#nhatkyluhanh
Explore tagged Tumblr posts
Text
Chị quày quã theo con lộ đi miết ra ngoài cầu tàu, chỗ ghe mủng sắp lớp nằm nghe ngóng xem mấy con sóng gió đẩy đã vào bờ thiệt chưa.
Mùa này, nắng đang rải đều giọt vàng lên mặt những trai tráng đang khoan thai xếp những thúng cá tôm lưng lửng mà giao cho thương lái.
...
Chị bước chân ra đảo thời còn con gái. Nhón chân đặt xuống nền cát phỏng, lui cui với mớ đồ đạc lùng nhùng mang theo. Một lát, chị ngoái lại phía sau thì chiếc tàu chỉ còn như cái nắm tay với cây cờ đỏ phần phật trong gió. Tiếng rít của sóng với tiếng con nít khóc í ới làm chị lặng đi, không dám để lộ vẻ hốt hoảng với chính mình.
Xóm chợ lô xô mấy nóc nhà, xoay cái lưng ra biển. Chị quen dần với cái nắng và những buổi trưa gió vần vũ quanh lũ bàng trơ nhánh. Bàng mẹ, bàng con cứ thay lá xanh rồi đỏ suốt năm. Trên đảo, bàng bám vào đá, vươn mình ra bãi, tríu cả con nước ròng mùa trăng già.
Chợ ngày trước rất lặng lẽ. Người ta bán buôn, ngồi sát với nhau nhưng ít nói lắm. Theo lời chị kể, chợ đảo chủ yếu là chỗ người ta ngồi nhìn nhau cho đỡ vắng. Từ đất liền ra đảo Côn Lôn này bao nhiêu thế hệ sau đều sống theo cách như vậy. Giữa muôn trùng khơi lênh đênh rồi cập vào cảng Bến Đầm, người ta thấy sợ và hiểu được cái mong manh của phận người.
Những lớp cư dân trước khi hình thành lao tù đã được dời đi, để lại nhiều dấu chỉ, địa danh lịch sử lẫn lộn gây nhiều tranh cãi. Côn Lôn trong ý niệm của đa số người được hỏi đều đồng nghĩa với thâm u, hoang lạnh và gai người.
Mà cũng khó mà vứt bỏ ý nghĩ đó được khi mỗi bước chân đi đều có thể gặp những vết tích hoen rỉ hay nguyên cả vệt tàn độc. Những con số bỏ mạng được khắc dấu thành mồ chôn lúc nào cũng nghi ngút khói khắp nẻo dọc theo con đường ven biển đẹp đến nín thở men từ Bến Đầm về tận Cỏ Ống làm người ta dễ hoang mang với cái mỹ cảm lẫn lộn với sự xót xa vì bạo tàn.
Côn Đảo là huyện thị duy nhất ở Việt Nam không có phân cấp hành chính. Sẽ không thấy xã, thị trấn hay thôn ấp mà người Côn Đảo dùng một phân cấp nôm na nghe lạ lẫm, mà đúng chất Côn Lôn: vùng và đặt theo số thứ tự.
Có 10 vùng dân cư rải rác trên hơn 50 cây số vuông và 15 cây số theo chiều từ đông sang tây. Tuy nhiên, các cơ quan hành chính đều quy tập ở Côn Sơn, nơi mà người Côn Đảo hay gọi phóng đại là thành phố, khu dân cư đông đúc nhất với con đường rợp bàng dọc bãi biển với cầu tàu lịch sử 914, con số tương ứng cho 914 tù nhân lao động khổ sai phải bỏ mạng khi xây cây cầu tàu này cho thực dân Pháp.
Côn Đảo đã bớt hoang vắng vì số lượng khách du lịch ra đảo đang tăng phi mã kéo theo nhiều cư dân, chủ yếu từ Cần Thơ, Hậu Giang ra đây làm hậu cần. Người ta đang lo Côn Đảo sẽ bị biến chất thành một thứ gì đó như Phú Quốc, Nha Trang với nhiều hổ lốn và khó coi. Con đường Tây Bắc 14km xuyên rừng ramsar Côn Đảo nối sân bay Cỏ Ống với Bến Đầm đã được quy hoạch "nắn lại để ít gây tổn thất nhất" vẫn khiến người ta hoài nghi về hiệu quả kích cầu kinh tế Côn Đảo trong khi đã có một tuyến đường đẹp và hiệu quả nối liền ba vùng trọng điểm.
...
Chị là dân Sài Gòn thứ thiệt với nhiều thế hệ sinh trưởng ở Quận Tư. Hỏi có nhớ cái láo nháo của Sài phố không, chị yên lặng, ngồi tựa tay hẳn vào mớ lưới cá bùng nhùng trên trên cái thúng úp xanh ngoét màu sơn mới. "Em ra đây vào mùa gió chướng đi. Em sẽ biết Côn Đảo thực sự là gì".
Nhìn vào mắt chị, tôi hiểu, cái hoang lạnh của đất, của nước, của gió không đáng sợ vì đã có Cô Sáu, gần như là nữ thần hộ mạng của cư dân Côn Đảo. Chị chỉ sợ cái lạnh lẽo của lòng người. Đó là khi người ta đối diện với lợi ích, với hơn thua và với cả cái tham vọng "phải giành được bằng mọi giá thứ đang là của chung". Sẽ luôn có những chiều khi gió chướng ập vào vần vũ những nóc nhà mong manh hay lúc phải quần tụ tựa lưng vào nhau ở nhà cộng đồng tránh bão.
...
Lúc đó mới thấy mọi thứ tích cóp phù du ngoài kia thật vô nghĩa.
0 notes