Tumgik
danhnhan · 1 year
Text
-Nguyễn Ánh
- Ông vua siêu may mắn.
Sự may mắn của vua Gia Long nằm ngoài các định luật thông thường, chỉ có thể nói rằng là bậc có "chân mệnh đế vương". Điểm sơ qua mấy lần thoát chết tiêu biểu :
-Lần 1, năm 1777 cả gia tộc bị Tây Sơn thảm sát, mình Nguyễn Ánh sống sót. Ổng mới 17 tuổi chạy ra Phú Quốc trốn thì quân Tây Sơn lùng sục khắp nơi muốn nhổ cỏ tận gốc. Nguyễn Ánh thiếu thốn đủ thứ, chỉ còn biết cầu nguyện: "Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban nước ngọt và lương thực". Trong lúc tuyệt vọng, ổng dùng gươm cắm sâu xuống khe đá. Chỗ mũi kiếm cắm xuống đá nứt ra nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ào ạt. Chưa hết, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp Ánh có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm. Để ghi nhớ sự kỳ diệu này, dân trong vùng gọi đây Giếng Tiên.
-Lần 2, có lúc Nguyễn Ánh phải sống như ăn mày, Nguyễn Văn Thành chấp nhận dẹp bỏ sĩ diện của một người nho nhã, đi làm cướp để nuôi Ánh đến nỗi bị dân đánh suýt chết.
-Lần 3, Nguyễn Ánh trực tiếp so tài cùng Nguyễn Huệ, bị Nguyễn Huệ đánh tơi bời hoa lá hẹ. Thuyền chiến của Nguyễn Ánh, kể cả xịn hay dỏm, lớn hay nhỏ, đều bị Nguyễn Huệ đánh chìm và tịch thu. Binh sĩ Nguyễn Ánh sợ Tây Sơn liền bỏ chạy quắn đít, còn mỗi Nguyễn Ánh xui xẻo bị kẹt lại ở Định Tường do ngựa sa lầy xuống bùn. May sao Huỳnh Đức liều chết quay lại cứu. Huỳnh Đức một mình lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn sinh khó hiểu, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được. Đêm đó Nguyễn Ánh ngủ gục trên đùi Huỳnh Đức, ông thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa. Cảm động vì sự trung thành và tận tuỵ, chúa Nguyễn Ánh ban quốc tính họ Nguyễn cho ông, đối đãi ông như thành viên của hoàng gia. :)).
Trong một lần giao tranh, Huỳnh Đức bị chính tay trùm cuối Nguyễn Huệ bắt sống. Huệ cũng rất thích ông nên thu dụng, nhưng ông bảo là chỉ đánh quân Trịnh chứ quyết không phản Nguyễn Ánh. Về sau khi cùng Nguyễn Huệ thành công đánh quân Trịnh rồi, đã trả cái ơn không giết, Huỳnh Đức rời bỏ Tây Sơn sang đất Thái để tìm chúa cũ. Ông bất ngờ khi Nguyễn Ánh vừa về Sài Gòn. Vua Thái muốn giữ ông lại nhưng ông vẫn ra đi để tìm cho được Nguyễn Ánh phò tá mới thôi.
-Lần 4, Nguyễn Ánh sau khi liên
tiếp bị đánh bại 2 trận lớn ở Cần Giờ và Đồng Tuyên thì lực lượng tan rã gần hết. Các tướng chủ chốt mỗi người chạy một ngả. Nguyễn Ánh chạy đến Lật Giang thì không có thuyền phải cỡi trâu qua sông. Sau đó lênh đênh trên biển mấy ngày, sắp chết khát thì gặp lúc... sông Cửu Long đổ nước ngọt ra khơi.
-Lần 5, thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa rút kinh nghiệm nên càng tổ chức vây chặt đảo Cổ Long. Đảo bị vây 3 vòng mà Nguyễn Ánh không còn cả quân thủy lẫn bộ để bật lại. Đúng lúc đó bão lớn đến, thuyền Tây Sơn bị đắm phải quay về, trong khi ổng hì hục chèo forever alone giữa biển cả mênh mông chạy sang đảo Cổ Cốt thì lại thoát.
-Lần 6, Ánh đóng giả ngư dân trốn Tây Sơn ở cù lao Ông Chưởng, tuy nhiên khi thấy một cô gái sắp chết đuối liền ga lăng bay ra cứu. Sau màn thể hiện đầy nam tính vừa rồi, cô gái tên Tố Lan đổ cái rầm như một cây chuối bị sét đánh và Ánh bị kéo về nhà làm chồng theo tục lệ nơi đây. Ông cha vợ nuôi ăn ở, giúp che giấu, đồng thời đi tìm các tướng đang lưu lạc cho Ánh.
-Lần 7, Tây Sơn phát hiện nơi ẩn náu ở Đá Chồng, sắp tóm được Ánh thì Lê Phước Điển tình nguyện mặc đồ ổng để ra hy sinh lừa Tây Sơn. Điển bị chém đầu, còn ổng tiếp tục thoát sang đảo Cổ Long.
-Lần 8, Nguyễn Ánh bại trận ở sông Ngã Bảy phải chạy qua nước Chân Lạp. Tây Sơn đuổi theo, bắt vua quan Chân Lạp hàng phục và buộc tất cả những người Việt ở đấy phải về nước nhưng Nguyễn Ánh lại trốn kịp.
-Lần 9, trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Ánh có linh cảm bọn mọi Xiêm sẽ bại trận nên bỏ đi trước. Quả nhiên chuẩn đến vi khuẩn cũng phải gật gù, đi đánh đề hay mua vé số là chết nhà cái luôn đó anh Ánh. Quân Xiêm chỉ trong một ngày bị giết đến quá nửa và gần như thủy quân bị boss cuối Nguyễn Huệ quạt chả gần hết, thậm chí tướng rất thân của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp cũng tử trận. Nguyễn Ánh bị một tướng Tây Sơn tên Trân bắt, nhưng vì có ân tình trước đó nên lại được thả. Anh lại tung tăng cùng cuộc phiêu lưu còn dài phía trước.
-Lần 10, bất chấp Nguyễn Ánh khi đó chả có cái vẹo gì trong tay, toàn thua tới thua rất to, giám mục Bá Đa Lộc cầu viện Pháp không được, liền tự bỏ tiền túi ra đồng thời đi vận động bà con cô bác gần xa làm từ thiện quyên tiền giúp đỡ Ánh.
-Lần 11, Nguyễn Huệ đánh vào Gia Định 4 lần không bắt được Nguyễn Ánh, như kiểu Tom và Jerry rượt nhau suốt ngày. Đến nỗi Huệ ức chế không hiểu vì sao hắn may mắn thế, cuối cùng phải phá hủy hết lăng mộ 8 đời chúa Nguyễn để cắt "long mạch", ngăn tổ tiên hô hấp nhân tạo cho Ánh.
-Lần 12, Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh Gia Định lần thứ 5, quyết chơi khô máu với Ánh thì gặp gió ngược nên chưa thể vào nam. Tới khi sắp có gió thuận thì bỗng lăn đùng ra đột tử. Nhọ.
-Lần 13, Nguyễn Ánh chiếm được thành Quy Nhơn. Tướng Tây Sơn Nguyễn Quang Huy đánh thẳng một mạch hạ đến 25 tướng của Nguyễn Ánh, kéo tới ngay trước chân thành thách thức. Nguyễn Ánh tò mò bèn lên thành đứng xem (tính dân Việt Nam mà, như kiểu thấy tung xe cũng bu lại ngó để thỏa mãn hiếu kỳ). Quang Huy nhìn thấy ngay lập tức rút cung sắt bắn thẳng lên thành, trúng ngay vai trái khiến Ánh bất tỉnh tại chỗ. Vết thương khá nặng nhưng không chết. Ánh sau đó lại chạy thoát về miền nam.
Lần 14, Nguyễn Ánh chạy bộ còn quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Trương thì cưỡi ngựa đuổi theo. Khi Nguyễn Ánh vừa chạy qua khỏi một đoạn đường hẹp thì có một thân cây lớn mục nát đổ xuống chắn ngang đường, kỵ binh Tây Sơn không sao qua được. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Nguyễn Văn Trương sau việc trên cũng đã linh tính về chân mệnh thiên tử của chàng thanh niên này. Nên về sau khi Nguyễn Ánh trở lại Nam Bộ, ông đã xin hàng và trở thành một trong ngũ hổ tướng thân tín nhất, khai quốc công thần Nguyễn triều, lập rất nhiều công to.
-Lần 15, trong đại chiến Thị Nại, lúc thuyền chở Nguyễn Ánh chèo vào giữa biển lửa thì đúng ngay tầm bắn của hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai, đại bác nã như xả đạn vào đầm. Tướng Võ Di Nguy của ổng bị một phát bay đầu, binh lính chết từa lưa hột dưa, nhưng riêng ổng vẫn sống nhăn, chả sứt mẻ gì. Tử thần cũng bất lực với Nguyễn Ánh.
-Lần 16, Võ Tánh tình nguyện tử thủ Quy Nhơn, chịu chết để thu hút lực lượng Tây Sơn đến đây, giúp chúa rảnh tay vượt biển đánh úp Phú Xuân. Ánh đòi lại kinh thành cũ của gia tộc Nguyễn Phúc một cách dễ dàng.
-Lần 17, Nguyễn Ánh giao tranh kịch liệt với Bùi Thị Xuân ở Trấn Ninh, đang gần thua thì vua Tây Sơn Quang Toản sợ hãi bảo rút lui, thế là lật kèo, thắng ngoạn mục và từ đó tiêu diệt luôn Tây Sơn.
-Lần 18, lúc Gia Long ra công trường để giám sát việc xây lăng, đang ngồi trong nhà thì bỗng gió giật một phát đổ sụp xuống. Hai hoàng tử bị trọng thương, nhiều quan khác chết tại chỗ. Thiệt hại ước tính vài trăm triệu vnd. Thế nhưng ổng vẫn sống nhờ kịp chui xuống hố, phản xạ nhanh như vận động viên do có kinh nghiệm nhiều năm hành tẩu giang hồ, chỉ bị dập chân, u đầu do xà rơi trúng.
Và còn rất rất nhiều lần bị Tây Sơn dí, phải núp lùm, bơi trên sông mà vẫn thoát, chưa kể còn được nhiều quý nhân cứu giúp và hỗ trợ (25 năm lưu lạc cơ mà). Nói chung trời cho quá nhiều cơ hội, không làm vua cũng hơi phí. Mong sau này sẽ có một bộ phim công bằng hơn vì đời ổng cũng chả khác phim =)).
Phạm Vĩnh Lộc
0 notes
danhnhan · 1 year
Text
DOÃN CHÍ BÌNH
Theo Sohu, Doãn Chí Bình (1169 – 1251) là người sống vào thời Bắc Tống (cùng thời điểm với những diễn biến xảy ra trong 2 bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ). Ngay từ khi còn nhỏ, Doãn Chí Bình đã tỏ ra là người hâm mộ Đạo giáo và nổi tiếng thông minh. Ông có trí nhớ cực tốt và có thể học được 1.000 chữ trong vòng một ngày.
Tổ tiên ông là một gia đình quan chức trong triều đại Bắc Tống, cha và tổ tiên của ông là những người tốt bụng và rộng lượng. Năm 1182, ông gặp Mã Ngọc và bắt đầu con đường trở thành một đạo sĩ. Từ năm 1187 đến 1190, ông bị cha mình bắt phải về nhà và giam lỏng ông vì không muốn con trai làm đạo sĩ mà muốn ông tiếp nối truyền thống làm quan của gia đình.
Nhưng ông cứ mỗi lần như vậy, lại tìm cách trốn thoát để tiếp tục con đường tu đạo. Cuối cùng, cha ông không thể nào ngăn cản ông nên đành phải đồng ý. Ông đến Lạc Dương thăm đệ tử của Vương Trùng Dương, Lưu Xứ Huyền, người cùng quê với ông làm sư phụ, chính thức bước trên con đường trở thành một đạo sĩ chuyên nghiệp, lấy đạo hiệu là Thanh Hoà Tử. Sau khi thực hành Đạo giáo ở Tây An, Doãn Chí Bình đến Phật Sơn để chăm sóc người nghèo và người yếu đuối.
Năm 1191, ông lại bái Khâu Xứ Cơ, người nổi tiếng nhất Toàn Chân thất tử làm sư phụ. Năm 1220, ông cùng Khâu Xứ Cơ đến Samarkand để bái kiến Thành Cát Tư Hãn. Năm 1227, khi Khâu Xứ Cơ mất, đã truyền chức vị chưởng giáo lại cho ông. Doãn Chí Bình trở thành chưởng giáo thứ 6 của Toàn Chân giáo.
Trong chiến tranh Mông – Tống, Doãn Chí Bình chú trọng việc cứu giúp những người dân gặp nạn và đứng ngoài cuộc chiến. Ông nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi và được người dân yêu quý.
Theo Sohu, khi người dân khắp nơi tới Thái Cực Cung (trụ sở chính của Toàn Chân giáo ở Bắc Kinh) dâng cống vật để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, Doãn Chí Bình đã một mực từ chối:
“Công đức của tôi quá nông cạn, làm sao chịu nổi lễ vật và hương hỏa ở đây?”
Doãn Chí Bình sau đó rời khỏi Thái Cực Cung – nơi ở của nhiều đời chưởng môn phái Toàn Chân – tìm tới một căn lều cỏ ở sau núi Chung Nam tu luyện.
Năm 1238, Doãn Chí Bình một mực từ chức trưởng môn phái Toàn Chân bất chấp sự ngăn cản của nhiều đệ tử. Ông dành phần đời còn lại sống ẩn dật và nghiên cứu Đạo giáo.
Trong quá trình tìm hiểu Đạo giáo, Doãn Chí Bình cho rằng trạng thái giác ngộ có liên quan rất lớn đến việc tích lũy công đức của con người và những hành động ở kiếp này có thể ảnh hưởng tới nhiều kiếp sau. Ông cho rằng, việc lựa chọn tu tập theo Phật giáo hay Đạo giáo đều không quan trọng. Tín đồ chỉ cần tích thật nhiều công đức, bài trừ dâm dục, đạt đến sự thanh thản trong tâm hồn là có thể tìm tới giác ngộ.
Theo Sohu, Doãn Chí Bình là người đặc biệt thích ngao du, truyền giáo. Ông cũng có công xây dựng và tu sửa hơn 100 đền thờ Đạo giáo ở Trung Quốc. Doãn Chí Bình cũng để lại cho hậu thế 3 cuốn “Bảo Quang tập”, khuyên con người tích cực làm điều thiện, buông bỏ sắc dục.
Năm 1251, Doãn Chí Bình qua đời. Mười năm sau, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) truy phong ông danh hiệu Thanh Hoà Diệu Đạo Quảng Hoá Chân Nhân. Năm 1310, Doãn Chí Bình được Nguyên Vũ Tông (Khúc Luật Hãn) truy tặng danh hiệu Thanh Hoà Diệu Đạo Quảng Hoá Sùng Giáo Đại Chân Quân.
Có thể thấy rằng Doãn Chí Bình trong lịch sử là vị đạo sĩ đức cao vọng trọng, không màng danh lợi và đặc biệt là không ham mê nữ sắc như miêu tả trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.
Về nhà văn Kim Dung, ông bị người trong Đạo Giáo có thành kiến rất nhiều. Họ xem ông là một người đã làm ô uế đi danh tiếng của bật tôn sư Doãn Chí Bình.
Sau này, Kim Dung phải đổi tên Doãn Chí Bình trong tác phẩm thành Chân Chí Bình nhưng cũng không được lòng Đạo giáo và cả khán thính giả vì họ đã quá quen với người họ Doãn trong nguyên tác.
Kim Dung yêu cầu các nhà làm phim không miêu tả quá rõ cảnh Doãn Chí Bình và Cô Cô khi thực hiện các bộ phim từ tiểu thuyết của ông để nhằm tôn trọng Doãn Chí Bình
Tôi tổng hợp dựa trên Wikipedia và 24h.
0 notes
danhnhan · 1 year
Text
THẦN ĐỒNG TOÁN HỌC THỜI XƯA.
Vũ Hữu (1437 – 1530), người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), là một nhà toán học người Việt và một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông.
Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp (tức Tiến sĩ) cùng khoa với Lương Thế Vinh khoa thi năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông.
Từ bé Vũ Hữu còn sớm thể hiện năng khiếu về tính toán. Trong làng trong xóm có sự tranh chấp gì về chia chác ruộng đất đều nhờ cậu tính toán, phân xử giúp. Tiếng đồn về tài toán của cậu lan ra khắp vùng Đường An, trấn Hải Dương.
Một lần, Vũ Hữu theo cha là ông Vũ Bá Khiêm sang nhà bạn chơi. Chủ nhà có một chiếc điếu cày được nạm bạc rất đẹp nhưng cái nõ lại bằng đồng. Muốn thay nhưng chưa biết phải ứng ra bao nhiêu bạc bèn nhờ Vũ Hữu tính hộ.
Vũ Hữu xin đem đến một chiếc đĩa, cậu đặt chén nước vào trong lòng đĩa, rồi nhẹ nhàng rót nước đầy đến miệng chén, nhưng không để trào ra một giọt nào. Sau đó cậu nhúng chìm chiếc nõ điếu vào chén nước. Nước bị chiếc nõ choán chỗ trào ra ngoài, chảy xuống bát. Đong số nước trào ra trong bát chính là thể tích của chiếc nõ. Ông chủ cứ theo đó để xuất bạc nén cho thợ làm nõ điếu thì vừa vặn.
Vũ Hữu thi đỗ Hoàng giáp năm 20 tuổi, được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức lang trung ở Khâm hình viện.
Sách Công dư tiệp ký còn ghi lại câu chuyện Vũ Hữu sửa chữa các cổng thành Thăng Long. Trong khi các viên quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và dự toán kinh phí, thì Vũ Hữu dẫn mấy thợ cả đến thị sát và đo đạc tỉ mỉ từng cửa thành, rồi tính ra số lượng gạch rất cụ thể. Thượng thư bộ Công có ý nghi ngờ.
Thấy vậy, Vũ Hữu đứng lên thưa: Bẩm thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên. Một viên quan khác được dịp xúc xiểm: Bẩm tâu, đã vậy xin quan lang trung làm cam kết nếu sai lệch sẽ bị trị tội.
Vua hỏi: Các quan có ý như vậy, khanh có dám nhận không? Vũ Hữu đáp: Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý.
Ngay hôm ấy, Vũ Hữu sai mua gạch xếp từng chồng ngay ngắn bên cổng thành Đông Hoa. Hôm sau, khi công việc đã hoàn tất, một viên quan tỏ vẻ đắc ý, mách với vua: Tâu bệ hạ, ở đây vẫn còn thừa một viên ạ.
Vũ Hữu đỡ viên gạch và tâu: Bẩm bệ hạ và các vị đại thần, viên gạch này không thừa đâu. Tại mặt tường phía đông bên kia ở trên cao có một viên gạch bị mủn vỡ, thần đã cho thửa riêng viên gạch này để thay thế. Mọi người bán tín, bán nghi, Vũ Hữu dẫn vua sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít. Vua Lê rất đẹp lòng.
Vũ Hữu làm quan có tính cẩn thận, cần mẫn, sống liêm khiết, nên ngày càng được vua tin dùng, thăng lên tới chức Thượng thư bộ Hộ, rồi Thượng thư bộ Lễ, sau được phong hàm Thái bảo, tước Trùng Dương Hầu.
Vũ Hữu được trọng dụng, giữ làm quan trong triều đến năm 70 tuổi mới được cho về nghỉ hưu. Về trí sĩ tại quê nhà, nhưng mỗi khi vua cần đến lại cho mời ông ra hỏi ý kiến. Ông thọ đến 93 tuổi mới mất.
——
Lương Thế Vinh để lại cho đời cuốn Đại thành toán pháp, còn Vũ Hữu là tác giả cuốn Lập thành toán pháp. Cả hai cuốn ấy đều trở thành sách giáo khoa về toán cho học trò nước ta hàng mấy thế kỷ.
Lập thành toán pháp bao gồm những kiến thức cơ bản về hình học và số học, hướng dẫn cách đo lường ruộng đất theo các đơn vị mẫu, sào của nước ta, tính toán các công trình xây dựng, kiến trúc, đào đắp kênh mương, đê điều...
Nguồn:Quê Hương
Minh hoạ:Phạm an Vinh
0 notes
danhnhan · 3 years
Text
Tumblr media
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam
Ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn (Sài Gòn), cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của các thí sinh sống tại khu vực phía Nam. Khác với các cuộc thi người đẹp thời hiện đại, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên này không hề có màn trình diễn áo tắm. Thí sinh đăng quang là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và là chị của hai người em, một trai một gái. Năm bà 10 tuổi, cha bà được điều động vào Sài Gòn làm việc, bà và gia đình theo ông vào miền Nam. Hoa hậu Công Thị Nghĩa chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng 86 - 62 - 88 cm và nặng 53 kg. Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh, cũng người Hà Nội di cư và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên ĐH Cần Thơ.
Bà Công Thị Nghĩa được biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử. Năm 1950, bà tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt vào khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bốt Catinat - nay là trụ sở của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, sau đó bị chuyển qua Khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Vào tháng 6/1953, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát cho Thu Trang, giúp bà giành lại cuộc sống tự do. Ra tù, bà Thu Trang trở thành một nữ nhà báo, bà còn làm thơ, truyện ngắn, truyện dài. Trong một lần bà được tòa soạn cử đi lấy tin về cuộc thi Hoa hậu 1955, vài người quen biết trong ban tổ chức đã khuyên bà đăng ký dự thi. Cơ duyên này đã giúp Thu Trang bước lên ngôi vị cao nhất sau đó.
Từ đầu năm 1956, bà bước vào lĩnh vực điện ảnh với các vai diễn trong phim "Chúng tôi muốn sống" với vai Kiều Nguyệt Nga trong phim "Lục Vân Tiên" (đạo diễn Tống Ngọc Hạp). Năm 1957, Hoa hậu – diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem Lục Vân Tiên sang Nhật để lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Chuyến đi chỉ có 2 người. Bà cũng không ngờ đó là bước khởi đầu của một cuộc tình oan trái. Sau chuyến đi, bà mang thai trong sự chỉ trích nặng nề của dư luận. Bà bị sốc nặng, vì đón mình ở sân bay là một đám đông cuồng nộ. Bà kể: Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy. Trong hồi ký của mình, bà cũng kể tỉ mỉ về chiếc vali chứa đồ sơ sinh chuẩn bị cho con trai bị xé nát; quần áo, nữ trang bị mất, chỉ còn hình ảnh, giấy tờ cần trong bóp tay là lành lặn. Nhà sản xuất người Ấn Độ tên Robert phải dẫn bà ôm bụng tháo chạy trên xe hơi riêng của ông để thoát khỏi sự giận dữ của đám đông.
Bỏ qua những điều tiếng, Hoa hậu Thu Trang vẫn quyết định sinh con trai là Tống Ngọc Vân Tiên và tiếp tục sống tại Sài Gòn. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, bà Thu Trang giãi bày: Tình bạn giữa chúng tôi có từ khi gặp gỡ nhau trên quan niệm văn nghệ, lúc bấy giờ tôi đang giữ trang Phụ Nữ cho tờ Lẽ Sống. Ông Hạp đã hiểu biết tôi qua những bài vở của tôi. Từ tình bạn đến tình yêu cũng không bao xa. Tôi biết ông ấy có gia đình nhưng theo lời ông thì vợ chồng ông đang ở trong thời kỳ ly thân, hai người đang xúc tiến đến việc ly dị, trước khi ông quen biết tôi… Ngay khi ở Sài Gòn (lúc chưa sang Nhật), ông Hạp cho tôi biết ông không thể ly dị một cách hợp pháp, vì ông không có hôn thú. Ông ấy đã giải quyết việc trả tự do cho nhau bằng sự thỏa thuận giữa vợ chồng ông. Hình như hai người có làm giấy với nhau, ông Hạp cho bà Nguyệt hết cả nhà cửa tiền bạc. Như thế tất nhiên trên phương diện pháp lý ông ta là người… hoàn toàn tự do.
Tin lời người tình, nàng Hoa hậu chưa từng nếm mùi trái cấm sa ngã vào cuộc tình ngang trái. Ở Nhật, đạo diễn Hạp ngỏ lời cầu hôn bà và viết thư xin phép đằng gái. Bà kể lại: Thân phụ tôi có trả lời và bắt buộc là song thân ông Hạp đứng làm chủ hôn mới được. Nhưng vì lý do phải hoàn thành cho xong cuốn phim, nên tôi kẹt ở lại Nhật lâu. Và cũng vì tin lời ông Hạp đã li dị xong, tất nhiên không có gì trở ngại nữa thì sự thành hôn ở đâu cũng được. Hơn nữa, tôi có ý ở lại bên Nhật ít lâu để học thêm về điện ảnh. Sau đó, không có một đám cưới nào diễn ra, một phần vì gia đình ông Hạp phản đối. Bà kể lại trong cuộc phỏng vấn: Gia đình tôi định đưa nội vụ ra pháp luật, nhưng tôi không muốn đưa vấn đề tình cảm ra trước tòa, thà là giải quyết êm đẹp với nhau, như thế tránh đau khổ cho tôi. Vì vậy, tôi chỉ mong ước sao vợ chồng ông Hạp hàn gắn lại với nhau. Tôi rất sẵn sàng hủy bỏ cuộc hôn nhân này (cuộc hôn nhân trong ảo tưởng) bất cứ lúc nào.
Năm 1956, những người "kháng chiến cũ" bị truy bắt, nhận được "thư rơi" của các đồng chí cũ mật báo, Thu Trang đã quyết định rời Sài Gòn. Chế độ Diệm thời đó cho rằng, sự ra đi yên lành của bà là đã "để mất một Việt cộng". Cuối năm 1957, một nhóm các nhà làm phim người Mỹ đến Việt Nam để dự định thực hiện bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” dựa trên tiểu thuyết đang ăn khách lúc đó. Đạo diễn Mankiewicz đã nhắm Thu Trang cho vai diễn cô gái Việt trong phim nhưng bà từ chối gặp. Bà từ chối một cơ hội quý để tìm đường đến kinh đô điện ảnh Mỹ, chọn làm mẹ trong bình an. Sinh con xong, bà xin vào làm việc ở một công ty nước ngoài để tránh điều tiếng. Đột nhiên lâm vào tình cảnh “chửa hoang”, bị người hâm mộ quay lưng nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà suy chuyển.
Thời gian sau bà sang sinh sống tại Pháp rồi thi vào đại học, chuyên ngành cao học lịch sử Phương Đông của Đại học Sorbone. Tại trường học, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Bà đã gặp chân ái cuộc đời mình - ông Marcel Gaspard, người sau này là bạn đời của mình trong những năm tháng đó. Để duy trì được cuộc sống và việc học ở đây, bà đi làm gia sư và làm thông dịch viên tiếng Anh. Bà đã bảo vệ luận án Tiến sĩ Sử học với đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp". Bà cũng là người viết cuốn "Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 – 1923" (Cuốn sách này đã được in tại Việt Nam). Những thông tin, hình ảnh về cuộc sống hôn nhân của bà cũng không được tiết lộ. Nhưng nhìn ánh mắt rạng rỡ, tự tin trong những bức ảnh gần đây nhất, có thể phỏng đoán rằng, cuộc sống bên Giáo sư y khoa Marcel Gaspard nơi đất Pháp của bà khá hạnh phúc và an yên.
Năm 1978 bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại Đại học Paris 7 tại Pháp. Bà cũng miệt mài đóng góp cho những hoạt động của người Việt tại Pháp, hỗ trợ giúp đỡ du học sinh. Bà cũng thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi họ có dịp qua Pháp. Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn tiếp tục viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách và năm 1990, được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt nam được yêu mến của thế kỷ 20. Ở tuổi xế chiều, bà được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Việt Nam. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ thân phận mình là Hoa hậu Thu Trang.
Nhiều người đồn đại Thị Nghĩa từng là người tình của thi sĩ Bùi Giáng sau khi bà sinh con. Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng trong bài thơ “Mắt buồn” là: “Còn hai con mắt, khóc người một con” chính là viết cho riêng bà. “Khóc người một con”, tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con, chứ không liên quan gì đến chuyện… nhãn cầu. Bài thơ này sau đó được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc “Con mắt còn lại”. Thi sĩ Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho riêng bà, có bài công bố, có bài không. Trong tập “Mưa nguồn” in năm 1962, ông viết: “Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này”. Do khi còn là nhà báo, Công Thị Nghĩa lấy bút danh là Thu Trang, bởi thế trong bài thơ viết cho người tình, Bùi Giáng dành tặng cho bà những lời lẽ vô cùng thiết tha: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ Trang rất tệ”. Sau này, họa sĩ Bửu Ý cũng công bố bài thơ này do họa sĩ chép lại từ thơ Bùi Giáng tặng riêng cho nàng thơ Thu Trang.
Đó là mối tình đơn phương thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách của thi sĩ Bùi Giáng. Vì Thu Trang, dù có gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương nhưng nhất mực cự tuyệt tình yêu của Bùi Giáng cũng như của những người đàn ông khác muốn đến với mình. Trong hồi ký, bà kể về kỷ niệm lần gặp gỡ với thi sĩ vào một ngày mưa năm 1961, khi bà sắp sang Pháp. Bằng cảm quan của một nghệ sĩ, ông biết bà đi là không trở lại. “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”. Từ đó về sau, họ không gặp nhau nữa.
#thutrang
1 note · View note
danhnhan · 10 years
Photo
Tumblr media
Nhà thơ Hữu Loan
Theo báo chí trong nước, Thi sĩ Hữu Loan đã từ trần tại nhà riêng ở Thanh Hóa vào chiều tối ngày 18/03/2010. Tên tuổi Hữu Loan đặc biệt gắn liền với bài thơ "Mầu tím hoa sim" đã từng làm rung động trái tim của biết bao thế hệ. Thế nhưng Hữu Loan còn được biết đến như là một nhà thơ đầy khí phách trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan còn có tên khác là Nguyễn Văn Dao. Ông sinh ngày 12/4/1916, tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Từ 1936 đến 1942, Hữu Loan đã tham gia các phong trào thanh niên chống Pháp. Ông đỗ tú tài năm 22 tuổi. Sau đó đi dạy học. Từ 1943 đến 1945, tham gia phong trào Việt Minh tại quê nhà, tham dự ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hoá. Về thời kỳ này, ông kể: "Những năm 1943, 1944, 1945, Nhật đánh Pháp ở ta dữ dội, trường tư tôi dạy phải đóng cửa, tôi về quê vừa làm ruộng, đánh cá để nuôi bố mẹ và để hoạt động Việt Minh bí mật. Mấy năm ấy đói to. Bố mẹ tôi vẫn phải nhịn cháo rau cho cán bộ Việt Minh bí mật về ăn. Những người cùng ở ban khởi nghĩa với tôi làm to cả, gia đình nào bố mẹ cũng sung sướng, nguyên tôi lại về. Mẹ tôi buồn ốm chết. Bố tôi chửi tôi: "Mày làm Việt Minh chặt hết của tao một giặng tre để rào làng, rào giếng"
Sau cách mạng tháng tám, ông vào bộ đội. Năm 1949, ông chỉ được phép về nhà mấy ngày để làm đám cưới (người vợ đầu, mới 16 tuổi). Trở lại chiến khu, ba ngày sau, được tin vợ chết đuối, Hữu Loan làm Màu Tím Hoa Sim, trở thành một trong những tác phẩm lãng mạn nhất thời kháng chiến. Bài thơ bị cấm, nhưng vẫn được truyền tụng ngầm. Đến khi Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bùng nổ, Nguyễn Bính cho đăng lần đầu trên báo Trăm Hoa. Sau này Phạm Duy phổ nhạc ở miền Nam. Hữu Loan hoạt động bên cạnh tướng Nguyễn Sơn ở Liên Khu Tư (Thanh Hoá).
Ông ủng hộ chính sách biệt đãi văn nghệ sĩ của tướng Nguyễn Sơn. Vì chống đường lối thân Tàu của Trung Ương, tướng Nguyễn Sơn bị cách chức và bị gửi trả về Trung Quốc. Hữu Loan đề nghị giữ Phạm Duy ở lại, nhưng không được. Ông bèn trở về đi cày. Đến năm 1954, sau ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội, Hữu Loan trở lại công tác ở Hội Nhà Văn, làm biên tập viên cho báo Văn Nghệ. 1956, Hữu Loan tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Trong thời kỳ này, bài thơ nổi tiếng xác định phong cách Hữu Loan là bài Cũng những thằng nịnh hót đăng trên Giai Phẩm Mùa thu, tập I Những người yêu thơ tình, không ai không biết đến bài thơ "Màu tím hoa sim đầy xúc động". Đằng sau đó là một câu chuyện còn sâu sắc hơn, đau đáu hơn của tác giả Hữu Loan.
Xin trích đăng những dòng tự thuật của chính nhà thơ Hữu Loan: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuấn, Đỗ Thiện và…tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái Thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới. Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời.
Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt ….. Có lần tôi kể chuyện ”bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành…
Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi ….. Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi: - Thầy có thích ăn sim không ? Tôi nhìn xuống sườn đồi tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ… Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng. - Thầy ăn đi. Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ: - Ngọt quá!
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì… tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó…
Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa. Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ … Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp… Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ”soạn kịch bản”. Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: "yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo.
Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại….. Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.
Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn… Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội…
Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng… Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu tím hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết. ”Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời... từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều... không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi! 
Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng…
Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi …
Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm! Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền.
Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông . Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách....
Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc.... Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. Sự quyết định của tôi không lầm.
Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no… Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ... Năm 1988, tôi "tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió.
Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu tím hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán".
Nhà thơ Hữu Loan Clip Những đôi hoa sim (Hoang Oanh- Mai thiên Vân)
0 notes
danhnhan · 10 years
Photo
Tumblr media
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang
Từ tháng 3, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (SN 1976, quê Cà Mau, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.  
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Trước khi công tác tại Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị là phó hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM. Ông Nghị có bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington (Hoa Kỳ), ông giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng từ tháng 11/2011 khi mới 35 tuổi.
Ông Nghị hiện 38 tuổi, là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng. Ông là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
0 notes
danhnhan · 10 years
Photo
Tumblr media
Lê Trương Hải Hiếu - Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM
Ông Lê Trương Hải Hiếu sinh năm 1981, là con trai của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM.
Ông từng theo học khoa Luật thương mại (ĐH Luật TP.HCM), 4 năm liền tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh với vai trò thủ lĩnh. Ông Lê Trương Hải Hiếu  Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM.
Từ 2005 đến 2007, ông Hiếu được thành phố cử đi học cao học ngành Quản trị kinh doanh ở Mỹ, từ một chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ của Thành ủy. Về nước, ông Hiếu công tác tại Thành đoàn TP.HCM, sau đó làm Bí thư Quận đoàn 1.
Trước khi trở thành Phó chủ tịch quận 1, ông Hiếu là Bí thư phường Bến Thành (quận 1). Ông Lê Trương Hải Hiếu cũng được biết đến là cán bộ trẻ năng động thế hệ 8x với nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính khi làm Bí thư phường,
Đáng chú ý là việc áp dụng phần mềm điện tử quản lý dân cư bằng dấu vân tay.
0 notes
danhnhan · 10 years
Photo
Tumblr media
Nguyễn Minh Triết - Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định 24 tuổi
Như tin tức đã đưa từ trước, thạc sỹ Nguyễn Minh Triết sinh năm 1990, con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được T.Ư Đoàn cử về Tỉnh đoàn Bình Định từ tháng 6 vừa rồi.
Anh Nguyễn Minh Triết (áo trắng) làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định nhiệm kỳ 2013 - 2017. Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết là Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam.
Anh Triết từng là học sinh chuyên Lý trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), sang Anh từ năm 2004 và học A-level (dự bị đại học) ở Michael College. Năm 2006, anh bắt đầu học tập tại Đại học Queen Mary cho tới 2009. 
Sau 7 năm tu nghiệp ngành kỹ thuật hàng không và chế tạo máy,Minh Triết được cấp bằng Thạc sỹ Kỹ thuật Ðộng cơ Siêu thanh. Minh Triết được Ðại Học Queen Mary (London) cấp học bổng học tiếp tiến sĩ, làm giảng viên cùng những cơ hội công việc hấp dẫn khác, nhưng anh chọn trở về Việt Nam để cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nước.
Việc thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, thủ lĩnh của hơn 7.500 du học sinh Việt Nam tại Anh, bất ngờ về nước làm cán bộ Đoàn khiến bạn bè ngỡ ngàng.
0 notes
danhnhan · 10 years
Photo
Tumblr media
Ông Nguyễn Bá Cảnh - Thành ủy viên trẻ nhất của Thành uỷ Đà Nẵng
Ông Nguyễn Bá Cảnh (31 tuổi, quê Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) - con trai của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh vừa được chỉ định vào Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Cảnh - Thành ủy viên trẻ nhất của Thành uỷ Đà Nẵng. Trong danh sách 4 Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng vừa được chỉ định, ông Nguyễn Bá Cảnh là người trẻ nhất.
Ông Nguyễn Bá Cảnh từng là học sinh xuất sắc của Trường THPT Phan Chu Trinh. Ông Nguyễn Bá Cảnh (phải) trong ngày được bầu làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng (4/2/2013).
Ông thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với số điểm cao, từng đi du học và có trình độ thạc sĩ quản lý công, cao cấp chính trị. Trước đó, ông Cảnh từng đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng, Phó bí thư, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng.
0 notes