bluelilia
Blue Lilia’s archive
13 posts
Drifting dreams from @a.gentle.bookshop
Don't wanna be here? Send us removal request.
bluelilia · 1 year ago
Text
Tôi đã gặp mẹ - Csáth Géza
Mẹ tôi mất, khi tôi vừa sinh ra. Căn phòng sặc sụa mùi thuốc, nhiều chỗ những vết máu còn tươi. Người ta rón rén đi trên đầu ngón chân, và thì thào.
Bình minh còn xa mới đến. Còn rất xa. Và mẹ bé bỏng của tôi vô ích mong đợi bình minh, với những lời thì thào cầu nguyện đau đớn. Khi tôi hít vào hơi thở đầu tiên, mẹ ra đi. Một cách khó khăn, mẹ thở rất dài, vì mẹ yêu bố tôi, và mới hai mươi tuổi.
Còn tôi đã quên mẹ. Chẳng bao giờ tôi gặng hỏi. Tôi không cảm thấy, cần phải có mẹ, mẹ - người vì tôi nằm xuống nấm mồ từ thuở trẻ trung, và từ từ hóa bụi – là tôi.
Nhiều năm trôi qua như vậy.
Rồi tôi gặp lũ con gái. Mái tóc ngập ngụa thơm ngát của họ vuốt ve khuôn mặt xanh xao, cháy bỏng của tôi. Những cánh tay mềm mại, ngọc ngà của họ quàng lấy vòng eo mảnh khảnh gầy gò của tôi. Họ chiều chuộng, tới tấp hôn lên đôi môi chế nhạo của tôi bằng những cái hôn tuyệt đỉnh kích động đến chết người. Còn tôi đến lúc ấy cũng không hề nghĩ đến mẹ, người hôm nào từ biệt cõi đời bằng một tiếng thở dài nặng nhọc, trong căn phòng sặc mùi thuốc và đầy máu.
Nhưng đêm qua mẹ đã hiện về trong đầu tôi - Từ đâu? Giờ đây tôi đã biết, tôi phải gặp lại mẹ.
Quá nửa đêm tôi trở về nhà từ hơi ấm của một thiếu phụ. Tôi thiếp đi, mơ màng trong cơn mệt mỏi. Sau giây lát, tôi nhìn thấy mẹ từ xa. Mẹ đi về phía tôi. Mẹ tươi tắn, trẻ trung, như thể vừa sau cơn sinh đẻ.
Tôi đi trốn. Nhưng mẹ nhìn thấy, đôi mắt xanh thẫm chăm chú dán cái nhìn vào tôi. Nỗi ưu tư nhẹ nhõm phảng phất trên khuôn mặt xanh xao, xinh nhỏ trùm lấy tôi, khiến tôi vội vã tiến về phía mẹ, để ôm chầm lấy và hôn mẹ. Ôi, mẹ mới đẹp và trẻ trung làm sao. Đôi tay (tôi rất ngạc nhiên) mẹ không cho phép tôi hôn.
Mẹ đội chiếc mũ rơm rộng vành kiểu cũ, trong bộ váy áo vải phin sạch sẽ. Tôi đã nhìn thấy bộ váy này trong tủ bà; bạc phếch và đầy vết hoen ố. Những vết hoen ố từ nước mắt của bà, rơi xuống bộ váy áo mẹ, trong những buổi tối mưa thu đến sớm, lạnh lẽo.
Chúng tôi nắm chặt lấy tay nhau. Cảm thấy cái nút thắt, đã một lần đứt đoạn giữa đôi bên, trong một buổi bình minh đầy máu và sặc mùi thuốc - rồi chúng tôi thong thả bước đi.
Xung quanh chúng tôi là tháng Năm. Gió rì rào trên những rặng dương, bay mãi về phía xa cánh đồng. Những đóa hoa chuông ngào ngạt dâng hương thơm của tuổi thanh xuân cho chúng tôi.
Tôi và mẹ dừng lại giữa niềm hạnh phúc của đồng xanh và bầu trời bát ngát. Khi đưa mắt nhìn nhau, những giọt nước mắt tràn dâng từ đôi mắt của cả hai. Nhưng đôi môi của chúng tôi hé mở một nụ cười.
Ôi, mẹ của tôi mới đẹp và trẻ trung làm sao. Tôi vội vã hái hết tất cả những đóa hoa chuông đồng cỏ và rắc lên mẹ. Tôi phủ hoa kín khuôn ngực thanh xuân thiếu nữ, chưa một lần cho tôi được bú. Còn mẹ cười lặng lẽ nhìn tôi, cho đến khi tôi rắc hết hoa.
Rồi chúng tôi lại thong dong dạo chơi trên cánh đồng, đi về phía khu rừng xanh. Chúng tôi bước chầm chậm, tay trong tay. Cảm thấy nhau cùng hạnh phúc bay bay trong không gian.
Ôi, khu rừng xanh bỗng hiện ra rồi.
Tiếng vĩ cầm và gió rặng dương chỉ còn lao xao mờ tỏ. Cả hai chúng tôi đều se se lòng buồn man mác. Ôm chặt lấy nhau, tôi và mẹ mơ mộng ngắm cánh đồng đầy sương câm lặng, và bóng phủ hoàng hôn đang tràn tới, bấu vào từng ngón chân.
Bên bìa rừng, chúng tôi phải chia tay. Tôi muốn ôm lần cuối từ biệt mẹ bé bỏng yêu quý đã mất của tôi. Mẹ nhìn tôi, như thể tôi làm mẹ buồn, rồi vuốt ve khuôn mặt tôi, tha thứ.
Thế rồi mẹ nhẹ nhàng vội vã đi vào rừng. Gió màn đêm thô bạo muốn giằng lấy mũ rơm của mẹ, nhưng mẹ khư khư giữ lấy. Rồi mẹ dừng lại, vẫy tay từ biệt tôi. Mẹ nhìn không động đậy như thế hồi lâu, sau cùng, như một bóng trắng, mẹ vội vã biến đi.
Tôi đứng ngây rất lâu bên bìa khu rừng xanh, nhìn theo bóng mẹ, với nỗi buồn lặng lẽ và sùng kính.
Từ lúc đó trở đi, mỗi ngày tôi đều nghĩ tới mẹ. Vì mẹ, tôi bỏ quên những thiếu phụ tóc đen, những thiếu nữ có giọng nói ngọt ngào, để tôi được mơ với mẹ - người mẹ bé bỏng của tôi, người mẹ hai mươi tuổi của tôi, người đã mất trong một sáng bình minh đen tối. Người đã mất với một tiếng thở dài thật lâu.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary
(2008-04-09)
1 note · View note
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
HUYỀN THOẠI VỀ CON CADEHO - Miguel Augel Asturias
(Nguyễn Trung Đức dịch)
Và từ cánh đồng phì nhiêu con cadeho hiện ra, bắt cóc những cô gái có bím tóc và làm tổ trên bờm những chú ngựa.
Mẹ Elvira de San Francisco, ni viện trưởng của tu -viện Santa Catalina, trước đây là một cô tu sĩ làm nhiệm vụ cắt bánh thánh trong chủng viện Concepción, một trinh nữ có sắc đẹp được ngợi ca và ăn nói rất nha nhặn đến mức ngôn từ trên môi nàng như hoa nở e ấp dịu dàng.
Từ cửa sổ rộng không kính chắn, nữ tu sĩ mới tu ngắm nhìn những tàu lá khô bị gió cuốn bay, ngắm nhìn cây cối phủ đầy hoa và những quả chín rụng trong vườn hàng xóm của chủng viện, về phía chủng viện bị đổ nát, nơi những lùm cây che khuất bức tường lở lói và mái nhà bị tốc mái đã biến những xà lim và phòng tu kín thành những thiên đường thơm lựng mùi hoa bách hợp, hoa hồng dại. Khi nói đến các bài kí sự thì đó là buổi liên hoan rầm rộ, nơi những con bồ câu có đôi chân màu hoa hồng sẽ thay thế các nữ tu và tiếng hót líu lo của lũ chim rừng thay cho những bài thánh ca của các cô.
Ở bên ngoài cửa sổ, trong những hầm sâu, bóng râm ấm áp được hội tụ lại, trong đó những con bướm nhẹ bôi bụi trên cánh chúng vào sự thanh lặng của cái sân đang nhộn nhạo sự đi lại của những chú thằn lằn và bôi vào mùi thơm bảng lảng do những tàu lá khuếch tán tình cảm mến yêu của những thân cây vào những bức tường cổ kính.
Ở bên trong, trong sự đùm bọc ngọt ngào của Thượng đế, vì Ngài đã bọc vỏ trái cây của các thiên thần để phát hiện cùi và hạt vốn là Hình Hài của Chúa Cristo – vere tues Deus abconditus! – Elvira de Francisco hội nhập tinh thần và thể xác của mình vào ngôi nhà của tuổi thơ nàng, một ngôi nhà có những cái vồ nặng nề dùng để gọi cửa và khóm hồng bên cửa, ngôi nhà những bức tường phản chiếu trong nước các bồn tắm theo cách hơi thở in dấu trên pha lê trong suốt.
Tiếng nói của thành phố đã khuấy động không khí thanh bình nơi cửa sổ nàng: đó là những tiếng nói buồn thương của du khách người ta nghe thấy dường như lay động cả bến cảng trước khi con tàu nhổ neo, đó là tiếng cười của một người đàn ông vào lúc kết thúc vòng đua của một con ngựa, hay tiếng bánh lăn của một cỗ xe, hay tiếng khó của một chú nhóc.
Con ngựa, cỗ xe, người đàn ông và chú nhóc diễu qua mắt nàng gợi nhớ khung cảnh làng quê dưới những bầu trời với gương mặt xám ngoét đã bỏ bùa mê thuốc lá cho cái nhìn thông thái của những bức tượng tròn ngồi bên cạnh hồ nước với vẻ đau thương của những con rắn già.
Hương thơm đi cùng với những hình ảnh. Bầu trời thơm mùi bầu trời, trẻ nhỏ thơm mùi trẻ nhỏ, đồng ruộng thơm mùi đồng ruộng, cỗ xe thơm lựng mùi cỏ, con ngựa thơm mùi hoa hồng, con người thơm hương thơm thần thánh, những bức tượng tròn mang mùi bóng tối, những bóng tối mang vẻ nghỉ ngơi ngày chủ nhật, và sự nghỉ ngơi của Thượng đế thơm mùi quần áo vừa giặt sạch.
Đã xảy ra chuyện rồi. Bóng tối xoá đi tư tưởng của nàng: đó là mối liên hệ rực rỡ của những hạt bụi nhỏ li ti đang bơi trong một tia nắng. Những quả chuông ngân vang đưa những chiếc môi đến gần cốc rượu buổi chiều. Ai nói về những nụ hôn nhỉ? Gió đung đưa những bông hướng dương. Hoa hướng dương hay những chú cá ngựa? Những con chim ruồi vẽ vụn những ước muốn của Thượng đế trên dòng chảy những bông hoa. Ai nói về những nụ hôn?
Tiếng đế giày nện ầm ầm trên nền nhà khiến nàng giật thột. Những mũi tên của tiếng vọng khua trống vang khắp cả hành lang.
Nghe nhầm chăng? Lẽ nào lại không phải là người đàn ông có đôi lông mày rậm vẫn thường đến đây vào cuối ngày thứ sáu lấy bánh thánh để mang đến chín địa điểm thuộc Thung lũng Đức bà Đồng Trinh, đó là nơi một đền thờ hạnh phúc đứng thẳng trên đỉnh một ngọn đồi?
Người ta gọi ông là người đàn ông ngủ gật. Ngọn gió đi theo chân ông. Nhưng bóng ma ông xuất hiện vào lúc bước chân dê đực của ông dừng lại: chiếc mũ trên tay, những chiếc cúc nhỏ, một vật gì đó tựa như vòng vàng cuộn trong chiếc áo khoác ngoài. Ông đứng đợi.
Vâng, đúng là ông ta; nhưng lần này ông đến với vẻ thảng thốt và khẩn trương như để tránh một thảm họa.
- Thưa cô, thưa cô – vừa bước vào phòng, ông vừa nói, - người ta sẽ cắt mất bím tóc của cô, người ta sẽ cắt mất bím tóc của cô, người ta sẽ cắt mất bím tóc của cô!...
Người tái nhợt và mềm nhũn ra, nữ tu sĩ mới tu cố đứng dậy đi đến cửa khi thấy ông ta bước vào. Nàng chỉ đi đôi giày mà một nữ tu sĩ bại liệt dùng trong cuộc đời và khi nghe thấy ông ta gào to, nàng cảm thấy rằng cô tu sĩ cả một đời bất động sẽ đặt đôi chân cho mình và mình không thể bước nổi...
Một tiếng khóc nức nở, như một ngôi sao, rung ngân trong cổ họng. Những con chim đang thêu dệt buổi hoàng hôn buông xuống giữa những đống đổ nát màu nâu và lộn xộn. Hai cây khuynh diệp sừng sững đứng ngâm vang những khúc ca salmo.
Bị trói chặt vào chân một tử thi, không thể nào cựa quậy được, nàng rầu rĩ khóc, cố nuốt nước mắt trong im lặng như những người ốm biết rằng các cơ quan lục phủ ngũ tạng của bản thân đang khô đi và lạnh đi từng phần từng phần một. Nàng cảm thấy mình chết, cảm thấy mình bị chôn, cảm thấy trên mộ mình đám hồng dại những lời trắng trong sẽ nở hoa và nỗi đau của nàng dần dà biến thành niềm vui lâng lâng... Các nữ tu sĩ – những khóm hồng lưu động đi cắt từng bông từng bông hồng một đem về bài trí bàn thờ Đức bà Đồng Trinh và từ những bông hồng, tháng năm giăng ra một tấm mạng nhện sực nức hương thơm, trong nó Thánh Bà của chúng ngã xuống thành tù nhân đang run rẩy như một con ruồi ánh sáng.
Nhưng cảm giác về cơ thể mình nở hoa sau khi chết là một niềm hạnh phúc thoáng qua.
Như một chiếc diều bỗng bị đứt dây giữa những đám mây sức nặng của bím tóc nàng làm nó chúi đầu xuống rồi cả chiếc diều rơi xuống địa ngục. Trong bím tóc nàng có điều kì diệu. Đó là tổng số những khoảnh khắc đau thương. Nàng mất cảm giác vài tiếng thở dài não ruột và cho đến khi đến gần lọ thủy tinh trong đó lũ quỷ đang làm phép màu, thì nàng lấy lại cảm giác mình đang ở trên mặt đất. Một chiếc quạt những thực tế có thể có mở ra quanh nàng: đêm với những tấm kẹo gương, những cây thông thơm lựng, ph��n hoa của cuộc đời ở trên tóc của gió, và con mèo không hình thù không màu sắc đang cào lên mặt nước trong các bể và làm lộn tùng phèo những tờ giấy cũ.
Cửa sổ và nàng lấp đầy cả bầu trời.
- Thưa cô! Thượng đế biết bàn tay cô khi nào tôi làm lễ ban thánh thể cho cô!... – Người đàn ông khoác áo khoác thì thầm nói và trong lúc nói lướt dài mớ tóc bị cắt trước đôi mắt đỏ như than hồng của nàng.
Nữ tu sĩ mới tu rút tay khỏi những chiếc bánh thánh khi nghe thấy lời mắng mỏ... Không, không phải là một giấc mộng! Nàng tự vỗ lên cánh tay, lên vai, lên cổ, lên mặt, lên bím tóc... Nàng ngừng thở một lát dài như cả một thế kỉ vào lúc cảm nhận được bím tóc. Không, không phải một giấc mộng! Bên dưới nạm tóc ấm áp của mình nàng sống lại nhờ nhận ra những đồ trang sức của mình, được mang theo trong các đám cưới ma quái với người đàn ông ngủ gật và nhận ra ngọn đèn cháy sáng ở cuối phòng, căn phòng dài như một cái quan tài. Ánh sáng duy trì cái thực tại không thể có về người yêu dang rộng hai cánh tay như một chúa Cristo mà trong một phút lâm chung đã trở lại làm con dơi và là chính da thịt mình. Nàng nhắm mắt lại, tự bọc mình trong sự mù lòa của chính mình để chạy trốn cái hình ảnh địa ngục ấy, hình ảnh người đàn ông vốn chỉ là đàn ông để mơn trớn nàng cho đến khi nàng là người đàn bà – người đàn bà đáng nguyền rủa nhất trong số những thê thiếp mà thôi - nhưng tất cả có cái gì đó rơi xuống dưới mi mắt tròn và dựng dậy từ đôi giày của nàng đó là nữ tu sĩ bại liệt, người ướt đẫm nước mắt, chạy nhiều nhất đã mở mắt nàng... Nàng cào rách bóng tối, mở bừng hai con mắt với con người sống động đung đưa, bước ra khỏi nội tâm sâu thẳm của mình như những con chuột mắc trong bẫy, nhớn nhác, điếc đặc, tự làm đỏ hồng đôi má, vùng vẫy giữa tiếng rên rẩm của cơn hấp hối xa lạ mà nàng mang trên đôi chân và dòng chảy nóng của bím tóc xoắn lại trong tó lửa vô hình nàng mang trên lưng…
Và nàng không biết thêm về mình nữa. Giữa một tử thi và một người đàn ông, với tiếng khóc ấm ức trên lưỡi mình nàng cảm thấy chất độc; như trái tim mình, nửa điên loạn, trong lúc tãi bánh thánh nàng vùng vẫy đi tìm chiếc kéo của mình và khi tìm được nó nàng cắt phăng bím tóc và tự giải thoát bùa yểm của ông, nàng chạy đi tìm nơi ẩn nấp an toàn của mệ bề trên mà không cảm thấy trên chân mình có đôi chân của nữ tu sĩ bại liệt...
Nhưng khi bím tóc nàng rơi xuống nó không còn là bím tóc nữa. Nó ngọ nguậy, trườn bò trên tấm chăn phơi bánh thánh trải trên sàn nhà.
Người đàn ông ngủ gật hướng về ánh sáng tìm kiếm. Trên hàng lông mày rậm rì những giọt nước mắt lóng lánh như những đốm lửa cuối cùng trong than của cây đèn nến đã tắt. Ông bò theo mặt bức tường với hơi thở hổn hển mà không hề động đến bóng tối, không hề gây tiếng động, chỉ khao khát được đến đống lửa mà ông tin rằng đó là sự cứu mạng của mình. Bỗng bước đi chệnh choạng của ông bị hụt và ông ngã nhào trong cuộc chạy trốn hãi h��ng. Con rắn không đầu để lại đám lá rụng thiêng liêng của bánh thánh và lao theo ông. Nó bò bên dưới chân ông như một dòng máu đen của một con vật chết và khi tiếp xúc với ánh sáng bỗng nó nhảy vút lên với những quả chuông phun nước ra thoải mái và nhẹ nhàng nước uốn cong lại như sợi bấc trong ngọn đèn nến cháy sáng như khóc hoài cho đến khi lụi tàn, khóc cho tâm hồn của người vì nàng trinh nữ đã tắt lịm lửa đời. Và như vậy, người đàn ông ngủ gật đã đến cõi vĩnh hằng và thương cho ông những cây xương rồng vẫn khóc hoài tuôn ra những giọt nước mắt trắng.
Con quỷ đã đi qua như một làn gió thổi bởi bím tóc, mà khi ngọn lửa cây đèn nến lụi tắt, đã rơi xuống nằm bất động trên sàn nhà.
Đến nửa đêm, nhờ biến thành một con vật mình dài – dài gấp đôi con cừu và cao bằng tầm một cây liễu rủ với đầu dê, tai thỏ và mặt dơi, người đàn ông – ngủ gật kéo theo xuống địa ngục bím tóc đen của nữ tu sĩ mới tu, với thời gian nàng sẽ là Mẹ Elvira de San Francisco – Caheho đã sinh ra như thế đấy – trong lúc đó nàng mơ - giữa những tiếng cười của các thiên thần, quỳ gối trong phòng tu kín độc thân với hoa huệ và con cừu huyền bí.
11 notes · View notes
bluelilia · 2 years ago
Text
Giấc mơ của Akinosuke - Lafcadio Hearn
(Trích từ tập Quái Đàm – Chuyện Yêu Quái Và Dị Trùng Nhật Bản)
Tumblr media
Ở quận Toichi xứ Yamato (1), có một goshi tên là Miyata Akinosuke.
Tôi xin giải thích, goshi (2) là một giai cấp hưởng đặc quyền dưới thời phong kiến Nhật Bản, hình thành từ nông dân hoặc nông dân kiêm nhà binh, có điểm chung là tự chủ về đất đai. Goshi tương đương với tiểu địa chủ ở Anh.
Trong vườn nhà Akinosuke có một cây liễu sam cổ thụ. Vào những ngày oi bức, Akinosuke thường nghỉ ngơi dưới bóng cây. Một buổi chiều nóng nực, khi đang ngồi tán gẫu và uống rượu với hai người bạn cũng là goshi, Akinosuke chợt thấy buồn ngủ, đành xin phép các bạn cho mình ngả lưng một lát. Chàng nằm xuống bên gốc cây và gặp một giấc mơ thế này.
Akinosuke đang nằm trong vườn thì nhìn thấy một đoàn rước, giống đoàn tùy tùng của một lãnh chúa lớn đang đi xuống từ ngọn đồi gần đó, chàng ngồi dậy để trông cho rõ. Quả thật, đó là một đoàn rước hùng hậu, oai nghiêm hơn bất cứ đoàn rước nào chàng từng thấy, và đang thẳng tiến về phía nhà chàng. Chàng thấy ở đầu đoàn rước là một nhóm thiếu niên ăn mặc sang trọng, đang dắt một cỗ loan giá bề thế sơn son, phủ rèm nhung xanh dương sáng sủa. Đoàn rước đến gần nhà Akinosuke thì dừng lại. Một người đàn ông ăn vận xa hoa, nhác trông đã biết là có địa vị, bước tới trước mặt chàng, cúi mình thật thấp.
“Thưa ngài, tôi là gia thần của quốc vương Tokoyo (3). Phụng mệnh chúa thượng, nay tôi xin đến thăm hỏi và đặt mình dưới sự sai khiến của ngài. Chúa thượng nói rất muốn gặp ngài ở cung điện. Thế nên, mời ngài lên cỗ xe cao sang do chúa thượng đặc biệt gửi tới để đưa rước ngài đây.”
Nghe những lời này, Akinosuke muốn đáp lại cho đúng phép, nhưng chàng kinh ngạc và luống cuống đến độ chẳng nói lên lời. Cứ như đã mất hết ý chí, chàng chỉ biết làm theo lời gia thần. Akinosuke bước lên xe ngựa, gia thần ngồi bên cạnh chàng, rồi ra hiệu. Các thiếu niên nắm lấy dây lụa, kéo cỗ xe đi về phương Nam, hành trình bắt đầu.
Chưa được bao lâu, Akinosuke ngỡ ngàng khi thấy cỗ xe dừng lại trước một cổng lâu hai tầng bề thế kiểu Trung Hoa mà chàng chưa thấy bao giờ. Gia thần bước xuống xe, nói, “Tôi sẽ vào bẩm báo là ngài đã đến.” Rồi đi mất.
Đợi một lúc, Akinosuke thấy hai người đàn ông dáng vẻ cao quý mặc áo lụa tía và đội mũ cao thể hiện chức vụ không nhỏ bước ra cổng.
Sau khi trịnh trọng chào Akinosuke, hai vị áo tía đỡ chàng xuống xe và dẫn chàng đi qua cổng, đến một khu vườn rộng mênh mông rồi mới bước vào cung điện. Mặt tiền cung điện trải rộng phải đến hàng dặm từ Đông sang Tây. Akinosuke được đưa tới phòng khánh tiết rộng lớn và tráng lệ. Hai người dẫn đường đưa chàng đến một vị trí trang trọng rồi kính cẩn lùi về chỗ ngồi của mình. Trong lúc đó, các cung nữ xiêm áo đẹp đẽ mang đồ ăn thức uống tới. Khi Akinosuke bắt đầu thưởng thức, hai vị áo tía cúi đầu thật thấp, rồi luận phiên nhau nói theo nghi thức triều đình.
“Chúng tôi xin hân hạnh thông báo với ngài về lý do ngài được triệu đến đây... Chúa thượng của chúng tôi, tức quốc vương, tha thiết mong ngài làm phò mã... Thể theo tâm nguyện và mệnh lệnh của chúa thượng, ngài sẽ thành thân đúng hôm nay... Với công chúa cao quý, con gái quốc vương... Chúng tôi cần dẫn ngài đi yết kiến ngay... Quốc vương đã đợi ngài ở đó rồi... Nhưng trước hết... cần giúp ngài mặc lễ phục thích hợp trước đã.” (4)
Dứt lời, hai vị thị thần đứng dậy, tiến đến một hốc tường để cái rương sơn mài vàng. Họ mở rương, lấy ra vô số áo quần và thắt lưng với chất liệu phong phú và một chiếc mũ lộng lẫy. Họ giúp Akinosuke ăn vận hoàng tử sắp thành thân, rồi dẫn chàng đến phòng yết kiến. Ở đó, chàng thấy quốc vương Tokoyo ngồi trên bảo tọa (5), mặc hoàng bào và đội mũ cao màu đen. Trước bảo tọa, hai hàng văn võ ngồi theo thứ bậc, bất động và uy thế như cảnh trong chùa. Akinosuke tiến lên giữa hàng người, bái kiến quốc vương và dập đầu ba lần. Quốc vương nhã nhặn đón chào rồi nói.
“Con biết vì sao mình được triệu đến đây rồi nhỉ! Chúng ta đã quyết định để con trở thành phu quân con gái duy nhất của ta. Hôn lễ sẽ được tổ chức ngay bây giờ.”
Quốc vương nói xong, tiếng nhạc rộn rã lên, một hàng dài các cung nữ xinh đẹp bước ra từ sau tấm rèm để dẫn Akinosuke về phòng cưới, nơi công chúa đang đợi.
Căn phòng rộng bao la, mà gần như chẳng đủ chỗ cho tất cả các vị khách đến dự. Mọi người cúi chào Akinosuke khi chàng đến ngồi đối diện với công chúa trên tấm đệm quỳ đã trải sẵn. Công chúa trông như tiên nữ trên thiên đình, xiêm áo nàng đẹp như vòm trời mùa hạ. Hôn lễ diễn ra trong niềm hân hoan vô bờ bến.
Sau đó, công chúa và phò mã được dẫn vào một tòa nhà dành riêng cho họ trong cung điện. Các quý tộc đến chúc mừng và dâng tặng họ bao nhiêu là quà cưới.
Vài ngày sau, quốc vương lại cho gọi Akinosuke đến đại điện. Lần này, chàng được chào đón còn nồng nhiệt hơn lần trước. Quốc vương nói với chàng.
“Ở phía Tây Nam nước ta có một hòn đảo tên Raishu (6). Nay chúng ta điều con đến đó cai quản. Con sẽ thấy dân bản địa rất trung thành và dễ bảo, nhưng luật pháp của họ chưa thống nhất với luật lệ ở Tokoyo và phong tục của họ chưa được chỉnh đốn hợp lý.
Chúng ta tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ cải thiện tình hình xã hội ở đó, mong con trị vì bằng lòng nhân hậu và trí khôn ngoan. Hành trang cần thiết cho chuyến đi Raishu của con đã sẵn sàng.”
Thế là Akinosuke và công chúa rời khỏi hoàng cung Tokoyo. Họ được đông đảo quý tộc và tùy tùng hộ tống ra đến bờ biển, sau đó lên thuyền quốc vương chuẩn bị. Thuyền thuận buồm xuôi gió đến Raishu, những người dân lương thiện đang tụ tập trên bến để chào đón.
Ngay lập tức, Akinosuke bắt tay vào chức trách mới, công việc tiến triển khá suôn sẻ. Trong ba năm đầu chàng tập trung xây dựng và ban bố các đạo luật, với sự giúp đỡ của các quan tư vấn sáng suốt, chàng chẳng khi nào thấy công việc cực nhọc.
Khi mọi việc hoàn thành, Akinosuke không còn nhiệm vụ gì cấp thiết ngoài việc tham dự các lễ nghi theo phong tục cổ. Hòn đảo lành mạnh và màu mỡ đến nỗi không hề tồn tại đau ốm hay đói nghèo. Cư dân đều thuần tính nên không một ai vi phạm luật lệ. Akinosuke sinh sống và trị vì thêm hai mươi năm nữa. Trong suốt hai mươi ba năm này, cuộc đời chàng không hề biết đến bóng dáng của buồn thương.
Nhưng sang năm thứ hai mươi tư, bất hạnh ghê gớm ập đến. Người vợ đã sinh cho Akinosuke bảy đứa con, năm trai hai gái, ngã bệnh và qua đời. Bà được chôn cất trang trọng trên đỉnh một ngọn đồi xinh đẹp của quận Hanryoko, với một tấm bia tưởng niệm tráng lệ dựng trên mộ. Akinosuke rầu rĩ trước cái chết của vợ đến nỗi chẳng thiết sống.
Khi mãn tang, một sứ giả hoàng gia từ điện Tokoyo đến Raishu, mang theo lời chia buồn với Akinosuke và nói.
“Quốc vương Tokoyo, chúa thượng tôn quý của chúng ta truyền bảo tôi phải thưa lại với ngài như sau, ‘Chúng ta sẽ đưa con về với đất nước và người dân của con. Bảy đứa con của con sẽ được chăm nom chu đáo đúng như cháu trai cháu gái của quốc vương. Bởi vậy, con đừng lo lắng cho chúng.”
Akinosuke vâng lệnh chuẩn bị cho chuyến đi. Khi mọi việc được thu xếp ổn thỏa, lễ chia tay các quan cố vấn và người hầu thân tín kết thúc, Akinosuke được hộ tống long trọng tới bến thuyền, bước lên con thuyền quốc vương phái đến. Thuyền ra đến biển xanh, dưới bầu trời xanh, hình bóng đảo Raishu cũng chuyển màu xanh, rồi xám xịt dần và biến mất mãi mãi.
Akinosuke thình lình bừng tỉnh, ngay dưới cây liễu sam trong vườn nhà mình!
Chàng ngơ ngác mất một lúc. Nhưng chàng nhận ra hai người bạn vẫn ngồi bên cạnh, uống rượu và tán gẫu vui vẻ. Chàng bối rối nhìn họ, kêu lên, “Kì lạ thay!”
“Chắc Akinosuke mới nằm mơ đấy.” Một người bật cười nhận xét. “Anh đã thấy gì, Akinosuke, có gì mà lạ thế?”
Akinosuke kể lại giấc mơ về hai mươi ba năm sinh sống ở đảo Raishu, thuộc lãnh địa Tokoyo. Hai người bạn sửng sốt, vì Akinosuke mới chợp mắt chưa đến vài phút.
Một goshi lên tiếng, “Giấc mơ của anh đúng là lạ thật! Nhưng chúng tôi cũng bắt gặp điều kì dị khi anh ngủ. Một cánh bướm nhỏ màu vàng đậu lên mặt anh trong chốc lát, chúng tôi đều trông thấy. Rồi nó đáp xuống mặt đất bên cạnh anh, gần cái cây. Gần như ngay tắp lự, một con kiến to bò ra khỏi một cái lỗ, bắt lấy con bướm và kéo theo nó xuống lỗ. Trước lúc anh thức giấc, chúng tôi lại thấy chính con bướm ấy bay ra khỏi lỗ, đậu chập chờn lên mặt anh như ban nãy. Rồi thình lình, nó biến mất, chúng tôi không biết nó đi đâu.”
“Có lẽ đó là linh hồn Akinosuke,” goshi còn lại nói. “Tôi tin chắc là đã thấy nó bay vào miệng anh. Nhưng kể cả con bướm có là linh hồn Akinosuke, thì cũng không lý giải được giấc mộng ban nãy.”
“Biết đâu lũ kiến có thể giải thích mọi chuyện.” Goshi thứ nhất lại nói. “Kiến là sinh vật dị thường, có khi là yêu quái. Tóm lại, ắt có một tổ kiến lớn dưới gốc liễu sam này.”
“Vậy chúng ta cùng xem đi!” Akinosuke kêu lên, kích động mạnh mẽ trước gợi ý của bạn và đi tìm xẻng.
Đất xung quanh và bên dưới gốc liễu sam được CN đào xới một cách ngoạn mục nhờ một quần thể kiến đông đảo. Từ cơ sở đó, chúng tiến hành xây dựng những công trình tí hon b���ng rơm, đất sét và cành cây, tập trung lại trông giống các thành thị thu nhỏ đến kì lạ. Có một công trình kiến trúc rộng hơn hẳn các công trình khác, ở giữa là một bầy kiến li ti vậy quanh một con kiến to tướng với đôi cánh vàng và cái đầu dài màu đen.
“Ôi chao, kia là quốc vương trong giấc mộng của tôi!” Akinosuke thốt lên. “Và cả cung điện Tokoyo! Kì diệu làm sao! Raishu hẳn phải nằm đâu đó phía Tây Nam cung điện, tức là ở bên trái cái rễ cây lớn này. Đây! Nó đây! Thật là lạ kì! Giờ thì tôi chắc chắn mình có thể tìm thấy ngọn đồi ở Hanryoko và nấm mồ của công chúa!”
Akinosuke tìm kiếm mãi trong đống đổ nát của tổ kiến, cuối cùng phát hiện một gò đất bé tí, trên đỉnh cắm hòn sỏi bị nước bào mòn, trông gần giống một bia mô Phật.
Dưới hòn sỏi, chôn chặt trong đất sét, chàng tìm thấy xác một con kiến cái (7)
______________________________
1. Nay là tỉnh Nara.
2. Hương sĩ (điền chủ).
3. Thường Thế. Một địa danh không xác định. Tùy theo hoàn cảnh mà nó có thể mang nghĩa là bất cứ quốc gia, vùng đất chưa được phát hiện nào mà người đến đó sẽ không quay về. Cũng có nghĩa là Bồng Lai, vùng đất thần tiên ở miền Viễn Đông trong truyền thuyết.
4. Các dấu ba chấm dùng để ngăn cách lời thoại của hai người. Theo phong tục cũ, câu cuối cùng do hai người nói cùng lúc, quy định lễ nghi này vẫn có thể thấy trong các vở kịch.
5. Daiza/Đài tọa/Đại tọa. Cái bục, bệ, nơi quốc vương hoặc người cai trị thời phong kiến ngồi.
6. Lai Châu. Lai trong chữ “Bồng Lai”.
7. Như Hearn đã nói trong Lời tác giả, câu chuyện này có nguồn gốc Trung Hoa. Dễ dàng nhận ra là tích giấc hòe, còn gọi giấc mộng Nam Kha, được chép trong Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá thời Đường. Hoặc một phiên bản khác là giấc mộng kê vàng của chàng Lư Sinh trong Chẩm trung ký của Thẩm Kỳ Tế cũng thời Đường.
1 note · View note
bluelilia · 2 years ago
Text
CUỘC SĂN ĐUỔI - Alberto Moravia
Tumblr media
Tôi chưa từng là vận động viên, hay đúng hơn có một lần, lần đầu và cũng là lần cuối. Hồi còn thơ ấu, một hôm không biết vì lý do gì tôi phát hiện thấy mình đang cùng cha, tay lăm lăm khẩu súng, nấp sau bụi cây rình một con chim đậu trên cành gần đó. Con chim lớn màu xám hay nâu, mỏ dài hay ngắn, tôi không nhớ nữa. Chỉ nhớ cảm giác lúc đó, khi nhìn nó, tôi như đang rình rập một con thú sức sống dâng trào, một con thú không hề biết mình bị theo dõi.
Lúc đó ý niệm "hoang dã" xuất hiện trong tâm trí và không bao giờ tôi rời bỏ được nó. Mọi thứ hoang dã luôn tự chủ, bất thường và không tuỳ thuộc ở chúng ta. Thế rồi bỗng nhiên súng nổ. Tôi không nhìn thấy con chim nữa, tôi cho rằng nó đã bay đi mất. Nhưng không, cha tôi đang dẫn tôi bước qua những bụi cây lúp xúp. Cuối cùng, người cúi xuống nhặt một vật gi đó đặt vào tay tôi. Vật đó âm ấm, mềm mềm. Cúi nhìn đó là con chim, đầu nó đung đưa vỡ nát, túm lỏng nhuốm đầy máu bết lại như đội vương miện trong lòng bàn tay tôi. Tôi oà khóc, vứt cái xác chết xuống đất. Thế đấy, thế là kết thúc kinh nghiệm đầu đời vận động viên bắn súng của tôi.
Tôi nhớ lại chút kỷ niệm xa xôi trong đời mình vào đúng ngày đi theo dõi vợ, lần đầu cũng là lần cuối, khi nàng lang thang qua những con đường thành phố. Nhưng xin các bạn để tôi kể cho có thứ tự. Trước đây vợ tôi như thế nào và giờ đây nàng ra sao? Nói ngắn gọn thì trước đây vợ tôi "hoang dã", nàng hòan toàn tự chủ, không ai biết trước hành vi nào nàng sẽ làm; rồi sau đó nàng trở nên "thuần hóa", nghĩa là nàng không còn độc lập, và ta luôn biết trước mọi điều. Một thời gian dài trước đây, nàng giống con chim đậu trên cành tôi đã thấy vào buổi sáng xa xưa của thời thơ ấu, rồi gần đây, thật tiếc nàng trở thành một con gà mái, một con gà mái người ta luôn biết trước mọi hành vi, nó đi đứng, ăn ngủ, đẻ trứng ra sao...
Tuy nhiên tôi không muốn để các bạn nghĩ đến tính hoang dã của vợ tôi như một thứ không văn minh, thô lỗ, nổi loạn ương bướng. Ngoài vẻ đẹp chim sa cá lặn, nàng còn là người đàn bà hiền lành nhất, chín chắn nhất và lịch lãm nhất trên thế gian này. Không, hòan toàn ngược lại, tính hoang dã của nàng toát ra từ bầu không khí luôn bất thường một cách mê hoặc, luôn độc lập trong cách sống nàng vẫn biểu hiện trước mặt tôi, cả ở nhà lẫn ngoài phố những năm đầu chung sống. Hoang dã trong việc chăn gối, trong sự xa cách với mọi người, trong tính tình kín đáo bí mật. Khi nàng ngồi trước bàn phấn, dán mắt vào gương, chải đi chải lại mái tóc dài, buông lơi, nàng hoang dã như một con chim cun cút cô đơn nhẩy lò cò dọc theo những luống cày ngập tràn ánh nắng, hoặc như con cáo lén lút ló ra từ đâu đó, nhìn quanh rồi chạy biến. Hoang dã bởi lúc ngắm nàng tôi không bao giờ biết được khi nào nàng sẽ chải nhát lược cuối cùng, khi nào nàng sẽ đứng dậy đến với tôi. Hoang dã tới độ đôi khi bước chân vào phòng ngủ, hương vị nàng toả trong không khí hăng xì như bước chân vào một ổ thú hoang.
Thế rồi từ hoang dã nàng dần trở thành thuần hóa. Như tôi đã kể, trước đây tôi có bên mình một con cáo, một con chim cun cút, giờ đây tôi phát hiện mình có một con gà mái. Một con gà mái gây ấn tượng gì cho người quan sát nó? Có thể nói nó là một cỗ máy tự động trong hình hài của loài chim. Tự động đi lại bằng những bước nhanh và ngắn, tự động trong những cú mổ mạnh, dứt khóat, tự động trong những cái liếc ngang dọc bằng cặp mắt mở tròn gắn trên cái đầu quen gật hoặc lắc, tự động trong việc sẵn sàng nằm dưới con gà trống, tự động đẻ trứng bất cứ chỗ nào kèm theo những tiếng cục tác báo hiệu. Thôi rồi con cáo, cũng như thôi rồi con chim cun cút! Hương vị của nàng không còn toả trong tâm trí tôi cái thứ hôi hôi trinh khiết của loài thú hoang nữa, thế vào đó tôi chỉ nhận thấy mùi hóa chất thơm ngọt sản sinh từ một loại nước hoa Pháp bình thường nào đó.
Căn hộ chúng tôi trên tầng hai một toà nhà lớn xây cất trong một khu hiện đại của thành phố. Những ô cửa sổ trông xuống quảng trường nơi có khu vườn công cộng nhỏ. Đây là chỗ tụ họp của những cô bảo mẫu,những đứa trẻ cùng những con chó. Một hôm, tôi đứng ngắm khu vườn trong nỗi phiền muội. Trước đó ít phút, vợ tôi đóng bộ đi dạo phố, và lần nữa tôi lại quan sát nàng. Tôi nhận thấy một đặc điểm tuy vô hình nhưng không thể thay đổi được trong cử chỉ, trong cá tính của nàng, một cái gì đó khiến ta cảm giác nó đã được thấy, đã được làm, và vì thế nó thóat ra ngoài thậm chí một sự để ý khắt khe nhất. Bấy giờ tôi vừa đứng ngắm khu vườn vừa tự hỏi không biết vì sao sự hoang dã tôi luôn sùng bái trước kia lại hòan toàn biến mất khỏi nàng. Bỗng nhiên, nàng xuất hiện trước mắt tôi, băng qua khu vườn hướng tới bến xe buýt. Tôi quan sát nàng rồi chợt nhảy lên vì vui mừng. Qua động tác nàng kéo nếp nhầu trên thân váy hẹp, vuốt vuốt nó phẳng phiu sát bắp đùi bằng đầu móng tay dài sắc tôi lại nhận thấy sự hoang dã trước đây đã khiến tôi say mê nàng. Nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, nhưng tôi vẫn kịp tự nhủ: nàng lại trở nên hoang dã bởi tin rằng tôi không hiện diện ở đó để chằm chặp ngó nàng. Tôi bèn rời ô cửa, xuống đi theo nàng.
Nhưng tôi không theo nàng ra bến xe, tôi không được phép lộ mặt. Thay vào đó, tôi vội vã chạy tới xe con của tôi đậu gần đó. Tôi mở cửa chui vào ngồi đợi xe buýt tới. Xe buýt đã tới, nàng bước lên cùng một vài người khách. Khi xe chuyển bánh, tôi bám theo. Trong lúc lái theo chiếc xe chở nàng, ký ức về cuộc đi săn lại trở về trong tâm trí, khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi nhìn chiếc xe như một tầng lúp xúp những bụi cây, thân cây, còn vợ tôi như con chim đậu trên cành, sống động và đang bị bí mật theo dõi. Và toàn thành phố trong cuộc săn đuổi này, như có phép lạ đều biến thành quang cảnh thiên nhiên như ở nông thôn: những ngôi nhà là những quả đồi, đường phố là thung lũng, xe cộ là những hàng rào và rừng cây, ngay cả những khách bộ hành trên vỉa hè cũng mang một cái gì đó tự chủ và khó đoán định - nghĩa là hoang dã. Trong mồm tôi, đằng sau hai hàm răng cắn chặt là vị hăng xì, tanh tưởi hơi đồng của súng đạn, cặp mắt tôi thường đờ đẫn, bất định bỗng trở nên sắc nhọn, đầy chú tâm quan sát.
Đôi mắt tôi như đóng đinh vào lối đi xuống khi chiếc xe đến bến cuối cùng. Nhiều người bước xuống, vợ tôi cũng theo họ. Một lần nữa tôi lại thấy dáng vẻ nàng, khi chen khỏi đám đông, đi về một phố gần đó mới hoang dã làm sao và điều đó làm tôi thật thích thú. Tôi nhẩy ra khỏi xe, cuốc bộ theo nàng.
Nàng đi phía trước, không hề biết tôi phía sau, thanh nhã trong hình hài một người đàn bà có đôi chân dài, hông hẹp, lưng rộng cùng mái tóc đổ xuống đôi bờ vai. Khi nàng bước qua, bao gã trai ngoái đầu nhìn lại, có lẽ họ cũng cảm nhận được cái tôi đang cảm thấy cùng sức dữ dội khiến con tim đập loạn xạ, hơi thở như muốn ngừng, nét hoang dã bí ẩn của nàng đang tăng lên một cách đều đều, không kiểm soát nổi và không giới hạn. Nàng bước đi trong vội vã, rõ ràng có một chủ đích nào đó. Và ngay mục đích không hề biết đó cũng tô điểm thêm tính hoang dã của nàng: tôi không biết nàng sẽ đi đâu, cũng như buổi sáng xa xưa đó không biết con chim đậu trên cành để làm gì. Hơn nữa, tôi nghĩ ngợi, thực tế cho thấy tính hoang dã đã tăng lên từ từ và đều đặn khi nàng càng lúc càng tới gần đối tượng cuộc dạo chơi bí ẩn, tôi biết diễn đạt thế nào? Đó là sự tăng lên của trạng thái căng thẳng sinh học, của niềm phấn khích sinh tồn, của sự sôi nổi đầy sức sống. Rồi bất thình lình, như cởi nút một bộ phim, mục đích nàng hé lộ.
Một gã trai trẻ tóc vàng mang áo khoác da, quần nhung kẻ đang đứng dựa lưng vào bức tường xây quanh ngôi nhà trong một phố hẹp và cổ kính. Anh ta nhàn tản hút thuốc, mắt ngó về phía trước. Thế nhưng khi vợ tôi đến gần, anh ta ném mẩu thuốc vẻ quả quyết, bước theo và nắm lấy cánh tay nàng. Tôi những mong nàng cự tuyệt anh ta, nàng tránh xa anh ta, nhưng không một điều nào xảy ra. Nàng bước đi cạnh anh ta, rõ ràng nàng đang tuân theo những qui luật của một loại nghi thức ái tình nào đó. Đi được vài bước, bằng một cử chỉ chứng tỏ sự đồng loã của chính mình, nàng vòng tay ôm ngang lưng người bạn trai, và anh ta cũng làm điều tương tự.
Tôi hiểu rằng gã trai lạ mặt này, kẻ có những cử chỉ suồng sã với vợ tôi cũng bị tính hoang dã lôi cuốn. Vì thế, đáng lẽ phải hò hẹn theo lối thường tình với nàng: gặp gỡ ở quán giải khát, một cái bắt tay, một sự tiếp đón khả kính trên tình bạn bè giả tạo, anh ta thích thú hơn, tất nhiên có sự đồng ý của vợ tôi, làm nàng bất ngờ hoặc giả đò làm như vậy, trong khi rõ ràng làm như vô ý và như một người xa lạ, vợ tôi đang bước đi với mục đích đó của chính nàng. Bằng trực giác tôi biết khi gã trai bước theo và nắm lấy cánh tay nàng, tính hoang dã của nàng, có thể nói, đạt được một bước đột biến. Đã nhiều năm rồi tôi không được nhìn thấy vợ tôi sống động đến như vậy, nhưng Chúa ơi, nguồn sống này không chảy đến với tôi.
Họ bước đi, họ quấn lấy nhau như hai con thú hoang, không nghi lễ mào đầu, họ làm điều thật bất ngờ. Họ lôi nhau vào một góc tối, họ hôn nhau. Tôi cũng dừng lại chui vào một góc quan sát. Vợ tôi quay về hướng khác, ngả người dưới sức nặng tấm thân gã trai, tóc nàng sổ tung. Tôi ngắm những lọn tóc nâu nâu, dài và dày khi ngả người nàng đã để chúng đổ xuống đôi bờ vai, và tôi cũng cảm thấy lúc ấy sức sống của nàng đạt đến giới hạn của nó; giống như hai con thú hoang khi chúng tình tự, tính hoang dã thường tồn còn được nhân lên gấp bội bởi sức mạnh tình yêu. Tôi quan sát thật lâu từ lúc những cái hôn đổ xuống như mưa gió đến khi hình như chúng kéo dài vượt quá sức chịu đựng của tôi. Tôi cho rằng đã đến lúc phải xen vào.
Tức là tôi phải tiến lên phía trước, nắm lấy cánh tay nàng hoặc túm lấy mái tóc đang sổ tung của nàng - mái tóc buông lơi đưa lại cảm giác về sự thụ động đàn bà. Rồi đó, tôi phải lao vào gã tóc vàng với hai nắm đấm. Sau cuộc bắt quả tang này tôi phải lôi vợ về trong tiếng nức nở, mất mặt, xấu hổ, giận dữ với trái tim tan nát, phải đay nghiến nàng, phải trút khinh bỉ lên nàng.
Nhưng sự can thiệp này có khác gì phát súng cha tôi đã bắn vào con chim tự do, không ý thức, đậu trên cành sáng đó. Náo loạn, bối rối, xấu hổ, mất mặt theo sau sự can thiệp của tôi sẽ phá huỷ không gì chuộc lại khoảnh khắc quý giá và hiếm hoi dành cho tính hoang dã tôi đang được chứng kiến trong cánh cổng tối tăm. Đúng là hoang dã kiểu này đang chống lại tôi, nhưng tôi phải tự nhớ rằng tính hoang dã mọi nơi mọi lúc luôn chống lại mọi điều và tất cả mọi người. Sau trận cãi nhau này có thể tôi lại chiếm hữu được vợ tôi, nhưng tôi chỉ chiếm hữu được nàng vỡ nát và không hồn như con chim năm xưa cha tôi đặt vào bàn tay để tôi ném vào túi thợ săn.
Những cái hôn vẫn như mưa tháng Bảy, ôi đúng rồi, đó là những nụ hôn của tình yêu, không ai dám phủ nhận. Và tôi chờ đợi đến khi họ kết thúc,
1 note · View note
bluelilia · 2 years ago
Text
CÔ EM VỢ - Alberto Moravia
Pics from Decision to leave (Park Chan Wook)
Vợ tôi nhỏ người, có gương mặt không sáng sủa của loài gặm nhấm, đôi mắt bé, tóc đen xỉn, mũi nhọn gồ ra, khuôn miệng kéo về sau, cằm lẹm. Em gái cô, cao, rực rỡ, tóc hạt dể bao quanh khuôn mặt nghiêm trang và bất thường như một thiên sứ. Ba năm trước, nàng sống ở Ostia, gần sân bay Fiumicino, bởi chồng nàng là phi công. Nhưng đúng một năm sau hôn lễ, máy bay của anh ta bị tai nạn. Gilda bị bỏ rơi trên cõi đời làm goá phụ, và nàng đến Rome sống cùng chúng tôi.
Vợ chồng tôi làm nghề dạy học. Nàng không đi làm, nhưng thực tế lại làm rất nhiều, và tôi thực sự không hình dung ra chúng tôi sẽ xoay xở thế nào nếu thiếu nàng. Gilda chăm sóc hai con chúng tôi từ lúc chúng mở mắt tỉnh giấc đến khi đưa chúng đi ngủ. Hơn nữa, nàng còn giúp vợ tôi việc nhà, nàng đi chợ, nấu nướng. Có thể nỗi mất mát, khi tạo ra khoảng trống vô tư lự giữa nàng và thế giới đã tinh luyện nàng, trao cho nàng sự khéo léo gần như huyền thoại. Tất nhiên, tôi chưa bao giờ thấy người đàn bà nào dọn dẹp nhà cửa một cách sạch sẽ, một cách điềm tĩnh như nàng. Có thể nói, qua đôi tay nàng, mọi thứ công việc như tự chúng giải quyết. Nhưng nàng giải thích sự hoạt bát khéo léo đó là do nàng luôn mong muốn có một mái ấm gia đình, và vì nàng đã thất bại nên giờ nàng coi chúng tôi là gia đình mình. Lúc đó cũng có một số người đến cầu hôn, nàng lần lượt đi chơi với từng người, các buổi tối, đến nhà hát hay rạp chiếu bóng. Nhưng chuyện hôn nhân có vẻ còn xa lắm. Ngay cả khi nàng mong muốn tìm một vị hôn phu mới, hình như nàng cũng không vội vàng trong vấn đề cưới xin.
Một sáng, vợ tôi rời nhà đến trường dạy học. Vì tới bến xe hơi nhỡ giờ, xe đã chuyển bánh vợ tôi còn cố bám theo, kết cục cô ấy ngã sóng soài, không đứng dậy được. Lúc hai giờ tôi quay về nhà thì Gilda đã thu xếp xong mọi thứ. Cũng như làm việc vặt trong nhà, nàng giải quyết mọi điều một cách kỳ diệu, thực giống một thiên thần, chưa bao giờ cần gắng sức cả. Nàng đã đưa bà chị tới bệnh viện. Tại đây người ta chẩn đoán bị gãy xương, và vợ tôi phải bó bột hai tháng. Sau đó nàng đưa chị về nhà, thay áo quần đi nghỉ. Lúc tôi về nhà, vợ tôi phải tựa mình vào hai, ba chiếc nạng, còn Gilda đứng kề bên bón thức ăn từ cái bát để trên một chiếc bàn đặc biệt. Chiếc bàn này nàng đã kịp mua hồi sáng, dành riêng cho việc đó. Trước cảnh ấy, tôi thấy dường như vợ tôi đã gãy chân từ lâu lắm rồi, và bệnh tật đã thành một phần cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.
Chúng tôi là một gia đình rất đoàn kết, tôi chắc vậy. Từ sáng hôm đó, trung tâm sinh hoạt của gia đình rời từ phòng khách, nơi kê những chiếc ghế bành, ghế xô pha, sang chiếc giường nơi buồng ngủ của vợ tôi. Chiếc giường đôi này choán gần hết chỗ trong căn buồng chật hẹp, nên tự nhiên tôi, các con và Gilda hay có thói quen trên đầu giường, khoảng trống còn lại cạnh thân hình vợ tôi gầy nhỏ. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường, tôi chấm bài, Gilda khâu vá, hai đứa trẻ cãi nhau inh ỏi. Chúng tôi dùng bữa, nghe đài, xem truyền hình trên giường. Sáng ra, ngay khi bàn tay kỳ lạ của Gilda chạm vào, trên giường lại trở nên gọn ghẽ, chăn gấp phẳng phiu, ga trải giường mới, sạch sẽ. Tối tối, khi chúng tôi đi ngủ, chiếc giường nhác nom như ổ chó.
Một tháng trời sau tai nạn, một buổi tối, tụi trẻ đã đi ngủ, tôi và Gilda như mọi lần ngồi trên đầu giường xem truyền hình. Chúng tôi ngả người trên giường, song song với nhau. Gilda nằm nghiêng, khuỷu tay chống xuống giường, cánh tay kia duỗi dài dọc theo thân xuống đùi. Phía sau nàng, cách một tầm tay, tôi cũng nằm nghiêng như thế, chính xác như một hình bóng trong gương. Vợ tôi co cái chân lành lặn, ngồi tựa vào nàng, cũng đang theo dõi truyền hình. Căn buồng chìm trong bóng tối. Trên màn hình đang trình chiếu một cuốn phim cũ của Greta Garbo.
Chúng tôi ngồi xem yên lặng, không bình phẩm vì không ai có thói quen đó. Một lát vợ tôi nói: "Xin lỗi nhé, vì cái chân đau này tôi phải đi nghỉ thôi. Anh làm ơn nằm nhích ra một chút được không?" Tôi tuân lời vợ một cách máy móc, dịch người ra phía ngoài, gần như muốn chạm vào lưng Gilda. Để xê dịch, tôi tỳ tay xuống khoảng trống trên giường giữa hai chúng tôi. Và kìa, tôi cảm thấy dưới ngón tay tôi không phải chất vải của chăn nệm, mà tay của Gilda, ấm nóng, đầy sinh lực. Tôi ngó ngoáy muốn rút tay ra, nhưng bàn tay của nàng, nhưng một con thú nằm rình mồi, bất ngờ chồm lên nắm lấy tay tôi. Rồi bàn tay ấy xoa nhè nhẹ, bao bọc, khép chặt lại như tổ kén, thịt da nàng mềm mại và ấm áp. Vì quá bất ngờ, có một lúc tôi chống cự lại, nhưng rồi trong sâu thẳm mọi thứ đều bị kích động, tôi ngoan ngoãn nằm yên.
Như đã kể, tôi nằm gần phía sau nàng. Tôi không xem phim nữa mà nhìn ngắm nàng. Tôi nhận thấy sau một thời gian coi nàng như em gái, đây là lần đầu tôi ngắm nàng như ngắm một người đàn bà. Tôi thấy được nét đổi thay trong dáng vẻ nơi đôi bờ vai nàng. Cho đến tận hôm qua chúng chỉ là một đôi vai, không gì nhiều hơn thế, một đôi vai nín thinh, bất động, không gây xúc cảm, chúng chẳng nói gì với tôi, và tôi cũng cảm thấy không cần nói gì với chúng cả. Nhưng giờ đây hình như ngắm bao nhiêu cũng không thoả, và tôi biết chúng không phải là đôi vai bình thường, chúng là đôi bờ vai của Gilda, người em vợ trẻ trung, sớm goá bụa của tôi. Và có thể nói từ đôi bờ vai này phát ra những dấu hiệu, những đòi hỏi cùng thịt da ấm áp, căng đầy, có màu hổ phách khi nhìn qua tấm mạng đen trong suốt dệt nên áo váy nàng. Tôi có cảm giác mình đang thu nhận những tín hiệu, những khẩn nài này, và cặp mắt tôi đang biến đổi, đang đền đáp lại chúng.
Chúng tôi nắm tay nhau nằm xem truyền hình khoảng một giờ. Khi hết phim, nàng rút tay ra, đứng dậy giúp vợ tôi chuẩn bị nghỉ đêm. Tôi nằm nán lại trên giường một lát, ngắm nghía bàn tay mình rồi đưa lên mũi. Lại một dấu hiệu khác thay đổi trong tôi. Trước đây tôi không cảm thấy gì, giờ đây hình như tôi khám phá ra hơi ấm bàn tay cùng hương vị của nàng lưu luyến trên tay tôi. Đêm đó tôi trằn trọc giữa niềm khát khao và ý nghĩ phải từ bỏ điều tội lỗi ấy. Nhưng hôm sau, lúc đi làm về, tôi bước vào buồng vợ tôi và nhận thấy chẳng có lý do gì để tự hành hạ mình quá nhiều về việc phải cư xử ra sao. Thực tế chẳng có gì thay đổi hết. Tôi cảm thấy ngay giữa tôi và Gilda chẳng có mặc cảm ngại ngùng gì, chẳng có cái cảm giác thường bắt các cặp tình nhân cư xử với nhau cẩn trọng hơn cái vốn có giữa họ, cái họ vẫn tuân theo nếu thực sự họ không là tình nhân của nhau. Chúng tôi lại là anh em, và điều bất ngờ xẩy ra đêm qua hình như chỉ là mơ là mộng, một giấc chiêm bao người ta thường mơ tưởng khi người ta yêu một người cùng huyết thống.
Nhưng không, đó không hề là giấc mộng. Tối đến, ngay khi chúng tôi nằm ngả người xuống giường, Gilda thậm chí không chờ tôi có phản ứng. Nàng nhẹ nhàng quờ tay ra sau tìm bàn tay tôi. Khi thấy, nàng bao bọc nó bằng lòng bàn tay, bằng những ngón tay nàng. Thế rồi mọi sự diễn ra y như đêm trước. Chúng tôi nằm xem truyền hình, hay đúng hơn nàng xem, còn tôi ngắm bờ vai nàng. Khi chương trình kết thúc, nàng ngồi dậy giúp vợ tôi dọn giường. Nàng nhìn tôi, như nàng đã từng nhìn, nàng nói với tôi, như nàng đã từng nói suốt ba năm qua, ba năm của tình anh em đồng hao và không nói gì hơn thế.
Câu chuyện khởi đầu như thế. Tôi yêu Gilda, một tình yêu điên dại, nhưng tôi không bao giờ có thể đi xa hơn việc cầm tay nàng trước vô tuyến truyền hình. Gilda không cổ vũ tôi làm việc đó, trái lại, nàng còn ngăn cản những lúc tôi thử thân mật hơn. Dù sao đi nữa, mọi điều xảy ra giống như trong một mối quan hệ yêu đương hòan chỉnh: chúng tôi có liên lạc thân xác, chúng tôi yêu nhau, cùng lừa dối vợ, cùng mặc cảm phạm tội, hệt như một cặp tình nhân. Nhưng thực tế, tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là vừa nắm tay nhau vừa xem truyền hình.
Khi vợ tôi bình phục, bắt đầu đi dạy học trở lại, tôi phát hiện ra chuyện yêu đương của chúng tôi giờ phải tan vỡ, vì đó là một chuyện tình không bình thường. Cũng như mọi chuyện tình khác, điều bất thường ở chỗ Gilda chỉ có thể yêu trong một hòan cảnh đặc biệt và xác định đó. Tôi muốn nói nàng chỉ có thể yêu khi ngã người trên giường bệnh của chị mình, trong thời gian xem truyền hình. Một vài bạn có thể cho rằng thật điên khùng khi tôi lập ra một giả thuyết kỳ quặc nào đó. Nhưng tôi không điên, cho dù Gilda có làm tôi gần hóa điên bằng hành vi của nàng. Tôi chỉ đơn thuần là người đương gắng bàn một sự kiện không thể lý giải theo cách hợp lý. Có một cách thanh minh khác nằm trong hình thức đạo luật của vũ trụ: người ta không thể yêu em gái vợ mình theo cách nào khác hơn cùng ngả người trên giường bệnh của vợ, tay trong tay xem truyền hình. Tính quá mức của giả thuyết thứ hai này nên nhìn nhận như phát xuất từ lòng say đắm Gilda gây xúc động trong tâm trí tôi. Gì thì gì tôi cũng biết một điều tất yếu, tôi yêu Gilda và vì thế điều cần thiết nhất là một ngày nào đó vợ tôi lại phải nằm liệt giường.
Nhưng tôi không phải là một gã tội lỗi. Thậm chí trong một tưởng tượng vô trách nhiệm, tôi cũng không xếp đặt trù tính việc làm gãy chân vợ tôi một lần nữa. Tôi chi mong vợ tôi ngã bệnh, đơn độc, không có sự giúp đỡ của tôi, chi cần ít ngày thôi. Gilda gần đây đã rời gia đình chúng tôi, bởi lẽ cuối cùng nàng lấy một trong những anh chàng đến cầu hôn. Nhưng điều ấy không thành vấn đề. Ngay khi vợ tôi bị dịch bệnh tấn công, thậm chí sau mười năm, tôi sẽ gọi điện ngay cho Gilda, cầu xin nàng tới sống cùng chị nàng cho có bầu bạn. Nàng sẽ tới như một người giải cứu. Chúng tôi sẽ lại ngả người trên giường bệnh của vợ tôi cùng xem truyền, hình. Và Gilda, nàng sẽ nắm tay tôi. Chúng tôi sẽ yêu nhau như yêu lần đầu, không hề biết đến bao thời gian, bao năm tháng đã trôi qua.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media
0 notes
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
Đêm thứ nhất trong “Mười đêm mộng” của Natsume Soseki
Tôi đã mơ một giấc mơ như thế này.
Tôi ngồi trên nệm, hai tay khoanh lại; nàng nằm đối diện nói bằng một giọng nhẹ nhàng: “Em sẽ chết thôi”. Mái tóc dài của nàng phủ đầy chiếc gối, gương mặt trái xoan kiều diễm. Dưới làn da trắng của đôi má, có thể thấy cả những mạch máu ấm hồng, sắc môi đỏ tươi. Nàng không hề có vẻ gì là sắp chết. Nhưng nàng, bằng một giọng rất nhẹ, nói rất rõ ràng: “Em sẽ chết thôi”. Bản thân tôi, thật ra, đã nghĩ: “Như thế này sao lại chết”. Nhưng lúc đó, nhìn từ trên, tôi thử hỏi: “Vậy à, em sẽ chết ư?”. Nàng vừa mở to mắt, vừa nói “Em sẽ chết mà”. Đôi mắt to, long lanh, được bao phủ bởi cặp mi dài, giờ đây như phủ một màu đen. Sâu trong đôi mắt đen đó, tôi thấy cả hình bóng mình sóng sánh.
Tôi nhìn đôi mắt to, đen, long lanh có thể nhìn thấu cả bóng mình và nghĩ “thế này mà chết ư?”. Tôi kề môi vào gối, thận trọng hỏi lại: “Em không chết mà phải không? Em không sao mà phải không?”. Thế là nàng nhìn tôi bằng đôi mắt đen ấy, như thể buồn ngủ, rồi cũng bằng một giọng thật nhẹ: “Em sẽ chết. Không còn cách nào khác”.
“Vậy em có thấy khuôn mặt tôi không?”, khi tôi quyết hỏi, nàng mỉm cười: “Thấy chứ. Chẳng phải nó đang phản chiếu đấy sao?”. Tôi im lặng, quay mặt ra khỏi gối, khoanh tay và nghĩ: “Thế nào cũng phải chết ư?”.
Một lúc sau, nàng lại nói:
- Em chết rồi, hãy chôn em nhé. Hãy đào một cái hố bằng hạt ngọc trai thật to nhé. Sau đó làm dấu bằng một mảnh vỡ của một ngôi sao rơi xuống từ trên trời. Rồi thì hãy ở đó chờ em nhé. Em sẽ lại đến gặp anh.
Tôi hỏi khi nào em lại đến.
- Mặt trời chắc chắn mọc rồi lại lặn. Rồi lại mọc, rồi lại lặn đi. Trong khoảng thời gian mặt trời đỏ đi từ Đông sang Tây, rơi từ Đông sang Tây, anh có chờ được chăng?
Tôi im lặng gật đầu. Nàng như thoát ra khỏi sự tĩnh lặng, nói bằng một giọng mạnh mẽ hơn.
- Hãy chờ em một trăm năm.
- Một trăm năm. Hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé. Em sẽ đến gặp anh.
Tôi trả lời sẽ chỉ chờ mà thôi. Thế rồi hình bóng tôi trong đôi mắt to đen của nàng sóng sánh tan biến. Khi tôi vừa kịp nghĩ nó như một bóng nước phản chiếu tĩnh lặng bị xao động thì bất ngờ nàng nhắm nghiền mắt. Từ giữa hai hàng mi, nước mắt lăn dài trên má. Nàng đã chết.
Tôi ra vườn và đào huyệt bằng hạt ngọc kết tinh từ một con trai lớn, xanh và trơn. Mỗi lần đào xuống đất, phía sau hạt ngọc ánh lên, phản chiếu ánh trăng. Có cả mùi đất ẩm ướt. Tôi đào huyệt một lúc lâu và đặt nàng vào, lấp lại bằng những viên đất mềm. Cứ mỗi lần lấp, hạt ngọc trai lại chiếu ánh trăng.
Sau đó tôi nhặt mảnh vỡ của một ngôi sao, cắm lên trên mặt đất. Mảnh vỡ hình tròn. Có lẽ do rơi từ bầu trời xuống đã lâu, các góc, cạnh đã bị bào nhẵn. Khi ôm về đặt lên mộ nàng, tôi thấy ngực và tay mình ấm lên. Tôi ngồi xuống, khoanh tay nhìn viên đá mộ tròn và nghĩ từ bây giờ sẽ chờ nàng một trăm năm nữa. Quả như lời nàng nói, mặt trời từ phía Đông hiện lên. Một mặt trời thật to và đỏ. Và rồi cũng như nàng nói, mặt trời lại lặn về phía Tây. Cứ đỏ, tròn như thế mà lặn mất. Tôi nghĩ vậy là đã một năm.
Ít lâu sau, mặt trời đỏ thẫm lại chậm rãi xuất hiện, và cũng lại im lặng lặn đi. Tôi lại cho rằng vậy là hai năm.
Tôi ngồi đếm như thế, và không biết là mình đã thấy bao nhiêu mặt trời đỏ. Mặt trời như thế cứ lướt qua đầu, chẳng hề mệt mỏi. Vậy mà một trăm năm vẫn chưa đến. Cuối cùng tôi nhìn mảnh đá tròn cắm trên mộ, thầm nghĩ có lẽ đã bị nàng dối gạt.
Lúc đó, từ phía dưới mảnh đá, một cây xanh mọc lên, xiêu vẹo hướng về phía tôi. Trong lúc tôi quan sát, thân cây mọc dài ra và vừa đến tầm ngực tôi thì dừng lại. Trên ngọn cây đang khẽ lung lay có một cành nụ dài, cong và đang hé nở. Bông hoa lay động bởi sức nặng của nó. Tôi ngóng cổ về phía trước, chạm vào giọt sương lạnh trên cánh hoa trắng. Không nghĩ ngợi, tôi rời bông bách hợp, nhìn về phía bầu trời xa, chỉ có ngôi sao Mai đang nhấp nháy.
Lúc này tôi mới bắt đầu nhận ra một trăm năm đã đến rồi.
0 notes
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
Ngày không em - Nguyễn Trọng Tạo
Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...
Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc
Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...
Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...
Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt
Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng
Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...
24.9.2008
0 notes
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
Nghe - Bùi Giáng
(Trích từ tập Mưa nguồn - 1962)
Cúi đầu nghe tạnh
Mưa chiều rừng gió đi mau
Con đường trăng lạnh
Hang rừng bông rụng hoa đau
Cồn xưa cỏ mọc
Lá sông chảy xuống chân trời
Chảy lên mái tóc
Một mùa thu gục bên tôi
Người kia đứng lại
Nghe trời đẩy xuống hai vai
Con đường thơ dại
Còn đây lá cũ một vài.
1 note · View note
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
Ngôi nhà ma ám
(A Haunted House)
HIẾU TÂN dịch (English below)
Dù thức dậy vào bất cứ giờ nào thì cũng vẫn cứ có một cánh cửa đang đóng lại. Họ đi từ phòng này sang phòng khác, tay trong tay, nâng chỗ này, mở chỗ kia, chắc chắn là một cặp vợ chồng ma.
“Chúng mình bỏ nó ở đây,” nàng nói. Và chàng thêm. “Ô, nhưng đồ dùng đây này” “Nó ở trên gác” nàng lầm rầm. “Và ở trong vườn,” chàng thì thào. “Khẽ thôi,” cả hai cùng nói, “kẻo làm chúng nó thức giấc.”
Nhưng các vị không làm chúng tôi thức dậy đâu.
Ồ, không. “Họ đang đi lục lọi tìm tòi cái đó, họ đang kéo bức rèm,” người ta có thể nói, và đọc như thế trong một hai trang sách. “Bây giờ họ đã tìm thấy nó rồi” người ta nói có vẻ chắc chắn, dừng ngọn bút chì bên lề sách. Rồi sau đó, như thể chán đọc, người ta có thể đứng lên và nhìn, cả ngôi nhà trống trải, những cánh cửa để mở, chỉ có những con chim câu bằng gỗ đang gù gù một cách hài lòng và tiếng vo vo của chiếc máy suốt lúa vang lên từ dưới dãy nhà kho. “Ta đến đây để làm gì? Ta muốn tìm cái gì ở đây?” Đôi tay tôi trống rỗng. “Vậy có lẽ nó ở trên gác chăng?” Những quả táo ở trên gác xép. Và rồi lại xuống, khu vườn vẫn yên tĩnh như mọi khi, chỉ có quyển sách đã rơi tuột xuống cỏ.
Nhưng họ đã tìm thấy nó trong phòng khách. Người ta không thể nào trông thấy họ. Những ô kính cửa sổ in hình những quả táo, những bông hồng, toàn bộ lá vẫn xanh trên cửa kính. Nếu họ đi vào phòng khách, thì quả táo chỉ quay mặt vàng của nó ra. Thế nhưng, một lát sau, nếu cửa mở ra, trải ra trên sàn, treo trên tường, thòng xuống từ trên trần nhà, là cái gì đấy? Hai bàn tay tôi trống rỗng. Bóng một con chim hét vắt ngang tấm thảm, từ những đáy giếng sâu thẳm của im lặng con chim câu gỗ kéo lên những bong bóng âm thanh của nó. “Bình an, bình an, bình an” nhịp mạch của ngôi nhà đập êm êm. “Kho báu được chôn, căn phòng…” mạch đập ngưng giữa chừng. Ôi, đó là kho báu được chôn đấy ư?
Một lát sau ánh sáng tắt dần. Vậy ở ngoài vườn chăng? Nhưng cây cối chăng bóng tối cho một tia sáng mặt trời lang thang. Thật tinh tế, thật hiếm hoi, nhẹ nhàng chìm xuống bên dưới bề mặt, tia sáng tôi tìm luôn luôn cháy sau tấm kính. Cái chết là tấm kính ấy; cái chết ngăn cách giữa chúng tôi, đến với người đàn bà trước, cách đây hàng trăm năm, bỏ lại ngôi nhà này, niêm kín các cửa sổ; những căn phòng tối sầm lại. Ông bỏ nó lại đó, để bà ở lại đó, đi lên phương Bắc, đi sang phương Đông, nhìn những ngôi sao quay trên bầu trời phương Nam; đi tìm ngôi nhà, thấy nó thu mình bên dưới Đồi cỏ thấp. “Bình an, bình an, bình an,” mạch của ngôi nhà vui vẻ đập. “Kho báu này là của các người.”
Gió rít trên đại lộ. Cây cối ngả nghiêng và uốn cong theo chiều này chiều khác. Ánh trăng tung toé và tràn ra man dại trong mưa. Nhưng ánh đèn rọi thẳng từ cửa sổ xuống. Những ngọn nến cháy cứng đơ và lặng lẽ. Đi lang thang khắp ngôi nhà, mở các cửa sổ, thì thầm để khỏi làm chúng tôi thức giấc, cặp vợ chồng ma này đi tìm niềm vui của họ.
“Chúng ta đã ngủ ở đây,” bóng ma đàn bà nói. Và bóng ma đàn ông bổ sung “Hôn nhau vô số kể” “Thức dậy vào buổi sáng..” “Bạc giữa các cây…” “Trên gác..” “Trong vườn..” “Khi hè về…” “Khi mùa đông tuyết rơi…” Những cách cửa đóng lại từ xa xăm, gõ êm êm như tiếng đập trái tim.
Hai bóng ma đến gần hơn, dừng lại ở lối vào cửa. Gió rơi, mưa tạt bạc vào cửa kính. Mắt chúng tôi tối sầm, chúng tôi không nghe thấy tiếng bước chân ngay bên cạnh chúng tôi; chúng tôi không thấy bóng người đàn bà trải chiếc áo choàng không tay ma quái của bà ta. Bóng người đàn ông lấy tay che đèn. “Nhìn này,” ông ta nói trong hơi thở. “Nghe chừng bọn nó đang ngủ. Tình yêu đọng trên môi chúng.”
Hai bóng ma cúi xuống, tay họ giơ những chiếc đèn bạc soi trên người chúng tôi, trông họ dài ngoằng và sâu thẳm. Họ ngưng rất lâu. Gió thổi thốc mạnh, ngọn lửa quằn đi. Những tia sáng hoang dại của ánh trăng xuyên qua cả sàn nhà và tường và gặp những gương mặt đang cúi xuống, làm cho chúng loang lổ; những gương mặt đăm chiêu, những gương mặt đi tìm kiếm những người ngủ và tìm xem niềm vui ẩn giấu của họ.
“Bình an, bình an, bình an” trái tim của ngôi nhà đập một cách tự hào. “Những năm dài…” người đàn ông thở dài. “Rồi em lại tìm thấy anh” “Đây” nàng thầm thì “đang ngủ; trong vườn ngồi đọc sách; cười; những quả táo lăn trên gác xép. Nơi đây chúng ta đã để lại kho báu của chúng ta…” Họ cúi xuống, ánh sáng của họ nâng những mi mắt của tôi lên. “Bình an, bình an, bình an” trái tim của ngôi nhà đập mạnh mẽ. Tôi thức dậy, kêu lên “Ôi, kho báu được chôn cất của các người đây sao? Ánh sáng ở trong tim.”
________
Whatever hour you woke there was a door shutting. From room to room they went, hand in hand, lifting here, opening there, making sure—a ghostly couple.
“Here we left it,” she said. And he added, “Oh, but here too!” “It’s upstairs,” she murmured. “And in the garden,” he whispered “Quietly,” they said, “or we shall wake them.”
But it wasn’t that you woke us. Oh, no. “They’re looking for it; they’re drawing the curtain,” one might say, and so read on a page or two. “Now they’ve found it,” one would be certain, stopping the pencil on the margin.
And then, tired of reading, one might rise and see for oneself, the house all empty, the doors standing open, only the wood pigeons bubbling with content and the hum of the threshing machine sounding from the farm. “What did I come in here for? What did I want to find?” My hands were empty. “Perhaps it’s upstairs then?” The apples were in the loft. And so down again, the garden still as ever, only the book had slipped into the grass.
But they had found it in the drawing room. Not that one could ever see them. The window panes reflected apples, reflected roses; all the leaves were green in the glass. If they moved in the drawing room, the apple only turned its yellow side. Yet, the moment after, if the door was opened, spread about the floor, hung upon the walls, pendant from the ceiling—what? My hands were empty. The shadow of a thrush crossed the carpet; from the deepest wells of silence the wood pigeon drew its bubble of sound. “Safe, safe, safe,” the pulse of the house beat softly. “The treasure buried; the room . . . ” the pulse stopped short. Oh, was that the buried treasure?
A moment later the light had faded. Out in the garden then? But the trees spun darkness for a wandering beam of sun. So fine, so rare, coolly sunk beneath the surface the beam I sought always burnt behind the glass. Death was the glass; death was between us; coming to the woman first, hundreds of years ago, leaving the house, sealing all the windows; the rooms were darkened. He left it, left her, went North, went East, saw the stars turned in the Southern sky; sought the house, found it dropped beneath the Downs. “Safe, safe, safe,” the pulse of the house beat gladly. “The Treasure yours.”
The wind roars up the avenue. Trees stoop and bend this way and that. Moonbeams splash and spill wildly in the rain. But the beam of the lamp falls straight from the window. The candle burns stiff and still. Wandering through the house, opening the windows, whispering not to wake us, the ghostly couple seek their joy.
“Here we slept,” she says. And he adds, “Kisses without number.” “Waking in the morning—” “Silver between the trees—” “Upstairs—” “In the garden—” “When summer came—” “In winter snowtime—” The doors go shutting far in the distance, gently knocking like the pulse of a heart.
Nearer they come; cease at the doorway. The wind falls, the rain slides silver down the glass. Our eyes darken; we hear no steps beside us; we see no lady spread her ghostly cloak. His hands shield the lantern. “Look,” he breathes. “Sound asleep. Love upon their lips.”
Stooping, holding their silver lamp above us, long they look and deeply. Long they pause. The wind drives straightly; the flame stoops slightly. Wild beams of moonlight cross both floor and wall, and, meeting, stain the faces bent; the faces pondering; the faces that search the sleepers and seek their hidden joy.
“Safe, safe, safe,” the heart of the house beats proudly. “Long years—” he sighs. “Again you found me.” “Here,” she murmurs, “sleeping; in the garden reading; laughing, rolling apples in the loft. Here we left our treasure—” Stooping, their light lifts the lids upon my eyes. “Safe! safe! safe!” the pulse of the house beats wildly. Waking, I cry “Oh, is this your buried treasure? The light in the heart.”
0 notes
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
Sinh nhật - Dương Tường
Tôi hé một con mắt-vú-bò qua kẽ nghiêng phòng hoá-nghiệm-tổng-hợp tim cong cong
ngấn
ngực thời gian
Rười rượi xanh mà ai xui em bùng bão tóc
để tôi sai nhịp-tôi-tiếng-tiêu-buồn-thổi-vào-đêm-mộc
nhoa nhoá vườn mưa quầng nâu ánh thở dài
lịm chìm kim tự tháp ái ân
Em ơi
ba mươi hai năm
ba mươi hai lối chân đưa
lầm
lũi
Thời gian như một cái nhìn vàng
tôi vãn phi-tôi
vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm
đa giác
Cái dằm khô vẫn mắc trong lìm lịm ba
mươi hai lớp thịt tháng năm
Tôi đến em
tôi ái tình từ đầu móng tay
chân sợi tóc
tôi
luỹ thừa yêu
luỹ thừa nhớ
luỹ thừa đau
xin nhập hộ không đăng kí đuôi mắt dài
phố sao em bối rối
*
Tôi vẫn rấm phòng mưa một vài lon hi vọng
chia ra ăn dè từng bữa
Thu rồi
những bàn tay lá
đứt
máu
hoen cây
1964
Nguồn: Dương Tường, Mea culpa và những bài khác, NXB Hải Phòng, 2005
1 note · View note
bluelilia · 2 years ago
Text
Tumblr media
BÍ MẬT CỦA NGƯỜI CHẾT
PEARL BUCK
Ngày xưa, lâu lắm rồi, ở tỉnh Tam Bá có một thương gia rất giàu, tên là Yên Nhã. Ông ta sinh được một người con gái, tên là Sơn Nhu. Thấy con gái mình xinh đẹp thông minh, cứ để trưởng thành ở nơi quê mùa thì uổng phí cả cuộc đời vì chẳng được học hành bao nhiêu, thương gia Yên Nhã quyết định gởi con gái mình cho một người thân tín ở thành phố lớn Kyoto. Nơi đây, nàng Sơn Nhu được hưởng một nền giáo dục ưu tú, cũng giống như nền giáo dục dành cho các mệnh phụ và tiểu thư ở kinh đô vậy.
Đến tuổi trưởng thành, nàng Sơn Nhu trở về quê nhà, kết hôn với một người quen của gia đình là thương gia Nhạc Lai. Vợ chồng sống hạnh phúc trong gần bốn năm trời. Sau khi sinh được một đứa con trai, nàng Sơn Nhu thình lình lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Ngày hôm trước ma chay chôn cất xong xuôi, thì ngày hôm sau đứa con trai nhỏ từ trên gác chạy xuống kể lại là mẹ nó đã về nhà, và hiện đang ở trong căn phòng cũ của mẹ nó, nay dùng để làm ban thờ. Mẹ nó cười với nó, nhưng không nói gì cả. Nó sợ hãi bỏ chạy. Mấy người trong gia đình nghe vậy, vội chạy lên gác, đến trước căn phòng, vốn là phòng riêng của thiếu phụ Sơn Nhu. Họ dừng lại, vô cùng ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy trong ánh đèn lù mù từ bàn thờ toả xuống, bóng nàng đang đứng bên cái tủ nhỏ nàng vẫn cất quần áo và đồ trang sức. Đầu và vai nàng thấy khá rõ, nhưng từ thân mình trở xuống thì rất mờ nhạt, giống như một bóng người phản chiếu dưới nước, mà phản chiếu không toàn vẹn.
Trước hình ảnh ghê rợn đó, mắy người trong gia đình vội thụt lùi, quay xuống nhà dưới. Bà mẹ chồng của Sơn Nhu bảo:
- Đàn bà con gái sau khi chết thường hay tiếc của, mà Sơn Nhu lúc còn sống rất hay giữ của. Nay nó về đứng cạnh tủ áo như vậy, chắc là để giữ đồ đạc của nó. Bây giờ nếu mình đem quần áo và các đồ trang sức của nó gởi vào chùa, thì có lẽ vong hồn nó được yên, nó sẽ không về nhà nữa đâu.
Mọi người bàn tán hồi lâu, và cùng cho bà cụ nói đúng. Hôm sau, tất cả quần áo đồ vật của nàng Sơn Nhu để trong tủ được đem ra gởi ở chùa. Đêm đó mọi người vẫn thấy nàng hiện ra trong phòng, mắt nhìn đăm đăm vào cái tủ. Những đêm sau cũng vậy. Gia đình sợ hãi lo lắng mà không biết làm sao. Cuối cùng, bà mẹ chồng đành đến chùa, gặp vị hoà thượng trụ trì, kể lại đầu đuôi và xin hoà thượng giúp đỡ. Hoà thượng bảo:
- Bây giờ bà cụ về nhà, tìm kiếm xem bên trong tủ hoặc gần đó còn đồ vật gì mà lúc còn sống cô ấy yêu quý nhất không.
Bà cụ đáp:
- Bạch hoà thượng, tất cả đồ vật quần áo của nó, chúng tôi đã đem đến gởi ở đây rồi, trong tủ không còn gì cả.
Vị hòa thượng trụ trì ngẫm nghĩ rồi bảo:
- Thôi được, bà cụ cứ về. Tối nay bần tăng sẽ đến xem sao. Bần tăng sẽ vào căn phòng cũ của cô ấy. Mọi người trong nhà không được ai vào phòng đó, nếu bần tăng không gọi.
Tối hôm đó, sau lúc mặt trời lặn, vị hoà thượng đã có mặt trong căn phòng của nàng Sơn Nhu, một mình lặng lẽ coi kinh sách. Khoảng nửa đêm thì nàng hiện về, vẻ mặt buồn rầu, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào tủ áo. V�� hoà thượng lẩm nhẩm tụng kinh rồi gọi tên nàng Sơn Nhu, ôn tồn bảo:
- Sơn Nhu con à, ta đến đây để giúp con. Có lẽ trong tủ này có vật gì con yêu thích phải không? Con có muốn ta tìm kiếm giúp con không?
Bóng ma nhẹ gật đầu. Vị hoà thượng khoan thai bước tới tủ áo, mở ra, tìm kiếm trong ngăn tủ cao nhất, ngăn này hoàn toàn trống rỗng. Hoà thượng tiếp tục tìm kiếm trong ngăn tủ thứ nhì, rồi ngăn thứ ba, ngăn thứ tư, tất cả đều trống rỗng. Hoà thượng đưa tay xuống gầm tủ rồi phía sau tủ, tìm kiếm kỹ lưỡng, nhưng vẫn không thấy gì.
Hoà thượng đứng thẳng dậy, quay lại thấy bóng ma vẫn nhìn mình, ánh mắt còn buồn nhớ thiết tha hơn cả lúc nãy. Hoà thượng tự hỏi:
- Không hiểu nó muốn gì!
Bỗng nhiên, hoà thượng chợt nghĩ ra là biết đâu có vật gì đó được giấu bên dưới lớp giấy lót các ngăn tủ. Hoà thượng lật các lớp giấy lót ngăn tủ thứ nhất, không có gì cả. Rồi đến các lớp giấy lót ngăn tủ thứ nhì, thứ ba, vẫn không thấy gì. Nhưng khi lật lớp giấy lót ngăn tủ cuối cùng thì hoà thượng thấy có một phong thư. Hoà thượng ngẩng lên, thấy bóng ma nhìn đăm đăm vào phong thư, bèn hỏi.
- Có phải phong thư này đã làm con bận tâm không?
Con có muốn ta đốt nó đi không?
Bóng ma nhẹ gật đầu. Hoà thượng nói tiếp:
- Được, để sáng sớm trở về chùa ta sẽ đốt ngay cho con, và con cứ yên tâm là không một ai được đọc lá thư này cả.
Bóng ma mỉm cười rồi biến mất.
Đến lúc rạng đông, vị hoà thượng xuống nhà dưới, thấy gia đình chủ nhà đang lo âu chờ đợi, bèn bảo:
- Thôi, không phải sợ gì nữa! Nó sẽ không hiện về nữa đâu.
Thật vậy, bóng ma nàng Sơn Nhu không bao giờ hiện về nữa.
Nguyễn Quốc Hùng dịch
Pic: @59awakadoy on twitter
0 notes
bluelilia · 3 years ago
Photo
Tumblr media
"Giữa khoảng năm 1950 và 1952, khi Cage viết nên tác phẩm âm nhạc quan trọng nhất của ông, Cage đưa ra một loạt những tiết lộ. Và những tiết lộ này là những lời bày tỏ cho quãng đời còn lại của ông, và cũng là lời bày tỏ cho âm nhạc của ông sau đó. Đã từ lâu, ông vẫn luôn có hứng thú với sự im lặng và cũng đã từ lâu, ông rất trân trọng sự ồn ào. Vậy nên, ông đặt ra thuyết nhị nguyên về sự im lặng và sự ồn ào. Vậy nên, ông tìm kiếm sự im lặng để thay thế cho sự ồn ào. Khi ông liều mình bước chân vào phòng không phản âm ở Boston, lúc đó ông đang tìm kiếm nơi yên lặng nhất trên Trái đất, vì Ramakrishna từng nói rằng, “Hãy tìm kiếm sự im lặng và người sẽ tìm thấy Chúa.” “Và tôi nghe thấy hai âm thanh trong căn phòng đó. Một âm cao và một âm thấp. Và tôi tưởng rằng căn phòng có gì đó không ổn. Tôi bước ra ngoài và tìm kỹ sư phụ trách và anh ta bảo tôi rằng âm cao là tiếng hệ thần kinh của tôi đang hoạt động và âm thấp là máu tôi đang tuần hoàn”. Ông nhận ra rằng sự im lặng là một khái niệm trừu tượng, đó là một khái niệm nhân văn, và điều thực sự đang diễn ra là Cage và cơ thể của chính ông và bản thể của chính ông đã hoàn toàn được liên kết với tất cả các bản thể khác và tất cả thân xác của các bản thể, ở khắp mọi nơi, và rằng mọi người đều chung một lý tưởng. Rồi sự thể trở nên rõ ràng, rằng chức năng của nghệ thuật không phải là để truyền đạt ý tưởng hoặc cảm xúc của một người, mà là để mô phỏng tự nhiên bằng cách nó vận hành." (In Pursuit of Silence | 2017 | Patrick Shen)
2 notes · View notes
bluelilia · 3 years ago
Photo
Tumblr media
2 notes · View notes