#Ngồi xuống đây cất sáo vui cùng hát ca
Explore tagged Tumblr posts
Text
Salvation
“Bầu trời hình tròn hay là vuông hả mẹ?”
Câu hỏi vu vơ của cô bé con xa lạ nào đó vô tình lọt vào tai Kou khi đang ngồi chờ trong xe. Chất giọng non nớt trong trẻo ấy giống như tiếng chuông bạc rung lên khe khẽ, đánh động đến miền ký ức sâu thẳm trong tâm trí cậu. Có ai đó đã từng nói, não bộ của con người giống những ngăn tủ cất giữ rất nhiều cuộn băng quá khứ khác nhau, chúng chính là những chuyện người ta đã trải qua trong suốt quãng thời gian tồn tại. Cậu ngả đầu về phía sau, tựa vào thành ghế bọc da, nhắm mắt lại thầm nghĩ.
“Nếu như vậy hẳn là số lượng ngăn tủ ký ức mà mình có phải nhiều gấp mấy lần một con người bình thường, đã cả thế kỷ trôi qua và còn rất nhiều thế kỷ nữa sẽ đến, liệu chúng có đến ngày quá tải không nhỉ?”
Kou tự cười cợt với cái suy nghĩ ấy. Nhưng cuốn băng quá khứ cũ mèm kia thật sự đang chạy trong đầu cậu, thước phim của ký ức từ khi cậu còn là một đứa trẻ bị giam hãm dưới cái cống ngầm bẩn thỉu…
***
“Dưới khe núi cao,
Trong thung lũng sâu,
Trên con suối dài,
Gió duyên dáng kể
Chuyện về bầu trời…”
Cậu bé nghe ai đó hát. Chất giọng cao cao trong veo như tiếng chuông trong gió. Là một cô bé với mái tóc vàng nhạt buông ngang vai hơi xoăn nhẹ. Nụ cười cô sáng hơn cả ánh mặt trời ngày hè chói chang vẫn xuyên qua miệng cống tròn. Đôi mắt hồng nhạt của cô lấp lánh dù ngược sáng.
“Này cậu, cậu làm gì dưới đó thế, có thể giúp tôi nhặt đồng xu vừa rơi xuống không?”
Giật mình lúng túng, cậu vô thức vươn tay chìa đồng bạc mạ sáng loáng vừa nhặt được lên cao. Nhưng chiều cao của cậu không đủ đưa nó tới tay cô bé. Cô ấy vẫn mỉm cười, nụ cười dịu dàng nhất cậu từng thấy ngoài nụ cười của mẹ.
“Tôi gọi người tới giúp cậu ra ngoài nhé? Sao cậu cứ ở dưới đó mà không kêu ai vậy?”
Cậu bé lắc đầu, cậu kiễng chân cố vươn người lên cao hơn để đưa đồng bạc cho cô bé. Đôi chân mày thanh tú của cô bé chợt nhíu lại. Cô hỏi tiếp.
“Tên cậu là gì thế? Cậu không nói được ư? Sao cậu lại không muốn ra ngoài?”
Mọi cố gắng rướn người lên của cậu bé chợt dừng lại trong một thoáng. Đôi mắt xanh lơ cụp xuống. Cậu lẩm bẩm.
“Mẹ nói tôi phải chờ ở đây. Mẹ nói tôi không được nói chuyện với người lạ.”
Nhưng cô bé nào có thể nghe thấy những câu nói còn nhỏ hơn cả tiếng thì thầm ấy. Đôi đồng tử màu hồng nhạt của cô càng mở lớn khi thấy cậu bé kia tiếp tục lắc đầu, trong đó chứa đầy sự tò mò nhưng cô không hỏi nữa. Chắc cậu ấy cũng có lý do riêng, mà cũng có thể là cậu ấy không nói được. Cô tiếp tục liến thoắng.
“Cậu không muốn nói tên thì thôi. Tôi chỉ muốn hỏi để biết nên gọi cậu như thế nào thôi. À, cậu có thể gọi tôi là Eve. Cậu cứ giữ lấy đồng xu ấy đi nhé, đồng xu may mắn ba cho tôi nhưng mà tôi tặng lại cho cậu đấy. Cậu có đói không, tôi mang kẹo cho cậu nhé?”
Và cô ấy cứ thế, độc thoại cho dù cậu không đáp lại. Cô tiếp tục hát những câu hát vu vơ về bầu trời rất xanh bằng giọng hát trong trẻo của một chú họa mi buổi sớm. Cô vẫn đến bên miệng cống, mang đến cho một kẻ bẩn thỉu lại câm lặng chẳng ai thèm quan tâm như cậu những bánh kẹo hay đôi khi là một vài bông hoa dại cô hái được đâu đó, mang đến bên cái cống tối tăm bài hát về bầu trời bao la trong những lời ca ngây thơ mà cậu chẳng thể biết được nó có thực sự là một bài hát nào đó hay không mà chỉ do cô hát lên vậy thôi.
Cho đến một ngày mưa tầm tã, cô không đến nữa, mãi mãi không đến nữa. Cậu bé cũng không còn ở trong cái cống tối tăm. Ngày ấy, loạn quân chiếm được quyền kiểm soát thành phố.
***
Kou giật mình tỉnh dậy. Cậu không thể tin nổi là bản thân mình lại ngủ gật, cho đến khi quản lý mất kiên nhẫn đập tay ầm ầm lên cửa kính ô tô. Hạ cửa kính xe xuống, cậu cố gắng cười tươi tỉnh nhất có thể để xoa dịu vẻ mặt như một ngọn núi lửa sắp phun trào của người quản lý. Chị ta cau có hối thúc cậu rằng giờ nghỉ ngắn ngủi đã kết thúc, mong cậu có thể nhanh chóng chấn chỉnh lại tinh thần để chuẩn bị cho buổi thu âm tiếp theo. Kou gật đầu mấy cái liền trong khi vẫn chưng ra cái nụ cười thánh thiện nhất cậu có. Trái ngược với vẻ ngoài, nội tâm cậu không ngừng nguyền rủa sự phiền phức của chị quản lý mặc dù chị ta chỉ đang làm đúng nhiệm vụ của mình. Lôi chiếc điện thoại ra từ trong túi quần, một vật nhỏ sáng loáng vô tình cũng tuột ra rơi xuống sàn xe gây ra tiếng động rất khẽ, Kou giật mình vội cúi xuống nhặt nó lên. Đồng xu may mắn, lạ thật, qua chừng đó thời gian nó vẫn sáng bóng như ngày đầu cậu nhặt được. Cậu vô thức mỉm cười khi những khớp tay liên tục chuyển động lật qua lật lại đồng xu theo thói quen cố hữu trong khi tay còn lại bấm điện thoại nhắn tin cho Ruki báo rằng hôm nay cậu sẽ ăn tối ở nhà. Ra khỏi chiếc xe hơi, Kou đóng cửa khá mạnh với một thái độ hơi cáu kỉnh khi nghĩ đến lịch trình dày đặc sắp tới và những bữa cơm ở nhà càng ngày càng thưa thớt đi. Vừa sải những bước chân dài, cậu vừa chỉnh lại chiếc gọng kính râm thật lớn và khẩu trang y tế choán cả khuôn mặt sáng sủa để băng qua sảnh lớn dưới chân tòa nhà đặt phòng thu âm. Chẳng hiểu vì lý do gì mà cái công ty băng đĩa này lại chọn đặt chỗ thu âm ở một nơi ngay bên dưới là cả một trung tâm mua sắm lớn như vậy? Cậu thở dài một hơi tự an ủi mình, ít nhất sau khi xong việc cậu có thể về nhà.
Bỏ lại thành phố đã lên đèn đầy hoa lệ phía sau ống khói chiếc xe hơi đời mới, Kou tăng ga nhằm hướng ngoại ô, nơi nhà riêng của cậu tọa lạc. Nói là nhà riêng thì có vẻ hơi khiêm tốn so với một tòa biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu cổ đại với tường đá, tháp mái nhọn và cửa sổ hẹp l��p kính màu bảy sắc. Cậu đặc biệt thích không gian rộng rãi và cách bài trí nội thất trong nhà bởi chúng đều là do Ruki sắp đặt. Gu thẩm mỹ của anh ấy không tệ chút nào. Cậu thầm nghĩ trong khi chiếc xe phóng vun vút trên đường.
Đóng sập cánh cửa chính lại sau lưng, Kou vội vã phóng về phía nhà bếp bởi cái mũi siêu thính của cậu đã nhanh chóng nhận ra mùi thơm quen quen.
“Oa! Mỳ Ý hải sản!”
Kou reo lên hệt như một đứa trẻ được quà khiến cho cô gái đang cặm cụi nấu nướng giật nảy mình kêu lên một tiếng. Chiếc muỗng gỗ trên tay cô rơi xuống sàn trong khi chàng trai đứng ngay sau lưng phá ra cười ngặt nghẽo. Cậu vừa nén cười vừa nói.
“M Neko-chan, em thật dễ dọa.”
Cô gái hai tay thu lại trước ngực mắt mở lớn còn nguyên vẻ sợ hãi cất giọng hơi run. “K-Kou, anh về lúc nào vậy?”
“Anh mới về thôi, anh Ruki đâu mà em lại nấu ăn thế?” Cậu nhướng cao mày hơi khó hiểu.
“Có lẽ anh Ruki bận gì đó ạ. Anh ấy ở trong phòng sách từ chiều, lúc em mang trà vào anh ấy nói hôm nay anh sẽ về nên bảo em chuẩn bị bữa tối.”
Nghe cô gái rụt rè trả lời, Kou lơ đãng gật đầu đáp lại trong khi mắt dán vào món ăn còn trên bếp ở sau lưng cô.
“Sắp ăn được rồi phải không? Để anh đi gọi Ruki.”
Cậu vô thức đưa tay vuốt mái tóc vàng nhạt hơi xoăn buông vừa đến ngang vai của cô gái nhỏ khiến cô hơi rụt vai lại một chút. Kou vẫn giữ nguyên vẻ mặt tươi tỉnh thậm chí còn nhảy chân sáo ra khỏi bếp hướng về phía phòng sách. Bên phía hành lang vang lên văng vẳng giọng cậu hát, một bài hát nào đó về bầu trời xanh.
Tay gõ lên cánh cửa gỗ vài nhịp nhanh một cách hơi thiếu kiên nhẫn, Kou đã nắm lấy tay nắm, chỉ trực mở ra. Chỉ riêng với Ruki cậu mới giữ lệ gõ cửa trước khi vào phòng trong chính ngôi nhà mình.
“Vào đi.”
Từ bên trong vọng ra chất giọng trầm thấp đặc trưng của Ruki. Chỉ chờ có thế, cậu trai trẻ liền mở cửa bước vào trong, không khỏi hừ một tiếng khó chịu trong cổ họng khi nhận ra căn phòng tối tăm mịt mùng không bật đèn do thói quen xấu của Ruki. Mặc dù không quá yêu thích ánh sáng nhưng Kou không bao giờ hiểu được thói quen này của anh trai. Thị lực trong bóng tối của cơ thể này không tồi, cậu có thể thấy dáng đứng quay lưng lại của Ruki. Cái vóc người cao, gầy với đường bờ vai rộng đứng bất động thành một mảng xám biệt lập so với khung cửa sổ thẫm đen. Sự im lặng của anh khiến cậu chợt chột dạ nghĩ đến điều không hay. Với tay bật công tắc đèn, cậu mở lời, cố để nghe có vẻ giống như sự yên lặng từ anh không mấy ảnh hưởng đến cậu.
“Ăn tối thôi, Ruki. M Neko-chan chuẩn bị xong cả rồi.”
Cái dáng của Ruki vẫn bất động nhưng anh lên tiếng. Một lời hồi đáp chẳng hề liên quan.
“Ngài Karl Heinz gửi thư tới.”
Thông báo hết sức ngắn gọn, chỉ năm từ nhưng khiến Kou lập tức thay đổi thái độ thành vẻ mặt nghiêm túc, chân mày nhíu sát vào nhau.
“Ngài ấy nói gì?”
Lần này thì Ruki quay người lại, anh tiến tới chiếc bàn lớn lẳng lặng lấy thư đưa cho Kou. Cậu giở tấm giấy ra đọc, bất giác gương mặt sa sầm hẳn đi.
Bữa tối hôm ấy không kh�� nặng nề lạ thường, cả Ruki và Kou đều giữ im lặng khiến cô gái nhỏ cũng không dám mở lời, chỉ lầm lũi ăn rồi dọn dẹp.
***
“Dưới khe núi cao,
Trong thung lũng sâu,
Trên con suối dài,
Gió duyên dáng kể
Chuyện về bầu trời…”
Kou nghe ai đó hát. Thính giác cực nhạy của cậu không hề nhầm trước giai điệu thưở thơ dại. Giọng nữ rất trong và nhỏ, đệm theo sau tiếng dương cầm khe khẽ. Trong căn nhà vốn chỉ có ba người, chẳng khó khăn gì để cậu biết chủ nhân giọng hát ấy. Tựa trên lan can đá, cậu nhắm mắt lại, tự nhủ với bản thân hàng ngàn lần.
“Đồ ngốc, không thể là cô ấy được!”
Yui, cô gái Ngài Karl Heinz đưa tới sống chung với anh em Kou là một cô gái kỳ lạ. Hay ít ra là cậu đã nghĩ vậy ngay lần đầu nhìn thấy cô ấy nằm yên lặng trong tay Ruki. Người thiếu nữ giống hệt Eve, theo như cậu tưởng tượng cô gái nhỏ ngày nào lớn lên. Lạ lùng thật, cậu biết chắc Yui không thể là Eve. Eve, cô gái nhỏ bé ngày ấy cho đến giờ chẳng còn lại gì ngoài tro bụi. Nhưng cậu không ngăn được bản thân khỏi cơn rùng mình ớn lạnh khi người thiếu nữ mở mắt. Đôi đồng tử xinh đẹp vô cùng từng nhìn xuống cậu bé con dưới cống ngày nào giờ long lanh ngay trên gương mặt thuần khiết tựa thiên sứ của cô gái kia. Có khác chăng niềm hân hoan vui sướng nhấp nháy trong đó giờ thay thế bằng nỗi sợ hãi run rẩy. Ánh mắt của thỏ non giữa bầy sói. Cậu chợt cười. Thế giới vốn dĩ có rất nhiều điều lạ kỳ phải không? Nhưng dù sao thì số phận của Yui cũng đã được định sẵn. Kou biết điều ấy qua cách Ruki gọi cô gái là thú nuôi. Lại một vật thí nghiệm khác trong kế hoạch của Ngài Karl Heinz?
Tiếng dương cầm dưới lầu đã câm lặng. Kou cũng rời khỏi ban công, trở vào trong phòng. Cậu nhớ lại bức thư Ngài gửi, chợt thở dài. Trước đây cậu chưa từng do dự…
Kou đứng trước cửa phòng Yui. Giờ này cô hẳn đã chìm vào giấc ngủ. Cậu có thể nhận thấy rõ, tiếng hơi thở đều đặn và hương thơm ngọt ngào như loài hoa nở vào đêm muộn của người thiếu nữ dù cách hẳn một cánh cửa gỗ dày. Sự hoang mang lan tràn khắp dưới làn da đến nỗi bàn tay Kou vô tình nắm chặt cán con dao bạc. Cơn run rẩy từ đâu ào tới khi cái lạnh của thứ vũ khí bén nhọn kia ngấm dần sang da thịt cậu. Nén lại một đợt sóng ớn lạnh nơi sống lưng, chàng trai quả quyết mở cửa bước vào phòng. Bên trong tối mờ và im lặng. Kou tiến tới, hoàn toàn trở nên bất động ngay khi đứng cạnh chiếc giường nhỏ. Bầu trời lồng lộng sao đổ ánh sáng nhạt màu qua cửa sổ vén rèm. Chúng tràn tới, bao phủ người con gái khiến làn da trắng sứ ánh lên dìu dịu. Rèm mi khép để lại bóng mờ trên đôi gò má hơi ửng hồng. Cậu nín thở trong một khoảnh khắc trước khi vung lên con dao trong tay.
Máu.
Nồng tanh và nhơ nhớt.
Vài giọt xanh lợt rớt xuống tấm ga trắng tinh, lốm đốm.
Cậu nhắm mắt, cảm nhận dòng sinh mệnh lạnh ngắt rời khỏi thân thể từng chút một. Chúng lấp đầy trong khoang miệng khiến dạ dày cậu nhộn nhạo muốn trào ngược. Chỉ một ngụm là đủ, sẽ rất nhanh thôi. Cậu tự nhủ trong khi cúi người thấp xuống sát bên khuôn mặt người thiếu nữ đang say ngủ. Những ngón tay dài, gầy guộc vươn ra nắm lấy cằm cô. Bờ môi lạnh lẽo của Kou áp lên cánh môi hồng nhạt nhỏ nhắn. Đó không phải một nụ hôn. Dòng máu xanh chảy tràn ra bên khóe miệng khi Yui bắt đầu giãy giụa. Kou vẫn nhanh hơn, cậu dùng sức ghì chặt hai tay cô xuống lớp đệm dày đồng thời vẫn kiên quyết ép cô nuốt hết lượng máu đã rút ra khỏi cơ thể. Nhưng Yui vẫn không tỉnh lại. Giấc ngủ yên ắng thoáng chốc trở thành cơn ác mộng. Thân thể cô trở nên lạnh ngắt như băng đá. Từng mạch máu nhỏ li ti dưới lớp da trắng ngần hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết bởi dòng máu đã nhuốm đen. Cánh tay cô như bị lưới tơ nhện bao phủ những đường nét chằng chịt, phập phồng từng cơn theo tiếng trái tim đập. Cô cố gắng giãy giụa để thoát khỏi gọng kìm cứng hơn thép nguội là hai cánh tay ghim chặt của Kou. Vô ích. Sống lưng cậu cũng lạnh toát đi khi thấy người con gái dưới thân quằn quại trong nỗi đau đớn mà cậu biết rất rõ. Nhưng cậu không thể nơi lỏng. Cậu không thể…
Trong vô thức, Yui cũng không hề kêu lên một tiếng nào. Đau đớn trong câm lặng, như rất nhiều lần khác cậu bắt ép cô uống máu mình. Cậu không hiểu, chưa bao giờ hiểu nổi người con gái nhỏ bé này. Cho dù cô rơi nước mắt, tất cả đều trong lặng lẽ, không âm thanh. Càng vì thế, Kou càng cảm thấy cơn đau đớn bén nhọn trong lồng ngực còn hơn cả bị dao đâm.
Không biết đã qua bao nhiêu thời gian, cho đến khi ánh bình minh xanh le lói nơi chân trời, cơn đau của Yui mới kết thúc. Kou cũng thả mình xuống, bên cạnh thân thể nhỏ bé của cô gái. Một thoáng do dự, nhưng rồi cậu cũng ôm lấy cô, vùi mặt vào mái tóc mềm thấm đẫm hương thơm thanh khiết như một loài hoa nào đấy trong ký ức mà cậu thậm chí còn chẳng nhớ nổi tên. Nhắm mắt và tâm trí cậu lại tỉnh táo hơn bao giờ hết.
Cậu thì thầm khe khẽ khi vòng tay quanh Yui càng siết chặt hơn.
“Thức tỉnh đi… trước khi tôi yêu em.”
***
Kou ghét con người. Sự giả dối phơi bày trước mắt cậu mỗi ngày luôn khiến cậu ghét bỏ thế giới, ngay cả khi cậu có hàng tá người hâm mộ, mà đa số họ là thiếu nữ. Cậu có một bí mật, à không, cậu nên gọi đó là một món quà từ Ngài Karl Heinz. Nó giúp cho Kou có thể đọc được suy nghĩ của đối phương. Ban đầu cậu thích thú khám phá nó như một thú vui nho nhỏ mỗi khi rảnh rỗi. Nhưng dần dần, Kou mất niềm tin vào con người. Cậu cười nhạo, cười nhạo tất cả những kẻ dối trá thảm hại. Nếu như không có sự xuất hiện của Yui, cậu sẽ tin rằng trên đời này người duy nhất không nói dối cậu bao giờ là Ruki.
Không biết từ khi nào Kou sợ sử dụng năng lực của mình lên Yui. Cô ấy…không biết nói dối. Duy nhất sự thành thực nơi cô gái đó khiến cậu sợ hãi hơn cả những nịnh nọt, bợ đỡ, dối trá của biết bao kẻ vây quanh. Cậu vẫn còn nhớ khi cậu cười cợt hỏi sao cô vẫn luôn ngốc nghếch quan tâm tới mình mặc cho những trò đùa tiêu khiển đầy ác ý. Cô gái bé nhỏ ngước lên nhìn, đôi mắt long lanh khẽ chớp. Ánh sáng trong đó trong trẻo như cậu đã nhớ.
“Vì em không thể bỏ mặc anh được.”
Kou nhếch môi cười khinh thường cho đến khi cậu nhận ra Yui không nói dối. Suy nghĩ của cô, suy nghĩ trong sâu thẳm con người cô, cũng chỉ có một câu trả lời như vậy. Cậu vội cụp mắt xuống, nói lảng sang chuyện khác.
“Tại sao lại không thể bỏ mặc tôi? Đối với em, tôi nào có khác một con quái vật?”
Kou không nhận ra chính mình đang lẩm bẩm những suy nghĩ trong đầu thành lời. Cậu vô thức đưa tay lên chạm vào con mắt trái bình thường vẫn bị che lấp bởi lần tóc mái, thất thần đôi chút.
“Kou! Cậu không sao chứ?”
Giọng chị quản lý đánh thức cậu. Điệu cười thương hiệu đến trước khi Kou đáp lời.
“Tôi không sao. Hơi mất tập trung chút thôi.”
Chị quản lý tuổi tầm trung niên bày ra vẻ mặt hơi ái ngại, lựa lời động viên cậu trai trước mặt.
“Cậu chịu khó một chút, lịch trình tuần này của chúng ta hơi dày.”
Suy nghĩ một lát, chị đấu dịu.
“Hay là sau buổi thu âm, ta hoãn lại lịch chụp tạp chí tới tuần sau? Dù sao họ cũng chưa thể ra ngay số mới. Cậu về nhà một buổi?”
Kou đặc biệt thích về nhà. Chị quản lý biết rõ điều ấy nên đã đề nghị mong phần nào có thể giúp cậu ta lấy lại tinh thần. Buổi thu âm cũng bớt căng thẳng. Cậu ta đã thu đến lần thứ ba mà vẫn chưa được, nếu thêm vài lần nữa chắc chắn cấp trên phát hỏa với chị mất. Chỉ nghe có thế, thái độ của Kou đã hào hứng hơn hẳn. Đã hơn một tuần nay cậu chưa hề ăn cơm nhà một bữa nào. Cậu nhớ cô gái nhỏ luôn sẵn sàng món mỳ Ý hải sản và…những giáo điều của Ruki chết đi được! Mau chóng thu âm cho xong nào!
Cơn mưa bất chợt đổ xuống tầm tã không ngăn được Kou phóng xe như bay về nhà. Cậu nôn nóng đến nỗi không thèm mở ô mà chạy thẳng lên cửa chính.
“Về rồi nè!”
Giọng cậu vang vọng khắp cả đại sảnh, vừa lúc Yui ló ra từ cánh cửa hành lang dẫn sang căn bếp. Cô gái vội vã đem đến một cái khăn bông lớn để Kou lau khô mái tóc ướt. Dáng vẻ cuống quýt, coi cậu như đứa trẻ lên ba hễ dính mưa là cảm khiến Kou phì cười. Cậu bất ngờ cúi xuống hôn nhẹ một cái lên chóp mũi Yui làm cô mặt đỏ bừng chạy biến vào bếp. Đưa tay tự mình lau nốt những giọt nước mưa còn vương trên vai áo, Kou bất chợt bắt gặp ánh mắt Ruki khi anh đi xuống từ lầu trên. Đứng bên dưới ngước nhìn lên, là do ánh sáng hay cậu nhìn lầm, lướt rất nhanh qua sắc màu xanh xám của đôi đồng tử người anh trai là sự thất vọng ngập tràn? Cậu giật mình chớp mắt nhìn lại lần nữa nhưng chỉ còn lại sự lạnh lùng cố hữu của Ruki. Anh chậm rãi bước xuống, gật đầu với cậu trước khi đi vào hành lang dẫn về phía phòng bếp. Kou cúi đầu nhìn xuống sàn nhà lát đá, thở dài một hơi. Sau khi bữa tối kết thúc cậu ở lại giúp Yui rửa dọn, pha trà vừa dò hỏi xem thời gian gần đây Ruki có gì khác thường không. Cô ngẩn ra một chút rồi cẩn thận lắc đầu. Hoặc là do cô chẳng thể nhìn ra Ruki có gì khác với bình thường. Anh ấy vẫn luôn lạnh lùng như thế.
Cơn mưa đã ngớt, ngồi trong phòng Kou chỉ còn nghe tiếng những hạt nước mưa gõ nhè nhẹ lên mặt kính. Cậu nằm ngả mình trên chiếc giường lớn, tay vắt sau gáy, nhìn trần nhà một cách trống rỗng. Đầu óc trôi về lúc ban chiều, ánh mắt kỳ lạ của Ruki trong một thoáng xoáy vào cậu, khó hiểu. Mặc dù là anh em đã cả trăm năm có lẻ nhưng cậu chưa bao giờ cố hiểu những suy nghĩ phức tạp chạy như đèn kéo quân trong đầu Ruki. Những điều anh tính toán, những kế hoạch trong bóng tối, những việc anh thay Ngài Karl Heinz xử lý đối với cậu vẫn luôn là một khoảng trắng. Anh tài giỏi và trở thành trợ thủ đắc lực cho Ngài là điều xưa nay cậu xem là hiển nhiên. Đó không phải chuyện của cậu. Ngài Karl Heinz đối với Kou là ân nhân và món nợ ấy theo cậu suốt từ ngày tái sinh nhưng cậu lại không có được sự nhiệt huyết như Ruki trong việc trả ơn. Chỉ duy nhất kế hoạch Tiến hóa, Kou đồng ý hoàn thành nó. Nhưng khái niệm về nó trong cậu rất mơ hồ, cậu chỉ cần biết mình làm theo Ruki là được. Bao gồm cả chuyện ép buộc những “vật thí nghiệm” uống máu sinh vật huyền bí cho đến khi chúng đạt trạng thái “thức tỉnh”.
Cộc cộc.
Tiếng gõ cửa làm gián đoạn dòng suy nghĩ của Kou, cậu uể oải lật người, cất giọng.
“Vào đi.”
Bước chân nhẹ bẫng, cả khép cửa cũng cẩn trọng. Chẳng cần suy nghĩ cậu cũng biết được người vừa bước vào là Yui. Cô gái cẩn thận mang trong tay một…cốc sữa! Kou trợn mắt nhìn chằm chằm vào chiếc ly thủy tinh trong tay cô gái nhỏ. Cậu hỏi, hơi nghi hoặc.
“Gì vậy?”
Yui cười, nụ cười dịu dàng cậu luôn đón đợi mỗi lần nói chuyện với cô.
“Sữa ấm. Anh uống đi. Đề phòng cảm lạnh.”
Bất giác Kou cảm nhận được hai bên thái dương giật giật vài nhịp nhức nhối. Sự săn sóc quá đà này của cô gái trước mặt khiến cậu phải nhớ lại xem cậu sắp nói với cô lần thứ bao nhiêu rằng cậu…không yếu ớt như con người!
Nhưng sự lo lắng thành thật của Yui lại khiến Kou mềm lòng. Cậu nhếch môi cười tinh quái, đưa c��c sữa lên uống sạch một hơi, không quên đưa ra điều kiện.
“A.”
Yui chỉ kịp kêu một tiếng trước khi bị Kou kéo ngã xuống giường. Vòng tay rắn chắc của cậu ôm chặt lấy cô. Gương mặt nhỏ bé áp sát lồng ngực chàng trai khiến hai má cô đỏ bừng lên như trái táo chín. Cô cựa mình khe khẽ chống đối lại nhưng cậu càng ôm chặt hơn, vừa thì thầm bên tai cô. “Yên nào. Người em ấm lắm.”
Cuối cùng cô cũng yên lặng để cho cậu vừa ôm vừa dụi như một chú mèo khổng lồ làm n��ng. Những ngón tay búp măng vô thức đưa lên vuốt mái tóc Kou. Chẳng biết là do trời cũng đã khuya hay do hơi ấm con người, thiếu nữ dần chìm vào giấc ngủ. Chàng trai giữ yên lặng, ngắm nhìn cô gái trong lòng ngủ say.
Nửa đêm, Kou nhận ra mình ngủ quên khi người trong lòng cậu cựa quậy. Cậu giật mình. Cô ấy đang run rẩy. Thân thể lạnh toát. Phản ứng này… Cậu nhỏm người dậy nhưng thiếu nữ với những ngón tay yếu mềm níu lấy cậu. Lần đầu tiên, cậu nghe Yui nói, không, rên rỉ.
“E-Emilo…”
Kou toàn thân đông cứng. Đó là…
“E-Emilo…”
Lần này cậu hoàn toàn nghe rõ ràng âm thanh thoát ra từ đôi môi nhợt nhạt của người thiếu nữ. Cô ấy đang gọi cậu! Eve đang gọi cậu! Eve đang gọi Emilo! Có thứ gì vừa vỡ ra trong lồng ngực Kou, bỏng cháy như ngọn lửa hừng hực thiêu đốt. Cậu đáp lại, vội vàng.
“Eve, Eve, là tôi đây! Tôi ở đây!”
Cậu bé dưới cống ngầm vào ngày mưa tầm tã ấy chỉ kịp hét lên cái tên trong suốt một thời gian không thể nói ra trước khi cả hai bị chia cắt bởi đám loạn quân chiếm thành phố, tàn sát người vô tội. Và bây giờ, sau cả trăm năm, cô bé ngày nào đang tha thiết gọi cậu. Cậu phải đáp lại!
“Eve, Eve…”
Kou ôm lấy cô gái đang mê man. Cậu đã quên mất cảm giác sợ hãi từ rất lâu trước đây. Nhưng giờ, chúng nhộn nhạo đắng nghét trong lồng ngực nghẹt thở của cậu, trong trái tim bị bóp chặt bởi bàn tay vô hình. Chúng tràn lan khắp thân thể cũng bắt đầu giá lạnh đi theo người con gái trong tay cậu. Chúng lầm lũi tiến đến không không khoan nhượng như bóng đêm lúc ngày tàn. Chúng dồn cậu vào nơi chân tường tuyệt vọng cùng với cơn đau Kou cảm nhận rõ qua từng hơi thở thì thầm gọi tên cậu của Eve. Cậu hoảng loạn nhìn cánh tay trắng ngần của cô gái dần hiện rõ những đường tơ máu thẫm đen chằng chịt cho dù cậu chưa để cô uống máu. Trong cơn hoang mang tột độ cậu chợt nghĩ đến người duy nhất có thể bám vào được. Ruki! Anh ấy nhất định phải có cách! Kou vội vã bồng cô gái, chạy ra khỏi phòng.
“Ruki!”
Tiếng kêu thảm thiết của em trai lúc xông thẳng vào phòng mà không thèm gõ cửa là điềm báo chẳng lành. Ruki vứt quyển sách trong tay xuống bàn, đứng bật dậy khỏi chiếc ghế bành khi thấy Kou bế người thiếu nữ trong tay, khuỵu hẳn xuống sàn. Đôi vai cậu run rẩy kịch liệt. Miệng nói không thành lời. Thứ duy nhất anh nghe thấy chỉ là một tiếng “Eve” lặp đi lặp lại. Ruki quỳ một chân xuống bên cạnh em trai và bất chợt anh nhận ra điều khiến cậu sợ hãi đến vậy.
“Để cô ấy xuống, Kou.”
Ruki trầm giọng. Bàn tay anh đặt trên bả vai cậu vỗ nhẹ, cách anh vẫn dùng để trấn an Kou từ ngày bé. Cánh tay cậu từ từ nới lỏng ra. Cho đến lúc này, cậu mới nhận thấy cô ấy không còn cử động nữa. Những ngón tay vốn dĩ níu lấy ngực áo cậu cũng đã rời ra, lạnh ngắt. Cậu ngồi bệt xuống sàn, giống như thân thể bị rút hết sức lực.
Nhìn ánh mắt trở nên vô hồn, đờ đẫn của em trai, trong lòng Ruki nhói khẽ. Nhưng anh vẫn còn đủ bình tĩnh đưa một tay đỡ lấy cô gái, một tay nắm lấy vai Kou lắc mạnh.
“Không sao đâu. Cậu ra ngoài một lát đi.”
Ánh sáng trở lại trong đôi mắt xanh lơ của cậu. Bằng tất cả sức lực, cậu túm lấy cánh tay anh, hạ giọng thì thầm, hầu như là van xin.
“Anh phải cứu cô ấy, Ruki, anh phải cứu cô ấy.”
Khi ngước lên, cậu thấy Ruki chậm rãi gật đầu. Đó là lời hứa của anh trai cậu, Kou nặng nề đứng dậy bước ra khỏi phòng. Cậu lê từng bước một trái ngược hẳn với khi xông vào.
Thời gian lặng lẽ trôi đi. Kou đứng tựa người ngoài hành lang ngập bóng tối. Cậu đếm từng nhịp tích tắc của chiếc đồng hồ đeo tay. Lồng ngực cậu vẫn ân ẩn cảm giác đau đớn âm ỉ, cơ hồ càng ngày càng tăng lên theo từng lần kim giây dịch chuyển.
“Cạch.”
Cánh cửa gỗ chợt mở một tiếng khô khốc. Kou chẳng cần đến một giây để nhào tới ngay trước mặt Ruki. Và cậu thất vọng bởi anh đóng sập ngay cánh cửa lại với một gương mặt chẳng biểu lộ cảm xúc gì.
“E-Eve…cô ấy sao rồi?”
Cậu vội vã, chỉ trực vượt qua cái dáng của anh trai để mở bung cánh cửa phía sau. Nhưng ánh mắt của Ruki khiến cậu phải lùi lại, bàng hoàng. Trong ánh xanh xám ngập nỗi buồn thương cậu chưa từng thấy trước đây.
“Ruki…”
Kou lạc giọng. Toàn thân cậu run lên không kiểm soát nổi.
“Chúng ta cần nói chuyện.”
Ruki sải bước qua em trai mà không hề ngoái lại buộc cậu phải đi theo anh đến phòng sách. Cho đến khi cả hai đã ngồi đối diện qua chiếc bàn làm việc quen thuộc của Ruki, anh mới tiếp tục mở miệng.
“Cô gái đó sẽ chết.”
Rõ ràng và điềm nhiên, tựa như Ruki chỉ đang đọc một câu trong rất nhiều quyển sách anh có. Trái ngược với anh, Kou đứng phắt dậy, trong mắt cậu hừng hực lửa. Giọng cũng không kiềm chế nổi nữa, cậu hét lên.
“Ruki, anh nói gì cơ?”
Đối mặt với cậu, khuôn mặt đẹp như tượng tạc của Ruki cũng rắn lại, vô cảm. Kou lắc đầu vô vọng.
“K-Không thể như thế được… A-Anh nói dối! Anh nói dối!”
Cậu chống hai tay xuống mặt bàn, đôi vai gồng lên, căng cứng. Nỗi bi thương tràn ngập trong dáng vẻ kiềm chế hết sức để không rơi nước mắt của người em trai khiến Ruki giơ tay lên. Anh muốn vỗ vai an ủi cậu như cách anh đã làm trong suốt nhiều năm hai người bên cạnh nhau. Nhưng chúng chỉ đưa được đến nửa chừng lại buông xuống trong nỗi bất lực lấn tràn cõi lòng anh. Bất thần, Kou ngẩng đầu lên, ngón tay cậu chạm vào con mắt phải. Cậu nhìn chằm chằm người anh trai.
“Ruki…em không muốn dùng nó với anh. Nhưng…”
Cậu từ từ buông tay xuống khỏi khuôn mặt. Con mắt phải xanh lơ dần chuyển thành màu đỏ đọc ma quái. Ruki nhìn thẳng vào mắt Kou, không hề né tránh. Chỉ một giây sau, ánh đỏ vụt tắt. Chàng trai thất vọng cúi đầu lặng im.
“Chúng ta thất bại rồi, Kou. Không phải thuần chủng thì cô ấy không thể thức tỉnh được.”
“Không có cách nào khác để cứu cô ấy sao?”
Khoảng lặng sau câu hỏi ấy khiến Kou chợt nhen nhóm lên tia hy vọng. Ruki sẽ có cách mà, phải không?
“Ngày mai chúng ta sẽ đưa cô ấy trở lại Eden.”
Sống lưng Kou trở nên buốt lạnh khi nghe thấy câu nói ấy.
“Không được!”
Cậu không thể để Yui trở lại Eden! Những thí nghiệm thất bại trước kia đều chung một kết cục là trở nên mục rữa trong khu vườn trồng loài hoa đẹp nhất thế gian. Loài hoa đó mang sắc đỏ rực rỡ và chúng không bao giờ tàn nhờ vô số thân xác những thiếu nữ là “sản phẩm lỗi”.
“Em sẽ không để Yui đến đó! Không bao giờ!”
Kou quả quyết, ánh mắt rực lửa của cậu chống lại cái lạnh trong đôi mắt Ruki.
“Cậu muốn phản bội Ngài?”
“Em…em yêu cô ấy! Cho dù có phải chạy trốn em cũng sẽ không để Yui đến đó!”
Trái tim Ruki trùng xuống một nhịp. Anh nhìn Kou chăm chăm bằng cái nhìn vô hồn. Cuối cùng anh cũng chỉ nói được thêm vài lời trước khi rời khỏi phòng sách.
“Thế giới này gói gọn trong thứ quy luật cho-và-nhận. Tự do cậu muốn có thì phải đánh đổi, cái giá cậu trả được giá trị bao nhiều so với nó? Suy nghĩ cho kỹ đi.”
“Ngài Karl Heinz ban cho chúng ta cuộc sống này nhưng người dạy em hy vọng là anh, Ruki, và bây giờ anh đang bảo em phải từ bỏ niềm hy vọng của mình?”
Bước chân Ruki ngừng lại chốc lát khi nghe câu hỏi của Kou nói qua vai. Nhưng anh vẫn bước tiếp mà không ngoái đầu lại.
Chỉ còn lại một mình trong căn phòng tăm tối, Kou đứng bất động. Tay cậu nắm chặt thành quyền. Ruki nói đúng, quy luật của thế giới này là cho và nhận. Cậu đồng ý thực hiện kế hoạch của Ngài Karl Heinz cũng chỉ vì ơn cứu mạng. Kế hoạch chưa hoàn thành, cậu đã muốn trốn chạy cùng một “sản phẩm lỗi”. Cái giá nào mới xứng đáng đây?
***
Ruki ngồi xuống mép giường, lẳng lặng nhìn người con gái chìm sâu trong cơn mê. Anh vô thức đưa tay gạt những lọn tóc rối trên gương mặt cô sang một bên. Làn da trắng sứ của cô đã hồi phục nhưng cô vẫn không tỉnh lại, khiến anh băn khoăn liệu mình đã cho cô uống đủ liều? Với tay lấy chiếc ly thủy tinh đựng chất lỏng ánh đỏ trong suốt trên chiếc bàn con thấp kê cạnh giường, Ruki đưa lên môi, ngậm vào một lượng lớn trước khi cúi xuống áp lên đôi môi lạnh lẽo của cô gái. Trái ngược với kịch độc trong dòng máu xanh của Kou, Ruki được ban tặng khả năng chữa lành khi tái sinh. Nhưng anh không biết chỉ với máu của mình có thể cứu được cô hay không. Xiềng xích Ngài ấy tạo ra quá lớn. Chúng trói buộc số phận của Kou và anh vào kế hoạch của Ngài. Người như Ngài Karl Heinz sẽ chẳng bao giờ sơ suất đến nỗi để mọi chuyện dễ dàng như vậy. Ngón tay Ruki lau đi giọt máu còn vương lại trên khóe môi người thiếu nữ, anh lẩm bẩm.
“Chuyện tôi có thể làm cũng chỉ đến đây được thôi. Xin lỗi em.”
Anh nhớ đến những tài liệu mà gần đây hầu như ngày nào anh cũng giam mình cùng chúng, cách cuối cùng có thể dùng được chỉ có thể là hiến tế mà thôi.
Khi Ruki bước ra khỏi phòng, anh chợt giật mình bởi dáng đứng lầm lũi của Kou chắn ngay lối hành lang. Dường như cậu đã đứng đó từ rất lâu. Anh đã định bước qua cậu.
“Ruki. Anh nói đúng, em cần trả lại Ngài Karl Heinz một vật quý giá trước khi đi.”
Kou cười khẽ, cậu giơ lên trong tay một cái dĩa ăn bằng bạc. Toàn thân Ruki chấn động. Nhưng anh không kịp ngăn Kou lại. Em trai anh dứt khoát đâm thẳng cái dĩa vào hốc mắt trái, dùng nó moi hẳn nhãn cầu ra ngoài. Máu chảy loang khắp nửa khuôn mặt cậu. Màu xanh lợt nhầy nhụa. Giữa lòng bàn tay Kou, một vật tròn vo lẫn trong máu xanh nhơ nhớp. Cậu giơ nó lên cao, ánh đỏ lóe sáng giữa không trung trước khi bất thần bị đập mạnh xuống đất vỡ tung thành muôn mảnh nhỏ. Cả hai người đứng bất động sau tiếng vụn vỡ của viên ngọc vốn nằm trong hốc mắt Kou thay thế cho con mắt đã mất của cậu. Ruki vẫn nhớ y nguyên cậu bé mới mười tuổi ngày nào quả quyết dùng dĩa tự móc mắt mình để trở nên xấu xí trong mắt những kẻ mua cậu về làm trò vui. Đó là Kou. Lần đầu anh gặp cậu trong cái cô nhi viện tù túng là khi cậu tự mình móc mắt với một cái dĩa rồi cứ thế đứng đó mặc cho máu chảy ròng ròng. Hai người đã cùng nhau bỏ chạy khỏi chốn Địa ngục trần gian đó để rồi chết đi và tái sinh dưới bàn tay của Ngài Karl Heinz. Bây giờ, cậu thanh niên trước mặt anh trả lại món quà Ngày ấy tặng vì muốn tự do. Anh…không thể ngăn cản.
“Đi đi, Kou. Cậu trả đủ giá trị cho cái cậu muốn rồi. Kou…đã chết rồi. Từ giờ cậu có thể là Emilo.”
Anh nói, thật chậm rãi. Kou đứng yên, vẫn run rẩy với cái dĩa bạc đầy máu trong tay. Giọng cậu nghẹn lại.
“Ruki…Em xin lỗi.”
Ruki đi tới trước mặt cậu, nhưng cậu không nhìn rõ được bởi cơn nhức buốt từ bên hốc mắt trái. Anh vẫn như trước, đặt tay lên vai cậu, vỗ nhẹ.
“Không sao đâu.”
***
Ruki chắc chắn là hai người họ đã rời đi buổi sáng nay. Anh thấy mình bình tĩnh lạ lùng khi đứng trước cánh cửa dẫn tới căn phòng Ngài Karl Heinz vẫn hẹn gặp. Chỉ một chút nữa thôi, anh sẽ hoàn thành công việc của mình.
“Cái chết của cậu đối với Ngài ấy chỉ là một trò lừa bịp đơn giản đến thảm thương. Mắt xích nối cậu với kế hoạch vẫn chưa thể cắt rời được. Từ ngày rời khỏi trại trẻ mô côi đó tôi đã luôn nợ cậu một bầu trời, Kou. Giờ đã đến lúc tôi thực hiện lời hứa của mình.”
Ruki mỉn cười, trước khi mở cửa bước vào căn phòng. Nơi ấy chứa giao ước được lập bằng máu của cô gái, ràng buộc cô với Eden. Nếu như cô không thể thức tỉnh, giấc ngủ vĩnh viễn sẽ được thiết lập bởi giao ước này. Cô sẽ ngủ và mục ruỗng thân xác dưới đóa hoa diễm lệ nếu như được đưa trở về Eden. Đó cũng là cách Ngài Karl Heinz kiểm soát mỗi vật thí nghiệm. Để ngăn chặn, cách duy nhất Ruki nghĩ ra được là một nghi lễ hiến tế sinh vật huyền bí từ xa xưa để phá vỡ giao ước. Con dao bạc đâm vào tim anh lút c��n, máu đỏ chảy xuống những đường khắc của sàn nhà. Chúng sáng lên từ từ theo vệt máu loang. Luồng sáng bạc màu bao phủ lấy Ruki, làm mờ ��i rồi biến mất hẳn thân ảnh anh.
Ruki sẽ chết. Và không tái sinh lần nào nữa.
***
Trong ánh hoàng hôn đỏ rực màu máu, trên triền cỏ xanh rì ở vùng đồi quá đỗi xa lạ, Kou ngồi yên lặng với Yui dựa trong lòng. Cậu nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của cô áp lên má mình, thì thầm khe khẽ.
“Bao giờ thì em tỉnh lại đây, Eve?”
Sợi dây chuyền thánh giá người thiếu nữ vẫn đeo đột ngột đứt rời, chẳng vì lý do gì. Cô mở mắt khi bóng tối của buổi đêm đã chớm đến ở phía kia bầu trời.
Hình ảnh chàng trai mỉm cười thật dịu dàng thu trọn vào đáy mắt trong veo.
Trời tối hẳn.
~End~
Fanfiction: Salvation
Author: Sora/Di
Category: oneshot, romance, tragedy, death fic
Rating: T
Fandom: Diabolik Lovers
Characters: Komori Yui, Mukami Kou, Mukami Ruki, Karlheinz
Disclaimer: All characters belong to Rejet.
Status: completed
#writtenbyDi#fanfic#diabolik lovers#oneshot#romance#tragedy#death fic#kou mukami#yui komori#ruki mukami#karl heinz#kou x yui
5 notes
·
View notes
Text
Bọn nghệ sỹ
Giovanni Boldini - Omnibus in the Place Pigalle
Có lẽ chưa bao giờ bố mẹ tôi lại nghĩ rằng mình sẽ sống cho khu nghệ sỹ. Người ta bảo "đò theo lái, gái theo chồng", đáng lẽ nhà tôi đã yên vị ở khu tập thể Đài Phát Tín Cầu Giấy (tên gọi của khu tập thể Công An phường Quan Hoa cách đây đâu đó cỡ 30 năm) nếu như bố tôi không bị tai nạn và lão thầy địa lý cha căng chú kiết ở đâu đó phán rằng "đất đấy xấu".
Thành ra đầu năm 90 lại về khu mẹ tôi được phân, tên gọi là Khu Tập Thể Văn Công Quân Đội. Mà đã là Văn Công thì hẳn rặt nghệ sỹ, lại còn ngay cạnh cái khu mả sang nhất nước tên gọi Nghĩa Trang Mai Dịch nên số lượng thầy với ma có một sự chênh lệch không nhỏ.
Kể cả giàu, hay nghèo, thì thời đấy, nghệ sĩ hay bị coi là "xướng ca vô loài". Và họ phức tạp. Phức tạp theo cái cách mà những người không phải nghệ sỹ, như bố mẹ tôi chẳng hạn, không hiểu được. Bố tôi vốn là người theo ngành kỹ thuật, cả nhà lại toàn người làm khoa học, nên cho dù cũng có một ít máu nghệ sỹ thông qua việc thổi sáo trúc không sai nốt và đánh đàn bầu không bật bông, ông vẫn coi nghệ sỹ là thứ gì đó phù phiếm lắm. Mà cái thực tế khu nghệ Văn Công đấy đôi khi lại còn chứng thực cho định kiến của ông.
Đến bây giờ, mặc dù đã ở cái tuổi qua lục tuần chuẩn bị nhảy sang thất thập, bố tôi vẫn kể những câu chuyện hồi xa lắc xa lơ, hồi tôi còn quá bé để biết rằng cuộc đời phức tạp, về sự phức tạp của giới nghệ sỹ sống trong cái khu tập thể chẳng bé chẳng to ấy. Rằng nhà một người NSND ngay đầu ngõ lúc nào cũng ẩm thấp và hôi thối, rằng hát thì hay, lên sân khấu thì đẹp, mà mẹ già chẳng chăm nổi một ngày, để nhà cửa đi cả tháng trời không quan tâm. Rằng một ông biên kịch sống một mình mà đến cái cầu giao hỏng không biết đường mà sửa, lúc nào cũng phải nhờ bố tôi xem đường điện nhưng chỉ biết đem chén chè ra đãi bôi chứ tiệt chẳng bao giờ nghĩ rằng cái việc đấy làm không công mãi đâu có được. Rằng chị này mỗi tuần lại dẫn một đứa về, cười đùa chim chuột từ đầu ngõ đến cuối ngõ không để ý quan tâm đến ai cả. Đi kèm với cái lắc đầu ngao ngán và gật gù "xướng ca vô loài".
Nghe những chuyện như vậy thì thường tôi cũng chỉ gật gù cho qua. Bởi nói thì nói thế thôi, chứ với nhiều người nghệ sỹ, bố tôi cũng đem lòng mà cảm phục mặc dù không nói ra. Ý là trong suốt từng đấy năm sống ở trong cái khu Văn Công, chứ chẳng hẳn là bây giờ già rồi nhiều khi lẩm cẩm và đắng cay những thứ nhỏ nhặt dễ quên, khó nhớ. Người già hay sống trong quá khứ, cả quá khứ đẹp và quá khứ xấu, tôi hiểu điều đấy. Chẳng thế mà cứ thi thoảng dăm bữa nửa tháng ông lại rủ tôi ra quán cháo lòng, xem "Tự Long đợt này có hay vào đây không để bố xin bức ảnh" hoặc lắm lúc mấy chú, mấy bác ca sỹ ở dãy cũ đã rời khu về rủ uống bia thì cũng háo hức ra trò.
Những người không phải nghệ sỹ thường có thứ tâm lý mâu thuẫn và phức tạp như thế với những người nghệ sỹ. Nó chẳng tốt, chẳng xấu, nó bình thường và tự nhiên. Con người hay chê bôi những cái phù phiếm vì đôi khi sâu thẳm, họ thèm cái sự phù phiếm đấy, thèm việc được công nhận, được hết mình, được tự do và phóng khoáng như "đám nghệ sỹ".
Mẹ tôi thì không (đôi khi) tỏ ra mặt việc không thích cái cuộc sống có phần phóng túng đấy, nhưng bảo ủng hộ thì thà chết còn hơn, vậy nên mẹ tôi cũng thích có sở thích đàn hát gì đó, nhưng tuyệt đối gặt phắt đi nếu có ai đó nhắc đến việc cho tôi đi theo con đường âm nhạc, cho dù "cháu nó có năng khiếu đấy" như lời cô giáo dạy piano hồi tôi 4-5 tuổi gì đó nói với mẹ.
Đừng nghĩ rằng nhà tôi giàu đến mức cho tôi đi học piano được. Bởi vì tôi không có đàn riêng, tiền học thì cũng chỉ rất ít bởi mẹ tôi là giáo viên dạy con cô dạy đàn. Thời buổi khó khăn, chỉ là trừ đi trừ lại mà thôi. Và tôi thì lại cứ nằn nì phải được đi học, chỉ bởi "anh Hưng đánh đàn hay quá, với cả anh dạy con mấy nốt đây này."
Thời tôi lớn lên không có nhiều nhà trẻ như bây giờ để tiện thì gửi. Còn cái nghề trông trẻ tại nhà chắc phải có sau đấy cỡ hơn chục năm. Vậy nên tiện ai thì "gửi nhờ trông hộ". Và nhà hàng xóm có anh Hưng ở nhờ học Nhạc viện là nơi tôi thường phải ngồi chầu chực cho đến bữa trưa. Anh Hưng lúc nào cũng vui vẻ, và lúc nào cũng chăm chỉ luyện đàn mỗi buổi sáng. Anh học piano, nhưng chỉ có một cái organ phím nặng để tập, "không có chân đạp chán chết" như anh vẫn thường kêu ca.
Anh sẽ khệ nệ lôi ra một cái bao đàn to uỵch, kéo cái phéc-mơ-tuya cũng to không kém, rồi lôi ra cái đàn ogan chẳng nhỏ nhắn gì với cái thân hình gầy guộc khẳng khiu của anh, cố gắng nhẹ nhàng đặt xuống cái bàn gỗ cung khẳng khiu chẳng kém. Tiếp đến anh sẽ làm mấy động tác thể dục nửa mùa, ngoáy ngoáy cái cổ và căng căng bàn tay nhằm "đánh cho dễ hơn". Lúc nào cũng thế, anh sẽ bắt đầu bằng đi gam, đi cỡ chục lượt, rồi đến "Carmen Overture" và "Ballade Pour Adeline", tất nhiên hồi đấy tôi làm gì biết tên những bản này, chỉ nghe thấy thích là toe toét miệng và đung đưa chân, tranh thủ vừa nghe vừa đọc cuốn truyện tranh trong một chồng sách vở ngổn ngang của anh mà thôi (nhân tiện, khoe chút là tôi biết đọc từ năm 3 tuổi, một thứ mẹ tôi đến giờ vẫn tự hào.)
Tôi chẳng nhớ nổi anh dạy tôi những phím đàn đầu tiên là lúc nào. Lâu quá rồi. Đến khuôn mặt anh đối với tôi giờ cũng chỉ là thứ nhờ nhờ nhân ảnh, gặp thì nhận ra được chứ nhớ chính xác thì chịu. Có thể là lúc tôi ngân nga bài hát nào đó trong tờ Thiếu Niên mà tôi học mót, chắc là từ cái ti-vi đen trắng thời Linh Hương vẫn hát nhạc thiếu nhi chứ không phải chị Anh Thơ trên youtube bây giờ. Anh thấy tôi hát "chay", mà lại lệch với mấy bài anh đang đánh, thì ra chiều khó chịu mà bảo "hát theo đệm đây này." Rồi anh đánh cho tôi hát, và hỏi "có thích thử không?"
Ai lại nói không được cơ chứ?
*
Đợt lâu lâu đọc bài báo về vợ anh Trần Lập sau khi anh mất, có nhắc đến một người, mà đến giờ tôi vẫn tôn kính: chú Giang. Thực tình lâu quá tôi chẳng thể nhớ nổi tên đầy đủ của chú là gì, chỉ biết chú là một NSƯT chơi ghi-ta và có chơi với ban nhạc của anh Trần Lập.
Bạn biết đấy, học cái gì thì cũng phải học đến nơi đến chốn, và cái đến nơi đến chốn của piano đòi hỏi việc phải mua ít nhất một cái đàn organ phím nặng thì tập mới tử tế được, và loại đàn đấy... rất đắt với nhà tôi. Đấy là khi điểm yếu của việc nhà bạn nghèo và bố mẹ bạn muốn bạn tập trung học văn hóa lộ ra. Nói thế không phải để tránh cứ gì các bậc sinh thành, mà chỉ đơn giản là có những thứ trong cuộc đời, vốn với mình chỉ có một đoạn duyên rất ngắn ngủi mà thôi. Thế nên tôi bỏ dở việc học piano, rồi nghỉ chẳng học nhạc mấy năm, cho đến khi trong một cuộc trò chuyện quán trà hàng nước nào đó, mẹ tôi biết chú Giang đang có lớp dạy ghi-ta, "giá con em" như người ta vẫn nói. Và để đổi lại "giá con em" đó, mẹ tôi lại có "giá con em" khác để dạy văn hóa cho con của chú.
Thói đời luôn là cỏ xanh hơn ở bãi bên kia. Cái khu tập thể cũ rích mà phức tạp đó là nơi mà tôi chứng kiến những câu chuyện đầy màu sắc của những bãi cỏ khác nhau. Cuối những năm 90 là thời điểm cơn bão trắng quét qua cái vùng đất, mà lúc đấy, cũng dở ông dở thằng chẳng khác gì cậu trai mới lớn này. Giới nghệ sỹ là những kẻ đầu tiên may mắn, và xấu số tham gia vào cuộc chơi đam mê đi song hành với chết chóc đó. Thành ra cái khu tôi ở nghiễm nhiên thành cái ổ nghiện. Nghiện nhiều đến mức thằng nào ngáp sái quai hàm ở hàng nước vì thức khuya làm cái trò con tườu gì giời biết đêm hôm trước cũng khiến cho độ căng thẳng trong không khí tăng lên đáng kể. Những người không phải nghệ sỹ, trong cơn hoảng loạn và cảnh giác tột cùng, đã không ngần ngại kiếm một con cừu để hiến tế, và con cừu đó mang tên "bọn nghệ sỹ." Người ta cố gắng tránh xa những con người "phù phiếm", "dùng tiền chơi thuốc" đó, người ta mỗi khi nhìn thấy kim tiêm trong khu lại lập tức nhẩm tính trong đầu xem trong phạm vi bán kính vài mét có "nhà nghệ sỹ" nào không để tiện thể đổ luôn đỡ phải nghĩ. Cái thứ khoảng cách vô hình đó làm kể cả đám trẻ con hay chơi với nhau cũng thành ra nghi ngại. Mà cũng đúng thôi. Anh thằng bạn thân của thằng em tôi, con của một trong nghệ sỹ danh giá nhất Việt Nam thời bấy giờ, nghiện, sida, chết, tệ hơn là ai-cũng-biết. Thành ra mỗi lần tôi với thằng em xin qua nhà nó chơi mẹ tôi cũng ngần ngừ chán chê mê mỏi. Vì hai bác tốt, thật sự tốt, tử tế, chỉ không may là cái môi trường con hai bác sinh hoạt trong trường thời điểm đấy nó trắng ởn mà thôi.
Giai đoạn đấy khiến chính những người nghệ sỹ cũng hoài nghi về cái tương lai nghệ sỹ. Thế nên ngay cả trong khu nghệ thuật, thế hệ tôi, nhiều đứa có bố mẹ trong ngành chẳng còn đi học ở các trường nghệ thuật nữa mà chuyển qua "học văn hóa." Mà cái cụm này cũng buồn cười, thế "nghệ thuật" không phải "văn hóa" à? Có điều đấy là câu chuyện khác. Con chú Giang là một trong những người như vậy. Thế nên tôi được học đàn giá rẻ. Còn hay hơn là đàn ghi-ta cũng rẻ, cái dùng để tập tành tàm tạm rẻ hơn đến gấp chục lần so với một cái đàn organ cũng chỉ để tập tành tàm tạm. May mắn nữa, đợt đấy là hồi phong trào nhạc Rock sinh viên đang có đà lên cao, mà chính Bức Tường là một trong những điểm sáng nhất.
Thế là mùa hè năm đấy, thằng bé con háo hức đeo cái đàn to gần bằng người, dây ni-lông, "tập cổ điển" như lời chú Giang dặn, mua tận NĂM TRĂM NGHÌN, bọc trong cái bao vải thô, đen, đi ngang qua cái khu tập thể, mà lúc này bê tông, nhà cửa đã thay những bãi lau sậy và cỏ mọc hoang khiến cái nóng trở nên hầm hập hơn, để đi tập đàn, một lần nữa.
*
- Thi thoảng chú cũng nhớ anh em trong đoàn, trong khu lắm. Nhất là thằng Giang. Giang rất tốt. Mà đấy, mấy thằng tốt lại thường hay chết trước. Hầy - Chú Tựa vừa nói vừa rót rượu vào cái ly hạt lựu cho tôi từ chiếc bi đông sắt Tây cũ mèm, rồi cất lại vào túi, xong tranh thủ gọi chủ quán - Cho anh bát mắm tôm nhé.
Quán mới, nên nhiệt tình, vừa dứt lời là bát mắm tôm nhỏ nhỏ xinh xinh đã được đưa ra. Để giữa hai tô cháo cùng đĩa lòng dồi còn đang tỏa hơi, nóng hổi.
- Mùa đông chỉ có cái món này là nhất - chú tiếp.
Tôi cười cười, nhón tay lấy một quả quất, toan vắt vào bát mắm tôm.
- Ây, khoan đã - Chú ngăn tôi lại - để chú.
Nói rồi không đợi tôi từ chối, chú cầm bát mắm tôm về phía mình, một lần nữa lôi chiếc bi đông ra. Lạch cạch mở, lạch cạch rót một chút rượu vào nắp, rồi từ nắp đổ vào bát mắm tôi. Thìa, ngoáy đều, chậm rãi, từ từ. Xong mới tới lượt quất. Thìa, bỏ hạt, lại ngoáy đều, chậm rãi, từ từ. Hạt tiêu, ớt, rồi nếm thử, gật gù. Mùi rượu thơm quện với mùi mắm tôm, thêm chút ngây ngấy từ lòng dồi tỏa ra, khó mà cưỡng nổi.
- Thế này mới ngon - Chú cười, bĩu miệng ra chiều tâm đắc lắm.
Mà đúng là ngon thật. Mắm tôm dậy mùi, rượu vợ chú tự tay nấu cũng đậm, mỗi ngụm sau khi thưởng thức miếng lòng trắng vừa vừa, vẫn còn hơi đắng, chứ không trắng ởn như mấy hàng dùng thuốc tẩy như mẹ tôi vẫn bảo, đều khiến người ta cảm thấy rằng việc ăn chơi cũng lắm công phu chứ không có đơn giản.
Chú Tựa rời khu khi tôi còn bé tí, nên cho dù chú có qua nhà tôi vài lần tôi cũng không thể nhớ được. Một lần tôi đang vi vu miền Trung thì nhận được một cuộc điện thoại. Gió máy trên đường lùng bùng thành ra nghe không rõ. Xong bên kia vang lên tiếng đàn và tiếng hát, mặc dù sang sảng và khá hay nhưng trong cái hoàn cảnh xe máy giữa đường nắng cháy thì tôi không có tâm trạng nào để thưởng thức. Nên cứ thế dập máy, chỉ để vài phút sau mẹ tôi gọi chửi "thằng mất dạy, chú Tựa khu nhà mình mà mày dập máy thế à."
- Thằng này được. Chú thích bài thơ trong sách của mày nên phổ nhạc, gọi hát cho, thế mà mày còn không thèm tiếp chuyện. Rất được - cứ mỗi lần ngà ngà là ông chú dễ lại lôi cái chuyện đấy ra để chọc tôi.
- Thôi uống đi chú, lúc đấy cháu có biết đâu, tưởng ông nào gọi nhầm - Tôi vừa cười cười vừa nâng ly lấp liếm.
Cái thứ rượu gạo Bắc Ninh, nặng, ngọt. Đến đâu thấm đến đấy.
Không biết từ khi nào trong khu tôi không còn vang lên những âm thanh âm nhạc nữa. Chỉ biết là lâu rồi. Trước đây cứ buổi sáng, không phải ngày nào cũng thế, ở đâu đó trong khu sẽ vang lên tiếng người luyện thanh. Mì i í i ì, mà a á a à, mồ ô ố ô ồ... Còn buổi tối sẽ là nhạc cụ, gần thì có piano, xa hơn một chút thì có vĩ cầm, xa hơn nữa là bộ kèn, và vang vọng khắp khu là dàn sáo, hoặc là sáo trúc, hoặc là sáo sắt. Chỉ văng vẳng đâu đây những đoạn rất ngắn, đôi khi là chơi lỗi, hát lỗi, rồi lại lặp đi lặp lại. Lặp đi lặp lại, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
- Cháu cũng nhớ khu mình. Mặc dù ở đây, nhưng vẫn nhớ - tôi vừa nói vừa rít điếu thuốc, hút với ông chú, còn thì bỏ trước đấy lâu rồi - giờ chẳng còn nghe thấy những tiếng đấy nữa. Hôm nọ cháu có đi qua dãy đấy, toàn nhà mới. Hầu như chuyển hết đi rồi. À, hình như còn mỗi bác Tần. Mà bác giờ cũng lẫn lắm, pác king sơn gì đó, có hát hò được gì đâu.
- Việt Nam, trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi, đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển, dồn vang xa tận tới chân trời... - Như hiểu ý tôi, chú cất tiếng hát. Trầm, vang, tròn vành rõ chữ, lúc lên cần lên, lúc xuống cần xuống, lúc ngân cần ngân. Chẳng cần nhạc cụ vẫn hay. Không giống đám ếch nhái nhảy lên làm ca sỹ, lấy phấn son và chân dài để nhét cái danh xưng ca sỹ vào tai, nhồi cái mác nghệ sỹ vào họng người thưởng thức.
Tôi trầm ngâm ngồi nghe. Chú chủ quán cũng người lâu năm trong khu cũng lôi ghế ra gần, nhẹ nhàng ngồi xuống châm điếu thuốc. Tự dưng tôi được sống lại, mấy phút, ở những ngày tháng, mà người ta phải luyện giọng, phải luyện đàn không biết bao lâu mới được đứng lên sân khấu như thế.
*
Tôi phải tập ngồi cho đúng đâu đó cả tháng. Đàn phải kê giữa hai chân, không được ôm sang bên cạnh "như mấy thằng sinh viên đệm hát" theo lời chú Giang. Tay đánh không được co ngón út. Tay bấm không được khuỳnh khuỳnh vào "như bọn bại liệt" vẫn theo lời chú Giang. Người đàn ông lúc bình thường hiền như bụt đấy hoàn toàn khác khi đụng vào đàn. Độc miệng và chua ngoa khôn tả, mỗi khi phải nghe những phím đàn "không gọi là nhạc" do thằng bé con lúc đó, là tôi tầm chục tuổi đầu, cố hết sức để sản xuất ra.
"Cố lên, lại, thế này vẫn còn sướng chán. Đây vẫn là dây ni lông, trước kia toàn phải tập dây sắt bật cả máu ra ấy. Lại."
Và tôi lại cắn răng lại. Cho đến khi bấm được vuông góc, gẩy dây đàn một phần bằng thịt, một phần bằng móng, tiếng làm sao ngồi đầu phóng đến cuối phòng vẫn nghe được, không rè, không thô, không chạm dây, mới được gọi là đạt. Từng nốt một. Lặp đi lặp lại. "Từ từ, chậm đã, sai một nốt đi lại toàn bộ gam." Đó có lẽ là lý do mà tôi bỏ đàn từ lâu rồi, nhưng cứ cầm lên thì kiểu gì cũng sẽ theo phản xạ mà đi gam được. Ngược, xuôi, chậm, nhanh, cơ bản, phức tạp đều được. "Còn đi gam được là sẽ còn học lại đàn được", như chú Giang vẫn nói. Có điều tôi lại lười biếng vin vào cái lý do đấy để chẳng bao giờ ngồi tập lại cho tử tế, rồi từ đó đẻ thêm hàng loạt những lý do khác, cái nào cũng có lý và bùi tai. Đào đâu ra thời gian bây giờ? Đánh cho ma nó nghe à? Mệt lắm... Nhưng đấy là chuyện của sau này (đến tận bây giờ), còn lúc đấy, thì nhất quyết phải làm được.
Bởi giữa buổi tập và sau buổi tập, tôi sẽ được nghe chú Giang đánh những thứ "cứ chăm chỉ sau này cháu sẽ làm được". Chú sẽ bảo tôi ra ngồi ở thềm nhà, cầm theo cái ghế. Chú sẽ lấy trong túi áo ra bao thuốc, châm, kê đàn ngay ngắn giữa hai chân, lấy kệ kê một chân cao hơn, thẳng lưng, hơi hít thở nhẹ, xong một hơi thuốc dài, rồi mới đánh. Say mê, chăm chú, như thể tôi không ngồi đó. Đầu lắc lư, chân đập nhịp, đôi khi nhắm hờ mắt, đôi khi nhíu mày. Mặc dù cái dáng đấy có vẻ không phù hợp lắm với cái áo cộc tay và quần đùi chú mặc ở nhà. Lúc nào cũng là một bản nhạc đầy đủ, mỗi lần một bản. Bởi "đã cầm đàn lên để biểu diễn thì phải làm đến nơi đến chốn". Đấy, lại thêm một lý do để khó mà tập tành lại tử tế được.
Tập được gần năm, tôi đánh tử tế, hoàn chỉnh được một bài, chú cho phép tôi biểu diễn trước trường.
Hôm đấy tôi run lắm. Nhưng cũng phấn khích. Trẻ con tuổi dậy thì được có cơ hội "làm me" với không biết bao nhiêu bạn gái trong trường, làm sao mà lại không phấn khích cho được. Đêm hôm trước còn trằn trọc không ngủ nổi. Trước khi đi học hôm biểu diễn còn phải ngồi đánh đi đánh lại cả tiếng để chắc chắn không sai.
Và khi bước ra sân khấu, tôi chỉ chút tí nữa rơi cả đàn. Thật sự đông. Mặc dù toàn trẻ con, nhưng vẫn đông. Quá choáng ngợp. Môi tôi run run và khô rang, miệng không cảm thấy gì cả, tim đập thình thịch, như khóc đến nơi. Đến lúc ngồi xuống vẫn run. Nhưng tôi nhớ lời chú, "cứ như lúc tập thôi là được". Thế là tôi để đàn giữa hai chân, kê một bên lên, tay bấm không khuỳnh, tay gẩy không co ngón. Tôi nhắm mắt một giây, rồi cứ thế nhìn vào tay bấm, và đánh. Đột nhiên cái sợ đi đâu hết. Giống như lúc tập rồi. Bản nhạc đấy tôi không đánh sai, đánh thô một nốt, có điều cái micrô không phải loại để ghi tiếng đàn nên chẳng có ai nghe thấy gì cả ngoài hàng đầu.
Cũng may là mối tình đầu của tôi cũng ngồi hàng đầu...
Sau đấy không lâu, chú Giang mất. Ung thư. Tôi mếu máo nguyên một tối.
*
- Chị cứ đánh hết cả một đoạn cho em nhé, em sẽ để máy quay giữ nguyên - tôi vừa nói với người nghệ sỹ piano đấy vừa quay ra nói với quay phim - anh lấy cận cảnh thì zoom vào, không được lại gần đàn, đứng xa xa ra.
- Không cần cả đoạn dài đâu, đoạn nhỏ nhỏ là được rồi - ông quay phim có vẻ khó chịu vì không được nhanh nhanh chóng chóng về đài.
- Anh cứ nghe em đi - Tôi nhíu mày và hơi gằn giọng. Mặc dù cảm thông với việc phải đi theo tôi cả ngày làm chương trình, nhưng cái gì ra cái đấy.
- Thế em có nghĩ đến đoạn nào không? - Người nghệ sỹ hỏi tôi.
- Second movement bản Pathetique của Beethoven chị nhé - Tôi đáp mà chẳng nghĩ.
- Em biết chơi đàn à? - Chị hỏi tôi, giọng có chút ngạc nhiên.
- Dạ không, em biết cái gì là nhạc thôi - Tôi pha chút giễu cợt vào câu trả lời.
Chị cười. Nhưng thực sự tôi muốn nghe, cho dù không phải đầy đủ một bản nhạc thì cũng là một đoạn đầy đủ. Hơn nữa đấy là một cây đại cầm. Nữ hoàng của các loại nhạc cụ cần được đối xử tử tế, nên được đối xử tử tế. Tôi nói với mấy người trong đoàn sau khi lắp đặt thiết bị xong thì lùi lại, ngồi ra xa để chị đánh.
Đấy là lý do, đôi khi tôi vẫn đi xem hòa nhạc ở Nhát hát lớn. Không phải trưởng giả cũng chẳng phải học làm sang, bởi thực ra một tháng đi xem phim vài bận có khi còn đắt hơn một tháng nghe hòa nhạc một lần. Còn sang thì đã đi hẳn phòng trà bàn riêng ngồi vắt chân ghểnh râu ăn uống thêm chút rượu đắt tiền rồi. Tôi đi xem hòa nhạc để được thấy một nơi mà những người nghệ sỹ thực thụ được tôn trọng tuyệt đối thôi. Đối với tôi thì họ xứng đáng được như vậy.
Bạn phải im lặng, cho dù rất đông người. Bạn phải hạn chế tạp âm hết mức có thể, cho dù họng đang sưng tướng lên. Bạn phải chăm chú, cho dù mỗi bản đều kéo dài hơn so với thứ nhạc dễ nghe dễ vào hàng ngày bạn bật qua tai nghe. Và hơn cả, bạn sẽ được thấy một thứ kỷ luật nghiêm ngặt của hàng chục con người phối hợp với nhau mà không bị lệch nhịp, lệch điệu, lệch nốt. Họ khổ luyện, để đem đến một thứ âm thanh hoàn hảo nhất có thể cho những người đang ngồi dưới kia.
Thế nên họ xứng đáng được tôn trọng tuyệt đối, họ chính là những vị vua, vị hậu trong cái khuôn viên sân khấu chỉ mấy chục mét vuông đấy.
Đôi khi cũng chỉ là trong mấy chục mét vuông đấy thôi.
------------------------- Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Youtube: https://youtube.com/c/beeline92 Facebook: https://www.facebook.com/xoiduamedia/ Website: http://xoidua.com
0 notes
Text
Chùm thơ về quê hương ngọt ngào, sâu lắng, lay động tâm hồn người đọc
Quê hương hai tiếng giản dị, ngắn gọn nhưng thiêng liêng, đi đâu ai cũng nhớ. Đó là nơi ta sinh ra, nơi ta lớn lên, gắn liền với những ký ức tuổi thơ. Nơi ấy có mẹ, có cha, có những người ta thương yêu nhất. Quê hương với những triền đê, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con sống tắm mắt tuổi thơ… Không đâu bình yên và tươi đẹp, gần gũi, thân thương như quê hương trong trái tim mỗi người. Hãy đọc chùm thơ về quê hương ngọt ngào sâu lắng mà hocde.vn sưu tầm dành tặng dưới đây
Thơ về quê hương
“Quê hương mỗi người chỉ một - như là chỉ một mẹ thôi…”. Vì thế, những vần thơ về quê hương luôn chiếm được cảm tình của người đọc, chạm sâu đến trái tim của biết bao người. Thơ về quê hương luôn là mạch nguồn vô tận nuôi dưỡng tâm hồn ta trong sáng hơn, tươi đẹp hơn.
Quê hương - Giang Nam
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
“Ai bảo chăn trâu là khổ”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Có những ngày trốn học
Đuổi bướm cạnh bờ ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào tôi đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên có ai ngờ!
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi!
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời mà lòng tôi ấm mãi…
Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Tôi lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi!
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…
Rồi hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Đọc bài thơ quê hương của Giang Nam ai chẳng thấy xúc động bồi hồi, ai chẳng thấy bóng dáng tuổi thơ mình trong đó. Quê hương gắn với những kỷ niệm thưở ấu thơ, gắn với tình yêu đầu chớm nở
Quê hương - Đỗ Trung Quân
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ…
Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những chuyến đò
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Đói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan …
Bài thơ là niềm tự hào của tác giả khi viết Việt Nam quê hương tôi. Đất nước giàu đẹp, thanh bình, đất nước đau thương nhưng rất đỗi anh hùng. Bởi thế, dẫu có đi xa ai cũng nhớ, nhớ dòng sông, nhớ ruộng đòng, nhớ ngô khoa, nhớ bữa cơm đạm bạc… Giản dị nhưng gần gũi, thân thương…
Tuổi Thơ Tôi
Tôi lớn lên với những cánh diều
Chiều nội đồng gió thoảng phiêu diêu
Bên triền đê thả bò đá bóng
Để bây giờ thương biết bao nhiêu
Tôi lớn lên với những trò chơi
Giấu trong tim ước mộng xa vời
Tuổi thơ ơi những ngày rất đẹp
Để giờ đây theo cả cuộc đời
Tuổi thơ ơi một ngày khôn lớn
Là cuộc đời tôi nhớ trong mơ
Quê hương ơi một lần nức nở
Là cả đời tôi viết vào thơ…
Chiều Trên Sông Quê
Chiều rơi xuống bờ sông ấu thơ
Vẳng tiếng vạc kêu, gió hững hờ
Ngư lão kéo chài khua khua nước
Dẫu có một mình chẳng bơ vơ
Xa xa đo đỏ nắng chiều xa
Lộp cộp cầu tre ngân khúc ca
Diều ai cất sáo du dương thế?
Đêm đã rớt rơi lối về nhà…
Quê hương ta đấy, thân thương quá!
Sông chảy về đâu sao cứ trôi?
Bao nhiêu cũng sẽ về cõi cội
Chừ đây quê hương, ta với tôi…
Nhớ Con Sông Quê Hương - Tế Hanh
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…
Quê Hương
Quê hương giản dị chẳng đâu xa
Bãi mía vườn rau với ruộng cà
Khóm trúc bờ đê chiều nhạt nắng
Dập dờn sóng lúa chạy la đà
Quê hương mộc mạc chẳng kiêu sa
Mái lá đơn sơ dưới nắng tà
Khói toả lam chiều thơm gạo mới
Du dương tiếng gió hát ngân nga
Quê hương sách sử đã in ra
Một dải cong cong khảm ngọc ngà
Núi đá chênh vênh bên biển lớn
Rừng xanh suối mát trãi muôn hoa
Quê Hương êm ả những lời ca
Điệu Bắc Nam ai thật mặn mà
Xứ Huế Trường Tiền thôn Vỹ Dạ
Ai nghe thấy tiếng cũng mơ ra
Quê hương nhuộm đỏ bởi phù sa
Chín nhánh rồng bay tạo vóc ngà
Vựa lúa phì nhiêu xanh bát ngát
Đàn cò trắng lượn phía trời xa
Quê hương mãi mãi ở trong ta
Dẫu có tha phương biệt mái nhà
Đất Tổ là gì ai cũng hiểu …
Như là… chỉ một Mẹ và Cha!
QUÊ HƯƠNG - Toàn Tâm Hòa
Đang đứng giữa quê hương mình đó
Từng gốc cây, ngọn cỏ thân thương
Hương đồng gió nội vấn vương
Màu xanh trải khắp nẻo đường nên thơ
Ta vừa chạm giấc mơ có thật
Thoang thoảng nghe mùi đất rất quen
Không còn thấy những bon chen
Bình yên đến lạ giữa miền quê tôi!
Những rung cảm bồi hồi khó tả
Bình minh xuyên màu lá tuyệt vời
Nơi đây ta sống một thời
In bao yêu dấu khóc cười khó quên
Ta trở lại về bên ký ức
Với rất nhiều thổn thức khôn nguôi
Thơm mùi cơm nếp đang sôi
Chợt yêu góc bếp mẹ ngồi bao năm!
Những bài thơ về quê hương luôn chiếm trọn trái tim người đọc. Bởi đơn giản, ai chẳng có quê hương, ai chẳng có một miền quê để thương để nhớ. Đó là thứ tình cảm thường trực, ăn sâu bám rễ trong tâm khảm của mỗi con người.
Thơ lục bát về quê hương
Bức tranh quê hương được vẽ lên thật mộc mạc, gần gũi, thân thương trong những vần thơ lục bát về quê hương dưới đây. Hãy cùng đọc và cảm nhận vẻ đẹp của mỗi miền quê qua những vần thơ quê hương ngọt ngào mà hocde.vn sưu tầm.
QUÊ NHÀ - Chung Mai
Quê nhà biết mấy thân thương
Bến sông thửa ruộng con đường đã qua
Cổng làng cầu đá cây đa
Vui đùa cùng bạn trong ta trải dài…
Bình minh hồng ửng sớm mai
Đàn trâu lững thững bước ngoài bờ đê
No căng mới chịu ra về
Cỏ non thích thú mải mê gặm hoài
Đống rơm từng sợi vàng dai
Mẹ gà lục cục trống choai bới mồi
Nhiếp con ngơ ngác xem thôi
Diều hâu liệng mãi thấy mồi sà ngay
Trẻ con cũng thích nơi này
Trốn tìm đuổi bắt mê say cả chiều
Mẹ nhìn mấy đứa mắng yêu :
Cởi trần rặm lắm ngứa nhiều đấy nghe
Vi vu tiếng sáo gọi hè
Kẽo cà kẽo kẹt rặng tre gió lùa
Bờ ao lúc lỉu khế chua
Góc vườn khóm mía lá khua xạc xào
Đông về cái lạnh hanh hao
Co ro buốt giá chạm vào ổ rơm
Sắn khoai độn lẫn hạt cơm
Vẫn ngon vẫn dẻo vẫn thơm đến giờ
Ước gì là mãi tuổi thơ
Ước gì là mãi dại khờ trẻ con
Ước gì là mãi măng non
Ước gì ta mãi mãi còn bé thôi .
Quê Hương - Nguyễn Đình Huân
Quê hương là một tiếng ve
Lời ru của mẹ trưa hè à ơi
Dòng sông con nước đầy vơi
Quê hương là một góc trời tuổi thơ
Quê hương ngày ấy như mơ
Tôi là cậu bé dại khờ đáng yêu
Quê hương là tiếng sáo diều
Là cánh cò trắng chiều chiều chân đê
Quê hương là phiên chợ quê
Chợ trưa mong mẹ mang về bánh đa
Quê hương là một tiếng gà
Bình minh gáy sáng ngân nga xóm làng
Quê hương là cánh đồng vàng
Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều
Quê hương là dáng mẹ yêu
Áo nâu nón lá liêu siêu đi về
Quê hương nhắc tới nhớ ghê
Ai đi xa cũng mong về chốn xưa
Quê hương là những cơn mưa
Quê hương là những hàng dừa ven kinh
Quê hương mang nặng nghĩa tình
Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời
Quê hương ta đó là nơi
Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về.
Yêu Lắm Quê Hương - Hoàng Thanh Tâm
Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm
Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao
Em yêu mơ ước đủ màu
Cầu vồng ẩn hiện mưa rào vừa qua
Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa
Em yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.
Tình Quê - Hoa Lục Bình
Chiều tà nắng ngã triền đê
Mục đồng thông thả đi về lưng trâu
Dòng sông xanh ngắt một màu
Một đàn cò trắng từ đâu bay về
Bình yên một buổi chiều quê
Khói đồng lan tỏa đêm về vắng tanh
Ngoài đồng cây lúa còn xanh
Chiều quê êm ả trong lành biết bao
Nhìn đàn gà nhỏ gọi nhau
Mọi người xong việc gọi nhau ra về
Giờ đây đêm cũng đã về
Thoảng đâu trong gió tóc thề thơm hương
Bình minh một sớm mù sương
Đàn trâu nhai có ngoài vườn nhởn nhơ
Cánh cò bay lạc vào thơ
Làm cho tôi mãi ngẫn ngơ giữa đồng
Con đò nằm dưới bến sông
Hình như nó cũng chờ mong một người
Người người rôm rả nói cười
Đồng xanh bát ngát thơm mùi mạ non
Tình quê một dạ sắc son
Ở nơi thành thị em còn nhớ không
Con đò bến cũ chờ mong
Hôm nào anh cũng chờ trông em về.
Miền Quê - Đức Trung
Tôi thầm nhớ một miền quê
Ước mơ thăm lại trở về tuổi thơ
Đồng xanh bay lả cánh cò
Hương sen tỏa ngát mộng mơ những chiều
Vi vu gió thổi sáo diều
Bóng ai như bóng mẹ yêu đang chờ?
Dòng sông, bến nước, con đò
Có người lữ khách bên bờ dừng chân
Xa xa vẳng tiếng chuông ngân
Bờ tre cuối xóm trong ngần tiếng chim
Tuổi thơ thích chạy trốn tìm
Cây đa giếng nước còn in trăng thề
Xa rồi nhớ mãi miền quê
Trong tim luôn nhắc trở về ngày xưa…
Quê Hương Nỗi Nhớ
Trở về tìm mái nhà quê
Tìm hình bóng mẹ bộn bề nắng mưa
Tìm nắng xuyên ngọn cây dừa
Tìm hương mạ mới gió lùa thơm tho
Tìm đàn trâu với con đò
Áo bà ba mẹ câu hò trên sông
Nón lá nghiêng nắng nước ròng
Miền quê khó nhọc con còng con cua
Lục bình tim tím mùa mưa
Bồng bềnh một khúc sông khua mái chèo
Khói lên cháy bếp nhà nghèo
Con gà cục tác con mèo quẫy đuôi
Heo gà chạy ngược chạy xuôi
Chân bùn tay lấm nụ cười chân quê
Cánh cò trắng xóa vọng về
Ngân nga vọng cổ bốn bề thiên nhiên
Đậm đà ký ức giao duyên
Xương cha máu mẹ dịu hiền ca dao
Con dù biền biệt phương nào
Quê hương một dạ dạt dào khó phai.
Bài thơ là cảm xúc rất thật của tác giả khi nhớ về quê hương, về mẹ. Nỗi lòng của tác giả cũng là nỗi niềm chung của biết bao người con xa quê. Con dù biền biệt phương nào, quê hương một dạ dạt dào khó phai. Đọc thơ ta thấy thêm yêu, thêm nhớ quê nhà.
Quê Hương Qua Lời Mẹ Kể - Công Vinh
Con nghe Mẹ kể ngày xưa,
Quê hương của Mẹ, mỗi trưa nắng hè.
Bình yên những mái tranh che,
Sông Thu in bóng luỹ tre ven làng.
Quê hương hai tiếng dịu dàng,
Mà sao vẫn thấy ngỡ ngàng trong con.
Làm trai, chữ hiếu chưa tròn
Quê Cha, đất Tổ, mỏi mòn thiệt hơn.
Ngày xưa, Mẹ kể nguồn cơn,
Quê hương của Mẹ, đã hơn mươi đời.
Sông Thu, một thuở thiếu thời,
Chiến tranh, Mẹ phải xa rời quê hương.
Miền trung chín nhớ, mười thương
Con như cánh Nhạn, lạc đường lẽ loi.
Sông Thu bên lỡ, bên bồi
Quê hương in dấu, một đời Mẹ Cha.
Con chưa về lại quê nhà,
Nên đâu biết được, đường xa hay gần?
Lòng con day dứt, băn khoăn
Nữa đời tóc đã pha dần màu sương.
Bao giờ về lại quê hương
Để xem Vĩnh Điện, An Tường là đâu?
Sông Thu xanh thẫm một màu
Bãi bồi cùng những ruộng dâu, nong tằm.
Bây chừ, Mẹ đã yên nằm
Lấy ai dìu dắt về thăm quê nhà
Đời con rồi cũng sẽ qua,
Quê hương rồi cũng chỉ là giấc mơ.
Quê hương đẹp tựa vần thơ
Sông Thu với những bến bờ yêu thương.
Dù cho xa cách dặm trường,
Lòng con vẫn mãi vấn vương Thu Bồn…
Thơ lục bát về quê hương luôn ngọt ngào, sâu lắng, dễ nhớ, dễ thuộc. Vì thế, ai lớn lên chẳng thuộc vài ba bài thơ như thế. Với những người con xa xứ, thơ về quê hương chính là nguồn sống tinh thần quan trọng giúp họ sống vui hơn, sống tốt hơn.
Thơ 4 chữ về quê hương
Ngắn gọn nhưng sâu sắc, ý nghĩa, thơ 4 chữ về quê hương luôn tạo được ấn tượng đặc biệt với người đọc. Nhịp thơ nhanh, dồn dập, hình ảnh trong thơ cô đọng, bức tranh quê hiện lên thật đầy đủ, trọn vẹn, thân thương, gần gũi.
Bình Định quê tôi
Bình Định quê tôi
Có cánh đồng quê
Có con đường làng
Có thiên nhiên đẹp
Đệ nhất Quy Nhơn.
Bình Định quê tôi
Trẻ con vui đùa
Trên bãi đất trống
Nào là cờ vây
Thế trận hùng mạnh
Như những năm qua
Chiến đấu oanh liệt
Cùng với thiên nhiên
Bụi tre già dặm
Ngăn cản bước chân
Giặc Nguyên hung ác
Từng một hạt cát
Đến bụi cỏ khô
Rồi núi non cũng
Xông pha ra trận.
Bình Định quê tôi
Bao nhiêu năm rồi
Con suối vẫn chảy
Từ một mầm non
Trở nên trưởng thành
Một cây đa già
Che bóng người người
Giúp ích cho đời.
Quê tôi
Ai về cù lao
Biển xanh tươi thắm
Cỏ cây xanh mượt
Dịu dàng thân quen
Đẹp lắm quê ta
Em ơi hãy đến
Góc phố nhỏ nhoi
Hoàng hôn đẹp lắm.
In sâu ký ức
Không thể nào mất
Là tình quê hương
Mãi nhớ xa xăm
Năm nào còn giặc
Ong đến từng bầy
Phải chăng như tiếng
Quân thù hét la.
Rồi sau mỗi trận
Sang bằng chiến địa
Tiêu diệt cả đàn
Un trong máu lửa
Vùng quê anh dũng
Xưa nay vẫn thế.
Bao trùm lên bài thơ là niềm vui, niềm tự hào sâu sắc của nhà thơ đối với quê hương, mảnh đất Cù Lao Chàm giàu đẹp, thanh bình, trù phú, nơi có mây trắng, biển xanh, khí hậu trong lành, mát mẽ. Trên mảnh đất Cù Lao gian khó bị giặc dày xéo năm ấy giờ cuộc sống đã nảy mầm, sự sống đã hồi sinh. Tự hào biết mấy mảnh đất ấy, con người ấy, luôn mạnh mẽ, kiên trung.
Quê hương
Cho dù ở đâu
Cũng đừng quên đi
Tổ quốc thiêng liêng
Nơi mình sinh ra
Dù xa cách mấy
Cũng phải nhớ về
Tổ quốc thiêng liêng
Việt Nam yêu quý.
Bảo Lộc quê tôi
Nó đẹp nhất tỉnh
Có thác nước Đambri
Có hồ Bảo Lộc
Bảo Lộc niềm vui
Bảo Lộc con người
Cái gì cũng đẹp
Tôi yêu Bảo Lộc.
Thơ về quê hương luôn có sức sống bất diệt, dễ ăn sâu bám rễ vào lòng người. Bởi nó đã nói hộ thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất thường trực, ngự trị trong trái tim của mỗi người. Hy vọng chùm thơ quê hương mà hocde.vn dành tặng sẽ giúp bạn thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Tham khảo thêm bài nguyên mẫu tại đây : Chùm thơ về quê hương ngọt ngào, sâu lắng, lay động tâm hồn người đọc
source https://hocde.vn/chum-tho-ve-que-huong-ngot-ngao-sau-lang-lay-dong-tam-hon-nguoi-doc/
0 notes
Text
Người đàn ông khuyên vợ lấy chồng khác
"Tôi là người khuyết tật, ba năm nay bị liệt hoàn toàn. Vợ chồng tôi đã nương tựa vào nhau đến giờ. Cảm ơn vợ vì đã không bỏ rơi anh", Đinh Công Vịnh, 30 tuổi, quê Mai Châu, Hòa Bình bắt đầu bài viết kể về người vợ của mình trên một diễn đàn mạng. Kèm theo bài viết là hai bức ảnh vợ chồng tay trong tay, quấn quýt bên nhau.
Vịnh là người dân tộc Mường, bị liệt hai chân. Đầu năm 2017, khi đang làm phụ hồ dưới Hà Nội, những cơn đau lưng bắt đầu xuất hiện. Chữa trị mãi không đỡ, thấy nhiều người tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào lưng, anh cũng học theo. Sau hơn một năm vết tiêm nổi cục áp xe, để lâu nhiễm vào tủy.
Sau phẫu thuật hút dịch trong tủy, Vịnh tiếp tục trải qua ca mổ do bị dò dịch ở chân. Ngay khi nằm trong viện, từ xương cụt trở xuống đã không còn cảm giác. Ông bố một con suy sụp. Lần đầu được vợ mặc bỉm vì không tự chủ được vệ sinh, Vịnh khóc ngay trên giường bệnh. "Với tôi cuộc sống coi như chấm hết", anh hồi tưởng.
Chồng bị liệt hai chân, năm đầu tiên, chị Bùi Thị Hoa thường phải bế chồng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ra viện, từ một thanh niên khỏe mạnh, giờ mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào vợ. Nhà tranh vách đất, khu vệ sinh không khép kín nên mỗi lần đưa chồng đi tắm hay vệ sinh, chị Bùi Thị Hoa đều phải bế chồng, ròng rã hơn một năm. Cả nhà khi đó sống dựa vào 3 sào ruộng và tiền công đi làm thuê của chị. Một mình chăm chồng con, những nếp nhăn trên khóe mắt Hoa ngày càng nhiều, bạn bè nhận xét chị già hơn lứa tuổi 28.
Phải ngồi và nằm nhiều nên phần xương cụt của Vịnh thường xuyên bị viêm loét nhưng anh không cảm nhận được. Từ một người hoạt bát, vui vẻ, anh trở nên lầm lì, hay cáu bẳn. Để chồng thoải mái tinh thần, thỉnh thoảng Hoa chở chồng đi hóng gió bằng xe máy. Có lần, do không để ý, về tới nhà Hoa phát hiện bắp chân chồng bị bỏng, phồng rộp do chân chạm vào ống pô xe. "Cháy da cháy thịt nhưng tôi không cảm giác gì. Sự bất lực đến từ ngay việc đau mà cũng chẳng biết", người đàn ông 30 tuổi chia sẻ.
Nhìn thấy vợ tất tả ngược xuôi kiếm tiền nuôi gia đình, một lần quẫn trí nhìn thấy lọ thuốc trừ sâu trong góc nhà, ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh: "Hay kết thúc cho xong đời". Cô con gái 4 tuổi lúc đó bất ngờ chạy về phía bố, bóp chân rồi hỏi: "Bao giờ bố biết đi. Khi khỏe bố đưa con đi học nhé". Ông bố trẻ bừng tỉnh, xoa đầu con, quay đi mắt đỏ hoe.
Ngoài liệt chân, căn bệnh viêm tủy cũng đặt dấu chấm hết cho "bản năng đàn ông" của Vịnh. Nhiều lần nằm cạnh vợ, anh ngập ngừng nói lời chia tay: "Em còn trẻ, cứ mãi thế này tội lắm". Hoa mỗi lần nghe chồng nói đến việc ly dị đều lắc đầu: "Vợ chồng là duyên số. Có duyên thì dù cho thế nào cũng phải ở bên nhau", cô khẳng khái.
Không thuyết phục được vợ, Vịnh thường xuyên kiếm chuyện, gây sự để Hoa "chán chồng". Những lúc bị chồng quát mắng, Hoa lại ngồi im, đợi qua cơn giận mới nhỏ nhẹ: "Dù thế nào em không bao giờ bỏ anh đâu". Nói rồi, cô lặng lẽ đi ra ngoài, để chồng ở lại một mình, nguôi ngoai cơn giận.
Biết không thể lay chuyển vợ, Vịnh không nhắc đến chuyện ly hôn nữa nhưng tỏ ra lạnh nhạt, ngày nói dăm ba câu cho có. Hoa vẫn lặng lẽ chăm sóc chồng. Thời gian ở nhà, anh tìm hiểu và tham gia hội nhóm dành cho những người bị chấn thương cột sống. Thấy nhiều người còn vất vả hơn mình, anh tự vấn bản thân: "Mình còn có vợ chăm sóc, sao mãi không thể bình tâm".
"Không chết được thì phải cố gắng sống tốt. Đừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội", Vịnh nhớ tới lời của một người bạn trên hội nhóm, người đàn ông 30 tuổi tự vịn tường ngồi dậy, cố di chuyển ra chiếc xe lăn đặt ở đầu giường, cầm chiếc chổi quét nhà.
Thấy vợ tất bật việc đồng áng, còn đi làm thuê, trưa vẫn tạt qua nhà lo cơm nước, Vịnh bắt đầu học cách tự tắm rửa, nấu ăn giúp vợ. Con gái đi học về đã có cơm nóng, canh ngọt, nhà cửa quét dọn gọn gàng. Vợ Vịnh thường đùa nhờ cơm chồng nấu mà cô tăng cân. "Em phải ăn thật khỏe thì mới bế nổi anh chớ", Hoa cười lớn mỗi khi Vịnh so sánh vợ to gấp rưỡi chồng.
Gia đình nhà anh Vịnh, chị Hoa và con gái năm nay đã tròn 7 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau nhiều năm làm công, một năm trở lại đây, Hoa bàn với Vịnh ở nhà bán hàng nông sản, tạp hóa cho người dân địa phương. Lúc thì vài con gà, lúc thì cây giống hoặc những sản phẩm thiết yếu khác. Hai vợ chồng cùng làm, chồng đăng bài trên trang cá nhân, vợ đi đưa hàng, vui vẻ, chẳng to tiếng cãi vã. Tiền lãi đủ ăn và trả lãi ngân hàng từ những ngày Vịnh còn nằm viện điều trị.
Năm ngoái, qua một chương trình từ thiện, gia đình Vịnh Hoa được một tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm xây dựng lại căn nhà cấp 4 trên nền căn nhà vách đất cũ. Nhà vệ sinh và bếp khép kín khiến việc di chuyển xe lăn của người đàn ông 30 tuổi trở nên thuận tiện hơn.
Biết vợ thích các món ăn từ cá, Vịnh lên mạng mày mò học hỏi rồi vào bếp. Giờ ông bố một con rất tự tin với món cá om dưa được vợ đánh giá "ngon nhất Vịnh Bắc bộ" – việc mà nhiều năm trước ít khi đụng tới. Ngoài việc bếp núc, gần đây Vịnh lại thích nghêu ngao hát và thổi sáo - sở thích thời thanh niên của anh.
Trong căn nhà cấp 4 mới xây, Đinh Công Vịnh với tay lấy cây sáo bầu treo trên tường, lau lớp bụi rồi đưa lên miệng thổi. Giữa trưa, tiếng sáo cất lên, lúc lảnh lót, trong trẻo, lúc trầm ấm nhẹ nhàng. Bài sáo này được anh quay lại video để làm quà tặng sinh nhật vợ.
Buông sáo, Vịnh gọi con gái 7 tuổi vào bếp, cùng nhau nhào nặn bột mỳ, hấp lên làm bánh sinh nhật với lời nhắn tặng vợ: "Cùng nắm tay nhau để lo cho con em nhé. Cảm ơn em vì đã luôn ở bên anh".
Theo Hải Hiền
VnExpress
Nguồn https://ift.tt/3bCtHzY
0 notes