Text
[F] SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN VÀ Ý NGHĨA CỦA TÔN GIÁO
*** Đây không phải là một bài viết về crypto
Gần đây, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren phát biểu rằng: "với Bitcoin, không có gì hỗ trợ nó cả… đó chỉ là niềm tin.” Dĩ nhiên, Elizabeth nói như vậy với mục đích thể hiện cái nhìn tiêu cực với Bitcoin, một tài sản quá kỳ lạ trong thế giới quan của bà ấy. Việc thuyết phục những người thủ cựu như Warrent Buffet hay Elizabeth Warren tin rằng những tài sản như Bitcoin thực sự có ý nghĩa là điều vô cùng khó khăn, và có lẽ cũng chẳng cần thiết. Hãy xem Bitcoin và các loại tài sản khác như những tôn giáo khác nhau, chúng ta đâu cần lôi kéo người theo đạo Phật chuyển sang đạo Chúa.
Quay lại câu chuyện về niềm tin và giá trị. Thật ra mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm giá trị của những thứ như Bitcoin phụ thuộc chủ yếu vào niềm tin. Tuy nhiên, điều đó không hẳn là tiêu cực. Niềm tin chính là giá trị mạnh mẽ nhất kể từ buổi bình minh của loài người, là thứ mà sau này hình thành nên tôn giáo. Nếu xem việc xây dựng xã hội loài người như xây một ngôi nhà, vật chất và trí tuệ khoa học sẽ là những viên gạch, còn niềm tin chính là xi măng / chất kết dính. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể xây nên một cái gì đó mà không cần xi măng, tuy nhiên nó sẽ khó khăn hơn và công trình sẽ dễ đỗ vỡ hơn. (Kim Tự Tháp là một phản ví dụ, có lẽ nó được xây bởi người ngoài hành tinh ~~)
Có thể bạn chưa biết rằng, hầu hết những thứ quan trọng trong xã hội loài người hiện đại đều được vận hành chủ yếu bằng niềm tin: chính phủ, tôn giáo, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, tiền tệ, ngân hàng,... Mình sẽ phân tích một ví dụ đang rất nổi bật trong thời gian gần đây để làm rõ hơn khẳng định trên: hệ thống ngân hàng. Về cơ bản, mô hình kinh doanh của ngân hàng rất đơn giản: người có tiền gửi tiền vào để nhận lãi, người cần tiền thì vay và trả lãi cho ngân hàng, ngân hàng thu được lợi nhuận từ chênh lệnh lãi suất. Tuy nhiên, trên thực tế cách vận hành của hệ thống ngân hàng hiện tại phức tạp hơn nhiều. Và sự phức tạp đó dẫn đến một hệ quả: ngân hàng sẽ nhanh chóng phá sản nếu bỗng dưng khách hàng lo sợ, mất niềm tin và đồng loạt rút tiền trong thời gian ngắn (bankrun). Bạn là một ngân hàng hàng đầu, có lịch sử lâu đời, uy tín và có nhiều khách hàng trung thành. Tuy nhiên, một vài năm gần đây bạn vận hành mọi thứ không tốt lắm, khiến bạn thua lỗ một khoản khá lớn. Mọi thứ sẽ vẫn ổn nếu nền kinh tế tiếp tục đà hưng phấn, hoặc mọi người (khách hàng, nhà đầu tư) không biết rõ về tình trạng của bạn, vì thế vẫn tin tưởng bạn. Khi đó bạn sẽ tiếp tục vận hành được mô hình gửi và cho vay đem lại lợi nhuận kếch xù, dần dần sẽ bù đắp được các khoản lỗ kia. Tuy nhiên, thực tế là kinh tế đã rơi vào suy thoái và các bản báo cáo tài chính lỗ ngập mồm của bạn được truyền thông phanh phui. Mặc dù tình trạng của bạn không phải là quá xấu (tức là nếu được tiếp tục vận hành bình thường thì khả năng cao sau vài năm lợi nhuận sẽ bù đắp được các khoản lỗ hiện tại), một số người không có nhiều kiến thức tài chính bắt đầu lo sợ và rút tiền, tạm gọi là unsmart money. Tuy nhiên, khi tin tức lan xa, ngày càng có nhiều unsmart money bị rút. Khi đám đông đã thực sự hoảng loạn, smart people sẽ hiểu rằng, nếu họ không chạy theo đám đông rút tiền, thì tiền của họ mới chính là unsmart money. Lúc này smart hay unsmart money cũng đều bị rút ồ ạt, hệ quả tất yếu là ngân hàng phá sản. Một vài trường hợp sẽ được chính phủ cứu, nhưng cứu ở đây chỉ là giúp bạn không chết, chứ vẫn bại liệt, vì bạn đã mất hết niềm tin của khách hàng.
Có thể thấy rằng, tất cả những diễn biến nêu trên hầu như xoay quanh khái niệm “niềm tin”. Sức mạnh của niềm tin còn tạo nên một khái niệm vĩ đại và khủng khiếp hơn, đã thống trị và góp phần vận hành xã hội loài người hàng thiên niên kỉ: tôn giáo. Trong phạm vi bài viết này, mình không đủ khả năng để phân tích nhiều và sâu về ý nghĩa của tôn giáo. Điều mình muốn truyền tải là chỉ là một tri thức về ý nghĩa của tôn giáo mà gần đây mình đã giác ngộ được: tôn giáo giúp con người bớt đi nỗi sợ về cái chết.
Mình là một người theo chủ nghĩa vô thần cực đoan (cụm này hay nhỉ, mình tự nghĩ ra thôi, không biết có ai gọi như vậy không), tức là mình chẳng có lấy một chút niềm tin gì về tôn giáo cả. Nói nhẹ nhàng hơn thì tôn giáo của mình chính là khoa học. Trong tôn giáo của mình, trạng thái sau cái chết là một điều chưa được lý giải hoàn chỉnh. Dưới góc nhìn hóa sinh, cái chết được coi là quá trình mất đi tính sống của một hệ thống sinh học. Sau cái chết sẽ là sự chuyển hóa các vật chất trong cơ thể thành những phân tử chất khác, đó chính là phân hủy. Một khía cạnh quan trọng của cái chết liên quan đến sự phân hủy và giảm năng lượng của cơ thể. Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, năng lượng không thể bị mất mà chỉ được chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Khi một cơ thể chết, các quá trình trao đổi năng lượng và chất bắt đầu giảm dần, dẫn đến sự mất đi năng lượng và các phân tử hóa học của cơ thể.
Những ngôn từ sáo rỗng trên có thỏa mãn được sự tò mò của chúng ta về trạng thái sau cái chết hay không? Chắc chắn là không. Bởi thứ mà chúng ta thực sự quan tâm đó là: ý thức của ta, thứ đã từng tồn tại, sau đó sẽ như thế nào? Dưới góc nhìn tôn giáo, ý thức chính là linh hồn, và linh hồn sẽ không mất đi sau cái chết. Tôn giáo còn xây dựng được một cơ cấu xã hội cho những linh hồn: người tốt lên thiên đàng, kẻ xấu xuống địa ngục. Đạo Phật thậm chí còn giải quyết được vấn đề bùng nổ dân số ở xã hội của những linh hồn thông qua khái niệm luân hồi chuyển kiếp: các linh hồn sẽ được đầu thai và chuyển sang một kiếp sống mới, với hình hài và ý thức mới.
Thật khó khăn khi là một người vô thần. Buộc mình hình dung ra trạng thái sau cái chết cũng giống như thúc ép một hình vuông (2D) tưởng tượng về không gian 3 chiều. Nó khó khăn, gây ức chế và khiến mình chán nản. Vì vậy, mình luôn bị ám ảnh bởi cái chết và quá sợ hãi điều này từ khi còn bé. Những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ thì rất khác. Bởi vì trong mọi tôn giáo, cái chết đều được làm sáng tỏ rất rõ ràng thông qua các khái niệm linh hồn, địa ngục, thiên đường. Điều đó giúp những giáo đồ hình dung một cách tường tận về cái chết và trạng thái sau cái chết, khiến họ bớt… sợ chết. Đó có lẽ là ý nghĩa quan trọng nhất của tôn giáo.
Mỗi khi nghĩ về trạng thái sau cái chết, mình thường đặt dấu hỏi về sự tồn tại của bản thân và cảm thấy cuộc sống thật không trọn vẹn. Một ngày nào đó, để sống hạnh phúc hơn, có lẽ mình cũng cần đến một tôn giáo.
VI
6 notes
·
View notes
Text
[F] CHUYỆN ĂN NHẬU
Dạo này hay coi Hội Đồng Cừu nên nhiễm cái thói suy nghĩ & phân tích theo kiểu... văn hóa, khoa học, triết học 😅 Hôm nay chợt nghĩ về vấn đề vì sao đàn ông ở thế hệ 6x, 7x, 8x thường đam mê... ăn nhậu. Còn thế hệ 9x, 10x, tức là cuối Millennials và Gen Z, thì không như thế (dĩ nhiên là vẫn có nhưng xu hướng chung là giảm đi đáng kể).
Ví dụ như mình giờ biểu thèm nhậu thì chắc mua rượu về uống 1 mình🤨 Mình nghĩ ra được vài ý chính sau: 1. Ăn nhậu có thể xem là một hình thức văn hóa mang ý nghĩa tụ tập cộng đồng, giải trí và gắn kết tập thể. Các hình thức văn hóa mang ý nghĩa như thế đã xuất hiện từ xa xưa, vì con người ở thời kì nào cũng có nhu cầu tụ tập, giải trí và gắn kết. Mỗi thời kì, mỗi xã hội sẽ có một hình thức cụ thể nào đó trở nên thịnh hành. Và giai đoạn đầu thế kỉ XXI thì ăn nhậu là hình thức văn hóa thịnh hành nhất ở Việt Nam. Lý do có thể đến từ truyền thống văn hóa, tập quán, kinh tế thị trường (giá bia rượu rẻ so với thu nhập),... Cần làm rõ, người ta thích ăn nhậu không hẳn vì đam mê bia rượu mà thường là vì niềm vui tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, nhậu nhiều thành đam mê cũng khá phổ biến. 2. Vậy lí do sao mà Gen Z lại ít ăn nhậu trong khi nhu cầu tụ tập và gắn kết là vẫn có? Câu trả lời khá đơn giản, đó là vì xã hội hiện đại xuất hiện nhiều hình thức văn hóa giải trí mang tính gắn kết mới có thể thay thế ăn nhậu. Đặc biệt là phần lớn trong số đó lành mạnh và tiết kiệm hơn. Xét về hoạt động thể chất thì chạy bộ đang là một hình thức văn hóa mới đang ngày càng phổ biến trong giới công nghệ và nhân viên văn phòng. Các giải chạy, hoạt động chạy được tổ chức ngày một nhiều với các quy mô khác nhau. Giờ đây, gen Z đi làm thường rủ nhau cuối tuần đi chạy thay vì đi nhậu. Nếu không thích chạy vì thấy nó nhàm chán, bạn có thể lập team đá bóng. Đây là một hình thức đã phổ biến từ khá lâu, đặc biệt là từ khi trào lưu sân bóng mini mở ra ngày càng nhiều. À, đừng liệt kê tập gym vào nha, mặc dù hiện tại nó cũng rất phổ biến. Tập gym rất tốt cho sức khỏe nhưng nó không mang tính gắn kết cộng đồng. Mình cũng từng đi tập gym và phải công nhận là nó tự kỉ thật :)) Ngoài thể chất thì chúng ta cũng có những hoạt động văn hóa tụ tập mang tính trí tuệ. Tiêu biểu trong số đó là chơi net (tụ tập 1 đám bạn ra quán net chơi game online) và Poker. Nếu game online đã quá quen thuộc trong giới trẻ thì Poker là một môn thể thao trí tuệ mới phổ biến gần đây. Poker tuy cũng là một trò cờ bạc nhưng nó mang nhiều sắc thái chiến thuật hơn hẳn các gambling khác. Nếu biết cách tiết chế yếu tố ăn thua tiền bạc, đây sẽ là một môn thể thao trí tuệ thực sự tốt trong việc rèn luyện tâm lý, kĩ năng phân tích và khả năng tuân thủ kỉ luật: những yếu tố cần thiết cho sự thành công. 3. Ngoài ra, cần xem xét yếu tố kinh tế thị trường và bài toán thu nhập. Theo mình, với giá trung bình 25k/chai (ở quán), giá bia ở Việt Nam không hề rẻ so với thu nhập của Gen Z. Ủa vậy sao trà sữa 50k/ly mà tụi nó vẫn uống ầm ầm kìa? Vì trà sữa mỗi lần uống một ly thôi, còn nhậu thì phải nửa thùng. Vậy còn những Gen Z nhà có điều kiện thì sao, ly trà sữa hay thùng bia cũng đâu phải vấn đề? Lại trở lại ý số 2: các hình thức văn hóa thay thế. Gen Z có tiền nó tụ tập lên bar nghe nhạc và hút bóng cười, vui vẻ hơn nhiều. Hoặc là có những đứa như mình, đam mê ẩm thực, và đơn giản xem bia rượu là một phần của ẩm thực thôi. Mình sẵn sàng trả 1 triệu cho một bữa ăn 2 người chất lượng, nhưng nếu trong đó 300k là tiền bia rượu thì nó là một vấn đề. Điều này khác hẳn thế hệ phụ huynh, khi họ đi ăn, tiền bia luôn cao hơn tiền mồi. VI
0 notes
Text
[F] CHATGPT VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
ChatGPT đã trở thành chủ đề nóng bỏng nhất của giới công nghệ trong suốt 2 tháng qua. Không chỉ được nhắc đến liên tục bởi các kĩ sư và những người đam mê công nghệ, nó còn được rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau xem như là một sản phẩm có thể thay đổi thế giới. Trong đó, điểm ưu việt của ChatGPT và cũng là mối lo ngại lớn nhất mà giới lao động phải đối mặt đó là việc nó có thể làm được hầu hết các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ một cách gần như hoàn hảo. Tức là chatbot này có thể thay thế người lao động ở rất nhiều lĩnh vực như biên tập, sáng tạo nội dung, chăm sóc khách hàng, …
Ở bài viết này, mình sẽ giúp bạn đọc hiểu kĩ hơn về ChatGPT thông qua cung cấp một số kiến thức về công nghệ mà ChatGPT sử dụng, nêu lên những ưu nhược điểm của nó, đưa ra các minh họa cụ thể về tác vụ mà ChatGPT có thể thực hiện và cuối cùng là góc nhìn cá nhân về sản phẩm mang tính lịch sử này. Lưu ý rằng, đối tượng hướng đến của bài viết này là người đọc phổ thông, chưa có hoặc có ít kiến thức về AI và Machine Learning. Vì thế mình sẽ giải thích các kĩ thuật và khái niệm theo cách đơn giản, không hoàn toàn đầy đủ, nhưng bù lại, nó tương đối dễ hiểu.
ChatGPT là gì?
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một sản phẩm AI (Trí tuệ nhân tạo) với kho kiến thức rộng lớn được “chiết xuất” từ hàng tỉ văn bản trên Internet. Cụ thể hơn, ChatGPT sử dụng kĩ thuật Generative Pre-training Transformer 3 (GPT-3), đây là một mô hình ngôn ngữ tự hồi quy (autoregressive language model) được nghiên cứu và phát triển bởi OpenAI, phát hành năm 2020. GPT-3 sử dụng học s��u (deep learning) và học tăng cường (reinforcement learning) để tạo ra văn bản giống con người.
* Ở phần sau mình sẽ nói chi tiết hơn về các kĩ thuật được sử dụng để xây dựng GPT-3.
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình.
ChatGPT hoạt động như thế nào?
Dưới một góc nhìn đơn giản, chúng ta có thể hiểu quy trình học tri thức và trả lời các câu hỏi của ChatGPT như sau:
Bước 1: Đọc và học (scan and learn). ChatGPT sẽ scan hàng tỉ văn bản trên internet, chuyển những từ ngữ chứa trong đó thành những token, kết nối những token đó lại thành một dạng tri thức của riêng nó. Đây chính là bước train model, tạm hiểu là học tri thức. Điều quan trọng nhất ở bước này đó là làm thế nào để ChatGPT biến hàng trăm tỉ token ngôn ngữ thành một “khối” tri thức có dung lượng tương đối nhỏ (vài trăm TB chẳng hạn). Bạn có thể hình dung bước này giống như việc bạn đọc hàng trăm cuốn sách, chắc chắn bạn sẽ không thể nhớ được hết tất cả nội dung, nhưng từ đó bạn học được rất nhiều tri thức có thể lấy ra dùng bất kì lúc nào (miễn là bạn có trí nhớ tốt), cũng như học được cách hành văn và viết văn chuẩn mực. Điều khiến bạn khó hiểu ở đây đó là não bộ thực sự hoạt động như thế nào trong quá trình này. Tương tự dành cho quá trình học tri thức của ChatGPT: nó khó hiểu; và đó sẽ là vấn đề mình đi vào giải thích kĩ hơn ở phần sau.
Bước 2: Người dùng đưa ra chỉ dẫn/ yêu cầu (give prompt). Chỉ dẫn/ yêu cầu của người dùng (gọi là prompt), sẽ được chuyển thành các token. ChatGPT sẽ dựa vào kho ngôn ngữ, tri thức đã được học và những thông tin đến từ các prompt trước đó trong phiên chat (conservation) hiện tại của người dùng, để lọc ra các token tiềm năng liên quan đến các token của prompt đang được yêu cầu. Những token được cho là liên quan nhiều (dựa theo tần số xuất hiện, độ tin cậy của tài liệu,...) sẽ được đánh trọng số lớn hơn và do đó sẽ có nhiều khả năng xuất hiện trong câu trả lời. Những token liên quan ít hơn thì ngược lại.
Bước 3: Hoàn thiện câu trả lời (complete the answer). Sau khi đã có các token cần thiết cho câu trả lời, ChatGPT sẽ ghép chúng thành những câu có nghĩa. Tri thức được học ở bước 1 sẽ giúp nó “làm mượt” câu trả lời, giúp chúng trông như văn phong của một người thật.
Một điều đáng chú ý ở đây đó là ChatGPT sẽ xem những prompt bạn đã gửi trước đó trong cùng một conversation như thông tin có độ tin cậy cao. Điều đó có nghĩa là những thông tin (ở dạng token) này thường sẽ được đánh trọng số lớn hơn các tri thức mà nó đã học sẵn, và do đó nhiều khả năng sẽ xuất hiện hoặc tác động đến câu trả lời của chatbot. Cơ chế này giải thích tính liên kết trong câu trả lời của ChatGPT với các câu hỏi trước đó của bạn. Đồng thời nó cũng dẫn tới trường hợp ChatGPT đưa ra một câu trả lời ngớ ngẫn hoặc khác với thông thường, vì trước đó bạn đã đưa cho nó một kiến thức không chính xác. Chẳng hạn như trong đoạn hội thoại sau:
User: quả chuối thường có màu gì?
ChatGPT: Quả chuối thường là màu vàng hoặc nâu. Tuy nhiên, màu của chúng có thể thay đổi tùy theo loại và tình trạng trưởng thành.
User: nhưng chuối phải màu cam chứ!
ChatGPT: Chính xác, một số loại quả chuối có màu cam khi chúng đã được trưởng thành hoàn toàn. Màu cam là một dấu hiệu cho thấy rằng quả đã đạt độ trưởng thành tốt và sẵn sàng để ăn.
User: quả chuối thường có màu gì?
ChatGPT: Quả chuối thường là màu vàng hoặc nâu khi chúng chưa trưởng thành hoàn toàn. Khi trưởng thành, màu của chúng có thể trở nên màu vàng sáng hoặc màu cam.
* Chatbot đã thay đổi câu trả lời về màu sắc của quả chuối sau khi nhận được tri thức mới từ người dùng: “chuối phải màu cam”.
Lưu ý rằng khi kết thúc phiên chat (đóng conversation), những thông tin đến từ các prompt của phiên chat đó sẽ không còn được ChatGPT quan tâm.
Quá trình học tri thức diễn ra như thế nào?
Đây chính là phần thú vị nhất nhưng cũng là khó hiểu nhất ở bài viết này. Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách mà ChatGPT học tri thức, hay nói cách khác là tìm hiểu về các phương pháp Máy Học (Machine Learning) được GPT-3 sử dụng.
Vì bài viết này hướng tới bạn đọc phổ thông, nên trước khi đi vào giải thích về GPT-3, mình sẽ nhắc lại một số khái niệm về AI & Machine Learning cho bạn đọc:
* Phần dưới đây của bài viết (nhắc lại các khái niệm) được hỗ trợ một phần bởi ChatGPT, cool.
1. Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo, viết tắt: AI) là lĩnh vực của khoa học máy tính nghiên cứu về việc xây dựng các hệ thống máy tính có thể tự động hóa các tác vụ và quyết định giống như con người. AI bao gồm các kỹ thuật như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tìm kiếm trực tuyến, trí tuệ nhân tạo cơ bản và nhiều hơn nữa. AI là lĩnh vực ra đời từ lâu và phạm trù của nó là rất rộng. Bạn có thể hình dung rằng bất kì chương trình máy tính nào trông có vẻ thông minh thì đó là AI. Chẳng hạn như một chatbot đặt lịch khám online, hoạt động đơn giản bằng cách nhận diện các từ khóa như “đặt lịch”, “hủy lịch”, “ngày mai”,… và đưa ra câu trả lời được cài đặt sẵn, nó cũng được xem là một AI đơn giản (if-else AI).
2. Machine Learning (Học máy) là một phần của Trí tuệ nhân tạo với mục đích xây dựng các mô hình máy tính có thể học từ dữ liệu và tự động dự đoán hoặc thực hiện các tác vụ mà không được chỉ định trong cấu trúc. Trong học máy, mô hình dự đoán hoặc tác vụ được xây dựng bằng cách học từ một tập dữ liệu đã cho và sau đó được kiểm tra với một tập dữ liệu mới.
3. Deep Learning (Học sâu) là một phần của Học máy sử dụng các mô hình mạng neuron sâu để xử lý dữ liệu và học từ dữ liệu. Mạng neuron sâu là một loại mô hình học máy gồm nhiều tầng (layer) của các neuron, mỗi nhóm tầng cụ thể cho một tác vụ xử lý dữ liệu riêng. Các mô hình neuron sâu có thể học các mẫu của dữ liệu và dự đoán kết quả cho dữ liệu mới. Deep learning được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng đối tượng, phân loại văn bản, dự đoán giá, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhiều hơn nữa. Tới đây, hãy nhớ thứ tự: AI -> Machine Learning -> Deep Learning (dấu mũi tên chỉ sự bao hàm).
4. Supervised Learning (Học có giám sát) là một phần của Học máy, trong đó mô hình học được huấn luyện với một tập dữ liệu có sẵn gồm các đầu vào và các đầu ra mong muốn. Hiểu một cách đơn giản, với Học có giám sát, chúng ta sẽ cần một người giám sát để đánh dấu và chuẩn hóa dữ liệu mà AI sẽ học (human labeler). Điều này có nghĩa là, quá trình Học có giám sát có những giới hạn về mặt con người: để AI model đủ thông minh, cần tốn rất nhiều tài nguyên con người để “giám sát” nó.
5. Reinforcement Learning (Học tăng cường) là một phần của Học máy, trong đó mô hình học bằng cách thực hiện các hành động trong một môi trường và nhận được phần thưởng hoặc phạt cho mỗi hành động. Mô hình sẽ chọn hành động tiếp theo của mình bằng cách dự đoán phần thưởng cho mỗi cách hành động và chọn hành động đem lại phần thưởng tốt nhất.
6. Continual learning (Học liên tục) là một khái niệm trong Học máy, nó xác định việc một mô hình có thể học và tự điều chỉnh sau mỗi lần học một tập dữ liệu mới, mà không cần phải huỷ bỏ kiến thức trước đó. Điều này cho phép mô hình tiếp tục học và phát triển mà không bị giảm hiệu quả do bị quên một phần kiến thức cũ.
Quá trình học của GPT-3 gồm 3 bước:
Bước 1: Sử dụng dữ liệu mẫu được chuẩn hóa và đào tạo các mô hình Học có giám sát.
Ở bước này, model sẽ học từ một dataset được chuẩn hóa bởi con người (human labeler). Dataset này là một tập hợp các prompt (chỉ dẫn/ yêu cầu), mỗi prompt được labeler chỉ ra desired output (kết quả mong muốn). GPT-3 sẽ sử dụng Học sâu để học các dữ liệu này, từ đó tạo nên một vài supervised model có khả năng xử lý ngôn ngữ đơn giản. Tóm lại là bước này sử dụng Học sâu và Học có giám sát để tạo ra một vài phiên bản GPT “ngây ngô”.
Bước 2: Sử dụng các phiên bản GPT “ngây ngô” để train một reward model.
Reward model là một mô hình có khả năng đọc và chấm điểm các kết quả trả về của GPT model. Hiểu một cách đơn giản, reward model là một con bot không biết viết văn nhưng có khả năng “phê bình” văn học rất tốt.
Đầu tiên, một prompt được input và một vài phiên bản GPT “ngây ngô” sẽ đưa ra các output cho prompt đó. Giả sử chúng ta dùng 4 phiên bản GPT “ngây ngô”, tương ứng với 4 output là A, B, C, D. Sau khi có 4 output, tiếp tục sử dụng phương pháp Học có giám sát: một labler (con người) sẽ đọc kĩ 4 output đó và sắp xếp chúng theo thứ tự tốt nhất đến tệ nhất (giả sử là: D -> C -> A -> B). Dữ liệu này (DCAB) sẽ được sử dụng để train reward model thông qua Deep learning.
Bước 3: Sử dụng reward model và phương pháp Học tăng cường để train GPT-3 model hoàn chỉnh.
Ở bước này, một prompt mới được sử dụng, một phiên bản supervised GPT (ở bước 1) sẽ đưa ra output cho prompt đó. Tiếp đó, reward model sẽ đọc và đánh giá output này, từ đó đưa ra reward (phần thưởng/ điểm số) tương ứng. Cuối cùng, dựa vào reward nhận được, GPT model sẽ được tinh chỉnh bằng thuật toán PPO Reinforcement learning. Với mỗi prompt, quá trình chấm điểm và tinh chỉnh này sẽ lặp lại vài lần đến khi đạt đến một điểm số nhất định.
* PPO (Proximal Policy Optimization): Tối ưu hóa chính sách tiệm cận, một phương pháp Học tăng cường có hiệu quả cao.
Các nhược điểm của ChatGPT
Có lẽ những bài viết khác đã nói rất nhiều về những ưu điểm và các tác vụ phức tạp mà ChatGPT có thể thực hiện được. Vì thế ở đây mình sẽ đề cập về các nhược điểm của ChatGPT trước, để chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về nó.
ChatGPT cực kì “thông minh” và tinh xảo, nhưng theo mình, nó vẫn đang tồn tại một vài nhược điểm sau:
Đưa ra thông tin không hoàn toàn chính xác
ChatGPT thỉnh thoảng đưa ra câu trả lời có vẻ hợp lý nhưng sai hoặc không có ý nghĩa. Việc khắc phục vấn đề này tương đối khó khăn vì các lí do sau. Thứ nhất, trong quá trình huấn luyện Học tăng cường, các kỹ sư sử dụng nguồn thông tin chưa được kiểm chứng hoàn toàn, bởi việc kiểm chứng toàn bộ lượng dữ liệu văn bản khổng lồ mà ChatGPT học là không thể. Thứ hai, huấn luyện mô hình để nó trở nên thận trọng hơn sẽ dẫn đến việc từ chối một số câu hỏi mà nó có khả năng trả lời đúng. Cuối cùng, việc lạm dụng huấn luyện có giám sát sẽ làm sai lệch model, bởi vì câu trả lời tốt nhất phải phụ thuộc vào những gì model biết, chứ không phụ thuộc vào những gì người mô phỏng biết.
Việc sử dụng thông tin sai có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như sai sót trong quyết định hoặc tạo ra thiệt hại cho cá nhân hoặc tổ chức. Vì vậy, người dùng nên kiểm tra kỹ thông tin mà ChatGPT cung cấp trước khi sử dụng.
Khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu mới cho ChatGPT
Continual learning (Học liên tục) là khái niệm xác định việc một mô hình có thể học và tự điều chỉnh sau mỗi lần học một tập dữ liệu mới, mà không cần phải huỷ bỏ kiến thức trước đó. Khái niệm này chỉ ra rằng các kĩ thuật Học máy cũng đối mặt với vấn đề tương tự não bộ con người: học sau quên trước, phải học lại từ đầu mới nhớ. Hiện tại, đây là một chủ đề khá nan giải trong lĩnh vực Học máy, và có vẻ như nó cũng là một trở ngại lớn của ChatGPT. ChatGPT phiên bản hiện tại có nguồn dữ liệu và tri thức bị giới hạn ở năm 2021 và có vẻ như nó không có khả năng Học liên tục. Điều này khiến cho việc cập nhật tri thức mới cho ChatGPT sẽ tốn nhiều chi phí, bởi các kỹ sư cần phải huấn luyện lại từ đầu toàn bộ dữ liệu cho nó chứ không thể bổ sung chỉ một tập dữ liệu nhỏ.
Nhược điểm này khiến cho những câu hỏi rất đơn giản như “đội nào vô địch World Cup 2022” nhưng ChatGPT hiện tại không thể trả lời được, vì nó chưa được học những dữ liệu từ 2022 về sau. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, vấn đề này sẽ được khắc phục, giúp ChatGPT có thể liên tục cập nhật tri thức và thông tin mới nhất cung cấp cho người dùng.
ChatGPT gặp vấn đề trong khả năng tư duy logic
Nếu đã đọc và hiểu hết những nội dung phía trên, có lẽ bạn sẽ không bất ngờ về điều này. GPT-3 là một model thuần về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhiệm vụ của nó là học ngôn ngữ (thông qua kho dữ liệu văn bản đồ sộ) và tìm cách xử lý ngôn ngữ theo cách giống con người nhất. ChatGPT gần như không được học về tư duy logic, tất cả những gì nó quan tâm là xử lý ngôn ngữ thông qua kho tri thức về ngôn ngữ sẵn có. Có thể hình dung ChatGPT như một học sinh giỏi văn nhưng chẳng biết gì về Toán, nghe cũng không quá lạ đúng không?
Tuy nhiên, ChatGPT vẫn giải quyết được một số tác vụ liên quan đến tính toán hoặc logic đơn giản, chẳng hạn các câu hỏi “một cộng một bằng mấy” hay “phân tích 12 ra thừa số nguyên tố”. ChatGPT sẽ trả lời chính xác. Điều này có thể đến từ một trong hai nguyên nhân. Thứ nhất là vì đây là những câu hỏi nằm trong kho tri thức ngôn ngữ sẵn có của ChatGPT. Tức là câu hỏi và câu trả lời này đã có sẵn trên internet từ trước. Thứ hai là có thể ChatGPT đã được cài đặt bổ sung thêm một số thuật toán để xử lý các vấn đề toán học hoặc logic đơn giản (chẳng hạn tạo thêm một layer xử lý Toán học vào mạng neuron Deep Learning). Đáng chú ý, trong phiên bản ChatGPT mới nhất, nó đã có nhiều sự tiến bộ hơn trong việc “làm Toán”.
Nhìn chung, khi đối mặt với những câu hỏi logic có độ khó cao, ChatGPT vẫn tỏ ra khá “ngớ ngẩn”. Mặc dù vậy, mình nghĩ rằng nhược điểm này hoàn toàn có thể được cải thiện đáng kể trong tương lai gần.
ChatGPT chưa thực sự có khả năng sáng tạo
Thật ra điều này còn tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa sự sáng tạo. Với mình, cách GPT sắp xếp câu từ cũng như đưa ra các câu trả lời thông minh và khéo léo đã thực sự là một dạng sáng tạo. Tuy nhiên, về mặt bản chất, GPT chỉ học những văn bản có sẵn và trích xuất tri thức từ đó, nó không có khả năng tạo ra tri thức hoàn toàn mới.
Góc nhìn cá nhân về ChatGPT
ChatGPT có thể thay thế Google?
Đây là một chủ đề được bàn tán xôn xao trong thời gian qua. Đầu tiên, cần biết rằng Google và ChatGPT có sự khác biệt về mặt bản chất: một cái là máy tìm kiếm, tìm kiếm tất cả mọi thứ trên internet dựa theo việc khớp các từ khóa; cái còn lại là máy xử lý ngôn ngữ, đưa ra câu trả lời từ việc trích xuất kho tri thức ngôn ngữ khổng lồ sẵn có của nó.
Tuy nhiên, cá nhân mình đồng tình với quan điểm ChatGPT thực sự là một đối thủ tiềm tàng của Google. Bởi lẽ, Microsoft hiện đang là cổ đông lớn nhất của OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT. Microsoft cũng sở hữu một máy tìm kiếm rất nổi tiếng khác, từng được xem là đối thủ của Google, là Bing. Hãy thử hình dung viễn cảnh ChatGPT được tích hợp vào Bing, khi đó mỗi yêu cầu của người dùng sẽ được “phục vụ” bằng hai công cụ rất mạnh. Đầu tiên, ChatGPT sẽ trả lời yêu cầu đó. Nếu ChatGPT không trả lời được hoặc câu trả lời chưa đủ độ tin cậy, Bing sẽ tìm kiếm các kết quả liên quan trên Internet và cung cấp cho người dùng. Ngoài ra, các thuật toán của GPT cũng có thể giúp cải thiện cơ chế tìm kiếm của Bing. Rõ ràng trải nghiệm này ưu việt hơn quá trình tìm kiếm đơn thuần khi sử dụng Google hiện tại rất nhiều.
Dĩ nhiên viễn cảnh trên chỉ là một kịch bản do mình hình dung, có thể Microsoft sẽ kiếm tiền từ ChatGPT theo cách khác. Nhưng dù là sử dụng theo cách nào, ChatGPT vẫn tỏ ra là một công cụ rất mạnh mẽ có thể khiến gã khổng lồ Google phải dè chừng.
Hình dưới đây thể hiện một số ý tưởng thú vị để tích hợp ChatGPT vào Bing, do chính ChatGPT đề xuất.
Cần xem việc sử dụng ChatGPT như một kĩ năng trong thời đại mới
Cách đây 30 năm, khi bộ công cụ Microsoft Office ra đời và phát triển mạnh mẽ, rất nhiều người tỏ ra lo sợ rằng nó sẽ lấy đi việc làm của các nhân viên văn phòng. Bởi khi công việc được xử lý nhanh gọn và dễ dàng hơn, sẽ chỉ cần 1 người để thực hiện lượng công việc mà trước đây cần 2 hay 3 nhân viên. Nhưng rồi người ta nhanh chóng quên đi điều đó, bởi chẳng mấy ai thực sự thất nghiệp do Word hay Excel cả. Giờ đây chúng ta chỉ xem Microsoft Office như là một công cụ thiết yếu mà bất kì nhân viên văn phòng nào cũng cần phải biết hoặc thành thạo.
Mình nghĩ rằng câu chuyện của ChatGPT cũng tương tự như vậy. Hiện tại, rất nhiều người lo sợ rằng ChatGPT sẽ lấy đi việc làm của họ. Bởi nó có thể làm được hầu hết các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ một cách gần như hoàn hảo, tức là chatbot này có thể thay thế con người ở rất nhiều lĩnh vực như biên tập, sáng tạo nội dung, chăm sóc khách hàng, … Tuy nhiên, mình nghĩ rằng chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Thay vì lo sợ rằng ChatGPT sẽ lấy đi việc làm của bạn, hãy tập cách sử dụng nó một cách thành thạo và tìm cách ứng dụng vào công việc của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn năng suất hơn những người khác. Đừng nghĩ rằng ChatGPT chỉ là một con chatbot thì có gì mà phải học cách dùng. Hồi năm nhất Đại học, kĩ năng ấn tượng nhất mà mình học được (từ bạn bè) đó là “cách sử dụng Google hiệu quả”, dù mình đã tiếp cận với internet từ lớp 6. Theo mình, so với Google, ChatGPT thực sự khó dùng hơn đôi chút.
Ở phần cuối của bài viết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách để sử dụng ChatGPT hiệu quả và các usecase thực tế mà ChatGPT có thể hỗ trợ cho công việc của bạn.
Cách sử dụng ChatGPT
ChatGPT có thể làm được gì?
ChatGPT có thể được sử dụng để giải quyết rất nhiều tác vụ, từ trả lời câu hỏi, dịch ngôn ngữ, viết bài văn, tạo nội dung cho trang web và còn rất nhiều thứ khác. Để sử dụng ChatGPT hiệu quả, người dùng cần phải cung cấp cho nó những yêu cầu rõ ràng và những thông tin chính xác. Nếu cần, người dùng cũng có thể chỉ định một số ràng buộc cho ChatGPT, chẳng hạn như giới hạn độ dài của trả lời hoặc yêu cầu trả lời theo một cấu trúc cụ thể.
ChatGPT có thể áp dụng cho rất nhiều ngành nghề khác nhau, và đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như công nghệ, kinh doanh, dịch vụ khách hàng, tài chính, báo chí, văn học, giáo dục...
Trong lĩnh vực công nghệ, ChatGPT có thể hỗ trợ lập trình viên theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như:
Trả lời câu hỏi về ngôn ngữ lập trình: ChatGPT được huấn luyện trên rất nhiều tài liệu về ngôn ngữ lập trình và các kỹ thuật liên quan, nên c�� thể trả lời các câu hỏi của bạn về các chủ đề như cú pháp, thư viện, API và các từ khóa khác.
Giải đáp sự cố: Nếu bạn gặp sự cố trong quá trình lập trình, ChatGPT có thể giúp bạn tìm kiếm các giải pháp hoặc giải đáp các câu hỏi của bạn về lỗi hoặc các vấn đề khác.
Xây dựng mã nguồn: ChatGPT có thể giúp lập trình viên xây dựng đoạn mã cho các tác vụ cụ thể bằng cách cung cấp gợi ý và mã nguồn mẫu.
Tư vấn thiết kế: ChatGPT có thể hỗ trợ lập trình viên trong việc thiết kế và xây dựng các hệ thống phần mềm bằng cách cung cấp gợi ý và tư vấn thiết kế.
Trong ngành kinh doanh, ChatGPT có thể sử dụng để tạo ra các báo cáo tài chính, phân tích thị trường và các đánh giá cho các doanh nghiệp. Nó cũng có thể giúp bạn tìm kiếm thông tin về các phương pháp quản lý, các chính sách và quy định của các nước về kinh doanh và doanh nghiệp.
Trong dịch vụ khách hàng, ChatGPT có thể sử dụng để tạo ra các chatbot tự động hóa quá trình hỗ trợ khách hàng và giải quyết các vấn đề của họ một cách nhanh chóng và chính xác. Chatbot có thể trả lời các câu hỏi thường gặp và hướng dẫn khách hàng đến các nội dung liên quan. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng hiệu suất cho các dịch vụ khách hàng.
Trong ngành tài chính, ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến các chủ đề như lãi suất, tỷ giá, các chứng khoán, các loại tài sản và các sản phẩm tài chính khác. Nó cũng có thể giúp người dùng giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân, chẳng hạn như hướng dẫn về quản lý chi phí, tư vấn về kiếm tiền và tạo lợi nhuận. Nếu bạn muốn đầu tư, ChatGPT cung cấp thông tin về các sản phẩm đầu tư và gợi ý về cách đầu tư an toàn và hiệu quả.
Nói chung, ChatGPT cung cấp một công cụ mạnh mẽ và linh hoạt cho các ngành nghề khác nhau, giúp tăng hiệu suất và tối ưu hoá quy trình làm việc. Để sử dụng ChatGPT hiệu quả, người dùng cần phải hiểu rõ về các tính năng và ưu điểm của nó, cũng như cách áp dụng nó cho công việc cụ thể của họ.
Các kỹ năng cần có khi sử dụng ChatGPT
Có một vấn đề mình nghĩ nhiều bạn phải suy nghĩ. Trong khi mình đang cố gắng học rất nhiều cách thông minh để dùng ChatGPT thông qua các diễn đàn, twitter, reddit, blogpost. Mình thấy ở Facebook Việt Nam đang toàn post thông tin mang tính châm biếm về con bot, hỏi những câu hỏi trông có vẻ vui nhưng thực sự là rất nhàm chán và không hữu ích.
ChatGPT sẽ giúp ích nhiều cho công việc với điều kiện bạn có các kỹ năng sau:
Sử dụng tiếng Anh thành thạo: nếu đang cần câu trả lời bằng tiếng Anh thì tất nhiên là bạn cứ trao đổi với con bot bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nếu cần kết quả tiếng Việt, bạn cũng nên đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, nhận về câu trả lời bằng tiếng Anh và sau đó sử dụng những công cụ khác hoặc dùng chính ChatGPT để dịch câu trả lời đó ra tiếng Việt. Lý do phải làm như thế là vì ChatGPT không giỏi tiếng Việt lắm, mình từng hỏi nó công thức nấu ăn và nhận về câu trả lời: “Nguyên liệu: 3 quả lá chanh…”. Khi trả lời bằng tiếng Anh nó không bao giờ mắc lỗi ngớ ngẫn như thế.
Khả năng đặt câu hỏi tốt và sáng tạo. Điều này sẽ giúp bạn nhận được câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất từ ChatGPT.
Có chút khả năng lập trình để có thể sử dụng bot trong việt tạo ra các tool hỗ trợ công việc. Lý do là vì mã nguồn mà ChatGPT đề xuất thường ít khi chính xác 100%, bạn cần có kiến thức cơ bản để chỉnh sửa theo ý mình và chạy những đoạn code này.
Một vài công cụ hỗ trợ sử dụng ChatGPT hiệu quả trong thực tế
Extension “ChatGPT for Google” sẽ giúp bạn tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Google. Sử dụng bằng cách:
1. Tìm và cài đặt Extenstion “ChatGPT for Google” cho trình duyệt Chrome.
2. Mỗi lần tìm kiếm Google, bạn có ngay kết quả đề xuất của ChatGPT bên cạnh khung kết quả tìm kiếm của Google.
3. Đừng quên chuyển extension qua chế độ “kết thúc nội dung tìm kiếm bằng dấu ? thì mới cần ChatGPT trả lời” để hạn chế tìm gì thì ChatGPT cũng trả lời.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên viết và trả lời mail, công cụ “ChatGPT writer” sẽ hỗ trợ bạn rất hiệu quả:
1. Tìm và cài đặt Extension “ChatGPT writer” cho trình duyệt Chrome, Gmail sẽ tự động nhúng thẳng nút ChatGPT vào trình biên soạn email.
2. Mỗi lần soạn email mới hay trả lời email cũ thì bấm nút bật “ChatGPT writer” lên và mô tả yêu cầu sơ lược, ChatGPT sẽ gợi ý nội dung cho email mới hoặc soạn nội dung trả lời tương ứng với email gốc.
3. Bấm nút insert để đưa thẳng nội dung trên vào email.
Khéo léo kết hợp ChatGPT với các công nghệ khác
Ở phần cuối này, mình muốn chia sẻ về một số trường hợp trong thực tế sử dụng ChatGPT kết hợp với các công cụ thú vị khác để tạo nên các sản phẩm rất tuyệt vời.
1. Bán tranh/NFT tạo bằng ChatGPT và Midjourney
Đầu tiên, bạn cần biết sử dụng thành thạo cả ChatGPT và Midjourney, sau đó thì mọi thứ khá đơn giản:
Mô tả sơ bộ ý tưởng để ChatGPT viết ra một prompt về chủ đề muốn tạo.
Khi đã có prompt có thể chỉnh sửa thêm cho phù hợp với ý tưởng của mình
Đem prompt qua Midjourney (công cụ vẽ tranh bằng AI) để tạo ra các sản phẩm tuyệt đẹp.
Chọn tranh phù hợp với ý tưởng của mình
Tranh này có nhiều cách để tạo thu nhập như:
- Chuyển thành NFT bán trên OpenSea (hôm trước đã có bạn bán được tranh về Hội An trên đó rồi).
- Tranh có thể bán trên Fiverr hoặc Esty dưới dạng bản quyền.
2. Viết report bằng ChatGPT x Grammarly x OCR
Hôm trước mình cần viết một cái report review 10 projects đoạt giải Solana Coding Camp mùa vừa rồi. Một số project thì resource và document của họ rất đầy đủ, easy work. Tuy nhiên, một số khác thì mình chỉ có mỗi cái file thuyết trình dự thi của họ thôi. Và công việc là từ mấy cái slide đó chuyển thành các đoạn văn mượt mà, đầy đủ và dễ đọc.
Mình dùng khá nhiều tool cho việc này:
1. Đầu tiên mình có 1 cái slide (dạng ảnh), trước hết là cần phải convert nó ra raw text để dùng. Mình dùng 1 con online OCR (công cụ chuyển ảnh thành văn bản, thường sử dụng trí tuệ nhân tạo), ví dụ: https://www,onlineocr,net/
2. Sau khi có raw text ở dạng các ideas (gạch đầu dòng), mình mang lên ChatGPT biểu nó triển khai thành paragraph.
3. Cầm paragraph của ChatGPT đem qua Grammarly sửa một vài lỗi chính tả và thay đổi cách diễn đạt cho mượt mà hơn.
VI
0 notes
Text
[F] FMS 03: Thưởng hay phạt – bàn về tính kỉ luật và cách nuôi dạy con cái
Reward is better than punishment?
Đúng vậy, đây là một điều được nhiều người thừa nhận và bản thân mình cũng đồng ý với nó. Tuy nhiên, có hai vấn đề đối với reward mà có lẽ chúng ta đều dễ dàng nhận ra.
Thứ nhất, việc dùng phần thưởng để xây dựng tính kỉ luật và thói quen tốt hoặc thúc đẩy sự nổ lực của trẻ, mặc dù rất hiệu quả, thường tốn nhiều công sức của phụ huynh. Vấn đề ở đây là bạn phải nghĩ ra phần thưởng hoặc cách khích lệ phù hợp, nó khó khăn hơn nhiều việc chọn một hình phạt. Hình phạt có thể không cần thay đổi, còn phần thưởng thì cần phải thay đổi và nâng cấp liên tục. Ví dụ, bạn thưởng cho trẻ một chiếc smartphone khi nó đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 9, vậy nếu lên lớp 10 nó cũng đạt học sinh giỏi, bạn phải thưởng gì tiếp theo? Đó không thể là một món đồ chơi tầm thường hơn cái điện thoại kia được.
Thứ hai, phần thưởng sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng. Nếu dùng phần thưởng để thu hút người ta làm điều gì đó, họ sẽ có xu hướng muốn gian lận để đạt được nhiều phần thưởng hơn. Còn trong việc xây dựng tính kỉ luật hay thói quen cho trẻ, nếu luôn dùng reward để khích lệ chúng, sẽ dễ hình thành tư duy làm vì phần thưởng. Tức là khi không có phần thưởng nữa, chúng sẽ không tuân theo, khó hình thành được thói quen cũng như sự tự giác.
Theo mình, một hệ thống giáo dục tốt phải kết hợp hài hòa cả hai yếu tố: thưởng và phạt. Tuy nhiên, không dễ để xây dựng một hệ thống như vậy.
Mình lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của ông bà, những người lớn tuổi và có phương pháp giáo dục rất truyền thống, đôi khi mình cũng xem đó là không phù hợp. Ông mình, một cựu giáo chức, người từng giữ chức vụ hiệu trưởng trường trung học, có một triết lý giáo dục rất cổ điển: hình phạt và sự kỉ luật. Biểu hiện của triết lý này đó là: ông thường chê trách nhiều hơn là khen ngợi, không ngừng thúc ép việc học tập của mình, và hiếm khi đưa ra những lời khích lệ. Thú thật, mình không thích triết lý này vì cảm thấy nó không còn phù hợp dưới góc độ khoa học giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, điều quan trọng là, triết lý ấy đã rất thành công với mình, đồng thời nó cũng để lại cho mình một di sản rất đáng quý (dù hiện tại đã bị mai một nhiều): tính kỉ luật.
Những năm cuối phổ thông, mình xây dựng một lịch học tập vô cùng kỉ luật và khoa học: đi ngủ lúc 11 giờ và thức dậy lúc 4h sáng, đồng thời luôn có một giấc ngủ trưa chất lượng. Thức dậy lúc 4h sáng dưới cái lạnh 18 độ C ở Quảng Ngãi thực sự là một cực hình, mình chắc chắn không thể làm được điều đó nếu như không có ông. Ông đã rèn luyện cho mình thói quen dậy sớm từ cấp hai, lúc đó ông thường kêu mình dậy lúc 5h sáng. Điểm đặc biệt của ông đó là không bao giờ lớn tiếng, nhưng những lời nói luôn mang đầy “sức nặng”. Thời điểm đó, mỗi khi đánh thức mình dậy, ông sẽ thực hiện hai bước. Bước đầu tiên là bật đèn phòng và gọi mình dậy một cách nhẹ nhàng: dậy đi cháu. Ba phút sau, ông sẽ quay lại và kiểm tra mình đã dậy chưa. Nếu chưa, ông sẽ tiến hành bước thứ hai: trừng phạt. Hình phạt của ông rất đơn giản, chưa bao giờ là đòn roi hay lớn tiếng, nó chỉ là những lời nói đánh vào lòng tự tôn và sự khó chịu của mình. Ví dụ như, chỉ vì mình ngủ nướng thêm ba phút, ông bảo rằng mình quá lười biếng, học dở hơn những đứa khác và tương lai sẽ chẳng ra gì. Nghe có tức không chứ, mình tức lắm, thế là phải dậy thôi. Lâu dần, nó hình thành cho mình một phản xạ: nếu ông đã kêu dậy, thì dậy ngay nếu không muốn nghe những điều khiến bản thân khó chịu. Sau đó, khi lên cấp 3, mình muốn dậy sớm hơn nữa, mình nhờ ông kêu dậy lúc 4h (cũng là thời gian mà ông thường dậy). Ông là chiếc đồng hồ báo thức bền bỉ và chính xác, không bao giờ lệch quá 2 phút và mình cũng không bao giờ dám ngủ nướng thêm 2 phút một khi ông đã gọi.
Chỉ có hình phạt mới có thể rèn luyện cho mình một thói quen dậy sớm như thế, nhưng nếu giáo dục chỉ dừng lại ở hình phạt, có lẽ thành tựu duy nhất của mình suốt thời phổ thông chỉ là… dậy sớm nhất lớp. Mình cần phần thưởng để tạo động lực cho những cú nhảy xa!
Đoạt giải các cuộc thi học thuật, giành tiền thưởng, có được sự ngưỡng mộ của người khác là những phần thưởng mà mình nhìn thấy và luôn cố gắng giành lấy trong quá trình học tập phổ thông. Đây là một tình huống đặc thù, bởi vì không phải ai cũng may mắn có cơ hội tiếp cận những phần thưởng kiểu này. Có một phần thưởng phổ biến hơn mà đa phần mọi người đều có thể hướng tới: một tương lai sung túc và hạnh phúc thông qua học thức. Tuy nhiên, nếu con cái bạn sinh ra trong một gia đình quá sung túc và đầy đủ, phần thưởng nào sẽ đủ hấp dẫn để thúc đẩy chúng nổ lực học tập? Đây là một câu hỏi khó mà mình đã đặt vấn đề ngay ở mở bài. Có lẽ nó phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, và sự linh động, khéo léo của những bậc phụ huynh.
Như vậy, thời niên thiếu, mình đã may mắn được phát triển trong một môi trường giáo dục có cả reward và punishment. Trong đó, punishment đã rèn luyện cho mình tính kỉ luật, reward tạo động lực để mình nổ lực học tập và liên tục phát triển. Nhưng cần phải nhấn mạnh, mình là một trường hợp may mắn, nếu adapt một cá thể khác vào tình huống của mình, có thể sẽ thất bại.
Nói tóm lại, muốn xây dựng một hệ thống giáo dục tốt cho con trẻ, bạn cần khéo léo kết hợp giữa thưởng và phạt. Điều khó khăn là, không có công thức chung cho việc này, bạn cần rất nhiều nổ lực để xây dựng chúng. Hoặc là mong chờ một sự may mắn, như mình đã từng có.
VI
0 notes
Text
[F] LUẬN VỀ BẢN CHẤT HIẾU CHIẾN CỦA CON NGƯỜI
Hôm trước, có một thằng nhóc trên Quora VN c��i nhau với mình dưới một post về "Các triều đại mạnh nhất trong lịch sử nhân loại". Nó bảo người viết bài thiếu hiểu biết và ngu muội khi không đưa bất kì một triều đại của Việt Nam nào vào bài viết -_- Luận cứ của nó là nhà Trần từng 3 lần đánh bại Mông Nguyên, Lý Thường Kiệt kéo quân đến tận Vân Nam uy hiếp Đại Tống. Từ đó nó đưa ra luận điểm rằng Đại Việt ta vốn dĩ “cực mạnh" nhưng yêu hòa bình nên không tiến hành chiến tranh xâm lược quy mô lớn như Trung Hoa hay Mông Cổ…
Hôm đó mình bảo với nó, Đại Việt cũng như Đại Hán, dân tộc nào cũng khát máu của những kẻ yếu hơn. Dẫn chứng mình đưa ra là quá trình xâm lược và đồng hóa (đúng hơn là diệt chủng) vương quốc Chăm Pa của Đại Việt. Còn lý do mà người Việt, xuyên suốt 4000 năm văn hiến, hiếm khi thực hiện các cuộc xâm lăng và bành trướng đơn giản là vì phía Bắc của chúng ta là Trung Hoa hùng mạnh, còn phía Nam lại quá hoang vu. Mà nó vẫn cứ cãi, còn bảo mình xúc phạm dân tộc… thôi thì kệ nó, vạn người mới có một đứa ngu như vậy.
Nhưng mà tức thật, hôm nay mình tìm được một dẫn chứng rõ ràng hơn cho luận điểm của mình. Đó chính là trận công thành Ung Châu của Lý Thường Kiệt - một trong những nhân vật kiệt xuất nhất lịch sử nước ta. Mọi người có thể xem phím ngắn của Đuốc Mồi để hiểu rõ hơn về trận chiến oai hùng này: https://youtu.be/AbRg5rH6fxo
Tình tiết nổi bậc nhất của cuộc chiến này là: sau khi phá được Ung Châu Thành, Lý Thường Kiệt ra lệnh hạ sát toàn bộ 6 vạn thường dân trong thành. Chặt đầu chất thành đống, mỗi đống 100 mạng, cả thảy 580 đống.
Mặc dù hành động này của Thái Úy là vô cùng tàn bạo nhưng mình không hề có ý phê phán. Thậm chí, mình cho rằng, đây mới là những trang sử chói lọi nhất của lịch sử dân tộc. Bởi lẽ, hiếu chiến và tàn bạo là bản tính mãnh liệt nhất của con người, đặc biệt là người cổ & trung đại. Chúng ta có quyền lên án chiến tranh, thảm sát và diệt chủng, nhưng phải hiểu rõ về chiến tranh: đó là bản chất của con người, là nguyên liệu cho tiến hóa, là động lực để xã hội phát triển. Những đế chế như Babylon, La Mã, Hy Lạp, Mông Cổ,... nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế, khoa học mà không có chiến tranh và giết chóc, làm sao vươn lên tầm vóc như vậy.
Ngày nay, xã hội đã phát triển đến một mức độ hoàn toàn khác. Mình mong rằng bản chất của con người sẽ thay đổi: chúng ta không cần đến chiến tranh để phát triển và tiến hóa.
VI
0 notes
Text
[F] TỪ DUNKIRK ĐẾN STALINGRAD
Hôm trước mình vừa xem Cuộc Di Tản Dunkirk (2017) - bộ phim được đạo diễn bởi Christopher Nolan. Dù phim không để lại nhiều ấn tượng cho mình như các tác phẩm khác của Nolan nhưng nó vẫn khiến mình phải tìm hiểu chi tiết về trận Dunkirk - trận đánh cuối cùng trong Trận chiến nước Pháp.
Bạn đã bao giờ mắc phải 2 sai lầm liên tiếp theo kịch bản như thế này chưa?
- Lần thứ nhất, một tình huống T diễn ra, nó buộc bạn phải đưa ra một hành động. Lúc này, bạn cân nhắc giữa 2 lựa chọn: hành động A - an toàn và hành động M - mạo hiểm. Đa số sẽ chọn hành động an toàn, nhưng không may đó lại là một lựa chọn sai lầm.
- Lần thứ hai, một tình huống S khá giống với T diễn ra. Lần này, vì tâm lý bị ảnh hưởng bởi sai lầm lần trước, bạn kiên quyết lựa chọn hành động mạo hiểm M. Trong trường hợp này, bạn đưa ra quyết định khi vẫn chưa phân tích đầy đủ sự khác nhau giữa tình huống S và T. Không may, tình huống S có bản chất khác với T, và quyết định lựa chọn hành động M lại tiếp tục là một sai lầm.
Từ Dunkirk đến Stalingrad, Hitler đã rơi vào concept sai lầm kép rất phổ biến ở trên. (Thực ra mình không chắc là concept này có phổ biến hay không, nhưng ít nhất là mình và... Hitler đều đã từng mắc phải nó). Hitler đã sai lầm như thế nào ở Dunkirk? Sau thời kỳ Chiến Tranh Cuội (Phoney War), trận chiến nước Pháp bùng nổ ngày 10 tháng 5 1940. Từ phía đông, quân Đức thuộc Cụm Tập đoàn quân B xâm chiếm Hà Lan và tràn sang Bỉ, vượt qua phần lớn hệ thống phòng ngự biên giới của hai nước này trước khi quân Đồng Minh kịp đến. Ngày 14 tháng 5, Cụm Tập đoàn quân A của Đức đã chọc thủng tuyến phòng thủ tại Ardennes và nhanh chóng từ Sedan tiến về phía tây ra eo biển Manche, thực hiện đòn lưỡi hái đánh bọc sườn quân Đồng Minh. Đồng Minh mở nhiều cuộc phản kích, nổi bật là trận Arras, nhưng không cản nổi sức tấn công của địch. Quân Đức tiếp tục tràn tới và đến ngày 20 tháng 5 thì ra đến eo biến, cô lập 3 tập đoàn quân Pháp, lực lượng Viễn chinh Anh và quân đội Bỉ ở phía nam. Sau khi ra tới biển, quân Đức tiến lên phía bắc dọc theo bờ biển, đe dọa đánh chiếm các bến cảng và tiêu diệt các lực lượng Anh, Pháp trước khi họ có thể sơ tán. Boulogne và Calais lần lượt thất thủ, chỉ còn lại Dunkerque (Dunkirk) là cảng duy nhất chưa bị chiếm. Lúc này, nước Pháp xem như đã mất về tay Hitler nhưng điều quan trọng hơn là tình thế ngàn cân treo sợi tóc của 40 vạn liên quân Anh-Pháp ại eo biển Dunkirk. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, chỉ cần đội Tăng thiết giáp của Đức tiếp tục tiến công, phá vỡ phòng tuyến tại Dunkirk, kết hợp với pháo binh và không quân ném bom eo biển này thì có thể xóa sổ hoàn toàn lực lượng còn lại của liên quân Anh-Pháp. Cần phải nói thêm, 30 vạn quân Anh có mặt tại đây là toàn bộ lực lượng quân đội thời bình của nước Anh (tức là lực lượng tinh nhuệ nhất của đất nước). Lực lượng này bị tiêu diệt rất có thể sẽ dẫn đến quyết định đầu hàng của Thủ Tướng Anh - Winston Churchill, hoặc nếu không đầu hàng, thì nước Anh cũng xem như bị loại ra khỏi vòng chiến. Mà như các bạn đã biết, nửa sau của Chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức đã mất hàng ngàn khí tài quân sự bao gồm: máy bay, chiến hạm, tàu ngầm mà cũng không thể khuất phục được Anh Quốc. Thậm chí ở giai đoạn cuối cuộc chiến, liên quân Anh-Mỹ còn thực hiện cuộc đổ bộ Normandy - chiến dịch bước ngoặc dẫn tới sự thất thủ của Berlin. Những điều này có thể xem là khởi nguồn từ quyết định khó hiểu của Quốc Trưởng trong trận Dunkirk: QUYẾT ĐỊNH DỪNG TIẾN CÔNG. Đội hình xe tăng Đức được khi tiến sát Dunkirk thì được lệnh án binh bất động trong 48h để không quân oanh tạc tuyến phòng thủ, cho đến khi các sư đoàn bộ binh đến kết liễu quân Đồng minh. Chính quyết định ngừng tiến công này của Hitler đã giúp cho người Anh có đủ thời gian để thực hiện cuộc di tản Dunkirk. Mặc dù đã có không ít binh sĩ thiệt mạng trong các đợt oanh tạt của không quân Đức nhưng cuối cùng hơn 400 ngàn binh sĩ đã an toàn rời khỏi eo biển Dunkirk về nước Anh trên đủ các loại tàu thuyền - từ chiến hạm cho đến tàu dân sự. Churchill đã ca ngợi việc giải cứu này như là một "phép lạ của giải thoát". Không ai thực sự biết vì sao Hitler lại ra mệnh lệnh này. Nhưng nhiều người cho rằng có lẽ do từng tham chiến ở Pháp trong Thế chiến I, ông trùm phát xít tỏ ra thận trọng với địa hình bùn lầy tại Dunkirk, vốn gây khó khăn cho xe tăng khi di chuyển. Hermann Goering, tư lệnh không quân Đức, trấn an Hitler rằng oanh tạc cơ và tiêm kích có thể phát huy tối đa hiệu quả. Ngoài ra còn có lo ngại về hậu cần hoặc nguy cơ phe Đồng Minh phản công, hoặc khả năng Hitler bị bất ngờ trước chiến thắng chóng vánh dẫn tới mất tỉnh táo và trở nên quá thận trọng. Tuy không hoàn toàn chắc chắn nhưng có thể tạm kết luận rằng: tại Dunkirk, Hitler đã mắc sai lầm vì QUÁ THẬN TRỌNG. Nhưng sự thận trọng đó lại mất đi ở Liên Xô....
Tại Liên Xô, sau thời gian đầu chiếm ưu thế so với Hồng Quân nhờ đội quân thiện chiến cùng những khí tài quân sự hiện đại, tiêu biểu là lực lượng bộ binh và các sư đoàn tăng thiết giáp hùng mạnh, Đức Quốc Xã vấp phải khó khăn lớn khi tiến quân đến gần Moskva và quân đội Liên Xô bắt đầu phản công. Vào lúc này, quân đội của Hitler đã tiến được đến sát vùng ngoại ô của Moskva, họ giằng co với Hồng Quân tại chiến địa Stalingrad.
Việc chiếm được thành phố này có tầm quan trọng rất lớn đối với Hitler và cả Mussolini vì hai lý do chính. Thứ nhất, đây là một thành phố công nghiệp lớn nằm trên sông Volga - con đường giao thông vận tải mang tầm quan trọng chiến lược nối liền Biển Caspi và miền Bắc nước Nga. Vì vậy việc để mất Stalingrad vào tay phát xít Đức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận chuyển hàng hóa đến phía Bắc của Liên Xô, cũng như tạo cho quân Đức một chỗ trú chân qua mùa đông. Thứ hai, việc đánh chiếm Stalingrad sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Đức vốn đang tiến nhanh về vựa dầu tại vùng Kavkaz với mục tiêu cắt đứt nguồn cung ứng dầu hỏa cho Hồng quân Liên Xô. Thêm nữa, thành phố này mang tên của lãnh tụ I. V. Stalin, việc đánh chiếm thành phố này cũng sẽ là một thắng lợi quan trọng về mặt tinh thần và tư tưởng.
Vấn đề lớn nhất ở đây là mùa đông: Liên Xô, với lãnh thổ kéo dài toàn bộ phía bắc châu Á vào 40% châu Âu, có mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Chiếm được Stalingrad, lục quân Đức sẽ có chỗ trú ẩn tuyệt vời trong mùa đông, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các chiến dịch tấn công vào thủ đô Moskva khi mùa đông qua đi. Nhưng nếu không chiếm được Stalingrad trước khi mùa Đông đến, người Đức sẽ đối mặt với mùa đông lạnh giá của Liên Xô mà không có chỗ trú ẩn cũng như phòng thủ. Nếu điều đó xảy ra, quân đội của Hitler sẽ đứng trước nguy cơ bị Liên Xô phản công và loại bỏ hơn một nửa lực lượng tinh nhuệ của họ trong toàn chiến dịch Thế Chiến 2.
Vào lúc này, ở Stalingrad, Hitler gặp phải một tình huống tương tự như ở Dunkirk, ông ta đứng trước hai lựa chọn.
- Phương án rủi ro: Tiếp tục tiến đánh Stalingrad với mục tiêu chiếm được thành phố quan trọng này trước mùa đông, giúp chia cắt hoàn toàn lãnh thổ Liên Xô và làm bàn đạp tiến công Moskva khi mùa đông qua đi. Rủi ro của lựa chọn này đó là nếu thất bại, Hitler sẽ không có đường lui và Hồng Quân sẽ có cơ hội phá hỏng toàn bộ chiến dịch WW2 của người Đức.
- Phương án an toàn: rút quân về các vùng đã chiếm đóng, bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho đợt tiến công vào đầu năm sau. Dĩ nhiên, lựa chọn này cũng có trade-off đó là người Đức sẽ mất một số diện tích đã chiếm được trước đó, bao gồm phần lãnh thổ rộng lớn phía Tây Nam Stalingrad. Việc tiến công sau đó cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn, đồng thời cũng giúp người Nga có được một thời gian dài yên bình để chuẩn bị cho việc phòng thủ cũng như phản công. Tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là một lựa chọn an toàn, giúp cho Hitler có nhiều phương án quản trị rủi ro trong tương lai, thay vì chỉ có thể tiếp tục tử chiến và lún sâu ở Stalingrad nếu chọn phương án rủi ro và không đạt được thành công.
Khác với ở Dunkirk, lần này Hitler đã lựa chọn phương án rủi ro, và đó có lẽ là sai lầm lớn nhất của ông. Bởi ở Dunkirk, Hitler chỉ làm giảm đi cơ hội chiến thắng toàn cục của Đức Quốc Xã; còn với sai lầm ở Stalingrad, Hitler đã tự bắn vào đầu mình – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Sau 3 tháng chiến đấu ác liệt, ngày 15 tháng 10 quân Đức đột phá được tới bờ sông Volga tại phía nam nhà máy Barrikada. Và việc tiến tới bờ sông Volga đã là nỗ lực cuối cùng của phát xít Đức: cũng chính vào lúc này sức mạnh tiến công của quân đội Đức đã cạn kiệt. Chiến sự đi vào ổn định - quân Đức đã đi quá xa nguồn tiếp ứng của mình và việc đánh nhau trong thành phố không phải là lợi thế của quân tấn công: quân Đức đã mất hết lợi thế hoả lực và tấn công cơ động. Tổng cộng tính từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1942, tại các mặt trận sông Don, sông Volga và Stalingrad, quân Đức đã mất 60 vạn người, 1 nghìn xe tăng cùng nhiều trang thiết bị khác và lâm vào tình thế hết sức khó khăn.
Lúc này, mùa đông khắc nghiệt của nước Nga đã đến, Hitler đã chính thức sa lầy ở Stalingrad. Hồng Quân tổ chức chiến dịch phản công Sao Thiên Vương, bao vây Tập đoàn quân số 6, gồm 30 vạn quân Đức và chư hầu. Đây có thể nói là bước ngoặc của Thế Chiến 2, khi một nửa lực lượng tinh nhuệ của Đức cho toàn bộ chiến dịch Thế chiến đã bị bao vây và tiêu diệt tại Liên Xô. Sau đó, cùng với cuộc phản công quy mô lớn của Hồng Quân Liên Xô và chiến dịch đổ bộ Normandy của liên quân Anh – Đức, đế chế của phát xít Đức đã hoàn toàn sụp đổ.
Như vậy, sau sai lầm ở Dunkirk vì quá thận trọng, Hitler đã làm khác đi ở Stalingrad, tức là chấp nhận mạo hiểm tại đây. Thế nhưng, lựa chọn này vẫn là một sai lầm. Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta cũng sẽ rất dễ rơi vào tình huống tương tự: hành động dựa theo kinh nghiệm nhưng không xem xét kĩ lưỡng sự khác nhau giữa hai tình huống, kết quả là lại tiếp tục làm sai.
1 note
·
View note
Text
[F] GLOBAL CITIZEN
Hồi niên thiếu, tôi thích đắm chìm trong thế giới của văn hóa đại chúng Mỹ. Who don't like Hollywood, US-UK? Như bao thiếu niên khác có sở thích tương tự, tôi cũng dần hình thành trong đầu một "giấc mơ Mỹ": giấc mơ được đặt chân lên đất Mỹ, được trải nghiệm văn hóa Mỹ và... được sống ở Mỹ.
Nhưng càng lớn, tôi hiểu biết nhiều hơn, tiếp thu được nhiều vấn đề hơn và trở nên ít thích nước Mỹ hơn. Nếu được chọn để sống ở Mỹ và Việt Nam, tôi vẫn sẽ chọn Việt Nam. Không phải tôi đang lãng mạn hóa lòng yêu nước đâu, ý tôi là nếu có cơ hội để sống ở một đất nước tốt hơn, nước Mỹ không phải là lựa chọn của tôi. Trưa hôm nay, tôi xem livestream countdown ở Times Square, một phần của giấc mơ Mỹ ngày xưa lại trỗi dậy: tôi quá thích bầu không khí này. Trong đầu tôi lại lóe lên một suy nghĩ, mình nhất định phải được đến đó một lần, vào dịp năm mới. New York, trung tâm tài chính của Hoa Kỳ, một trong những thành phố quan trọng nhất của thế giới, thật tuyệt vời nếu được đến đấy :D Sau đó, tôi còn xem lại countdown ở Paris, ở Rome và vài nơi khác. Tất cả đều khiến tôi thích thú. Bây giờ, trong đầu tôi đã in sâu một khái niệm: Global Citizen, nó không giống như Global Citizen mà bạn hay nghe truyền thông Việt Nam đề cập rất nhiều thời đầu 2010s (thời bắt đầu hội nhập sâu và vừa mới tham gia WTO). Nó là một Global Citizen của riêng tôi định nghĩa, và đó có lẽ là giấc mơ lớn nhất cuộc đời tôi. Nếu có dịp gặp trực tiếp, tôi sẽ nói cho bạn nghe về cách tôi định nghĩa khái niệm này, nó thực sự khác biệt và thú vị đấy. Tôi không thể nói đầy đủ về nó ở đây, vì cơ sở của khái niệm này được xây dựng từ những nhìn nhận về lịch sử & địa chính trị của riêng tôi - và đó là những góc nhìn rất nhạy cảm. Một khía cạnh nhỏ về khái niệm Global Citizen của tôi đó là: tôi có đủ khả năng (thời gian, sức khỏe & tài chính) để đến bất cứ nơi nào tôi thích trên thế giới, và thế giới phải thật sự hòa bình - thịnh vượng để bất cứ ai cũng có thể tự do đến bất cứ đâu.
VI
0 notes
Text
[F] VNG CHUẨN BỊ NIÊM YẾT TRÊN UPCOM - MỘT NỐT TRẦM CỦA KỲ LÂN CÔNG NGHỆ
Có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng, VNG là một doanh nghiệp đầy triển vọng, Lê Hồng Minh là một doanh nhân đầy tham vọng. Và tham vọng lớn nhất của CEO VNG có lẽ là đưa công ty IPO thành công ở Mỹ:
"Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi trong cùng một sân chơi và tiếp cận với những nhà đầu tư tốt nhất, cũng như khắt khe nhất trên thế giới" - ông Minh nói.
IPO ở Mỹ là điều mà chưa một doanh nghiệp Việt Nam nào làm được, và có lẽ sẽ còn khá lâu để làm được. Khi mà những cái tên triển vọng nhất là VinFAST & VNG đều đang gặp rất nhiều vấn đề trong thời gian qua. Suy thoái kinh tế toàn cầu giống như một gáo nước lạnh cho giấc mơ Hoa Kỳ còn đang dang dở của họ. Ngày mà VinFAST, VNG được niêm yết ở NASDAQ hay NYSE, có lẽ tôi sẽ vui không kém gì ngày ĐTQG Việt Nam dành vé dự World Cup. SUY THOÁI KINH TẾ BIẾN KỲ LÂN THÀNH KỲ ĐÀ... Đó là một câu nói vui cho có vần, nhưng thật ra nó cũng mang ý nghĩa hoán dụ khá chính xác. Năm 2014, công ty của Lê Hồng Minh được World Startup Report định giá 1 tỉ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỉ USD. Ấy thế mà đầu năm 2023, VNG lại niêm yết trên sàn UPCOM (Việt Nam) với định giá 350 triệu đô... Kỳ lân là danh xưng chỉ những start up được định giá hơn 1 tỉ đô, vậy với 350M đô thì tương xứng với hình ảnh kỳ đà rồi. Dù gì con vật này trông cũng ngầu đét chứ bộ, không hề hề như kỳ nhông 😂 Nói một tý về câu chuyện listing UPCOM. Ở Việt Nam, có 3 sàn giao dịch chứng khoán là HOSE, HNX & UPCOM. HOSE là sàn lớn nhất, có thể nói là xứng đáng với vị thế của VNG. Còn UPCOM, theo thuật ngữ của giới crypto thì được gọi là... sàn cỏ. Thế nhưng mà ngặt một cái, HOSE của Việt Nam có điều kiện quy định doanh nghiệp nào muốn niêm yết phải đạt lợi nhuận ròng 3 năm gần nhất. Mà VNG là start up, là kỳ lân, kỳ lân là phải bay, phải mơ mộng, phải tăng trưởng doanh số, còn lợi nhuận là câu chuyện của một thập kỉ nữa. Vì lẽ đó nên VNG gần như không thể niêm yết ở HOSE, có lẽ điều này lại càng thúc đẩy tham vọng IPO ở Mỹ của Lê Hồng Minh: go big or go home. Kết quả là: GO HOME, LIST UPCOM 😂 Có lẽ phải khó khăn lắm thì sếp Minh mới list VNG lên UPCOM với mức định giá này. Thời điểm này chuyện doanh nghiệp "khát" tiền là điều quá hiển nhiên. Câu chuyện listing của VNG cũng nên được xem là một chỉ báo cho chúng ta biết rằng: giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn kéo dài rất lâu nữa, và mọi thứ có thể chỉ mới bắt đầu.
Tết này nhịn ăn nhịn xài góp tiền mua ít cổ ủng hộ kỳ đà trở lại vị thế kỳ lân. Dù gì cũng là công ty duy nhất tôi từng làm, bản thân lại không có đóng góp gì đáng kể, cơ hội để đền đáp công ty đây rồi 😅
VI
0 notes
Text
[F] FMS 02: ĐỪNG MUA VÉ SỐ
Dưới góc nhìn vĩ mô, mình không phản đối hoạt động kinh doanh xổ số. Đây là ngành kinh tế mang về ngân sách không nhỏ cho các địa phương, cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động trên khắp cả nước. Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, mình chọn không bao giờ mua vé số. Dĩ nhiên, đó không đơn thuần là một lựa chọn mang tính sở thích, mình có lí do cho điều đó.
1. Kì vọng âm
Dù không phải người sống theo trường phái tâm linh nhưng mình rất xem trọng yếu tố may mắn trong cuộc sống. Mình luôn nhìn cuộc sống quy về 2 yếu tố: ngẫu nhiên (xác suất) và may mắn. Khi bạn nổ lực làm việc chăm chỉ, bạn làm tăng xác suất đạt giá trị "thành công" trong biến ngẫu nhiên "cuộc sống" của bạn. Điều đáng chú ý là cho dù bạn tài năng và chăm chỉ đến mức nào, xác suất này vẫn luôn nhỏ hơn 1. Vì thế, bạn vẫn luôn cần ít nhiều may mắn để trở nên thành công trong cuộc sống.
Khi biết rằng ngẫu nhiên là bản chất của sự vận hành vũ trụ ở cấp độ lượng tử, mình lại càng yêu thích yếu tố may mắn và ngẫu nhiên trong cuộc sống hơn. Và một sự thật là, từ nhỏ, mình đã rất thích những trò chơi may rủi.
Nhưng mình cũng là một con chiên của Toán học, vì thế với những trò may rủi, mình luôn xem xét yếu tố kì vọng (lợi nhuận) của trò chơi đó. Và mình chỉ thích những trò may rủi có kì vọng dương hoặc không "quá âm".
Giải thích dễ hiểu về trò chơi có kì vọng dương: đó là một trò chơi may rủi mà nếu như bạn chơi một số ván đủ lớn, bạn sẽ thắng tiền, gần như chắc chắn. Giải thích khó hiểu: xác suất chiến thắng chung cuộc sẽ tiến về 1 khi số ván bài tiến về vô cùng.
Nếu chơi bầu cua và bạn cầm cái, đó là một trò chơi có kì vọng dương. Tương tự với xì dách. Ở chiều ngược lại, bạn chơi bầu cua nhưng không cầm cái, bạn đang tham gia một trò chơi may rủi có kì vọng âm.
Nhà cái luôn thắng, đôi lúc là nhờ bịp bợm, nhưng trong đa số trường hợp, đó là Toán học!
Mua vé số dĩ nhiên cũng là một trò chơi may rủi, và trò chơi này có kì vọng lợi nhuận... rất âm.
Thật ra mình không cần phải đưa ra quá nhiều lập luận để chứng minh điều này, vì nó là một cảm quan rất hiển nhiên. Nhưng nếu cần chứng minh, sẽ phải dùng một chút toán thống kê ở đây.
Để xác định kì vọng cho trò chơi vé số, chúng ta phải đưa ra một trường hợp lí tưởng của trò chơi này. Đó là trường hợp mà tất cả các tờ vé số trong ngày đều được bán hết, và mỗi tờ (bộ số) chỉ bán duy nhất một lần. Khi đó, tổng số tiền thưởng của tất cả người chơi trúng giải sẽ bằng 1/2 tổng giá trị của tất cả các tờ vé số.
(Con số 1/2 đến từ một bài viết về kinh doanh vé số mà mình từng đọc cách đây khá lâu, hiện tại thì mình chưa kiểm chứng lại. Nhưng có lẽ điều đó cũng không quá cần thiết, vì nếu có sai lệch thì nó cũng không quá lớn: 2/3 hay 1/2 thì cũng đều "khá xa" 1)
Như vậy, giả sử mình bỏ x đồng để mua tất cả các tờ vé số trong ngày hôm đó, số tiền mình thu về sẽ là x/2 đồng. Lợi nhuận là -x/2, vì thế có thể kết luận, đây là một trò chơi có kì vọng -1/2. Too bad!!!
Chơi cá cược bóng đá hoặc đánh bầu cua (không phải cầm cái), bạn sẽ nhận được một kì vọng tốt hơn nhiều (dù vẫn âm).
Lưu ý là câu trên mình chỉ nói về khía cạnh lí thuyết kì vọng thôi nhé, còn trên thực tế thì cá cược bóng đá hay cờ bạc có tính chất vô cùng khác: gây nghiện và dùng vốn lớn. Làm gì có ai phải bán nhà vì chơi vé số đâu, nhưng cá độ thì có.
Tóm lại, mình thích chơi cờ bạc (dù không cổ súy nó) hơn là mua vé số, vì nó có vẻ công bằng hơn, và cũng thú vị hơn.
2. Hãy tự mua một tờ vé số miễn phí mỗi ngày
Lí do chính thôi thúc người ta mua vé số là vì họ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để mua lấy hy vọng đổi đời. Nhưng điều bạn cần phải nhận ra đó là, bạn có thể mua một tờ vé số miễn phí mỗi ngày, bằng cách làm việc chăm chỉ và tư duy táo bạo hơn. Nghĩ ra các ý tưởng kinh doanh mới và nổ lực thực hiện nó, hoặc bỏ thời gian nghiên cứu một hình thức đầu tư mới đầy tiềm năng, hoặc đơn giản là làm việc chăm chỉ mỗi ngày để nhanh chóng thăng tiến hơn. Đó chính là những cách để bạn mua một tờ vé số miễn phí mỗi ngày.
Dĩ nhiên không thể kinh doanh hay đầu tư một phát ăn luôn, bạn có thể sẽ vấp ngã và phải làm lại nhiều lần. Mỗi lần thất bại, cứ xem như bạn đã hụt một giải vé số. Mua vé số càng nhiều lần, xác suất bạn trúng giải độc đắc càng cao.
3. Đừng mua vé số chỉ để ủng hộ người bán
Một lí do quan trọng khác khiến người ta mua vé số là lòng thương người: mua để ủng hộ người bán. Mình không phản đối cách suy nghĩ này, vì những người bán vé số đa phần là những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống cần nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ cộng đồng.
Nhưng đối với bản thân mình, mình không chọn mua vé số chỉ để giúp đỡ người bán vé số. Một lần nữa, lí do đến từ Toán học và những con số.
Theo mình biết (search google), với mỗi tờ vé số giá 10 nghìn đồng, người bán vé số chỉ lãi khoảng 1 nghìn. Như vậy nếu mình mua một tờ vé số, mình đã bỏ ra 10 nghìn để:
1/ Nhận lại một tài sản có giá trị thực (khi về tay mình) là 5 nghìn (kì vọng 1/2).
2/ Từ thiện cho người bán 1 nghìn.
Đối với mình, 4 nghìn còn lại là một sự tổn thất lớn!
Vì thế, khi nhìn thấy một người bán vé số đáng thương, và có suy nghĩ muốn giúp đỡ họ, mình thường gửi cho họ 5 hoặc 10 nghìn và bảo là: cháu gửi tặng ông/bà chứ cháu không mua vé số. Có đứa bạn bảo mình làm như vậy là không tốt, vì họ đi bán chứ không đi xin. Nhưng thực tế là, mình đã làm vậy rất nhiều lần và có vẻ như lần nào người nhận cũng đều vui vẻ. Còn nếu thực sự họ cảm thấy không vui, thì mình cũng đành chịu, vì từ thiện đúng người đúng cách không bao giờ là bài toán dễ.
______
Nếu bạn chưa biết thì series này có tên là "FMS - for my son", nơi mình chia sẻ những câu chuyện có thực của mình và góc nhìn cá nhân về cuộc sống. Quan điểm và góc nhìn của mình có thể sẽ khác một số người, có thể sẽ đúng hoặc sai hoặc không sai không đúng. Mình hy vọng nếu có khác biệt về quan điểm, bạn đọc cũng đừng phản đối hay tranh luận quá gay gắt, vì đó không phải là mục đích của series này.
Hà Quang
0 notes
Text
[F] FMS 01: KIÊU NGẠO HAY KHIÊM TỐN ĐỀU KHÔNG TỐT, BIẾT NGƯỜI BIẾT TA MỚI THẬT SỰ ĐEM LẠI THÀNH CÔNG
[For my son]
Một buổi tối rảnh rỗi, mình dành thời gian để suy nghĩ vài thứ vẫn vơ. Dù chỉ là vẫn vơ nhưng mình cảm thấy những suy nghĩ ấy có chiều sâu và rất đáng để viết ra.
Thế là mình quyết định sẽ start cái series này: nó sẽ giống như một cuốn nhật ký, nơi mà mình kể về các trải nghiệm mà bản thân đã trải qua cùng những bài học rút ra từ đó. Nhưng mình chỉ mới có 23 tuổi thôi và cũng chưa đạt được thành tựu vĩ đại gì cả, nên sẽ thật lố bịch nếu như mình viết ra những thứ này với mục đích "chia sẻ" cho cộng đồng. Vậy nên mình viết... for my son. Bạn đang đọc cuốn nhật ký của người khác viết cho con trai tương lai của họ, nghe cũng thú vị đấy chứ.
___
Hey son, gọi bạn xưng mình nhé.
Hồi học trung học (cấp hai), mình là học sinh xuất sắc ở lớp. Nhưng lúc đó, mình luôn bị người lớn (gia đình và thầy cô) dập khuôn với hình ảnh một thằng nhóc học giỏi nhưng kiêu ngạo và chủ quan. Mình rất ghét điều đó.
Mình đúng là kiêu ngạo thật, từ trung học đến tận bây giờ. Nhưng n�� chưa bao giờ là lý do gây ra những thất bại của mình thời trung học.
Hồi đó, mình tham gia khá nhiều cuộc thi HSG cấp Huyện, và luôn nhận được sự kì vọng rất lớn từ thầy cô. Thế nhưng trong hầu hết các lần thi, kết quả đều không như mong đợi. Thật ra kết quả không quá tệ: thường là giải Nhì, mình có một đống giải Nhì, và mình cũng không cho rằng giải Nhì là tệ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mình thường không làm được những bài Toán không quá phức tạp (so với năng lực của bản thân) hoặc làm sai ngớ ngẫn những bài đơn giản. Và thế là tất cả mọi người nói rằng mình thất bại vì kiêu ngạo và chủ quan.
Làm thế nào mà mình lại chủ quan ở một cuộc thi mà mình chưa bao giờ thật sự thành công?
Đội tuyển Bỉ (số 1 thế giới) thất bại ở World Cup vì họ kiêu ngạo?
PSG bị loại ở C1 dù có Messi, Mbappe và Neymar trong đội hình là vì họ chủ quan?
Không, chắc chắn là không phải thế!
Mình chẳng bao giờ chủ quan hay kiêu ngạo khi đi thi HSG cấp Huyện hồi trung học cơ sở cả. Mình lo lắng chết đi được, lo lắng vì nhiều lí do: vì chưa một lần thành công, vì sợ thất bại, và quan trọng nhất: vì sợ đối thủ. Một cuộc thi với hàng trăm thí sinh tham dự và mình chỉ biết rõ 3 đến 4 người trong số đó (những người bạn cùng trường mình). Mình run sợ và lo lắng vì không biết trong một trăm người kia, năng lực thực sự của mình nằm ở vị trí nào? Sự lo lắng là một đối thủ vô cùng đáng sợ, nó sẽ đánh gục bạn ở những bài toán tưởng chừng đơn giản nhất.
___
Cuối cấp hai, mình may mắn có được một thành công lớn trong kì thi giải Toán trên máy tính cầm tay. Và đó là bước ngoặc giúp mình thay đổi cách tiếp cận khi bước vào các cuộc thi: luôn mang vào phòng thi sự tự tin và bản lĩnh.
Bạn chỉ có được sự tự tin khi đã có năng lực và sự thành công nhất định. Và đặc biệt là khi đã hiểu về đối thủ cũng như nắm rõ vị thế của bản thân.
Sẽ rất khó để bạn có được sự tự tin trong lần đầu tham dự một cuộc thi: cọ sát và kinh nghiệm là điều vô cùng quan trọng.
Cứ như để cố chứng minh rằng suy nghĩ của giáo viên cấp hai về mình là sai: lên phổ thông mình lại càng kiêu ngạo hơn, nhưng thành công lại cứ đến, vượt ngoài mong đợi.
Như đã nói ở trên, thất bại hay thành công trong các cuộc thi của mình không nằm ở tính kiêu ngạo, nó nằm ở việc hiểu rõ bản thân và sự tự tin. Mình sẽ chứng minh điều đó một lần cuối bằng câu chuyện về kì thi HSG máy tính cầm tay cấp Tỉnh năm lớp 12 của mình.
Đó là một cuộc thi mà đa số các học sinh lớp 12 đều không mấy mặn mà: vì nó không được chú ý nhiều và vì họ sắp bước vào kì thi Đại học. Tuy nhiên, cũng chẳng dễ dàng gì để đạt giải cao trong một kì thi cấp Tỉnh. Mình nhận thức được điều đó và mình cũng đang rất khát khao thể hiện bản thân (sau thất bại thảm hại ở kì thi HSGQG trước đó). Vậy nên mình ôn luyện và chuẩn bị rất kĩ càng cho kì thi này.
Đây là một cuộc thi không nặng về Toán nhưng nó yêu cầu kỹ năng giải Toán nhanh và trình bày vấn đề một cách gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ ý (mình thực sự thấy những kĩ năng này cũng rất cần thiết). Đề thi có 10 câu tự luận và thời gian thi chỉ có 60 phút. Tức là nếu muốn giải hết đề thi, thí sinh chỉ có trung bình 6 phút để tìm ra đáp án và trình bày lời giải vắn tắt của một bài Toán tự luận. Ông anh tiền bối của mình bảo đây là cuộc thi viết chữ nhanh, haha cũng đúng.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước (bao gồm cả việc giải có bấm giờ hơn chục đề thi các năm trước ở nhà), mình tiếp cận bài thi một cách vô cùng tự tin. Hầu như các problem ở đây đều tương đối quen thuộc, mình đều làm qua và tập trình bày trước đó rồi. Và mình cũng hiểu là nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những bài Toán dù có bản chất không quá khó này thường sẽ ngốn rất nhiều thời gian của thí sinh (đó chính là biết người biết ta).
Thật tuyệt vời, năm đó mình hoàn thành cả 10 câu tự luận khi đồng hồ chưa điểm qua phút thứ 50. Kết quả là, mình dành được 50/50 điểm, không sót một điểm nào dù barem chấm thi có độ chia nhỏ nhất là 0.25 điểm. Một thành tích khá là bá đạo và đáng tự hào.
Wait, đoạn kiêu ngạo đâu rồi nhỉ?
À quên, kể thiếu. Sau khi hoàn thành cả 10 bài toán, mình chẳng thèm kiểm tra lại (chỉ scan một lần duy nhất để xem có quên làm câu nào không, vì dư 10p đúng là ngoài dự tính). Sau đó mình đảo mắt nhìn xung quanh thấy các thí sinh khác vẫn đang cặm cụi làm bài, chưa ai làm xong cả. Và rồi mình quyết định chơi ngông, đứng lên xin giám thị cho nộp bài sớm 10 phút - một hành động hoàn toàn không có ý nghĩa gì ngoài sự thể hiện. Các bạn nhìn mình khá là ngỡ ngàng, chắc cũng không ít thí sinh bị tâm lí trong 10 phút cuối sau pha xử lí out play của mình.
Nhưng kiêu ngạo cũng chẳng quá tốt lành, nó không ảnh hưởng đến mình trong phòng thi nhưng ở ngoài phòng thi nó lại khiến mình bị bạn bè cùng lớp xa lánh: người ta không thích làm bạn với một người luôn cố tỏ ra vượt trội. Thật ra nếu mình tiết chế hơn, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng bạn ơi, tuổi trẻ mà, ai cản mình ngông được.
___
Nhưng quá khiêm tốn cũng chẳng ích gì, vì lâu dần nó sẽ khiến bạn tự ti. Sự tự ti không chỉ khiến bạn lo lắng trong phòng thi mà nó còn xóa sổ đi vũ khí lợi hại nhất của bạn trong cuộc sống: khả năng nắm rõ vị thế của bản thân.
Mình có bao giờ tự ti chưa?
Không thường xuyên lắm nhưng vẫn có, và đó là những giai đoạn thực sự kinh khủng.
Mình sẽ kể về một câu chuyện khác xảy ra vào năm mình học lớp 12. Năm ấy, bằng một phép màu thần kì nào đó, mình đậu vào đội tuyển HSGQG môn Toán của Tỉnh (khúc này mình đang nói thật, không hề khiêm tốn hay tự ti: mình đậu bằng 30% năng lực, 70% may mắn). Đội tuyển có 6 người, 5 học sinh trường Chuyên và đứa còn lại là mình. Thật không mấy vui vẻ khi phải thú nhận rằng mình rất out trình trong cái lớp bồi dưỡng đó, nhưng ở chiều từ dưới lên. Mình không theo kịp các bài giảng, mình bị thiếu quá nhiều kiến thức, mình cũng tư duy không tốt bằng những đứa kia. Thế là mình stress trầm trọng, chỉ số tự tin của mình trước đây luôn nằm ở mức 90+ thì giờ rơi vào trạng thái âm. Ngày đi thi, mình cực kì tự ti và lo lắng, và còn xui thay, đề thi năm đó khá khó. Dĩ nhiên là cho dù đề thi có dễ nhất trong lịch sử và mình mang 100 điểm tự tin vào phòng thi thì cũng chẳng mảy may có cái hy vọng đậu đâu. Nhưng sự tự ti và lo lắng quá mức đã khiến mình kết thúc bài thi với một kết quả quá sức tưởng tượng: 7 câu có lẻ, chẳng làm được câu nào.
___
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Ở phần cuối của FMS 01, mình sẽ kể về câu chuyện học Đại học, và lí do mà mình thay đổi định hướng sự nghiệp bản thân.
Mình đậu Đại học với số điểm khá cao và được vào học lớp Tài năng của Khoa Công nghệ Thông tin. Ở đây, nói một cách nôm na, là tập hợp của các quái kiệt lập trình khu vực phía Nam.
Mình vẫn học khá ổn, đạt một vài thành tích cũng đáng tự hào: bán kết cuộc thi học thuật Thách thức, tốt nghiệp loại Giỏi, đậu vào fresher của Zalo. Nhưng mà, càng ráng học code, rồi đi thực tập, mình càng nhận ra, so với bạn bè xung quanh, mình ở một đẳng cấp quá đỗi bình thường.
Mình không thích làm một người bình thường, mình có tài mà. Có điều mình không thể cứ lẩm bẩm trong đầu “bạn tài giỏi, tôi cũng thế” rồi cắm đầu giải 1000 bài leet code hoặc đọc vài ba cuốn sách lập trình được. Đơn giản là mình không đủ đam mê và khả năng trong lĩnh vực này. Vậy nên, mình từ bỏ.
Mình bỏ code nhưng vẫn đang làm những công việc vận dụng khá nhiều kiến thức đến từ ngành Công nghệ Thông tin. Cũng như vẫn đang tận dụng được rất nhiều mối quan hệ thời Đại học cho công việc hiện tại. Và quan trọng nhất, công việc hiện tại có tiềm năng giúp mình trở nên thật sự nổi bậc: điều mà mình không thể nào làm được nếu tiếp tục làm lập trình viên.
Vậy đó, biết người biết ta, hiểu được vị thế của bản thân, chúng ta mới đưa ra được những quyết định khiến bản thân hài lòng.
Hà Quang
0 notes
Text
[F] Học làm cha mẹ
Thay vì bắt con cái ở tuổi thiếu niên phải học khóa học này khóa học kia, phải đọc cuốn sách này cuốn sách nọ. Chính những người làm cha mẹ mới cần phải học trước tiên: học làm cha mẹ.
Mình không có ý phê phán gì ở đây, đó chỉ là lời tự nhủ dành cho bản thân mình trong tương lai. Mình được lớn lên trong một môi trường giáo dục tốt nhưng trong đó vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm. Mình luôn tự nhủ sau này sẽ không để những khuyết điểm đó tái hiện. Và thú thật, mình cảm thấy điều đó không hề dễ dàng. Vậy nên mình nghĩ, có con phải là một kế hoạch vô cùng kĩ lưỡng và tỉ mỉ. Và phần đầu tiên trong kế hoạch đó là giáo dục, không phải là giáo dục con cái, mà là giáo dục cho người sắp làm cha mẹ: đọc sách nuôi dạy con, sách tâm lý, tham gia khóa học, lắng nghe từ những người đi trước (có chọn lọc), ...
Nếu chưa có đủ thời gian và điều kiện kinh tế để học cách làm cha mẹ, tức là bạn chưa có một kế hoạch hoàn hảo cho việc đó. Một khi chưa có kế hoạch hoàn hảo, mình sẽ không làm gì cả (một câu lấy idea từ series Vượt Ngục mà mình rất thích).
Mình nghĩ đây là một tư duy đơn giản nhưng nếu phổ biến nó có thể thay đổi xã hội hiện đại rất nhiều. Mình chưa từng thấy một bậc phụ huynh ở thế hệ cũ nào có tư duy như vậy cả (dĩ nhiên một phần lí do nằm ở điều kiện kinh tế - xã hội, một phần là vì cái giếng của mình cũng tương đối hẹp).
Hà Quang
0 notes
Text
[F] VÌ SAO TIẾN HÓA VẪN CÒN GÂY TRANH CÃI?
Series em yêu khoa học
Tôi đã bỏ ra cả ngày dài để đọc về thuyết tiến hóa, chẳng phải vì tôi yêu bộ môn Sinh học hay là tôi hào hứng về cuộc đời & sự nghiệp của Charles Darwin. Chỉ có một thứ làm tôi thắc mắc: vì sao tiến hóa vẫn còn tranh cãi?
Với sự ra đời của thuyết Tiến hóa Tổng hợp Hiện đại (bản vá lỗi của thuyết Tiến hóa Darwin), quan điểm về nguồn gốc của sự sống đã không còn gây tranh cãi lớn trong giới khoa học. Các nhà khoa học giờ đây hầu như chỉ cố gắng hoàn thiện nó, chứ không phải là phản biện nó. Nhưng tiến hóa vẫn luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm, được giảng dạy hạn chế ở chương trình phổ thông một số nước, được đem ra thảo luận và phản biện nảy lửa trên Internet. Cụ thể hơn, một phần không nhỏ dân số thế giới vẫn không tin vào tiến hóa (đặc biệt là ở Mỹ, qua khảo sát). Tôi nghĩ điều này có sự ảnh hưởng lớn bởi tôn giáo (như thường lệ), những người theo tôn giáo độc Thần quan niệm rằng: Chúa trời tạo ra sự sống, những vẻ đẹp tinh tế của thế giới tự nhiên đều do ngài sắp đặt.
Tôi không có quan điểm chỉ trích tôn giáo (tôi không dám). Ngay cả Einstein vẫn tin vào Chúa trời, và Chúa thì còn hiện diện trong cả Thuyết Tương Đối lẫn Cơ Học Lượng Tử. Mà thôi, hãy tạm gác tôn giáo qua một bên, nó là một chủ đề nhạy cảm mà một người thông minh phải hiểu rằng nên hạn chế bàn đến.
Trở lại với thuyết Tiến hóa, như những người yêu khoa học khác, tôi hoàn toàn tin vào tiến hóa. Nhưng một phần không nhỏ nhân loại vẫn không tin, vẫn phản biện, vẫn lập luận để "chống tiến hóa". Ngay lần đầu đọc được những tranh cãi xoay quanh tiến hóa, tôi đã nghĩ ngay đến một lý thuyết khác, một trụ cột của ngành Vật lý lý thuyết: thuyết Big Bang (vụ nổ lớn). Thuyết Big bang có thể xem như một thuyết Tiến hóa của Vật lý, hoặc ngược lại, thuyết Tiến hóa chính là thuyết Big bang của Sinh học. Điều lúc đấy tôi thắc mắc là: sao chẳng mấy ai tranh cãi về Big bang?
Trước khi thuyết Big bang ra đời, lý thuyết được chấp nhận rộng rãi trong giới khoa học về sự hình thành của Vũ trụ là thuyết Vũ trụ tĩnh. Điều này rất giống với câu chuyện của thuyết Tiến hóa. Trước khi Darwin ra đời ý tưởng về sự tiến hóa, loài người vẫn đang nghĩ rằng tự nhiên và các sinh vật vốn dĩ từ khai sinh đã là như thế, không có chuyện một loài là tổ tiên của một loài khác. Còn trong Vật lý, thuyết Vũ trụ tĩnh cho rằng Vũ trụ là bất biến, được lấp đầy bởi một vật chất vô hình là Ete. Vũ trụ từ thuở khai sinh đã như vậy và qua thời gian chỉ có những vận động nội tại nhỏ diễn ra chứ bản chất Vũ trụ không có sự biến đổi. Lý thuyết này bắt đầu bị nghi ngờ khi Edwin Hubble phát hiện ra rằng các Thiên hà đang ngày càng xa nhau, tức là vũ trụ đang giãn nở. Cùng với những khẳng định của Einstein về tốc độ tuyệt đối của ánh sáng trong chân không (thuyết tương đối hẹp), xóa bỏ ý tưởng về vật chất đặc biệt mang tên Ete lấp đầy vũ trụ, thuyết Vũ trụ tĩnh bị ném vào sọt rác, thuyết Big bang ra đời.
Thuyết Big bang cho rằng, vũ trụ hình thành từ một "điểm kì dị" có kích thước vô cùng nhỏ và khối lượng vô cùng lớn. Khi vụ nổ lớn (big bang) tại điểm đó xảy ra, vũ trụ được hình thành và không ngừng giãn nở về không gian cho đến tận ngày nay. (xem hình minh họa).
Thuyết Big bang và thuyết Tiến hóa có hai điểm chung cơ bản. Thứ nhất là khẳng định rằng tự nhiên có sự phát triển từ sơ khai cho đến hoàn thiện, tự nhiên vốn dĩ không đẹp và tinh tế như thế này ở 1 triệu hay 1 tỉ năm trước. Điểm chung thứ hai, đó là cả 2 lý thuyết đều không xóa bỏ sự tồn tại của Chúa trời. Thuyết Big bang chưa thể giải thích được điều gì đã xảy ra trước Big bang, thuyết Tiến hóa chưa thể giải thích hết được sự kì diệu và tinh tế của quá trình tiến hóa. Những điều chưa giải thích được đấy tạm thời xem như do bàn tay của Chúa nhúng vào.
Thuyết Big bang sau hàng chục năm phát triển và hoàn thiện, đã được chấp nhận rộng rãi và được củng cố bằng những thực nghiệm vô cùng tinh vi và chính xác (tiêu biểu là phát hiện hạt Higgs - Nobel Vật lý 2013). Không ai tranh cãi về Big bang nữa cả, nhưng tại sao họ vẫn nghi ngờ tiến hóa?
Nói dài dòng đến thế mà tôi vẫn chưa trả lời câu hỏi ở đầu bài, chắc bạn đọc sốt ruột lắm rồi. Thực ra thì trả lời câu hỏi ở tiêu đề không phải mục đích chính của bài viết này. Nhưng để bài viết kết thúc một cách có hậu, tôi sẽ đưa ra hai lý do chính khiến người ta vẫn tranh cãi về thuyết Tiến hóa nhưng lại chẳng thèm đụng đến thuyết Big bang.
Một là, có rất ít người ngoài giới khoa học biết đến và hiểu thuyết Big bang, nó không phải là một kiến thức giáo dục phổ thông như thuyết Tiến hóa. Đó cũng là lý do mà ở bài viết này, tôi phải dành ra một đoạn khá dài để miêu tả về Big bang. Một kiến thức không phải là phổ thông thì dĩ nhiên sẽ ít được nhắc đến, ít được đem ra bàn cãi. Nói nôm na là: Big bang quá khó hiểu để có thể phản biện.
Hai là, những bằng chứng bảo vệ thuyết Tiến hóa rất dễ gây tranh cãi. Bằng chứng tiêu biểu nhất để chứng minh quá trình tiến hóa đó là những hóa thạch chuyển tiếp. Ví dụ để chứng minh rằng loài người được tiến hóa từ loài vượn, người ta phải tìm thấy một lượng lớn hóa thạch của những loài chuyển tiếp: tức là loài vượn-người hoặc người-vượn. Tuy nhiên, khi tìm thấy những hóa thạch như vậy, rất dễ để những người chống tiến hóa lập luận rằng đây thực chất là hóa thạch của vượn (hoặc người) không hoàn thiện (hóa thạch hàng triệu năm tuổi thì không thể nào còn đủ 100% bộ xương). Hoặc họ sẽ cho rằng đó là hóa thạch của một loài hoàn toàn khác, ngẫu nhiên có những đặc tính chung của vượn và người (nghe chày cối vl nhưng cũng khó cãi được). Ngày nay, các nhà sinh vật học đã dùng những kĩ thuật phân tích gen hiện đại để bảo vệ thuyết tiến hóa một cách vững chãi hơn. Tuy nhiên, bằng những phép thuật nào đó, những người chống tiến hóa vẫn phản biện được.
Series khoa học này dài tập lắm nhé, nhớ đón đọc 😂
Hà Quang
0 notes
Text
[F] DIỄN GIẢI CƠ HỌC CỔ ĐIỂN, THUYẾT TƯƠNG ĐỐI VÀ CƠ HỌC LƯỢNG TỬ BẰNG NGÔN NGỮ... CON NGƯỜI.
Series em yêu khoa học
Hôm nay mình sẽ giải thích cho các bạn về mối liên hệ giữa 3 lý thuyết nổi tiếng của ngành vật lý học: cơ học cổ điển, thuyết tương đối và cơ học lượng tử, bằng ngôn ngữ mà bất kì ai học xong chương trình vật lý THPT đều có thể hiểu được. Nếu bạn đã từng tìm hiểu về những khái niệm này và cảm thấy nó quá cao siêu thì hôm nay bạn sẽ thực sự bất ngờ về cách diễn giải này đấy.
Bài viết này chỉ mang tính chất diễn giải cơ bản, không đi sâu vào bản chất, và có thể sẽ có sai sót về mặt kiến thức. Chống chỉ định: HSGQG môn vật lý, sinh viên ngành vật lý lý thuyết, mấy bạn này có xem thì ném đá nhẹ tay xíu.
Cách diễn giải của mình sẽ không giải thích cụ thể về khái niệm hay cơ sở của từng lý thuyết, vì như thế thì chả ai hiểu. Mà sẽ đưa ra một bài toán cụ thể sau đó nói về cách tiếp cận và giải quyết bài toán đó ở từng lý thuyết.
Bài toán của mình là: biết trước trạng thái hiện tại của một đối tượng, hãy xác định trạng thái của đối tượng đó sau thời gian t.
Cụ thể:
- Trạng thái hiện tại (đã biết) của một đối tượng gồm: vị trí (x0), vận tốc (v), khối lượng (m).
- Trạng thái mà chúng ta cần xác định là vị trí x của đối tượng tại thời điểm t.
1. Cơ học cổ điển
Đầu tiên, với cơ học cổ điển của Newton, bài toán này sẽ được giải quyết bằng một công thức mà bạn đã được học từ cấp 1: v = s/t hay s = v.t
Với s ở đây là quãng đường đi được, tức là: s = x – x0, suy ra x = x0 + vt. Bài toán được giải quyết.
(đối với không gian 2 chiều, cách tiếp cận là tương tự).
Một điều cần chú ý là phạm trù áp dụng của cơ học cổ điển: đó là các vật thể có khối lượng và vận tốc không lớn lắm, chính là những đối tượng chúng ta gặp hàng ngày. Ví dụ như: xe cộ, động vật, máy bay dân dụng,…
2. Thuyết tương đối
Tiếp theo, với thuyết tương đối của Einstein, bài toán trên trở nên phức tạp hơn. Lưu ý rằng, phạm trù sử dụng của thuyết tương đối là những vật thể có khối lượng (năng lượng) và vận tốc (động lượng) rất lớn. Cứ nhớ nôm na là những thứ rất lớn, như: mặt trời, hành tinh, thiên thể,…
Giới thiệu một chút về thuyết tương đối, ở lý thuyết này, Einstein đưa ra một khái niệm là không-thời gian tương đối. Nói một cách khoa học nửa mùa là như thế này: một vật có khối lượng (năng lượng) lớn và vận tốc (động lượng) lớn sẽ làm bẻ cong không-thời gian xung quanh nó, càng lớn thì càng cong. Hiểu một cách chợ búa thì như thế này, giả sử tôi nặng hơn bạn 1 triệu lần (con số minh họa) và tôi di chuyển với vận tốc rất nhanh. Khi tôi di chuyển bắt đầu từ A, sau 1 giờ tôi đi được đến B (hình dung tôi như là một hành tinh nào đó, bạn là người đứng ở Trái Đất quan sát tôi). Nếu bạn là người quan sát quá trình tôi đi từ A đến B, đồng hồ thời gian của bạn sẽ chỉ ra rằng tôi đã đi mất 1 ngày (con số minh họa). Nhắc lại, đối với tôi thì tôi mới chỉ đi có 1 tiếng, tức là thời gian của tôi trôi nhanh hơn bạn. Ai từng xem phim Interstellar thì sẽ hiểu ngay điều tôi vừa nói, ai vẫn chưa hiểu thì đọc lại lần nữa đi. Đọc 3 lần mà vẫn chưa hiểu thì có lẽ dừng ở đây được rồi, bạn và môn Vật Lý không có duyên.
Tới đây các bạn đã hình dung được công thức s = v.t ở trên không thể áp dụng được nữa, vì t đã mang tính tương đối. Giả sử bạn áp dụng công thức trên để tính toán xem sau thời gian t = 1 tiếng tôi đi được đoạn đường bao xa, thì sự thật là quãng đường bạn tính được sẽ nh��� hơn thực tế rất nhiều.
Einstein đã xây dựng một hệ thống tiên đề và một phương trình đạo hàm phi tuyến trong thuyết tương đối tổng quát để giải quyết trọn vẹn bài toán này. Dĩ nhiên là tôi cũng không hiểu hết mấy cái đó, bạn và tôi hiểu tới đây là được rồi.
Một điều cần lưu ý nữa, là thuyết tương đối đã bao hàm và tổng quát hóa được cơ học cổ điển. Tức là, nếu bạn áp dụng thuyết tương đối để tính toán thời gian cần để đi từ nhà đến trường, thì nó sẽ ra một kết quả vô cùng chính xác, chính xác hơn cơ học newton. Vấn đề ở đây là bạn không đủ nặng và chạy không đủ nhanh, nên sai số khi áp dụng cơ học newton là rất rất nhỏ, được xem như hoàn toàn đúng. Vậy nên trong cuộc sống hàng ngày, cơ học newton là đủ xài rồi, không phải ai cũng biết dùng phương trình phi tuyến.
3. Cơ học lượng tử
Bắt đầu cần nhiều não hơn rồi đấy!
Cơ học lượng tử là một lý thuyết cơ bản trong vật lý học miêu tả các tính chất vật lý của tự nhiên ở cấp độ nguyên tử và hạt hạ nguyên tử.
Tới đây thì bạn thấy rằng, “đối tượng” cần xác định trạng thái trong bài toán mở đầu của tôi một lần nữa thay đổi. Ban đầu thì chúng là những đối tượng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày (cơ học cổ điển), sau đó là những đối tượng siêu to khổng lồ (thuyết tương đối), giờ là đến những đối tượng siêu nhỏ - hạt cơ bản (cơ học lượng tử).
Cơ học lượng tử được tạo thành bởi 2 lý thuyết trụ cột. Thứ nhất là tính chất lưỡng tính sóng-hạt của hạt cơ bản (chồng chập lượng tử), phát biểu kiểu bất cần hiểu đó là: một hạt cơ bản sẽ vừa mang tính chất của sóng, vừa mang tính chất của hạt. Ok khó hiểu vl đúng không, tạm quên nó đi. Đến với trụ cột thứ hai của cơ học lượng tử: nguyên lý bất định. Nguyên lý này được Werner Heisenberg phát triển, ông nói rằng:
"Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác."
Đối với bạn nào yêu toán thì tui sẽ để bất đẳng thức của nguyên lý này dưới đây, ai ghét toán thì có thể kệ cmnđ ko quan trọng đâu.
Với phát biểu cực kì vi diệu phía trên của Heisenberg, ông đã gián tiếp bảo rằng bài toán tôi đặt ra ở đầu bài viết là SAI ĐỀ. Vì đối với một hạt cơ bản, chúng ta không thể nào biết được cùng lúc vị trí và vận tốc của nó.
Tuy nhiên, cơ học lượng tử ra đời cũng là để giải quyết bài toán đó mà thôi. Dù không thể xác định chính xác được vị trí và vận tốc của một hạt cơ bản, bất đẳng thức phía trên đã cung cấp một công cụ toán học để các nhà vật lý lượng tử thực hiện các phép tính toán trong một ngưỡng sai số biết trước. Hiểu một cách đơn giản là thế.
Cơ học lượng tử ra đời vào thế kỉ XX và đã được chứng minh tính đúng đắn qua hàng loạt thí nghiệm phức tạp suốt hàng chục năm qua. Giờ đây nó là một trong 2 trụ cột chính của ngành vật lý lý thuyết, bên cạnh thuyết tương đối.
Để tui tóm tắt lại:
- Cơ học cổ điển: áp dụng cho các đối tượng bình thường, tính được trạng thái sau của đối tượng nếu biết được trạng thái trước.
- Thuyết tương đối: áp dụng cho các đối tượng siêu to (hoặc đối tượng bình thường, vì nó tổng quát hóa được cơ học cổ điển), tính được trạng thái sau của đối tượng nếu biết được trạng thái trước nhưng phải chú ý đến tính tương đối của thời gian.
- Cơ học lượng tử: áp dụng với các đối tượng siêu nhỏ (hạt cơ bản), nó chỉ ra rằng không thể đo đạt chính xác trạng thái (vị trí + vận tốc) của một hạt cơ bản (tính bất định).
Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc cơ học lượng tử đã thay đổi thế giới quan của con người như thế nào, mâu thuẫn giữa thuyết tương đối và cơ học lượng tử, mục tiêu của ngành vật lý lý thuyết hiện tại. Dĩ nhiên là, vẫn với một ngôn ngữ mà người bình thường có thể hiểu được. Tuy nhiên, tui không chắc là ai đọc cũng hiểu.
Hà Quang
0 notes
Text
Chuyện thi Đại học 2021
Sáng nay lướt facebook thì đọc được 2 bài viết khá dài khiến mình có những dòng suy nghĩ trong đầu và muốn viết lên đây.
Bài đầu tiên mình đọc là cfs của một cô bé 2k3 kể chuyện bạn của cô vừa tự tử vì trượt cả 8 nguyện vọng Đại học. Hầy, chuyện áp lực học hành thi cử đã không còn là điều mới mẻ ở các nước Á Đông. Trường hợp của cô bé thi trượt, dĩ nhiên người đáng trách không phải em. Có lẽ đáng trách nhất là những người xung quanh đã tạo ra quá nhiều áp lực lên cô gái. Nhưng nhìn nhận một cách tổng quan, thì vấn đề áp lực học tập thi cử này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông rồi, nó giống như một thứ tín ngưỡng, không dễ để xóa bỏ trong vài thập kỉ.
Trước giờ mình thấy hài hước nhất là cứ mỗi dịp thi Đại học xong, lại có một đống page post những bài với nội dung kiểu: thi Đại học cũng chỉ thường thôi, vào Đại học các em mới biết thế nào là khó khăn, áp lực thực sự. Ở dưới là một loạt cmt của các bạn sinh viên vào nâng tầm những khó khăn mà các bạn gặp phải ở bậc Đại học, cho rằng áp lực khi thi vào Đại học chẳng là gì.
Trời ạ, tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung, không có kì thi nào sánh được với kì thi Đại học ở khía cạnh áp lực cả. Thi Đại học không chỉ là áp lực cho tương lai của chính bạn, mà còn có áp lực đến từ phụ huynh, và kinh khủng nhất là áp lực đến từ xã hội (cô, chú, bác, bạn của ba, bạn của mẹ, bà hàng xóm, ...). So sánh như thế này cho dễ hiểu, nếu bạn rớt môn ở Đại học, chỉ có bạn biết, nếu rớt nhiều môn quá thì có thêm ba mẹ của bạn biết. Còn nếu bạn rớt Đại học hoặc đạt kết quả thấp, cả xóm biết. Mà lúc đó thì không chỉ bạn bị áp lực, phụ huynh cũng bị áp lực: "mày học hành như vậy thì mặt mũi tao để đâu".
Tóm lại, áp lực xã hội đè lên đôi vai các sĩ tử tham dự kì thi Đại học là gần như không thể thay đổi hay giảm bớt trong ngắn hạn. Nhưng có một thứ có thể cải thiện: đề thi.
Nếu theo dõi mình thường xuyên, bạn sẽ biết mình không phải là một đứa thích phê phán nền giáo dục VN hay chỉ trích các chủ trương của Bộ GD. Well, phải thừa nhận nền GD ở Việt Nam còn những điểm bất cập, tuy nhiên nó là vấn đề mang tính hệ thống và không dễ để giải quyết trong ngắn hạn. Nhưng ở câu chuyện điểm chuẩn Đại học các năm qua, phải thừa nhận rằng nó quá ngớ ngẩn và vô lí.
Rất nhiều học sinh năm nay dù điểm thi cao nhưng trượt hầu hết các nguyện vọng, có em còn trượt toàn bộ (như cô gái đáng thương kia). Điểm chuẩn cao là hệ quả của đề thi dễ, nên điểm chuẩn không có lỗi. Mà thực ra đề thi dễ cũng không phải vấn đề chính, vấn đề là đề thi thiếu sự ổn định: năm khó khủng khiếp, năm dễ bất ngờ.
Có nhiều người sẽ bảo đề dễ thì dễ chung, khó thì khó chung chứ có vấn đề gì đâu. Đó là cái nhìn phiến diện, ở bức tranh lớn hơn, việc đề năm khó, năm dễ, chênh lệch quá nhiều khiến điểm chuẩn Đại học hàng năm tăng giảm chóng mặt. Điều này ảnh hướng rất nhiều đến việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp của học sinh. Các em học sinh lớp 12, các em chỉ là những đứa trẻ chăm học, chứ không phải những nhà hoạch định chiến lược hay nhà khoa học dữ liệu. Thi xong, điều duy nhất các em có thể cảm nhận đó là "năm nay đề dễ", các em không thể nào lường trước được với mức độ dễ đó thì điểm chuẩn năm nay sẽ tăng đến mức nào. Và sự thực là điểm chuẩn năm nay, so với năm ngoái, tăng ở mức không ai lường được cả.
2017 là năm đầu tiên Bộ GD thực hiện chủ trương thi Trắc Nghiệm cho toàn bộ các môn (trừ Ngữ Văn) và gộp các môn tự nhiên, xã hội vào chung một bài thi. Đó là năm mà điểm chuẩn tăng một các bất thường vì đề thi quá dễ. Ít nhất thì vào năm đó, Bộ GD vẫn có một lời giải thích hợp lí: năm đầu tiên thay đổi quy chế nên ra đề dễ nhằm giảm áp lực cho học sinh.
2021 là năm thứ 4 chủ trương trên được sử dụng. Sẽ chẳng thể có lời giải thích nào thỏa đáng cho lí do độ khó đề thi hàng năm vẫn cứ tăng giảm thất thường như vậy cả. Mình thực sự không hiểu, việc cải cách giáo dục thì khó chứ việc giữ tính ổn định của đề thi thì có gì là khó cơ chứ???
0 notes
Text
KHÔNG GIA ĐÌNH
Tháng 8 2021, và đây mới chỉ là cuốn sách đầu tiên tôi hoàn thành trong năm nay: Không Gia Đình của Hector Malot. Dưới đây là vài dòng suy nghĩ của tôi.
Chúng ta thường khắc sâu trong trí óc những nỗi buồn hơn là niềm vui...
Một cuốn tiểu thuyết hay, thường là một cuốn tiểu thuyết buồn, đối với tôi là như vậy. Giữa hàng chục tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Nhật Ánh, Mắt Biếc nổi lên là tác phẩm gây ấn tượng mạnh nhất trong lòng độc giả. Chẳng phải là vì người ta trăn trở cho mối duyên tình dang dở của Ngạn và "những" đôi mắt biếc hay sao? Trong hàng trăm mẩu truyện cổ tích nổi tiếng, Nàng Tiên Cá của Andersen là tác phẩm luôn nhận được sự mến mộ hàng đầu của độc giả trên toàn thế giới. Có lẽ một phần bởi vì đây là một câu chuyện cổ tích hoàn toàn khác: một chuyện cổ tích buồn.
Tôi vừa kể tên hai tác phẩm mà tôi thích nhất, chúng đã gây ấn tượng mạnh trong lòng tôi từ thuở thiếu niên (tôi đọc Mắt Biếc năm 14 tuổi và Nàng Tiên Cá năm 11 tuổi) cho đến tận bây giờ. Hôm nay, tôi tìm được tác phẩm thứ ba: Không Gia Đình.
Không Gia Đình có một cái kết đẹp, vô cùng hoàn mĩ, thường thì những cuốn sách kết đẹp như vậy chỉ khiến tôi thích thú chứ không làm tôi đủ suy tư để nhớ mãi. Nhưng Không Gia Đình thì khác, nó chắc chắn vẫn sẽ ở đây, nằm thổn thức trong trái tim tôi mãi đến tận sau này. Bởi lẽ, cuộc hành trình đầy phiêu lưu cùng những khó khăn mà Rêmi đã trải qua, những cảm xúc vui buồn của cậu ấy, gây ấn tượng rất mạnh lên trái tim tôi. Tôi thấy mình đâu đó trong đấy...
Tôi mê Không Gia Đình đến nổi nửa đêm đang đọc bản ebook nhưng phát hiện nó bị thiếu 1 chương, tôi vội mở Tiki để đặt bản cứng rồi cố gắng đi ngủ chờ đến mai để đọc một phiên bản đầy đủ, hoàn chỉnh nhất.
Tôi viết ra những dòng cảm xúc của mình sau khi đọc xong một tác phẩm đầy ý nghĩa đối với tôi, chứ chẳng có ý định phân tích nghệ thuật hay nội dung gì cả: đây không phải là một bài review sách. Nhưng tin tôi đi, Không Gia Đình phù hợp cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, cuốn sách này sẽ không làm bạn thất vọng đâu.
VI
0 notes
Text
Mỗi năm 2 cuốn sách
Hồi nhỏ, tôi từng đọc ở đâu đó rằng, mỗi năm chúng ta nên đọc ít nhất 2 cuốn sách. Lúc đó tôi nghĩ: sao mà dễ thế…
Nghĩ thế cũng phải thôi, thời ấy, tôi đọc cơ man là sách. Lúc nhỏ xíu, tôi nghiện truyện tranh, tôi mê đến nỗi còn lấy một cuốn sổ ghi lại tên và đánh số thứ tự tất cả những cuốn truyện đã đọc. Hồi đó còn nhỏ, không có nhiều tiền để mua sách, tôi chỉ mua được dăm ba cuốn thôi, rồi đem những cuốn đó trao đổi với mấy đứa bạn lấy truyện khác mà đọc. Tôi đặt mục tiêu là đọc 2 cuốn… mỗi tuần, và thậm chí tôi còn vượt xa mục tiêu ấy. Chỉ trong năm lớp 5, cuốn sổ của tôi lên tới 150 tựa sách. Dĩ nhiên, 95% trong số chúng là truyện tranh.
Lên Trung học, tôi chập chững bước vào thế giới của văn học. Những cuốn sách đầu tiên của tôi là tuyển tập truyện cổ Grim, tuyển tập thần thoại Việt Nam,… Nói chung là những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Lúc ấy tôi thích nhất là truyện Nàng Tiên Cá, tôi thích nó bởi vì nó phá tan cái mô típ quen thuộc mà tôi rất ghét ở truyện cổ tích: công chúa ắt sẽ gặp hoàng tử.
Lớn hơn một xíu, tôi mò đến tủ sách của ông, tôi đọc tuốt. Tủ sách của ông tôi chủ yếu là những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam trước cách mạng tháng tám, nổi bậc nhất là nhóm tác giả Tự Lực văn đoàn. Thực sự thì, mấy cuốn đó, tôi không mê lắm, vì nó hơi quá lứa tuổi của tôi, cả về nội dung lẫn nghệ thuật văn học. Nhưng bất kì một cuốn sách nào đọc qua, tôi đều trân trọng, tôi chưa thấy cuốn sách nào là dở cả. Ngày xưa em từng nói với tôi, thời ấy chúng ta là những đứa trẻ háu chữ, cuốn sách nào cũng là một món ăn ngon, tôi ấn tượng với điều này lắm.
Ấy thế mà khi lên cấp 3, vòng xoáy học tập và tiền bạc khiến tôi không còn nhiều thời gian dành cho sách nữa. Lớp 10 tôi vẫn còn đọc khá nhiều nhưng lên đến lớp 11 và 12, tôi bỏ hẳn. Tôi nhớ mình chỉ đọc được 1 cuốn sách trọn vẹn trong suốt 2 năm đó: Lược Sử Thời Gian. Vốn là tôi mua đến tận 2 cuốn sách của Stephen Hawking: Lược Sử Thời Gian và Vũ Trụ Trong Vỏ Hạt Dẻ, nhưng đọc xong cuốn Lược Sử, tôi không còn đủ minh mẫn để nuốt cuốn thứ hai… tôi bỏ cuộc.
*** thật ra thì lên Đại Học tôi đã đọc xong cuốn Vũ Trụ rồi, nhưng chỉ đọc lướt cho biết thôi, không có nghiền ngẫm như thời đọc cuốn Lược Sử.
Lên Đại học, không khác cấp ba là mấy, tôi vẫn ít đọc sách. Thật ra tôi vẫn giữ thói quen đọc mỗi ngày, đọc rất nhiều, nhưng không phải là sách. Đặc biệt là tôi trở nên rất ngại mua sách giấy, nếu đọc thì chỉ là sách điện tử thôi. Hồi nhỏ tôi thuộc team ủng hộ sách giấy và anti sách điện tử cơ đấy. Nhưng lên Đại học, tôi mới nhận ra một yếu điểm rất lớn của sách giấy: nó hữu hình. Vì thế, mỗi lần chuyển nhà, dọn nhà, chúng nó là gánh nặng. Tôi không hề muốn sở hữu một kho sách vật lý hàng trăm cân trước khi tôi có một ngôi nhà thực sự. Về mặt sách điện tử, thì đối với tôi, nó lại không thể cuốn hút bằng những tài liệu, bài viết nhan nhản trên internet và mạng xã hội. Thế là, mấy năm nay, tôi gần như lãng quên anh bạn thuở thiếu niên của tôi: sách.
Giờ đây, có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ tập lại thói quen đọc sách.
Hà Quang
0 notes
Text
[F] Khui chai rượu vang
Câu chuyện khui chai rượu của tôi là một ví dụ điển hình của khái niệm "lún sâu vào khủng hoảng". Một khái niệm mà bạn sẽ gặp khi người ta nhắc đến chiến tranh VN trong quá khứ hoặc chiến tranh Trung Đông ở hiện tại.
Đã đọc tới đây rồi thì đừng vội skip vì tưởng rằng tôi sắp ê a mấy cái học thuyết chính trị, quân sự như hồi 20 tủi. Tôi đã lớn rồi, bây giờ tôi chỉ thích viết truyện cười thôi 🐧
Đây không phải là lần đầu tiên tui mạnh dạn mua một chai rượu vang mà không có cái khui nào ở nhà. Lần trước, ở nhà một người bạn, tui đã khui thành công chai rượu bằng một cái vá lớn và một cái đũa inox. Cơ chế khá đơn giản, với cái khui, bạn có thể lấy cái nút (li-e) ra, với cãi đũa, bạn thụt cmn cái nút vào. Kiểu gì cũng được miễn là rượu nó chảy được ra ngoài. Tuy nhiên, bước vào cuộc chiến lần này, ngay từ đầu tôi đã mắc phải một sai lầm mang tính chiến lược, tôi dùng sai khí tài quân sự: đũa gỗ.
Ôi bạn ơi đũa gỗ thì chưa tới chợ đã hết tiền, mới đóng được nửa đường nó đã gãy cmn làm hai rồi. Câu chuyện bó đũa nào có phải chuyện cười: gộp lại thì mạnh, chia rẽ ra thì gãy. Không nghe lời các cụ muôn đời nát.
Để sửa sai, tôi nâng cấp khí tài quân sự, lục tìm mãi mới ra được chiếc đũa inox duy nhất còn lại trong nhà. Đũa inox là một thứ vũ khí với sức mạnh đáng sợ nhưng ở đây quân địch đ sợ. Tôi đóng chiếc đũa vào, đũa không gãy, nhưng cục li-e cũng không thụt xuống, chỉ có chiếc đũa xinh xắn bóng loáng của tui là ngày càng lún sâu vào chiến trường. Đến lúc này, nhận ra sai lầm, tôi hạ lệnh rút quân, cố hết sức rút chiếc đũa ra... nhưng nào được. Muộn, muộn rồi, bạn đến đây là bạn phải chơi tới cùng, thêm quân vào chiến trường đi bạn ơi. Thế là sau khi đóng đến lút cán cái đũa mà nút chai rượu mới chỉ thụt vào 2 phân. Tôi nhận ra mình đã lún sâu vào cuộc chiến, lúc này chỉ còn 2 lựa chọn. Một là chấp nhận thất bại toàn diện, bỏ chai rượu, bỏ luôn công sức xếp hàng bách hóa xanh chở về nhà nặng chết mẹ. Hai là tiếp tục chiến đấu, chấp nhận lún sâu hơn và không biết đến khi nào chiến tranh mới kết thúc.
Với bản tính hiếu thắng, tui không chấp nhận thất bại: tui liên lạc với đồng minh yêu cầu tư vấn chiến lược. Thằng bạn tôi, giải Nhì học sinh giỏi Hóa Quốc gia, bảo tôi hơ lửa cái nút chai. Nghe thì hay thật đấy nhưng bạn ơi ở nhà tôi thì làm rì có thứ vũ khí đó. Ở đây tôi có tủ lạnh, máy lạnh, lò vi sóng, bếp từ nhưng đào đâu ra cái máy lửa hả bạn. Một người không hút thuốc rượu chè như tui thì nàm sao mà có cái máy lửa cơ chứ, không lẽ bạn bắt tôi đập đá mồi lửa à =))))
Tưởng chừng như không còn giải pháp nào, thì người anh cùng phòng tôi lên tiếng: m đục cái gì ồn quá vậy Quang. Ngay lập tức tôi đưa ra tín hiệu SOS: đcm cứu cứu. Vâng, anh tôi, rất sung mãn, tiếp cận chiến trường và lập tức đưa ra giải pháp: lấy thêm chiếc đũa nữa nện vào. Mà lần này là đũa gỗ bạn ạ, nhà tôi hết mẹ đũa inox rồi. Thêm một "chiến đũa" nữa tham chiến, và nó nhanh chóng hy sinh như hai người anh em trước đó. Anh tôi vẫn không từ bỏ, anh lấy thêm 1 chiếc đũa gỗ nữa... Lúc này tôi đã thấp thoáng suy nghĩ trong đầu: đcm mai ăn cơm bằng muỗng à. Vâng, tổng cộng là 4 chiếc đũa hi sinh trong cuộc chiến lần này, và rượu vẫn nằm nguyên trong chai.
Lún bùn thật rồi các bạn ạ, lún cả hai chân rồi. Giờ thì không chỉ là mất chai rượu, nó còn là 4 chiếc đũa, kế sinh nhai hàng ngày của tui (không có đũa thì nấu ăn bằng mồm à). Nhưng anh tôi vẫn rất quả cảm, trên tay anh cầm con dao chặt thịt (thứ mà nãy giờ chúng tôi dùng thay cho búa). Không cần phải nghĩ nhiều, anh tôi cho rằng thịt chặt được thì thủy tinh cũng chặt được. Anh đặt chai rượu nằm ngang, rồi tưởng tượng đó là con gà con vịt, một nhát chém bổ xuống, chai rượu đầu lìa khỏi cổ, máu đỏ tuôn trào.
Câu chuyện kết thúc hơi ngang nhưng đcm còn gì để kể đâu các bạn, sau khi dọn nhà vcl luôn thì tôi ngồi hì hục viết ra cái stt này. Mong mọi người vui vẻ, lâu rồi tôi ko tấu hài =)))
VI
0 notes