phuongdd
Chuyện của Phương
10 posts
Viết về những điều mình cần viết
Don't wanna be here? Send us removal request.
phuongdd · 1 year ago
Text
Đôi lời tản mạn về em
Trước khi mở đầu thì có đôi lời anh muốn nói, thật ra thì lúc đầu anh định dùng đại từ nhân xưng tôi và em trong bài viết này, chắc sẽ thi ca hơn một chút, hấp dẫn hơn một chút, hoặc có lẽ nghe sẽ da diết hơn chút, nhưng cũng xa cách hơn chút. Viết được hai đoạn thì anh không chịu nổi, nên lại quay về anh em, có lẽ do mình đã quá quen xưng hô như vậy, cũng có lẽ do anh chỉ muốn viết bài này cho em, nhưng anh càng nghĩ là do anh không muốn kéo dài thêm sự xa cách của mình. Vì thế nên là, từ giờ về sau, anh vẫn sẽ dùng anh và em.
Hôm nay là ngày 20 tháng 12, gần đến Giáng Sinh, năm mới cũng sắp đến, vậy là chuẩn bị qua rồi năm Quý Mão 2023. 2023 đối với anh căng tràn đấy biến động, không chỉ trong cuộc sống, công việc, mà còn về mặt tình cảm.
Sáng nay, cũng như bao ngày kể từ khi qua Pháp làm việc, anh tản bộ đến chỗ làm vào đúng 8h sáng, đi ngang qua khu rừng dẫn lối đến công ty. Chuyện vốn dĩ sẽ kết thúc ở đây, cũng chẳng có ý tưởng gì để viết nếu anh không chợt lướt Instagram và tình cờ được gợi ý ra tài khoản Threads của em. Vốn dĩ chưa nghe qua Threads bao giờ, trong điện thoại cũng chẳng có, cộng thêm sự tò mò chiếm giữ trong tâm trí về cuộc sống của em, anh liền vội vàng tải phần mềm này. Vội lướt qua các bài đăng, vội đọc vài dòng bình luận, vội xem vài chiếc ảnh, bất chợt tâm trạng anh ngổn ngang, tràn đầy cảm xúc, dồn nén, thôi thúc anh viết ra đôi lời, một là để lắng đọng lại những ký ức, hai là để giãi bày với chính bản thân, ba là hy vọng em sẽ đọc được nếu còn nhớ về trang Tumblr này.
Để xem nào, quay về hồi mình mới gặp nhau. Anh nghĩ đây không phải lần đầu tiên anh nói ra điều này, nhưng việc em xuất hiện trong cuộc đời anh đã kéo anh ra khỏi vực sâu u tối của sự lãnh cảm. Trước khi em xuất hiện, anh đã nghĩ rằng có lẽ trái tim vô cảm của anh đã thực sự ngừng rung động, chẳng cảm nhận được chút tình cảm cũng như hơi ấm nào cả. Và rồi, anh gặp em, người làm anh nhớ đến câu nói mà anh không rõ là của ai, "The world is dull, but it has you". Mọi người thường hay dịch là "thế gian vô vị, nhưng nó lại có em", còn anh thì nghĩ rằng, thế gian này vốn dĩ tràn đầy ý vị, thăng trầm, lên voi xuống chó, chỉ là nó vô sắc, còn em, là người tô điểm cho thế gian này. Chuyện mình gặp nhau, không thi vị như thơ, cũng không lãng mạn như truyện, mà mình gặp nhau qua những lần quẹt trái quẹt phải trên Bumble. Thật sự thì việc gặp nhau qua một ứng dụng hẹn hò không phải điều mà cả hai chúng mình tin tưởng lắm, vì lo lắng rằng người còn lại chỉ muốn tìm kiếm một cái gì đó chóng vánh và không có sự gắn kết trên này. Em còn đã xóa cả ứng dụng, nhưng rồi thương anh vì em nghĩ đọc tin nhắn mà không trả lời là tệ hại quá nên lại tải về để trò chuyện tiếp cùng anh (em tử tế vậy đó). Và rồi hai con người của sự nhạt nhẽo (hoặc có lẽ là của sự nghiêm túc) vẫn cứ thế mà tiếp tục cuộc chuyện trò.
Mình trò chuyện được khoảng hai tuần thì anh quyết định r�� em đi gặp mặt, mọi người thường nói, trên Bumble mà không rủ trong một tuần thì con nhà người ta chạy mất, nhưng em thì không, vẫn tiếp chuyện anh mỗi ngày. Thú thật là anh không hề muốn mình gặp nhau, vì anh sợ, sợ rằng gặp rồi anh sẽ chẳng dứt ra được (đâu có sai đâu). Nhưng rồi anh nghĩ, nếu không gặp em, anh sẽ hối hận cả đời mất, nên là anh lấy hết dũng khí để mời em đi uống nước. Vì khoảng thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam của anh dịp Tết nên mình chỉ gặp nhau được đúng hai lần, lần đầu ở Dot, Yên Hoa, lần hai thì ở Con Vịt Say, Từ Hoa. Chắc không phải tình cờ đâu, khi hai con phố đều mang tên thứ mà em thích. Lạ thật sự đấy vì chưa gặp nhau lần đầu mà mình (chính xác hơn là anh) đã có kế hoạch gặp nhau lần hai rồi. Thời gian hai cuộc gặp dù không dài, song mình cũng có đủ thời gian tâm sự các thứ trên đời, anh kể cho em chuyện DNA của chuối, rồi em kể cho anh câu chuyện về việc dì em ở Anh. Hợp đến thế đấy mà mãi sau này anh mới biết là em đã nghĩ rằng sau cuộc gặp đó chúng mình sẽ dừng lại và kết thúc sớm thôi (vì anh đi xa tiếp), thảo nào mà em mới tặng anh cái ôm "tình bạn", kiểu dù sao cũng xa nhau rồi, thôi thì ôm một cái. Tính anh vốn ngại, mà tự dưng được ôm hẳn 0.5 giây làm anh đớ ra và cũng chả kịp phản ứng nữa, càng làm mọi thứ trở nên hài hước hơn. Cũng may là sau đấy mình vẫn tiếp nối cuộc trò chuyện, dù chỉ là online, và chỉ qua giọng nói, cùng vài dòng tin nhắn.
Những cuộc trò chuyện của mình, anh vẫn nhớ như là vừa xảy ra ngày hôm qua vậy, từng bức ảnh anh chụp trong chuyến đi du lịch xuyên Việt Nam hay Đài Loan anh gửi cho em, từng lời bình luận về cuộc sống, từng lời hỏi thăm sức khỏe, từng lời nhắc nhở việc học tiếng Trung. Rồi từng đoạn phim, từng chiếc ảnh dễ thương, sáng tạo với những dòng chữ và câu nói đầy sự an ủi và động viên em gửi cho anh mỗi khi anh gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống nơi phương xa. Cả những quan điểm và lời tâm sự khiến anh nhận ra em đúng là một "wifey material" mà anh luôn hằng mong đợi (haiz). Còn đánh sâu vào lòng anh nhất là những câu nói tình cảm, rất hiếm hoi, mà có lẽ em chỉ buột miệng nói ra trong những đêm dài. Khi con người ta trở nên yếu đuối (và mệt mỏi) thì những lời nói càng thể hiện đúng những suy nghĩ của chính mình, biết thế, nên anh càng trân trọng hơn những khoảng khắc mà em thể hiện con người và tình cảm của em. Rất may mắn là việc lưu trữ ảnh trên đám mây đã cứu anh một bàn thua trông thấy khi rất nhiều ảnh của em đột nhiên mất đi khi anh dọn bộ nhớ trên điện thoại.
Em còn nhớ không, hồi đầu mình nói về việc chẳng thể nghĩ rằng sẽ đột nhiên nói chuyện với một người lạ trong khoảng thời gian dài như vậy, nào là hai mươi mốt ngày sẽ thành một thói quen, rồi cứ nói chuyện tâm sự thế nào mà mốc thời gian này cứ thế trôi qua, dễ như là cắt bơ vậy. Dù đều có những cản trở nhất định như việc anh đi ngủ sớm (giờ vẫn vậy) và việc múi giờ mình lệch nhau (giờ càng lệch hơn) nhưng đến cuối cùng mình đều tìm ra giải pháp và cố gắng để vượt qua những trở ngại đó. Như việc em dành thời gian sớm hơn, cố gắng hoàn thành công việc sớm để mình có thời gian nói chuyện với nhau, và anh thì đã thức những đêm thứ bảy đến ba hay bốn giờ sáng chỉ để kéo dài cuộc hội thoại của chúng mình. Đúng là khoảng cách và thời gian dường như cũng chẳng thể ngăn được tình cảm mình dành cho nhau, em nhỉ?
Lan man thế chắc cũng đủ rồi, quay lại với những bài đăng trên Threads, vẫn tràn đầy năng lượng tích cực đúng như em của ngày nào, em vẫn thích uống matcha latte, không phải là loại mà hay bán ở Starbucks đâu, chỉ ở những quán mà em thích thôi. Rồi em vẫn ghét ăn cà rốt như vậy, lúc mới biết thì anh cũng ngạc nhiên lắm, anh đã tự hỏi là làm sao mà có người Việt Nam không thích ăn cà rốt được. Rồi anh dành thời gian tìm hiểu rất nhiều những cách nấu ăn để khiến cà rốt mất mùi và giúp em ăn được (bổ sung chút vitamin A), nhưng giờ nó đã thành một kiến thức mà anh chẳng dạy em được nữa. Trên hết cả, qua tất cả những bài đăng, anh thấy em đang thực hiện được đúng những kế hoạch và ước mơ của mình rồi, tiếp tục công việc ở FPT này, và anh đoán sớm thôi (chắc trong năm sau), em sẽ đến Anh, và dành Giáng Sinh ở con phố thiên thần.
Dù nhớ em đến vậy, anh cũng không hồi hận vì mình đã dừng lại, dù anh chưa từng, chưa từng, chưa từng hết tình cảm dành cho em. Chỉ là anh không muốn sự tiêu cực trong lòng anh làm ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như cuộc sống của em. Anh không muốn trở thành vệt màu đen u tối chấm phá sự tinh khôi và vui vẻ ở em. Anh biết là anh ích kỷ, anh cũng biết là anh chẳng nghĩ đến cảm nhận của em, nhưng đôi lúc có những sự việc mà mình bắt buộc phải làm, không thể trốn tránh được. Anh vẫn mua những chiếc bưu thiếp mỗi nơi anh đi, viết lên vài dòng chữ, kể về trải nghiệm của anh trong những cuộc hành trình, dù anh chẳng còn ai để gửi đến nữa. Những lời hứa và lời hẹn hò đi chơi bị bỏ quên có lẽ cũng nên cho vào dĩ vãng.
Có đôi lời anh đã tập rất nhiều lần, và cũng đã tưởng tượng ra rất nhiều viễn cảnh, nhưng chắc chỉ có thể giữ cho mình anh thôi. Sau này người gọi em là bé Giang, là Cún sẽ không phải là anh nữa rồi.
Anh chỉ mong em có một cuộc sống thật vui vẻ và hạnh phúc.
PDD.
Tái bút: Viết ra chắc có lẽ cũng chỉ để tìm lý do thoái thác, tìm lý do quên đi chính nỗi buồn của mình, viết xong cũng nhẹ nhàng hơn chút đó, nhưng mà cũng giống như dùng băng dính vá tim, chẳng mấy chốc mà lại nứt.
Tumblr media
5 notes · View notes
phuongdd · 1 year ago
Text
Ghép
Hôm nay trời lại nắng
Tìm mãi chẳng thấy mây
Biển xanh và cát trắng
Yến đen thắng giữa trời
Gió thổi sóng dập dềnh
Thuyền bập bềnh lên xuống
Lưới cá căng đầy ứ
Người dân chài chênh vênh
Bầy trẻ chạy qua lại
Nô nức và thét gào
Nào cua nào ốc nhỏ
Vốc lên bỏ vào nơm
Cảnh đẹp trong tiềm thức
Bỗng tự xếp vào thơ
Còn tôi thì ngồi ghép
Tâm hồn còn bơ vơ Paris, Pháp, 30/11/2023.
PDD
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Vào thu
Hôm nay trời bỗng vào thu
Trên đường rảo bước mịt mù mưa lay
Sương vờn cành lá chim bay
Cầm ô người đứng loay hoay một mình.
Đài Bắc, Đài Loan, 23/10/2020.
PDD.
Tumblr media
Nguồn ảnh: https://unsplash.com/photos/-qubtWKU05w
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Mùa mưa gõ cửa chốn anh nương
Kéo đến mây đen khuất ánh dương
Nhớ mãi ngày đầu em bước đến
Đêm trường thổn thức bóng người thương
Đài Bắc, Đài Loan, 22/10/2020.
PDD.
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Chuyện vứt rác ở Đài Loan
Thật ra thì việc để tiêu đề là “Vứt rác ở Đài Loan" có cảm giác hơi thô và tục tĩu, nhưng lại là một sự việc mà phải sống đến hơn 2 năm ở Đài Loan tôi mới có trải nghiệm thật rõ ràng về nó. Chính vì thế nên muốn viết ra để lưu giữ lại cảm giác cũng như kiến thức này.
Hồi mới sang Đài Loan tôi chỉ loanh quanh sống ở ký túc xá của trường và phòng thí nghiệm của lab, có chỗ tập trung rác riêng nên cũng chỉ có một vài ấn tượng tương đối về việc người dân vứt rác ở hai quốc gia.
Điều thứ nhất đó là việc phân loại rác. Ở đây khác với Việt Nam, rác phải được phân loại khi vứt. Sẽ có từng thùng rác một cho mỗi loại rác với nhãn dán cũng như hình ảnh minh hoạ. Rất may cho một đứa mới sang đây là có lẽ trong trường nhiều sinh viên nước ngoài nên có đề thêm tiếng Anh chứ nếu không chắc phải mở nắp từng thùng để xem. Ở trong trường thì rác sẽ được phân thành bìa (giấy, hộp carton), đồ nhựa dạng PE, các dạng đồ nhựa còn lại, dạng kim loại (lon), hộp giấy nhưng có tráng nhựa bên trong (dùng để đựng đồ ăn, nước uống), đồ ăn thừa (dùng để làm phân bón hoặc nuôi lợn), và các loại rác khác. Vì việc phân loại khá là phức tạp nên khi mới sang đây tôi khá bỡ ngỡ và thường hay vứt nhầm, nên bị mắng khá thường xuyên (buồn lắm). Nhất là hộp giấy đựng đồ ăn, bắt buộc phải rửa sạch trước khi đem vứt nếu không sẽ bị nhắc nhở.
Điều thứ hai thì tôi nhận ra khi đi lang thang ngoài đường chứ không hẳn là ở trong trường. Thay vì như ở Việt Nam sẽ có từng cô nhân công vệ sinh đẩy xe rác qua từng con ngõ đến trước từng nhà gõ kẻng báo hiệu để mọi người vứt rác thì ở Đài Loan lại khác hẳn. Ở đây xe rác (màu cam nha) sẽ chỉ đi ngoài đường lớn nên đến giờ là người dân phải rồng rắn lên mây kéo nhau xách rác ra ngoài mặt đường lớn để vứt. Và một điều đặc biệt nữa là xe rác ở đây không dùng kẻng, mà dùng nhạc (cổ điển hẳn hoi). Không phải một bài nhạc bất kỳ nào mà là một đoạn của Für Elise của Ludwig van Beethoven. Tôi có nghe nói là còn một bản nhạc khác cũng hay được sử dụng đó là Maiden’s Prayer của Tekla Bądarzewska-Baranowska, bài này thì tôi chưa từng thấy xe rác nào bật cả, có lẽ là ở Đài Bắc thì người ta không dùng đến. Khá là thú vị vì thay vì nghe tiếng kẻng khá đau tai thì giờ đây ta được nghe nhạc cổ điển khi đi vứt rác, một trải nghiệm rất thi vị. Theo như tôi tìm hiểu thì bộ trưởng bộ Y Tế Đài Loan Hsu Tse-chiu những năm 1980 đã chọn nhạc Beethoven sau khi nghe con gái ông tấu bản nhạc ấy trên đàn piano... Đến giờ tôi vẫn không thể tìm được sự tương quan giữa việc con gái ông chơi đàn và việc vứt rác.
Ở trên là hai điều mà tôi biết khi vẫn còn là sinh viên và chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường học. Và chỉ cho đến gần đây khi chuyển ra ngoài ở và được trải nghiệm việc vứt rác như người dân bản địa thì tôi mới biết thêm được khá nhiều kiến thức chi tiết hơn về việc vứt rác ở đây.
Xe rác ở Đài Loan sẽ đến từng địa điểm cố định trên từng con phố vào từng thời điểm cố định trong ngày, như khu tôi sống thì thật may mắn sao là xe sẽ đến lúc 9h tối và cách nhà khoảng 30s đi bộ, xong việc đi ăn rồi về vẫn còn có thể vứt rác kịp. Và tiếp nối việc phân loại rác ở trên thì việc vứt rác ở xe cũng phải được phân loại. Thường thường sẽ luôn có 2 xe rác xuất hiện, một chiếc màu cam giống kiểu xe rác ở Việt Nam và một chiếc xe tải thông thường. Trên mỗi chiếc xe đều có dòng thông báo là “không được vứt rác nếu chưa phân loại”, và nếu không phân loại thì sẽ bị nhân viên vệ sinh chửi ê chề trước mặt bà con lối xóm. Rác khi đem vứt ở đây thì chỉ cần chia thành ba loại đó là rác tái chế được, rác không tái chế được, và đồ ăn thừa. Rác tái chế còn được phân thành loại nhựa và loại giấy, xe tái chế rác nhựa chỉ đến vào thứ Ba và thứ Bảy còn xe rác giấy sẽ đến vào thứ Hai và thứ Sáu, còn thứ Năm thì hiện tại tôi vẫn chưa rõ là xe gì, và xe không tái chế thì không phân chia. Khá kỳ lạ là sẽ không có xe rác vào thứ Tư và Chủ Nhật, cảm giác như chính phủ cho rằng người dân sẽ không cần vứt rác vào hai ngày này (hoặc là cho nhà dân ngập ngụa trong rác để tự giảm thiểu lượng rác thải XD).
Và hơn thế nữa, để “được" vứt rác không tái chế, ở Đài Bắc (gồm Đài Bắc và Tân Bắc), người dân phải mua loại túi chuyên dụng để có thể vứt rác. Ở Đài Bắc sẽ là túi màu xanh và ở Tân Bắc sẽ là túi màu hồng. Loại túi này có bán ở khắp mọi nơi, từ siêu thị (PX mart) cho đến cửa hàng tiện lợi như 7-11 và Family Mart. Giá bán của túi cũng có thể coi là khá đắt, 100 đài tệ hay 80.000 VND cho tầm 10 túi 14L. Việc này một phần để chi trả cho hệ thống xử lý chất thải, một phần cũng hạn chế người dân vứt rác không tái chế trong một nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường.
Chính vì những điều trên, kết hợp với ý thức của người dân mà tỉ lệ tái chế rác thải ở Đài Loan đạt đến ngưỡng 55%, chỉ xếp sau các nước châu Âu và Hàn Quốc, một con số đáng ngưỡng mộ. Ngoài ra, việc rác được chuyển thẳng từ nhà dân lên xe rác cũng hạn chế việc để rác ngoài đường, cột điện như ở Việt Nam, giảm ô nhiễm đường phố và đô thị. Đúng là khi đi ngoài đường ở Đài Loan thì gần như không nhìn thấy rác đâu, chỉ đến những khu đông người như chợ đêm thì mới thấy có rác bừa bãi trên đường. Tôi đã từng tham gia một hoạt động của Adidas Runner Taipei, vừa chạy vừa nhặt rác ven đường, và trong cả quãng đường 7km chạy thì thực sự là tôi chỉ nhặt được tầm 5 đến 6 chiếc/món (không rõ nên dùng danh từ gì) rác.
Trong bối cảnh mà Việt Nam đang là một trong những nước thải rác ra biển nhiều nhất thế giới thì thật sự mong rằng một ngày không xa Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các biện pháp mà Đài Loan đã làm. Mặc dù có một vài điểm tôi cho rằng khá khó đó là việc giảm thải số lượng nhân viên vệ sinh môi trường (thay vì đi từng con ngõ như trước), việc người dân phân loại rác (cần phổ cập kiến thức và nâng cao ý thức người dân), và việc người dân cần trả tiền để vứt rác không tái chế (khả năng cao sẽ bị than vãn).
Đài Bắc, Đài Loan, 20/10/2020.
PDD.
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Bồi hồi
Ngày mưa tới lab chẳng ai ngồi
Cửa đóng, bàn không, máy tắt rồi
Sáng sớm đi làm thì lịch sự
Chiều tà nghỉ việc lại lôi thôi
Xa rồi lúc đó bao bè bạn
Tiếc nuối giờ đây chỉ có tôi
Chợt có bài ca về tổ quốc
Dư âm vọng mãi thấy bồi hồi.
Đài Bắc, Đài Loan, 07/10/2020.
PDD.
2 notes · View notes
phuongdd · 4 years ago
Text
Về Mây
Đài Bắc đã mưa ròng rã vài ngày liên tục. Trời bắt đầu đổ mưa vào thứ Năm tuần trước, kéo dài mãi cho đến tận hôm nay. Sau chuyến đi chơi cùng với cả viện nghiên cứu vào thứ Sáu, tôi phải đi làm vào thứ Bảy để bù cho lịch nghỉ tết Trung Thu vào tuần sau. Hai ngày cuối tuần trôi qua thật ảm đạm, mưa không ngừng, trời xám xịt, quần áo không thể khô, lòng người không thể rạng. Vì mưa nên tôi không thể đi chạy bộ như mọi khi, vậy nên có nhiều thời gian cho bản thân để suy nghĩ về cuộc đời, về tôi, và về em. Tôi đã quá chán với việc chờ đợi một điều gì đó mà có thể khiến ta gần nhau hơn. Cơ hội sẽ chẳng tự nhiên mà có nếu ta không tự tạo ra nó, vì thế nên tôi quyết định sẽ bắt chuyện với em.
Có lẽ là trùng hợp, cũng có lẽ là do duyên phận mà ngày mà tôi có đủ can đảm bắt chuyện với em lại là vào thứ Hai. Hôm đó trời vẫn mưa. Tôi không cạo râu vì cho rằng nó có phần khiến tôi trở nên bụi bặm, bất cần, và ngầu hơn. Thật ra thì cũng không dài lắm nhưng tôi nghĩ nó phần nào cho tôi thêm chút tự tin. Tôi đến lab lúc tầm 8h hơn, chuẩn bị tinh thần đầy đủ, vì tôi biết em sẽ đến vào tầm 9h30 đến 10h. Và rồi em đến. Rạng rỡ như mọi khi cùng với phong cách ăn mặc khá hiện đại (và tất nhiên vẫn là những gam màu trầm). Sau một vài phút chần chờ lấy can đảm thì tôi bắt chuyện với em, cũng chỉ là những câu nói khá xã giao mà sao thật khó để cất nên lời. Em khá thân thiện khi tiếp chuyện tôi cùng những nụ cười thường trực trên môi làm tôi càng thêm xao xuyến. Cuộc hội thoại chỉ gói gọn trong tầm 10 phút nhưng cũng khiến tôi thấy vui tươi và yêu đời hơn sau chuỗi ngày mưa tầm tã.
Và rồi ngày thứ Hai trôi qua êm đềm vì tôi bận làm việc, em cũng bận học cả ngày. Tôi đã có thể về sớm hơn nhưng tôi quyết định đợi đến lúc em tan học để có thể (bằng một cách kỳ diệu nào đấy) cùng nhau đi tàu điện về. Nhưng mà người tính không bằng trời tính, vì trả lời vài câu hỏi của bạn (người Canana) nên tôi đã để lạc mất em trên đường ra ga tàu. Khá buồn, có lẽ chúng ta không có cái mà mọi người hay gọi là duyên.
Thứ Ba, không sao, như các cụ đã nói, thua keo này thì ta bày keo khác. Tôi đã xin giáo sư không tham gia vào buổi thảo luận nhóm của cả lab (thật ra cũng do mọi người sẽ thuyết trình bằng tiếng Trung nữa), nên tôi có cả buổi sáng để có thể nói chuyện với em, thêm một lần nữa. Lần này tôi bắt chuyện với tâm thái tự tin hơn vì ít ra chúng ta cũng đã biết qua về nhau từ hôm qua rồi mà. Cơ mà rồi tự tin sụp đổ. Lần nói chuyện này khá gượng gạo, em chỉ đáp từng lời một cách nhát gừng và lấy lệ, có thể do em đang bận, cũng có thể là do em chẳng muốn nói chuyện với tôi. Ngày làm việc trôi qua khá ảm đạm, đọc vài bài báo, lướt vài dòng code, tìm vài trang web. Cố gắng giữ mình bận rộn để quên đi sự thất vọng đầu ngày. Cũng không biết nên gọi là niềm vui hay nỗi buồn khi cuối ngày chúng ta đã đi cùng nhau trên con đường về nhà. Nhưng chúng ta cũng chẳng bắt chuyện với nhau. Tôi đi ở trước, em phía sau. Em nhìn thấy tôi và tôi cũng nhìn thấy em. Chúng ta như đang đi trên hai đường thẳng song song vậy, thấy nhau một cách dễ dàng nhưng lại chẳng cắt qua nhau.
Trong khoảng thời gian trước và sau khi bắt chuyện tôi đã suy nghĩ khá nhiều về việc có nên tiến tới hay không. Giờ đây tôi cũng có thể coi là đã trưởng thành, những gì tôi tìm kiếm khác xa so với hồi còn trẻ. Tôi tìm kiếm một mối quan hệ mà có thể đi cùng nhau quãng đường dài sau này. Vì thế, tôi cũng suy nghĩ nhiều hơn về những cản trở có thể gặp phải. Thứ nhất, thời gian còn ở lại Đài Loan của tôi có lẽ không còn nhiều, tôi sẽ về Việt Nam, hoặc sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học thuật, đi học tấm bằng tiến sĩ ở một phương trời nào đó. Thứ hai, mặc dù tiếng Trung giao tiếp của tôi cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng rào cản ngôn ngữ giữa chúng ta là quá lớn, chẳng hiểu rằng sau này nếu tôi dẫn em về nhà hoặc gặp những người bạn thì sẽ giao tiếp ra sao. Thứ ba, tôi vẫn chưa có một công việc ổn định, việc làm trợ lý nghiên cứu nghe có vẻ cao sang nhưng thu nhập không quá cao, tôi vẫn luôn muốn tìm một công việc với mức lương ổn thoả hơn. Giờ mà bắt đầu một mối quan hệ thì vấn đề tài chính khá là đau đầu. Thứ tư, điều quan trọng nhất, tôi có cảm giác rằng em chẳng có hứng thú gì với tôi. Nếu tôi còn trẻ, có lẽ tôi sẽ chẳng quan tâm gì hết và tiến tới, nhưng giờ đây, có lẽ mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu.
Em như bông hoa nở rộ khi đời tôi u tối nhưng cũng như những đoá hoa muốn tươi lâu thì chẳng thể hái, tôi chỉ có thể ngắm nhìn và thưởng thức mà thôi.
Đài Bắc, Đài Loan, 29/09/2020.
PDD.
Tumblr media
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Trải lòng về sự cô đơn
Cũng được hơn hai năm, gần ba năm rồi kể từ khi tôi không còn ở nhà nữa. Tháng 7 năm 2018, tôi lên đường sang Đài Loan học thạc sĩ, bỏ lại Việt Nam gia đình, người thân, bạn bè. Trước đấy cũng có cơ hội sang Đài Loan thực tập khoảng 5 tháng nên thật ra tôi cũng không quá lạ lẫm cái hòn đảo hình củ khoai lang này. Trong cái quãng thời gian hai năm này thì cảm giác cũng như định nghĩa về sự cô đơn của tôi đã thay đổi theo thời gian.
Tháng 7 đến tháng 9/2018, háo hức. Được đi chơi, không phải chịu sự quản thúc của gia đình, bố mẹ, sống xa nhà, tự lập. Cảm thấy mình đột nhiên trở thành người lớn rồi, có trách nhiệm hơn (cũng như ăn chơi hơn). Mặc dù là qua đây học thạc sĩ nghiên cứu nên tôi có bận hơn so với những bạn học kinh tế xã hội, nhưng đôi lúc tôi vẫn dành thời gian đi chơi, thăm thú đó đây, trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa nên cũng khá vui.
Từ sau tháng 9/2018, buồn. Sau khoảng thời gian đầu ăn chơi lêu lổng thì bắt đầu vào học kỳ, trở nên bận hơn, việc học đã chiếm một khoảng thời gian khá lớn trong thời khoá biểu lúc đó. Cuối tuần thì thỉnh thoảng cũng có đi chơi, nhưng không còn vui như trước nữa. Bắt đầu nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân, bạn bè. Nhìn chúng bạn tụ họp ăn uống ở Việt Nam mà lòng thấy buồn rười rượi. Cũng muốn tụ tập bạn bè tâm sự nói chuyện mà chỉ có thể trao đổi qua những cuộc gọi, thiếu đi những ánh nhìn vào đôi mắt, thiếu đi những tiếng thở dài, thiếu đi những cái vỗ vai an ủi. Đôi lúc tôi cũng chỉ muốn về nhà ăn cơm mẹ nấu sẵn, ăn những món tôi thích, mà chẳng được. Tôi cũng chẳng kết bạn được mấy ở đây, phần lớn là vì không biết tiếng Trung, phần nhỏ là vì sự khác biệt văn hoá giữa hai quốc gia, nên những câu đùa, khó hiểu, những lời tâm sự, khó nói. Cũng may là trong khoảng thời gian này vẫn còn có người tôi yêu bên cạnh, hai đứa cũng phần nào nương tựa nhau mà sống cho qua đi hết những sự cô đơn bên ngoài.
Không rõ thời gian nữa, chắc bắt đầu từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, tôi đã quen với cái sự cô đơn ấy. Quen với việc chẳng hiểu những người xung quanh đang nói gì trong bữa ăn, quen với việc đi lại trên đường chẳng biết là mình đang ở đâu, quen với việc ăn những món ăn đầy dầu mỡ nơi xứ người. Việc gì trải qua lâu thì cũng thành thói quen mà. Lớn rồi, ra ngoài ở lâu cũng dần trở nên chai sạn, cũng hiểu được thế giới này chẳng bao giờ xoay quanh ta đâu. Thế nên tôi trở nên ít nói hơn, phần nào lầm lì hơn, chẳng để ý đến những điều người khác nói nếu nó chẳng liên quan gì tới mình. Cũng may là một năm tôi có thể về Việt Nam một, hai lần vì giá vé máy bay cũng không quá đắt và các dịp nghỉ lễ của 2 nước khá giống nhau. Nếu thật sự ở quá xa thì tôi cũng chẳng rõ tôi sẽ trở nên như thế nào nữa. Những lúc về Việt Nam thì mọi người vẫn thường hỏi ở bên đấy một mình có buồn, có cô đơn không, tôi thì chẳng dám nói sự thật, sợ mọi người nghĩ nhiều nên chỉ luôn trả lời là “Không, cháu quen rồi.”.
Từ tháng 8, 9 năm 2019, mọi thứ trở nên tốt hơn. Sau quãng thời gian đi thực tập ở Kuala Lumpur, Malaysia, tiếng Trung của tôi tiến bộ rõ rệt. Khá nực cười là ở Đài Loan một năm tiếng Trung không học được gì mấy nhưng sau khi trở về từ Malay lại có sự tiến bộ rõ rệt. Dễ là sự tích lũy về lượng, mưa dần thấm lâu, dẫn đến khi thay đổi hoàn cảnh tạo nên sự đột phá về chất. Trở lại làm việc với vốn tiếng Trung tốt hơn, tôi bắt đầu quen những người bạn mới, tâm sự nhiều hơn với mọi người, mọi người cũng hiểu tôi tốt hơn nên tôi cũng không còn cảm thấy cô đơn nữa. Thời gian này mọi việc cũng trở nên bận bịu hơn vì tôi phải chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp vào năm sau. Chính vì lẽ đó mà tôi cũng không còn quá nhiều thời gian để tự ngẫm và trao đổi với bản thân nữa nên sự cô đơn cũng bị dẹp qua một bên. Cuộc đời lại trở nên tươi đẹp hơn, tôi tiêu nhiều tiền hơn, và tâm trạng cũng trở nên tươi sáng hơn.
29/2/2020, tôi chia tay với người yêu. Lý do cụ thể tôi sẽ không bàn luận đến, nhưng kết quả là vậy. Tôi vẫn luôn nói với mọi người là việc chia tay cũng không ảnh hưởng đến tôi mấy nhưng sự thực thì thiếu đi một người mà tôi vẫn thường hay chia sẻ những khó khăn, tâm sự hàng ngày cũng là một mất mát lớn. Thói quen đâu dễ bỏ. Nhất là khi đang ở một nơi xa lạ chứ không phải đang được ở bên gia đình và bạn bè thân thiết. Tôi bắt đầu tập trung hơn vào công việc nghiên cứu, chơi game nhiều hơn, đi ăn cùng bạn và đồng nghiệp nhiều hơn. Tôi cũng dành thời gian rèn luyện sức khoẻ bằng việc tập chạy bộ, điều này cũng giúp tôi phần nào thoát ra được khỏi việc cô đơn đau buồn của việc chia tay. Khoảng thời gian này tính ra cũng không hẳn là quá cô đơn, khi quanh tôi còn có những người bạn mà tôi đã quen trong quãng thời gian sinh sống ở đây.
28/8/2020 đến nay, sống một mình. Tôi chuyển ra ngoài ở do đã là sinh viên tốt nghiệp, do đó không còn ở chung ký túc xá với những người Việt Nam khác nữa. Giờ đây, tôi thực sự sẽ sống một mình, một mình đi làm, một mình về nhà, một mình ăn cơm, một mình chạy bộ, một mình tất cả. Ở nhà một mình nhiều cũng chán nên tôi thường hay ra công viên ngồi, tận hưởng cái khoảnh khắc mà xung quanh tôi có nhiều người qua lại, mặc dù chẳng phải là những người tôi quen. Sự cô đơn này khá là m��i mẻ. Tôi phần nào biết thứ tiếng những người xung quanh nói, nhưng mà không thể hoà nhập. Mỗi ngày dành 40 phút đi làm, 40 phút về nhà, toàn bộ hành trình là những con người tôi không quen biết, không ai nói gì với ai cả, thỉnh thoảng có vài đôi chim cu vờn nhau nhưng cũng không có gì mới mẻ. Cuộc sống hiện đại kéo con người ở xa đến gần nhau hơn nhờ công nghệ, nhưng thực sự thì sự cô đơn luôn len lỏi trong cái thế giới đầy kết nối này.
Cô đơn mà tôi biết đi từ sự cô đơn khi xa nhà, đến sự cô đơn khi không còn người thương bên cạnh, cô đơn khi đi giữa dòng người nhưng không thể hoà nhập, và rồi giờ đây là cô đơn khi chỉ có một mình. Có lẽ, cái giá của việc trưởng thành là cô đơn.
Đài Bắc, Đài Loan, 23/09/2020.
PDD.
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Chạy bộ
Tôi quyết định viết vài dòng về việc chạy bộ để kỷ niệm một dấu mốc (mà theo tôi là) khá quan trọng mà tôi đã đạt được, đó là chạy 5km dưới 30 phút đồng hồ, hay nói theo cách của dân chạy bộ là chạy dưới pace 6 cho một quãng đường tầm trung.
Nói về bản thân mình một chút, tôi là một nghiên cứu sinh thạc sĩ, chuyên ngành Tin Sinh nên về cơ bản tôi vẫn luôn tự cho mình là một dân văn phòng chính hiệu. Hàng ngày ngồi 8 tiếng đồng hồ (hoặc hơn) đối diện với cái máy tính, phân tích dữ liệu rồi gõ code (hoặc xem Youtube). Sau 2 năm mòn đít ngồi học thì bụng tôi cũng đã to lên kha khá, do lười vận động mà. Hồi đó việc tập thể dục duy nhất đối với tôi đó là đi bộ hàng ngày hơn 8000 bước, vẫn tự cho là đủ cơ mà không bù lại được với lượng đồ ăn tôi nạp vào người. Thỉnh thoảng ngồi chơi ở lobby dưới ký túc xá vẫn thấy một vài người tập chạy bộ trên máy, vẫn tự hỏi là tại sao người ta có thể chạy tận 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, phải chăng là không thấy mệt? Nhìn lại mình thì bảo tôi chạy 2km chắc cũng chả chạy nổi, vì thế nên tôi tự nghĩ rằng chắc chẳng bao giờ đến với chạy bộ đâu. Mà đời ai biết trước được chữ ngờ, vào một ngày đẹp trời, tôi chạy.
Cũng được hơn 10 tuần một chút kể từ khi tôi bắt đầu chạy bộ. Tôi cũng chẳng biết một lý do cụ thể nào đã đưa tôi đến với việc chạy. Có thể là do tự cảm thấy bản thân mình quá béo, ngồi lì mãi với chiếc máy tính, sau này thể nào cũng mắc bệnh liên quan đến tim mạch. Cũng có thể là do vừa chia tay với người yêu một quãng thời gian trước đó, đột nhiên cái vốn thời gian của tôi dư ra khá nhiều, chả biết làm gì nên nhét tạm chạy bộ vô. Mà thật ra dù có là lý do nào đi chăng nữa thì tôi cũng phải cảm ơn người bạn cùng phòng hồi học thạc sĩ, anh là một bác sĩ nhi, cũng là một người chạy bộ. Chính anh đã truyền cho tôi cảm hứng và chỉ dẫn tôi trong quãng thời gian đầu tập chạy. Vẫn nhớ lần đầu tiên tập chạy là một quãng đường dài 4km, với tôi khi đó nó phải tương đương với 15km bây giờ, khó. Cũng may là nhờ anh bạn cùng phòng đã dẫn pace, rồi động viên từ km thứ 3 là cố gắng lên sắp hết bài rồi, nếu không thì chắc tôi đã dừng từ km thứ 2.
Và như việc chẳng biết vì lý do gì mình đến với chạy bộ thì tôi cũng chẳng biết tại sao tôi vẫn tiếp tục chạy cho đến bây giờ. Phần nào có lẽ là vì tim của tôi đã cải thiện hơn rất nhiều sau khi chạy bộ, giờ chạy pace 7 (hay 7 phút/1 km) thì nhịp tim tôi chắc cỡ 140, giảm tầm 30-40 nhịp/phút so với lần tập chạy đầu tiên. Tim tốt lên là một chuyện, việc chạy bộ cũng giúp ích được cho tôi khá nhiều về những vấn đề khác trong cuộc sống. Nào là làm quen được với những người khác cũng yêu thích chạy bộ, ở cả Việt Nam lẫn Đài Loan. Rồi đạt được những thành tích mà trước đó chưa bao giờ nghĩ mình có thể đạt được, như là chạy 10km không nghỉ. Hơn thế nữa là giờ tôi đã có cho mình một vài mục đích để đạt được trong cuộc sống (tất nhiên là ngoại trừ những thứ liên quan đến công việc và gia đình), đó là hoàn thành chạy half marathon, full marathon, rồi đến hoàn thành ba môn phối hợp (cái này chắc phải 5, 6 năm nữa).
Nghe thì thật nhiều những thứ hay ho cơ mà những gì tôi nhớ về chạy bộ nhiều nhất có lẽ vẫn là những cơn đau. Phải tập chạy bộ đường dài mới hiểu được chấn thương là điều khó có thể tránh khỏi. Mặc dù tôi đã cố gắng chạy đúng tư thế, nhưng việc từ một người lười vận động giờ đột nhiên chạy bộ khá nhiều khiến bàn chân tôi chưa quen. Tôi bắt đầu bị đau cổ chân, khỏi rồi thì chuyển sang đau bàn chân. Trong cái khoảng thời gian này thì khi tôi đi lại nhìn khá giống con vịt, bàn chân bè ra, rồi hai chân không thể đứng thẳng được mà như cái vòng kiềng vậy. Cơ mà rồi tôi vẫn chạy, một khi đã chạy là không còn cơn đau nữa, và rồi khi ngừng chạy thì cơn đau lại đến. Sau một quãng thời gian khi chân đã quen với việc chạy rồi thì không còn đau nhiều nữa. Dù vậy nhưng tôi vẫn luôn nhớ về cái quãng thời gian này và tự nhủ bản thân phải cẩn thận hơn mỗi khi tập chạy.
Không như nhiều người khác thì trong khi chạy tôi lại không thích nghe nhạc. Một phần là do tôi chẳng có lấy một đôi tai nghe bluetooth tử tế, đeo tai nghe dây thì khi chạy nó văng nó quật cho thì khỏi nói, đã đau chân lại còn đau người. Chính vì thế nên tôi quyết định không nghe nhạc khi chạy. Có lẽ vì vậy nên những lúc chạy tôi thường suy nghĩ về rất nhiều thứ, mà chẳng bao giờ nghĩ về một cái nào đó cụ thể. Tôi thường tập trung quan sát khi chạy, rồi nghĩ về những thứ mà tôi nhìn thấy. Tuy thường nghĩ về nhiều thứ nhưng khi chạy bộ tâm trí của tôi được vào một trạng thái thư giãn đến lạ kỳ. Bận rộn suy nghĩ nhưng thật sự lại khá tĩnh lặng. Và rồi khi ngừng chạy thì một cảm giác thoải mái tràn ngập cơ thể (có thể là do endorphin, cũng có thể là do tôi thích chạy bộ). Chính vì thế, có lẽ nhiều người đến với chạy bộ để đạt được cái gọi là tâm trí minh mẫn, giải tỏa sau khoảng thời gian làm việc vất vả mỗi ngày.
Còn khá nhiều thứ để nói tiếp về việc chạy bộ mà hôm nay tạm viết đến đây thôi, dài quá sau này đọc lại cũng khó.
Đài Bắc, Đài Loan, 14/09/2020.
PDD.
Tumblr media
1 note · View note
phuongdd · 4 years ago
Text
Thứ Hai có em
Tôi vẫn nhớ về lần đầu khi tôi gặp em ở phòng làm việc chung của tất cả các phòng thí nghiệm. Hôm đó chắc là một hoặc hai ngày sau khi các lab phải đổi chỗ ngồi định kỳ hàng năm. Khi mới đổi chỗ ngồi tôi đã thấy buồn và đáng tiếc biết bao khi phải ngồi một mình một khu, cách xa những người mà tôi đã thân quen sau hai năm làm việc chung. Chỗ làm việc mới an tĩnh và yên lặng hơn so với chỗ cũ, đơn giản là vì chẳng có ai ở đây ngoài tôi cả, mà tính tôi vốn trầm nên thật ra cũng khá hợp. Thỉnh thoảng vẫn có những tiếng bước chân vang lên mỗi khi có người đi ngang qua, nhưng cũng chỉ là lướt qua mà thôi.
Tôi những tưởng rằng những ngày tháng sắp tới sẽ phải đối mặt với sự cô đơn và im lặng ấy, nhưng rồi tôi gặp em. Vẫn là một ngày thứ Sáu làm việc bình thường, vẫn những tiếng bước chân qua lại, nhưng chẳng biết vì sao mà tôi chợt ngoảnh đầu lại nhìn. Và rồi tôi thấy em. Một khuôn mặt khá xinh đẹp và ưa nhìn, với áo phông nâu và quần đen, tôi chợt nghĩ, không biết em là ai. Thật bất ngờ sao, em nhẹ nhàng kéo chiếc ghế rồi ngồi ngay sau lưng tôi. Có lẽ là do hồi hộp, cũng có lẽ là do gặp được em mà tôi ngồi nghiêm chỉnh hẳn, chẳng dám cựa quậy gây tiếng ồn, sợ làm phiền em. Thời gian cứ thế trôi, chúng ta dù là lần đầu gặp cũng chẳng nói gì với nhau, chẳng hỏi han thử xem người còn lại là ai, sao lại ngồi đây. Rồi em ra về, cũng nhẹ nhàng như cách em đến. Để lại tôi cùng với một mớ hỗn độn trong lòng.
Lần thứ hai gặp em, là vào ngày thứ Hai sau đó, vẫn một chiếc áo nâu, thật trùng hợp vì tôi cũng mặc chiếc áo hồng vào hôm mà (tôi cho rằng) mình lần đầu gặp nhau. Việc nghĩ rằng có một sự trùng hợp nào đó trong tâm hồn của cả hai khiến tôi chợt vui hẳn. Nhưng tôi nhận ra vẫn là màu nâu mà tôi nhớ, nhưng lại là một chiếc áo khác. Cũng khá buồn cười khi hai lần đầu gặp nhau tôi đều mặc màu sắc khá nổi bật (hồng), còn em thì lại lựa chọn những gam màu trầm (nâu), tính cách của chúng ta phải chăng cũng đối lập như thế. Lần thứ hai gặp mặt cũng trôi qua một cách yên ả như lần đầu, tôi vẫn chẳng dám bắt chuyện với em, chỉ thỉnh thoảng ngoái lại ngước nhìn. Có lẽ điều đáng nhớ nhất của hôm đó là tôi được nghe giọng của em, nhẹ nhàng, thanh thoát, đáng yêu đến lạ kỳ.
Ngày qua tháng lại, tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn trộm em, nghe em nói chuyện, tự thấy rằng mình thật biến thái nhưng lại tự huyễn hoặc bản thân là tôi chỉ đang tìm hiểu em mà thôi. Sau những ngày tháng quan sát đó thì tôi nhận ra lịch đến lab của em, thường cố định là thứ Sáu và thứ Hai, nhưng đôi lúc có thể chợt đến và đi vào những ngày khác trong tuần. Do một phần nắm bắt được lịch của em nên vào thứ Sáu và thứ Hai tôi thường tự chuẩn bị tinh thần cho bản thân trước khi đến lab, với những bộ quần áo tông trầm, mong rằng sẽ có cơ hội để bắt chuyện với em. Nhưng mọi chuyện đâu có đi theo kế hoạch đâu, em có khi đến khi không, và tôi vẫn chẳng tìm được cái cơ hội mà mình hằng mong đợi.
Hôm nay lại là một ngày thứ Hai, và em đến lab như đúng lịch, vẫn với những gam màu trầm, xanh lá cây đậm và đen. Tôi vẫn thổn thức như những ngày đầu, chợt nghĩ rằng nên viết ra vài dòng để giãi bày tâm sự, sau này mà có ra gì và này nọ thì có thể cho em đọc. Chúng ta gặp nhau có thể coi là bất ngờ, tôi quyết định ở lại lab vào một thời điểm khá muộn nên mới được ngồi gần em, chẳng biết có phải là định mệnh không nhưng tôi vẫn đang trân trọng từng giây phút của hiện tại. Có lẽ số phận sẽ đưa đến cho tôi một cơ hội để mình có thể gần nhau hơn, và tôi thì vẫn đang chờ đợi điều đó.
Đài Bắc, Đài Loan, 07/09/2020.
PDD.
5 notes · View notes