Tumgik
kienbuoi · 4 years
Photo
Tumblr media
Lucky Clover Cat
10K notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
Di truyền và cách âm nhạc cứu sống tôi
Nhân dịp vừa có một cuộc nói chuyện nhỏ về việc âm nhạc đã cứu rỗi tôi như thế nào, xin viết lan man thêm một chút dài.
Cô giáo tôi nói: 
- Có thể rất nhiều người trong số các em vẫn luôn phủ nhận rằng mình giống bố mẹ mình cả về ngoại hình lẫn tính cách. Do đã tiếp xúc quá lâu nên các em không nhận ra đấy thôi. Bây giờ thử xem ảnh bố mẹ các em hồi bằng tuổi các em xem, hoặc là để một người ngoài nhận xét, các em sẽ thấy ngay. Vẫn chối là tính mình không giống à? Thế thì đến lúc nào gặp chuyện quan trọng xem cách xử lý có giống hệt không nhé.
Mong được thứ lỗi vì dưới đây tôi sẽ khoe gia đình một đoạn.
Phải nói rằng gia đình tôi có bộ gene rất tốt. Lũ trẻ trong nhà vẫn luôn được nghe bố mẹ nhắc cho nhớ rằng chúng tôi rất may mắn khi được làm cháu của ông nội, ông ngoại. Nếu tôi kể ra đây cuộc đời của họ, các bạn sẽ thấy không khác gì phim Forrest Gump, có điều họ không được may mắn như nhân vật của Tom Hanks thôi. Và tất nhiên IQ của các ông tôi cũng thuộc hàng xuất chúng.
Và các anh chị em của tôi đã làm rất tốt trong việc chứng minh bộ gene ưu tú của gia đình. Từ nhỏ xung quanh tôi đã toàn học sinh giỏi, trai xinh gái đẹp. Lớn lên, xung quanh tôi cũng toàn là người trẻ thành đạt, dancer tài năng, nhà thiết kế thời trang. 
Họ rất giỏi, đẹp và quyết đoán. Tôi thì không.
Tôi không có ngoại hình. Tôi đã rất kém thông minh, chậm chạp, ham chơi, dốt nát và luôn băn khoăn về sự tồn tại cũng như hướng đi của cuộc đời mình.
Sự thua kém về tố chất và áp lực thành công làm cho tôi trở nên tự ti và dần dần bị bỏ xa.
Nhưng mà, ông nội tôi ngoài làm cán bộ lão thành cũng là nhà thơ và ông ngoại tôi vừa là nhà khoa học, nhà giáo vừa là họa sĩ. Bộ gene nho nhỏ này may mắn thay tôi cũng bấu víu được một tí. 
Khi bạn bè đang tập đọc và làm toán thì tôi và anh tôi làm thơ, viết truyện ngắn, đọc thơ của ông nội trên báo Hà Tây.
Khi bạn bè bị cô chửi vì chỉ biết vẽ mặt trời ở góc giấy và con chim hình chữ v thì tôi và anh tôi vẽ truyện tranh và làm bài mỹ thuật thuê.
Khi bạn bè nghe Xuân Mai trên đĩa thì tôi và anh tôi nằm xem chú tôi viết nhạc trên guitar.
Khi bạn bè nằm nhà xem truyện tranh thì tôi sang khu tập thể bưu điện xem ông ngoại viết thư pháp, xuống nhà ông trẻ xem tranh sơn dầu.
Tôi tiếp xúc với văn học nghệ thuật từ những năm ấy, rồi chúng cứ ngấm dần vào người. Nhưng trường học và những kì thi không cho phép tôi làm gì khác ngoài việc nằm nhà vẽ truyện tranh và cùng anh tôi mày mò ghi âm hát nhạc Đan Trường.
Khi anh tôi trở thành designer, rồi mở công ty thời trang, cô em họ tôi đỗ Á khoa đại học, rồi trúng tuyển vào nhóm nhảy nổi tiếng, các anh chị em khác thi nhau giành giải nhất giải nhì, tôi đóng cửa ôn thi lại đại học, bố mẹ đi vắng thì bật beat trên mạng hát một mình và vẽ truyện tranh đọc một mình.
Sau khi đổ vài xô máu để tạm ấm chỗ trong trường đại học, tôi mới có thời gian rúc vào một góc tha hồ say sưa với mấy sở thích ấy.
Và cây đàn guitar đã lôi tôi ra khỏi căn phòng sơn màu hồng của mình. Chả hiểu sao bố mẹ tôi bắt tôi ở phòng màu hồng.
Cây đàn cho tôi bạn bè, cho tôi một đôi mắt khác để nhìn cuộc sống, cho tôi sự tự tin và cánh cửa giúp tôi kết nối với bên ngoài. 
Có âm nhạc, tự nhiên tôi thấy mình trông cũng không đến nỗi, cũng thông minh và quyết đoán như anh chị em mình. Âm nhạc như liều thuốc xoa dịu tâm hồn, cho tôi quên đi sự học dốt và chậm chạp của mình.
Tất nhiên ngoài cây đàn còn có Lê Anh Đức, Phạm Kiều Ly, Trịnh Phú Huy, Lê Hồng Thắng, ông già Nam Hoàng Nguyễn và bộ gene của gia đình tôi nữa.
Mẹ tôi là người giàu tình cảm và yêu thi ca, giống ông ngoại tôi. Bố tôi là người cứng rắn, thực tế và không bao giờ nói hai lời. Mẹ tôi hay nói về chó mèo, âm nhạc và phim ảnh và tính cách tốt xấu của những người xung quanh. Bố tôi thì nói về tương lai, sự nghiệp, những kẻ ngoài kia sẵn sàng giẫm đạp nhau để leo lên và những thứ cần vứt bỏ để có thể tồn tại giữa thời đại khắc nghiệt.
Hồi nhỏ tôi rất giống mẹ. Tôi mơ mộng, yêu động vật và thích thả hồn mình trên chín tầng mây. Bố tôi thì luôn cố gắng giữ tôi cách xa khỏi thế giới màu nhiệm của thơ ca. Bố muốn tôi trở nên cứng rắn và thực tế như ông. Sống là phải có tiền, nghèo là hèn. Kiếm tiền ngày càng khó nên càng ngày càng phải cố gắng. Cuộc sống không có chỗ cho mơ mộng. Tiền là cơm, thi ca chỉ là gia vị.
Bố muốn dạy tôi những điều như thế. 
Càng lớn tôi càng trở nên lì lợm và khép mình. Tính cách di truyền và những bài học từ ông biến tôi thành kẻ cục cằn, nóng nảy và vô cảm. Tôi lao đầu vào chinh chiến với bài học tồn tại, đặt lên vai mình trách nhiệm và áp lực.
Lúc ấy tôi nghĩ hình như tôi chỉ thừa hưởng được những phần tính cách tiêu cực của bố. Tôi thì kém bản lĩnh và tháo vát hơn bố. Tôi bỗng thấy sợ chính mình vì nhận ra mình không còn giống mẹ nữa. Tôi nghĩ là tôi đã di truyền sai hướng.
Thế rồi cuộc sống mà âm nhạc ban cho tôi lại mở ra cho tôi một hướng đi khác.
Âm nhạc nuôi nấng tình cảm trong tôi, cho tôi biết yêu và nhận ra thế giới quanh mình không chỉ có hận thù, ganh đua và những thực trạng ghê tởm.
Tôi bước ra ngoài, khỏi căn phòng màu hồng nữ tính mà bố mẹ đã độc ác bắt con trai mình ở, tìm cho mình những người bạn tốt, những người anh em và tình yêu của đời mình.
Tôi bắt đầu biết tận dụng thế mạnh của mình, tận dụng những thứ mà bố không có để rèn luyện bản lĩnh, để đứng vững và tồn tại như bố vẫn hằng mong. Dĩ nhiên là đường còn dài và còn phải cố gắng nhiều. Nhưng may mắn là tôi đã biết mình cần phải làm gì.
Âm nhạc giúp tôi dung hòa bộ gene di truyền của bố và mẹ để hoàn thiện bản thân theo cách của riêng mình, với cả sự cứng rắn của bố và tình yêu thương của mẹ.
Chúng ta đều rất giống bố mẹ mình, cả phần tốt lẫn xấu. Chúng ta may mắn hơn họ vì nếu biết cách, có thể dùng phần tốt của người này để bù trừ cho phần xấu của người kia. Như người ta vẫn nói, con cái là phiên bản hoàn thiện hơn của cha mẹ. 
Thế giới ngày càng phát triển vì càng ngày càng có nhiều người giỏi. Và những người giỏi đã giỏi lên một phần là nhờ những bộ gene di truyền.
Xin lỗi các bạn nếu tôi có nói quá dài và linh tinh. Trên đây đều là chiêm nghiệm cá nhân và hãy cứ đọc nếu các bạn muốn biết tôi nghĩ gì.
Cám ơn bộ gene của gia đình và âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời tôi.
26 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
Tật xấu
Hôm trước ngồi cà phê nghe anh tôi kể, trong tiếng Hán, Mâu là một loại binh khí có đầu nhọn dùng để đâm, giống cái giáo của bên mình. Thuẫn là khiên hay thông dụng hơn gọi là lá chắn, dùng để đỡ.
Theo tích truyện cổ, ngày xưa có một thợ rèn tiếng tăm, rao bán khiên và giáo ngoài chợ, quảng cáo rằng khiên của ông ta có thể đỡ được mọi loại đao gươm giáo mác, tiện cũng khoe luôn giáo của mình có thể đâm thủng mọi loại khiên. Rồi có người đi ngang qua hỏi: “Thế bây giờ giáo mày đâm khiên mày thì có thủng không?”
Từ đó, từ “mâu thuẫn” được ra đời để chỉ những sự việc trái ngược, đối chọi lại nhau và chẳng có bên nào chịu thua.
Trong các nhóm hội, tổ chức, cộng đồng, các mối quan hệ, trừ các thiền sư trong chùa, tất thảy đều có lúc nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn là điều kiện tất yếu phải có để tạo ra sự phát triển. Mâu thuẫn giúp các cá nhân thấu hiểu lẫn nhau, nhận ra khuyết điểm của mình và những người còn lại để cùng sửa đổi, cùng tiến bộ.
Mâu thuẫn sinh ra từ những suy nghĩ trái ngược, hành động trái ngược. Suy nghĩ và hành động sinh ra từ nhận thức và bản tính. Nhận thức và bản tính tạo ra thói quen. Trong nhiều trường hợp, thói quen xấu của cá nhân tạo sự khó chịu cho cá nhân khác, từ đó nảy sinh mâu thuẫn.
Thói quen xấu có thể gọi là tật xấu, hay đơn giản là tật. 
Tật xấu của mỗi cá nhân trong một nhóm, thường chia thành tật xấu chấp nhận được và tật xấu không chấp nhận được. Tật xấu chấp nhận được là những tật xấu nhỏ và vừa, không gây quá nhiều ảnh hưởng đến tập thể, có thể bỏ qua cho nhau được. Tật xấu không chấp nhận được có cường độ mạnh hơn, nặng nề và khó chịu, gây ảnh hưởng lớn, không thể bỏ qua! 
Tật xấu không chấp nhận được lại chia thành tật xấu có thể sửa và tật xấu không thể sửa. Tật xấu có thể sửa thuộc về phần nhận thức, do môi trường sống, sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và quá trình tự trải nghiệm mà ra. Khi qua cái tuổi được gia đình và nhà trường uốn nắn, nhận thức tiếp tục phát triển và tự sửa sai theo sự thay đổi môi trường sống và sự dày lên của vốn trải nghiệm. Nhận thức thay đổi thì những thói quen sinh ra từ nó cũng thay đổi. Do đó đây là nhóm tật xấu có thể sửa dựa trên ý kiến đóng góp nếu cá nhân chủ thể chịu tiếp thu. Tật xấu không thể sửa thuộc về phần bản tính. Trong bài này xin phép được sử dụng từ “bản tính” theo ý hiểu của tôi, nghĩa là tính cách trời sinh, là những tính cách dính liền với con người ta từ trong trứng. Bản tính đến chết cũng không thể thay đổi. 
Để duy trì và phát triển một mối quan hệ, một nhóm hội, một cộng đồng, cần giải quyết triệt để nhóm tật xấu không chấp nhận được. Cá nhân cần phải lắng nghe, tiếp thu và cố gắng thay đổi những tật xấu thuộc về phần nhận thức, đơn giản là phải học cách thay đổi nhận thức của mình. Điều này khó, nhưng làm được. Nếu có đủ sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng mối quan hệ và sự trường tồn của tổ chức, người ta khắc sẽ làm được.
Thế còn những tật xấu thuộc về phần bản tính, khi cá nhân không thể tự sửa đổi, thì làm thế nào? 
Những cá nhân còn lại buộc phải học cách làm quen và chấp nhận chúng. Họ phải thay đổi nhận thức, luyện tập sức chịu đựng, sự linh hoạt cho đến khi trong tâm thức, những tật xấu nặng nề ấy trở nên vừa và nhỏ hơn, không còn gây quá nhiều ảnh hưởng đến mình. Điều này khó, nhưng làm được. Nếu có đủ sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng mối quan hệ và sự trường tồn của tổ chức, người ta khắc sẽ làm được. 
Cuối cùng thì những tật xấu nặng nề nhất lại trở về thành tật xấu loại nhẹ. Nghe thật mâu thuẫn!
Khi triệt tiêu xong nhóm tật xấu không thể sửa, chỉ còn lại những tật xấu chấp nhận được, mâu thuẫn được hóa giải, tập thể phát triển lên một mức mới, sau đó tiếp tục nảy sinh mâu thuẫn và trải qua quá trình sửa đổi trên để tiếp tục phát triển. 
Nói đến đây, bài viết của tôi đã trở nên vô nghĩa, giải thích dài dòng về một điều vốn đã được các triết gia đúc kết thành 2 câu ngắn gọn: 
- Một người vì mọi người. Mọi người vì một người.
Thật mâu thuẫn. Nhưng kệ đi. Đơn giản là tôi muốn viết thôi.
9 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
chả liên quan
những khi nhiều suy nghĩ
thì nên trốn đi đâu?
giấu mình trong hộc tủ
hay toilet bồn cầu?
những hôm muốn nhảy lầu
bỏ rơi đời phiền muộn
lại thấy lòng cuồn cuộn
ơ đói! đợi đi ăn!
những buổi sáng trong chăn
chẳng thấy gì tha thiết
mất wifi, mất điện
lại thấy cũng chẳng sao
cũng chả biết như nào
cứ như là sắp đặt
quen chân rồi quen mặt
quen cả vị son môi
và những buổi nắng nôi
những hôm trời trở lạnh
quen một người ở cạnh
cũng thấy khá ô kê :-D
28 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Photo
Tumblr media
Created with VSCO®
5 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Photo
Tumblr media
Created with VSCO®
5 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
Viết về tình yêu một cách cá nhân.
Cô ấy vừa nhắn tin cho tôi, nói rằng cô ấy đang khó ở. Cả ngày ở trường mọi người cứ chọc tức cô ấy. Cô ấy mệt. Thật trùng hợp là hôm nay tôi cũng khó ở y như thế. Tôi bỏ bữa, vạ vật lên lớp. Tan học tôi về phòng, hút cần và nằm đọc sách đến khi ngủ quên. Tôi không cảm thấy muốn nói chuyện với ai dù anh em trong phòng vẫn niềm nở với mình. Không biết có phải do thời tiết oi bức âm u, do tình cờ hay thực sự trên đời này tồn tại nguồn năng lượng nào đó gắn kết những người yêu nhau, nhưng điều này làm tôi bắt đầu tin rằng giữa tôi và cô ấy có một mối giao cảm, dù đang ở cách nhau năm mươi cây số. Hình như tôi chưa bao giờ viết về chuyện tình cảm của mình cho tử tế. Tôi viết về tình yêu cũng không nhiều và không sâu sắc. Vì suy cho cùng, tôi vốn không phải một người giỏi viết lách, cũng chẳng tự hào gì về kinh nghiệm tình trường. Tôi chỉ viết ra những gì mình nghĩ. Hôm nay tôi bỗng nghĩ nhiều về tình yêu. Sự xuất hiện của cô ấy, con mèo ham ngủ và lười nhác đã khiến cuộc sống của tôi đảo lộn hoàn toàn. Cô ấy không hoàn hảo. Cô ấy cao gần bằng tôi. Đôi chân to và cong. Tóc ngắn. Chẳng có một điểm nào nằm trong mẫu bạn gái lý tưởng mà tôi vẫn luôn đặt ra cho bản thân. Ngoài lười và mê ngủ, cô ấy còn cục tính, ham chơi và bướng bỉnh chẳng thua gì tôi. Cô ấy làm tôi phát điên vì những quy ước oái oăm do cô tự nghĩ ra và bắt tôi làm theo, cứ gần nhau là lại tra tấn tôi bằng trò bẻ khớp tay, véo bụng, búng cằm, nhổ râu, vặn mũ tôi ra đằng sau, làm tôi mất hết khí chất ngút trời mà tôi phải dày công khổ luyện mới có được. Cô ấy nói chuyện rất phũ, kiểu xổ toẹt chẳng cần kiêng nể ai cả. Bỏ qua ấn tượng ban đầu về một cô nàng xinh xẻo với cặp kính tròn, nước da trắng, chơi ukulele và hát rất dễ thương, giống như một con mèo, thì sau vài phút nói chuyện đầu tiên, tôi vỡ mộng và muốn dừng lại ngay. Rồi chẳng hiểu sao tôi không thể. Tôi cứ bị cuốn vào những cuộc trò chuyện ngớ ngẩn bất tận cùng cô ấy. Tôi muốn gặp cô ấy mỗi ngày và chờ cô ấy trêu chọc mình. Hình ảnh của cô ấy cứ xuất hiện dày đặc trong tâm trí kèm với sự ức chế của tôi. Dường như ở cô ấy toát ra một nguồn năng lượng tích cực mạnh kinh hồn làm cho tôi bị hấp dẫn. Và tôi yêu. Say đắm. Từ lúc nào không biết. Từ ngày yêu cô ấy, tôi thay đổi rất nhiều thói quen. Tôi ăn sáng trưa tối đầy đủ để làm gương không cho cô bỏ bữa, hút ít cần sa hơn để không cho cô bắt chước thói hư đốn của tôi, mất đi phong thái khoan thai thường ngày để vội vã đưa đón cô đi học. Tôi bắt đầu học tên các thương hiệu trà sữa danh tiếng quanh thành phố để biết đường đi mua. Tôi ngủ muộn hơn vì giờ buồn ngủ của chúng tôi cách nhau hai tiếng mà tôi thì không muốn ngủ quên khi đang trò chuyện với người yêu. Tôi về nhà ăn cơm nhiều hơn, nói chuyện với bố nhiều hơn, chiều em gái hơn. Tôi vui vẻ với bạn bè hơn. Cô ấy chẳng can thiệp nhiều vào thói hư tật xấu của tôi, cho tôi muốn làm gì thì làm. Cô ấy để tôi được là chính mình. Tôi tự thấy mình cần hạn chế những thói quen không tốt, muốn trở nên gương mẫu hơn. Tôi cũng muốn để cô ấy được là chính mình. Nên tôi tốt lên và mong cô ấy nhìn vào mình mà tốt lên theo. Kỳ lạ thay, từ khi yêu tôi, cô ấy cũng dịu dàng hơn, đáng yêu hơn. Cô ngoan ngoãn nghe lời tôi mỗi khi tôi dặn dò khuyên nhủ điều gì đó. Cô đi học đều hơn, ít bỏ bữa hơn và nhiều thứ nữa. Chúng tôi cứ thay đổi nhau theo chiều hướng tích cực, một cách rất tự nhiên. Cô ấy giống như con mèo. Tuy bướng bỉnh và nghịch ngợm, lại truyền cho tôi nguồn năng lượng lạc quan mà tôi thiếu trầm trọng. Tự nhiên, cô ấy trở thành thứ duy nhất tôi muốn che chở và bảo vệ. Hôm nay con mèo mệt. Tôi thương và nhớ con mèo vô vàn. Phải chăng thương nhớ cũng tạo nên một mối giao cảm đặc biệt?
3/7/2017.
39 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
Những tấm ảnh gia đình
Tumblr media
Tối hôm trước mưa, không có hứng ra ngoài, tôi nằm nhà đem xấp ảnh cũ của gia đình ra xem. 
Vừa xem vừa cười, cười rồi lại buồn.
Xem ảnh ngày cưới của bố mẹ, bố hồi đấy vẫn gầy hóp má, có ria mép, mẹ thì trẻ lắm. Bố vẫn hay kể, mẹ mày ngày xưa là hoa khôi khu bưu điện, bao nhiêu anh mê, may là tao ưu tú nhất không thì hai đứa mày không ngồi đây đâu. Mẹ thì chối đây đẩy, chả qua bố mày bụng múi bắp tay các thứ với có chí nên tao mới thương thôi, chứ nghèo rớt mùng tơi làm sao bằng được các anh kia.
Ông bà ngày ấy tóc hãy còn đen. Ông ngoại thích nuôi chó, hôm nào đi làm về cũng có hai chú chạy ra ríu rít quanh chân. Bố thì sợ chó, sang chơi phải đợi ông ra đón mới dám vào nhà, ngồi uống nước cứ co cả hai chân lên ghế.
Ông nội lúc đấy vẫn đi làm, có cái ô tô màu trắng của Liên Xô oách kinh. Bà nội bế tôi, anh Hưng đứng để tay lên vai bà, một thằng chưa biết đi, một thằng chuẩn bị vào lớp một.
Bây giờ bốn người già chỉ còn hai. Nhà ông bà ngoại thì tôi chẳng nhớ được là ở đâu trong con ngõ nhỏ đấy nữa.
Xem ảnh chính mình, tấm khỏa thân trên giường năm 1 tuổi, tấm mặc đồng phục chụp ở sân chùa hôm vào lớp 1, tấm chụp cùng cả nhà ở ảnh viện hồi lớp 4.
Vừa xem vừa cười, cười rồi lại buồn, buồn rồi lại sợ.
Một đời người có khi chỉ tính bằng mấy lần tỉnh dậy
Lần đầu tỉnh dậy thấy cả nhà vây quanh. Tỉnh dậy lần nữa đã biết bò, biết đi.
Tỉnh dậy thấy bố đi làm về. Tỉnh dậy thấy mẹ khóc trên vai bố. Tỉnh dậy thấy ảnh ông ngoại trên bàn thờ. 
Tỉnh dậy thấy tin nhắn lũ quỷ gọi đi học. Tỉnh dậy thấy chúng nó gọi đi họp lớp. Tỉnh dậy thấy mối tình đơn phương cấp ba dắt một thằng lạ hoắc đến mời cưới.
Rồi còn vài lần nữa. Một lần thấy vợ nấu ăn sáng. Một lần thấy con ỉa đùn.
Một lần chẳng thấy bố mẹ đâu.
Một lần thấy con đi học về. Một lần thấy con dắt người ta về ăn cơm. Một lần thấy chân không còn vững, mắt hơi mờ. 
Một lần lại thấy cả nhà vây quanh. Xong là ngủ luôn. Xong là hết một đời.
Tôi là người sống bằng hoài niệm. Nếu cuộn chuột xuống dưới, các bạn sẽ thấy tôi chủ yếu viết về những ngày cũ và những người cũ.
Mỗi khi chẳng có gì làm, tôi lại lôi ảnh cũ ra xem, mà ai chả thế. Xem để thấy thời gian đưa con người ta đi nhanh thế nào, để nuôi nấng lại tình cảm gia đình, để nhớ những người đã đi và chờ những người sẽ đến, cũng là để biết mình từ đâu mà ra, rồi vì cái gì mà thành như ngày hôm nay.
Những gương mặt từ xa lạ thành thân quen, rồi từ thân quen lại thành xa lạ.
Người ta nhanh quên đi những thứ không còn thường xuyên xuất hiện quanh mình. Chẳng có gì lưu giữ những thứ ấy tốt bằng máy ảnh. Chẳng có thứ gì trên đời người ta tiếc nuối bằng kỉ niệm.
Rồi nhiều năm nữa, sau lần tỉnh dậy cuối cùng, tôi chỉ còn ở trong những tấm ảnh.
Đến lúc ấy, ai sẽ giở tôi ra xem?
Liệu có ai giở ra xem?
24 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
Khoảnh khắc
Mưa mang đến nhiều cảm xúc. Mưa rào càng nhiều.
Sáng dậy mở điện thoại tôi thấy đã cuối tháng tư rồi. Năm nào cũng thế, đến mùa này, con người ta hẳn ai cũng tiếc nuối một thứ gì đó. Tiếc những chiều mưa, trưa nắng, những đêm thao thức, mối tình đầu, bạn bè thân, nụ cười, nước mắt. 
Mà mấy thứ ấy, đẹp nhất, thuần khiết nhất đều nằm gọn trong những năm tháng học trò.
Tôi không nhớ được đã bao nhiêu lần trong giấc ngủ, tôi thấy mình lại mặc đồng phục, ngồi giữa bạn bè, thoải mái cười đùa. Rồi đến lúc tỉnh dậy, phải nằm thêm vài chục phút để cố nhớ xem mình đã mơ thấy những gì.
Tuổi 18 ngây thơ và vụng dại, ta cứ nghĩ những thứ thiêng liêng như thế sẽ chẳng bị thời gian bào mòn.
Rồi khi bị cuộc đời tát cho vài cái đau điếng, cuốn mình vào xô bồ, ta mới cay đắng nhận ra chẳng có gì là bất diệt.
Não bộ con người cũng như bộ nhớ máy tính. Có quá nhiều thứ cần lưu mà không gian thì không đủ. Những dữ liệu cũ sẽ dần bị xóa bớt để nhường chỗ cho hàng tá file mới.
Những giấc mơ cứ thưa dần.
Tôi sợ đến một ngày, tôi sẽ chẳng còn nhớ nổi tí gì về những năm tháng ấy, những đứa kề vai bá cổ tôi sẽ quên tên, tiếng trống trường tôi sẽ chẳng còn tưởng tượng ra được nữa.
Chẳng ai là không thay đổi. Những khuôn mặt sẽ ngày càng lạ lẫm, nét vô tư của tuổi 18 rồi sẽ bay sạch, thay vào đó là những âu lo, toan tính, những vết hằn của cơm áo gạo tiền.
Rồi chúng ta sẽ chẳng còn cười với nhau như ngày xưa được nữa.
Tất cả sẽ chỉ còn là khoảnh khắc.
Mưa mang đến nhiều cảm xúc. Mưa rào càng nhiều.
Một hôm nào đấy, giấc mơ hiện lên rõ ràng như ngọn lửa bùng lên trước khi tắt lịm, và rồi biến mất, mang theo tuổi thanh xuân đầy mơ mộng.
Một hôm nào đấy, ta nhớ ra mình chẳng còn chờ đợi những cơn mưa rào.
12 notes · View notes
kienbuoi · 7 years
Text
tadutacataduca
Hôm qua về lại Xoan. Đã nửa năm từ lần cuối nghe taduca, hơn 1 năm từ lần cuối nghe taduca ở Xoan.
Minh Xù đón tôi bằng nụ cười tươi rói, như thể anh em mới gặp nhau hôm trước. Mọi thứ giống 1 năm trước đến nỗi tôi thấy thảng thốt.
Tôi biết đến Minh Xù và taduca muộn hơn những người khác. Lần đầu gặp, tôi chỉ biết hắn là nhân viên của Xoan. Sau khi hắn chạy xộc lên mượn đàn chơi liền mấy bài, tôi biết mình sẽ không gặp được gã trai trẻ thứ hai như hắn.
Chúng tôi ngồi bên nhau, say sưa hát như những đứa trẻ vừa biết đọc. Xoan đã từng là một trong những nơi hiếm hoi tôi được ngoạc mồm ra mà hát hết bài này đến bài khác mà chẳng ai phàn nàn.
Tôi không có cơ hội đến Nhà Sàn một lần nào. Cũng vì vướng việc mà hôm taduca hát chia tay Nhà Sàn tôi không qua được. Tôi không biết taduca đã từng tuyệt vời như thế nào ở đấy.
Nhưng ba đêm ở Xoan đã cho tôi quá nhiều cảm xúc.
May mắn cho tôi, giữa mênh mông xô bồ, vẫn tìm được những người hồn nhiên như thế. Cứ bung hết bản năng của mình ra mà sống.
Hôm qua về lại Xoan. Tôi đã cười rất vui.
5 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Đêm qua bỗng gặp mưa rào
Đêm qua bỗng gặp mưa rào
Người xe lại lũ lượt lao vào lề
Mưa rơi ướt cả đường về
Mới hay tôi được đón hè vừa xinh.
Đêm qua bỗng chốc thu mình
Nhìn qua ngó lại khung hình trống trơn
Miệt mài toan tính thiệt hơn
Thiếp đi một chốc hết cơn mưa rào.
20.3.17
14 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Thị xã của tôi
Tumblr media
Hôm qua đọc báo, thấy người ta sắp xây AEON Mall ở Hà Đông, tôi thấy hơi chông chênh.
Từ ngày thị xã Hà Đông được gọi là thành phố Hà Đông để rồi sau đó thành quận Hà Đông như bây giờ, tính ra cũng đã mười năm có lẻ.
Mỗi lần thay đổi là một lần kí ức về thị xã tôi sống ngày bé lại xa thêm một tí.
Vẫn biết thay đổi là tất yếu, đô thị hóa là đến gần với văn minh, tôi chẳng thể giấu nổi sự chạnh lòng.
Thực tâm, tôi vẫn muốn được gọi là người Hà Tây. Tôi ghét cay ghét đắng việc nơi mình sinh ra và lớn lên bị gắn thêm một chữ “cũ” hay tệ hơn là bị gọi theo tên một nơi khác và theo sau là một con số.
Có lần tôi đã suýt lao lên sút cho ông thầy Đường Lối một phát vào mồm vì bị ông ta gọi là người Hà Nhì.
Tôi cũng ghét chính mình vì chẳng biết từ bao giờ, tôi đã quen mồm nhận mình là người Hà Nội.
Từ ngày sát nhập, một cái cầu Chùa Ngòi to đẹp láng mịn đã thế chỗ cây cầu bé tí mà bố tôi vẫn thường phải nghiêng người tránh xe máy ngược chiều mỗi khi đèo tôi đi học; cánh đồng cạnh nhà bà nội mà mỗi buổi trưa tôi vẫn trốn ra bắt châu chấu bây giờ được thay bằng một dãy quán ăn và hàng net; khu đất mênh mông sau nhà tôi vẫn ra nghịch lửa và đánh nhau với lũ trẻ hàng xóm nay là khu đô thị sầm uất toàn nhà cao tầng, có cả Circle K.
Còn nhiều thứ lắm. Tôi vẫn nhớ cái công viên cũ ở ngã tư bưu điện. Ở đấy có cầu trượt Bạch Tuyết, có tàu lượn, có nhà phao, có cái đu quay mà mỗi lần được ngồi lên đi một vòng là tôi sung sướng ra mặt, cười đến long cả đờm. Tôi vẫn nhớ nhà ông bà ngoại ở Vạn Phúc có bồn cầu tự hoại, có khẩu súng săn và vườn lan đầy tranh của ông trên tầng hai. Tôi vẫn nhớ quán cháo vịt ngon tuyệt ở đầu phố Nguyễn Viết Xuân hồi mẫu giáo chỗ chú tôi vẫn hay dắt tôi đến ăn buổi tối rồi gạ tôi về nhà chú ngủ để chú thím đẻ con trai.
Bây giờ em họ tôi - con gái chú sắp thi đại học, công viên siêu hay của tôi biến thành một cái khu nhạt nhẽo bên bờ sông để nhường ngã tư cho vườn hoa công cộng, ông bà ngoại tôi đã qua đời cả, quán cháo vịt thiên đường cũng không còn ở đầu phố Nguyễn Viết Xuân nữa. Chứng tỏ là rất lâu rồi.
Tôi vẫn nhớ rất nhiều thứ và cũng quên mất nhiều thứ.
Ngày bé, tôi thấy cái gì cũng to. Thị xã ấy giống như một vương quốc mênh mông cho tôi thỏa thích chơi đùa. Hồi ấy, đi sinh nhật bạn buổi tối là một ước mơ, được bố mẹ xách đi lượn quanh thị xã là một sự kiện vui sướng khổng lồ còn lên Hồ Gươm chơi là một chuyến phiêu lưu.
Những niềm hạnh phúc đơn giản cứ theo năm tháng trưởng thành và các cuộc đô thị hóa mà rụng rơi.
Mấy năm nay, tôi rong chơi ngoài Hà Nội. Nhiều lúc tôi không muốn về. Bởi vì càng ngày, nhìn quanh, thị xã Hà Đông trong trí nhớ tôi càng chẳng thấy đâu nữa.
Tôi cứ lang thang khắp nơi để tìm cảm hứng cho mình để rồi nhận ra: những gì tôi đưa vào tranh, vào nhạc, những gì quan trọng và thân thương nhất, đều nằm đâu đó quanh nơi tôi sống.
Sáng nay, ngồi giữa thủ đô, tôi nhớ da diết thị xã của tuổi thơ mình.
18 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Hừm...
Tumblr media
Quán cà phê nhỏ
Con ngõ lung lay
Trời chiều nắng đỏ
Không gió, không mây.
Người quen, người lạ
Khi hợp, khi tan
Anh ôm khói thuốc
Tôi uống tiếng đàn.
Chìm trong cơn ngủ
Kiếm mãi không ra
Chênh vênh ngồi nhớ
Một thời rất xa.
2.3.17.
23 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Này con ơi
Này này con ơi Chắc mười năm nữa Con đọc đến đây Khi đang uống sữa. Bố đứng bên cửa Con đứng phía sau Rồi qua năm tháng Con lớn mau mau. Cánh cửa bạc màu Hít đầy sương gió Rồi đến một hôm Bố thành cây cỏ. Nhưng con ơi đó Là chuyện mai sau Bố đang tìm mẹ Đã biết ai đâu? 20.2.17
19 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Tôi thích
Tôi thích nằm trên giường không làm gì, chỉ nhìn lên cái quạt trần đang quay. Tôi thích những ngày mất điện, bôi kem đánh răng đầy mặt và cổ, rửa đi rồi nằm ngủ mát lạnh. Tôi thích bật tivi, tắt đèn rồi khua bàn tay trước màn hình để nhìn trông giống phim kungfu. Tôi thích tiếng kính chớp cửa phòng rung lên mỗi khi mẹ tôi gọi dậy vào buổi sáng. Tôi thích tiếng ngáy của bà ngoại hoà lẫn tiếng rè của tivi hết chương trình. Tôi thích mùi xăng và mùi sơn mới. Tôi thích ăn lựu kiểu cậy từng hạt rồi bóp để cho nước lựu chảy vào miệng. Tôi thích lượn phố, cố tình nói nhỏ để em phải nhoài người lên bắt tôi nhắc lại, rồi tôi im lặng và phóng thật nhanh. Tôi thích nhặt chiếc lá bé tí rơi trên tóc em rồi lén thả thêm một vốc để lấy cớ nhặt tiếp. Tôi thích gửi cho em cả lố câu đố oái oăm, xem em giãy nảy lên rồi hôm sau mới đưa đáp án. Tôi thích không nói gì, ai làm việc nấy, mỗi lúc mỏi mắt đau tay, ngẩng đầu nhìn sang, thấy em vẫn ngồi bên cạnh.
28 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Photo
Tumblr media
Mua wacom. Vẽ ảnh bìa cho band của tôi.
8 notes · View notes
kienbuoi · 8 years
Text
Nghe kẻ mơ màng nói chuyện tương lai
Ai cũng đã, đang và sẽ nghĩ về tương lai. Rõ rồi. Những người làm nghệ thuật, chắc cũng giống tôi, nghĩ về nó rất nhiều, nhiều hơn người khác. Với phần đông người Việt, nghệ sĩ là nghề bấp bênh, khó mà kiếm được cơm ăn ổn định. Chúng mình là dân Á Đông, sống vì tập thể, mang trên vai bổn phận gánh vác gia đình, phụng dưỡng cha mẹ. Chúng mình không sống vì cá nhân như người mắt xanh mũi lõ ở xứ tự do. Cả tá miệng ăn có khi còn chưa ra đời luôn chực chờ xâu xé những tâm hồn yêu cây cỏ, kéo ta xa dần những thứ VÔ BỔ và dập tắt ngọn lửa đam mê. Ối dồi ôi đau đớn!
Còn cả cái gọi là định kiến xã hội. Chẳng gì mạnh bằng tình yêu, trừ Sôn Gô Ku. Chẳng gì mạnh bằng Sôn Gô Ku, trừ mấy bà hàng xóm lắm mồm.
- Ô thằng cu lớn nhà ABC, tóc tai quần áo loà xoà loẹt xoẹt nghe hầm hố quá nhờ? - Thì đấy, văn nghệ sĩ. Tối nào cũng thấy xách đàn đi đâu ý. Có ở nhà mấy đâu? Bố mẹ nó chắc cũng chả quản nổi. Bố nó nghiêm thế mà chs. - Chiệc chiệc. Chả biết có học hành gì không? Bố mẹ có đến nỗi nào đâu mà dạy con ra thế này nhỉ? - Thấy mẹ nó bảo học XYZ gì đấy mà? - Chắc bốc phét cho đỡ ngượng thôi. Chứ ất a ất ơ thế kia trường nào nó nhận. Bà này nhìn lành lành mà nói điêu cứ xoen xoét. - Khổ. Nhà đấy cứ mải mê kiếm tiền chả để ý gì con cái. Rồi sau này nó phá sạch cho mà xem. - Thật. Chả chóng thì chầy rồi tiêu tán hết. Nuôi thân còn chả xong lo thế nào được cho ông bà già. - Ừ. À thế thằng út nhà chị thế nào rồi? Chưa đi làm à? Vẫn nằm nhà đọc truyện à? - À…ờm… Thì cháu nó vẫn đang tìm chỗ phù hợp cô ạ. Cũng nhiều chỗ mời nhưng mà vợ chồng tôi thấy bấp bênh quá nên không cho đi. Bảo bố nó lấy cho 1 suất trên bộ mà mãi chưa lo được. - Chị xem thế nào khẩn trương lên không cứ ru rú ở nhà suốt ngày thế có ngày thành dở hơi đấy. - Ơ cái nhà cô này hay nhỉ? Con tôi ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng dở hơi là dở hơi thế nào. Lo cái nhà cô ấy. Thằng lớn mấy năm nữa về ý nhỉ đi cũng lâu phết rồi đấy? Ăn trộm cả cái tivi cơ mà đẹp mặt quá ối dồi ôi!! Cẩn thận con út nữa nhé. Con gái học xa nhà mà trường FGH đấy là nhiều đứa đi làm cave lắm đấy. Có chu cấp đầy đủ không đừng để con gái rượu vất vả nhớ! Úi giời xong đ** cầm nổi cái bằng về lại còn vác theo cái bụng kễnh ra thì sướng. Gớm chửa! - Ơ cái đ** m* con mặt l** này mày thích gây sự à? Bố mày động gì đến cái lũ nhà mày chưa? Loại gái đ*~ già mồm. Rồi chết đ** có chỗ chôn. - Á à đ** m* mày gọi ai là con đ* hả con ph* l** này??? - BỐ mày gọi mày đấy con đ* á á đmm bỏ bố mày ra đm con đ*!!! …
Nghe giống không? Gặp ở đâu rồi ý nhỉ? Có lẽ rồi.
Đấy. Bố mẹ nhìn vào, ông bà nhìn vào, họ hàng nhìn vào, xã hội nhìn vào. Họ chưa quen và cũng không muốn quen với những thứ chúng ta đang làm. Họ coi chúng ta là gánh nặng, là lũ dở hơi, chẳng biết nghĩ. Mà biết đâu chúng ta nghĩ đứt mạch máu đến nơi rồi.
Mặc kệ gia đình, mặc kệ định kiến, việc ta ta làm? Khó lắm, có phải ai cũng làm được đâu? Cha mẹ nuôi ta lớn, dạy ta khôn. Không báo hiếu được thì thôi, đằng này còn làm ê mặt người đẻ ra mình. Người ta chê mình ít chê bố mẹ không biết dạy con là nhiều.
Cay! Cay lắm chứ!
Nhiều người vượt qua được, chấp nhận đói rách để theo đuổi ước mơ. Người thành công, người không (nhiều vô kể). Người thành công thì hiển vinh, số còn lại cắn răng biến thành máy cày tiền như số đông nếu không muốn bị liệt vào thành phần ăn bám. Mà có phải ai cũng chịu được đói rách đâu? Nhất là thằng béo tham ăn như tôi.
Từ bỏ đam mê? Càng khó! Sở thích giống như gia vị, đam mê thì là cơm là rau là thịt. Gia vị còn bỏ được vài loại, chứ cơm mà bỏ là toi.
Nhiều người bỏ được, lao vào kiếm tiền, làm tròn bổn phận, sống như cái máy, không buồn không vui, vô vị. Rồi cứ cắn rứt tiếc nuối cả đời. Sống thế có phải là sống đâu?
Chúng ta làm được gì? Chẳng gì cả ngoài việc im lặng, làm thứ mình không thích để duy trì thứ mình thích, cặm cụi làm chờ ngày kiếm sống được bằng cái mình thích.
Khi nào đủ khả năng sống khoẻ với đam mê, mới đàng hoàng mà bước đi. Đừng mong những cái mồm kia im. Không có đâu. Chỉ là lúc đấy mình không còn để tâm nữa thôi.
Sống vì nghệ thuật không đơn giản. Hi sinh nhiều lắm. Khổ lắm!
Viết mãi chả thông được. Thôi. Đau đầu. Ngủ!
14 notes · View notes