các cố vấn về pháp luật còn có thể giúp bạn nhận biết nhạy bén những thay đổi luật lệ sắp tới… mà cứ mỗi khi luật pháp thay đổi lại có của cải và tài sản hoán chuyển sang tay.
HAI CHỌN LỰA
Một thuận lợi khi sống trong một xã hội tự do chính là được tự do lựa chọn. Theo tôi, có hai sự lựa chọn lớn: một là sự ổn định an toàn, và hai là sự tự do. Nếu bạn chọn sự ổn định an toàn, cái giá quá đắt để trả cho sự lựa chọn đó nằm dưới hình thức sưu cao thuế nặng và lãi suất vay mượn phải trả. Còn nếu bạn chọn sự tự do, thế thì bạn cần nên học hỏi về toàn bộ trò chơi và rồi tham gia cuộc chơi đó. Đó còn chính là sự lựa nhóm nào trên tứ đồ mà bạn muốn chơi từ vị trí đó.
Phần 1 của quyển sách này đã định nghĩa về những đặc tính khác nhau của các nhóm trên Kim Tứ Đồ, trong khi phần 2 tập trung vào việc phát triển cách suy nghĩ, lập luận và thái độ phản ứng của một người chọn nhóm bên phải của tứ đồ làm mục tiêu của cuộc hành trình. Giờ đây, bạn nên biết mình đang đứng đâu trên tứ đồ, cũng có ít nhiều khái niệm về nơi mà bạn muốn tới. Bạn cũng đã có một hiểu biết kỹ hơn về quy trình tư duy và cách hành động của một người thuộc thế giới bên phải của tứ đồ.
NHỮNG ĐIỀU NÊN NHỚ
Mỗi người đều có một tình hình tài chính khác nhau. Đó là lý do tại sao mà tôi đề nghị với các bạn:
1. Hãy tìm kiếm những lời khuyên hay tư vấn về tài chính tốt nhất mà bạn có thể tìm được. Chẳng hạn, hình thức doanh nghiệp nhóm C có thể áp dụng hiệu quả trong một số tình huống này, nhưng lại không hề có tác dụng trong những trường hợp khác. Ngay cả trong thế giới bên phải tứ đồ, đôi khi hình thức doanh nghiệp nhóm T lại là thích hợp nhất và hiệu quả nhất.
2. Nên nhớ có những chuyên viên tư vấn khác nhau cho người giàu, người nghèo, người trung lưu, cũng như có nhiều loại tư vấn khác nhau cho những người thuộc bên phải hay bên trái tứ đồ. Nên xem xét tìm kiếm những lời khuyên hay hướng dẫn của những người đã đến được nơi bạn muốn đến.
3. Đừng bao giờ kinh doanh hay đầu tư chỉ để giảm thuế. Giảm thuế chỉ là một khía cạnh phụ mà chính phủ cho phép bạ làm theo cách họ muốn bạn làm. Khía cạnh đó chỉ là một yếu tố nhỏ, không phải là lý do.
4. Nếu bạn là độc giả không phải là công dân Mỹ, lời hướng dẫn này vẫn giữ nguyên giá trị. Các hệ thống luật pháp có thể khác nhau, thế nhưng những nguyên tắc đi tìm những chuyên viên tư vấn có thực lực đều như nhau. Những người ở phía bên phải đều hành động tương tự như nhau trên khắp thế giới.
2 notes · View notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 9: HÃY LÀ NGÂN HÀNG, CHỨ ĐỪNG LÀM KẺ LÀM CÔNG CHO NGÂN HÀNG (P2/3)
Tumblr media
ANH HÙNG TRỜ THÀNH TỘI PHẠM
Cứ vài năm lại xuất hiện một nhân vật tài chính mới, với một công thức làm giàu kỳ diệu mới. Vào cuối thập niên bảy mươi, anh em nhà họ Hunt cố lũng đoạn thị trường bạc. Cả thế giới trầm trồ, coi họ là những thiên tài. Vậy mà không đầy một đêm, anh em họ lại bị săn lùng như những tên tội phạm bởi vì quá nhiều người bị mất tiền vì đã chạy theo bắt chước anh em nhà họ Hunt. Vào cuối thập niên tám mươi, xuất hiện Micheal Milken, “vua trái phiếu không bảo đảm”[15]. Có một thời ông ta được ca tụng là thiên tài tài chính, thế nhưng ngay sau cuộc khủng hoảng, ông ta bị săn lùng và bỏ tù. Thay đổi nhưng nhân vật khác nhau, nhưng lịch sử vẫn cứ tái diễn.
Ngày nay, chúng ta có những thiên tài đầu tư mới. Họ xuất hiện trên ti vi, tên của họ luôn được nhắc đên trên mặt báo. Họ là những nhân vật nổi danh mới. Một trong số họ là Alan Greenspan, chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Liên bang. Hiện nay, ông ta được coi như thần thánh. Mọi người đều nghĩ rằng ông chịu trách nhiệm về nền kinh tế tuyệt vời của chúng ta. Warren Buffet cũng được coi gần như thần thánh. Khi ông ta mua một thứ gì đó, mọi người nháo nhào mua theo ông ta. Và khi Warren Buffet bán ra, giá lập tức bị sụt giảm. Bill Gates cũng được chiếu cố kỹ lưỡng. Tiền bạc cứ chạy theo ông ta không ngừng. Nếu như có một sự khủng hoảng thị trường khác trong tương lai, liệu những anh hùng tài chính hôm nay có còn được mọi người ngày mai ca tụng? Chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.
Trong một chu kỳ đi lên của một nền kinh tế, nhiều anh hùng xuất hiện. Và khi nền kinh tế tới chu kỳ suy thoái, nhiều tội phạm xuất hiện. Nếu bạn xem xét lại lịch sử, thường những anh hùng và những tên tội phạm đều là một. Mọi người luôn cần một tên phù thủy nào đó hay một âm mưu thông đồng để đổ lỗi cho sự ngu dốt về tài chính của chính mình. Lịch sử sẽ lặp đi lặp lại chính nó… và cuộc chuyển giao của cải cứ xảy ra. Khi có một cuộc chuyển giao như thế, bạn sẽ muốn đứng trong nhóm nào? Nhóm bên trái hay nhóm bên phải?
Theo tôi, mọi người không chịu nhận thấy rằng họ đang chơi một cuộc chơi vĩ đại toàn cầu… một sòng bạc ảo trên trời, nhưng lại không có ai bảo cho họ biết họ là kẻ chơi quan trọng trong toàn bộ cuộc chơi. Cuộc chơi đó chính là: “Ai nợ ai?”.
HÃY LÀ NGÂN HÀNG… CHỨ ĐỪNG LÀ KẺ LÀM CÔNG CHO NGÂN HÀNG
Trong những năm 20 tuổi, tôi bắt đầu nhận ra tên trò chơi đó là trở thành ngân hàng chứ không phải là một kẻ làm công cho ngân hàng. Kiến thức của tôi bắt đầu được đào sâu thêm. Chính giai đoạn này, người bố giàu đã tập cho tôi làm quen dần với những khái niệm như “nợ thế chấp”, “bất động sản” và “tài chính”. Tôi bắt đầu luyện trí óc của tôi để có thể nhìn thấy những gì mà mắt tôi không thấy.
Người đã khuyến khích tôi học hỏi và hiểu kỹ cuộc chơi đó và sau khi nắm được các quy tắc hay luật lệ, tôi có thể làm những gì tôi đã phát hiện và muốn hành động. Tôi quyết định sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với bất cứ ai thực sự thích thú và có lòng học hỏi.
Người bố giàu cũng đã bắt tôi tìm đọc về những nhà đầu tư thực thụ vĩ đại, những người như John D. Rockefeller, J.P. Morgan, Henry Ford. Một trong những quyển sách quan trọng nhất mà tôi đọc được là Những nhà triết học thực dụng của tác giả Robert Heibroner. Đối với những ai muốn hành động ở nhóm C và Đ, đó là cuốn sách cần phải học bởi vì nó chứa đựng và bao quát hết mọi nhà kinh tế học của mọi thời, bắt đầu từ Adam Smith, người viết tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia. Thật là kỳ diệu khi bạn có thể tìm hiểu và nhìn thấy những trí tuệ vĩ đại quan trọng nhất của một số nhà triết học hay kinh tế gia. Những nhân vật đã diễn dịch cuộc phát triển của kinh tế tư bản hiện đại trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của nó. Theo tôi, nếu bạn muốn trở thành một người lãnh đạo thuộc phía bên phải tứ đồ, bạn cần phải có kiến thức về lịch sử kinh tế để có thể hiểu biết không chỉ kinh nghiệm quá khứ mà cả những dự báo cho tương lai.
Sau quyển Những nhà triết học thực dụng, tôi đề nghị bạn nên tìm đọc các quyển sách sau: Sự giàu có vô hạn của Paul Zane Pilzer, Kẻ tối cao của Jame Dale Davidson, Đầu sóng của Robert Prechter, Một cuộc bùng nổ phía trước của Harry Dent. Quyển sách của Heilbroner giúp chúng ta nhìn thấy nguồn gốc xuất phát của chúng ta về mặt kinh tế, trong khi đó các quyển sách còn lại cho chúng ta hiểu biết những quan điểm khác nhau của các tác giả về nơi mà chúng ta sẽ đi đến. Những quan điểm tương phản đó của họ rất quan trọng khi giúp tôi có thể nhìn thấy được những gì mà mắt tôi không thấy… đó là tương lai. Khi đọc những quyển sách như thế, tôi có thể nhận ra những chu kỳ hay khuynh hướng lên xuống của nền kinh tế. Chủ đề chung toát ra từ tất cả những quyển sách này là một trong những thay đổi lớn nhất của thời đại đang sắp sửa xảy ra.
LÀM THẾ NÀO CHƠI NHƯ MỘT NGÂN HÀNG Sau đạo luật cải tổ thuế năm 1986, đâu đâu cũng có cơ hội. Bất động sản, cổ phiếu và chuyện kinh doanh đều có thể mua được với giá thấp. Trong khi hiện tượng đó là một thảm họa với nhiều người ở phía bên trái tứ đồ, riêng tôi lại thật tuyệt vời bởi vì tôi có thể sử dụng những kỹ năng nhóm C và Đ của mình để tận dụng những cơ hội xung quanh tôi. Thay vì tham lam và mua mọi thứ trong có vẻ như một cơ hội ngon ăn, tôi đã quyết định tập trung vào bất động sản.
Tại sao lại là bất động sản? Có năm lý do đơn giản sau đây.
1. Giá cả. Giá bất động sản thấp đến nỗi các khoản trả nợ thế chấp đều thấp hơn so với tiền thuê nhà trên thị trường đối với hầu hết các căn hộ. Những căn hộ đó có ý nghĩa về mặt kinh tế, tức là có rất ít rủi ro. Hiện tượng đó giống như bạn đi mua đồ giảm giá ở Trung tâm Thương mại Diamond Plaza khi mọi thứ được quảng cáo giảm giá tới 50%.
2. Tài chính. Ngân hàng cho tôi vay trên bất động sản, nhưng lại không cho vay với cổ phiếu. Bởi vì tôi có thể mua bao nhiêu tùy ý trong khi thị trường đang bị suy thoái, tôi đã mua bất động sản bằng cách kết hợp số tiền tôi có với các khoản vay từ ngân hàng. Lấy ví dụ: Tôi có 10.000 đô trong tài khoản tiết kiệm. Nếu tôi mua cổ phiếu, tôi chỉ có thể mua được 10.000 đô cổ phiếu mà thôi. Tôi có thể đi vay “biên chênh lệch”[16], nhưng tình hình tài chính của tôi không cho phép tôi rủi ro trên thị trường suy thoái. Với 10.000 đô, tôi có thể mua một miếng bất động sản trị giá 100.000 đô bằng cách vay tới 90% trị giá.
Nếu cả hai thị trường tăng 10%, tôi sẽ kiếm lời được 1.000 đô trong cổ phiếu, nhưng trong địa ốc, số lời của tôi sẽ là 10.000 đô.
3. Thuế. Nếu tôi kiếm được lợi nhuận 1 triệu đô từ cổ phiếu,  tôi sẽ phải trả gần 30% thuế lợi nhuận từ mua bán tài sản. Thế nhưng, đối với bất động sản, tôi có thể được hoàn trả thuế trên số lời một triệu đô này nếu tôi chuyển số lời này đầu tư vào một bất động sản khác. Ngoài ra, tôi còn có thể khai khấu hao tài sản mà từ đó có thể làm giảm thuế nhiều hơn.
Chú ý: Một khoản đầu tư phải có ý nghĩa kinh tế với tôi trước khi xem xét mặt lợi ích về thuế và bỏ tiền vào đầu tư. Khía cạnh thuận lợi về thuế chỉ là phần nhỏ làm cho một khoản đầu tư thêm hấp dẫn.
4. Lưu thông tiền mặt. Tiền thuê nhà không giảm cho dù giá địa ốc giảm. Điều đó giúp cho tôi kiếm được nhiều tiền hơn, trả các khoản nợ vay, và nhất là cho phép tôi có thêm thời gian để chờ đợi diễn biến thị trường. Có nghĩa là tiền thuê có thể mua cho tôi tôi thời gian chờ đợi cho đến khi giá thị trường tăng lên. Khi đó, tôi sẽ bán địa ốc của mình. Mặc dù tôi mắc nợ nhiều nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tôi bởi vì tiền thuê nhà thừa sức trả nợ giùm tôi mỗi tháng.
5. Cơ hội trở thành ngân hàng. Bất động sản còn cho phép tôi trở thành ngân hàng, mà đó là điều mà tôi luôn mong muốn thực hiện từ năm 1974.
HÃY LÀ NGÂN HÀNG, ĐỪNG LÀ KẺ LÀM CÔNG CHO NGÂN HÀNG
Trong Dạy con làm giàu tập 1, tôi đã trình bày cách người giàu tạo ra tiền và thường chơi như một ngân hàng. Dưới đây là một thí dụ đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể làm được.
Giả sử tôi tìm được một căn nhà trị giá 100.000 đô, và nhờ may mắn tôi chỉ trả 80.000 đô (gồm 10.000 đô trả trước và một khoản vay cho 70.000 đô còn lại).
Sau đó, tôi đăng quảng cáo rao bán ngôi nhà giá 100.000 đó vốn là trị giá thị trường hiện tại, và sử dụng những hàng chữ quảng cáo hấp dẫn sau: “Chủ nhà cần bán nhà gấp. Không cần bảo đảm bởi ngân hàng. Trả trước thấp, trả góp hàng tháng dễ dàng”.
Điện thoại reo liên tục. Ngôi nhà được bán dưới hình thức hợp đồng vừa bán vừa thuê, hay được bán trọn gói, tùy thuộc điều kiện quốc gia bạn đang sống. Nói một cách đơn giản, tôi bán ngôi nhả lấy giấy nợ 100.000 đô. Dưới đây là sơ đồ minh họa giao dịch đó.
Giao dịch này sau đó được đăng ký với cơ quan xác nhận quyền sở hữu tài sản và làm bằng chứng, mà thông qua cơ quan này người mua sẽ trả tiền cho tôi. Nếu người mua quịt số nợ 100.000 đô đó, tôi chỉ cần tịch thu lại và bán căn nhà cho một người mua khác muốn “trả góp hàng tháng dễ dàng”. Có rất nhiều người tìm kiếm một cơ hội tốt như thế để mua cho mình một ngôi nhà vừa ý.
Tumblr media
Kết quả là được 30.000 đô trong cột tài sản của mình mà từ đó tôi được trả lãi suất, giống như ngân hàng được trả lãi suất trên khoản tiền họ cho vay.
Tôi đang bắt đầu trở thành ngân hàng, và tôi rất yêu thích điều đó. Nếu ban nhớ lại từ chương trước, người bố giàu đã nói: “Hãy cẩn thận khi con vay nợ. Nếu con vay nợ cá nhân, hãy giảm thiểu nó. Nếu con vay nợ lớn, hãy bảo đảm làm sao có người khác trả nợ đó cho con”.
Theo ngôn ngữ của phía bên phải tứ đồ, tôi đã đẩy rủi ro, hay gói gọn rủi ro của mình vào người mua khác. Đó chính là trò chơi trong thế giới tài chính.
Kiểu giao dịch đó xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, bất cứ nơi nào tôi đi qua, mọi người cũng đều đến trước mặt tôi và nói, “Anh không thể làm được chuyện đó ở đây”.
Những gì mà những người đầu tư cò con không nhận thấy chính là nhiều tòa nhà thương mại to lớn đã được giao dịch chính xác theo như cách mua bán ở trên. Đôi khi họ đi qua ngân hàng, nhưng nhiều lúc họ không cần tới một ngân hàng nào cả.
ĐIỀU ĐÓ CŨNG GIỐNG NHƯ ĐỂ DÀNH ĐƯỢC 30.000 ĐÔ MÀ KHÔNG CẦN TIẾT KIỆM
Nếu bạn nhớ lại chương trước đây, tôi đã nêu ra lý do tại sao chính phủ không cho phép mọi người được giảm thuế để tiết kiệm. Tôi không tin các ngân hàng sẽ yêu cầu chính phủ làm điều đó bởi vì khoản tiết kiệm của bạn lại là nợ đối với họ. Nước Mỹ có tỷ lệ lãi suất tích kiệm thấp chỉ vì các ngân hàng không cần tiền của bạn hoặc chẳng mong muốn tiền của bạn sinh lời nhiều tí nào. Cho nên thí dụ đó là một cách chơi làm ngân hàng và tăng tiền tiết kiệm cho mình mà không cần bỏ ra nhiều sức lực. Lưu lượng tiền mặt kiếm được từ 30.000 đô này được minh họa như sau:
Tumblr media
Từ sơ đồ này, tôi có thể rút ra nhiều điều thú vị:
1. Tôi quyết định mức lãi suất cho số tiền 30.000 đô đó. Thường thường mức lãi suất là 10%. Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều không trả bạn quá 5% trên tài khoản tiết kiệm của bạn. Cho nên, cho dù tôi đã dùng 10.000 đô của chính mình để trả trước, mà điều này tôi đã dùng 10.000 đô của chính mình để trả trước, mà điều này tôi thường cố né được chừng nào tốt chừng đó, lãi suất thu được cũng vẫn cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho tôi.
2. Điều đó cũng giống như tạo ra 20.000 đô (tức là 30.000 đô lời trừ đi 10.000 đô trả trước) không có trước đây. Cũng như cách làm của ngân hàng vậy, ngân hàng tạo ra một tài sản và thu lãi suất trên nó.
3. Số tiền 20.000 đô này lại hoàn toàn được miễn thuế. Đối với một người trung bình ở nhóm L, để có thể để dành được 20.000 đô người đó ít nhất cũng phải có mức lương tối thiểu là 40.000 đô. Nhưng với mức thu nhập đó lại bị thuế đến 50%, tức là chính phủ sẽ lấy trước 50% thuế thu nhập trước khi bạn thấy được nó.
4. Mọi thuế tài sản, tiền bảo trì và chi phí quản lý giờ đây thuộc trách nhiệm của người mua, bởi v�� tôi đã bán tài sản đó cho người
5. Và còn nhiều thứ khác nữa. Nhiều điều sáng tạo có thể được thực hiện ở phía bên phải tứ đồ nhằm tạo ra tiền mà không cần nhiều tiền, chỉ bằng cách chơi vị trí của ngân hàng trong cuộc chơi.
Một giao dịch như thế có thể mất từ một tuần đến cả tháng mới thực hiện xong. Vấn đề là đối với hầu hết mọi người sẽ mất bao lâu mới kiếm thêm được 40.000 đô thu nhập, mà từ đó họ có thể để dành được 20.000 đô sau khi trả thuế và mọi chi phí khác trong quá trình tạo ra thu nhập đó?
BẢO VỆ NGUỒN THU NHẬP
Trong Dạy con làm giàu tập 1, tôi đã trình bày tóm tắt tại sao người giàu sử dụng hình thức công ty.
1. Bảo vệ tài sản. Nếu bạn giàu có, mọi người sẽ có xu hướng tước đoạt của cải của bạn bằng kiện tụng. Hiện tượng đó được gọi là: “Tìm kiếm kẻ có tiền”. Người giàu thông thường không sở hữu một thứ gì cả nghĩa là không đứng tên của mình. Tài sản của họ được giữ trong những tổ hợp ủy thác hay công ty để bảo vệ.
2. Bảo vệ thu nhập. Khi chuyển nguồn thu nhập từ tài sản đi qua công ty của mình, đa phần số thu nhập đó được bảo vệ không bị chính phủ đánh thuế. Một thực tế phũ phàng là: Khi bạn là người làm công, chu kỳ thu nhập của bạn sẽ là:
KIẾM TIỀN – BỊ ĐÁNH THUẾ - TIÊU XÀI
Là người làm công, thu nhập của bạn sẽ bị thuế và bị trừ đi trước khi bạn lãnh lương. Cho nên, nếu một người làm công lãnh lương 30.000 đô mỗi năm, ngay thời điểm có sự can thiệp của chính phủ, mức lương đó chỉ còn lại 15.000 đô. Với số tiền 15.000 đô này, bạn còn phải trả nợ nhà (Nhưng dù sao, bạn cũng có thể khai giảm thuế với khoản lãi suất trả nợ, mà chính từ điều đó, ngân hàng đã thuyết phục bạn nên mua một căn nhà lớn hơn).
Thế nhưng nếu bạn chuyển nguồn thu nhập qua hình thức công ty trước, chu kỳ thu nhập của bạn sẽ như sau:
KIẾM TIỀN – TIÊU XÀI – ĐÓNG THUẾ
Khi chuyển thu nhập 30.000 đô bạn kiếm được qua doanh nghiệp của mình, bạn có thể “chi tiêu” hết số tiền đó trước khi chính phủ có thể đụng đến chúng. Nếu bạn làm chủ một doanh nghiệp, bạn có quyền đặt ra luật chơi cho chính mình, một khi những quy tắc đó phải tuân theo các đạo luật thuế vụ.
Chẳng hạn, nếu bạn có thể đặt ra quy tắc, bạn có thể tạo thành chính sách của công ty mà trong đó chi phí nuôi trẻ là một phần trong gói lương trả cho nhân viên của công ty. Công ty có thể trả mỗi tháng 400 đô cho tiền nuôi trẻ trước khi trả thuế. Nếu bạn trả số tiền đó sau khi trả thuế, bạn cần phải kiếm nhiều hơn để có thể trang trải cùng một khoản chi phí đó với số tiền kiếm được sau thuế. Bản liệt kê nhưng chi phí đại loại thì dài và những yêu cầu lại đặc biệt cụ thể tùy theo tình huống mà chỉ có người chủ doanh nghiệp có thể tận dụng được, chứ người làm công sẽ không bao giờ có. Ngay cả những chi phí đi lại hay du lịch cũng có thể được tiêu xài trước thuế một khi bạn có thể chứng minh được chuyến du lịch đó là phục vụ cho công việc kinh doanh của bạn (ví dụ như cuộc họp hội đồng quản tri). Chỉ cần đảm bảo tuân theo các quy tắc và luật lệ. Ngay cả các kế hoạch hưu trí đối với một chủ doanh nghiệp cũng rất khác với của người làm công. Khi nêu lên các vấn đề này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng dù gì bạn cũng phải tuân theo các quy định pháp luật về thuế đối với những khoản chi phí hợp lý. Tôi tin tưởng vào việc sử dụng các khoản chi phi hợp lệ được bộ luật thuế cho phép giảm trừ, chứ tôi không bao giờ khuyến khích chuyện vi phạm pháp luật.
Một lần nữa, chìa khóa để có thể tận dụng được những cơ hội đó lại chính là vị trí nào trên tứ đồ bạn đang đứng. Nếu tất cả thu nhập của bạn đều kiếm được như một người làm công cho một công ty mà bạn không có quyền làm chủ hay kiểm soát, thế thì có rất ít cơ hội bảo vệ thu nhập hay tài sản dành cho bạn.
Đó là lý do tại sao mà tôi đề nghị nếu như bạn là người làm công, bạn cứ việc giữ công việc của mình, nhưng hãy bắt đầu dành thời gian cho những nhóm C hay Đ. Con đường dẫn đến sự tự do nhanh chóng chỉ có thể đi qua hai nhóm này. Để có thể cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chánh, bí quyết là nên kiếm thu nhập từ hai nhóm trở lên.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 9: HÃY LÀ NGÂN HÀNG, CHỨ ĐỪNG LÀM KẺ LÀM CÔNG CHO NGÂN HÀNG (P1/3)
Tumblr media
 Tôi đã tập trung vào yếu tố TRỞ THÀNH trong công thức: TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – ĐẠT TỚI, bởi vì nếu không có thái độ suy nghĩ, tư duy thích hợp, bạn sẽ không thể chuẩn bị cho những biến động kinh tế to lớn đang xảy ra trước mắt chúng ta trong ngày hôm nay. Bằng cách trở thành một người có những kỹ năng và lối suy nghĩ của nhóm người bên phải tứ đồ, bạn sẽ được chuẩn bị để nhận biết những cơ hội phát sinh từ những thay đổi đó và sẵn sang HÀNH ĐỘNG để có thể ĐẠT TỚI sự thành công về tài chính.
Tôi nhớ lại cú điện thoại người bố giàu gọi cho tôi vào cuối năm 1986:
“Hiện con có đầu tư trong thị trường địa ốc hay chứng khoán không?” Người hỏi.
“Không có bố ạ”, tôi trả lời. “Con hiện đang tập trung đầu tư xây dựng doanh nghiệp kinh doanh của con”.
“Tốt”, Người đáp. “Hãy tránh xa các thị trường. Cứ tiếp tục xây dựng việc kinh doanh của con. Một biến động lớn sẽ xảy ra nay mai
Vào năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cải tổ thuế năm 1986. Trong vòng 43 ngày liên tục, Quốc hội đã lấp kín những kẽ hở luật pháp về thuế mà mọi người thường dùng để giảm thuế. Đối với người đang tận dụng “những khoản lỗ thụ động” từ các đầu tư bất động sản để trừ vào thu nhập, bỗng nhiên họ vẫn còn những khoản lỗ ấy nhưng không được dùng để khai giảm thuế thu nhập. Khắp toàn nước Mỹ, thị trường địa ốc bắt đầu trượt giá thê thảm, nhiều nơi giảm giá tới 70%. Bất động sản bất thình lình trị giá thấp hơn số nợ mua nhà thế chấp. Toàn bộ thị trường địa ốc chấn động và hoảng loạn. Các ngân hàng bắt đầu rung rinh, và nhiều người nối tiếp nhau bị phá sản. Mọi người lại không thể rút tiền ra khỏi ngân hàng, và từ đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào tháng 10 năm 1987. Cả thế giới lập tức bị lâm vào sự khủng hoảng tài chính.
Đạo luật cải tổ thuế năm 1986, về mặt cơ bản, đã lấp kín những kẽ hở về thuế mà nhiều người có thu nhập cao thuộc nhóm L hay T nằm bên trái tứ đồ đều dựa vào. Nhiều người trong số họ đầu tư vào địa ốc hoặc những hình thức đối tác trách nhiệm hữu hạn nhằm tận dụng những khoản lỗ này để trừ vào thu nhập kiếm được từ nhóm L hay T. Trong khi sự khủng hoảng và suy thoái có ảnh hưởng tới những người thuộc các nhóm bên phải tứ đồ, tức nhóm C hay Đ, nhiều cơ chế trốn thuế của họ vẫn không bị tác động và thay đổi.
Trong suốt giai đoạn này, những người nhóm L đã học được thêm một từ mới. Đó là từ downsizing – sa thải nhân công để thu hẹp kinh doanh. Chẳng bao lâu họ nhận ra rằng một sự sa thải nhân công lớn được tuyên bố, giá cổ phiếu của những công ty tuyên bố sa thải lại tăng lên. Thật buồn thay, có rất nhiều người không chịu hiểu lí do tại sao lại như vậy. Nhiều người thuộc nhóm T, trong khi đó phải vật lộn để tồn tại qua cuộc khủng hoảng do sự giảm sút kinh doanh, tỷ giá bảo hiểm lại mắc, cũng như từ các khoản lỗ đầu tư trên thị trường địa ốc và chứng khoán gây ra. Hậu quả là những cá nhân chỉ biết tập trung ở những nhóm bên trái tứ đồ bị tổn thương và lãnh hậu quả nặng nề nhất về mặt tiền bạc do bị ảnh hưởng trực tiếp từ đạo luật cải tổ thuế năm 1987.
SỰ CHUYỂN GIAO CỦA CẢI
Trong khi những người bên trái tứ đồ lãnh hậu quả thiệt hại, nhiều người ở nhóm C và Đ lại giàu lên nhờ chính phủ đã lấy đi của cải của người khác và chuyển giao cho họ.
Khi thay đổi luật thuế, những người chỉ biết mua địa ốc để mất tiền không còn được cho phép sử dụng những đầu tư với các “mánh khóe giảm thuế”. Nhiều người là những công chức có thu nhập cao, hay chuyên gia như bác sĩ, luật sư, kế toán viên và chủ doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, họ có nhiều thu nhập đến nỗi các chuyên gia tài chính cố vấn họ nên mua bất động sản để mất tiền, sau đó nhảy vào đầu tư chứng khoán với số tiền còn dư. Khi chính phủ lấp kín mọi kẽ hở thông qua đạo luật cải tổ thuế… một trong những cuộc chuyển giao của cải của thời đại bắt đầu. Theo tôi, nhiều của cải từ nhóm L và T được chuyển qua nhóm C và Đ trên tứ đồ.
Khi các ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng cho vay, và nhiều công ty tài chính cho mượn các khoản vay khó đòi nợ, bị sập tiệm, hàng tỷ đô nằm trong các tài khoản ngân hàng có nguy cơ mất trắng. Tiền phải được trả lại. Như vậy, ai sẽ là người phải gánh số lỗ hàng tỷ đô đó trong các ngân hàng tiết kiệm hay những đấu giá địa ốc để trang trải nợ? Dĩ nhiên chỉ là người trả thuế, mà chính những người đó đã bị tổn thương quá đủ nặng rồi. Vậy mà những công dân trả thuế vẫn còn bị mắc nợ với số lỗ hàng tỷ đô đó – một sự trả giá cho một sự cải tổ đạo luật thuế vụ.
Một vài bạn có lẽ vẫn còn nhớ một công ty quốc doanh gọi là Công ty Ủy thác Giải quyết tranh chấp người (Resolution Trust Corporation – RTC), chuyên đảm nhiệm thực hiện các cuộc đấu giá bán tài sản để thanh toán nợ từ những công ty kinh doanh địa ốc bị suy sụp, và giao các tài sản địa ốc này cho những người biết cách quản lý chúng. Đối với tôi và nhiều người bạn của tôi, cơ hội đó thật hiếm có trong thế giới tài chính.
Tiền bạc, bạn nên nhớ lại điều tôi nói trước đây, được nhìn thấy bằng đầu óc chứ không phải bằng mắt. Trong giai đoạn khủng hoảng này, cảm xúc đã lấn át và che khuất hết tầm nhìn lô-gíc của mọi người. Mọi người chỉ thấy những gì họ được dạy. Có ba hiện tượng xảy ra với những người ở phía bên trái tứ đồ.
1. Đâu đâu cũng tràn ngập sự hoảng loạn. Khi cảm xúc chiếm ưu thế, sự thông minh tài chính biến mất. Bởi vì mọi người quá lo lắng về công ăn việc làm, về giá trị tài sản của họ bị sụt giảm,về cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán và tình hình kinh doanh suy thoái, họ không thấy được vô số cơ hội to lớn đang nằm ngay trước mũi họ. Những suy nghĩ cảm tính đã che mất sự khôn ngoan của họ. Thay vì tiến tới trước và tìm cách vượt qua, hầu hết mọi người lại chạy nháo nhào vào trong hang trú ẩn và trốn tránh.
2. Họ thiếu những kỹ năng cần có để tồn tại ở thế giới bên phải của tứ đồ. Cũng như một vị bác sĩ phải có được trình độ chuyên môn sau những năm thực tập trong trường lớp và trong công việc, một người trong nhóm C và Đ cũng  phải có những kỹ năng chuyên môn già dặn. Những kỹ năng đó chính là sự hiểu biết về tiền bạc, cách sắp xếp nợ, cách điều chỉnh giá bán, ai là thị trường của mình, làm thế nào để gọi vốn và những kỹ năng có thể học hỏi khác. Khi RTC tuyên bố, “Chúng tôi rao bán một số tài sản địa ốc của một ngân hàng từng trị giá 20 triệu đô… nhưng hôm nay chỉ bán với giá 4 triệu đô”, hầu hết mọi người ở bên trái tứ đồ chẳng biết làm sao có được 4 triệu đô để mua lại cơ hội ngàn vàng đó, hoặc chẳng biết phân biệt đâu là một giao dịch hời và đâu là một giao dịch kém.
3. Họ không có một công cụ làm ra tiền. Hầu hết mọi người trong giai đoạn này phải làm việc cực nhọc hơn để có thể tồn tại. Khi hoạt động như một người nhóm C, việc kinh doanh của tôi có thể mở rộng mà không đòi hỏi tôi bỏ nhiều công sức. Và khoảng năm 1990, việc kinh doanh của tôi sinh lời và phát triển. Trong giai đoạn này, công ty của tôi đã phát triển thêm 11 chi nhánh khác trên toàn thế giới. Công ty càng mở rộng chừng nào, tôi lại càng ít làm việc chừng nấy trong khi tôi càng kiếm nhiều tiền hơn. Cả hệ thống và những người trong hệ thống ấy đều làm việc cần mẫn. Có thêm thu nhập và thời gian rảnh rỗi, hai vợ chồng có thể dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm những “cơ hội” khác… và có rất nhiều cơ hội trong đời.
ĐÂU LÀ GIAI ĐOẠN TỐT NHẤT… ĐÂU LÀ GIAI ĐOẠN XẤU NHẤT
Có một câu nói như vầy, “Không phải những gì xảy ra trong một đời người là quan trọng… mà chính là ý nghĩa mà người đó làm cho những điều đó xảy ra mới quan trọng”.
Đối với một số người, giai đoạn từ năm 1986 đến 1996 là giai đoạn tồi tệ nhất trong đời họ. Thế nhưng với những người khác, đó là giai đoạn tuyệt vời nhất. Khi tôi nhận cú điện thoại từ người bố giàu vào năm 1986, tôi đã nhận ra ngay những cơ hội hết sức tuyệt vời mà những biến động kinh tế đã mang lại cho tôi. Cho dù tôi không có nhiều tiền vào lúc đó, tôi vẫn có thể tạo ra tài sản bằng cách sử dụng những kỹ năng của tôi như một người thuộc nhóm C và Đ. Trong phần sau của chương này, tôi sẽ mô tả chi tiết hơn làm thế nào tôi có thể tạo ra những tài sản đã giúp tôi đạt tới sự tự do về mặt tài chính.
Một trong những chìa khóa của sự thành công và hạnh phúc trong đời chính là sự năng động và linh hoạt đủ để phản ứng kịp thời với bất cứ những thay đổi nào xảy ra với bạn – đó chính là khả năng hành động và tạo ra cơ hội sinh lời từ bất cứ tình huống nào. Điều không may là hầu hết một người không được trang bị đủ để xử lý trước những biến động kinh tế chóng mặt đã và đang tiếp tục xảy ra. Con người có một tính cách may mắn bẩm sinh là luôn lạc quan và có khả năng quên đi mọi chuyện. Khoảng 10 đến 12 năm sau, mọi người sẽ quên đi… và mọi việc lại thay đổi.
LỊCH SỰ LẶP LẠI
Ngày nay, mọi người đã quên ít nhiều về đạo luật cải tổ thuế năm 1986. Những người thuộc nhóm L và T lại càng làm việc quần quật hơn bao giờ hết. Tại sao vậy? Bởi vì những kẽ hở giảm thuế đã không còn được phép sử dụng nữa. Khi họ làm việc cực hơn để lấy lại những gì đã mất, nền kinh tế được phục hồi, thu nhập họ tăng lên, và các chuyên viên kế toán lại bắt đầu thì thầm vào tai họ những lời tư vấn cũ: “Hãy đi mua một ngôi nhà lớn hơn. Lãi suất trả nợ mua nhà là khoản trừ thuế thu nhập hiệu quả nhất. Hơn nữa ngôi nhà của bạn là tài sản và đó là khoản đầu tư lớn nhất mà bạn nên có”.
Rồi thì những người này bị lôi cuốn bởi những “khoản trả góp hàng tháng dễ dàng”, và họ càng bị mắc nợ nhiều hơn.
Thị trường địa ốc bùng nổ, mọi người có nhiều thu nhập dư dả hơn, còn lãi xuất vay thì lại thấp. Mọi người đi mua những căn nhà lớn hơn với tâm trạng thoải mái, và đổ tiền vào thị trường chứng khoán vì họ muốn làm giàu nhanh và nhận ra nhu cầu đầu tư cho cuộc sống về hưu sau này.
Theo tôi, một sự chuyển giao của cải vĩ đại sẽ tái diễn. Sự chuyển giao đó có thể sẽ không xảy ra năm nay, nhưng nó chắc chắn sẽ lặp lại. Thế nhưng hiện tượng đó sẽ không xảy ra theo cách cũ mà dưới một hình thức khác. Đó là lý do tại sao người bố giàu đã buộc tôi tìm đọc những quyển sách về lịch sử kinh tế. Các lý thuyết kinh tế có thể thay đổi, nhưng lịch sử sẽ lặp lại. Dĩ nhiên, lịch sử không nhất thiết tái diễn trong cùng một tình huống hay bối cảnh.
Tiền bạc vẫn tiếp tục tuôn chảy từ phía bên trái sang phía bên phải của tứ đồ. Điều đó đã, đang và sẽ luôn luôn xảy ra. Nhiều người mắc nợ khủng khiếp, nhưng họ vẫn đổ tiền vào cuộc bùng nổ thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch sử loài người. Những người ở phía bên phải tứ đồ vẫn sẽ bán cổ phiếu ra ở mức giá cao trên thị trường, ngay khi những người cẩn thận cuối cùng đã vượt qua nỗi sợ của mình và nhảy vào thị trường. Một hiện tượng mới sẽ xảy ra, thị trường sẽ sụp đổ, và khi mọi đất cát từ trận sụp đổ đó lắng dịu, các nhà đầu tư sẽ nhảy vào cuộc chơi trở lại. Họ sẽ mua lại những gì họ vừa mới bán. Cứ thế, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao của cải vĩ đại khác từ bên trái sang bên phải tứ đồ.
Những người mất tiền sẽ mất ít nhất 12 năm để hàn gắn những vết thương cảm xúc đó… nhưng khi vết thương vừa hồi phục một sự bùng nổ thị trường khác sẽ xảy ra.
Vào lúc đó, mọi người sẽ bắt đầu truyền miệng câu nói của Yogi Berram, một cầu thủ bóng chày vĩ đại của New York: “Điều đó y hệt như sự nhàm chán”.
ĐÓ CÓ PHẢI LÀ MỘT ÂM MƯU THÔNG ĐỒNG?
Tôi thường nghe mọi người, nhất là những người thuộc phía bên trái tứ đồ, cho rằng có một âm mưu thông đồng toàn cầu giữa các đại gia tỷ phú nhằm kiểm soát các ngân hàng. Những lý thuyết thông đồng ngân hàng đó có một thời rất phổ biến.
Có sự thông đồng hay không? Tôi không biết. Có thể có một âm mưu thông đồng hay không? Có thể lắm chứ. Tôi biết có những gia đình quyền lực kiểm soát hàng núi tiền. Thế nhưng có một nhóm nào kiểm soát thế giới hay không? Tôi không nghĩ vậy.
Tôi nhìn vấn đề một cách khác. Tôi nhận thấy vấn đề ít nhiều gì cũng là vấn đề giữa một nhóm người ở bên tứ đồ có lối suy nghĩ khác hẳn với một nhóm người khác ở bên kia tứ đồ. Tất cả họ đều chơi chung một cuộc chơi tiền bạc lớn, thế nhưng các nhóm đều chơi với quan điểm và quy tắc rất khác nhau.
Vấn đề chủ yếu là những người ở phía bên trái không thể thấy những gì mà nhóm bên phải đang làm, trong khi nhóm bên phải lại biết rõ nhóm bên trái đang làm gì.
SĂN LÙNG PHÙ THỦY
Nhiều người bên trái tứ đồ, thay vì đi tìm hiểu nhóm bên phải, lại quay ra săn lùng phù thủy. Chỉ cách đây một vài thế kỷ, khi có dịch hạch hay một hiện tượng bất thường xảy ra trong dân, dân làng sẽ họp nhau đi săn lùng phù thủy. Họ cần tìm một người nào đó để đổ lỗi cho hoàn cảnh khốn khổ của mình. Khi mà khoa học chưa phát minh ra kính hiển vi để có thể nhìn thấy vi trùng mà mắt thường không thể thấy, người ta đi đổ lỗi cho người khác đã gây ra bệnh tật với họ. Họ thiêu sống những người mà họ cho là phù thủy để giải quyết vấn đề. Họ đâu biết rằng phần lớn bệnh tật gây ra là do những người thành thị sống dơ dáy, không biết cách xử lý rác hợp vệ sinh. Con người đã tự gây ra bệnh tật cho chính mình vì lối sống mất vệ sinh, dơ bẩn… chứ không phải do những phù thủy.
Vậy hiện tượng săn lùng phù thủy đó vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đ��i. Nhiều người tìm kiếm một người nào đó để đổ lỗi cho sự nghèo nàn của mình. Những người này thường đổ thừa hoàn cảnh nghèo túng của mình là do bọn nhà giàu, mà không chịu nhận ra rằng chính sự ngu dốt thông tin của mình về tiền bạc mới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính đó.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 8: TÔI LÀM GIÀU BẰNG CÁCH NÀO? (P3/3)
Tumblr media
TỪ BỎ CÔNG VIỆC AN TOÀN CỦA MÌNH
Mike, bạn tôi có một hệ thống thuộc về mình. Bố của anh đã xây dựng nên nó. Riêng tôi không có được cơ may đó. Tôi biết rõ một ngày nào đó, tôi sẽ phải rời bỏ sự tiện nghi và an toàn của tổ ấm để bắt tay xây dựng một hệ thống cho riêng mình.
Vào năm 1978, tôi từ bỏ công việc toàn thời gian ở tập đoàn Xerox, và bước tới mà không hề có một hậu thuẫn an toàn nào ở phía sau. Sự  sợ hãi, sự nghi ngờ bắt đầu xuất hiện và gào thét trong đầu tôi. Tôi có cảm giác sợ hãi gần như tê liệt khi tôi ký vào lá đơn xin nghỉ việc, lãnh tháng lương cuối cùng và bước ra khỏi cửa. Trong tôi lúc ấy như có một dàn hợp xướng của những suy nghĩ, những cảm giác tự hủy hoại cứ ồn ào và gay gắt lên án tôi đến mức tôi không thể nghe được một điều gì khác. Điều đó lại tốt thôi, bởi vì rất nhiều đồng nghiệp của tôi đều nói, “Hắn sẽ quay trở lại. Hắn sẽ không bao giờ làm được”.
Khốn khổ ở chỗ là chính bản thân tôi cũng nói điều đó với mình. Những lời nói cảm tính đầy hoài nghi đó đã ám ảnh, theo đuổi tôi trong nhiều năm cho tới khi hai vợ chồng tôi thành công ở nhóm C và Đ. Ngày nay, tôi vẫn còn nghe những dư âm đó, chỉ có điều chúng không mạnh tác động đến tôi nữa. Trong quá trình đương đầu với sự hoài nghi của mình, tôi đã học cách tạo ra những từ ngữ khác, những lời động viên tinh thần cá nhân, chẳng hạn như: “Hãy giữ bình tĩnh, suy nghĩ rõ ràng, mở rộng đầu óc của mình, tiếp tục đi tới; hỏi ý kiến một người đã đi trước mình để được hướng dẫn, tiếp thêm sự tự tin, và ấp ủ ngọn lửa niềm tin sẽ đạt được những điều tốt nhất”.
Tôi đã học cách tạo ra những câu nói động viên đó bên trong mình, mặc dù một phần con người tôi vẫn còn sợ hãi và khiếp đảm.
Tôi biết rằng lần đầu tiên tôi sẽ có rất ít cơ hội thành công. Thế nhưng, những cảm xúc tích cực của con người như niềm tin, lòng can đảm và những người bạn tốt đã đẩy tôi tiến tới trước. Tôi biết tôi phải đương đầu với rủi ro. Tôi biết rủi ro sẽ dẫn đến sai lầm, và sai lầm sẽ dẫn đến trí thông minh và kinh nghiệm mà tôi đang còn thiếu cả hai. Đối với tôi, thất bại sẽ làm cho nỗi sợ hãi chiến thắng, cho nên tôi sẵn sàng tiến tới trước mà không cần nhiều bảo đảm cho hậu thuẫn ở phía sau. Người bố giàu đã tiêm nhiễm tôi quan điểm: “Thất bại chỉ là một phần của quá trình thành công”.
CUỘC HÀNH TRÌNH NỘI TÂM
Cuộc hành trình từ nhóm này sang nhóm khác thực ra chỉ là cuộc hành trình nội tâm. Đó là một chuyến đi từ những niềm tin gốc rễ và hiểu biết của nhóm này sang một hệ thống quan điểm, suy nghĩ và hiểu biết mới của nhóm khác. Quá trình đó không khác gì với việc tập đạp xe. Lúc đầu bạn sẽ té lên té xuống nhiều lần, cảm thấy hơi sợ hãi và bối rối, nhất là khi có bạn bè đứng đó coi bạn tập. Nhưng sau một thời gian, bạn không còn ngã nữa và việc chạy xe trở nên một phản xạ của bạn. Nế bạn có té, điều đó chẳng hề hấn gì bởi vì bạn thừa biết bạn sẽ đứng dậy và chạy tiếp. Quá trình đó cũng áp dụng tương tự khi bạn đi từ quan niệm về sự an toàn ổn định của công việc đến quan niệm về sự tự do tiền bạc. Một khi hai vợ chồng tôi vượt qua được, chúng tôi càng ít sợ thất bại hơn bởi vì chúng tôi rất tự tin vào khả năng của mình sẽ đứng dậy và đi tiếp.
Bản thân tôi luôn tâm niệm hai câu nói để giúp tôi luôn tiến tới trước. Một là lời khuyên của người bố giàu, khi tôi đang có nguy cơ thối chí và bỏ cuộc: “Con có thể bỏ cuộc lúc nào cũng được... vậy tại sao lại bỏ cuộc ngay bây giờ?”.
Lời khuyên đó đã nâng tinh thần, ý chí của tôi lên và làm cho các cảm xúc trở nên điều hòa, điềm tĩnh. Câu nói đó nhắc nhở tôi đã đi được nửa đoạn đường... vậy tại sao tôi phải quay trở lại một khi đoạn đường đi tới và đoạn đường quay về nhà đều dài bằng nhau? Điều đó có khác nào Columbus đã vượt qua Đại Tây Dương để rồi quay trở lại?
Một điều bạn nên cẩn thận: Sự khôn ngoan là biết khi nào nên bỏ cuộc. Tôi thường gặp nhiều người quá cố chấp, họ vẫn cứ cố bám vào một dự án mà không hề có cơ hội thành công nào. Vấn đề biết khi nào rút tay và khi nào đi tiếp là một câu đố muôn đời mà bất cứ người nào dám đương đầu với rủi ro cũng đều phải đối mặt. Một cách giải quyết vấn đề đó là tìm lời khuyên, hướng dẫn của những người đỡ đầu đã đi trước mình và đã thành công. Một người đỡ đầu như thế, vốn đang ở phía bên phải tứ đồ có thể hướng dẫn bạn hiệu quả nhất. Nhưng hãy nên cẩn thận với lời khuyên của một người chỉ đọc sách và được trả tiền để đi thuyết giảng về cách xé rào từ bên này qua bên kia. Một câu khác luôn động viên tôi đi tới là:
“Những người khổng lồ thường đi tới và té ngã
Nhưng những con sâu thì lại không, bởi vì
Chúng chỉ đào đất và bò tới”.
Nguyên nhân chính khiến cho nhiều người gặp khó khăn với tiền bạc không phải vì thiếu học thức hay lười biếng, mà đó là vì họ sợ bị thua. Nhưng nếu họ dừng lại và bỏ cuộc chỉ vì sợ thua, bản thân họ đã thua cuộc mất rồi.
NHỮNG NGƯỜI THUA CUỘC CẮT BỎ CHIẾN THẮNG CỦA MÌNH VÀ CỐ BÁM VÀO LỖ
Nỗi sợ trở thành người thua cuộc thường khiến nhiều người có những hành động kỳ lạ. Tôi từng thấy nhiều người mua một cổ phiếu ở giá 20 đô, nhưng khi giá tăng lên 30 đô họ liền bán ra ngay bởi vì họ sợ mất số lời mà họ kiếm được. Thực tế, giá cổ phiếu đó cứ tăng lên tới 100 đô, chẻ[14] ra rồi leo tới mức 100 đô một lần nữa.
Cũng người đó, mua cổ phiếu ở giá 20 đô, nhưng khi giá giảm xuống chỉ còn 3 đô, họ vẫn cứ cố giữ cổ phiếu ấy với hy vọng giá sẽ tăng trở lại, và họ cứ giữ cổ phiếu đó ở giá 3 đô trong suốt 20 năm trời. Đó chính là ví dụ về một người bị mất tiền, hay thừa nhận mình bị lỗ, mà trong thực tế, họ thực sự bị lỗ nặng.
NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG CẮT LỖ VÀ TẬN DỤNG CHIẾN THẮNG
Những người chiến thắng lại hành động hoàn toàn ngược lại. Thông thường, khi họ biết mình đang bị lỗ, tức là khi giá cổ phiếu bắt đầu giảm thay vì tăng lên, họ bán chúng ngay lập tức và chấp nhận lỗ. Hầu hết những người này không mặc cảm khi thú thật mình bị lỗ, bởi vì họ biết rằng thất bại chỉ là một phần của quá trình đi đến chiến thắng.
Khi họ mua được một cổ phiếu giá tăng, họ cứ để yên cho cổ phiếu đó tăng đến mức tối đa. Khi họ biết sự tăng giá đã đụng trần, họ liền bán cổ phiếu ra ngay.
Mấu chốt để trở thành một nhà đầu tư lớn là cần phải điềm tĩnh trước mọi thắng thua. Khi đó, bạn sẽ không còn bị chi phối và tác dụng bởi những suy nghĩ cảm tính phát sinh từ sự tham lam và nỗi sợ hãi.
NHỮNG NGƯỜI THUA CUỘC ĐỀU HÀNH ĐỘNG TƯƠNG TỰ TRONG ĐỜI
Những người sợ bị thua cuộc thường hành động tương tự trong đời thực. Chúng ta đều biết có những người như thế.
1. Những người cứ bám vào một cuộc hôn nhân mà không có sự hiện diện của tình yêu.
2. Những người cứ bám vào những công việc tẻ nhạt và không có lối thoát.
3. Những người cứ để dành quần áo cũ hay những thứ mà không bao giờ dùng tới.
4. Những người chịu sống ở những nơi mà họ biết không có tương lai cho họ.
5. Những người cứ chơi với những người bạn luôn kềm hãm họ lại.
SỰ THÔNG MINH CẢM TÍNH CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC
Sự thông minh tài chính thường gắn liền với sự thông minh cảm tính. Theo tôi, phần lớn mọi người gặp khó khăn về tài chính là vì họ đã để cho cảm xúc chi phối suy nghĩ của mình. Chúng ta đều là con người, và ai ai trong chúng ta cũng đều có chung những cảm xúc. Thế nhưng, sự khác biệt giữa chúng ta ở những gì chúng ta “HÀNH ĐỘNG” và “ĐẠT ĐƯỢC” chính là cách phản ứng và xử lý của chúng ta trước những cảm xúc đó.
Chẳng hạn, cảm giác sợ hãi có thể biến một số người trong chúng ta thành những tên hèn nhát. Nhưng cũng cảm giác sợ hãi đó có thể khiến cho nhiều người khác trở nên can đảm và gan dạ. Điều không may là khi đụng đến tiền bạc, hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta đều được huấn luyện chỉ để trở thành những người hèn nhát. Khi nỗi sợ bị mất tiền xuất hiện và lên cao trào, đầu óc của mọi người bắt đầu vang lên những câu tụng lặp đi lặp lại:
1. Ổn định an toàn thay vì sự tự do.
2. Né tránh rủi ro thay vì học cách quản lý rủi ro.
3. Chơi an toàn thay vì chơi khôn ngoan.
4. Tôi không mua nổi nó thay vì Làm thế nào tôi mua nổi nó?
5. Đồ đó quá mắc thay vì Thứ đó trị giá bao nhiêu về dài hạn?
6. Đa dạng hóa thay vì tập trung.
7. Bạn bè tôi sẽ nghĩ gì? thay vì Tôi nghĩ gì?
SỰ KHÔN NGOAN VỀ RỦI RO
Có một môn học về cách đương đầu với rủi ro, nhất là những rủi ro tài chính. Một trong những quyển sách tuyệt vời nhất về đề tài tiền bạc và quản lý rủi ro mà tôi từng đọc là quy định “Mua bán để kiếm sống” của bác sĩ Alenxander Elder.
Mặc dù quyển sách đó dành riêng cho những người kinh doanh chuyên nghiệp về cổ phiếu và quyền mua bán cổ phiếu, sự khôn ngoan về rủi ro và quản lý rủi ro có thể áp dụng trên mọi lĩnh vực tiền bạc, quản lý tiền bạc, tâm lý học cá nhân và đầu tư. Một trong những nguyên nhân khiến cho những người nhóm C thành công lại không luôn thành công ở nhóm Đ là vì họ không hiểu được hoàn toàn tâm lý thực sự nằm sau việc rủi ro tiền bạc. Trong khi những người nhóm C hiểu về rủi ro trên khía cạnh hệ thống kinh doanh và con người, kiến thức đó không nhất thiết áp dụng thành công vào những hệ thống tiền bạc tạo ra
MANG TÍNH CẢM XÚC HƠN LÀ KỸ THUẬT
Nói tóm lại, con người đi từ thế giới bên trái sang thế giới bên phải của tứ đồ nghiêng về mặt cảm tính hơn là kỹ thuật. Nếu mọi người không thể kiểm soát được những suy nghĩ cảm tính của mình, tôi đề nghị đừng nên làm cuộc hành trình đó.
Lý do khiến cho mọi thứ ở phía bên phải tứ đồ trông có vẻ mạo hiểm, rủi ro đối với những người ở phía bên trái, là vì cảm giác sợ hãi thường ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Những người bên trái cho việc “chơi an toàn” là một suy nghĩ lô-gíc, thế nhưng nó không phải vậy. Đó là một suy nghĩ mang tính cảm xúc. Và chính suy nghĩ cảm tính kiểu đó đã kềm hãm mọi người bị kẹt mãi vào nhóm này hay nhóm khác.
Những hành động của những người ở phía bên phải không phức tạp và khó khăn. Tôi hoàn toàn thật lòng cho bạn biết những hành động ấy cũng dễ như việc bạn đi mua bốn căn nhà màu xanh với giá thấp, chờ đợi thị trường chuyển mình, bán chúng đi và mua một tòa nhà màu đỏ.
Đối với những người thuộc thế giới bên phải tứ đồ, cuộc sống thực sự chẳng khác gì trò chơi Tỷ Phú. Dĩ nhiên, có thắng có thua, nhưng tất cả điều đó chỉ là một phần của trò chơi. Thắng thua là một phần của cuộc sống. Để thành công ở phía bên phải tứ đồ, cần phải “TRỞ THÀNH” một con người yêu thích cuộc chơi đó. Số lần thua cuộc của Tiger Woods nhiều hơn chiến thắng của anh ta, thế nhưng anh vẫn đam mê chơi gôn. Thất bại chỉ càng làm cho ông khôn ngoan hơn và dứt khoát hơn. Nhiều tỷ phú, triệu phú thường phá sản trước khi trở nên giàu có. Đó chỉ là một phần của cuộc chơi.
Nếu một người để cho cảm giác suy nghĩ giùm mình, những suy nghĩ cảm tính đó sẽ làm mù mắt người đó, không nhìn ra được những điều khác. Đó là vì chính những suy nghĩ cảm tính quỵ lụy đó đã khiến cho con người phản ứng mà lẽ ra họ nên suy nghĩ lại. Chính những cảm xúc đó đã khiến cho những người ở những nhóm khác nhau thường xuyên tranh luận và mâu thuẫn với nhau. Những mâu thuẫn đó thường phát sinh do con người không có cùng một quan điểm về mặt cảm xúc. Chính sự phản ứng theo cảm tính đã ngăn cản không cho một người thấy được mọi việc ở phía bên phải tứ đồ thường đơn giản, dễ dàng và rất ít rủi ro. Nếu một người không thể kiểm soát được những suy nghĩ cảm tính của mình, người đó đừng nên bao giờ cố thủ cuộc hành trình xé rào đó.
Riêng đối với những bạn đang nuôi ý chí xé rào, tôi khuyến khích các bạn nên có một nhóm bạn tích cực ủng hộ cho bạn lâu dài, và một người đỡ đầu ở phía bên kia tứ đồ dẫn dắt bạn. Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất có được từ cuộc hành trình vượt sang phía bên phải từ phía bên trái tứ đồ không phải là những gì chúng tôi đã làm được, mà chính là con người mà chúng tôi đã trở thành trong suốt quá trình chông gai đó. Điều đó, đối với tôi, thật hoàn toàn vô giá.
2 notes · View notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 8: Tôi làm giàu bằng cách nào? (P2/3)
Tumblr media
CHỈ SỐ IQ CẢM TÍNH MẠNH HƠN
Sau khi đọc qua quyển sách của Goleman, tôi nhận ra rằng chỉ số IQ về tài chinh chỉ là sự kết hợp giữa 90% chỉ số IQ cảm tính và 10% hiểu biết chuyên ngành về tài chánh hay tiền bạc. Goleman đã trích dẫn nhà nhân văn học của thế kỷ 16, ông Eramus xứ Rotterdam – tác giả của nhiều bản văn châm biếm hài hước về sự mâu thuẫn giữa tính duy lý và tính cảm xúc của con người. Trong tác phẩm của mình, ông sử dụng tỷ số 24:1 để so sánh sức mạnh của một đầu óc cảm tính với một đầu óc duy lý. Nói cách khác, khi cảm xúc lên cao trào, chúng sẽ có sức mạnh ảnh hưởng lớn gấp 24 lần so với sự duy lý của suy nghĩ. Tôi không biết tỷ lệ đó có đúng hay không, thế nhưng tỷ lệ đó có thể dùng được để đối chiếu tác dụng ảnh hưởng của lối suy nghĩ cảm tính với lối suy nghĩ thuần lý trí.
Tất cả chúng ta, là con người, đều đã từng trải qua những sự kiện trong đời mà khi đó sự cảm xúc trong ta đã lấn át những suy nghĩ lý trí. Tôi chắc chắn là ai ai trong các bạn cũng đã từng:
1. Nói một điều gì đó trong cơn giận dữ mà sau này hối hận mình không nên nói ra câu đó.
2. Bị một ai đó lôi cuốn cho dù biết rằng người đó không tốt lành gì với mình... nhưng vẫn hò hẹn đi chơi với người đó, thậm chí lập gia đình với người đó.
3. Khóc sướt mướt, hay thấy người khác khóc một cách không tự chủ, vì người thân yêu của mình không còn nữa.
4. Cố tình làm tổn thương người thân của mình bởi vì chính bản thân mình đã bị tổn thương.
5. Bị thất tình và không hồi phục lại trong một thời gian dài.
Đó chính là một vài thí dụ việc những cảm xúc đã lấn át những suy nghĩ duy lý.
Cũng có những tình huống khi tác dụng ảnh hưởng của cảm xúc vượt xa tỷ lệ 24 : 1. Chúng ta có thể phân loại thành hai trường hợp sau:
1. Ham mê, chẳng hạn như tham ăn, nghiện hút, tình dục, đi mua sắm, thuốc phiện.
2. Khiếp đảm, như sợ rắn, sợ độ cao, không gian chật chội, bóng tối, người lạ.
Những cách phản ứng đó hoàn toàn do cảm xúc làm chủ đạo. Khi những trạng thái cảm xúc như ham mê hay khiếp đảm xuất hiện, tác dụng ảnh hưởng của suy nghĩ duy lý hoàn toàn bị cảm tính lấn át.
SỢ RẮN
Hồi còn học lái máy bay, tôi quen một người bạn rất sợ rắn. Trong một lớp học về cách sinh tồn trong điều kiện môi trường hoang dã khắc nghiệt, người thầy đứng lớp mang vào một con rắn vườn không có độc để dạy chúng tôi cách ăn thịt nó. Người bạn tôi, một người đàn ông trưởng thành vạm vỡ, liền nhảy dựng lên, la hét hốt hoảng và chạy biến ra khỏi phòng. Anh ta không thể nào kềm chế được mình. Không chỉ nỗi sợ rắn quá mạnh trong anh ta, mà ngay cả việc tưởng tượng ăn thịt một con rắn cũng đủ làm cho anh ta chết khiếp.
SỢ TIỀN
Khi đề cập đến rủi ro tiền bạc, tôi thấy nhiều người cũng có phản ứng như vậy. Thay vì tìm hiểu về đầu tư, những người ấy chỉ nhảy dựng lên, la hét từ chối và chạy ra khỏi phòng.
Khi đụng đến tiền bạc, có rất nỗi sợ thầm kín ẩn trong đáy lòng. Tôi, bạn và tất cả chúng ta đều có cùng những nỗi sợ khiếp đảm ấy. Tại sao vậy? Bởi vì dù muốn dù không, tiền bạc luôn là một vấn đề mang tính cảm xúc. Chính vì thế, hầu hết mọi người không thể suy nghĩ một cách duy lý về tiền bạc được. Nếu bạn không cho tiền bạc là một đối tượng cảm xúc chủ đạo, cứ nhìn vào thị trường chứng khoán mà biết. Hầu hết trong các thị trường đều không có sự lô-gíc mà chỉ tồn tại những cảm xúc của sự tham lam và sợ hãi. Hay bạn hãy nhìn những người đi mua xe, chui vào trong một chiếc xe mới và ngửi thấy nệm xe còn nguyên khôi mùi dự án. Lúc này, chỉ cần người bán xe thì thầm vào tai họ những câu hỏi hấp dẫn như, “Trả góp hàng tháng thấp, dễ dàng” là mọi suy nghĩ lô-gíc của họ đều bay vèo ra ngoài cửa sổ.
NHỮNG SUY NGHĨ CẢM TÍNH ĐỀU NGHE CÓ VẺ HỢP LÝ
Vấn đề với những suy nghĩ cảm tính bản chất là chúng nghe có vẻ hợp lý và lô-gic. Đối với một người nhóm L, khi cảm giác sợ hãi hiện diện, suy nghĩ hợp lý theo họ là: “Chơi an toàn, và đừng chấp nhận rủi ro”. Thế nhưng đối với người nhóm Đ, suy nghĩ kiểu đó chẳng hợp lý chút nào cả.
Đối với người nhóm T, khi nảy sinh vấn đề tin tưởng giao phó công việc cho người khác, suy nghĩ hợp lý theo họ là: “Tôi thà tự mình làm mọi thứ vậy”.
Đó chính là lý do tại sao đa phần các doanh nghiệp của người nhóm T thường mang hình thức cá thể, hộ gia đình. Chủ yếu là vì vấn đề tin tưởng trong việc kinh doanh của họ. Theo họ, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Như vậy, các nhóm khả năng, lý luận khác nhau, suy nghĩ khác nhau, hành động khác nhau dẫn tới những kết quả đạt được khác nhau, trong khi các cảm xúc đều như nhau. Cảm xúc làm cho chúng ta trở thành con người, và nhận ra rằng những cảm xúc ấy là một phần yếu tố làm nên tính người trong chúng ta.
Những gì chúng ta làm đều được quyết định bởi cách phản ứng cá nhân của mình đối với những cảm xúc ấy.
TÔI KHÔNG CẢM THẤY THÍCH ĐIỀU ĐÓ
Một cách nhận biết xem bạn đang suy nghĩ bằng cảm tính, chứ không bằng lý trí là khi nói chuyện với người khác, bạn có thường dùng từ cảm thấy hay không. Chẳng hạn, những người hay bị cảm xúc chi phối thường nói những câu đại lại như: “Tôi không cảm thấy thích vận động hôm nay”. Dĩ nhiên, về mặt lý trí, họ thừa biết mình phải nên vận động cho khỏe.
Nhiều người hay vật lộn với tiền bạc đều không thể kiểm soát được cảm xúc của họ, hay nói khác đi họ đã để cho cảm xúc của mình ngự trị trong lòng và lấn át những suy nghĩ hợp lý bằng lý trí. Những người này thường nói:
“Tôi không cảm thấy thích học hỏi về đầu tư. Nhiều phức tạp quá”.
“Đầu tư không thích hợp với tôi”.
“Tôi không thích trò chuyện kinh doanh với bạn tôi”.
“Tôi không ưa cảm giác mình bị người khác từ chối”.
CHA MẸ – TRẺ CON – NGƯỜI LỚN
Đó là những suy nghĩ phát sinh từ cảm xúc hơn là từ suy luận lô-gíc. Theo tâm lý học hiện đại, đó chính là cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái. Bậc cha mẹ thường nói những điều nên làm. Chẳng hạn, một bậc phụ huynh sẽ nói, “Con nên đi làm bài tập”, trong khi đó đứa nhỏ lại nói bằng cảm giác. Phản ứng trước lời khuyên đó, một đứa nhỏ có thể nói, “Nhưng con chẳng thấy thích làm bài tập chút nào”.
Về mặt tiền bạc, bậc cha mẹ trong bạn sẽ lặng lẽ nói, “Anh nên để dành nhiều tiền hơn”. Thế nhưng đứa nhỏ trong bạn sẽ phản ứng ngay, “Nhưng tôi thực sự muốn có một chuyến du lịch nghỉ ngơi. Tôi chỉ xài tiền thẻ tín dụng thôi mà”.
KHI NÀO LÀ NGƯỜI LỚN?
Để đi từ bên trái sang bên phải tứ đồ, chúng ta cần phải trở thành những người lớn. Tất cả chúng ta cần phải trưởng thành về mặt tài chính. Thay vì là một bậc cha mẹ hay một đứa nhỏ, chúng ta cần nhìn về tiền bạc, công việc và đầu tư như một người lớn chín chắn. Trở thành người lớn có nghĩa là bạn cần biết được những gì nên làm và làm ngay, cho dù bạn không thích làm những điều đó về mặt cảm giác.
CUỘC ĐẤU KHẨU BÊN TRONG BẠN
Đối với những người đang xem xét việc di chuyển từ một nhóm này sang nhóm khác, một phần quan trọng trong quá trình đó là bạn nên ý thức và cảnh giác trước những cuộc khẩu chiến sẽ xảy ra trong nội tâm của bạn. Hãy nên nhớ sự quan trọng của tựa đề quyển sách “Hãy Suy Nghĩ và Làm Giàu”. Trong quá trình đó, hãy luôn cảnh giác đề phòng với những suy nghĩ thầm lặng, những cuộc khẩu chiến nội tâm, và nhất là hãy luôn nhớ rằng một suy nghĩ có thể hợp lý đối với nhóm này nhưng sẽ rất vô lý đối với một nhóm khác. Quá trình đi từ sự ổn định an toàn về công việc hay tài chính sang sự tự do về tiền bạc chẳng qua chỉ là một quá trình mà trong đó bạn cần cố gắng nhận biết đâu là những suy nghĩ cảm tính, và đâu là những suy nghĩ lô-gíc, duy lý. Nếu bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình và làm theo những điều mà bạn biết rõ là nên làm về mặt lô-gíc, cơ hội thành công của bạn sẽ rất nhiều. Cho dù bất cứ ai nói với bạn từ bên ngoài, điều quan trọng chính yếu là chính bản thân bạn.
Khi hai vợ chồng tôi rơi vào tình trạng không nhà cửa, tài chánh thì bấp bênh, chúng tôi mất hết mọi khả năng kiểm soát những cảm xúc của chính mình. Rất nhiều lần, những điều nghe có vẻ hợp lý và duy lý đNu là những suy nghĩ phát sinh từ cảm xúc. Những cảm xúc đó của chúng tôi cứ kêu gào y như bạn bè của chúng tôi đã nói: “Hãy chơi an toàn. Chỉ cần tìm một công việc an toàn, ổn định và tận hưởng cuộc sống”.
Thế nhưng, về mặt lô-gíc, cả hai chúng tôi đều coi sự tự do có ý nghĩa quan trọng hơn về sự an toàn ổn định. Trên con đường tìm kiếm sự tự do về tài chính, chúng tôi luôn biết rõ rằng mình vẫn có thể tìm được sự an toàn ổn định mà một công việc ổn định vốn không thể nào cho chúng tôi được điều đó thực sự. Những suy nghĩ đó hoàn toàn có ý nghĩa với chúng tôi. Điều duy nhất cản trở chúng tôi là những suy nghĩ của chính mình do cảm xúc chủ đạo. Những suy nghĩ nghe có vẻ hợp lý đó nhưng lại không hề hợp lý chút nào khi về lâu về dài. Tin mừng là một khi chúng ta vượt qua trạng thái đó, những suy nghĩ như thế sẽ thôi không còn gào thét trong lòng chúng ta nữa, và những suy nghĩ mới mà chúng ta mong muốn sẽ trở nên hiện thực. Đó là những suy nghĩ của nhóm C và Đ.
Ngày hôm nay, tôi hiểu được ngay những cảm xúc khi một người phát biểu:
“Tôi không dám rủi ro đâu. Tôi còn có gia đình để lo lắng. Tôi cần phải có một công việc ổn định an toàn”.
“Phải có tiền mới làm ra tiền. Do đó, tôi không thể đầu tư”.
“Tôi sẽ tự mình làm lấy”.
Tôi thông cảm với họ về những cảm xúc đó, bởi vì chính bản thân tôi cũng từng có những suy nghĩ như thế. Thế nhưng khi nhìn qua tứ đồ và đạt được sự tự do tài chính trong thế giới nhóm C và Đ, tôi thành thật nói rằng suy nghĩ để đạt được sự tự do tài chính lại rất ôn hào và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM L VÀ C
Những giá trị cảm xúc từ bản chất dẫn đến những quan điểm khác nhau. Cuộc chiến thầm lặng giữa người chủ doanh nghiệp và người lao động thường xảy ra do sự khác nhau về những giá trị cảm xúc. Cuộc chiến đó không bao giờ dứt bởi vì một bên muốn được trả lương nhiều hơn, trong khi bên kia muốn công việc hoàn tất nhiều hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường nghe một bên nói, “Tôi làm việc quá nhiều mà lương thật bèo”, còn bên kia thì: “Chúng ta có thể làm cách nào khuyến khích họ làm việc nhiều hơn, trung thành với chúng ta hơn mà chúng ta không cần phải trả cho họ nhiều hơn?”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM C VÀ Đ
Một mối xung đột khác là giữa các chủ doanh nghiệp nhóm C và các nhà đầu tư bỏ tiền vào doanh nghiệp do thuộc nhóm Đ, mà chúng ta thường gọi là các cổ đông. Một bên muốn có nhiều hơn để hoạt động kinh doanh, trong khi bên kia muốn được trả lời nhiều hơn.
Chúng ta có thể nghe một mẫu đối thoại thế này trong một buổi họp cổ đông với hội đồng quản trị công ty.
Giám đốc công ty: “Chúng tôi cần mua một chiếc trực thăng tư để các vị giám đốc lãnh đạo công ty có phương tiện đi họp ít mất thời gian hơn”.
Nhà đầu tư: “Chúng ta không cần có nhiều giám đốc lãnh đạo. Do đó, chúng ta không cần mua một chiếc trực thăng tư để làm gì”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM T VÀ C
Trong các giao dịch kinh doanh, tôi thường thấy một người nhóm T rất giỏi, chẳng hạn như một vị luật sư tranh cãi một vụ tranh chấp làm ăn trị giá hàng triệu đô cho một thân chủ là một chủ doanh nghiệp thuộc nhóm C. Khi tòa xử kết thúc, chàng luật sư lặng lẽ cau có bởi vì vị thân chủ nhóm C kia thắng được hàng triệu đô trong khi anh ta chỉ kiếm được từng đồng lương tính theo giờ.
Họ sẽ nói những câu này.
Chàng luật sư: “Tôi đã làm hết mọi công việc, còn hắn thì vơ được khối tiền”.
Vị thân chủ nhóm C: “Những gã luật sư đó chặt chúng ta bao nhiêu giờ vậy? Chúng ta đã có thể mua trọn cả công ty luật đó bằng số tiền mà chúng ta phải trả cho mấy gã đó”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHÓM L VÀ Đ
Một ví dụ khác, một vị giám đốc ngân hàng cho một nhà đầu tư vay một số tiền mua bất động sản. Nhà đầu tư kiếm được hàng trăm ngàn đô, miễn thuế, trong khi vị giám đốc ngân hàng chỉ lãnh lương mỗi tháng mà lại bị đóng thuế nặng nề. Đó là ví dụ về một người nhóm L giao dịch với người nhóm Đ, dẫn đến thái độ phản ứng cảm tính như thế này.
Người nhóm L: “Tôi cho hắn mượn tiền mà hắn chẳng thèm cám ơn một tiếng. Tôi nghĩ là hắn chẳng biết mình đã làm việc cật lực cho hắn đến mức nào
Người nhóm Đ: “Này mấy anh, tên giám đốc ngân hàng thật là khó ưa. Cứ nhìn hàng đống giấy tờ thủ tục vô tích sự này xem chỉ để mượn được một khoản tiền chẳng ra gì”.
NẾU BẠN ĐÃ LẬP GIA ĐÌNH HAY ĐANG ĐÍNH HÔN
Nếu bạn đã lập gia đình hay đang đính hôn, hãy đánh dấu nhóm mà bạn kiếm được từ đó nhiều thu nhập nhất cho mình, sau đó đánh dấu nhóm của người phối ngẫu của bạn.
Lý do tôi yêu cầu bạn làm điều này là vì sự trao đổi thông cảm và hiểu biết giữa hai người sẽ rất khó khăn nếu như một người không hiểu được vị trí xuất thân của người kia.
CUỘC CHIẾN GIỮA NGƯỜI GIÀU VÀ NGƯỜI CÓ HỌC THỨC
Tôi nhận thấy còn một cuộc chiến âm thầm khác, phát sinh từ những quan điểm khác nhau giữa người giàu và người có học thức.
Trong những năm tìm hiểu sự khác nhau giữa các nhóm khác nhau, tôi thường nghe các vị giám đốc ngân hàng, luật sư, kế toán viên và nhiều người trí thức khác thường lặng lẽ phàn nàn họ là những người có học, vậy mà chính những kẻ được coi là kém học thức lại luôn kiếm được nhiều tiền. Tôi gọi đó là cuộc chiến thầm lặng giữa người giàu và người có học thức, mà thường là mâu thuẫn giữa những người thuộc phía bên trái với phía bên phải tứ đồ – nhóm T với nhóm C-Đ. Thế nhưng không phải những người thuộc nhóm C và Đ không có học thức, mà ngược lại có rất nhiều người có bằng cấp rất cao. Mà đó là vì những người này không phải là những sinh viên xuất chúng trong trường, cũng như không tốt nghiệp từ những trường chuyên ngành là luật sư, kế toán viên hay nhà quản trị có bằng MBA.
Những bạn đã đọc quyển đầu của tôi, chắc hẳn các bạn biết rõ đó là sự mâu thuẫn giữa những người giàu và những người có học thức. Người bố nghèo có học thức cao của tôi thường hãnh diện với những năm học xuất sắc ở các trường nổi tiếng như Đại học Stanford, Đại học Chicago. Trong khi đó, người bố giàu của tôi đã bỏ học nửa chừng để gánh vác công việc kinh doanh của gia đình khi bố của Người qua đời, cho nên Người đã không tốt nghiệp trung học. Thế mà Người đã đạt được sự giàu có khủng khiếp.
Khi tôi lớn lên và có vẻ bị ảnh hưởng từ người bố giàu nhưng thất học nhiều hơn, người bố học thức của tôi đôi khi tỏ vẻ khó chịu và bảo thủ quan điểm của mình. Một ngày nọ khi tôi vừa tròn 16 tuổi, người bố học thức của tôi đã thốt lên: “Ta có bằng cấp tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng. Còn bố của bạn con thì được gì nào”.
Tôi lặng lẽ trả lời, “Có tiền và thời gian rảnh, bố ạ”.
KHÔNG CHỈ LÀ MỘT SỰ THAY ĐỔI TÂM LÝ
Như đề cập trước đây, để thành công ở nhóm C hoặc Đ chỉ có kiến thức hiểu biết kỹ thuật hay chuyên ngành đại học đều không đủ. Để thành công đòi hỏi bạn đổi từ gốc rễ lối suy nghĩ cảm tính, cảm giác, niềm tin và cách phản ứng của mình. Hãy nhớ lại công thức:
TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – ĐẠT TỚI
Những gì người giàu làm đều khá đơn giản. Vấn đề ở chỗ chính phần trở thành mới làm nên sự khác biệt. Sự khác nhau đó có thể nhìn thấy trong cách suy nghĩ của họ, và nhất là trong đối thoại nội tâm với chính họ. Đó là lý do tại sao mà người bố giàu luôn cấm tôi nói những câu này:
“Tôi không đủ sức mua được thứ đó”.
“Tôi không thể nào làm được điều đó”.
“Hãy chơi an toàn”
“Đừng làm mất tiền”.
“Chuyện gì xảy ra nếu bạn thất bại và không bao giờ phục hồi lại được?”.
Người đã cấm tôi nói những câu đó bởi vì Người thực sự tin rằng những câu nói đó là những công cụ có nhiều sức mạnh chi phối nhất mà con người có được. Những gì mà một người hay nói và suy nghĩ thường trở thành sự thực với chính người đó.
Người thường trích dẫn từ Kinh Thánh, mặc dù Người không theo đạo: “Và ngôn từ sẽ trở nên hiện hữu và có thực trong ta”.
Người bố giàu luôn tin rằng những gì chúng ta thường nói với chính mình, từ gốc rễ bản chất của chúng ta, thường trở thành hiện thực. Đó là nguyên nhân tại sao tôi cho rằng những người vốn hay gặp khó khăn tiền bạc thường để cho cảm xúc đóng vai trò chủ đạo và chi phối cuộc đời của họ. Chỉ khi nào một người vượt qua được những suy nghĩ cảm tính đó, còn không những suy nghĩ đó sẽ trở thành hiện thực đối với người đó. Đó là những suy nghĩ như:
“Tôi sẽ không bao giờ giàu được”
“Ý tưởng đó không thực hiện được”
“Thứ đó quá mắc với tôi”
Nếu những suy nghĩ đó dựa trên cảm xúc, thế thì chúng sẽ tác động đến bạn với sức mạnh khôn lường. Tin mừng là bạn có thể thay đối lối suy nghĩ đó nhờ sự giúp đỡ của những người bạn mới, những ý tưởng mới và một chút ít thời gian.
Những người không thể kiểm soát được nỗi sợ bị mất tiền đừng bao giờ đầu tư một mình. Tốt nhất là họ nên để cho một chuyên viên tư vấn đầu tư lão luyện, tài giỏi đầu tư giùm họ, và đừng can thiệp vào.
Một điểm đáng chú ý khác. Tôi gặp nhiều chuyên viên tài chính không hề sợ sệt khi đầu tư vốn của người khác và có thể kiếm được rất nhiều tiền. Thế nhưng khi đầu tư hay mạo hiểm với số tiền của chính mình, nỗi sợ mất tiền trong họ lại trở nên mạnh mẽ đến nỗi cuối cùng họ bị mất hết hoàn toàn. Những cảm xúc của họ đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và lý luận lô-gíc của họ.
Tôi cũng gặp nhiều người có thể đầu tư tiền của mình và thắng liên tục, nhưng lại mất bình tĩnh khi một ai đó mang tiền của mình và yêu cầu họ đầu tư giùm.
Việc kiếm ra tiền và mất tiền đều là một đề tài mang tính cảm xúc. Do đó, người bố giàu đã dạy cho tôi một bí quyết để xử lý những cảm xúc đó. Người bố giàu luôn nói, “Để trở thành một chủ doanh nghiệp hay một nhà đầu tư thành công, con cần phải điềm tĩnh và bàng quan  trước mọi thắng thua. Thắng hay thua đều chỉ là những phần của cuộc chơi”.
5 notes · View notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 8: TÔI LÀM GIÀU BẰNG CÁCH NÀO? (P1)
Tumblr media
Khi mọi người hỏi tôi, “Anh đã học công thức làm giàu từ đâu?”, tôi trả lời, “Nhờ chơi cờ Tỷ Phú khi còn nhỏ”.
Nhiều người cho là tôi nói đùa, còn những người khác thì yên lặng và chờ đợi tràng cười của tôi. Thế nhưng, đó không phải là trò đùa, mà tôi nói thực lòng. Công thức làm giàu trong cờ Tỷ Phú thật đơn giản, nhưng có thể áp dụng trong đời thực cũng như trong khi chơi.
BỐN NGÔI NHÀ MÀU XANH... MỘT TÒA NHÀ MÀU ĐỎ
Bạn có thể nhớ lại bí quyết chiến thắng trong cờ Tỷ Phú là chỉ cần đổi càng nhiều tòa nhà màu đỏ từ bốn căn nhà màu xanh. Chỉ thế thôi, và đó cũng chính là công thức đầu tư mà hai vợ chồng tôi đã sử dụng.
Khi thị trường địa ốc trở nên bết bát, chúng tôi mua thật nhiều những căn hộ nhỏ với số tiền giới hạn mà chúng tôi có trong tay. Khi thị trường chuyển mình, chúng tôi bán đi bốn căn hộ màu xanh để đổi lấy một tòa nhà màu đỏ to lớn. Chúng tôi không bao giờ làm việc lại nữa bởi vì nguồn thu nhập từ những tòa nhà màu đỏ, các căn hộ cho thuê và những kho chứa hàng mi-ni đã trang trải cho các chi phí sinh hoạt của chúng tôi.
CÔNG THỨC ĐÓ CŨNG ÁP DỤNG VỚI BÁNH MÌ KẸP THỊT
Hoặc nếu như bạn không thích địa ốc, bạn chỉ cần làm bánh mì kẹp thịt, xây dựng một hệ thống kinh doanh xung quanh ổ bánh và bán lại đặc quyền thương hiệu kinh doanh. Trong vòng vài năm, nguồn thu nhập mỗi lúc một tăng sẽ làm cho bạn có nhiều tiền hơn mức sinh hoạt của bạn.
Trong thực tế, con đường đơn giản đó chính là con đường dẫn đến sự giàu có. Nói cách khác, trong một thế giới đầy những kỹ năng cao như hiện nay, những nguyên tắc làm giàu vẫn hoàn toàn đơn giản và không cần những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Tôi cho đó chỉ là một quan điểm, một ý nghĩa hết sức bình thường nhưng hợp tình hợp lý. Điều không may là khi đề cập đến vấn đề tiền bạc, sự hợp lý bình thường lại trở nên phức tạp, rối rắm và vô nghĩa.
Chẳng hạn, đối với tôi thật hoàn toàn vô nghĩa khi mọi người được cho phép giảm thuế để mất tiền và mắc nợ. Hay cho ngôi nhà của mình là tài sản trong khi nó chỉ thực sự là nợ vì làm cho nguồn tiền của bạn ngày nào cũng bị hao hụt đi. Hoặc có một chính phủ tiêu tiền nhiều hơn số thuế thu được. Hay gởi một đứa nhỏ đến trường hy vọng nó sẽ tìm được một công việc sau này, trong khi chẳng hề dạy cho đứa bé về tiền bạc.
LÀM THEO NGƯỜI GIÀU KHÔNG KHÓ
Làm theo người giàu không khó. Một trong những nguyên nhân tại sao những người giàu có không thành công trong trường lớp là vì phần “hành động” trong quá trình làm giàu lại hết sức đơn giản. Bạn không cần phải đi học mới làm giàu được. Phần “hành động” trong quá trình làm giàu không phải là một môn học về tên lửa phức tạp.
Tôi đề nghị các bạn nên tìm đọc một quyển sách cổ điển, có nhan đề là “Hãy suy nghĩ và làm giàu” của tác giả Napoleon Hill. Tôi đã đọc quyển sách này từ nhỏ, và nó đã ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của tôi sau này. Thực ra, chính người bố giàu đã đề nghị tôi tìm đọc quyển sách đó, và nhiều người đã thích nó.
Có một lý do tốt tại sao quyển sách mang tựa đề đó mà không phải là “Hãy làm việc chăm chỉ và làm giàu” hay như “Hãy xin được một công việc và làm giàu”. Sự thực là những người làm việc cực nhọc nhất không bao giờ giàu được. Nếu bạn muốn giàu, bạn cần phải “suy nghĩ”. Hãy suy nghĩ một cách độc lập chứ đừng chạy theo đám đông. Theo tôi, một tài sản quý giá của người giàu là cách suy nghĩ của họ rất khác biệt so với những người khác. Nếu bạn làm theo những gì người khác làm, bạn cũng chỉ có được những gì mà người khác có. Và đối với hầu hết mọi người, những gì họ có chỉ là những năm tháng làm việc cực nhọc, bị đánh thuế không công bằng và mắc nợ suốt đời.
Khi người ta hỏi tôi, “Tôi cần phải làm gì để đi từ bên trái sang phải bên phải tứ đồ?”, tôi trả lời, “Không phải những hành động của bạn cần thay đổi, mà trước hết chính cách suy nghĩ của bạn nên thay đổi. Nói cách khác, đó chính là làm sao trở thành một người để có thể hành động những gì cần phải thực hiện”.
Bạn có muốn trở thành người biết cách suy nghĩ mua bốn căn nhà màu xanh để đổi lấy một tòa nhà màu đỏ dễ dàng hay không? Hay bạn muốn trở thành người cho rằng việc đổi lấy một tòa nhà màu đỏ từ bốn căn nhà màu xanh là khó khăn?
Cách đây nhiều năm, tôi đã tham dự một lớp học về cách thiết lập mục tiêu. Đó là vào những năm bảy mươi, và tôi không thể nào tin rằng đã dám bỏ 150 đô, hy sinh những ngày nghỉ cuối tuần đẹp trời chỉ để học cách lập mục tiêu. Lẽ ra tôi đã có thể đi trượt sóng ở một bờ biển xinh đẹp nào đó. Thay vào đó, tôi lại có mặt ở đây để trả tiền cho ai đó dạy tôi làm thế nào lập ra mục tiêu cho mình. Tôi gần như muốn bỏ lớp học đó, nhưng chính những điều tôi đã học được từ lớp học đó đã giúp tôi đạt được những gì tôi mong muốn trong đời mình.
Người đứng lớp đã viết lên bảng ba từ sau:
TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – ĐẠT TỚI
Cô ta sau đó giải thích. “Mục tiêu là phần đạt tới trong ba từ đó. Những mục tiêu như có một thân hình đẹp, có một quan hệ hoàn hảo, hay có hàng triệu đô, có sức khỏe tráng kiện, hay sự nổi tiếng. Một khi hầu hết mọi người nhận ra những gì mà họ muốn có, tức là mục tiêu của mình, họ bắt đầu liệt kê những điều cần phải “hành động”. Đó là lý do tại sao gần như ai ai cũng có những danh mục “những điều cần phải làm”. Họ đặt mục tiêu cho mình, và sau đó bắt đầu hành động.
Đầu tiên, cô ấy dùng mục tiêu có một thân hình đẹp. “Những gì mà hầu hết mọi người làm một khi mong muốn có thân hình đẹp là đi ăn kiêng, sau đó đi tập thể hình. Điều đó chỉ kéo dài được vài tuần lễ, và mọi chuyện trở lại như cũ. Họ quay lại ăn khoai tây chiên và pizza, và thay vì đi tập thể dục, họ xem bóng chày trên ti-vi. Đó chính là ví dụ về hành động thay vì phải là trở thành”.
“Không phải chế độ ăn kiêng có tác dụng, mà chính là con người bạn cần nên thực hành theo chế độ ăn kiêng đó mới có tác dụng. Vậy mà năm nào cũng có hàng triệu người đi tìm kiếm những chế độ ăn kiêng hoàn hảo để giảm mập. Họ tập trung vào những điều họ phải làm, mà lẽ ra họ nên cần tập trung vào con người mà họ nên trở thành. Chế độ ăn kiêng sẽ không có tác dụng gì nếu như bạn không chịu thay đổi những suy nghĩ của mình”.
Cô ta sau đó dùng thí dụ minh họa về chơi gôn. “Nhiều người đi mua những bộ chơi gôn mới với hy vọng họ có thể cải thiện được lối chơi của mình, mà lẽ ra họ nên bắt đầu từ thái độ, phản ứng và sự tin tưởng như một người chơi gôn chuyên nghiệp. Một người chơi gôn tồi cho dù có được một bộ chơi gôn mới cũng chỉ là một tay chơi tồi tệ”.
Cô ta nhảy qua lĩnh vực đầu tư. “Nhiều người nghĩ rằng đầu tư vào cổ phiếu hay quỹ hỗ tương sẽ làm cho họ giàu lên. Dĩ nhiên, đâu phải chạy đi mua cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hỗ tương hay địa ốc sẽ giúp bạn giàu lên được. Làm theo những gì mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã làm không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ đạt được sự thành công về tài chánh. Một người mà đã có trạng thái tâm lý của kẻ thua cuộc sẽ luôn luôn bị thất bại cho dù họ mua các khoản đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa”.
Rồi cô ấy đưa ra ví dụ khác về tìm kiếm một người phối ngẫu hoàn hảo, lãng mạn. “Rất nhiều người đi đến các quán bar, công sở hay nhà thờ chỉ để tìm kiếm người bạn đời trăm năm lý tưởng. Đó chính là điều họ làm. Những gì họ hành độngl à chạy ra ngoài và “tìm kiếm một người yêu lý tưởng” mà lẽ ra chính bản thân họ phải nên phấn đấu “trở thành người yêu lý tưởng trước nhất”.
Đây là ví dụ mà cô đưa về các mối quan hệ. “Trong hôn nhân, nhiều người thử thay đổi nhiều người tình khác nhau để có thể tìm được một hôn nhân hoàn hảo. Thay vì cứ cố thay đổi người khác mà điều đó đã dẫn đến nhiều sóng gió trong gia đình, các anh chị tốt nhất là nên thay đổi bản thân mình trước”. Cô nói, “Đừng bao giờ áp đặt lên người khác, mà hãy thay đổi cách suy nghĩ của chính mình về người khác”.
Khi cô bàn về các mối quan hệ hôn nhân, đầu óc tôi liền liên tưởng đến nhiều người mà tôi đã gặp cách đây vài năm – những người cứ đòi thay đổi thế giới nhưng rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Họ muốn mọi người khác thay đổi, nhưng lại không chịu thay đổi chính bản thân mình.
Còn về tiền bạc, cô đã giải thích thế này. “Khi đụng đến tiền bạc, nhiều người cố bắt chước hành động theo những gì người giàu đã làm và cố đạt được những gì mà người giàu có. Cho nên, họ chạy ra ngoài mua một căn nhà lộng lẫy, một chiếc xe ô-tô bóng loáng, và gởi con mình đến học ở những trường chỉ toàn con nhà giàu. Tất cả những hành động kiểu đó chỉ khiến họ phải làm việc cực nhọc hơn, mắc nợ nhiều hơn mà lại càng khiến họ làm việc nhiều hơn nữa. Thế nhưng đó đâu phải là cách làm của người giàu”
Từ cuối lớp, tôi gật gù đồng ý. Người bố giàu đã không dùng những ví dụ như thế để giải thích, nhưng Người đã thường nói với tôi, “Mọi người cho rằng làm việc vì tiền, sau đó đi mua những thứ trông có vẻ giàu có, sẽ làm cho họ giàu. Thế nhưng điều đó không phải như vậy. Điều đó chỉ làm cho họ càng mệt mỏi thêm mà thôi. Họ cứ kháo nhau, cố bắt kịp với bọn người Mỹ, nhưng nếu con tinh ý, con sẽ thấy người Mỹ đã mệt mỏi đến mức nào”.
Trong suốt khóa học cuối tuần đó, những điều mà người bố giàu nói với tôi trước đây càng trở nên thấm thía hơn, sâu sắc hơn. Người đã sống rất khiêm tốn trong nhiều năm liền. Thay vì làm việc cực nhọc để tiêu xài, Người làm việc cực nhọc chỉ để thu nhập thêm nhiều tài sản. Nếu bạn có dịp nhận ra Người trên đường, bạn sẽ thấy Người không hề khác mấy so với những người bình thường khác. Người lái một chiếc xe buýt mi-ni chứ không phải một chiếc xe đắt tiền. Thế rồi đến một ngày, lúc Người ở cuối tuổi ba mươi, Người bỗng nổi lên như một trung tâm quyền lực tài chính. Mọi người lập tức nhận ra Người khi Người bỗng nhiên mua lại một trong những miếng đất đắt đỏ của Hawaii. Sau khi tên của Người được lên mặt báo, người ta mới vỡ lẽ con người trầm lặng đó làm chủ rất nhiều doanh nghiệp khác, sở hữu nhiều miếng đất, và khi Người cất tiếng nói, mọi ngân hàng đều lắng nghe Người. Rất ít người biết được căn nhà nhỏ khiêm nhường Người đã từng cư ngụ trước đây. Chỉ đến khi nào có dư thật nhiều tiền, Người mới mua một căn nhà ta lớn cho cả gia đình mình. Người không phải vay nợ để mua căn nhà đó, mà Người đã trả đứt bằng tiền mặt.
Sau khi tham dự lớp học cuối tuần về cách đặt ra mục tiêu đó, tôi nhận thấy nhiều người cứ cố theo những gì mà họ nghĩ là người giàu đã từng làm qua, và cố đạt được những thứ mà người giàu có. Họ thường mua những căn nhà to lớn, đầu tư vào thị trường chứng khoán bởi vì đó là nơi mà họ cho là người giàu đầu tư. Thế nhưng, những gì mà người bố giàu có dạy cho tôi hiểu, là nếu mọi người vẫn còn suy nghĩ, phản ứng và có niềm tin của một người nghèo hay một người trung lưu, sau đó làm theo những gì người giàu đã làm, những người đó cũng chỉ đạt được những gì mà giai cấp trung lưu và người nghèo có mà thôi. Công thức TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – ĐẠT TỚI bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi.
KIM TỨ ĐỒ LÀ NHẮM TỚI VIỆC TRỞ THÀNH... CHỨ KHÔNG PHẢI HÀNH ĐỘNG
Di chuyển từ phía bên trái sang phía bên phải của tứ đồ chủ yếu là một quá trình trở thành chứ không phải hành động.
Không phải những gì mà những người nhóm C hay Đ hành động mới tạo ra sự khác biệt, mà chính là cách suy nghĩ của họ, bản chất con người của họ.
Một tin mừng là thay đổi cách suy nghĩ chẳng mất tiền bạc gì cả. Thực tế, sự thay đổi đó hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng điều không hay là đôi khi rất khó thay đổi được những suy nghĩ bản chất, phát xuất từ trong đáy lòng về tiền bạc vốn đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc những suy nghĩ mà bạn được từ bạn bè, từ công việc và từ trường lớp. Thế nhưng, bạn vẫn có thể thay đổi được chúng. Và đó chính là đề tài chủ chốt của quyển sách này. Đây không phải là một quyển sách chỉ dạy cách làm thế nào, hay nên làm gì để trở nên tự do về tài chính. Quyển sách này cũng không đề cập đến những loại cổ phiếu nào bạn nên mua, hay quỹ hỗ tương nào là an toàn nhất. Quyển sách này tập trung về cách làm thế nào có thể củng cố cách suy nghĩ của bạn (trở thành) sao cho bạn có thể hành động để đạt được sự tự do hoàn toàn về mặt tài chính.
SỰ BẢO ĐẢM AN TOÀN LÀ MỐI QUAN TÂM CỦA NGƯỜI NHÓM L
Như một nguyên tắc chung, những người nhắm đến nhóm L thường coi trọng giá trị của sự bảo đảm an toàn khi đụng đến lĩnh vực tiền bạc. Đối với họ, tiền không quan trọng bằng sự ổn định an toàn. Họ có thể dám rủi ro sinh mạng của mình trong những trò chơi cảm giác mạnh như nhảy dù, thế nhưng lại sợ đến co vòi khi nói đến tiền bạc.
CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO LÀ MỐI QUAN TÂM CỦA NGƯỜI NHÓM T
Đây cũng chỉ là một nguyên tắc chung. Thế nhưng khi tôi quan sát những người thuộc nhóm T đang cố gắng hội nhập sang thế giới bên phải tứ đồ, tôi đều nhận ra trạng thái tâm lý tự mình làm hết mọi của họ. Họ thích tự làm lấy bởi vì trong họ luôn có nhu cầu đảm bảo mọi thứ cần phải được làm đúng cách. Và bởi vì họ gặp khó khăn tìm được người khác có thể làm theo ý họ muốn, họ đành phải tự mình làm lấy mọi chuyện.
Đối với nhiều người nhóm T, vấn đề thực sự là khả năng kiểm soát. Họ cần phải kiểm soát mọi thứ. Họ không ưa phạm lỗi. Và họ càng không ưa khi người khác phạm lỗi và làm cho họ bị mất mặt. Điều đó khiến cho họ trở thành những người nhóm T hoàn hảo, tuyệt vời; và cũng chính vì lý do đó bạn muốn thuê mướn những người này làm một số công việc cho bạn. Bạn mong muốn vị nha sĩ của bạn phải hoàn hảo. Bạn muốn người luật sư của bạn phải tinh thông đủ mọi vấn đề. Bạn muốn vị bác sĩ giải phẫu não hay kiến trúc sư là một người xuất sắc. Đó chính là lý do bạn trả tiền cho họ. Đó là sức mạnh của họ, nhưng cũng là điểm yếu.
SỰ THÔNG MINH CẢM TÍNH (EQ)
Phần chủ yếu làm nên con người chính là tính nhân bản hay sự cảm xúc. Tất cả chúng ta ai ai cũng có những cảm xúc giống nhau. Chúng ta đều có nỗi sợ, nỗi buồn, giận dữ, yêu thương, thù ghét, thất vọng, vui sướng, hạnh phúc và nhiều cảm xúc khác. Cách chúng ta phản ứng trước những cảm xúc đó đã tạo nên những cá nhân hoàn toàn khác biệt.
Khi đề cập đến vấn đề rủi ro tiền bạc, tất cả chúng ta đều sợ... kể cả người giàu. Sự khác biệt là cách chúng ta xử lý nỗi sợ đó. Đối với nhiều người, chính nỗi sợ đó đã khiến họ suy nghĩ, “Hãy chơi an toàn. Đừng chấp nhận rủi ro”.
Trong khi đối với nhiều người khác, nhất là những người ở bên phải, nỗi sợ bị mất tiền đã khiến họ suy nghĩ cách khác, “Hãy chơi khôn ngoan. Hãy học cách quản lý rủi ro”.
Cũng một cảm xúc nhưng khác nhau trong suy nghĩ... dẫn đến những bản chất khao khát, hành động khác nhau và đạt tới những đích đến khác nhau.
NỖI SỢ MẤT TIỀN
Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất khiến cho con người cứ vật lộn với tiền bạc chính là nỗi sợ bị mất tiền. Và chính nỗi sợ này đã khiến cho mọi người hành động quá cẩn thận, muốn tự mình kiểm soát mọi thứ, còn không thì họ sẽ đưa tiền cho người khác đầu tư mà họ coi là chuyên gia, và cứ cầu nguyện, hy vọng số tiền vẫn còn đó một khi họ cần tới chúng.
Nếu nỗi sợ đã giam hãm bạn trong một nhóm người trên tứ đồ, tôi đề nghị bạn nên tìm đọc quyển Sự khôn ngoan cảm tính của Daneil Goleman. Trong quyển sách này, Goleman đã giải thích câu hỏi ngàn đời tại sao những người học giỏi trong trường lớp lại ít khi thành công về mặt tài chính trong đời thực. Câu trả lời của ông là vì chỉ số thông minh cảm tính trội hơn chỉ số thông minh về học vấn. Đó chính là lý do tại sao những người dám chấp nhận rủi ro, phạm sai lầm và làm lại từ đầu thường thành công hơn những người chỉ được dạy không nên phạm lỗi bởi vì họ sợ gặp rủi ro. Có rất nhiều người tốt nghiệp với bằng cấp này, bằng cấp nọ, nhưng không đề được chuẩn bị về mặt cảm xúc để đương đầu với rủi ro... nhất là những rủi ro về mặt tài chính. Lý do tại sao nhiều giáo viên không giàu được là vì họ hoạt động trong một môi trường mà ở đó “chỉ biết trừng phạt những người phạm lỗi”, và chính bản thân họ lại thường sợ phạm phải sai lầm. Lẽ ra, để đạt được sự tự do về tài chính, chúng ta cần phải học cách phạm lổi và biết quản lý rủi ro.
Nếu mọi người suốt đời cứ sợ bị mất tiền, sợ làm những điều khác với đám đông, họ sẽ không bao giờ làm giàu được, cho dù việc làm giàu ấy chỉ đơn giản bằng cách mua bốn căn nhà màu xanh và đổi lấy một tòa nhà màu đỏ lớn.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 7: TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN MUỐN (P2/2)
Tumblr media
SA THẢI VIỆC LÀM ĐANG ĐẾN GẦN
Vào năm 1983, tôi được mời đến nói chuyện trong một lớp học MBA ở Đại học Hawaii. Tôi đã phát biểu quan điểm của mình về sự bảo đảm việc làm, và dĩ nhiên họ không ưa thích chút nào những gì tôi nói hôm đó. “Trong vài năm tới, nhiều người trong các bạn sẽ mất việc làm, hay sẽ bị ép phải làm việc ở mức lương càng ngày càng thấp, mà sự bảo đảm càng ngày càng phiêu lưu”.
Vì công việc buộc tôi phải đi khắp nơi trên thế giới, tôi đã nhận ra ngay sức mạnh liên kết khủng khiếp giữa lao động rẻ và các phát minh tiến bộ trong khoa học kỹ thuật. Tôi bắt đầu nhận thấy một người công nhân ở châu Á, châu Âu, nước Nga hay Nam Mỹ đang cạnh tranh với các nhân công Mỹ. Tôi biết ý tư̖ một đồng lương cao, công việc bảo đảm đối với người lao động hay những nhà quản lý trung lưu chỉ còn tồn tại trong quá khứ. Những công ty lớn sẽ tiến hành những cuộc cắt giảm, không chỉ số lượng nhân công mà cả mức lương phải trả để có thể cạnh tranh và tồn tại trên toàn cầu.
Tôi không bao giờ được Đại học Hawaii mời lại nói chuyện. Vài năm sau, từ “sa thải việc làm vì kinh doanh khó khăn” đã trở nên phổ biến. Cứ mỗi lần các công ty hợp lại với nhau, lực lượng lao động trở nên dư thừa, là sa thải nhân công sẽ xảy ra ngay. Cứ mỗi lần các chủ nhân công ty muốn làm hài lòng các cổ đông, họ liền sa thải nhân công. Và cứ mỗi lần có sa thải nhân công, tôi lại thấy những người ở hàng ngũ lãnh đạo mỗi lúc một giàu hơn, trong khi những người lao động bình thường bên dưới phải chịu trả một cái giá đầy đau đớn.
Cho nên mỗi lần tôi nghe một ai đó nói, “Tôi đang gởi con tôi vào một trường danh tiếng để nó có thể kiếm được một công việc lương cao, ổn định”, tôi không khỏi rùng mình. Chuẩn bị cho việc làm là một quan điểm tốt trong ngắn hặn, nhưng không đủ về lâu về dài. Tôi đã đặt chân lên con đường dạy học từng bước từng bước một, nhưng hoàn toàn chắc chắn.
HÃY XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG BẰNG SỰ ĐAM MÊ CỦA MÌNH
Mặc dù công ty của tôi chuyển mình và vượt qua được khó khăn, sự đam mê của tôi đã không còn nữa. Người bố giàu đã tóm tắt sự nản chí của tôi khi Người nói: “Những ngày học hỏi không còn nữa. Đã đến lúc phải hệ thống bằng chính sự đam mê của con. Đừng quan tâm đến công ty sản xuất đó nữa, mà hãy đi xây cho con thứ mà con biết chắc con sẽ phải tạo nên. Con đã học từ ta rất nhiều, nhưng con vẫn là con trai của người bố ruột của con, con à. Con và bố của con là những người đã trót mang nợ dạy học”.
Hai vợ chồng tôi thu xếp hành lý và dời đến California, nơi chúng tôi có thể học được những phương pháp giáo dục tiên tiến để chúng tôi tạo cho mình một chuyện kinh doanh bằng những phương pháp ấy. Trước khi chúng tôi có thể đưa chuyện kinh doanh của mình cất cánh, chúng tôi không còn một đồng trong túi và phải dọn ra ở ngoài đường. Tôi đã gọi cú điện thoại đó cho người bố giàu, Kim đứng bên cạnh tôi. Tôi cảm thấy giận với chính mình, và chính sự thắp lên ngọn lửa đam mê đang lụi tàn đó trong tôi đã thúc đẩy chúng tôi phấn đấu vượt qua thử thách khó khăn của cuộc hành trình.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi quay trở lại lập ra một doanh nghiệp cho mình. Đó là một công ty về lĩnh vực giáo dục, sử dụng những phương pháp dạy học hoàn toàn khác hẳn với hệ thống giáo dục máy móc. Thay vì yêu cầu các sinh viên phải ngồi yên ngoan ngoãn lắng nghe chúng tôi nói, chúng tôi đã khuyến khích người học chủ động tham gia các hoạt động trong lớp. Thay vì lên bục giảng và nói liên miên, chúng tôi sử dụng nhiều hình thức trò chơi. Thay vì các tiết học thường tẻ nhạt và buồn chán, chúng tôi yêu cầu các giáo viên đứng lớp phải hoạt bát, sôi động và vui vẻ. Thay vì mướn các giáo viên chuyên nghiệp, chúng tôi tìm kiếm những chủ doanh nghiệp thành công với các công ty do mình thành lập, và lên lớp sử dụng các phương pháp dạy học của chúng tôi. Thay vì cho điểm các sinh viên, nay các sinh viên sẽ cho điểm các giáo viên đứng lớp. Nếu một giáo viên đứng lớp bị đánh giá thấp, vị ấy hoặc là phải tham dự lại một khóa đào tạo sư phạm đặc biệt, còn không sẽ được nghỉ việc ngay.
Đối với chúng tôi, tuổi tác, học vấn, giới tính, tín ngưỡng tôn giáo không phải là tiêu chuẩn yêu cầu. Những gì chúng tôi đòi hỏi ở người học chỉ là một khao khát thực sự được học hỏi, và được học hỏi nhanh chóng. Cuối cùng, chúng tôi có thể dạy môn kế toán chỉ trong vòng một ngày mà các trường thường dạy đến cả năm.
Mặc dù đối tượng của chúng tôi chủ yếu là người lớn, chúng tôi cũng có những sinh viên “nhí”, chỉ mới 16 tuổi, ngồi học bên cạnh những vị giám đốc 60 tuổi có học thức, có mức lương cao. Thay vì thi đua nhau trong từng bài tình hình, chúng tôi yêu cầu các sinh viên hợp tác với nhau thành từng nhóm. Sau đó, chúng tôi cho các nhóm thi đua với nhau trên cùng một bài thi. Chúng tôi không cho điểm mà chúng tôi buộc các nhóm học phải thi đua với nhau bằng tiền. Nhóm nào thắng cuộc sẽ được hưởng toàn bộ số tiền của nhóm khác. Sự thi đua, sự khao khát thành công như một tập thể đã trở nên cao độ không ngờ. Giáo viên đứng lớp không cần phải gây hứng khởi cho lớp. Người giáo viên đó phải biết rút lui ngay một khi sự thi đua giữa các nhóm bắt đầu. Những giờ thi thay vì yên lặng lại trở nên ồn ào, náo nhiệt với những tiếng la, tiếng hét, với những tràng cười sung sướng và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào. Các sinh viên hoàn toàn hứng khởi với chuyện học hành. Họ bị việc học gây kích thích và hứng khởi, và họ lại càng khao khát được học hỏi thêm.
Chúng tôi chỉ tập trung dạy hai môn: nghệ thuật kinh doanh và đầu tư. Đó chính là những môn học của thế giới nhóm C và Đ trong tứ đồ. Những người khao khát được học hỏi những môn này theo phương pháp của chúng tôi đã ùn ùn gọi đến ghi danh. Chúng tôi chẳng quảng cáo gì cả. Mọi chuyện đều được đồn miệng từ tai người này đến tai người khác. Những sinh viên ghi danh học là những người muốn tạo ra công việc làm, chứ không phải là những người tìm kiếm việc làm.
Tối hôm ấy, khi tôi dứt khoát quyết định khoan bỏ cuộc bên trạm điện thoại, mọi việc chợt trở nên trôi chảy. đầy 5 năm, chúng tôi đã tạo ra được một công ty trị giá hàng triệu đô với 11 văn phòng đại diện ở khắp thế giới. Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống giáo dục mới, và thị trường đã ưu ái đáp lại. Sự đam mê của chúng tôi đã khiến cho mọi thứ trở thành hiện thực, bởi vì chính lòng đam mê ấy và một hệ thống vận hành tốt đẹp đã vượt qua nỗi sợ và lối mòn suy nghĩ của con người.
MỘT NGƯỜI GIÁO VIÊN CÓ THỂ GIÀU
Cứ mỗi khi tôi nghe các giáo viên than phiền không được trả lương xứng đáng, tôi lại cảm thấy thương hại họ. Vấn đề mấu chốt ở chỗ họ chỉ là sản phẩm của chương trình nằm ngay bên trong hệ thống của họ. Họ coi nghề dạy học với con mắt của một người nhóm L, chứ không phải một người nhóm C hay Đ. Nên nhớ là bạn có thể trở thành bất cứ ai trong bất cứ nhóm nào trên tứ đồ bạn muốn... ngay cả nghề dạy học.
CHÚNG TA CÓ THỂ TRỞ THÀNH NHỮNG GÌ CHÚNG TA MONG MUỐN
Hầu hết chúng ta đều có khả năng thành công ở tất cả các nhóm, nếu chúng ta có một ý chí mạnh mẽ mong muốn đạt tới thành công đó. Cũng như người bố giàu đã nói: “Chính niềm đam mê mới tạo ra chuyện kinh doanh, chứ không phải nỗi sợ hãi”. Khi thay đổi từ một nhóm này sang một nhóm khác, chúng ta thường bị cản trở bởi những điều kiện mà chúng ta đã quen trong quá khứ. Nhiều người trong số chúng ta lại xuất thân từ những gia đình nỗi sợ hãi là động cơ chính khiến những người ấy hành động theo cách này hay cách khác. Chẳng hạn: “Con làm bài tập chưa? Nếu con không làm bài tập, con sẽ bị đuổi học và bạn bè sẽ chế nhạo con”. “Nếu bạn cứ nhăn mặt hoài, khuôn mặt bạn riết rồi sẽ như thế”. Và câu nói tiêu biểu nhất, “Nếu anh không lấy điểm cao, anh sẽ không tìm được một công việc an toàn, ổn định và có lương cao”.
Ngày hôm nay, có rất nhiều người đạt điểm cao ở trường, nhưng ngoài xã hội lại càng bớt dần đi những công việc an toàn, ổn định, hay có nhiều phúc lợi như kế hoạch về hưu. Cho nên nhiều người, kể cả những người học giỏi, cần phải “lo lấy chuyện của mình” chứ không phải cứ đi tìm kiếm một công việc mà họ thực sự chỉ là kẻ làm công cho người khác.
RỦI RO Ở PHÍA BÊN PHẢI
Tôi biết có nhiều người bạn vẫn đi tìm một công việc hay một vị trí ổn định. Vấn đề ở chỗ các kỹ thuật khoa học hiện đại ngày một tiến bộ ở mức nhanh hơn. Để có thể bắt kịp nhu cầu trong thị trường lao động, mỗi người cần phải thường xuyên tự đào tạo cho mình quen với những tiến bộ khoa học đó. Nếu như trước sau gì bạn cũng cần phải đi học lại, vậy tại sao bạn lại không bỏ ra chút ít thì giờ tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết cho các nhóm bên phải tứ đồ? Giá như mọi người có thể nhìn thấy những gì tôi đã thấy khi du lịch khắp thế giới, có lẽ họ sẽ không còn nhắm tới sự ổn định nữa. Đó chỉ là một ảo tưởng. Hãy học một điều gìà hãy hội nhập vào một thế giới dũng cảm mới. Đừng trốn tránh nữa. Theo tôi, rủi ro cũng xảy đến với những người làm tư. Một khi họ bệnh, gặp tai nạn hay qua đời, nguồn thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp ngay. Trong cuộc đời sau này, tôi đã gặp nhiều người làm tư cùng tuổi tôi bị những năm tháng làm việc cực nhọc bào mòn từ linh hồn đến thể xác. Khi một người càng chịu đựng mệt mỏi lâu chừng nào, người ấy sẽ dễ trở nên bất ổn và càng dễ gặp tai nạn chừng nấy.
BÊN PHẢI ỔN ĐỊNH VÀ AN TOÀN HƠN
Điều trớ trêu ở chỗ cuộc đời lại thực sự an toàn hơn ở phía bên phải. Chẳng hạn, nếu bạn có một hệ thống ổn định kiếm ra nhiều tiền mà không cần bỏ nhiều công sức làm việc, bạn sẽ không cần tìm việc, không cần phải lo lắng bị mất việc hay cũng không cần sống cực khổ dưới mức trung bình. Thay vì sinh hoạt ở mức tối thiểu, bạn có thể nâng cao mức sống của mình. Và nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn, ch�� việc khuếch trương mở rộng hệ thống và thuê mướn thêm nhân công.
Những người đầu tư ở trình độ cao không lo lắng đến chuyện thị trường lên xuống bởi vì bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ đều có thể kiếm được tiền trong bất cứ trường hợp nào. Nếu có một cuộc khủng hoảng thị trường hay một cuộc suy thoái kinh tế trong vòng 30 năm tới, nhiều người thuộc thế hệ dân số bùng nổ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ II sẽ hoang mang hoảng loạn, và sẽ mất gần như toàn bộ số tiền họ để dành cho tuổi về hưu. Nếu điều đó xảy ra khi họ về già, thay vì nghỉ hưu họ sẽ phải chạy đi tìm việc.
Cũng vì sợ bị mất tiền, những người đầu tư chuyên nghiệp đã tìm cách có mức rủi ro thấp nhất mà vẫn sinh lời ở mức cao nhất. Chính những người không biết gì nhiều về đầu tư mới là những người gặp rủi ro nhiều mà mức sinh lời vẫn ít ỏi. Riêng đối với tôi, mọi rủi ro đều tập trung ở phía bên trái tứ đồ.
TẠI SAO BÊN TRÁI LẠI RỦI RO HƠN
“Nếu con không thể đọc hiểu những con số, con đành phải nghe theo ý kiến của người khác”, người bố giàu nói. “Chẳng hạn như trong trường hợp mua nhà, bố của con chỉ biết mù quáng tin lời ngân hàng rằng căn nhà là tài sản”. Cả Mike và tôi đều cảm nhận được sự nhấn mạnh của Người vào hai chữ “mù quáng”.
“Phần lớn mọi người ở phía bên trái thực sự không cần giỏi với những con số tài chánh. Thế nhưng một khi con muốn thành công ở phía bên phải tứ đồ, những con số ấy chính là cặp mắt của con. Các con số có thể giúp con nhìn thấy những gì mà người khác không thấy”, Người tiếp tục giải thích. “Có phải giống như đôi thần nhãn của siêu nhân vậy không hở bố?” Mike hỏi. Người bố giàu mỉm cười và gật đầu. “Giống con ạ. Khả năng đọc hiểu các con số, hiểu biết về những hệ thống tài chánh và kinh doanh sẽ giúp cho con có tầm nhìn mà một người bình thường không có”. Người đã có lần chế giễu sự ngu ngốc đó. “Có con mắt tài chánh sẽ làm giảm rủi roị mù quáng về tiền bạc chỉ làm tăng rủi ro. Nhưng con chỉ cần nhãn quan đó nếu con thực sự muốn hành động ở phía bên phải tứ đồ. Trong thực tế, những người ở phía bên trái chỉ suy nghĩ bằng câu bằng chữ. Nhưng để thành công ở phía bên phải tứ đồ, nhất là ở nhóm Đ, con phải suy nghĩ bằng con số chứ không phải bằng từ ngữ. Sẽ thực sự rủi ro cho một người đầu tư mà cách suy nghĩ của người ấy chủ yếu chỉ bằng từ ngữ”.
“Thế có phải bố cho rằng những người bên trái tứ đồ không cần hiểu biết các con số tài chính?” Tôi hỏi.
“Điều đó đúng với hầu hết mọi người”, người bố giàu nói. “Một khi họ cảm thấy hài lòng và mãn nguyện với lối sống bó buộc trong nhóm L và T, những con số họ học được từ trường là quá đủ. Nhưng nếu họ muốn tồn tại ở bên phải, khả năng hiểu được các con số tài chánh và các hệ thống trở nên hết sức quan trọng. Nếu con muốn lập một doanh nghiệp nhỏ, con không cần phải nắm vững các con số. Nhưng nếu con muốn xây dựng một hệ thống kinh doanh rộng khắp toàn cầu, các con số chính là tất cả. Đó là lý do tại sao mà có quá nhiều công ty lớn được điều hành chỉ bởi những người đếm tiền”.
Người bố giàu tiếp tục bài học: “Nếu con muốn thành công ở phía bên phải, khi đụng đến tiền bạc, con cần phải biết cho được sự khác nhau giữa một ý kiến với một thực tế khách quan. Con không thể mù quáng tin theo những lời khuyên tiền bạc mà những người phía bên trái thường chạy theo. Con phải hiểu cho được các con số của con. Con phải biết đâu là một sự thực. Và chính những con số mới có thể cho biết sự thực”.
AI PHẢI TRẢ GIÁ ĐỂ NHẬN LẤY RỦI RO?
“Phía bên trái không chỉ rủi ro, mà những người ở trong đó cũng phải trả giá để nhận lấy rủi ro đó”, người bố giàu nói. “Con không hiểu điều bố nói”, tôi hỏi. “Chẳng lẽ mọi người không trả giá cho rủi ro hay sao?”. “Không đâu”, người bố giàu nói. “Không phải những người ở phía bên phải”. “Có phải ý bố muốn nói là những người phía bên trái trả giá cho rủi ro trong khi những người phía bên phải được trả tiền để nhận lấy rủi ro”. “Hoàn toàn chính xác con ạ”, người bố giàu mỉm cười nói. “Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa phía bên trái và phái bên phải. Đó cũng là lý do tại sao phía bên trái lại chứa đựng nhiều rủi ro hơn phía bên phải”. “Bố có thể cho con một thí dụ được không?” Tôi hỏi. “Được chứ”, Người nói. “Nếu con mua cổ phiếu của một công ty, ai sẽ là người nhận lấy rủi ro tài chính? Con hay công ty”. “Con đoán là con”, tôi nói, vẫn cảm thấy khó hiểu. “Như vậy nếu ta là một công ty bảo hiểm y tế, ta nhận bảo hiểm sức khỏe, nhận lấy rủi ro về sức khỏe của con, vậy ta có trả tiền cho con không?”. “Không”, tôi nói. “Nếu họ bảo hiểm sức khỏe cho con, và nếu họ chấp nhận phần rủi ro đó, con phải trả tiền cho họ”. “Đúng vậy”, Người nói. “Ta chưa tìm thấy công ty bảo hiểm nào mà chịu nhận bảo hiểm các rủi ro tai nạn hay sức khỏe của con mà lại trả tiền cho con về việc gánh chịu đó. Nhưng đó chính là cách mà những người bên trái thường làm”. “Điều đó thật khó hiểu”, Mike nói. “Con không thấy điều đó hợp lý chút nào”. Người mỉm cười, “Một khi con hiểu rõ hơn về phía bên phải, con sẽ nhận thấy ngay sự khác nhau đó một cách rõ ràng. Hầu hết mọi người không biết có sự khác nhau đó. Họ cho mọi thứ đều rủi ro... mà vẫn trả giá cho nó. Thế nhưng nhiều năm tới đây, một khi các con có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn về phía bên phải tứ đồ, tầm nhìn của con sẽ được mở rộng và các con sẽ thấy được những gì người khác không thấy. Con sẽ hiểu được tại sao việc đi tìm kiếm sự ổn định để tránh rủi ro lại là điều rủi ro nhất. Con sẽ phát triển cách nhìn về tiền bạc và không cần phải nghe theo ý kiến của người khác chỉ bởi vì họ làm nghề ngân hàng, làm môi giới chứng khoán, hay kế toán viên, v.v... Con có thể tìm thấy sự thực cho chính con và biết được sự khác nhau giữa một ý kiến và một thực tế khách quan tiền bạc”. Ngày hôm đó thật tuyệt vời. Thực sự, đó là một trong những bài học quý giá mà tôi có thể nhớ được. Bài học đó quý giá bởi vì nó mở mang đầu óc tôi, giúp tôi nhận ra những điều mà mắt trần của tôi không nhìn thấy được.
CÁC CON SỐ LÀM GIẢM RỦI RO
Không có những bài học đơn giản đó của người bố giàu, có lẽ sẽ không đủ lòng đam mê xây dựng một hệ thống giáo dục mà tôi mơ ước. Nếu không có sự chú trọng nhấn mạnh của Người vào sự hiểu biết và độ chính xác vào những con số, tôi biết đầu tư một cách khôn ngoan, ít rủi ro nhưng lại sinh lời cao đến như vậy. Tôi luôn nhớ lời Người nói một khi dự án của bạn càng lớn và bạn càng khao khát thành công chừng nào, bạn cần phải chính xác chừng nấy. Nếu bạn muốn làm giàu một cách chậm chạp, hay chỉ muốn làm việc suốt đời và để tiền bạc của mình cho người khác quản lý, thế thì bạn không cần sự chính xác để làm gì. Bạn càng muốn làm giàu nhanh, bạn cần phải có những con số chính xác. Tin mừng là nhờ vào các tiến bộ kỹ thuật cũng như nhiều sản phẩm mới, ngày nay thật dễ dàng hơn rất nhiều khi học những khác nhau cần có để tự xây dựng cho bạn một hệ thống và phát triển sự hiểu biết về tài chánh của bạn.
BẠN CÓ THỂ LÀM GIÀU NHANH... NHƯNG ĐỪNG ĐI NGÕ TẮT
“Để giảm thuế, anh hãy mua ngôi nhà lớn hơn, vay nợ nhiều hơn nhưng anh sẽ được khấu trừ giảm thuế các khoản lãi suất đi vay đó”. “Căn nhà nên là khoản đầu tư lớn nhất của bạn”. “Tốt hơn hết là anh nên mua bây giờ bởi vì giá cả lúc nào cũng tăng lên cả”. “Hãy làm giàu từ từ”. “Hãy sống tằn tiện”.
Nếu bạn bỏ thì giờ học hỏi và nghiên cứu những môn học cần có ở phía bên phải tứ đồ, những câu nói đại loại như thế thật vô nghĩa. Chúng có thể có nghĩa với những người bên trái tứ đồ nhưng không phải với người ở phái bên phải. Bạn có thể làm gì bạn muốn, làm giàu nhanh và kiếm bao nhiêu tiền tùy bạn, nhưng bạn phải trả giá. Bạn có thể làm giàu nhanh đó, nhưng nên nhớ rằng không có lối tắt nào.
Quyển sách này không phải đưa ra những lời giải đáp. Quyển sách này chỉ xem xét những thách thức, những mục tiêu từ một quan điểm khác. Không phải quan điểm nào hay hơn, hợp lý hơn, mà điều chủ yếu là sẽ khôn ngoan hơn khi có nhiều quan điểm.
Khi đọc các chương kế, bạn sẽ bắt đầu có cơ hội nhìn về tài chính, chuyện kinh doanh và cuộc đời từ một quan điểm khác.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 7: TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN MUỐN (P1/2)
Tumblr media
“Chuyện vô gia cư không đáng kể”, người bố giàu nói. Mà chính là con người mà con muốn trở thành. Cứ tiếp tục phấn đấu đi, con sẽ trở thành một con người khác. Nhưng nếu con bỏ cuộc, con cũng trở thành một con người khác nhưng không phải là người mà con muốn trở thành”.
NHỮNG THAY ĐỔI MÀ BẠN SẼ TRẢI QUA
Đối với những bạn đang xem xét thay đổi mục tiêu từ sự ổn đ̔ làm sang sự ổn định tài chính, tất cả những gì mà tôi có thể tặng cho bạn chỉ là những lời khích lệ, động viên. Riêng đối với Kim và tôi, chúng tôi phải trải qua tình huống không nhà cửa, nỗi tuyệt vọng trước khi chúng tôi tìm lại sự can đảm để đi nốt con đường. Đó là con đường của chúng tôi, nhưng nó không nh���t thiết là con đường mà bạn phải trải qua. Như tôi đã đề cập trước đây, có những hệ thống được vạch sẵn giúp cho bạn có thể đi qua cây cầu vượt sang thế giới bên phải của tứ đồ.
Vấn đề thực sự chính là những thay đổi nội tâm mà bạn phải trải qua để phấn đấu trở thành con người mà bạn mong muốn trong suốt quá trình. Quá trình ấy đối với một số người không khó khăn gì. Nhưng với nhiều người khác, quá trình ấy đầy những chông gai hiểm trở không thể vượt qua.
TIỀN BẠC LÀ THUỐC PHIỆN
Người bố giàu luôn nói với Mike và tôi, “Tiền bạc là thuốc phiện”.
Lý do chính khiến cho Người không chịu trả lương cho công việc chúng tôi làm là vì Người không muốn chúng tôi sẽ trở nên những con nghiện cho lối sống làm việc vì tiền “Nếu con nghiện tiền bạc”, Người nói, “sẽ rất khó khăn cho con chiến thắng được cơn nghiện đó”.
Khi tôi gọi cho Người từ California như một người lớn và xin tiền Người, Người vẫn không thay đổi cách mà Người đã bắt đầy dạy chúng tôi từ lúc chúng tôi chỉ là những đứa nhóc 9 tuổi. Không cho chúng tôi tiền như hồi chúng tôi còn nhỏ, và cho đến khi ấy Người cũng làm như thế. Người vẫn tiếp tục cách cư xử cứng rắn và hướng tôi xa dần đam mê làm việc vì tiền.
Người gọi tiền là thuốc phiện bởi vì Người đã từng chứng kiến biết bao người hạnh phúc khi có tiền, nhưng lại trở nên chán nản buồn rầu khi trong túi không còn một cắc. Cũng giống như những người ghiền ma túy, họ đạt tới tình trạng hưng phấn khi tiêm thuốc, và trở nên bạo động, điên loạn khi không có nó.
“Hãy cẩn thận với sức mê hoặc của đồng tiền con ạ”, Người thường nói. “Một khi con quen nhận lấy nó, sự mê hoặc của tiền bạc sẽ khiến con kẹt dính mãi mãi vào thói quen con phải kiếm tiền”.
Nói cách khác, nếu bạn kiếm tiền như một người làm công, bạn sẽ có khuynh hướng ưa thích cách kiếm tiền đó. Nếu bạn từng kiếm tiền như người làm tư, sẽ rất khó phá vỡ sự cố chấp vào cách kiếm tiền đó. Còn nếu bạn quen với sự bao cấp của chính phủ, thói quen ấy cũng sẽ rất khó thay đổi được.
“Chướng ngại lớn nhất trong cuộc hành trình từ phía bên trái sang phía bên phải tứ đồ chính là sự cố chấp vào cách kiếm tiền mà con từng quen làm như vậy trước đây”. Người nói. “Đó không chỉ là một sự thay đổi thói quen, mà còn là sự cắt bỏ thói nghiện”.
Đó chính là lý do tại sao mà Người từng nhấn mạnh với chúng tôi là đừng bao giờ làm việc vì tiền. Người bắt chúng tôi phải học cho được cách tạo ra các hệ thống cho chính mình mà từ đó tiền bạc sẽ chảy vào túi chúng tôi.
CÁC KIỂU RẬP KHUÔN
Đối với hai vợ chồng tôi, chướng ngại lớn nhất cản trở chúng tôi trên con đường làm giàu ở nhóm C, chính là những thói quen, những nền móng giáo dục trong quá khứ cứ kềm hãm chúng tôi lại. Thật không dễ chịu chút nào khi những người bạn thân cứ tra hỏi chúng tôi, “Tại sao các bạn lại làm điều này? Tại sao anh chị không chịu đi kiếm việc làm?”.
Tình huống càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn khi chính một phần con người trong chúng tôi cứ muốn lôi kéo chúng tôi trở lại lối sống dựa dẫm và lệ thuộc vào những đồng lương nhận được đều đều mỗi tháng.
Người bố giàu đã giải thích cho Mike và tôi thế giới tiền bạc là một hệ thống vĩ đại và to lớn. Và chúng tôi chỉ là những cá nhân nhỏ bé đang học hỏi cách vận hành, hoạt động theo những kiểu, những khuôn nào đó trong hệ thống ấy. Chẳng hạn:
Người nhóm L làm việc cho hệ thống
Người nhóm T tự bản thân đã là hệ thống
Người nhóm C tạo ra, làm chủ hoặc kiểm soát hệ thống
Người nhóm Đ đầu tư tiền bạc vào hệ thống
Những kiểu, những khuôn mà người bố giàu muốn ám chỉ đến chính là những kiểu khuôn nằm ngay bên trong cơ thể, tư tưởng, suy nghĩ của chúng tôi mà những kiểu khuôn đó đã lôi kéo con người theo những khác nhau trên con đường tiền bạc.
“Khi một người cần tiền”, người bố giàu nói, “người nhóm L sẽ đi kiếm một công việc ngay mà không cần suy nghĩ, trong khi người nhóm T thường muốn tự mình kiếm tiền bằng chính công sức bản thân. Người nhóm C sẽ tạo ra hoặc mua lấy một hệ thống kinh doanh làm ra tiền, và người nhóm Đ thì tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một tài sản tạo ra tiền”.
TẠI SAO LẠI KHÓ KHĂN KHI THAY ĐỔI MỘT KHUÔN MẪU
“Lý do tại sao thay đổi một nếp sống thường khó khăn”, người bố giàu nói, “là vì tiền bạc ngày nay đã trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống. Trong thời Nông nghiệp, tiền bạc không quan trọng đến như thế bởi vì đất đai có thể đem lại thức ăn, chỗ ở, củi lửa và nước sôi mà không cần tiền bạc. Một khi con người di cư vào những thành phố lớn trong thời đại Công nghiệp, tiền bạc bắt đầu chứng tỏ sức mạnh của nó đối với cuộc đời. Ngày nay, ngay cả nước uống cũng phải tốn tiền con ạ”.
Người bố giàu tiếp tục giải thích: Khi một người bắt đầu cuộc hành trình, chẳng hạn từ nhóm L vào nhóm T, một phần con người vốn đã quen với lối sống của nhóm L, hoặc nỗi sợ hãi sự thất bại, bắt đầu trỗi dậy và phản kháng. Hình ảnh đó chẳng khác nào như một người đang bị chìm trong dòng nước cố hớp hơi không khí để thở, hay như một người bị đói trong một thời gian dài sẽ cố tìm mọi thứ để ăn, sống sót.
“Chính cuộc chiến thầm lặng bên trong con người của con đã làm cho con đường trở nên khó khăn và phức tạp. Chính sự nổi loạn giữa con người cũ của con với con người mà con khao khát trở thành mối là mối phát sinh mọi vấn đề”, Người đã giải thích với tôi trên điện thoại. “Phần con người vẫn bám vào sự ổn định đang khiêu chiến với phần con người hướng tới sự tự do. Chỉ có con mới có thể quyết định dứt khoát bên nào thắng. Hoặc con sẽ xắn tay áo lên lao vào chuyện kinh doanh con muốn, hay là con sẽ thối lui và chui vào cái vỏ ổn định việc làm mãi mãi”.
HÃY NUÔI DƯỠNG LÒNG ĐAM MÊ CỦA BẠN
“Con có thực sự muốn tiến tới hay không?” người bố giàu hỏi.
“Con muốn chứ”, tôi vội vã trả lời.
“Thế con có quên những gì con đã tính trước hay chưa? Con có còn nhớ sự đam mê của mình và những gì đã khiến con kẹt vào tình huống khó khăn này ngay từ ban đầu hay không?” Người hỏi.
“Ồ”, tôi trả lời, hơi bị giật mình. Ừ nhỉ, tôi đã quên bẵng nó. Cho nên tôi cứ đứng lặng thinh bên trạm điện thoại, cố suy nghĩ điều gì đã khiến tôi lâm vào chuyện bê bối thế này.
“Ta biết con ạ”, Người nói như muốn làm vỡ tung màng nhĩ tai tôi. “Con quá lo lắng để tồn tại với nghề nghiệp chuyên môn của con hơn là cố nuôi dưỡng giấc mơ của con. Nỗi sợ trong con đã đè bẹp lòng khát khao đam mê của con. Cách tốt nhất là ráng giữ ngọn lửa ấy đừng tàn lụi trong tim mình con ạ. Hãy luôn nhớ những gì con đã hoạch định thì cuộc hành trình sẽ trở nên thoải mái dễ dàng. Còn nếu con cứ lo lắng về chính con, nỗi sợ trong con sẽ làm chủ và cai trị linh hồn con. Chính lòng đam mê mới xây nên những hệ thống kinh doanh, chứ không phải bằng sự sợ sệt đâu con. Con đã đi một đoạn khá xa. Con gần tới đích cho nên đừng quay lưng lại ngay bây giờ. Nhớ, hãy bám vào những mục tiêu con dự định, đừng bao giờ quên nó và đừng bao giờ làm tắt đi ngọn lửa cháy bỏng khát khao trong con. Con có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào cũng được, nhưng đâu nhất thiết ngay bây giờ phải không con?”.
Nói xong những câu ấy, người bố giàu đã chúc tôi may mắn rồi gác điện thoại.
Người nói đúng. Tôi đã quên bẵng đi mục tiêu dự định của cuộc hành trình của mình. Tôi đã quên giấc mơ của tôi, cho nên nỗi sợ cứ từng chút một chiếm cứ lấy linh hồn và trái tim của tôi.
Trước đây vài năm có một bộ phim nhan đề “Điệu nhảy chớp nhoáng”. Bài hát chủ đề trong phim có một câu tương tự như vậy, “Hãy dùng lòng đam mê của bạn để đạt được những gì bạn mong muốn”.
Tôi đã không nhớ lòng đam mê đó của mình. Giờ đây chính là lúc tôi phải sử dụng nó để thực hiện điều tôi mơ ước, còn không tôi cứ quay về nhà và để nó chìm vào quên lãng. Tôi đứng đó một hồi lâu, và chợt nghe bên tai những gì người bố giàu đã nói trên điện thoại. “Con có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào cũng được, nhưng đâu nhất thiết ngay bây giờ phải không con?”.
Tôi quyết định khoan bỏ cuộc cho đến khi tôi thực hiện được điều tôi mong muốn.
TRỞ THÀNH NGƯỜI GIÁO VIÊN LÀM CHỦ HỆ THỐNG
Tôi vẫn đứng lặng yên bên trạm điện thoại sau khi chúng tôi đã gác máy. Nỗi sợ hãi sự thất bại đang đánh gục tôi, tiêu diệt giấc mơ của tôi không thương tiếc. Giấc mơ của tôi là tạo ra một kiểu hệ thống giáo dục khác hẳn, một chương trình đào tạo cho những ai muốn trở thành chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư. Khi tôi đứng đó, dòng suy nghĩ đã lôi kéo tôi quay trở lại thời trung học của mình.
Khi tôi được 15 tuổi, một thầy h��ớng nghiệp đã hỏi tôi, “Em muốn làm gì khi lớn lên? Em có ý định trở thành giáo viên như bố của em không?”.
Tôi nhìn thẳng vào người thầy ấy và trả lời thẳng thắn, mạnh mẽ: “Em sẽ không bao giờ theo nghề giáo. Trở thành giáo viên sẽ là giải pháp lựa chọn sau chót của em”.
Không phải tôi không thích trường học, mà là tôi căm ghét. Tôi rất ghét bị buộc phải ngồi yên và lắng nghe ai đó. Nhất là tôi chẳng hề thích hay tôn trọng một môn học mà tôi không có hứng thú gì cả. Tôi cứ bồn chồn ngồi không yên, gây rối ở phía cuối lớp hoặc tìm cách cúp cua.
Cho nên khi người thầy hướng nghiệp hỏi tôi có dự định đi theo nghề nghiệp của bố tôi, tôi lập tức nhảy dựng lên ngay như đỉa phải vôi.
Lúc ấy tôi không biết lòng đam mê được tạo nên bằng sự thương yêu và căm ghét. Tôi thích học hỏi, nhưng tôi không ưa trường lớp. Tôi ghét cay ghét đắng bị buộc phải ngồi yên, bị người khác lập chương trình để tôi trở thành một thứ gì đó mà chính bản thân tôi không hề yêu thích bao giờ. Và tôi không phải là trường hợp cá biệt duy nhất.
NHỮNG CÂU NÓI DANH TIẾNG VỀ GIÁO DỤC
Winst Churchill đã từng nói: “Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, nhưng tôi không hề thích lên lớp ngồi học”.
John Updike nói: “Những người sáng lập đi trước cứ tự cho rằng trẻ con sẽ là gánh nặng bất thường đối với cha mẹ của chúng, cho nên họ đã tạo ra một nhà tù được mệnh danh là trường học, được trang bị bằng những hình phạt tra tấn mà họ gọi là giáo dục”.
Norman Douglas nói: “Giáo dục là một nhà máy quốc doanh tạo ra những loa phóng thanh cho xã hội”.
H.I Menken nói: “Tôi tin rằng những ngày đi học là những ngày khổ sở nhất của đời người. Khoảng thời gian đó đầy ắp những công việc nhàm chán ngu ngốc, những nội quy lạ lùng, đáng bất mãn, và những vi phạm về tính hợp lý cũng như tính đứng đắn một cách thô bạo”.
Galileo nói: “Anh không thể dạy cho con người bất cứ điều gì, mà anh chỉ có thể giúp người ấy tự tìm ra chân lý”.
Mark Twain nói: “Tôi không bao giờ cho phép trường học can thiệp vào việc giáo dục của tôi”.
Elbert Einstein nói: “Đã có quá nhiều giáo dục rồi nhất là trong các trường học ở Mỹ”.
MÓN QUÀ CỦA NGƯỜI BỐ CÓ HỌC THỨC
Chia sẻ những câu nói này với tôi lại chính là người bố có học thức cao nhưng nghèo của tôi. Người cũng không ưa hệ thống trường học... mặc dù Người đã thành công trong nghề nghiệp ấy. Người trở thành thầy giáo bởi vì Người đã từng mong ước có thể thay đổi và cải tổ hệ thống già cỗi ấy, một hệ thống đã ra đời cách đây 300 năm và vẫn còn tồn tại. Thế nhưng Người đã bị chính hệ thống ấy nghiền nát. Người từng có lòng đam mê cố thay đổi guồng máy cũ kỹ, nhưng lại bị dồn đến chân tường. Trong guồng máy ấy vẫn có biết bao nhiêu người đổ tiền vào mà chẳng có ai muốn thay đổi nó cả... mặc dù đã có biết bao tranh luận về sự cần thiết cải tổ hệ thống đó.
Có lẽ vị thầy hướng nghiệp ấy đã tiên tri giùm tôi bởi vì trong nhiều năm sau này, tôi lại đi theo chính con đường mà bố ruột của tôi đã đi qua. Thế nhưng tôi không đi theo chính xác như những gì Người đã làm với hệ thống đó. Tôi cũng có khát khao đam mê ấy, nhưng đã tự tạo cho mình một hệ thống riêng. Và điều đó đã từng đẩy tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Nỗi khát khao cháy bỏng của tôi là có thể tạo ra một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo con người theo một cách khác hẳn.
Khi người bố có học thức biết hai vợ chồng tôi đang gặp khó khăn về tiền bạc, đang cố hết sức mình lập nên một hệ thống đào tạo của riêng mình, Người đã gởi tặng cho chúng tôi những câu nói khích lệ mà tôi ghi lại bên trên. Trên trang giấy chi chít những câu nói nổi tiếng ấy là hàng chữ thân thương do chính Người viết: “Các con hãy tiếp tục cố gắng. Bố”.
Chỉ mãi tới ló, tôi mới vỡ lẽ người bố ruột của tôi đã ghét cay ghét đắng guồng máy ấy đến mức nào bởi vì những gì nó đã đem lại cho các thế hệ trẻ. Thế nhưng sau cử chỉ khích lệ thương yêu ấy, mọi việc bắt đầu có ý nghĩa hơn. Lòng đam mê đang rào rạt trong tim tôi cũng chính là bầu nhiệt huyết của Người thời trai trẻ. Tôi đã tiếp lấy ngọn đuốc từ tay Người mà không hề hay biết. Bản chất con người tôi vẫn là một thầy giáo, mà đó có lẽ là lý do tại sao tôi lại không ưa guồng máy ấy đến mức như vậy.
Sau này, tôi chợt nhận ra rằng mình đã được “di truyền” từ cả hai người bố. Với người bố giàu, tôi đã được truyền những bí quyết trở thành một nhà đầu tư thực sự, trong khi với người bố có học thức cao tôi đã được nhận thấy nỗi đam mê dạy học. Với sự kết hợp đó, giờ đây tôi có thể làm được một điều gì đó đối với guồng máy giáo dục cũ kỹ. Tôi không hề có ý định mong muốn thay đổi hệ thống hiện tại. Thế nhưng, tôi đã có kiến thức, sự hiểu biết và trí khôn để tự xây dựng lấy cho mình một hệ thống.
BẮT ĐẦU GẶT HÁI TỪ NHỮNG NĂM THÁNG HỌC HỎI
Trong nhiều năm, người bố giàu đã chăm chút tỉa tót cho tôi trở thành một người biết cách tạo ra những chuyện làm ăn và những hệ thống kinh doanh. Việc kinh doanh tôi tạo dựng nên vào năm 1977 là một doanh nghiệp sản xuất. Công ty chúng tôi là một trong những công ty tiên phong sản xuất những loại túi thể thao màu sắc tươi sáng, làm bằng nilông có khóa dán velcro[13]. Vào năm 1978, phong trào chạy bộ rất thịnh hành. Những người chạy bộ thường mang theo chìa khóa nhà, thậm chí cả tiền và thẻ chứng minh đề phòng trường hợp bị thương hay gặp tai nạn. Chính điều đó đã thúc đẩy tôi phát minh ra loại túi dán dưới giày này và đã tiếp thị chúng ra thị trường thế giới.
Thành công nhanh chóng của chúng tôi trở thành một hiện tượng, thế nhưng chẳng bao lâu sau sự đam mê đối với sản phẩm và việc kinh doanh trở nên phai nhạt dần. Nỗi đam mê đó càng tàn lụi nhanh khi công ty nhỏ bé của tôi bắt đầu gặp cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ kinh doanh nước ngoài. Những công ty đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông bắt đầu tung ra ào ạt những sản phẩm giống y hệt như của chúng tôi, và dần dần chiếm lĩnh thị trường mà chúng tôi đã ra sức xây dựng trước đây. Giá của họ rẻ đến mức chúng tôi không thể nào cạnh tranh lại. Những sản phẩm bán lẻ đó có chi phí sản xuất thấp hơn chúng tôi rất nhiều.
Doanh nghiệp nhỏ bé của tôi gặp phải một thử thách nghiệt ngã: tiếp tục chiến đấu hoặc gia nhập với những đối thủ ấy. Các đối tác nhận ra chúng tôi không thể tiếp tục cuộc chiến cạnh tranh gay gắt ấy. Những công ty chiếm lĩnh thị trường với những sản phẩm rẻ lại quá mạnh. Chúng tôi bỏ phiếu bầu, và cuối cùng quyết định gia nhập với họ.
Bi kịch nằm ở chỗ, để có thể sống còn trên thương trường, chúng tôi phải sa thải những nhân viên trung thành và cần mẫn. Điều đó đã xé nát trái tim tôi. Khi tôi có cơ hội tham quan những nhà máy mới mà chúng tôi đã ký hợp đồng sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan, lòng tôi lại tan nát thêm. Những điều kiện môi trường mà các nhân công trẻ bị buộc làm việc trong đó thật quá phũ phàng và khắc nghiệt. Tôi đã chứng kiến 5 công nhân chen chúc bốc xếp hàng hóa trong một khoảng rộng mà nhà máy chúng tôi chỉ cho phép một công nhân làm việc. Lương tâm bắt đầu day dứt tôi không ngừng. Tôi cảm thấy xót xa không chỉ cho những công nhân mà chúng tôi sa thải ở Mỹ, mà cả những công nhân ngoại quốc đang làm việc cho chúng tôi.
Mặc dù chúng tôi giải quyết được vấn đề cạnh tranh với các đối thủ kinh doanh nước ngoài và kiếm được nhiều tiền, trái tim tôi đã không còn hứng thú gì với việc kinh doanh nào nữa cả. Và chuyện làm ăn bắt đầu đi xuống từ đó. Mà làm sao công việc kinh doanh ấy còn hấp dẫn một khi nỗi đam mê trong tôi không còn nữa? Tôi không còn bao giờ muốn làm giàu trên sự bóc lột những người lao động được trả rẻ như bèo cho công sức mồ hôi nước mắt của họ. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức làm chủ kinh doanh với mọi người, cứ không phải những kinh nghiệm khiến họ cứ trở thành những người làm công cực nhọc. Khi tôi được 32 tuổi, tôi đã bắt đầu đi theo nghề dạy học mà tôi không hay biết. Việc kinh doanh bị sa sút không phải vì không có các hệ thống vận hành hiệu quả, mà là vì thiếu một khát khao, một đam mê sôi sục. Lúc hai vợ chồng tôi bắt đầu xây dựng một hệ thống kinh doanh mới, công ty sản xuất loại túi khóa velcro hoàn toàn tan rã.
2 notes · View notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 6: CON KHÔNG THỂ THẤY TIỀN BẰNG MẮT CON ĐƯỢC (P4)
Tumblr media
SỰ KHÁC NHAU QUAN TRỌNG GIỮA THỰC TẾ VÀ Ý KIẾN
Người bố giàu tiếp tục bài học. “Nếu con muốn thành công ở phía bên phải, khi đề cập đến tiền bạc, con phải biết được sự khác nhau giữa thực tế và ý kiến chủ quan. Con không thể mù quáng tin theo những lời khuyên tài chính của những người ở phía bên trái tứ đồ. Con phải hiểu được những con số. Con phải biết được thực tế như thế nào. Và những con số sẽ cho con biết được sự thực. Sự tồn tại tài chính của con phải dựa vào thực tế, chứ không phải những ý kiến của người bạn này hay người bạn kia của con”.
“Con không hiểu. Tại sao sự khác nhau giữa một thực tế và một ý kiến lại quan trọng đến thế?”, tôi hỏi. “Cái nào tốt hơn cái nào?”.
“Không có cái nào tốt hơn cả”, Người trả lời. “Con chỉ cần biết khi nào là sự thực, khi nào là ý kiến chủ quan mà thôi”.
Tôi đứng yên không hiểu và hoàn toàn rối mù.
“Ngôi nhà của con trị giá bao nhiêu?” Người hỏi. Người hay dùng thí dụ để giúp tôi hiểu rõ vấn đề.
“Con biết”, tôi mau mắn đáp. “Bố mẹ của con cứ nghĩ tới chuyện bán đi, nên họ đã mời một chuyên viên địa ốc đến coi giá. Người ấy nói căn nhà của con trị giá 36.000 đô. Có nghĩa là bố con lời được 16.000 đô bởi vì bố con chỉ trả có 20.000 đô cách đây 5 năm”.
“Thế thì theo con, định giá của người đó với tính toán của bố con là thực tế hay chỉ là ý kiến chủ quan?”, Người hỏi.
Tôi suy nghĩ một hồi lâu và chợt hiểu ra điều Người muốn nói. “Cả hai đều là ý kiến, có đúng không hở bố?”.
Người gật đầu. “Giỏi lắm. Hầu hết mọi người cứ vật lộn với tiền bạc bởi vì họ suốt đời cứ dùng ý nghĩ của mình chứ không phải sự thực để quyết định một vấn đề gì đó liên quan đến tiền bạc”. Đó là những ý tưởng như: “Ngôi nhà của anh là tài sản”, “Bất động sản lúc nào cũng tăng giá”. “Đầu tư vào cổ phiếu của những công ty lớn là tốt nhất”, “Phải có tiền mới làm ra tiền”, “Cổ phiếu luôn có hời hơn địa ốc”, “Anh nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình”, “Anh muốn làm giàu phải lươn lẹo”, “Đầu tư là rủi ro”, “Hãy chơi cho an toàn”.
Tôi ngồi xuống và lặng người suy nghĩ, nhận ra rằng phần lớn những gì tôi nghe về tiền bạc ở nhà mình chỉ là những ý kiến của mọi người chứ không phải là thực tế.
“Vàng có phải là tài sản không”, Người hỏi, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.
“Vâng, dĩ nhiên rồi”, tôi trả lời. “Vàng mới là đồng tiền thực sự tồn tại với thử thách của thời gian”.
“Đấy con lại bị bẫy nữa rồi”, Người mỉm cười. “Con chỉ lặp lại ý kiến của người khác về tài sản mà không chịu xem xét sự thực”.
“Theo ta, vàng chỉ thực sự là tài sản khi con mua nó ở giá thấp hơn giá bán ra”, Người chậm rãi giải thích. “Nói cách khác, nếu con mua vàng với giá 100 đô và bán ra giá 200 đô, thế thì vàng là tài sản. Nhưng nếu con mua một lượng giá 200 đô và bán ra chỉ được 100 đô, trong giao dịch này vàng chỉ mang lại nợ cho con. Chính những con số tiền bạc thực sự trong giao dịch mới nói lên được sự thực. Thực tế là chính con mới là tài sản hay là nợ... bởi vì chính những quyết định của con mới làm cho vật này trở thành nợ hay trở thành tài sản. Đó là lý do tài sản kiến thức hiểu biết về tiền bạc là quan trọng. Ta đã từng chứng kiến rất nhiều người có một việc kinh doanh hết sức tuyệt vời, hay một mảnh địa ốc ngon ăn, nhưng lại quản lý kiểu nào làm cho mọi thứ đổ nhào và bết bát. Nhiều người cũng làm như thế với cuộc sống cá nhân của họ. Họ sử dụng những đồng tiền kiếm được cực khổ chỉ tạo ra một quãng đời còn lại đầy những nợ chồng chất”.
Tôi cảm thấy rối rắm và bị tổn thương chút ít trong lòng. Tôi muốn tranh luận lại với Người. Người bố giàu đang đùa giỡn với bộ não của tôi.
“Nhiều người bị khủng hoảng tài chính vì không biết đâu là sự thực. Ngày nào ta cũng nghe nhiều câu chuyện đáng thương bị mất hết vốn liếng chỉ vì họ nghĩ một ý kiến là sự thực. Dĩ nhiên không có vấn đề gì khi sử dụng ý kiến của người khác làm quyết định tài chính cho mình, nhưng con tốt hơn hết là nên phân biệt được sự khác nhau ấy. Hàng triệu, hàng triệu người hay quyết định những vấn đề sống còn của họ dựa trên những ý kiến được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác... để rồi họ cứ bị đánh đố tại sao họ vật lộn suốt dời với chuyện tiền bạc”.
“Những ý tưởng hay những ý kiến như thế nào hở bố?”, tôi hỏi.
Người bố giàu cười tủm tỉm một hồi trước khi cất tiếng “Ta sẽ cho con một số thí dụ những ý kiến mà tất cả chúng ta thường nghe nhiều nhất nhé”.
Người bố giàu bắt đầu liệt kê khi Người vẫn cười khúc khích với sự khôi hài đáng yêu nhất của con người. Ngày lấy những ví dụ Người đưa ra như thế này:
1. Bồ nên cưới anh ta. Anh ấy sẽ là một người chồng tốt.
2. Tìm một công việc ổn định và làm ở đó suốt đời.
3. Bác sĩ kiếm được nhiều tiền lắm đấy.
4. Họ có ngôi nhà to lắm. Chắc là họ giàu sụ.
5. Anh ấy có thân hình thật to lớn, chắc anh ấy khỏe lắm nhỉ.
6. Chiếc xe này thật tuyệt vời, rất phù hợp cho một phụ nữ lớn tuổi nhỏ bé.
7. Không bao giờ có đủ tiền để ai ai cũng giàu lên cả.
8. Trái đất thì bằng phẳng.
9. Con người chẳng bao giờ bay được cả.
10. Tên ấy thông minh hơn chị của nó.
11. Trái phiếu an toàn hơn cổ phiếu.
12. Người nào ngu lắm mới phạm lỗi.
13. Anh ta sẽ không bao giờ bán với giá thấp thế đâu.
14. Cô ta sẽ không bao giờ chịu đi chơi với tớ.
15. Đầu tư là rủi ro.
16. Bạn sẽ không bao giờ giàu nổi.
17. Tôi đã không đi học cho nên tôi không bao giờ hơn ai được cả.
18. Anh nên đa dạng hóa các khoản đầu tư của anh.
19. Anh không nên đa dạng hóa các khoản đầu tư của anh.
Người bố giàu cứ mải mê tiếp tục cho tới khi Người nhận ra tôi đã mệt nhoài với những thí dụ về ý kiến hay ý tưởng của Người.
“OK!” Tôi cuối cùng mở miệng. “Quá đủ với con rồi. Thế ý bố muốn nói là gì?”.
“Cứ nghĩ là con sẽ không chặn ta lại chứ”, Người mỉm cười. “Ý của ta là cuộc sống của hầu hết mọi người đều bị chi phối bởi ý kiến của họ, chứ không phải bằng sự thực hay thực tế. Muốn cuộc đời của mình thay đổi, người ấy cần thay đổi những ý tưởng của mình trước... và bắt đầu xem xét các sự kiện thực tế. Nếu con có thể đọc hiểu các báo cáo tài chính, con có thể nhìn ra những sự thực không chỉ về sự thành công của một công ty. Và nếu con có thể đọc hiểu các báo cáo tài chính, con có thể biết ngay một cá nhân đó đang làm ăn như thế nào, hơn là chỉ bằng suy đoán hay nghe theo ý kiến của người khác. Như ta đã nói, không có cái nào tốt hơn cái nào cả. Nếu con không thể chứng minh được một điều là sự thực, thế thì điều đó chỉ là ý kiến chủ quan. Sự mù quáng trong tiền bạc chính là khi một người không biết đọc những con số nên đành phải đi nghe theo ý kiến của người khác. Và sự điên rồ trong tiền bạc thường do việc sử dụng ý kiến mà cứ tưởng là sự thực. Nếu con muốn sống ở phía bên phải tứ đồ, con phải biết sự khác nhau giữa sự thực và ý kiến. Một vài bài học khác còn quan trọng hơn chuyện này. Tôi ngồi lặng yên cố hiểu những gì Người nói. Rõ ràng đó là một khái niệm hết sức đơn giản, nhưng bộ não của tôi lúc ấy quá nhỏ bé để tiếp thu được nó.
“Con có hiểu thế nào là sự siêng năng cần thiết[12] hay không?” Người bố giàu hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Đó chỉ là nghĩa phân biệt đâu là ý kiến, đâu là thực tế. Khi nói đến tiền bạc, hầu hết mọi người hoặc là lười biếng hoặc là tìm những con đường tắt cho nên họ không có đủ sức siêng năng cần thiết. Còn có nhiều người khác sợ bị sai lầm đến nỗi họ quá siêng năng hơn mức cần thiết và chẳng làm gì cả. Trạng thái quá siêng năng dẫn đến sự tê liệt trong khả năng phân tích. Ý của ta là con phải biết cách sàng lọc giữa sự kiện và ý kiến, và từ đó quyết định cho chính con. Như ta đã nói, hầu hết mọi người ngày nay luôn gặp rắc rối tiền bạc chỉ vì họ dùng quá nhiều con đường tắt, đốt giai đoạn và quyết định những vấn đề tiền bạc trong cuộc sống dựa trên ý kiến, thường là ý tưởng của người nhóm L hay T chứ không phải là sự thực. Nếu con muốn trở thành người nhóm C hay Đ, con phải luôn cảnh giác trước sự khác nhau này”.
Ngày đó, tôi không hoàn toàn coi trọng bài học đó của người bố giàu, thế nhưng một vài bài học của Người đã giúp tôi rất nhiều hơn là sự phân biệt giữa sự thực và ý kiến, nhất là khi tôi xoay xở với đồng tiền của mình.
Nhiều năm sau, vào đầu những năm chín mươi, khi người bố giàu bắt đầu nhận thấy thị trường chứng khoán bắt đầu leo thang ngoài tầm nhìn của mình, Người chỉ bình luận thế này. “Đó là đảy ra khi những người làm công hay làm tư có mức lương cao, trả thuế nhiều, và cũng bị kẹt hàng đống nợ, với những danh mục đầu tư chỉ có những tài sản giấy sẽ không ngừng đưa ra những bình luận, ý kiến của họ. Hàng triệu người sẽ bị hại chỉ bởi vì nghe theo những ý kiến của những người mà họ cho là những người ấy biết được sự thực”.
Warren Buffet, nhà đầu tư vĩ đại nhất của nước Mỹ, đã từng nói: “Nếu bạn chơi bài poker và 20 phút sau bạn không biết kẻ chơi nào khác là thằng khờ, thì chính bạn là thằng khờ đấy”.
TẠI SAO MỌI NGƯỜI VẬT LỘN VỚI TÀI CHÍNH
Tôi vừa mới nghe rằng hầu hết mọi người đều sống trong nợ từ lúc họ rời khỏi ghế nhà trường cho đến ngày họ mất.
Dưới đây là bức tranh tiền bạc của một gia đình trung lương bình thường.
Tumblr media
BẢNG CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC
Giờ đây nếu bạn hiểu được trò chơi, bạn có lẽ nhận ra những khoản nợ được liệt kê ở trên sẽ nằm ở đâu trên bảng cân đối tài chính của người khác.
Tumblr media
Bất cứ lúc nào khi bạn nghe những câu như, “Trả góp hàng tháng thấp, dễ dàng”, hay như “Đừng lo lắng, chính phủ sẽ cho bạn được giảm thuế những khoản lỗ đó”, bạn nên biết một ai đó đang dụ bạn vào cuộc chơi. Nếu bạn muốn tự do về tài chánh, bạn cần phải khôn ngoan hơn những người đó.
Đối với hầu hết mọi người, không ai mắc nợ họ cả. Họ không có tài sản thực (là những tài sản đem lại thu nhập cho họ)... và họ thường mắc nợ những người khác. Đó cũng là lý do tại sao họ bám vào một công việc ổn định và vật lộn với tài chính. Nếu không có việc làm, họ sẽ bị sạch túi trong nháy mắt. Trung bình một người Mỹ chỉ cần mất thu nhập liên tiếp trong ba tháng là sẽ bị phá sản ngay, chỉ bởi vì họ đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng lại bị cả cuộc chơi tiền bạc làm chủ họ. Họ vẫn luôn coi nhà của họ, chiếc xe, đồ chơi gôn, quần áo, nhà nghỉ mát và những vật dụng giải trí khác là tài sản. Họ đi nghe những gì người khác thuyết phục họ. Họ phải tin thôi bởi vì họ đâu hiểu đâu là ý kiến chủ quan. Hầu hết mọi người đi đến trường và học hỏi để rồi trở thành những tay chơi trong cuộc chơi đó, nhưng không ai lại giải thích trò chơi đó với họ. Không ai cho họ biết tên gọi của trò chơi đó là “Ai Nợ Ai?” và bởi vì không ai bảo họ, họ dần dần trở thành những con nợ của nhiều người khác.
TIỀN BẠC CHỈ LÀ MỘT Ý TƯỞNG
Một trong những bài hát ưa thích nhất của tôi là “The Gambler”  của KennyRogers. Tôi xin trích một lời hát để tóm tắt toàn bộ chương này: “Nếu con muốn chơi, này con ạ, con hãy học cách chơi đúng trước” 
 Tôi hy vọng giờ đây bạn đã hoàn toàn nắm được những khía cạnh cơ bản của Kim tứ đồ và hiểu được tiền bạc thực sự chỉ là một ý tưởng, chỉ được nhìn thấy bằng đầu óc của bạn chứ không phải bằng mắt trần. Học cách chơi trò chơi tiền bạc là một phần quan trọng trên con đường tìm kiếm sự tự do tài chánh của bạn. Nhưng quan trọng hơn là bạn cần biết mình nên cần có những tính cách gì để có thể tồn tại và thành công ở phía bên phải của Kim tứ đồ. Phần 2 của quyển sách này sẽ tập trung vào cách “khai thác những gì ưu tú nhất trong con người bạn”, và tập trung vào việc phân tích công thức.
TRỞ THÀNH – HÀNH ĐỘNG – TỚI ĐÍCH
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 6: CON KHÔNG THỂ THẤY TIỀN BẰNG MẮT CON ĐƯỢC (P3)
Tumblr media
TẠI SAO BẠN KHÔNG ĐƯỢC GIẢM THUẾ CHO VIỆC TIẾT KIỆM
Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy khi bạn mua nhà và mắc nợ bạn sẽ được giảm thuế, nhưng lại không được như vậy khi bạn tiết kiệm tiền. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao không?
Tôi không có câu trả lời chính xác, nhưng tôi có thể suy luận như thế này. Một lý do chính là vì tiền tiết kiệm của bạn là nợ đối với ngân hàng. Vậy thì lý gì các ngân hàng lại đi yêu cầu chính phủ thông qua một đạo luật khuyến khích bạn bỏ tiền vào ngân hàng của họ trong khi số tiền ấy là những khoản nợ họ phải gánh?
CÁC NGÂN HÀNG KHÔNG CẦN TIỀN TIẾT KIỆM CỦA BẠN
Bên cạnh đó, các ngân hàng thực sự không cần đến tiền tiết kiệm của bạn. Họ không cần nhiều tiền gởi bởi vì họ có thể làm tăng số tiền lên tới cả chục lần. Nếu bạn gởi 1 đô vào ngân hàng, luật pháp cho phép ngân hàng vay ra 10 đô, và tùy thuộc mức trần dự trữ do ngân hàng trung ương quy định, họ có thể cho vay tới 20 đô. Điều đó chẳng khác nào 1 đô của bạn tự dưng biến thành 10 đô hay hơn. Cứ như ảo thuật vậy, phải không bạn? Khi người bố giàu chỉ cho tôi thấy điều đó, tôi trở nên say mê với ý tưởng. Lúc ấy, tôi biết tôi sẽ mong muốn làm chủ một ngân hàng, và sẽ không đi học chỉ để trở thành một người làm công cho ngân hàng
Trên hết, ngân hàng chỉ trả cho bạn mức lãi suất 5% trên 1 đô đó của bạn. Với tư cách là khách hàng, bạn cảm thấy an toàn bởi vì ngân hàng trả thêm tiền cho bạn trên số tiền bạn gởi họ. Các ngân hàng coi cảm giác an toàn đó của bạn là một điều tốt trong mối quan hệ khách hàng, bởi vì một khi bạn gởi tiền với họ, chắc chắn bạn sẽ một lần đến xin vay mượn với họ. Họ mong muốn bạn mượn tiền của họ lắm bởi vì họ có thể chặt đẹp số tiền vay của bạn ở mức lãi suất đến 9%. Trong khi bạn kiếm được 5% tiền lời trên 1 đô của mình, ngân hàng đã kiếm được 9% tiền lời trên 10 đô tạo ra từ 1 đô của bạn. Mới đây, tôi nhận được một thẻ tín dụng chỉ có mức lãi suất 8,9%, nhưng một khi bạn hiểu được những từ lóng luật in nhỏ xíu trên hợp đồng, bạn mới nhận ra được lãi suất thực sự là 23%. Khỏi cần nói, chắc chắn bạn sẽ cắt thẻ tín dụng ra làm đôi và gởi trả lại cho họ ngay, phải không?
HỌ CŨNG SẼ LẤY MẤT TIỀN TIẾT KIỆM CỦA BẠN
Lý do khác họ không cần giảm thuế tiền tiết kiệm còn rõ ràng hơn nữa. Nếu bạn có thể đọc hiểu các con số, và thấy được hướng lưu chuyển của tiền bạc, bạn sẽ thấy ngay thế nào họ cũng lấy mất tiền tiết kiệm của bạn. Bởi vì số tiền tiết kiệm của bạn trong tài khoản ngân hàng sẽ lần lượt chạy ra dưới hình thức lãi suất để trả những khoản nợ thế chấp hay thẻ tín dụng của bạn. Dòng lưu chuyển ấy được minh họa như thế này:
Tumblr media Tumblr media
Và đó là lý do tại sao họ không cần vận động chính phủ cho phép bạn được giảm thuế trên tiền tiết kiệm của bạn. Trước sau gì, họ cũng lấy hết tiền tiết kiệm của bạn dưới hình thức lãi suất bạn phải trả trên nợ bạn vay.
Các chính trị gia cũng sẽ không làm đảo ngược cơ chế ấy bởi vì các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, ngành công nghiệp xây dựng, các nhà môi giới cũng như nhiều tay chơi khác đã bỏ rất nhiều tiền ủng hộ các cuộc vận động bầu cử, và các chính trị gia biết rõ tên gọi của trò chơi đó.
TÊN GỌI CỦA TRÒ CHƠI
Vào năm 1974, người bố giàu rất buồn bởi vì tôi đã bị chính cuộc chơi chọi lại tôi mà tôi không biết. Tôi mua một mảnh địa ốc và chịu lỗ, mà cứ tin rằng mình đang ở trên thế thượng phong.
“Ta rất mừng khi con chịu bắt đầu trò chơi đó”, người bố giàu nói. “Nhưng bởi vì chưa có ai cho con biết trò chơi đó, cho nên con đã bị lôi kéo ngay vào đội thua cuộc”.
Sau đó, Người tiếp tục giải thích các luật chơi cơ bản. “Tên gọi của trò chơi tiền bạc chính là “Ai nợ ai?”.
Người nói một khi tôi hiểu được trò chơi, tôi sẽ chơi tốt hơn thay vì chỉ là một kẻ chơi để cho cả trò chơi nghiền nát mình.
CON CÀNG NỢ NHIỀU CHỪNG NÀO, CON CÀNG NGHÈO CHỪNG ĐÓ
“Con càng nợ nhiều người chừng nào, con càng nghèo chừng nấy”, người bố giàu nói, “Và càng có nhiều người nợ con, thì con càng giàu chừng ấy. Đó chính là cuộc chơi”.
Như tôi đã nói, tôi luôn mở rộng đầu óc của mình. Cho nên tôi ngồi im lặng và đợi Người giải thích. Người không nói với vẻ ác ý, mà chỉ giải thích trò chơi mà Người đã hiểu được nó.
“Chúng ta ai cũng nợ một người nào đó. Vấn đề nảy sinh khi món nợ vượt quá sự kiểm soát. Điều không may là những người nghèo trên thế giới này luôn bị cuộc chơi đó đè nát họ, và họ không thể nào mắc nợ nhiều hơn được nữa. Điều đó cũng tương tự với những nước nghèo. Thế giới chỉ lấy đi của người nghèo, kẻ yếu, hay những kẻ không có hiểu biết về tài chánh. Nếu con mắc nợ quá nhiều, đời sẽ lấy hết mọi thứ con có... thời giờ của con, công việc, ngôi nhà, cuộc sống, lòng tự tin của con, và tước đoạt luôn cả lòng tự trọng của chính con nếu con buông xuôi và phó mặc tất cả. Ta không tạo ra trò chơi này con ạ, ta không phải là kẻ đặt ra luật chơi, mà chỉ biết trò chơi diễn ra như thế nào để ta có thể chơi một cách tốt đẹp nhất. Ta sẽ giải thích trò chơi cho con. Ta muốn con học cách chơi đó, để rồi khi con làm chủ cuộc chơi, con có thể quyết định làm gì với những điều con biết”.
TIỀN LÀ NỢ
Người bố giàu tiếp tục giải thích rằng ngay cả đồng đô-la cũng không phải là một công cụ vốn sở hữu, mà chỉ là một hình thức nợ. Mỗi tờ bạc trước đây được bảo chứng bằng vàng hay bạc, nhưng giờ đây chẳng khác nào tờ giấy nợ mà những công dân đóng thuế của quốc gia in ra tờ bạc đó phải trả. Chừng nào cả thế còn tin tưởng những người Mỹ sẽ làm việc và trả nợ những tờ giấy nợ dưới hình thức đồng đô-la làm ăn, thì cả thế giới vẫn còn tín nhiệm và coi trọng đồng đô-la Mỹ. Nếu yếu tố chủ chốt của đồng tiền – lòng tin – đột nhiên không còn nữa, cả nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ như đống giấy vụn... và đâu phải chỉ một lần trong lịch sử thế giới, kinh tế toàn cầu đã chao đảo và suy sụp.
Lấy ví dụ đồng mác Đức trong thời kỳ chính phủ Weimar cầm quyền trở nên hoàn toàn vô giá trị ngay trước Đại thế chiến thứ hai. Có một câu chuyện kể rằng một phụ nữ đẩy một chiếc xe cút kít đầy ắp tiền chỉ đổi lấy một ổ bánh mì. Khi bà tay quay lưng đi, một kẻ khác lấy mất chiếc xe cút kít của bà ta và để hàng đống đồng mác tung tóe trên đường.
Đó là lý do tại sao mà đồng tiền ngày nay còn được gọi là tiền “giấy” (fiat money), tức là tờ giấy bạc đó không đổi được một vật hữu hình nào đó như vàng hay bạc. Tiền chỉ tồn tại một khi người dân có lòng tin vào sự quản lý tài chính của chính phủ trong việc bảo vệ giá trị của nó. Một định nghĩa khác của chữ “fiat” còn là một “sắc lệnh độc tài do một người hay một nhóm người có quyền ban hành”.
Ngày nay, phần lớn nên kinh tế toàn cầu đều dựa trên nợ và lòng tin. Một khi tất cả chúng ta vẫn còn nắm tay nhau và không ai phá vỡ vòng tay ấy, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Riêng đối với tôi, chữ “tốt đẹp” ấy còn có nghĩa là một “trạng thái cảm giác không an toàn cả về thần kinh lẫn cảm xúc”[11].
AI NỢ AI?
Trở lại năm 1974 khi tôi đang học hỏi cách đầu tư một căn nhà trị giá 56.000 đô, người bố giàu đã dạy tôi một bài học quan trọng trong việc sắp xếp những khoản đầu tư.
“Ai nợ ai là tên của trò chơi con ạ”, người bố giàu nói. “Một kẻ nào đó vừa đẩy nợ cho con. Điều đó chẳng khác nào đi ăn tối với 10 người bạn. Con đi vào phòng vệ sinh một chút, và đến khi trở ra, 10 người bạn của con đã biến đâu mất và để lại hóa đơn cho con thanh toán. Nếu con muốn chơi trò chơi đó, tốt nhất con hãy nên tìm hiểu trò chơi trước, biết rõ luật chơi, sử dụng một thứ ngôn ngữ và hiểu rõ những ai con sẽ chơi cùng. Nếu con không hiểu những điều đó, thay vì con là người chơi, con sẽ trở thành mục tiêu của trò chơi đó con ạ”.
ĐÓ CHỈ LÀ MỘT CUỘC CHƠI
Lúc đầu tôi rất giận với những lời nói của người bố giàu... thế nhưng tôi đã cố nhẫn nại để lắng nghe và để hiểu biết những gì Người muốn nói. Cuối cùng, Người dùng một thí dụ giúp tôi nắm được vấn đề. “Con thích chơi bóng đá chứ?”, Người hỏi.
Tôi gật đầu.
“Tiền bạc là trò chơi của ta”, người bố giàu nói. “Ta rất yêu thích trò chơi đó”.
“Nhưng nhiều người không nghĩ tiền là trò chơi đâu bố à”, tôi nói.
“Đúng con ạ”, Người trả lời. “Đối với hầu hết mọi người, đó là sự sống còn của họ. Tiền bạc là một trò chơi mà họ bị bắt buộc phải tham gia, và họ rất ghét nó. Điều là một khi chúng ta càng văn minh chừng nào, thì tiền bạc càng trở nên một phần không thể tách rời cuộc sống của chúng ta chừng nấy”.
Người bố giàu đã vẽ lại Kim tứ đồ cho tôi.
Tumblr media
“Hãy coi tứ đồ đó chẳng khác gì sân quần vợt hay sân banh. Nếu con muốn tham gia vào trò chơi tiền bạc, con sẽ muốn vào đội nào? Đội L, T, C hay Đ? Hay con muốn chơi ở bên sân nào – sân bên trái hay bên phải?”
NẾU CON CHẤP NHẬN NỢ VÀ RỦI RO, CON PHẢI ĐƯỢC TRẢ LẠI XỨNG ĐÁNG
“Tốt”, người bố giàu nói. “Và đó là lý do tại sao con không thể nào đi ra ngoài đó chơi được nếu con cứ tin vào một kẻ bán hàng, tin việc con lỗ mỗi tháng 150 đô trong 30 năm là một mối đầu tư hời bởi vì chính phủ sẽ cho con giảm thuế vì mất tiền, và tin điều ông ta nói là giá địa ốc sẽ tăng. Con sẽ không thể nào chơi được nếu con còn bám vào kiểu suy nghĩ như thế con ạ. Có thể tất cả những điều ông ta nói là đúng, nhưng đó không phải là cách chơi của những người ở phía bên phải tứ đồ. Một kẻ nào đó xúi con mắc nợ, chấp nhận mọi rủi ro, và trả tiền cho hành động đó. Những người ở phía bên trái có thể coi hành động đó là khôn ngoan, nhưng những người bên phải thì không hề con ạ”.
Tôi khẽ rùng mình.
“Hãy coi cách lập luận của ta”, Người tiếp tục, “Con chấp nhận giá 56.000 đô cho một căn hộ trên tầng cao. Con ký nợ. Con chấp nhận rủi ro. Kẻ thuê ở giá thấp hơn mức thị trường. Điều đó có nghĩa là con đang chu cấp cho kẻ ấy vào ở trong căn hộ con mua. Con thấy điều đó có hợp lý không?”
Tôi lắc đầu. “Không bố ạ”.
“Còn đây là cách ta chơi. Từ đây trở đi, nếu con muốn chấp nhận nợ và rủi ro, con phải được trả lại xứng đáng. Hiểu chứ?”
Tôi gật đầu.
“Kiếm tiền phải là một chuyện hợp lô-gíc và dễ hiểu”, người bố giàu nói. “Nó không phải như môn khoa học về tên lửa. Điều không may là khi đề cập đến tiền bạc, tính hợp lý và dễ hiểu lại trở nên hiếm hoi. Một ngân hàng bảo anh cứ việc vay nợ đi, chính phủ sẽ cho anh giảm thuế mà bản thân việc đó hoàn toàn không có nghĩa gì về mặt kinh tế học cơ bản. Một người địa ốc xúi anh cứ ký nợ đi bởi vì anh kiếm được một người trả tiền thuê nhà rẻ hơn tiền trả nợ hàng tháng của anh, bởi vì anh ta nghĩ là giá bất động sản sẽ tăng lên vùn vụt. Nếu những điều đó con thấy hợp lý, thế thì ta chẳng có gì để cùng chia sẻ với con nữa cả”.
Tôi chỉ đứng lặng yên ở đó. Tôi nghe hết những gì Người nói, và tôi tự nhận với chính mình là cảm xúc phấn khích về ảo giác một mối đầu tư hời đã quăng hết mọi lý luận, suy nghĩ của tôi ra khỏi đầu. Tôi không thể phân tích lợi hại của mối đầu tư ấy. Bởi vì mối ấy “trông có vẻ” hời, tôi đã để mình bị lôi tuột đi bằng những cảm xúc tham lam và khích động, cho nên tôi không thể nào lắng nghe những gì mà các con số hay từ ngữ muốn nói với tôi.
Người bố giàu sau đó đã dạy cho tôi một quy tắc quan trọng mà Người bao giờ cũng dùng nói “Lời con kiếm được là lúc con mua... chứ không phải lúc con bán”. Người bố giàu luôn chắc chắn với những khoản nợ hay rủi ro mà Người phải chấp nhận, phải có ý nghĩa nào đó vào lúc Người quyết định mua, phải có ý nghĩa khi nền kinh tế đang xuống dốc hay đi lên. Người không bao giờ đầu tư chỉ để lợi dụng những sơ hở trong luật thuế hay dựa trên những tiên đoán mơ hồ về tương lai. Một khoản đầu tư phải luôn có hời về mặt kinh tế cả trong lúc tốt và xấu.
Tôi bắt đầu hiểu được trò chơi tiền bạc mà Người đã nhìn thấy. Trò chơi tiền bạc chính là thấy những người khác nợ mình và cẩn thận khi mình mắc nợ một ai đó. Cho đến giờ này, tôi vẫn còn luôn nghe những lời Người nói, “Nếu con chấp nhận nợ và rủi ro, con phải đảm bảo được trả lại xứng đáng”.
Người bố giàu cũng mắc nợ, nhưng Người rất cẩn thận khi phải chấp nhận nó. “Hãy cẩn thận khi con nhận nợ con à”, Người khuyên tôi. “Nếu con đi vay mượn cá nhân, đừng bao giờ mượn nhiều. Còn nếu con đi vay nhiều, hãy đảm bảo có một kẻ khác sẽ trả nợ đó cho con”.
Người nhìn thấy cuộc chơi tiền bạc và nợ nần xảy ra với tất cả mọi người, với anh và cả với tôi. Trò chơi diễn ra không ngừng trong mọi chuyện kinh doanh, và trên tất cả các quốc gia trên thế giới. Người coi đó chỉ là một trò chơi. Thế nhưng với hầu hết mọi người, tiền bạc không phải là trò chơi. Nhiều người còn coi tiền bạc là sự sống còn của chính mình, của cuộc đời mình. Và bởi vì không có ai giải thích trò chơi đó với họ, họ đành phải tin lời các ngân hàng bảo căn nhà của họ là tài sản.
0 notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 6: CON KHÔNG THỂ THẤY TIỀN BẰNG MẮT CON ĐƯỢC (P2)
Tumblr media
MỘT TƯ VẤN DỞ CHÍNH LÀ RỦI RO
Người bố giàu của tôi tin tưởng chắc chắn rằng chẳng có lời tư vấn tài chính nào hay hơn cả. Người có đầu óc rất cởi mở và phóng khoáng. Người rất lịch thiệp và lắng nghe nhiều người. Nhưng cuối cùng, Người vẫn dựa vào chính sự thông minh tài chính của mình khi ra quyết định: “Nếu con chẳng biết gì, thì chẳng có lời tư vấn tài chính nào hay hơn cả. Nhưng nếu con không phân biệt được đâu là lời tư vấn hay, đâu là lời tư vấn dở, con sẽ gặp nhiều rủi ro lắm đấy”.
Người bố giàu tin tưởng chắc chắn rằng sở dĩ phần lớn mọi người gặp khó khăn việc tiền bạc là vì họ cứ dựa trên những kiến thức tài chánh được cha truyền con nối, và hầu như chẳng có ai xuất thân từ một gia đình nào khôn ngoan về tài chánh cả. “Lời khuyên dở chính là rủi ro, và hầu như những lời khuyên dở đều phát ra từ ở nhà”, Người thường nói. “Không phải vì những gì được nói, mà chính là vì những gì được làm kia. Trẻ con thường học bằng thí dụ nhiều hơn bằng câu chữ”.
NHỮNG NGƯỜI CỐ VẤN CHẲNG KHÔN NGOAN NHIỀU HƠN BẠN ĐÂU
Người bố giàu nói, “Những người tư vấn cho con vốn chẳng khôn ngoan hơn con bao nhiêu. Nếu con không khôn ngoan, họ có thể tư vấn cho con được nhiều như thế. Nếu con có hiểu biết cặn kẽ về tài chánh, họ sẽ tư vấn cho con những cách phức tạp và tinh vi hơn. Còn nếu con không biết gì nhiều về tài chánh, theo luật, họ chỉ tư vấn cho con những chiến lược tài chính căn bản an toàn và đảm bảo. Nếu con là một tay đầu tư nghiệp dư, họ chỉ có thể khuyên con cách đầu tư ít rủi ro và mức lời thấp. Thường thường, họ sẽ đề nghị cách đầu tư “đa dạng hóa”, với những người đầu tư không chuyên. Rất ít người cố vấn chịu bỏ thời giờ dạy cho con. Thời gian của họ là tiền bạc. Cho nên nếu con chịu khó tìm tòi hiểu biết nhiều hơn về tài chính và biết cách quản lý tiền của con, sẽ có một chuyên gia cố vấn tư vấn cho con những chiến lược đầu tư mà rất ít người biết đến. Nhưng trước hết, con phải tự lo học hỏi lấy. Và hãy luôn luôn nhớ rằng người cố vấn chỉ khôn ngoan như con mà thôi”.
NGÂN HÀNG CÓ NÓI DỐI BẠN KHÔNG
Người bố giàu quan hệ làm ăn với nhiều chuyên gia ngân hàng, họ là một phần quan trọng trong đội ngũ tài chính của Người. Trong khi Người có nhiều người bạn thân và đáng kính trọng trong lĩnh vực ngân hàng, Người luôn cảm thấy mình phải tự chăm sóc lấy cho mình, cũng như Người thừa biết các ngân hàng luôn đặt lợi ích của họ lên trên hết.
Sau kinh nghiệm đầu tư năm 1974, Người đã hỏi tôi câu này: “Khi ngân hàng bảo ngôi nhà là tài sản của con, họ có nói thật với con không?”.
HỌ KHÔNG NÓI DỐI... HỌ CHỈ KHÔNG CHO CON BIẾT SỰ THỰC
Sự thực là, khi ngân hàng bảo ngôi nhà là tài sản của bạn, họ không có ý nói dối với bạn. Họ chỉ không cho bạn biết toàn bộ sự thực. Trong khi căn nhà của bạn là tài sản, họ đơn giản chỉ không nói tài sản đó là của ai. Mà đó chính là tài sản của ngân hàng. Bạn có nhớ lại định nghĩa của người bố giàu về tài sản và về nợ từ quyển sách trước không.
“Tài sản bỏ tiền vào túi của bạn.
Nợ lấy tiền của bạn ra khỏi túi”.
Những người ở phía bên trái tứ đồ thực sự không biết về sự khác nhau đó. Phần lớn họ đều cảm thấy hài lòng trong công việc ổn định của mình, có một ngôi nhà đẹp đẽ mà họ nghĩ thuộc về họ. Họ cảm thấy hãnh diện và nghĩ là tài sản đó nằm trong sự kiểm soát của họ. Sẽ không có ai lấy mất căn nhà đó đi một khi họ trả nợ đều đặn mỗi tháng.
Nhưng những người ở phía bên phải tứ đồ biết sự khác nhau đó. Hiểu biết về tài chính và thông minh về tiền bạc có nghĩa là có thể thấy được toàn bộ bức tranh hoạt động của đồng tiền. Những người khôn ngoan về tiền bạc biết rõ rằng tài sản thế chấp không phải là tài sản mà là nợ trên bảng cân đối tài chính của mình. Trong khi đó, cũng cùng tài sản thế chấp đó lại là tài sản trên bảng cân đối tài chính của ngân hàng, chứ không phải của bạn.
Bất cứ ai có kiến thức về kế toán cũng đều biết bảng cân đối tài sản và nợ phải cân bằng. Nhưng nó sẽ cân bằng ở đâu kia chứ? Bảng cân đối tài chánh của bạn thực sự không hề cân bằng. Nếu bạn chịu khó nhìn vào bảng cân đối của ngân hàng, bạn sẽ thấy những con số đã nói lên câu chuyện gì.
Bây giờ thì bảng cân đối ấy hoàn toàn cân bằng, và hoàn toàn có nghĩa. Đó chính là kế toán của thế giới C và Đ. Nhưng điều đó sẽ không được dạy trong môn kế toán căn bản. Trong kế toán, bạn chỉ biết cách trình bày “giá trị” căn nhà bạn là tài sản và tài sản thế chấp là nợ. Điều quan trọng khác cần lưu ý là “giá trị” căn nhà của bạn chỉ là một ý kiến đánh giá thường thay đổi lên xuống theo thị trường, trong khi trị giá tài sản thế chấp (hay nợ vay mượn) lại không hề bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Đối với một người nhóm C hay Đ, “trị” căn nhà của bạn không phải là tài sản bởi vì nó không tạo ra nguồn tiền mặt thu nhập cho bạn.
CHUYỆN GÌ XẢY RA NẾU BẠN TRẢ HẾT NỢ THẾ CHẤP?
Nhiều người hỏi tôi: “Chuyện gì xảy ra sau khi tôi trả hết nợ thế chấp? Có phải ngôi nhà sẽ trở thành tài sản của tôi không?”.
Và tôi đáp: “Trong phần lớn trường hợp, câu trả lời vẫn là “không”. Căn nhà vẫn là nợ”.
Có nhiều lý do để giải thích. Một lý do là việc bảo trì và giữ căn nhà được tốt. Ngôi nhà cũng giống như chiếc xe vậy. Cho dù bạn hoàn toàn làm chủ sở hữu, bạn vẫn phải chi tiền để vận hành nó, và khi có một bộ phận nào đó hư hại sẽ có nguy cơ toàn bộ bị hỏng nặng. Trong phần lớn trường hợp, mọi người phải trả chi phí sửa chữa cho căn nhà và chiếc xe của họ từ những đồng thu nhập sau thuế. Người trong nhóm C và Đ chỉ coi một căn nhà là tài sản của họ khi căn nhà đó tạo ra nguồn thu nhập của họ.
Nhưng lý do chính là, cho dù bạn trả hết nợ thế chấp, căn nhà vẫn là nợ vì bạn thực sự không làm chủ sở hữu nó hoàn toàn. Chính phủ vẫn sẽ đánh thuế bạn khi bạn làm chủ nó. Cứ thử đừng trả thuế nhà xem sao, bạn sẽ biết ngay ai là người chủ thực sự căn nhà của bạn.
ĐỊNH NGHĨA ĐỊA ỐC
Xin lặp lại lần nữa với các bạn: Để có thể nhìn thấy đồng tiền, bạn cần phải tập nhìn thấy nó bằng đầu óc của mình chứ không phải bằng mắt. Và để luyện tập trí óc cho mình, bạn cần phải hiểu thực sự của những từ ngữ và những con số.
Giờ đây, bạn đã biết sự khác nhau giữa một tài sản và một khoản nợ. Từ “thế chấp” đồng nghĩa với “sự chấp nhận đến chết”, trong khi từ “vay” đồng nghĩa với sự trừng phạt. Bạn sẽ biết nguồn gốc của từ “địa ốc” và một công cụ tài chính thông dụng gọi “đầu tư dẫn xuất”[10]. Nhiều người cho rằng hình thức “đầu tư dẫn xuất” này mới xuất hiện, nhưng thực tế nó đã nảy sinh cách đây tương đối lâu.
Định nghĩa đơn giản của “đầu tư dẫn xuất” là “một vật gì đó phát sinh từ một vật khác”. Một ví dụ về một “dẫn xuất” là nước cam bởi vì nước cam là kết quả dẫn xuất của trái cam.
Địa ốc có từ tiếng Anh là “real estate”. Trước đây tôi cứ tưởng chữ “real” là thực, là một cái gì đó hữu hình. Người bố giàu giải thích cho tôi biết chữ “real” ấy có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là hoàng gia (royal). Chẳng hạn, cụm từ “El Camino Real” có nghĩa là con đường của hoàng gia. “Real estate” – địa ốc, có nghĩa thực sự là “bất động sản của hoàng gia”.
Một khi thời đại Nông nghiệp chấm dứt và thời đại Công nghiệp bắt đầu vào khoảng năm 1500, quyền lực không còn dựa vào đất đai và kinh tế nông nghiệp. Các vị vua nhận ra rằng họ phải thay đổi ngay bằng cách cải tổ luật đất đai, cho phép nông dân sở hữu đất. Như vậy, các hoàng gia đã tạo ra công cụ dẫn xuất, chẳng hạn như “thuế” đánh trên quy định sở hữu đất đai, hay “thế chấp” như một cách cho phép người dân vay mượn để mua đất. Thuế và thế chấp đều là công cụ dẫn xuất bởi vì chúng được tạo ra từ đất đai. Ngân hàng của bạn không gọi thế chấp là dẫn xuất, mà họ nói là được “đảm bảo” bằng đất đai. Đều cùng một nghĩa, nhưng chỉ có từ ngữ là khác. Cho nên một khi các vị vua nhận thấy tiền bạc không còn nằm dưới hình thức đất đai mà dưới hình thức “dẫn xuất” được tạo ra từ đất đai, họ đã dựng lên các ngân hàng để thực hiện chuyện kinh doanh mỗi lúc một tăng đó. Ngày nay, đất đai vẫn còn được gọi là “real estate” bởi vì dù bạn trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa, mảnh đất đó vẫn không thuộc về bạn, mà thuộc quyền sở hữu của các “hoàng gia”.
LÃI SUẤT CHO VAY THỰC SỰ CỦA BẠN LÀ BAO NHIÊU?
Người bố giàu thường hay kỳ kèo mỗi điểm lãi suất mà Người phải trả khi mượn nợ. Người đã từng hỏi tôi: “Khi ngân hàng bảo với con mức lãi suất vay là bao nhiêu đó, con có tin là họ nói thiệt không?” Nếu bạn biết đọc những con số, bạn sẽ thấy là không.
Chẳng hạn bạn mua một căn nhà trị giá 100.000 đô. Bạn trả trước 20.000 đô và mượn ngân hàng số tiền 80.000 đô còn lại ở mức lãi suất 8% hàng năm, với thời hạn vay là 30 năm.
Sau 5 năm, bạn sẽ trả tổng cộng cho ngân hàng là 35.220 đô, trong đó hết 31.276 đô là lãi suất, và chỉ có 3.944 để trả nợ gốc.
Nếu bạn trả số nợ ròng rã suốt 30 năm, bạn sẽ trả một khoản gồm lãi suất và nợ gốc tổng cộng là 211.323 đô. Nếu đem số này trừ đi số tiền bạn mượn ban đầu là 80.000 đô, bạn đã trả một khoản lãi suất tới 131.323
Hơn nữa, số tiền bạn trả 211.323 đô đó chưa bao gồm tiền thuế nhà và bảo hiểm vay.
Buồn cười ở chỗ, số tiền lãi vay 131.323 đô không bằng mức lãi suất 8% trên số nợ 80.000 đô, mà thực tế nó lên tới 160% trong thời hạn 30 năm. Như tôi đã nói, ngân hàng không nói dối bạn, mà họ chỉ không cho bạn biết toàn bộ thực sự. Và nếu bạn không biết đọc hiểu những con số, bạn sẽ không bao giờ biết điều đó. Dĩ nhiên, nếu bạn thấy hài lòng với ngôi nhà của mình, bạn sẽ chẳng thèm quan tâm tới. Thế nhưng, ngân hàng biết chắc trong một vài năm sau này, bạn sẽ muốn ngôi nhà mới, to hơn, nhỏ hơn, hay một ngôi nhà nghỉ mát, hay đi vay lại bằng nợ thế chấp. Các ngân hàng biết rõ điều đó, và trong thực tế, họ chủ yếu trông mong vào điều đó.
TRUNG BÌNH TÍNH
Trong ngành công nghiệp ngân hàng khoảng thời gian trung bình 7 năm được dùng làm tuổi thọ dự đoán cho một nợ thế chấp. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng dự tính một người trung bình cứ cách 7 năm sẽ tìm mua một ngôi nhà mới, hay xin vay mượn lại. Và điều đó đối với thí dụ trên, có nghĩa là ngân hàng dự tính cứ sau mỗi 7 năm, họ sẽ thu lại được số tiền cho vay 80.000 đô cộng thêm khoản lãi suất vay 43.291 đô.
Và đó chính là lý do tại sao khoản nợ ấy được gọi là thế chấp. Tiếng Anh là “mortage”, vốn xuất xứ từ tiếng Pháp là “mortir” – nghĩa là “sự chấp nhận đến chết”. Thực tế là hầu hết mọi người vẫn sẽ tiếp tục làm việc cần cù, được tăng lương và mua nhà mới... với những khoản nợ thế chấp mới. Trên hết, chính phủ lại cho giảm thuế để khuyến khích người dân mua những căn nhà đắt tiền hơn, và điều đó sẽ đem lại nhiều thuế bất động sản hơn cho chính phủ. Và bạnừng quên tiền bảo hiểm mà mỗi công ty cho vay thế chấp đều yêu cầu bắt buộc bạn trả khi mượn nợ thế chấp từ họ.
Như tôi đã trình bày, khi các ngân hàng bảo ngôi nhà của bạn là tài sản, họ không nói dối với bạn. Khi chính phủ cho phép bạn được giảm thuế vì mắc nợ, ngôi nhà không còn là tài sản bởi vì nó liên quan đến tương lai tài chính của bạn. Chính phủ cũng quan tâm đến tương lai tài chính của chính mình chứ. Cho nên khi ngân hàng, kế toán viên, luật sư hay giáo viên của bạn bảo với bạn ngôi nhà là tài sản, họ đã không nói được một điều hết sức quan trọng: ngôi nhà ấy là của ai.
THẾ CÒN TIỀN TIẾT KIỆM ĐÓ CÓ PHẢI LÀ TÀI SẢN KHÔNG?
Tiền tiết kiệm của bạn là tài sản, và đó là điều tốt phải không bạn. Thế nhưng, một khi bạn học hiểu các báo cáo tài chính, bạn sẽ nhìn thấy được toàn bộ câu chuyện. Trong khi tiền tiết kiệm chính là tài sản của bạn, đối với bảng cân đối tài chính của ngân hàng, tài sản đó của bạn lại là nợ của ngân hàng. 
Tại sao tiền tiết kiệm của bạn lại là nợ của ngân hàng? Bởi vì họ phải trả bạn lãi suất, và họ phải tốn tiền để canh giữ tiền của bạn.
Nếu bạn thấy được cốt lõi bản chất của những hình vẽ minh họa đó, bạn có thể bắt đầu hiểu được tại sao không thể nhìn thấy trò chơi tiền bạc bằng mắt của mình.
0 notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 6: CON KHÔNG THỂ THẤY TIỀN BẰNG MẮT CON ĐƯỢC (P1)
Tumblr media
Vào cuối năm 1974, tôi mua một căn nhà chung cư nhỏ bé ở vùng ven Waikiki. Đó là một trong những bất động sản đầu tiên của tôi. Giá căn nhà khoảng 56.000 đô. Căn nhà gồm hai phòng ngủ, một phòng tắm trong một chung cư hạng trung bình. Căn hộ đem cho thuê thật là hoàn hảo, và tôi biết chắc sẽ có người thuê căn hộ đó ngay.
Tôi lái xe đến văn phòng làm việc của người bố giàu, trong lòng khấp khởi kể cho Người nghe về mối đầu tư đó. Người nhìn sơ qua xấp tài liệu, và không đầy một phút sau Người ngẩng đầu lên và hỏi tôi: “Mỗi tháng con sẽ mất bao nhiêu tiền?”.
“Khoảng 100 đô mỗi tháng”, tôi trả lời.
“Đừng có ngu ngốc”, người bố giàu nói. “Ta chưa đọc kỹ những con số, nhưng từ xấp tài liệu đó ta có thể chắc chắn là con sẽ mất mỗi tháng nhiều hơn số tiền đó. Hơn nữa, tại sao con lại đi đầu tư vào một thứ mà con biết con sẽ mất tiền”.
“Ồ, căn hộ trông thật dễ thương, và con nghĩ đó là một cơ hội tốt. Chỉ cần sơn phết lại một tí xíu là căn hộ sẽ trông y như mới”, tôi nói.
“Nhưng điều đó không giải thích tại sao con phải mất tiền”, người bố giàu nhếch mép.
“Bố à, tay m��i giới địa ốc bảo con đừng lo lắng về việc mất tiền mỗi tháng bây giờ. Hắn bảo trong một vài năm nữa, giá căn hộ sẽ tăng gấp đôi. Hơn nữa, chính phủ hiện tại cho phép con được trừ những khoản mất tiền đó vào thu nhập cá nhân. Nếu con không chộp lấy cơ hội đó, con e sẽ có người khác lấy mất”.
Người bố giàu đứng dậy và đóng cửa phòng lại. Khi Người làm thế, tôi biết tôi sẽ bị giũa tơi tả cũng như sẽ được dạy một bài học quan trọng. Tôi đã từng trải qua những kiểu dạy như thế của Người.
“Thế thì con sẽ mất bao nhiêu tiền mỗi tháng”. Người bố giàu hỏi lại.
“Khoảng 100 đô mỗi tháng”, tôi nói với vẻ bồn chồn.
Người bố giàu lắc đầu khi Người coi qua xấp tài liệu. Bài học sẽ bắt đầu ngay thôi. Hôm đó, tôi đã được dạy về tiền bạc và đầu tư nhiều hơn những thứ tôi đã học được trong suốt 27 năm qua. Người bố giàu hài lòng khi tôi đã dám bắt tay hành động và đầu tư vào một mảnh địa ốc, thế nhưng hành động đó của tôi lại phạm quá nhiều lỗi lầm có thể khiến tôi lụn bại sau này. Tuy nhiên, những bài học hôm đó về một mối làm ăn đã giúp cho tôi kiếm được hàng triệu đô trong những năm sau này.
CON CẦN NHÌN ĐỒNG TIỀN BẰNG ĐẦU ÓC CỦA CON
“Đó không phải là những gì mắt con thấy được”, người bố giàu nói. “Một mảnh địa ốc chỉ là một mảnh địa ốc, cũng như tờ giấy chứng khoán của một công ty chỉ là một tờ giấy chứng khoán. Con có thể thấy những thứ đó. Nhưng những gì con không thấy mới là quan trọng. Đó chính là mối làm ăn, là sự thỏa thuận tài chính, là thị trường, sự quản lý, các yếu tố rủi ro, luồng tiền mặt, cơ cấu một công ty, các đạo luật về thuế, và hàng ngàn thứ khác sẽ quyết định một cơ hội đầu tư là tốt hay không”.
Sau đó Người tiếp tục xé nhỏ mối giao kèo của tôi bằng hàng loạt câu hỏi tới tấp. “Tại sao con lại chịu trả mức lãi suất cao đến như vậy? Con có hình dung mức lời của con là bao nhiêu không? Cơ hội đầu tư đó phù hợp như thế nào với chiến lược đầu tư dài hạn của con? Con sẽ tận dụng những yếu tố dư thừa nào? Mức vốn tối đa của con là bao nhiêu? Con có kiểm tra các kỷ lục của căn nhà từ sở địa chính hay chưa? Con có hình dung chi phí quản lý bao nhiêu không? Làm thế  nào con ước tính chi phí sửa chữa? Con có biết là chính quyền thành phố vừa mới thông báo kế hoạch quy hoạch trong khu vực đó và thay đ̕ường giao thông không? Sẽ có một dự án thông đường ngay trước căn chung cư đó, cho nên dân cư vùng đó đang di chuyển sang nơi khác để tránh tiếng ồn suốt thời gian thi công. Con có biết điều đó không? Ta biết là hiện tại thị trường đang trên đà tăng trưởng, nhưng con có biết những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng đó hay không? Do sự hồi phục nền kinh tế hay là do lòng tham? Con nghĩ đà tăng trưởng đó sẽ kéo dài trong bao lâu? Chuyện gì xảy ra nếu con không cho mướn được? Và nếu con không cho thuê được, con sẽ rao mướn trong bao lâu, sẽ cầm cự được tình trạng tài chính của chính con trong bao lâu? Và một lần nữa, con suy nghĩ như thế nào mà cho rằng mối đầu tư mất tiền đó lại là cơ hội tốt? Điều này thực sự làm ta lo lắng cho con đó, con ạ”.
“Nó trông có vẻ như một cơ hội đầu tư tốt, bố ạ”, tôi nói như một quả bóng bị xì hơi.
Người bố giàu mỉm cười, đứng dậy và bắt tay tôi. “Ta hài lòng khi con bắt đầu hành động, con ạ”, Người nói. “Hầu hết mọi người chỉ biết suy nghĩ nhưng không bao giờ dám hành động cả. Nếu con làm một điều gì đó, và bị phạm lỗi, con sẽ học được rất nhiều từ những lỗi lầm đó. Hãy nên nhớ con sẽ không bao giờ được dạy những điều quan trọng trong lớp học cả. Con học được những điều đó chỉ bằng hành động, phạm lỗi, và khắc phục sai lầm đó. Đó chính là lúc đầu óc của con được khai mở con ạ”.
Tôi cảm thấy được an ủi hơn, và có thể sẵn sàng tiếp thu bài học.
“Hầu hết mọi người”, người bố giàu nói, “đầu tư 95% bằng con mắt của họ và chỉ đầu tư 5% bằng đầu óc”.
Người bố giàu tiếp tục giải thích mọi người thường nhìn một mảnh địa ốc đó, hay nghe tên một chứng khoán nào đó, rồi ra quyết định dựa trên những gì mắt họ thấy hay người môi giới bảo họ, hoặc từ một tiết lộ nóng hổi của người bạn đồng nghiệp. Họ thường mua theo cảm xúc chứ không theo lý trí.
“Đó là lý do tại sao hết 9 người trong 10 người đầu tư không kiếm ra tiền”, người bố giàu nói. “Có thể họ không bị mất tiền, nhưng họ vẫn không tạo ra tiền. Họ chỉ thuê vốn, thắng được chỗ này chút ít và thua lại chỗ kia chút ít. Đó là vì họ đầu tư bằng mắt và cảm xúc của họ, hơn là bằng cái đầu của mình. Nhiều người nhảy vào đầu tư vì họ muốn làm giàu nhanh chóng. Cho nên thay vì trở thành nhà đầu tư, họ chỉ trở thành những kẻ mơ mộng, những kẻ làm việc quần quật, những tên cờ bạc, thậm chí những tay lừa đảo. Thế giới này đầy rẫy những hạng người đó. Cho nên con hãy ngồi xuống, bình tĩnh xem xét lại cơ hội đầu tư bị mất tiền đó, và ta sẽ dạy cho con cách biến nó thành một cơ hội kiếm tiền. Ta sẽ bắt đầu dạy cho đầu óc của con thấy những gì mà mắt trần của con không thấy được”.
TỪ XẤU THÀNH TỐT
Buổi sáng hôm sau, tôi trở lại công ty địa ốc để giao kèo lại căn nhà tôi định mua hôm trước. Buổi thương lượng chẳng thoải mái tí nào, nhưng tôi đã học được rất nhiều.
Ba ngày sau, tôi quay lại gặp người bố giàu. Mức giá mua vẫn như trước, người môi giới vẫn hưởng trọn mức hoa hồng bởi vì anh toàn xứng đáng được hưởng. Anh ta đã làm việc cật lực cho mối giao kèo của tôi. Nhưng trong khi giá vẫn như cũ, kỳ hạn đầu tư đã thay đổi rất nhiều. Khi thương lượng lại mức lãi suất vay và thời gian trả góp, thay vì mất tiền như trước, giờ đây tôi kiếm một khoản lời khoảng 80 đô mỗi tháng sau khi trang trải chi phí quản lý và có tính đến trường hợp không cho thuê được. Thậm chí tôi có thể hạ mức tiền thuê mà vẫn có lời nếu như thị trường chở nên ế ẩm. Dĩ nhiên, khi thị trường chuyển mình, tôi sẽ tăng mức tiền thuê nhà.
“Ta đoán con sẽ mất ít nhất khoảng 150 đô mỗi tháng với cách đầu tư của con trước đây”, người bố giàu nói. “Thậm chí có thể hơn. Nếu con tiếp tục mất 150 đô mỗi tháng, căn cứ trên mức lương và chi phí sinh hoạt hiện tại, con sẽ có thể thực hiện được bao nhiêu mối đầu tư như thế?”.
“Chỉ một cái thôi bố”, tôi trả lời. “Con sẽ không kiếm tiền được 150 đô mỗi tháng đâu. Nếu con kẹt vào cách đầu tư ban đầu, mỗi tháng con sẽ gặp chật vật về tiền bạc. Cho dù con được giảm thuế, chắc con cũng phải kiếm thêm một công việc thứ hai để trả nợ đầu tư đó”.
“Còn bây giờ, nếu con mỗi tháng kiếm thêm được 80 đô, con sẽ có thể đầu tư bao nhiêu mối?”, người bố giàu hỏi.
Tôi mỉm cười nói, “Bao nhiêu cũng được nếu con tìm thấy cơ hội”.
Người bố giàu gật gù, “Vậy thì bây giờ con hãy đi ra ngoài và kiếm những cơ hội đó”.
Một vài năm sau, thị trường địa ốc Hawaii chuyển mình và lên cơn sốt. Nhưng thay vì chỉ có một căn hộ lên giá, tôi đã có trong tay bảy căn đều lên giá. Đó chính là sức mạnh của một chút ít thông minh về tài chính.
“ANH KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ
Một điều quan trọng mà tôi ghi nhận trong sự đầu tư địa ốc lần đầu tiên của tôi: Khi tôi quay lại thương thảo với công ty địa ốc, người môi giới đã nói với tôi, “Anh không thể làm được như thế!”.
Tôi đã bỏ thời gian rất lâu để thuyết phục anh ta chịu suy nghĩ về cách tôi muốn thực hiện. Trong bất kỳ tình huống nào, tôi cũng học được nhiều bài học về tình huống đầu tư đó, và một trong những bài học là thấy được một người nào đó nói với bạn, “Anh không thể làm được như thế!”. Họ vừa nói vừa chia mũi dùi vào bạn, nhưng họ có biết đâu rằng chính họ đã chĩa tới ba mũi dùi vào bản thân họ.
Người bố giàu dạy tôi rằng, câu nói “Anh không thể làm được như thế” không có nghĩa là con không thể làm được. Người nói câu nói ấy đã tự bộc lộ chính yếu điểm của mình là họ không thể làm điều đó được.
TÌM CHỖ CẤT CHO 1.400 TỶ ĐÔ
Mỗi ngày, có 1.400 tỷ đô lưu chuyển khắp hành tinh bằng điện tử, và số tiền đó cứ tăng lên không ngừng. Ngày hôm nay có nhiều tiền được tạo ra hơn bao giờ hết. Vấn đề là tiền bạc không thể nhìn thấy bằng mắt thường được là vì chúng được lưu thông bằng hệ thống điện tử chớp nhoáng. Cho nên khi mọi người tìm kiếm tiền bạc bằng mắt của họ, họ sẽ chẳng thể nào thấy được thứ gì. Hầu hết mọi người vật lộn mỗi ngày kiếm sống bằng đồng lương nhận được, trong khi số tiền 1.400 tỷ đô vẫn lưu chuyển khắp thế giới tìm kiếm người nào muốn sử dụng chúng, biết cách chăm sóc chúng, nuôi dưỡng chúng và làm cho chúng mỗi ngày một phát triển. Nếu bạn biết cách chăm sóc đồng tiền, tiền bạc sẽ ùa đến tay bạn, và thậ chí sẽ có người khẩn cầu bạn quản lý chúng.
Nhưng nếu bạn không biết cách chăm sóc đồng tiền, tiền bạc sẽ xa lánh bạn. Hãy nhớ lại định nghĩa của người bố giàu về sự thông minh tài chính: “Đó không phải là bao nhiêu tiền con có thể kiếm được, mà bao nhiêu tiền con có thể giữ được, làm cách nào để đồng tiền khó khăn kiếm được ấy làm việc lại cho con, và bao nhiêu thế hệ sau con có thể giữ được số tiền ấy”.
KẺ DẪN ĐƯỜNG KẺ MÙ
“Một người trung bình thường đầu tư hết 95% bằng mắt của họ mà chỉ có 5% bằng đầu óc”, người bố giàu nói. “Nếu con muốn trở thành một tay chuyên nghiệp ở nhóm C và Đ trong tứ đồ, con phải tập luyện sao cho con chỉ dùng 5% bằng mắt và 95% bằng đầu óc của con”. Người bố giàu tiếp tục giải thích rằng những người luyện trí óc họ để nhìn thấy tiền bạc sẽ có một sức mạnh to lớn hơn những người không thấy bằng đầu óc.
Người rất quan tâm đến những người tư vấn tài chÍnh cho tôi. Người giải thích: “Nguyên nhân phần lớn mọi người cứ gặp khó khăn về tài chÍnh là vì họ nghe theo tư vấn của những người vốn không biết gì về tiền bạc một cách trí óc cả. Đó cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn kẻ mù dẫn đường cho kẻ đui vậy. Nếu con muốn tiền bạc đến với con, con phải cần biết cách chăm sóc chúng. Nếu tiền bạc không nằm trong đầu con trước hết, chúng sẽ không chịu nằm trong tay con đâu con ạ. Và một khi con không giữ được tiền bạc, thế thì tiền và những người có tiền sẽ xa lánh con”.
HÃY LUYỆN BỘ NÃO CỦA BẠN ĐỂ NHÌN THẤY TIỀN
Như vậy đâu là bước đầu tiên trong việc luyện tập bộ não của mình để nhìn thấy tiền bạc? Câu trả lời chẳng có gì khó. Đó chính là sự hiểu biết về tài chÍnh, bắt đầu bằng khả năng hiểu biết những dòng chữ, những con số trong thế giới tài chÍnh. Nếu bạn không hiểu biết những thông tin đó, sẽ chẳng khác nào bạn đang nói bằng một ngôn ngữ xa lạ. Và trong mọi trường hợp, mỗi nhóm người trên tứ đồ đều có ngôn ngữ riêng của họ.
Nếu bạn nhìn vào Kim tứ đồ, mỗi phần của tứ đồ giống như mỗi một quốc gia riêng biệt. Họ không sử dụng cùng một ngôn ngữ, và nếu bạn không hiểu được ngôn ngữ của họ bạn sẽ không thể nào hiểu được những con số.
Chẳng hạn, nếu một bác sĩ nói, “Tâm thu của anh là 120 và tâm trương của anh là 80”, điều đó tốt hay xấu? Bao nhiêu đó đủ cho bạn biết về tình trạng sức khỏe của mình không? Câu trả lời dĩ nhiên là “không”, nhưng đó lại là điểm bắt đầu.
Cũng chẳng khác nào khi bạn nói, “Cổ phiếu của tôi có P/E là 12, và căn nhà cho thuê của tôi có mức lãi vay trần là 12”. Bao nhiêu đó có đủ cho tôi biết về sự giàu có của tôi hay không? Câu trả lời cũng lại là “không”, thế nhưng đó chính là điểm khởi sự. Tối thiểu chúng ta cũng đang sử dụng cùng một ngôn ngữ, cùng một con số. Và đó chính là điểm bắt đầu của sự hiểu biết tài chÍnh vốn là nền tảng của sự thông minh tài chánh. Điểm bắt đầu với sự hiểu biết về ngôn ngữ và con số.
Vị bác sĩ từ vị trí trong nhóm T, trong khi người khác nói từ vị trí nhóm Đ. Những lời nói và những con số của những người ấy chẳng khác nào như những ngôn ngữ khác biệt.
Tôi không đồng ý khi có người nói với tôi, “Phải có tiền mới kiếm được tiền”.
Theo tôi, khác nhau tạo ra tiền từ tiền được bắt đầu từ sự hiểu biết về những dòng chữ, những con số. Cũng như người bố giàu của tôi hay nói, “Nếu tiền bạc không nằm trong đầu con trước hết, chúng sẽ không chịu nằm trong tay con đâu”.
BIẾT ĐÂU LÀ RỦI RO THỰC SỰ
Bước thứ hai trong việc luyện tập là học cách nhận ra rủi ro thực sự nằm ở đâu. Khi mọi người bảo tôi đó là một đầu tư rủi ro, tôi chỉ nói, “Đầu tư không rủi ro. Không hiểu biết mới là rủi ro”.
Chuyện đầu tư cũng giống như chuyện lái máy bay vậy.
Khi bạn học ở một trường lái máy bay và có nhiều năm kinh nghiệm, chuyến bay sẽ trở nên thú vị và hào hứng. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ học bay, tôi khuyên bạn nên để cho người khác lái máy bay giùm bạn.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 5: BẢY CẤP BẬC ĐẦU TƯ (P3/3)
Tumblr media
BẬC 5: NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP
Những nhà đầu tư này có “đủ sức” tìm kiếm những chiến lược đầu tư có nhiều rủi ro hơn hay chủ động hơn. Tại sao vậy? Bởi vì họ có thói quen tiền bạc rất tốt, một nền tảng tiền bạc vững chắc và hiểu biết về đầu tư. Trò chơi đối với họ chẳng mới mẻ gì. Họ tập trung chứ không thường đa dạng hóa. Họ có một kỷ lục dài về những trận thắng mà họ đạt được đều đặn, và họ có đủ trận thua để có thể tìm thấy những kinh nghiệm, những bài học đáng giá rút ra từ những sai lầm đó.
Những nhà đầu tư này thường mua “sỉ” các khoản đầu tư hơn là mua “lẻ”. Họ đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau để tự sử dụng. Hoặc họ chuyên nghiệp đến mức đủ để tham gia những mối đầu tư mà những người bạn bậc 6 của họ cần vốn.
Những yếu tố nào quyết định sự chuyên nghiệp của những nhà đầu tư này? Họ có một nền tảng tài chính với nguồn thu nhập kinh doanh hay về hưu đáng kể từ nghề nghiệp của mình, hay có những khoản đầu tư bảo thủ nhưng vững chắc. Những người này kiểm soát được tỷ lệ vốn/nợ của mình, nghĩa là họ có nhi��u thu nhập hơn so với mức chi phí sinh hoạt hàng ngày. Họ có một hiểu biết cặn kẽ về thế giới đầu tư và tự mình chủ động đi tìm kiếm những hiểu biết, những thông tin mới. Họ cẩn thận, nhưng không đa nghi, và luôn mở rộng đầu óc của mình.
Trong mối đầu cơ, họ chịu rủi ro thấp hơn 20% số vốn họ bỏ vào. Họ thường bắt đầu nhỏ, bỏ ra một ít tiền, để có thể hiểu biết về cách làm ăn trong đầu tư cho dù đó là cổ phiếu, hay mua lại một doanh nghiệp kinh doanh, một hùn hạp đầu tư địa ốc, hay mua lại những tài sản bị tịch thu đấu giá thế nợ, v.v... Nếu họ bị mất 20% số vốn này, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Họ coi thất bại đó như một bài học kinh nghiệm, rồi quay lại cuộc chơi để học hỏi tiếp, coi thất bại chỉ là một phần quá trình của thành công. Mặc dù họ không thích bị mất tiền, họ không hề sợ bị mất. Thất bại chỉ càng khiến họ tiến tới trước, để học hỏi, hơn là để mình bị đắm chìm trong cảm xúc thua cuộc và tìm luật sư để kiện tụng.
Nếu mọi người trở nên chuyên nghiệp, họ có thể tự tạo ra những mối đầu tư có mức lãi từ 25% đến vô hạn. Những nhà đầu tư được gọi là chuyên nghiệp bởi vì họ có dư tiền, có một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp mà họ tự tay lựa chọn, và một kỷ lục chứng minh những thành công của họ.
Như đã đề cập trước đây, các nhà đầu tư ở cấp bậc này thường sắp đặt những mối đầu tư của chính họ lại với nhau. Cũng giống như có nhiều người mua nguyên bộ máy vi tính từ gian hàng bán lẻ, có những người khác đi mua các bộ phận rời và sau đó tự lắp ráp thành một máy vi tính có nhu cầu sử dụng của mình. Các nhà đầu tư bậc 5 này có thể lắp ráp các khoản đầu tư khác nhau thành một mối đầu tư lớn y như vậy.
Những nhà đầu tư này biết rõ rằng chính những thời điểm khi nền kinh tế đi xuống là lúc thị trường đang trao cho họ những cơ hội thành công ngàn vàng. Họ nhảy vào thị trường khi những người khác nhảy ra. Họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp bậc này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào thị trường.
Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Công cụ đầu tư cũng như lựa chọn của họ có thể là địa ốc, trái phiếu giảm giá, doanh nghiệp kinh doanh, các doanh nghiệp bị phá sản hay những đợt cổ phiếu mới phát hành. Trong khi họ chấp nhận rủi ro nhiều hơn một người bình thường, họ rất ghét chuyện cờ bạc. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể. Họ không ngừng học hỏi mỗi ngày. Họ đọc báo, tạp chí, đăng ký với những đặc san đầu tư và tham dự những buổi thảo luận về đầu tư. Họ hiểu rõ tiền bạc và biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình. Họ tập trung chính vào việc làm tăng tài sản của họ hơn là đầu tư bởi vì họ có thể kiếm thêm thu nhập. Họ tái đầu tư những khoản lời kiếm được để xây dựng và mở rộng nền tảng tài sản của họ. Họ biết rõ ràng việc xây dựng một cơ sở tài sản vững chắc đem lại lợi nhuận hay lãi suất cao mà không bị đánh thuế nặng sẽ chính là con đường dẫn họ đến sự giàu có dài lâu trong cuộc đời của họ.
Họ thường truyền dạy những hiểu biết này cho con của họ và để lại tài sản qua nhiều thế hệ theo sau dưới hình thức công ty, tập đoàn, tổ hợp ủy thác hay đối tác. Bản thân họ hầu như không sở hữu nhiều thứ nào cả. Chẳng có nhiều tài sản đứng dưới tên của họ vì mục đích giảm thuế và bảo vệ khỏi những người kiểu Robin Hood cứ tin vào chuyện lấy của giàu chia cho người nghèo. Nhưng mặc dù họ không sở hữu thứ gì, họ kiểm soát tất cả mọi thứ qua các tập đoàn. Họ kiểm soát những thực thể có tư cách pháp nhân sở hữu các tài sản của họ.
Họ có một hội đồng giám đốc của chính họ để có thể giúp họ trong việc quản lý những tài sản này. Họ lắng nghe những lời tư vấn và học hỏi. Hội đồng không chính thức này bao gồm một đội ngũ chuyên gia ngân hàng, kế toán viên, luật sư và nhà môi giới. Họ bỏ khá nhiều tiền cho những cố vấn tài chính vững chắc không chỉ làm tăng tài sản của họ mà còn bảo vệ số tài sản này đối với gia đình, bạn bè, tranh tụng và chính phủ. Ngay cả khi họ đã từ giã cõi đời, họ vẫn còn kiểm soát được tài sản của họ. Những người này thường được gọi là “những người quản lý tiền bạc”. Ngay cả sau khi chết, họ vẫn tiếp tục chi phối số phận đồng tiền mà họ đã tạo ra.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 5 không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
BẬC 6: NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ THỰC SỰ
Rất ít người trên thế giới này đạt được trình độ đầu tư tuyệt vời này. Ở Mỹ, cứ vài trăm người mới có một người là nhà đầu tư thực sự. Người này không chỉ là nhà đầu tư thuộc nhóm Đ mà còn là nhà doanh nhân tài giỏi thuộc nhóm C, bởi vì người này có thể vừa tạo ra một chuyện kinh doanh lại vừa tạo ra cơ hội đầu tư đúng lúc.
Mục đích của nhà đầu tư thực sự là tạo ra nhiều tiền hơn bằng cách tổng hợp hài hòa nguồn vốn, tài năng và thời gian của những người khác. Họ thường là những kẻ làm “lay động và thúc đẩy” xã hội, làm cho nước Mỹ và nhiều quốc gia to lớn khác trở thành những trung tâm quyền lực tài chánh đồ sộ. Đó là những người thuộc dòng họ Kennedy, gia đình Rockefeller, Ford, J.Paul Getty, và Ross Perot. Chính những nhà đầu tư thực sự này đã tạo ra công ăn việc làm, chuyện kinh doanh và hàng hóa giúp cho một quốc gia phát triển và thịnh vượng.
Những nhà đầu tư bậc 5 thường tạo ra những khoản đầu tư cho riêng họ sử dụng đồng vốn của mình. Trong khi đó, những nhà đầu tư thực sự tạo ra những khoản đầu tư không những cho chính họ mà cho những người khác, sử dụng tài năng và nguồn vốn của mọi người. Những nhà đầu tư thực sự không cần có tiền mới tạo ra tiền, chỉ bởi vì họ biết cách sử dụng tiền và thời gian của người khác. Những nhà đầu tư bậc 6 tạo ra những khoản đầu tư cho nhiều người khác mua lại.
Họ làm cho nhiều người khác cùng giàu lên, tạo ra công ăn việc làm, và làm cho mọi thứ có thể thực hiện được. Trong những giai đoạn nền kinh tế phát triển, chuyện đầu tư và làm ăn của họ rất suôn sẻ. Trong giai đoạn nền kinh tế bị khủng hoảng và đi xuống, những nhà đầu tư thực sự này lại càng giàu hơn. Họ biết rằng những biến động kinh tế mở ra nhiều cơ hội mới cho họ. Họ là những người thường tham gia sớm nhất vào một dự án, một sản phẩm, một công ty hay một quốc gia cả hàng nhiều năm trước khi đám đông nhận ra và tham gia. Khi bạn đọc trên báo về một quốc gia đang gặp khó khăn hay đang lâm vào chiến tranh hay một thảm họa, bạn có thể chắc chắn là một nhà đầu tư thực sự nào đó chẳng bao lâu sẽ có mặt ở đó, thậm chí đã có mặt ở đó rồi. Một nhà đầu tư thực sự sẽ đi đến nơi mà hầu hết mọi người đều tránh né, “Đừng đi đến đó, quốc gia đó hay ngành kinh doanh đó, đang gặp rối loạn. Rủi ro nhiều lắm”.
Những nhà đầu tư thực sự thường nghĩ đến những lãi suất từ 100% đến vô hạn. Đó là vì họ biết cách quản lý rủi ro và làm ra tiền mà không cần tiền. Họ có thể làm được điều đó bởi vì họ biết tiền bạc không phải là một thứ đồ vật hữu hình, mà chỉ là một ý tưởng được tạo ra trong đầu họ. Những người này cũng có cùng nỗi sợ như nhiều người khác, nhưng họ đã biến nỗi sợ thành sự kích thích thúc đẩy họ tiến tới. Họ biến nỗi sợ thành những kiến thức mới, những tài sản mới. Trò chơi trong cuộc đời của họ chính là trò chơi tiền tạo ra tiền. Họ yêu thích tiền bạc đó hơn bất cứ trò chơi nào khác, hơn cả chơi gôn, làm vườn hay bất kỳ trò dở hơi nào khác. Đó chính là trò chơi làm nên cuộc sống của họ. Cho dù có thắng hay thua, bạn cũng đều nghe họ nói, “Tôi yêu thích trò chơi này”. Và đó chính là những gì tạo nên một nhà đầu tư thực sự.
Cũng giống như những nhà đầu tư bậc 5, những nhà đầu tư thực sự là những người “quản lý tiền bạc” xuất sắc. Khi nghiên cứu những con người này, bạn thường thấy họ rất rộng rãi với bạn bè, gia đình, nhà thờ và giáo dục. Hãy nhìn những người nổi tiếng đã lập ra những học viện nổi tiếng trên toàn thế giới. Rockefeller đã giúp dựng lên Đại học Chicago, J.P.Morgan đã ảnh hưởng đến Đại học Harvard không chỉ bằng tiền bạc. Những nhà đầu tư thực sự khác đã để lại tên tuổi của mình như những người sáng lập những trường Đại học nổi tiếng như Vanderbilt, Duke, Stanford. Họ là những người thuyền trưởng vĩ đại không những trong ngành công nghiệp mà cả trong giáo dục.
Ngày nay, Ngài John Templeton vẫn còn cống hiến rộng rãi cho tôn giáo, và George Soros hiến tặng hàng triệu đô cho những tổ chức tôn giáo mà ông ta tin vào. Và cũng đừng quên tổ chức Ford, tổ chức Getty, cũng như Ted Turner đã từng chu cấp hàng tỷ đô cho tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Cho nên, trái ngược với những gì mà nhiều kẻ đa nghi học thức mỉa mai hay những chỉ trích từ các trường học, chính phủ, nhà thờ và hệ thống thông tin đại chúng hay tuyên truyền, những nhà đầu tư thực sự đã cống hiến cho xã hội nhiều cách khác nhau không chỉ như là những người chỉ huy trong ngành công nghiệp, mà còn tạo ra công ăn việc làm và tạo ra rất nhiều tiền. Để có một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta cần có nhiều hơn những nhà đầu tư thực sự, chứ không phải ít hơn mà nhiều kẻ đa nghi thường thuyết phục chúng ta.
Thực tế lại có nhiều kẻ đa nghi hơn những nhà đầu tư thực sự. Kẻ đa nghi, thường ồn ào và làm cho hàng triệu người sợ sệt, bất an, chỉ biết đi kiếm sự ổn định, đảm bảo hơn là sự tự do.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 6 không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
TRƯỚC KHI ĐỌC TIẾP
Đến đây, quyển sách đã hoàn tất phần giải thích Kim tứ đồ. Chương này chủ yếu giải thích nhóm Đ trên tứ đồ. Trước khi các bạn đọc tiếp, dưới đây là một số câu hỏi dành cho bạn:
1. BẠN LÀ NGƯỜI ĐẦU TƯ THUỘC BẬC NÀO?--------------------
Nếu bạn thực tình muốn làm giàu nhanh chóng, hãy đọc đi đọc lại bảy cấp bậc đầu tư đó. Cứ mỗi lần tôi đọc qua những cấp bậc, tôi lại phát hiện thêm một phần về con người mình được phản ánh trong bảy cấp bậc đó. Tôi không chỉ nhận thấy những ưu điểm của mình, mà còn, như Zig Ziglar nói, “những tính cách yếu điểm” đã kềm hãm tôi lại. Con đường đi đến sự giàu có tiền bạc lớn lao chính là củng cố sức mạnh con người bạn và khắc phục những yếu kém của mình. Để được điều đó, trước hết bạn hãy nhận diện chúng hơn là giả vờ con người bạn không có những yếu kém đó.
Tất cả chúng ta đều muốn nghĩ tốt về mình. Tôi đã mơ ước trở thành nhà đầu tư bậc 6 trong suốt cuộc đời của mình. Tôi biết đây chính là điều mà tôi mong muốn trở thành từ lúc người bố giàu giải thích sự giống nhau giữa một kẻ chơi chứng khoán với một kẻ cá ngựa. Nhưng sau khi tìm hiểu về những cấp bậc khác nhau trong danh sách này, tôi có thể phát hiện những tính cách yếu điểm đã kềm giữ con người tôi lại. Mặc dù ngày hôm nay tôi đang hoạt động như một nhà đầu tư bậc 6, tôi vẫn tiếp tục đọc đi đọc lại bảy cấp bậc này và không ngừng trau dồi hoàn thiện mình.
Tôi tìm thấy những tính cách yếu kém của mình từ bậc 3-C thường ngóc đầu dậy trong những lúc bị áp lực.. Tên cờ bạc đó trong tôi là điều tốt, nhưng nó cũng có khía cạnh xấu. Do đó, nhờ có sự hướng dẫn của vợ tôi và bạn bè, cộng thêm việc tìm tòi nghiên cứu, tôi bắt đầu nhận ra ngay những yếu kém của mình và chuyển hóa chúng thành những sức mạnh cá nhân. Tính hiệu quả trong con người tôi như nhà đầu tư bậc 6 được cải thiện ngay lập tức.
Còn đây là một câu hỏi khác.
2. BẠN MUỐN TRỞ THÀNH NHÀ ĐẦU TƯ CẤP BẬC NÀO NGAY BÂY GIỜ HAY TRONG TƯƠNG LAI?----------------------------------
Nếu bạn trả lời câu 2 giống như câu 1, thế thì đó chính là cấp bậc bạn muốn đạt tới. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc ở vị trí hiện tại so với việc trở thành một nhà đầu tư, thế thì bạn cũng chẳng cần nên đọc tiếp để làm gì. Chẳng hạn, nếu hiện tại bạn đang là một nhà đầu tư vững vàng ở bậc 4 và không có ý muốn trở thành đầu tư bậc 5 hay bậc 6, thế thì bạn đừng đọc tiếp quyển sách nữa. Một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời chính là sự hạnh phúc bằng lòng với hiện tại. Và tôi xin thành thực chúc mừng bạn!
CẢNH BÁO
Bất cứ ai có mục tiêu trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 đều phải phát triển những kỹ năng của mình TRƯỚC HẾT ở bậc 4. Bậc 4 không thể nào bỏ qua được trên con đường mà bạn muốn nhắm tới bậc 5 hay bậc 6. Những ai cố gắng trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 mà không có những kỹ năng cần thiết của nhà đầu tư bậc 4 chỉ là một nhà đầu tư bậc 3, tức là một kẻ cờ bạc không hơn không kém!
Nếu bạn vẫn muốn và cần biết nhiều hơn về tài chính, vẫn cố theo đuổi mục tiêu của sự tự do tài chính, xin mời bạn đọc tiếp quyển sách. Những chương còn lại sẽ chủ yếu tập trung vào những tính cách của một người thuộc nhóm C và Đ. Qua những chương này, bạn sẽ học cách “đột phá” từ phía bên trái của tứ đồ sang phía bên phải một cách dễ dàng và ít rủi ro. Sự di chuyển từ bên trái sang bên phải sẽ tiếp tục tập trung vào những tài sản vô hình của bạn dùng để tạo ra những tài sản hữu hình ở phần bên phải của tứ đồ.
Trước khi tiếp tục, tôi xin hỏi bạn một câu cuối cùng: Từ lúc không có nhà cửa cho đến khi trở thành triệu phú trong thời gian không quá 10 năm, bạn nghĩ hai vợ chồng tôi cần phải nằm trong cấp bậc đầu tư nào? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong chương kế, mà ở đó tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm học hỏi được từ chuyến phiêu lưu của bản thân tôi trên con đường nhắm tới sự tự do về tài chính.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 5: BẢY CẤP BẬC ĐẦU TƯ (P2/3)
Tumblr media
BẬC 3: NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TƯ “MA LANH”
Có ba hạng đầu tư khác nhau trong nhóm này. Nhóm đầu tư này có ý thức rõ về nhu cầu đầu tư. Họ có thể tham gia vào các chương trình hưu trí ở công ty nơi họ làm việc hay các quỹ hưu trí tư khác. Họ thỉnh thoảng cũng có những khoản đầu tư bên ngoài với các quỹ hỗ tương, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, v.v...
Nhìn chung, họ là những người thông minh có nền học vấn vững vàng. Họ chiếm hai phần ba dân số nước Mỹ, và được các nhà xã hội học xếp thành “giai cấp trung lưu”. Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện đầu tư, họ thường không được giáo dục về lĩnh vực đó, hoặc không có sự “tinh vi chuyên nghiệp” của giới đầu tư. Họ ít khi đọc báo cáo tài chính hàng năm hay bản cáo bạch của công ty. Mà làm sao họ đọc được nhỉ? Họ không được dạy cách đọc hiểu báo cáo tài chính. Họ thiếu kiến thức về tài chính. Có thể họ có nhiều bằng cấp cao, có thể là bác sĩ hay thậm chí là kế toán viên, nhưng rất ít người trong số họ được đào tạo chính thống về những thắng thua trong thế giới đầu tư.
Ở bậc này có ba hạng đầu tư khác nhau. Họ thường là những người thông minh, có học thức cao, kiếm được nhiều tiền và chịu đầu tư. Thế nhưng vẫn có sự khác nhau rõ rệt.
Bậc 3-A. Những người thuộc bậc đầu tư này tạo thành một nhóm gọi là “không muốn bị làm phiền”. Những người này tự thuyết phục mình là họ không hiểu gì về tiền bạc và sẽ không bao giờ muốn hiểu. Họ thường nói những câu đại loại như:
“Tôi không giỏi tính toán lắm với mấy con số”.
“Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được thế nào là đầu tư”.
“Tôi quá bận rộn”.
“Sao mà lắm công việc giấy tờ đến thế”.
“Vấn đề đó quá phức tạp đối với tôi”.
“Đầu tư là rủi ro”.
“Tôi thích để các nhà chuyên nghiệp quyết định tiền bạc giùm tôi”.
“Chuyện ấy sao mà phiền phức đến thế”.
“Chồng (vợ) tôi lo chuyện đầu tư của gia đình tôi”.
Những người này chỉ biết bỏ tiền vào kế hoạch hưu trí còn không thì giao hết cho một chuyên viên kế hoạch tài chính luôn khuyên họ nên “đa dạng hóa”. Họ gạt ra khỏi đầu mình, chỉ biết mỗi ngày đi làm cật lực mà vẫn tự nói với chính mình: “Ít nhiều gì thì ta cũng có một chương trình hưu trí”.
Khi họ về hưu, họ sẽ biết những khoản đầu tư hưu trí của họ đã hoạt động như thế nào ngay mà.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 3-A không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Bậc 3-B. Nhóm thứ hai này được gọi là nhóm của những kẻ “đa nghi”. Những người này biết hết mọi lý do tại sao một khoản đầu tư sẽ bị thất bại. Có những người này bên cạnh bạn thật là nguy hiểm. Họ nghe có vẻ thông minh, lý luận chặt chẽ, lời nói của họ lại có trọng lượng với bạn vì vị trí công việc họ đang giữ. Họ thành công trên lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng thực tế họ chỉ là những tên hèn thấp nhát nấp sau cái vỏ trí thức của mình. Những người đó có thể bảo cho bạn biết chính xác làm thế nào và tại sao mà mỗi chuyện đầu tư của bạn sẽ bị người ta lừa gạt. Khi bạn đến hỏi ý kiến của họ về một loại cổ phiếu hay một công cụ đầu tư nào đó, bạn sẽ ra về với tâm trạng hết sức hoang mang và sợ hãi. Những người này thường nói những câu đại loại như, “Ồ, trước đây tôi đã từng bị như vậy. Bạn ấy đừng hòng lường gạt tôi một lần nào nữa”.
Họ thường khoe khoang những thứ như, “Đại lý môi giới của tôi ở hãng MerillLynch hay Dean Witter...” Dùng những tên nổi danh như thế chẳng qua họ chỉ muốn che giấu nỗi bất ổn sâu kín trong lòng họ.
Nhưng mà kỳ lạ thay, những người “đa nghi” như thế lại là những người hay hùa theo đám đông như những con cừu ngoan ngoãn. Ở sở làm họ tranh thủ đọc những trang tài chính hay tạp chí Wall Street. Rồi sau đó họ kể lại những gì họ đọc được cho người khác trong giờ giải lao. Ngôn ngữ của họ toàn những tiếng lóng, những thuật ngữ của giới đầu tư. Họ bàn về những mối đầu tư lớn nhưng không bao giờ tham gia. Họ tìm kiếm những cổ phiếu được đăng trên trang nhất, và nếu như bài bình luận tốt, họ sẽ đi mua những cổ phiếu đó. Nhưng điều đó thường là quá trễ. Những nhà đầu tư khôn ngoan thực sự đã mua chúng từ lâu trước khi giới nhà báo đưa tin về chúng. Những người “đa nghi” lại không hề biết điều đó.
Khi gặp tin xấu, họ phê phán và nói những câu như, “Tôi biết mà”. Họ nghĩ họ là người chơi, nhưng thực sự họ chỉ là những kẻ bình luận đứng ngoài lề. Họ rất muốn tham gia trò chơi, nhưng tận sâu trong lòng họ lại bị ám ảnh nỗi sợ bị thua, bị mất tiền. Sự bảo đảm lấn lướt cả sự thú vị và khích động của trò chơi đó.
Các nhà tâm lý học cho biết sự đa nghi là tổng hợp giữa nỗi sợ và sự ngu dốt, từ đó dẫn đến sự kiêu căng. Những người như thế thường nhảy vào thị trường khá trễ khi có sự biến động lớn, chờ đợi đám đông hay có chứng cứ rõ ràng là quyết định đầu tư của họ là đúng. Vì họ chợ đợi những dấu hiệu thông tin đó, họ nhảy vào thị trường trễ, mua ở giá cao và bán với giá thấp khi thị trường suy sụp. Họ gán từ “bị lừa đảo” cho việc mua cao bán thấp đó. Những điều mà họ sợ xảy ra cứ xảy ra với họ hết lần này đến lần khác.
Họ mua cao và bán thấp. Tại sao vậy? Bởi vì họ quá “ma lanh” cho nên họ trở nên quá cẩn thận. Họ khôn ngoan đó, nhưng họ lại sợ rủi ro và bị sai lầm, cho nên họ cố học hỏi nhiều hơn để khôn ngoan hơn. Nhưng một khi họ càng biết nhiều, họ chỉ càng thấy nhiều rủi ro hơn, và lại khiến họ miệt mài tìm hiểu nhiều hơn. Sự cẩn thận đến mức đa nghi thái quá của họ đã khiến họ cứ lần lữa mãi và làm cho họ chậm hơn so với mọi người. Họ nhảy vào thị trường khi lòng tham thắng thế nỗi sợ trong lòng họ.
Tuy nhiên, khía cạnh xấu nhất của loại người này là họ tiêm nhiễm những người xung quanh với nỗi sợ khủng khiếp của họ được che giấu bằng sự trí thức. Khi đề cập đến đầu tư, họ có thể bảo cho bạn biết tại sao mọi chuyện không suôn sẻ, nhưng họ lại không thể bảo bạn làm sao cho mọi chuyện trơn tru. Những người này thường có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong các học viện, chính phủ cho đến tôn giáo, hệ thống thông tin đại chúng. Họ ưa nghe những chuyện khủng hoảng tài chính hay những vụ bê bối để họ có thể “truyền bá” đi. Thế nhưng, họ hầu như rất hiếm có những điều gì đó tốt để kể về những thành công tài chính. Người đa nghi rất dễ khám phá ra những gì sai lầm. Đó chính là cách họ tự bảo vệ mình không bị lộ tẩy sự thiếu hiểu biết của mình.
Những người đầu tư này được gọi là Cynics. Từ này có nguồn gốc xuất phát từ một trường phái thuộc thời Hy Lạp cổ đại. Thời ấy, trường phái này thường bị xã hội khinh bỉ vì sự kiêu căng và thái độ dè bỉu mỉa mai của họ đối với thành công hay công trạng của người khác. Khi đá động đến tiền bạc, có rất nhiều người thuộc loại này mà những người đó thường có học vấn cao và thông minh. Hãy cẩn thận trước những người này và đừng bao giờ cho phép họ soi mói đến những giấc mơ tài chính của bạn. Dĩ nhiên, trong thế giới tiền bạc không thiếu những hạng người lừa đảo, mánh mung bịp bợm, nhưng thử hỏi có ngành nào mà lại không có những con sâu ấy?
Bạn có thể làm giàu nhanh mà không cần nhiều tiền và không phải chịu nhiều rủi ro. Điều đó hoàn toàn có thể như bạn sẵn sàng cho phép con người bạn dám tin tưởng vào khả năng hiện thực đó. Một trong những việc bạn cần phải làm là hãy để cho đầu óc của bạn cởi mở và phóng khoáng, và hãy đề phòng trước những hạng người đa nghi hay những kẻ bịp bợm. Cả hai loại người đó đều rất nguy hiểm về tiền bạc.
Bạn có biết ai thuộc cấp 3-B hay không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Bậc 3-C. Nhóm thứ ba trong bậc đầu tư này là những người “cờ bạc”. Trong khi những kẻ “đa nghi” quá cẩn thận, nhóm này lại khá cẩu thả. Họ nhìn vào thị trường chứng khoán, hay bất cứ thị trường đầu tư nào, giống như cách họ nhìn vào những sòng bạc ở Las Vegas. Đó chỉ là may mắn. Họ ném con xúc xắc và cầu nguyện.
Nhóm này không hề có một quy tắc hay một quy luật đầu tư nào cả. Họ muốn hành động như những “tay chơi lớn”, cho nên họ cứ ngụy trang như những đại ca lắm tiền cho tới khi họ thắng hay thua hết. Cơ hội thua thường xảy ra nhất. Họ tìm kiếm những “bí mật” đầu tư hay những thứ phép thuật mê tín như “chiếc chén thánh”. Họ luôn tìm những cách đầu tư mới mẻ và hồi hộp. Thay vì cần phải có sự cần mẫn dài hạn để học hỏi và hiểu biết, họ chỉ quan tâm đến những “mánh khóe” hay những ngõ tắt.
Họ nhảy vào mua bán những hàng hóa, những cổ phiếu lần đầu bán ra công chúng, gas và dầu, gia súc, hay bất cứ thứ công cụ đầu tư nào mà con người có. Họ thích dùng những kỹ thuật đầu tư “phức tạp” như biên độ giao dịch, quyền mua bán cổ phần, v.v... Họ nhảy vào chơi mà không hề biết ai là người chơi và ai là người đặt ra luật chơi. Những người này là những người đầu tư tệ hại nhất trên hành tinh. Họ luôn cố đánh nhanh thắng nhanh và biến. Khi được hỏi tình hình đầu tư như thế nào, họ luôn miệng nói “chỉ huề vốn”, hay như “lời được một tí tẹo”. Thực tế là họ chỉ mất tiền, và mất rất nhiều tiền. Loại người đầu tư này thường mất tiền đến 90 phần trăm cơ hội. Họ không bao giờ bàn về chuyện thua cuộc của họ cả. Họ chỉ nhớ đến “cú thắng ngoạn mục” cách đây 6 năm. Họ tự cho mình là khôn ngoan và không chịu thừa nhận họ chỉ may mắn mà thôi. Họ nghĩ tất cả những gì họ cần làm là chỉ cần thắng “một cú lớn” thôi là họ sẽ sống thoải mái và giàu có. Xã hội gọi những kẻ này là những “tay cờ bạc hết thuốc chữa”. Thực tế sâu xa là khi đề cập đến chuyện đầu tư tiền bạc, họ chỉ là những kẻ lười biếng.
Bạn có biết ai thuộc cấp 3-C không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
BẬC 4: NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TƯ DÀI HƠI
Những nhà đầu tư này ý thức rất rõ về sự cần thiết đầu tư. Họ chủ động trong quyết định đầu tư của mình. Họ có một kế hoạch đầu tư dài hạn được vạch sẵn để có thể giúp họ đạt được mục tiêu tài chính của mình. Họ thường tìm tòi và học hỏi trước khi bắt tay thực sự mua một khoản đầu tư nào đó. Họ tận dụng cách đầu tư định kỳ, và khi có thể họ biết đầu tư một cách khôn ngoan về mặt thuế. Quan trọng nhất là họ biết tìm kiếm tư vấn từ những nhà kế hoạch tài chánh lão luyện
Xin bạn đừng nghĩ những người đầu tư loại này là những nhà đầu tư lớn và nổi tiếng. Đến được trình độ đó còn xa lắm. Những người này thường không đầu tư vào địa ốc, kinh doanh, hàng hóa hay bất kỳ công cụ đầu tư nào khác. Mà thay vào đó, họ đi theo con đường đầu tư dài hơi bảo thủ được những nhà đầu tư chuyên nghiệp nổi tiếng đề nghị như Peter Lynch hay Warren Buffet.
Nếu bạn chưa là một nhà đầu tư dài hạn, bạn hãy tự mình đến đó càng nhanh càng tốt. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là bạn hãy ngồi xuống và vạch ra một kế hoạch. Hãy kiểm soát những thói quen tiêu xài của bạn. Hãy giảm mức nợ xuống đến mức tối thiểu. Hãy sinh hoạt bằng những gì bạn có và sau đó mới tăng lên những phương tiện sinh hoạt chỉ khi nào bạn có thu nhập dư dả. Hãy tìm hiểu xem bạn cần đầu tư bao nhiêu mỗi tháng, trong vòng bao lâu ở một mức lãi thực tế để đạt được mục tiêu của bạn. Những mục tiêu như: Bạn muốn nghỉ làm vào lúc mấy tuổi? Bạn sẽ cần bao nhiêu tiền sinh sống cho một tháng?
Chỉ cần có một kế hoạch tài chánh dài hạn như thế sẽ làm giảm số nợ tiêu dùng của bạn, trong khi có thể dành ra một khoản tiền nhỏ (trên cơ sở định kỳ) vào một quỹ hỗ tương hàng đầu. Làm như thế sẽ tạo ngay cho bạn có cơ hội về hưu một cách giàu có, nếu bạn bắt đầu đủ sớm và biết theo dõi những gì bạn đang làm.
Ở cấp bậc này, hãy giữ mọi thứ đơn giản. Đừng mơ mộng và tưởng tượng nhiều quá. Hãy quên đi những cách đầu tư phức tạp. Chỉ tập trung vào những chứng khoán mạnh và những khoản đầu tư quỹ hỗ tương. Nếu bạn chưa biết gì cả, hãy học cách mua những khoản đầu tư đóng kín của quỹ hỗ tương. Đừng cố khôn hơn thị trường. Hãy dùng những công cụ bảo hiểm một cách thông minh cho mục đích bảo vệ chứ không phải tích lũy của cải. Có thể sử dụng một quỹ hỗ tương như quỹ chỉ số 500 Vanguard làm tiêu chuẩn, vì trong quá khứ quỹ này đã làm tốt hơn hai phần ba các quỹ hỗ tương khác. Trong khoảng thời gian 10 năm, loại quỹ này có thể đem lại cho bạn mức lãi vượt xa 90% mức lãi mà các nhà quản lý quỹ hỗ tương “chuyên nghiệp” khác cộng lại. Nhưng hãy luôn nhớ rằng không bao giờ có một khoản đầu tư nào an toàn 100% cả. Các quỹ chỉ số có chỗ sai lầm chết người cố hữu của chúng.
Hãy đừng đợi những mối “làm ăn lớn” nữa. Hãy nhảy vào cuộc chơi và bắt đầu từ những trò nhỏ (như căn nhà nhỏ đầu tiên mà tôi bắt đầu đầu tư chỉ bằng một vài đô làm ăn). Lúc đầu, bạn đừng lo lắng đúng hay sai mà chỉ bắt đầu chơi thôi. Bạn sẽ học được nhiều hơn một khi bạn bỏ tiền ra, nhưng nhớ là chỉ bỏ chút ít thôi để chơi nhé. Tiền bạc có cách làm tăng sự thông minh tài chính của bạn nhanh chóng. Sợ hãi và do dự sẽ làm bạn thối lui. Bạn có thể tham gia những trò chơi lớn hơn bất cứ lúc nào bạn muốn, nhưng bạn sẽ không bao giờ lấy lại được thời gian và kiến thức bị mất khi bạn chỉ ngồi đó chờ đợi làm những điều đúng hay những mối lớn. Nên nhớ, những mối làm ăn nhỏ sẽ dẫn đến những mối làm ăn lớn, nhưng với điều kiện duy nhất là bạn phải bắt đầu chơi.
Hãy bắt đầu trong ngày hôm nay mà đừng chờ đợi nữa. Hãy cắt bớt việc tiêu xài bằng thẻ tín dụng, bỏ bớt những “đồ chơi” đắt tiền giảm giá, và hãy gọi cho một quỹ hổ tương nổi tiếng. Bạn hãy ngồi xuống với những người thân của mình vạch ra một kế hoạch, gọi một nhà kế hoạch tài chính hay đi đến thư viện và tìm đọc về kế hoạch tài chánh, tự mình để dành tiền (chẳng hạn mỗi tháng để dành khoảng 50 đô). Bạn càng chờ đợi chừng nào, bạn sẽ càng lãng phí một trong những tài sản quý giá của bạn đó chính là thời gian của mình.
Một điểm thú vị cần chú ý. Bậc 4 chính là điểm xuất phát của các nhà triệu phú nước Mỹ. Quyển sách Nhà Triệu phú hàng xóm đã mô tả một nhà triệu phú bình thường là một người lái chiếc Ford hiệu Taurus, làm chủ một công ty và sống tri túc bằng những gì mình tạo được. Họ học hỏi, tìm tòi về đầu tư, có một kế hoạch đầu tư dài hạn. Họ chẳng làm điều gì kỳ thú, chịu nhiều rủi ro hay kêu gọi gì cả khi đầu tư. Họ thực sự là những người bảo thủ, và chính những thói quen tiền bạc biết cân đối của họ đã làm cho họ giàu có và thành công trong suốt một khoảng thời gian dài.
Đối với những người không thích rủi ro, muốn tập trung vào nghề nghiệp chuyên môn hay công việc của mình thay vì bỏ nhiều thời gian học hỏi cách đầu tư, bậc 4 là bậc bắt buộc đối với họ nếu như họ muốn sống một cuộc đời giàu có và trù phú. Đối với những cá nhân này, điều quan trọng hơn hết là họ phải đi kiếm tư vấn từ những chuyên gia kế hoạch về tài chánh. Những người này có thể giúp bạn vạch ra một chiến lược đầu tư và giúp con đường bạn đi đúng hướng theo cấu trúc đầu tư dài hạn đó.
Bậc đầu tư này đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết tận dụng thời gian. Nếu bạn biết đầu tư sớm và đều đặn, bạn có thể trở nên giàu có. Nếu bạn bắt đầu trễ, chẳng hạn ở tuổi 45, kiểu đầu tư bậc này sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn, nhất là trong khoảng thời gian từ lúc này cho đến năm 2010.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 4 không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 5: BẢY CẤP BẬC ĐẦU TƯ (P1/3)
Tumblr media
Có một lần người bố giàu hỏi tôi, “Con cho ta biết đâu là sự khác nhau giữa người cá ngựa với người chơi chứng khoán?”.
Tôi trả lời, “Con không biết”.
Người nói, “Chẳng khác nhau nhiều con ạ. Đừng bao giờ trở thành một người chỉ biết mua chứng khoán. Việc mà con cần nhắm tới khi con lớn lên là trở thành người tạo ra chứng khoán mà các nhà môi giới sẽ bán và người khác mua”.
Trong một khoảng thời gian rất lâu, tôi đã không hiểu được lời Người nói. Mãi cho tới khi tôi bắt đầu dạy môn đầu tư cho mọi người, tôi mới thực sự hiểu được sự khác nhau giữa các loại đầu tư.
Khi viết chương này, tôi rất cám ơn John Burley. John được coi là một trong những bộ óc khôn ngoan nhất trong thế giới đầu tư bất động sản. Khi anh ngoài 30 tuổi, anh đã mua hơn 130 căn nhà mà không dùng một đồng bạc nào của mình. Đến tuổi 32, anh hoàn toàn tự do về tài chính và không bao giờ phải làm việc lại để kiếm tiền. Giống như tôi, anh đã chọn con đường dạy học, truyền đạt lại những kinh nghiệm làm giàu của mình cho người khác. Kiến thức hiểu biết của anh không chỉ gói gọn trong lĩnh vực địa ốc. Anh lập nghiệp bằng nghề kế hoạch tài chính, cho nên anh hiểu biết rất sâu về thế giới tài chính, và thuế. Thế nhưng, anh có một khả năng độc nhất vô nhị là giải thích mọi việc rất rõ ràng. Anh có tài diễn dịch những thứ phức tạp, rối rắm thành những khái niệm đơn giản dễ hiểu. Khi truyền đạt lại kinh nghiệm của mình, anh đã xác định và phân chia người đầu tư thành 6 bậc dựa trên mức độ kinh nghiệm đầu tư của họ cũng như sự khác nhau về tính cách cá nhân. Tôi đã phát triển cách xếp bậc này của anh chi tiết hơn và tăng thêm một bậc thứ bảy cho các loại nhà đầu tư này.
Sử dụng phương pháp định dạng theo Kim tứ đồ đã giúp tôi dạy những người khác về thế giới đầu tư. Khi các bạn đọc qua những cấp bậc đầu tư này, có thể bạn sẽ nhận ra một người đầu tư nào đó mà bạn quen biết ở mỗi cấp bậc.
CÁCH HỌC LỰA CHỌN
Ở cuối phần trình bày mỗi cấp bậc, tôi sẽ chừa một khoảng trống mà bạn có thể điền tên những người bạn biết – theo nhận xét của bạn – phù hợp với cấp bậc này hay không. Và khi bạn nhận ra một cấp bậc đầu tư nào đó đúng với con người của bạn, bạn có thể điền tên mình vào đó.
Như tôi đã trình bày, đây chỉ là một cách lựa chọn nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của bạn về các cấp bậc đầu tư khác nhau. Điều đó không nhằm hạ cấp hay phê phán những người bạn của bạn. Đề tài về tiền bạc rất dễ nhạy cảm và biến động như đề tài về chính trị, tôn giáo hay tình dục. Và đó cũng chính là lý do tại sao tôi đề nghị các bạn hãy giữ kín riêng tư những suy nghĩ cá nhân của mình. Khoảng trống ở cuối mỗi phần trình bày chỉ nhằm mục đích làm tăng sự hiểu biết của bạn – nếu như bạn chọn dùng nó.
Tôi thường dùng danh sách cấp bậc này khi bắt đầu các lớp học về đầu tư. Phương tiện ấy sẽ làm cho việc tiếp thu mau chóng hơn và đã giúp nhiều người học trở nên ý thức rõ ràng hơn về cấp bậc họ đang ở và cấp bậc đầu tư họ muốn nhắm tới.
Qua nhiều năm, được sự cho phép của John, tôi đã đ chỉnh lại nội dung của mỗi cấp bậc sao cho phù hợp với kinh nghiệm thực tế mà tôi đã trải qua. Mong các bạn hãy đọc kỹ bảy cấp bậc đầu tư này.
BẢY CẤP BẬC ĐẦU TƯ
BẬC 0: NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ ĐẦU TƯ
Những người này không có tiền để đầu tư. Hoặc là họ tiêu hết mọi thứ kiếm được, hoặc là họ chi nhiều hơn thu. Có nhiều người giàu rơi vào cấp bậc này bởi vì họ tiêu xài quá mức họ kiếm được. Điều không may là hết 50 phần trăm những người lớn đều rơi vào cấp bậc zero này.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 0 hay không? (tùy chọn).
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
BẬC 1: NGƯỜI ĐI VAY
Những người này thường giải quyết vấn đề tiền bạc bằng cách đi vay mượn. Thường thường họ đầu tư bằng số tiền vay được. Quan điểm về kế hoạch tài chính của họ là vay quít trả cam. Cuộc sống tiền bạc của họ chẳng khác nào như con đà điểu vùi đầu vào cát, cứ hy vọng và cầu nguyện mọi thứ sẽ suôn sẻ. Họ có thể có vài tài sản đó, nhưng thực tế là mức nợ của họ lại quá nhiều. Hầu như họ không ý thức gì về tiền bạc và thói quen tiêu xài của mình.
Bất cứ thứ giá trị nào họ làm chủ cũng đều có bóng dáng nợ trong đó. Họ dùng thẻ tín dụng một cách bốc đồng, rồi dồn các khoản nợ tín dụng đó vào khoản nợ nhà dài hạn, “rửa sạch” thẻ tín dụng và bắt đầu dùng tiếp. Nếu trị giá căn nhà họ ở tăng lên, họ liền đi vay dùng khoản giá trị căn nhà tăng lên đó làm thế chấp, hoặc mua một căn nhà lớn hơn, đắt tiền hơn. Họ tin là trị giá bất động sản chỉ có một chiều đi lên.
Những từ, những câu khuyến mãi như “trả góp hàng tháng thấp, dễ dàng” luôn hấp dẫn họ. Họ thường mua những đồ chơi sụt giá như du thuyền, hồ bơi, đi du lịch hay xe ô-tô với những câu khuyến mãi đó trong đầu. Họ liệt kê những đồ chơi sụt giá này thành tài sản của họ, quay lại ngân hàng để vay mượn tiếp và khi bị ngân hàng từ chối, họ cứ thắc mắc không hiểu tại sao.
Mua sắm là một cách vận động ưa thích với họ. Họ mua những thứ không cần mà vẫn biện hộ cho mình bằng những câu như: “Ồ, cứ việc mua đi. Mình đáng được hưởng kia mà”, hay như “Nếu mình không mua bây giờ, sẽ chẳng bao giờ mua được nó với giá hời như thế”, “Hàng đang giảm giá”, “Tôi muốn bọn trẻ có những thứ mà tôi trước đây không bao giờ được hưởng”.
Họ cứ nghĩ việc kéo dài nợ ra một thời gian dài là một hành động khôn ngoan, luôn tự đùa với mình rằng họ sẽ làm việc nhiều hơn để kiếm được nhiều tiền hơn trả hết nợ vào một ngày đẹp trời nào đó. Họ tiêu xài hết những gì họ kiếm được. Những người này còn được coi như là người tiêu dùng. Các chủ tiệm và đại lý bán xe rất yêu mến những hạng người này. Nếu họ có tiền, họ sẽ tiêu xài ngay. Nếu họ không có tiền, họ cũng đi vay mượn để tiêu xài.
Khi được hỏi vấn đề của họ là gì, họ đều nói họ không kiếm đủ tiền. Họ nghĩ tiền bạc sẽ giải quyết hết mọi khó khăn. Nhưng cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa, họ chỉ càng ngập sâu hơn vào nợ. Hầu hết những người này không nhận ra rằng số tiền mà họ đang tiêu xài hôm nay vốn từng là giấc mơ ao ước của họ, thậm chí là cả một gia tài mà họ thường mong có trong ngày hôm qua. Thế nhưng đến ngày hôm nay, khi họ đã thực sự đạt được mức thu nhập họ mơ ước, số tiền ấy vẫn không đủ với họ.
Họ không chịu nhận thấy rằng vấn đề khúc mắc không nhất thiết là số tiền kiếm được (hay thiếu tiền), mà chính là thói quen tiêu xài của họ. Một vài người cuối cùng thực sự tin rằng tình huống khó khăn của mình hoàn toàn tuyệt vọng và cam chịu bỏ cuộc. Cho nên, họ cứ tự chôn vùi mình sâu hơn và buông theo lối sống như trước. Thói quen đi mượn tiền, mua sắm, tiêu xài hoàn toàn mất sự kiểm soát của chính họ. Cũng giống như một dân nhậu chè chén kiếm gì ăn sau khi tỉnh rượu và mệt mỏi, những người này tiêu xài khi họ phiền muộn và bị ức chế. Họ cứ tiêu tiền, chán nản phiền muộn, và tiêu xài tiếp.
Họ thường tranh luận với người thân của họ về tiền bạc, nhất là tự biện hộ khi họ cần mua thứ này hay thứ kia. Họ hoàn toàn sống trong sự chối bỏ tài chính, cứ ảo tưởng một ngày nào đó các khó khăn tiền bạc của họ sẽ tự nhiên biến mất, hay họ cứ giả vờ cho rằng họ sẽ luôn kiếm đủ tiền tiêu xài những thứ họ mong muốn.
Hạng người đầu tư ở cấp bậc này trông có vẻ giàu có. Họ có thể có những căn nhà lớn, lái những chiếc xe bóng loáng đắt tiền. Thế nhưng nếu bạn có cơ hội kiểm tra, bạn sẽ thấy họ đều mua những thứ ấy bằng nợ. Họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ không cách xa mấy sự phá sản nếu có một tai nạn nghề nghiệp. Trong một lớp học của tôi có một người từng là chủ doanh nghiệp trước đây. Anh ta khá nổi tiếng trong giới “kiếm lớn xài lớn”. Anh ta có một dãy cửa hàng vàng bạc tồn tại trong nhiều năm. Rồi thì một lần, nền kinh tế bị xuống dốc thê thảm và anh ta mất hết các cửa tiệm của mình. Thế nhưng các khoản nợ lại không mất đi. Chỉ không đầy 6 tháng, các khoản nợ này làm anh ta phá sản. Anh ta đến tham dự lớp học của tôi để tìm kiếm một giải pháp mới, một hướng đi mới, vậy mà anh ta vẫn khăng khăng không chịu chấp nhận ý tưởng là hai vợ chồng anh ta chỉ là những nhà đầu tư bậc 1.
Anh ta xuất thân từ nhóm C, hy vọng có thể làm giàu trong nhóm Đ. Anh ta cứ cho rằng một khi anh ta đã từng là một nhà doanh nghiệp thành công, anh ta có thể vận dụng cùng công thức của mình để đạt đến sự tự do tài chánh bằng các đầu tư của anh ta. Đó là một bản ngã rất phổ biến ở một số nhà doanh nghiệp hay cho rằng mình có thể tự động trở thành những nhà đầu tư thành công. Các quy tắc kinh doanh không phải lúc nào cũng giống như các quy tắc đầu tư.
Nếu những người đầu tư kiểu này không dám tự thay đổi mình, tương lai tài chính của họ sẽ rất ảm đạm trừ phi họ cưới được một ai đó giàu có và chịu đựng được những thói quen tiêu tiền như nước của họ.
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 1 không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
BẬC 2: NGƯỜI TIẾT KIỆM
Những người này thường để dành một khoản tiền “nhỏ” đều đặn. Họ bỏ tiền vào những công cụ thấp rủi ro, thấp lãi suất như tài khoản tiết kiệm, tài khoản định kỳ.
Nếu họ có tài khoản hưu trí cá nhân, họ sẽ đầu tư vào một ngân hàng hay một tài khoản tiền mặt trong một quỹ hỗ tương.
Những người này thường tiết kiệm để tiêu dùng hơn là để đầu tư (chẳng hạn họ tiết kiệm để mua một ti-vi mới, chiếc xe mới, hay đi du lịch, v.v...). Họ rất trung thành vào việc trả tiền mặt. Họ rất sợ nợ hay tín dụng. Thay vào đó, họ thích sự “an toàn” của tiền bạc để trong ngân hàng.
Ngay cả khi chứng minh với họ trong bối cảnh kinh tế ngày nay, tài khoản tiết kiệm chỉ đem lại lãi suất âm (sau khi trừ lãi suất tiết kiệm của ngân hàng với mức lạm phát và mức thuế thu nhập), họ vẫn không dám chấp nhận rủi ro. Họ không biết rằng đồng đô-la Mỹ đã mất 90 phần trăm trị giá từ năm 1950, và tiếp tục mất giá ở mức hàng năm nhiều hơn mức lãi suất mà ngân hàng trả cho họ. Những người này thường mua những kế hoạch bảo hiểm nhân thọ bởi vì họ yêu thích cảm giác của sự an toàn và ổn định.
Những người thuộc nhóm này thường phí phạm thời gian vốn là tài sản quý giá nhất của họ, cố dành dụm từng đồng cắc lẻ. Họ bỏ hàng giờ cắt những mẫu phiếu khuyến mãi trên báo, còn ở trong siêu thị thì cản trở những người khác để cố tranh thủ tiết kiệm vài đồng mua sắm.
Thay vì chỉ để dành từng đồng xu, lẽ ra họ nên dùng thời gian học cách đầu tư. Nếu họ bỏ 10.000 đô vào quỹ John Templeton vào năm 1954 và quên bẵng nó đi, đến năm 1994 họ sẽ có 2,4 triệu đô trong tay. Hoặc giả như họ bỏ 10.000 đô vào quỹ Quantum của George Soros vào năm 1969, đến năm 1994 họ sẽ kiếm được 22 triệu đô. Thay vì thế, chính nhu cầu đòi hỏi sự an toàn tận sâu trong lòng họ phát sinh từ nỗi sợ đã khiến họ tiết kiệm trong những khoản đầu tư có mức lời ít ỏi, như tài khoản tiết kiệm của ngân hàng chẳng hạn.
Bạn thường nghe họ nói, “Tiết kiệm 1 xu là kiếm được 1 xu”, hay như, “Tôi đang tiết kiệm cho mấy đứa nhỏ”. Sự thực lại là thường chính sự bất ổn điều khiển chi phối họ và cuộc đời của họ. Mặt khác, họ lại thường thay đổi xoành xoạch chính bản thân họ cũng như những đối tượng mà họ muốn để dành tiền cho. Hầu như họ hoàn toàn đối lập với kiểu người đầu tư bậc 1.
Tiết kiệm là một ý tưởng tốt trong thời đại Nông nghiệp. Nhưng một khi chúng ta bước vào thời đại Công nghiệp, tiết kiệm không phải là một chọn lựa khôn ngoan. Việc chỉ biết để dành tiền thậm chí đã trở nên tệ hại khi đồng đô-la Mỹ không còn được bảo chứng bằng vàng, và khi chúng ta gặp phải thời kỳ lạm phát khiến cho chính phủ in tiền như điên. Người nào tiết kiệm tiền trong thời lạm phát chỉ là những kẻ thua cuộc. Dĩ nhiên, khi xảy ra giai đoạn giảm phát, họ có thể là người thắng cuộc... nhưng chỉ khi nào đồng tiền được in vẫn còn có giá trị bằng một thứ gì đó.
Tiết kiệm là một thói quen tốt. Bạn nên có một nguồn tiền mặt bằng tổng chi phí sinh hoạt từ 6 tháng đến 1 năm. Thế nhưng sau khi tiết kiệm được khoản tiền đó, hãy nên nhớ có những công cụ đầu tư tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng. Bạn bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng ở lãi suất 5%, trong khi khối người khác kiếm được 15%, đó có phải là một cách đầu tư khôn ngoan không vậy bạn?
Thế nhưng, nếu bạn không chịu muốn học cách đầu tư và thường xuyên âu lo về các rủi ro tài chính, thế thì tiết kiệm là một chọn lựa tốt hơn đầu tư. Bạn sẽ không phải lo nghĩ nhiều nếu như bạn chỉ giữ tiền trong ngân hàng và các chủ ngân hàng sẽ yêu thích bạn lắm. Mà tại sao không yêu thích bạn cơ chứ? Bạn hãy nhìn xem, cứ mỗi 1 đồng bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm, ngân hàng cho vay từ 10 đến 20 đồng ở mức lãi suất “chặt đẹp” đến 19%, trong khi chỉ trả cho bạn không quá 5% một năm. Tại sao tất cả chúng ta lại không trở thành ngân hàng nhỉ?
Bạn có biết ai thuộc cấp bậc 2 không? (tùy chọn)
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
2 notes · View notes
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 4: 3 KIỂU HỆ THỐNG KINH DOANH (P2)
Tumblr media
CÁC NGÂN HÀNG SẼ KHÔNG CHO VAY TIỀN ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ HỆ THỐNG
Nếu ngân hàng đã không cho những doanh nghiệp nhỏ, không có hệ thống vay tiền, thì tại sao bạn lại phải đầu tư vào họ? Gần như mỗi ngày đều có người tìm đến tôi với những kế hoạch kinh doanh của hy vọng chúng tôi có thể bỏ tiền đầu tư vào những ý tưởng kinh doanh hay dự án làm ăn của họ.
Hầu như tôi đều bác bỏ lời đề nghị của họ chỉ vì một nguyên nhân duy nhất. Những người đến tìm tôi đầu tư đều không phân biệt được sự khác nhau giữa một sản phẩm và một hệ thống. Tôi có những người bạn (vốn là ca sĩ) đến mời tôi đầu tư vào đĩa nhạc mới của họ, còn những người khác muốn nhờ tôi giúp thành lập tổ chức phi lợi nhuận mới để cải thiện thế giới. Mặc dù tôi có thể rất thích dự án đó, sản phẩm đó hay con người đó, tôi đều chối từ họ bởi vì họ hầu như không có kinh nghiệm gì trong việc tạo ra và vận hành một hệ thống kinh doanh.
Việc anh hát hay không có nghĩa là anh hiểu được về hệ thống tiếp thị, hay hệ thống về tài chÍnh kế toán, hệ thống bán hàng, hệ thống thuê mướn nhân công và đuổi việc, hệ thống luật pháp, và nhiều những hệ thống khác đã cùng tạo ra một doanh nghiệp kinh doanh có thể sống còn tồn tại và vươn lên thành công trong thế giới kinh doanh.
Để một doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển lâu dài, 100 phần trăm các hệ thống trong doanh nghiệp phải hoạt động và rõ ràng. Lấy thí dụ:
Một chiếc phi cơ là hệ thống của những hệ thống. Nếu chiếc phi cơ cất cánh và giả dụ hệ thống xăng không hoạt động, chắc chắn sẽ rớt máy bay ngay. Điều đó cũng xảy ra tương tự đối với một doanh nghiệp. Không phải những hệ thống bạn biết sẽ là đầu mối phát sinh các vấn đề, mà chính là những hệ thống bạn không biết đến mới là nguy cơ làm cho bạn bị thất bại tan tành.
Cơ thể con người là một hệ thống của mọi hệ thống. Hầu hết chúng ta đều có người thân của mình qua đời do một trong những hệ thống cơ thể động, chẳng hạn như hệ thống tuần hoàn đã gây bệnh lây lan cho tất cả những hệ thống khác trong cơ thể.
Đó là lý do tại sao xây dựng một hệ thống kinh doanh được thử nghiệm và thành công không phải là điều dễ dàng tí nào. Chính những hệ thống bạn quên bẵng đi hay không chú ý tới mới là nguồn gốc gây ra những thảm kịch và vỡ nợ. Đó cũng là lý do tại sao tôi ít khi đầu tư vào một người nhóm L hay T có một sản phẩm mới hay một ý tưởng kinh doanh mới. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có khuynh hướng đầu tư vào những hệ thống đã được chứng minh trong thế giới kinh doanh, được vận hành bởi những người có kinh nghiệm già dặn.
Cho nên, nếu như ngân hàng chỉ cho vay những hệ thống đã được thử nghiệm và thành công, và quan tâm đến người nào sẽ được bổ nhiệm vào vị trí vận hành hệ thống đó, thế thì bạn cũng nên làm y như vậy – nếu như bạn muốn trở thành một nhà đầu tư khôn ngoan.
3. Tiếp thị hệ thống. Còn được gọi là tiếp thị đa cấp hoặc các hệ thống phân phối trực tiếp. Cũng như với các đặc quyền kinh doanh, ban đầu xã hội cố gạt tiếp thị hệ thống ra ngoài vòng pháp luật, và tôi biết có những quốc gia đã thành công trong chuyện đó hay nghiêm cấm khắt khe hình thức kinh doanh đó. Bất kỳ một hệ thống hay một ý tưởng mới nào nảy sinh trong thời đó cũng đều bị cho là “kỳ quặc và đáng nghi ngờ”. Lúc đầu, tôi cũng cho tiếp thị hệ thống là một trò lường gạt. Nhưng sau nhiều năm, khi tôi đã nghiên cứu những hệ thống khác nhau phát sinh qua tiếp thị hệ thống và chứng kiến nhiều người bạn của mình trở nên thành công trong kiểu kinh doanh này, tôi đã thay đổi quan điểm của mình.
Sau khi tôi bỏ thành kiến của mình và bắt đầu bỏ công tìm hiểu về tiếp thị hệ thống, tôi nhận thấy rằng đã có nhiều người xây dựng cho mình những hệ thống tiếp thị hệ thống một cách lương thiện và cần mẫn. Khi gặp được họ, tôi có thể thấy tác động của những hệ thống kinh doanh này lên đời sống và tương lai tài chính của rất nhiều người khác. Chỉ cần bỏ ra một khoản phí gia nhập vừa phải (thường khoảng 200 đô Mỹ), mọi người có thể mua vào một hệ thống sẵn có và có thể bắt tay xây ngay cho mình một công việc kinh doanh. Nhờ vào những bước tiến khổng lồ trong công nghệ máy tính, các tổ chức này hoàn toàn được tự động hóa, và những công việc nhức đầu như thủ tục giấy tờ, xử lý đơn đặt hàng, phân phối, kế toán và những công việc phát sinh khác hầu như toàn bộ đều được quản lý bởi các hệ thống chương trình phần mềm tiếp thị hệ thống. Những nhà phân phối mới có thể dồn hết sức của mình vào việc xây dựng kinh doanh thông qua việc chia sẻ cơ hội làm ăn được tự động hóa này, thay vì phải lo lắng nhức đầu về những thủ tục ban đầu trong giai đoạn sơ khai của một doanh nghiệp nhỏ.
Một trong những người bạn thân của tôi từng kiếm được hàng tỷ đô làm ăn từ đầu tư bất động sản vào năm 1997, vừa mới ký hợp đồng làm một nhà phân phối tiếp thị hệ thống và bắt đầu lập nghiệp kinh doanh cho mình. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh cần mẫn chăm chút cho công việc kinh doanh tiếp thị hệ thống của mình bởi vì rõ ràng anh không cần tiền. Khi tôi hỏi anh lý do, anh đã giải thích như vầy:
“Tôi đã đi học để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, sau đó tôi lấy được bằng MBA về tài chính. Khi mọi người hỏi tôi cách làm giàu, tôi đã kể lại và chia sẻ với họ kinh nghiệm về những giao dịch địa ốc hàng triệu đô và mức thu nhập “thụ động” hàng trăm ngàn đô tôi kiếm được mỗi năm từ đầu tư bất động sản của mình. Và tôi nhận thấy thường thì mọi người thối chí rút lui và ngượng ngùng bỏ đi. Cả anh và tôi đều biết rằng cơ hội đầu tư địa ốc hàng triệu đô như thế hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của họ, bởi vì ngoài việc không có kiến thức kinh nghiệm, họ cũng không có nhiều vốn để đầu tư. Cho nên tôi đã bắt đầu tìm kiếm một con đường mà tôi có thể giúp họ đạt được mức thu nhập thụ động như tôi đã kiếm được từ chuyện kinh doanh địa ốc của mình, mà không cần phải quay lại học hết 6 năm và bỏ thêm 12 năm đầu tư trên lĩnh vực địa ốc. Tôi tin rằng tiếp thị hệ thống có thể giúp mọi người có cơ hội kiếm được thu nhập thụ động trong khi họ vẫn có thể học cách trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó là lý do tại sao tôi đã đề nghị hình thức tiếp thị hệ thống với họ. Cho dù họ có ít tiền đi chăng nữa, họ vẫn có thể đầu tư “số vốn tạo ra từ mồ hôi công sức của mình” trong vòng 5 năm và có thể kiếm được một mức thu nhập thụ động cần thiết cho những mối đầu tư thực thụ. Khi phát triển công việc làm ăn của mình, họ lại còn có thời gian rảnh rỗi để học hỏi thêm cũng như kiếm được nhiều vốn hơn để có thể cùng tôi nhắm vào những mối đầu tư lớn”.
Người bạn của tôi đã gia nhập vào một công ty tiếp thị hệ thống làm nhà phân phối sau khi nghiên cứu nhiều công ty khác nhau, và bắt đầu thiết lập quan hệ làm ăn theo kiểu tiếp thị hệ thống với những người muốn hùn vốn đầu tư với anh sau này. Hiện tại, anh ta đang ăn nên làm ra trong hệ thống kinh doanh tiếp thị hệ thống cũng như chuyện đầu tư của mình. Anh bảo tôi, “Ban đầu tôi làm điều này chỉ vì muốn giúp mọi người kiếm ra tiền để đầu tư, vậy mà giờ đây tôi lại càng trở nên giàu có từ chuyện kinh doanh hoàn toàn mới mẻ này”.
Cứ mỗi tháng anh mở hai lớp học vào thứ Bảy. Trong lớp học đầu, anh dạy mọi người về các hệ thống kinh doanh và nguồn nhân lực, hoặc cách trở thành một nhà doanh nghiệp thành đạt. Vào buổi học thứ hai, anh dạy họ về kiến thức tài chính và sự thông minh về tiền bạc. Anh dạy họ trở thành những nhà đầu tư có hiểu biết. Các lớp học của anh cứ mỗi lúc một đông.
Con đường anh đề nghị hoàn toàn giống con đường mà tôi đã đề nghị với bạn trước đây.
MỘT FRANCHISE CÁ NHÂN
Và đó chính là lý do tại sao ngày nay tôi luôn khuyến khích mọi người hãy xem xét đến hình thức tiếp thị hệ thống. Nhiều đặc quyền kinh doanh nổi tiếng đòi hỏi trong túi bạn phải có từ một triệu đô trở lên. Tiếp thị hệ thống chẳng khác nào một đặc quyền kinh doanh cá nhân, và bạn chỉ tốn khoảng 200 đô để mua nó.
Tôi biết hình thức kinh doanh tiếp thị hệ thống đòi hỏi nhiều công sức. Nhưng sự thành công ở bất cứ nhóm nào cũng đòi hỏi sự làm việc cật lực. Về mặt cá nhân, tôi chưa kiếm được đồng thu nhập nào như một nhà phân phối tiếp thị hệ thống. Tôi đã nghiên cứu nhiều công ty tiếp thị hệ thống khác nhau, cũng như những chính sách thăng thưởng và giảm giá của họ. Trong quá trình tìm hiểu, thực sự tôi có gia nhập một vài công ty nhưng chỉ với tư cách một người tiêu dùng chỉ vì các sản phẩm của họ quá tốt.
Tuy nhiên, nếu tôi có thể đề nghị bạn tìm kiếm một tổ chức tuyệt vời nào đó có thể giúp bạn hội nhập vào phần bên phải của tứ đồ, chìa khóa không phải nằm ở chỗ sản phẩm mà nằm ở phần kinh nghiệm, kiến thức mà tổ chức ấy có thể đem lại cho bạn. Có những tổ chức tiếp thị hệ thống chỉ quan tâm đến việc làm thế nào bạn có thể rao bán hệ thống của họ cho những người bạn quen. Nhưng cũng có những tổ chức chỉ quan tâm đến việc huấn luyện bạn và giúp bạn thành công.
Từ việc nghiên cứu tìm hiểu về hình thức tiếp thị hệ thống này, tôi đã tìm thấy hai vấn đề quan trọng mà bạn có thể học hỏi từ các chương trình của họ, mà hai vấn đề ấy rất quan trọng và cần thiết để trở thành một nhà doanh nghiệp nhóm C thành công.
1. Để thành công, bạn cần phải học cách chiến thắng và làm chủ nỗi sợ bị từ chối, và đừng lo lắng những gì người khác nói về bạn. Rất nhiều lần tôi đã gặp những người cam chịu bỏ cuộc chỉ vì những lời phê bình về họ từ bạn bè khi họ làm một điều gì đó hơi khác lạ. Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã từng như vậy. Trong một thị trấn nhỏ, mọi người đều biết những gì mà một người khác đang dự định làm. Nếu một ai đó không thích những gì bạn làm, cả thị trấn sẽ kháo nhau về chuyện đó và chuyện làm của bạn sẽ trở thành đề tài phiếm luận của mọi người.
Một trong những câu châm ngôn hay nhất mà tôi thường tự lặp đi lặp lại với chính mình là: “Những gì anh nghĩ về tôi không phải là chuyện của tôi. Điều quan trọng nhất là tôi nghĩ gì về chính bản thân mình”.
Một trong nhiều lý do người bố giàu đã khuyến khích tôi làm việc cho hãng Xerox trong 4 năm trời không phải là vì Người thích mấy cái máy photo, mà vì Người muốn tôi có thể làm chủ được sự mắc cỡ hổ thẹn và nỗi sợ bị từ chối của mình
2. Học cách lãnh đạo mọi người. Làm việc với những kiểu người khác nhau là một vấn đề khó khăn nhất trong kinh doanh. Những người thành công trong bất kỳ chuyện kinh doanh nào tôi gặp thường là những người có kỹ năng lãnh đạo tuyệt vời. Kỹ năng làm việc chung và gây hứng thú trong quan hệ công tác với người khác là một kỹ năng vô giá. Kỹ năng đó có thể được học hỏi và rèn luyện.
Như tôi đã nói, con đường “xé rào” từ phía bên trái sang phía bên phải không quan trọng ở những gì bạn làm được, mà quan trọng ở chỗ bạn muốn trở thành loại người nào. Hãy học cách ứng xử khi bị từ chối, làm thế nào không bị những gì người khác nghĩ về bạn sẽ ảnh hưởng đến bạn. Hãy học cách lãnh đạo và bạn sẽ tìm thấy trái lành quả ngọt. Cho nên, tôi sẽ tán thành những tổ chức tiếp thị hệ thống nào mà cam kết trước nhất việc trui rèn bạn như một con người hơn là một kẻ bán hàng. Tôi sẽ tìm kiếm những tổ chức nào mà:
a. Có kỷ lục thành tích chứng nhận, một hệ thống phân phối và một chế độ thăng thưởng thành công trong nhiều năm
b. Có cơ hội kinh doanh mà bạn có thể thành công, biết tin tưởng và dám chia sẻ cơ hội ấy một cách tự tin với mọi người.
c. Có các chương trình đào tạo dài hạn, thường xuyên trong việc phát triển bạn như một con người. Sự tự tin là yếu tố quan trọng sống còn của một người đứng trong thế giới bên phải của tứ đồ.
d. Có một chương trình đỡ đầu, hỗ trợ vững mạnh. Bạn muốn học hỏi từ những nhà lãnh đạo chứ không phải những nhà cố vấn, hãy học từ những người đã trở thành những kẻ lãnh đạo ở phía bên phải tứ đồ và mong muốn bạn thành công như họ.
e. Có những con người mà bạn kính trọng và thích được làm việc với họ.
Nếu một tổ chức đáp ứng được 5 tiêu chuẩn trên, lúc đó hãy nghiên cứu đến sản phẩm của họ. Có rất nhiều người chỉ nhìn vào sản phẩm mà không chịu xem xét hệ thống kinh doanh và cơ cấu tổ chức đằng sau sản phẩm đó. Trong một vài tổ chức tôi biết, họ thường nêu một khẩu hiệu thế này, “Sản phẩm sẽ tự bán được. Thật dễ dàng”. Nếu bạn muốn trở thành một kẻ bán hành, một người nhóm T, thế thì sản phẩm sẽ trở thành quan trọng nhất. Nhưng nếu bạn muốn tự hoàn thiện để trở thành một nhà doanh nghiệp dài hạn, thế thì chính hệ thống, kiến thức thu thập suốt đời và bản chất con người sẽ trở nên quan trọng nhất.
Một người bạn đồng nghiệp rất am hiểu về ngành công nghiệp này đã nhắc nhở tôi về giá trị của thời gian vốn là một trong những tài sản quý giá nhất của mọi người. Trong một công ty tiếp thị hệ thống, thành công thực sự là chỉ khi nào bạn bỏ công sức và thời gian của mình trong ngắn hạn và thu được nguồn thu nhập “thụ động” đáng kể trong dài hạn. Một khi bạn đã xây dựng được một tổ chức vững mạnh trong tay mình, bạn có thể thôi làm việc mà nguồn thu nhập vẫn chảy đều vào túi bạn từ những công sức xây dựng cần mẫn ban đầu. Tuy nhiên, chìa khóa quan trọng nhất của sự thành công với một công ty tiếp thị hệ thống phải là sự cam kết lâu dài của chính bạn, cũng như của tổ chức đó, là hướng tới mục tiêu trở thành một nhà lãnh đạo kinh doanh như bạn muốn.
HỆ THỐNG LÀ CHIẾC CẦU DẪN ĐẾN TỰ DO
Tôi không muốn nhắc lại chuyện không có nhà để ở. Tuy nhiên, đối với hai vợ chồng tôi, kinh nghiệm thời ấy thật là vô giá. Ngày nay, sự tự do và bảo đảm không phải được tìm thấy ở những gì chúng ta đang có, mà chính ở những gì chúng ta biết tạo ra bằng sự tự tin của mình.
Từ lúc đó, chúng tôi đã từng tạo ra một công ty địa ốc, một công ty dầu, một công ty khai thác mỏ, và hai doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. Cho nên, quá trình học hỏi cách tạo ra một hệ thống thành công hoàn toàn lợi ích thiết thực đối với chúng tôi. Thế nhưng tôi không muốn đề nghị quá trình đó với bất cứ ai, trừ phi sự muốn kinh qua con đường đó.
Cho tới thời điểm cách đây vài năm, cơ hội cho một người thành công ở nhóm C chỉ có thể có đối với những ai gan dạ hoặc giàu có sẵn. Hai vợ chồng tôi có lẽ có lá gan khá lớn bởi vì chúng tôi chẳng giàu có gì cả. Lý do khiến nhiều người ở lại phía bên trái tứ đồ là vì họ cảm thấy rủi ro quá lớn khi phát triển một hệ thống riêng cho chính mình. Đối với họ, sẽ khôn ngoan hơn khi kiếm được một công việc ổn định và an toàn.
Ngày nay, chủ yếu do những bước tiến phát triển vượt bậc của công nghệ khoa học, những rủi ro trên con đường trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt đã giảm đi rất nhiều, và cơ hội làm chủ một hệ thống kinh doanh riêng cho mình đều mở cửa với tất cả mọi người.
Đặc quyền kinh doanh và tiếp thị hệ thống đã làm giảm đi một phần gánh nặng trên con đường phát triển một hệ thống riêng cho bạn. Bạn mua lại quyền kinh doanh từ một hệ thống thành công, và nhiệm vụ của bạn bây giờ chỉ là phát triển nguồn nhân lực cho chính bạn.
Hãy coi những hệ thống này như những chiếc cầu. Những chiếc cầu đó sẽ vạch ra cho bạn một con đường an toàn đi đến thế giới bên phải của Kim tứ đồ. Đó là những chiếc cầu sẽ dẫn bạn đến sự tự do về tài chính.
Trong chương kế tiếp, tôi sẽ bàn đến nửa phần còn lại trong thế giới bên phải ấy, thế giới của những nhà đầu tư nhóm Đ.
1 note · View note
booksreading · 4 years ago
Text
CHƯƠNG 4: 3 KIỂU HỆ THỐNG KINH DOANH (P1)
Tumblr media
Trên con đường “xé rào” vào nhóm C, hãy luôn ghi nhớ mục đích của bạn là làm chủ một hệ thống và mướn người vận hành hệ thống đó cho bạn. Bạn có thể tự mình lập một hệ thống riêng hoặc tìm mua một hệ thống có sẵn. Hãy coi hệ thống đó như một cây cầu nối mà nhờ đó bạn có thể vượt qua một cách an toàn từ phía bên trái sang phía bên phải của Kim tứ đồ. Cây cầu đó sẽ giúp bạn đi đến bờ tự do về tài chánh.
Có ba kiểu hệ thống kinh doanh hiện đang được áp dụng phổ biến hiện nay, đó là:
1. Những tập đoàn thuộc mô hình công ty truyền thống – đây là nơi bạn tự tạo một hệ thống cho mình. 
2. Hình thức mua lại đặc quyền kinh doanh (franchises) – đây là nơi bạn mua một hệ thống có sẵn.
3. Tiếp thụ kiểu mạng lưới (network marketing) – đây là nơi bạn mua để hòa nhập thành một phần của một hệ thống có sẵn.
Một kiểu hệ thống đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng nhưng cả ba đều dẫn đến cùng một mục đích. Nếu được vận hành đúng cách, mỗi hệ thống sẽ tạo cho bạn một nguồn thu nhập ổn định mà không đòi hỏi chủ nhân của nó phải bỏ sức ra vận hành khi một hệ thống được thiết lập và đi vào hành động. Vấn đề nằm ở chỗ thiết lập được hệ thống và đưa nó vào quỹ đạo vận hành.
Vào năm 1985, khi mọi người hỏi: “Tại sao anh chị lâm vào cảnh không nhà?”, hai vợ chồng chúng tôi chỉ trả lời, “Chúng tôi đang xây cho mình một hệ thống kinh doanh”.
Hệ thống kinh doanh đó của chúng tôi là một sự pha trộn giữa kiểu quản lý công ty theo mô hình truyền thống với kiểu mua lại đặc quyền kinh doanh. Như đã trình bày, nhóm C đòi hỏi phải có hiểu biết và kinh nghiệm trong việc quản lý hệ thống cũng như con người.
Quyết định xây nên một hệ thống riêng cho mình đòi hỏi rất nhiều công sức. Tôi đã từng thử nghiệm cách làm này và kết quả công ty do tôi thành lập đã thất bại tan tành. Mặc dù trong những năm đầu công ty phát triển rất tốt, nhưng đến năm thứ năm công ty bất ngờ lâm vào tình trạng phải tuyên bố phá sản. Khi chúng tôi thành công, chúng tôi đã không chuẩn bị kịp cho một hệ thống đầy đủ. Hệ thống bắt đầu đổ vỡ cho dù chúng tôi có làm việc cực hơn đi chăng nữa. Chúng tôi có cảm giác mình như đang một con tàu lộng lẫy bị lủng đáy và chúng tôi không tài nào tìm ra được chỗ nứt. Trong khi cố mọi cách tìm ra chỗ nứt, chúng tôi vẫn không thể tát nước ra kịp để phát hiện chỗ nứt và trám kín chỗ nứt ấy. Nhưng cho dù chúng tôi có phát hiện được, chúng tôi vẫn không chắc mình có thể bít kịp lỗ thủng ấy hay không.
CON CÓ THỂ MẤT TỪ HAI ĐẾN BA DOANH NGHIỆP
Lúc còn đi học, người bố giàu đã kể cho tôi và con của Người là Người đã từng làm mất một doanh nghiệp ở lứa tuổi hai mươi. “Đó là sự kiện đau đớn nhất nhưng cũng đáng giá nhất trong đời ta”, Người kể: “Ta càng chán ghét kỷ niệm đó bao nhiêu, ta lại càng học thêm được nhiều bấy nhiêu làm cách nào sửa chữa thất bại đó để có thể thắng lớn sau này”.
Khi biết tôi đang rắp tâm mở cho mình một doanh nghiệp riêng, người bố giàu nói: “Con có thể mất từ hai đến ba doanh nghiệp trước khi con có thể lập ra một doanh nghiệp thực sự thành công và tồn tại lâu dài”.
Người đã huấn luyện Mike, con của Người để có thể thừa hưởng cơ nghiệp của Người. Trong khi đó, bố ruột của tôi chỉ là một công chức nhà nước và Người chẳng có một cơ ngơi nào giao lại cho tôi. Tôi phải lập nghiệp từ chính đôi tay của mình.
THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG
“Thất bại là mẹ thành công” người bố giàu luôn nhắc. “Các con chỉ có thể học được nhiều nhất về chính bản thân mình khi bị thất bại. Do đó, các con đừng bao giờ sợ bị thất bại. Thất bại chỉ là một phần trong quá trình thành công. Các con không thể nào thành công mà không bao giờ bị thất bại. Những người thất bại chính là những người chưa nếm mùi thất bại bao giờ”.
Lời nói đó của Người có lẽ là một cảnh báo trước đối với tôi, bởi vì cho đến năm 1984, tôi đã làm mất doanh nghiệp thứ ba của mình. Khi tôi gặp Kim – vợ tôi, tôi đã từng kiếm được hàng triệu đô để rồi hoàn toàn tay trắng và phải làm lại mọi thứ từ đầu. Tôi biết chắc chắn là nàng đã không cưới tôi vì tiền bởi vì lúc ấy tôi không còn một đồng xu dính túi. Khi tôi tâm sự với Kim là tôi sẽ lập lại một doanh nghiệp lần thứ tư, nàng đã không bỏ rơi tôi.
“Em sẽ sát cánh bên anh cùng xây dựng nó”, và nàng đã giữ đúng lời những gì hứa với tôi. Cùng với một người bạn khác, chúng tôi đã lập nên một hệ thống kinh doanh có 11 chi nhánh khắp thế giới, cứ tạo ra tiền cho chúng tôi bất kể chúng tôi có bỏ sức ra làm việc hay không. Con đường đi đến sự thành công ấy từ tay trắng đã tước bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của chúng tôi. Khi chúng tôi thành công, cả hai người bố đều rất vui mừng và thành thật chúc mừng tôi, mặc dù cả hai đều đã bị mất tiền khi đầu tư vào những công ty thử nghiệm ban đầu của tôi lúc tôi còn tập tễnh bước đi trong thế giới của nhóm C.
CHƯỚNG NGẠI KHÓ NHẤT
Mike, con của người bố giàu, thường nói với tôi, “Mình sẽ không bao giờ biết được là mình có thể thực hiện được những gì mà bạn và bố của mình đã làm hay không. Mình được giao cho một hệ thống, và những gì mình làm chỉ là học cách vận hành hệ thống đó mà thôi”. Tôi chắc chắn là anh có thể tạo ra cho mình một hệ thống thành công bởi vì anh đã tiếp thu hết những gì mà bố anh dạy. Thế nhưng tôi hoàn toàn hiểu ý anh muốn ám chỉ điều gì. Khi xây dựng một doanh nghiệp từ tay trắng, phần khó nhất nằm ở hai chướng ngại: hệ thống, và những người xây dựng hệ thống đó. Nếu cả hệ thống lẫn nhân sự không chặt chẽ, khả năng thất bại sẽ rất cao. Đôi khi, thật khó mà biết vấn đề phát sinh từ đâu – từ nguồn nhân sự hay từ hệ thống, đã gây ra sự thất bại đó.
TRƯỚC THỜI CÓ HÌNH THỨC FRANCHISE
Khi người bố giàu bắt đầu dạy tôi về cách trở thành một người nhóm C, thời ấy chỉ có một kiểu kinh doanh. Đó là kiểu làm ăn lớn của một đại công ty gần như độc quyền trong một tỉnh lẻ. Chỗ chúng tôi ở Hawaii có một nhà máy sản xuất đường nhưng lại gần như khống chế hết mọi thứ, bao gồm những chuyện kinh doanh lớn khác. Thời ấy, hoặc là làm ăn lớn với hình thức đại công ty, hoặc là theo kiểu gia đình chứ rất ít có những hình thức làm ăn khác nằm trong khoảng giữa.
Để có thể đạt đến bậc thang lãnh đạo trong những đại công ty lớn nhất chắc chắn không phải là mục tiêu của những người như hai người bố của tôi. Những cộng đồng thiểu số như người Nhật, người Tàu và người Hawaii chỉ làm việc trên cánh đồng và không bao giờ được phép đứng vào hàng ngũ quản lý của công ty cả. Cho nên người bố giàu đã học mọi thứ bằng cách thử nghiệm và sửa sai.
Khi tôi bắt đầu vào trung học, chúng tôi đã nghe đồn về khái niệm “franchise” nhưng hình thức kinh doanh kiểu ấy không xuất hiện ở thị trấn bé xíu chỗ chúng tôi ở. Chúng tôi không biết gì cả về tiệm bán bánh mì kẹp thịt McDonald hay gà rán KFC. Khi tôi học hỏi với người bố giàu, những khái niệm ấy hoàn toàn lạ lẫm với chúng tôi. Và rồi chúng tôi cứ liên tiếp nghe tin đồn về những hình thức kinh doanh kiểu ấy, nào là “bất hợp pháp”, nào là “trò lường gạt bịp bợm”, “nguy hiểm”. Tất nhiên, một khi những lời đồn ấy đến tai người bố giàu, Người đã mua vé máy bay đến California để kiểm tra tin đồn hơn là chỉ nghe theo một cách mù quáng. Khi trở về, Người chỉ nói với chúng tôi: “Franchises sẽ là một cuộc cách mạng của tương lai”, và Người đã mua lại đặc quyền kinh doanh của cả hai thương hiệu ấy. Khi xã hội bắt đầu dấy lên trào lưu “franchise” và hình thức ấy bắt đầu trở nên phổ biến, cũng là lúc Người trở thành triệu phú. Người bán lại những đặc quyền kinh doanh đó cho những người khác muốn nắm lấy cơ hội làm ăn riêng cho chính mình.
Tôi nhớ có lần đã hỏi Người mua lại một đặc quyền kinh doanh đó cho riêng tôi, Người cản ngay: “Ta không bán cho con. Con đã học được từ ta rất nhiều cách xây dựng riêng cho mình một hệ thống kinh doanh. Con đừng ngừng lại ở đó. Hình thức franchise chỉ dành cho những ai không muốn tự mình tạo ra hay không biết cách tạo ra một hệ thống cho riêng mình. Hơn nữa, con làm gì có 250.000 đô để mua lại đặc quyền đó”.
Ngày nay, thật khó mà tưởng tượng không có thành phố hiện đại nào trên thế giới lại không có bánh mì kẹp thịt McDonald, gà rán KFC, hay bánh pizza của Pizza Hut ở mỗi góc phố. Thế nhưng cách đây không lâu thôi, những cửa hàng kinh doanh kiểu ấy nào có tồn tại. Và tôi vẫn còn nhớ mãi cái thời “tiền sử” ấy trong suốt cuộc đời của mình.
LÀM SAO HỌC ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ DOANH NGHIỆP? 
Tôi đã học trở thành một nhà doanh nghiệp bằng cách phụ việc cho người bố giàu. Cả con của Người lẫn tôi đều là những người làm công lãnh lương học cách trở thành chủ doanh nghiệp. Đó cũng là con đường mà nhiều người đã đi qua, con đường “vừa làm vừa học”. Và đó cũng chính là cách mà nhiều gia đình giàu sụ đã vận dụng để giáo dục và truyền đạt kinh nghiệm qua bao thế hệ.
Vấn đề ở chỗ, không phải ai cũng có may mắn để được học hỏi những kinh nghiệm “sau hậu trường” ấy trong thế giới của nhóm C. Hầu hết các “chương trình đào tạo quản lý” trong các công ty lớn chỉ dừng lại ở mục đích của chương trình – đó là công ty chỉ đào tạo bạn trở thành nhà quản lý mà thôi. Rất ít công ty dám đào tạo cho nhân viên mình trở thành những người thuộc nhóm C đúng nghĩa.
Thông thường, mọi người hay bị kẹt lại ở nhóm T trong cuộc hành trình đến thế giới nhóm C. Sở dĩ như vậy chủ yếu là vì mọi người không phát triển được một hệ thống vững mạnh, cho nên họ đành chịu chấm dứt cuộc hành trình bằng cách trở thành một phần hòa nhập với hệ thống. Những người nhóm C thành công chính là những người thiết lập được một hệ thống vận hành mà không cần có sự can thiệp hay bỏ sức của họ vào.
Có ba cách bạn có thể rút ngắn con đường đi trên thế giới của nhóm C.
1. Tìm một người đỡ đầu. Người bố giàu là người đỡ đầu của tôi. Người đỡ đầu là người đã làm ăn qua những gì bạn muốn làm... và đã thành công. Đừng tìm người cố vấn. Người cố vấn chỉ là kẻ biết bảo bạn làm thế nào trong khi bản thân người ấy có thể chưa từng làm qua bao giờ. Hầu hết những người cố vấn đều thuộc nhóm T. Thế giới lúc nào cũng đầy ắp những người nhóm T thích cố vấn cho bạn làm thế nào trở thành người nhóm C hay nhóm L. Người bố giàu của tôi là người đỡ đầu nhưng không phải là người cố vấn.
Một trong những bí quyết lớn nhất của Người là:
“Hãy thận trọng với lời tư vấn mà con nghe được. Trong khi con phải luôn rộng mở đầu óc để sẵn sàng tiếp thu cái mới, hãy dè chừng xem trước hết lời khuyên đó đến từ nhóm người nào”.
Người bố giàu đã dạy tôi về những hệ thống và làm thế nào lãnh đạo mọi người, chứ không phải quản lý mọi người. Các nhà quản lý thường coi cấp dưới như hàng yếu kém. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phải chỉ đạo những người khác khôn ngoan hơn mình.
Nếu bạn muốn tìm đọc một quyển sách tuyệt vời về những bài học cơ bản bắt đầu từ lập một hệ thống cho riêng mình, hãy tìm đọc quyển Huyền thoại E của Michael Gerber. Đối với những ai muốn học cách lập ra cho mình một hệ thống, quyển sách đó thật vô giá.
Một lối học truyền thống về những hệ thống là lấy bằng MBA (Cao học về Quản trị Kinh doanh) của một trường nổi tiếng và nhanh chóng leo thang cấp bậc trong con đường sự nghiệp với một tập đoàn lớn. Bằng MBA trở nên quan trọng bởi vì bạn sẽ học được những cơ bản về kế toán, cũng như mối liên hệ giữa những con số tài chánh với những hệ thống kinh doanh trong một doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có bằng MBA không nhất thiết có nghĩa là bạn có thể trở nên sành sỏi trong việc vận hành tất cả các hệ thống, vốn cùng tạo thành một guồng máy kinh doanh hoàn hảo.
Để có thể học được mọi hệ thống cần thiết có được trong một công ty, bạn phải mất từ 10 đến 15 năm làm việc và học hết những khía cạnh ngóc ngách trong chuyện kinh doanh. Sau đó, bạn có thể chuẩn bị từ chức và tự lập doanh nghiệp cho mình. Làm việc cho một đại công ty thành công cũng giống như việc học hỏi với người đỡ đầu của bạn.
Cho dù có người đỡ đầu hoặc cho dù có tích lũy nhiều kinh nghiệm, phương pháp này đều đòi hỏi bạn phải bỏ ra nhiều công sức. Tạo ra một hệ thống cho riêng mình đòi hỏi có nhiều thử nghiệm sai-sửa, chi phí về mặt pháp lý ban đầu và các công việc thủ tục giấy tờ khác. Tất cả những chuyện này cũng sẽ phát sinh đồng thời khi bạn đang phát triển và tranh thủ nguồn nhân lực làm việc cho bạn.
2. Đặc quyền kinh doanh (franchises). Một cách khác học về hệ thống là mua một đặc quyền kinh doanh. Khi bạn mua lại đặc quyền kinh doanh, bạn cũng đang mua lấy một hệ thống kinh doanh “đã được thử nghiệm và chứng minh thành công”. Có nhiều đặc quyền kinh doanh hoàn hảo.
Khi mua lại một hệ thống bằng đặc quyền kinh doanh, thay vì thử tạo cho mình một hệ thống, bạn có thể tập trung vào việc phát triển nguồn nhân sự cho mình. Mua lại hệ thống đã giúp cho bạn giảm bớt một gánh nặng khi bạn chỉ đang tập tễnh học cách trở thành một nhà doanh nghiệp. Lý do tại sao nhiều ngân hàng cho vay tiền mua đặc quyền kinh doanh hơn là những doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập là vì các ngân hàng nhận biết được tầm quan trọng của các hệ thống, và việc khởi sự lập nghiệp bằng một hệ thống tứ đồ hiệu quả sẽ làm giảm rủi ro cho vay của các ngân hàng.
Thế nhưng tôi xin lưu ý thận trọng một điều đối với những bạn mua lại đặc quyền kinh doanh. Các bạn hãy làm ơn đừng vướng vào kiểu người nhóm T, tức là người “muốn tự mình làm mọi việc”. Nếu bạn mua một đặc quyền kinh doanh, hãy trở thành một người nhóm L. Hãy làm chính xác theo những gì mà người bán đặc quyền yêu cầu bạn. Không có gì tồi tệ hơn là xảy ra kiện tụng tranh chấp giữa người bán và người mua đặc quyền kinh doanh. Sở dĩ xảy ra tranh chấp là vì những người đi mua hệ thống lại muốn vận hành hệ thống đó theo cách của mình chứ không phải cách mà người bán muốn hệ thống đó vận hành như vậy. Nếu bạn muốn làm theo cách của mình, bạn hãy làm điều đó khi nào bạn đã làm chủ được cả hệ thống lẫn nguồn nhân lực.
Người bố có học thức cao của tôi đã thất bại khi Người mua lại đặc quyền kinh doanh một hiệu kem nổi tiếng và đắt tiền. Mặc dù hệ thống hoàn hảo, nhưng việc kinh doanh đó vẫn bị thất bại ê chề. Theo tôi, chuyện kinh doanh đó thất bại là vì những người hùn vốn với Người chỉ là những người kiểu nhóm L hay T không biết làm gì khi việc kinh doanh trở nên bết bát, và đã không yêu cầu sự hỗ trợ của công ty mẹ. Kết quả, các đối tác tranh chấp với nhau và việc kinh doanh cứ thế mà càng tồi tệ hơn. Họ đã quên một điều cơ bản là một người chủ doanh nghiệp thực sự không chỉ là chủ một hệ thống, mà còn lệ thuộc rất nhiều vào khả năng vận hành hệ thống đó.
1 note · View note